Chương I

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tên đề tài : Vẻ đẹp của truyện cổ tích Việt Nam.
Nhóm học sinh thực hiện: thành viên tổ 2.
Tiêu đề: Vẻ đẹp của truyện cổ tích Việt Nam qua truyện cổ tích Tấm Cám.
I. Mở đầu
1. Lí do chọn đề tài.
Thế giới cổ tích trong văn học Việt Nam từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của tuổi thơ mỗi con người. Không chỉ vậy, truyện cổ tích còn là tấm gương soi chiếu vẻ đẹp tâm hồn của người Việt thời xa xưa và đồng thời còn mang giá trị lớn lao về mặt nghệ thuật hay các nghiên cứu văn học. Vẻ đẹp của truyện cổ tích dân gian bao gồm cả ở mặt nghệ thuật và ở mặt nội dung, từ cách xây dựng nhân vật đến cách xây dựng các tình huống, tác giả dân gian đã cho ta thấy nhiều điều về đời sống xã hội cũng như đời sống tinh thần của nhân dân. Từ góc nhìn cá nhân, chúng em nhận thấy truyện cổ tích "Tấm Cám" có thể coi là tác phẩm truyện cổ tích tiêu biểu, phản ánh gần như tất cả mọi khía cạnh tiêu biểu của truyện cổ tích dân gian Việt Nam. Vì vậy đó là lí do mà nhóm chúng em lựa chọn nghiên cứu đề tài này và lấy truyện cổ tích "Tấm Cám" làm cơ sở nghiên cứu.
2. Mục đích nghiên cứu.
Mục đích của việc nghiên cứu vẻ đẹp của truyện cổ tích Việt Nam thông qua truyện cổ tích Tấm Cám:
     + Thứ nhất, muốn làm rõ các khía cạnh độc đáo và đặc sắc của truyện cổ dân gian.
      + Thứ hai, mong muốn tìm tòi và khám phá sâu hơn về truyện cổ tích nói chung và cổ tích "Tấm Cám" nói riêng. Những chi tiết đặc sắc trong cách xây dựng nhân vật, cốt truyện và cách sắp xếp các chi tiết thể hiện tâm lí nhân vật của truyện "Tấm Cám" mang màu sắc rất riêng và có rất nhiều dữ liệu đáng để khai thác.
     + Thứ ba, từ bài nghiên cứu này chúng em muốn rút ra kinh nghiệm và chuẩn bị kĩ càng, chuyên nghiệp hơn cho các bài nghiên cứu trong tương lai.
3. Các câu hỏi nghiên cứu.
• ​Câu hỏi 1 : Truyện cổ tích là gì? Hoàn cảnh ra đời của truyện cổ tích ảnh hưởng thế nào đến nội dung và ý nghĩa của các câu chuyện.
• ​Câu hỏi 2: Vẻ đẹp của truyện cổ tích được thể hiện qua các yếu tố nào? Mỗi yếu tố đó được thể hiện thế nào thông qua truyện cổ tích " Tấm Cám"?
• ​Câu hỏi 3: Thông qua các dữ liệu và kết quả nghiên cứu, vẻ đẹp của truyện cổ "Tấm Cám" nói riêng và truyện cổ tích nói chung thể hiện điều gì về đời sống tinh thần của nhân dân thời xưa? Những vẻ đẹp đó tạo ra ảnh hưởng thế nào đến đời sống tinh thần và đời sống xã hội của nhân dân ngày nay?
4. Phương pháp nghiên cứu.
- Sưu tầm tư liệu từ mạng xã hội, các bài báo, các bài viết và bài nghiên cứu về truyện cổ tích, truyện "Tấm Cám".
- Phân tích văn bản Tấm Cám và so sánh, đối chiếu các dữ liệu tìm được, liên kết với các định nghĩa và nét đặc trưng của truyện cổ tích, từ đó chỉ ra vẻ đẹp của truyện cổ tích Việt Nam.

II. Báo cáo kết quả nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu của nhóm 2 sẽ được trình bày ngay sau đây:
1. Khái niệm truyện cổ tích.
- Truyện cổ tích Việt Nam là những truyện cổ tích được người Việt truyền miệng trong dân gian để kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật quen thuộc như nhân vật tài giỏi, dũng sĩ, người mồ côi, người em út, người con riêng,....
- Truyện cổ tích được chia làm ba thể loại chính, gồm có:
  • Truyện cổ tích mang tính phiêu lưu: nội dung của thể loại truyện này là hành trình khám phá, phiêu lưu của các nhân vật giả tưởng.
• Truyện cổ tích về loại vật: Nhân vật chính là con vật, muôn loài được nhân hoá," thổi hồn người" và qua đó hướng đến những ý nghĩa bài học làm người, đạo lý xã hội.
   • Truyện cổ tích thần kỳ: là cốt truyện mang xu hướng hư ảo, thần kỳ về các con vật, sự việc hoàn toàn không có trong cuộc sống như chuyện về chằn tinh, mãng xà,...hay là người đội lốt thú vật, quả thị như truyện “Tấm Cám”, “Sọ Dừa”… Đây cũng là thể loại truyện cổ tích phổ biến, đa dạng nhất trong nền văn học dân gian Việt Nam.
  
- Hoàn cảnh ra đời & tác động của hiện thực xã hội đến nội dung của truyện cổ tích: Theo một số nghiên cứu, truyện cổ tích ra đời từ thời cổ đại, có mầm mống manh nha từ thể loại thần thoại đi qua truyền thuyết và phát triển bùng nổ trong thời kỳ hình thành và phát triển của xã hội phong kiến. Chế độ quân chủ chuyên chế, thể chế xã hội phân chia giai cấp đã tạo ra hai tầng lớp xã hội là giai cấp quan lại quý tộc và giai cấp nông dân. Dưới sức ép của quyền lực, người bị áp bức, bóc lột luôn là giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động thấp cổ bé họng, không có tiếng nói. Chính vì vậy, những tác phẩm dân gian - tiêu biểu là truyện cổ tích ra đời như một cánh cửa diệu kì dẫn đến thế giới mới, trở thành nơi nhân dân trút hết bao khó khăn đau khổ phải chịu trong đời sống ngày thương và mơ ước, khát khao một cuộc sống tốt đẹp, thuận lợi, công bằng. Từ ảnh hưởng của thực tại xã hội trong giai đoạn mà truyện cổ tích phát triển lớn mạnh nhất, những câu chuyện không chỉ còn đơn thuần là bài học đạo đức, hướng con người ta đến cái thiện mà qua đó, nó còn phản ánh mặt tối của xã hội phong kiến đương thời. Người hiền lành luôn bị ganh ghét, đố kị hãm hại trong khi đó, những kẻ ác gây ra biết bao đau khổ cho người khác lại nhởn nhơ, thảnh thơi hưởng thụ. Qua những câu chuyện cổ tích, nhân dân ta tạo ra một thế giới nơi công bằng luôn tồn tại, nơi mà " gieo nhân nào thì gặt quả ấy", điều ác phải nếm trái đắng, bị trừng phạt thích đáng và điều tốt được ban phước lành.

2. Vẻ đẹp của truyện cổ tích qua góc nhìn của truyện "Tấm Cám".

2.1. Vẻ đẹp nội dung : giá trị nhân đạo sâu sắc và khát khao, ước mơ hướng đến tương lai tươi đẹp.

Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống, phản ánh cái đói khổ, bất công của xã hội mà người trải qua là nhân dân lương thiện, chất phác, thật thà.Đến với truyện cổ tích, nội dung đó lại càng được bộc lộ một cách rõ ràng, chân thực. Bên cạnh các sáng tạo nghệ thuật và các chi tiết kì ảo mộng mơ, nội dung của truyện cổ tích gắn liền với nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động.
   Một trong số những nét đẹp tiêu biểu của truyện cổ tích là giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện qua hai khía cạnh: quan tâm đến những người dân thường bị áp bức và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của họ.
   Trước hết, sự quan tâm đến những dân thường bị áp bức trong truyện cổ tích được thể hiện qua việc hầu như tất cả nhân vật chính của truyện cổ tích đều là những người có hoàn cảnh éo le, bị chèn ép và hãm hại, xa lánh. Nguồn gốc của những bất hạnh và đau khổ đó đa số đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn, rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội. Truyện cổ tích "Tấm Cám" đánh dấu sự rạn nứt trong các mối quan hệ xã hội - cụ thể là mẫu thuẫn trong gia đình giữa dì ghẻ với con chồng - cũng như sự bắt đầu nảy sinh những xung đột mang mầm mống của cuộc đấu tranh giai cấp. Bởi thế câu chuyện chính là sự phản chiếu tâm hồn của những người bị áp bức mong muốn có một cuộc sống công bằng và tốt đẹp hơn. Cô Tấm mồ côi cha mẹ từ sớm, phải làm kẻ hầu người hạ cho hai mẹ con dì ghẻ và đứa em toan tính, ích kỉ, nếm bao nhiêu cay đắng của cuộc đời, của sự đày đoạ, hành hạ từ ghen ghét mà ra. Những bất hạnh trong đời nàng đến hết sức dồn dập, không cho cô gái ấy một phút giây nào ngơi nghỉ. Từ bé đến lớn, Tâm luôn là người lo toan hết mọi công việc nhà từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc như dọn nhà, giặt đồ, nấu cơm, chăn trâu,....Mẹ con nhà Cám đã thẳng tay cướp hết mọi quyền lợi về mặt vật chất và tinh thần của Tấm. Hành động tàn ác đó của mẹ con Cám là biểu hiện của sự độc ác, tàn nhẫn và bất công, của sự cướp đoạt, bóc lột vô tội vạ, không có điểm dừng của giai cấp thống trị lên giai cấp nông dân không có quyền hành hay tiếng nói.
        Trước sự đối xử bất công, Tấm chỉ có duy nhất một phản ứng chính là ôm mặt khóc. Cô chỉ mới dừng lại ở việc ý thức được sự đau khổ, chứ chưa có hành động quyết liệt để thoát nỗi đau khổ đó. Tâm luôn cam chịu, nhẫn nhục một cách thụ động.
  + Khi Cám lừa Tấm, trút hết giỏ tép của Tấm vào giỏ của mình để cướp phần thưởng, Tấm ôm mặt khóc.
+ Khi biết Tấm nuôi cá bống dưới giếng để bầu bạn, mẹ con Cám lừa Tấm đi chăn trâu ở cánh đồng xa để giết thịt cá bống. Tấm khóc.
+ Khi dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc.
+ Tấm không có quần áo đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc.
Những thế hệ bạn đọc sau này buông lời chê trách nàng Tấm lúc nào cũng chỉ biết khóc lóc, yếu đuối nhu nhược, rằng khóc đâu giải quyết được vấn đề. Nhưng nếu đặt mình vào hoàn cảnh của Tấm, ta nhận ra chẳng còn điều gì khác mà Tấm có thể làm ngoài việc khóc. Những uất ức, buồn tủi của Tấm không còn cách nào giải toả ngoài những giọt nước mắt. Cũng giống như tầng lớp nhân dân lao động thấp cổ bé họng, khi bị những kẻ ác như phú hộ tham lam, quan lại bất công chèn ép, họ có thể làm gì được không. Đứng trước quyền lực của những kẻ ấy, rơi nước mắt là điều duy nhất họ có thể làm. Các tác giả dân gian đã khéo léo miêu tả và phơi bày những mặt tối của hiện thực xã hội phong kiến đương thời. Truyện là truyện, nhưng cũng là đời. Văn học phản ánh đời sống chân thật mà cũng đầy tinh thế.

 .     Nét đẹp nội dung thứ hai của truyện cổ tích là việc đề cao những phẩm chất tốt đẹp. Chi tiết này được thể hiện qua việc dù trải qua biết bao nhiêu nỗi đau, bao sự hành hạ của mẹ con Cám, nàng Tấm vẫn giữ được tấm lòng thiện lương, vẫn ngoan ngoãn phụng dưỡng mẹ và chăm sóc em như một cách để trả công nuôi dưỡng của bà mẹ ghẻ. Lúc nuôi cá bống, cơm ăn chỉ đủ no chứ chẳng dư dả gì, Tấm vẫn sẵn lòng chia nửa phần ăn của mình cho cá, coi nó như bạn mà trút bầu tâm sự. Mở rộng góc nhìn ra một số câu chuyện khác như Sọ Dừa, Thạch Sanh,... Ta thấy những nhân vật trong truyện dù bị đối xử tệ bạc, hãm hại đến suýt nữa mất đi mạng sống, họ vẫn lựa chọn lối sống ngay thẳng, không làm điều gian, không dùng mưu hèn kế bẩn để đáp trả lại kẻ đã từng hãm hại họ. Nhân dân ta đề cao việc " ở hiền gặp lành", cũng trân trọng và nể phục những người dù phải chịu nhiều đau thương nhưng vẫn vươn mình hướng về ánh sáng, vậy nên trong những câu chuyện cổ tích, nhân vật chính lúc nào cũng hướng về cái thiện. Có lẽ đó cũng là cách mà nhân dân tự nhắc nhở chính mình dù cho ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa, điều quan trọng nhất là sơ tâm luôn phải hướng về công lý, về ánh sáng, về điều thiện lành, bởi vì một lẽ đương nhiên: "nhân chi sơ, tính bản thiện".

      Nét đẹp thứ ba, thông qua truyện cổ tích, các tác giả dân gian đã thể hiện những khát khao, ước mơ tha thiết của nhân dân ta về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Truyện cổ tích Tấm Cám mang tư tưởng "ở hiền gặp lành" đại diện cho mong ước của nhân dân Việt cổ về một xã hội công bằng, khi người tốt được sống một cuộc sống hạnh phúc vui vẻ, đầy đủ về cả vật chất và tinh thần. Bao lần chịu uất ức của Tấm trong truyện là bấy nhiêu lần nhân vật ông Bụt xuất hiện với phép màu kì diệu, bằng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nào đó để an ủi, xoa dịu và đền bù cho những tổn thương của Tấm. Bụt ban cho Tấm con cá bống để bầu bạn, cho nàng quần áo đẹp để đi hội, và tất cả những điều ấy đã gián tiếp đưa Tấm đến bến bờ hạnh phúc, đó là được trở thành hoàng hậu, làm vợ của vua. Nhân vật ông Bụt thể hiện cho những ước mơ của nhân dân ta, là thiết lập nhân vật đại diện cho hình tượng " quý nhân phù trợ ", xuất hiện kịp lúc để giải quyết những khó khăn, đau khổ và tiếp bước cho nàng Tấm tiến đến hạnh phúc. Nhân dân ta vừa muốn cuộc sống của mình hạnh phúc, vừa muốn đem hạnh phúc và may mắn ấy chia sẻ cho những người khác, giống như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận xét: " Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa".

     Một chi tiết khác cũng thể hiện khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn đó là kết cục của hai mẹ con nhà Cám. Sau khi Tấm trở thành hoàng hậu, câu chuyện tiếp tục phát triển với những mâu thuẫn mới xuất hiện. Khi trở thành hoàng hậu, nàng vẫn giữ trọn vẹn đạo hiếu, ngày giỗ cha trở về nhà làm giỗ. Và cũng chính từ đây hàng loạt biến cố trong đời nàng tiếp tục xảy ra. Dì ghẻ bảo Tấm trèo lên cây hái cau, rồi chặt cây khiến Tấm ngã chết và Cám vào cung thay chị làm hoàng hậu. Như vậy Tấm bị cướp đoạt mạng sống và ngôi vị, đây là sự tước đoạt cả về quyền lợi vật chất lẫn tinh thần. "Con giun xéo lắm cũng quằn", lúc này Tấm không còn là cô Tấm cam chịu, nàng đã bắt đầu có những hành động bày tỏ sự phản kháng quyết liệt. Tấm trở về hoàng cung dưới nhiều hình dạng: chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và đều bị mẹ con Cám sát hại dã man. Theo những lần trở về, mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật thiện ác ngày càng quyết liệt hơn, gay cấn hơn. Không chỉ tuyên chiến mà Tấm còn trừng trị mẹ con Cám một cách thích đáng sau khi quay lại ngôi vị hoàng hậu hưởng hạnh phúc bên nhà vua. Cám bị dội nước sôi đến chết, rồi bị Tấm sai người làm thành mắm đem cho dì ghẻ ăn. Về phần dì ghẻ, sau khi biết mình ăn thịt con đã lăn đùng ra chết. Cái kết của hai kẻ này là xứng đáng, là "ác giả ác báo”. Đó cũng là mong ước mà nhân dân ta muốn gửi vào truyện cổ tích, là điều mà họ hằng ao ước nhưng không bao giờ đạt được trong cuộc sống thường ngày. Thông qua cái kết của "Tấm Cám", các tác giả dân gian khẳng định cái thiện sẽ luôn giành chiến thắng, bày tỏ khát vọng và mơ ước về một thế giới công bằng bình đẳng, thiện ác phân minh. Đồng thời quá trình đấu tranh của Tấm cũng cho thấy mong muốn được đứng lên phản kháng, hất tung những áp bức bóc lột mà giai cấp thống trị đè nặng lên lưng của những người dân nghèo.

2.2 : Vẻ đẹp về hình thức nghệ thuật: các tình tiết kì ảo hoang đường; cách xây dựng nhân vật và thiết lập cốt truyện đặc sắc chặt chẽ.

   a. Ý nghĩa của các chi tiết kì ảo hoang đường.
    Chi tiết kì ảo là những chi tiết không có thật trong cuộc sống, được tạo nên từ trí tưởng tượng hư cấu của con người. Nó được coi là đặc trưng nổi bật nhất của truyện cổ tích. Bên cạnh cách xây dưng nhân vật và tình tiết, tư tưởng truyện thì các yếu tố kì ảo cũng là một phần quan trọng làm nên sức hút kì lạ của truyện cổ tích. Trong cổ tích "Tấm Cám", các chi tiết kì ảo hoang đường nổi bật bao gồm: sự xuất hiện và phép màu của ông Bụt, song song với đó là sự tái sinh nhiều lần dưới các hình dạng khác nhau của Tấm.
   Sự xuất hiện của nhân vật Bụt được coi là một tình tiết nghệ thuật đặc sắc. Đó là sự sáng tạo của nhân dân ta. Ông Bụt thường được miêu tả có hình dạng giống một ông cụ già, râu tóc bạc phơ , hiền lành, tốt bụng, luôn giúp đỡ kẻ yếu, người gặp khó khăn. Dân ta thường tín nhiệm người già,thường muốn xin ý kiến và được nhận những lời khuyên từ họ. Hình ảnh ông cụ già đẹp lão, phúc hậu luôn đem đến vận may. Do vậy, ông Bụt là sáng tạo riêng của nhân dân lao động Việt Nam ta. Trong câu chuyện, ông Bụt đã hiện lên bốn lần để giúp đỡ nhân vật chính: lần thứ nhất giúp cô nuôi con cá bống, lần thứ hai khi cá bống chết, Bụt mách Tấm đem xương chôn chân giường, lần thứ ba là khi giúp Tấm nhặt gạo với thóc để Tấm đi dự hội và lần thứ tư là giúp Tấm có quần áo đẹp để đi hội. Như đã nói ở trên, hình tượng ông Bụt là đại diện cho mơ ước, khát khao về một xã hội công bằng của nhân dân trước hiện thực bế tắc không lối thoát nhưng không chỉ dừng lại ở đó, nhân vật ông Bụt còn đại diện cho trí tưởng tượng phong phú, khả năng sáng tạo và tâm hồn giàu sức sống, phơi phới niềm tin yêu cuộc đời của nhân dân ta.
   Bốn lần trở về của Tấm, tức bốn lần tái sinh trong các hình dạng khác nhau: trở thành chú chim vàng anh xinh đẹp, thành cây xoan đào, thành khung cửi dệt vải và cuối cùng là trở thành quả thị. Bốn lần hóa thân này, tác giả dân gian không đơn thuần nói lên sự luân hồi của con người, của cuộc đời như thuyết duy tâm của tôn giáo. Mà điều quan trọng ở đây tác giả dân gian muốn nói lên đó là sự phản kháng vươn lên quyết liệt của Tấm, không chịu khuất phục trước cái ác, cái xấu, cái bất công. Sự phản kháng này của Tấm chính là cuộc đấu tranh giai cấp giữa người bị áp bức và kẻ áp bức. Vậy một lần nữa yếu tố thần kì lại góp phần thể hiện khát vọng ước mơ chiến thắng cái ác, cái xấu, áp bức bất công của nhân dân lao động. Nhờ vậy mà đưa đến kết thúc có hậu cho câu truyện, phù hợp với tâm lí truyền thống nhân đạo xưa nay của dân tộc ta.
     Có thế nói, qua những chi tiết thần kì trong truyện cổ tích Tấm Cám chúng ta thấy được rằng đó chính là đỉnh cao ước mơ, khát vọng của người lao động. Từ những ước mơ và khát vọng đó, nhân dân ta đã sản sinh ra những chi tiết thần kì, những hình tượng thần kì lung linh sắc màu cổ tích làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
Sự can thiệp của lực lượng thần kì vào câu chuyện cũng góp phần tạo tính chất xung đột và giải quyết xung đột trong truyện cổ tích. Biết là hoang đường, kì ảo nhưng người ta vẫn tin, tin lắm vào cái ngày ước mơ sẽ thành hiện thực. Giá trị nhân văn to lớn của truyện cổ tích và giá trị nghệ thuật tuyệt vời của nó phần lớn được tạo ra do yếu tố đặc thù nói trên.

b. Nét đẹp nghệ thuật đặc sắc trong cách xây dựng nhân vật và xây dựng tình huống cốt truyện.
    Nếu như chi tiết kì ảo là nét nghệ thuật đặc sắc chiếm phần lớn giá trị nghệ thuật của truyện cổ tích thì  cách xây dựng nhân vật cũng như sắp xếp, thiết kế cốt truyện lại là trụ cột tạo nên ý nghĩa nội dung của chúng.
   Trước hết, đối với cách xây dựng nhân vật, truyện "Tấm Cám" đặc sắc ở chỗ không có bất kì nhân vật tuyến chính nào hoàn toàn hiền hay ác. Cách xây dựng tâm lí nhân vật rất chân thực đời thường nhưng vẫn mang nét đặc trưng của truyện cổ tích, tức là vẫn có phần rõ ràng về việc phân vai thiện ác. Thế nhưng dưới mỗi góc nhìn, mỗi nhân vật lại hiện lên với mặt tính cách và mức độ tốt xấu khác nhau.

Khi nhìn sâu vào từng khía cạnh, ta có thể thấy rằng mụ dì ghẻ đối xử tàn bạo với Tấm suy cho cùng cũng chỉ vì muốn đứa con gái của mình có được một cuộc sống tốt đẹp, an nhàn hơn. Đó chính là tình mẫu tử cao cả, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con mình.

Về phần Tấm, từ một một cô gái hiền lành đến nhu nhược, cam chịu khó khăn bất công xảy đến với mình và không bao giờ có ý định phản kháng với mẹ con Cám, nhưng khi bị hãm hại nhiều lần, cuối cùng Tấm cũng đã hành động trả thù, mang đến kết cục đầy đau đớn và xứng đáng với tội ác của mẹ con Cám. Điểm khác biệt trong sự thay đổi về diễn biến tâm lí của nhân vật Tấm cũng là một trong số những lí do lớn khiến "Tấm Cám " vươn lên nổi trội trong hàng loạt những câu chuyện cổ tích có cùng motip.
  
Từ các chi tiết kể trên,  có thể thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện cổ tích rất đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng và bản sắc văn hóa dân tộc nhưng đồng thời chúng cũng mang tính cộng đồng, đại diện cho cả một tầng lớp trong xã hội ngày ấy. Đồng thời, chúng cũng phản ánh phần nào suy nghĩ, lối sống và văn hoá tinh thần của người Việt cổ dựa trên cơ sở góc nhìn và cách miêu tả của tác giả dân gian.

  Xét về khía cạnh cốt truyện, truyện cổ tích có cốt truyện khá chặt chẽ, hoàn chỉnh: có mở đầu, thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút như một cốt truyện hiện đại.
Ví dụ: Sự phát triển của cốt truyện trong truyện cổ tích “Tấm Cám”:

+ Mở đầu: giới thiệu về nhân vật Tấm trong mối quan hệ gia đình với nhân vật Cám và Dì ghẻ.

+ Thắt nút, phát triển xung đột: những lần Tấm bị Dì ghẻ và Cám đối xử bất công: trộm giỏ tép, bị bắt mất cá bống, bị trộn thóc lẫn gạo bắt nhặt, không cho đi xem hội. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của Bụt, cuối cùng Tấm cũng đến hội, gặp vua và trở thành hoàng hậu.

+ Cao trào: Tấm bị mẹ con Dì ghẻ sát hại, vùng lên đấu tranh qua những lần hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị.

+ Mở nút: nhà vua tìm thấy Tấm, đón về hoàng cung, trừng trị mẹ con Cám.

Có thể thấy, khả năng sáng tạo và sắp xếp, thiết kế tình huống của dân ta rất phát triển, phát triển một cách rất tự nhiên nhưng chưa bao giờ là quá lố hay nảy sinh ra những yếu tố không cần thiết. "Tấm Cám" tuy dài nhưng ta có thế thấy bất cứ chi tiết nào, dù chính hay phụ trong câu chuyện đều mang một ý nghĩa riêng, không thế cắt bớt cũng không thể bỏ qua. Đó chính là biểu hiện rõ nét nhất cho sự tài tình, khéo léo và một giác quan rất nhạy về văn học của con người Việt Nam.

2.3. Vẻ đẹp của truyện cổ tích và các tác động đến đời sống của nhân dân Việt Nam ngày nay.
   Qua các phân tích phía trên, có thể thấy truyện cổ tích Việt Nam đặc sắc cả về phần nghệ thuật và nội dung. Những nét đẹp ấy không đơn thuần mang ý nghĩa làm giàu, làm đẹp cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung mà còn có những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của nhân dân ta từ xưa đến nay.
   Truyện cổ tích luôn hướng đến những cái đẹp hoàn mỹ, ở hiền chắc chắn sẽ gặp lành,.. cùng một loạt những triết lí, bài học đạo đức khác ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách, lối sống của lớp măng non. Chúng góp phần định hình nhân sinh quan, thế giới quan và hướng con người ta đến lối sống vị tha, giàu tình yêu thương, giàu lòng cảm thông, giáo dục thế hệ trẻ về cái thiện, cái tốt, đẩy lùi cái xấu, cái ác, đồng thời, giúp họ tự nhận thức và rèn luyện nhân cách của bản thân mình. Triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích giúp thế hệ trẻ hình thành nhân sinh quan tích cực trong mối quan hệ giữa con người với gia đình và cộng đồng, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc. Những câu truyện cổ tích đều được dân gian sáng tác và bắt nguồn từ lòng tự hào dân tộc.

  Vẻ đẹp nội dung của truyện cổ tích luôn nhắc nhở con người sống có tình nghĩa, có trước sau, khuyên răn con người phải sống trung thực, sống nhân hậu, thương người, sống tự lập, sống khoan dung độ lượng...Trong truyện cổ tích, mảng đề tài ca ngợi lối sống trọng tình nghĩa gần như chiếm vị trí chủ đạo. Hình tượng con người tốt bụng, hiếu thảo, trọng tình trọng nghĩa, có ý thức cộng đồng được thể hiện trong truyện cổ tích Việt Nam đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về đạo làm người. Bên cạnh đó, các triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc rèn luyện bản thân của mỗi con người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, nó khuyên con người biết sống nhân nghĩa, yêu lao động và lạc quan trước cuộc đời.
     Không chỉ mang đến những triết lý giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu, sự sáng tạo trong lao động mà truyện cổ tích còn giúp xây dựng quan điểm sống tích cực, sống lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống. Lạc quan luôn là tinh thần xuyên suốt các câu truyện cổ tích Việt Nam. Tinh thần lạc quan, ánh sáng hy vọng được chiếu rọi qua các truyện cổ tích mang vẻ đẹp khỏe khoắn, thể hiện ý chí và nghị lực, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của con người.
      Qua truyện cổ tích, những truyền thống nhân văn, nhân nghĩa của dân tộc được tác giả dân gian khéo léo lồng ghép để giáo dục người nghe. "Cần cù, giản dị, hài hòa, ngay thẳng, thủy chung, đôn hậu, trọng nhân nghĩa, ghét gian tà, yêu cộng đồng, lạc quan yêu đời, đó là những nét đặc sắc trong tính tình của người Việt mà văn học dân gian là tấm gương sáng".

III. Tổng kết.
    1. Về "Tấm Cám"
   - Truyện cổ tích Tấm Cám kể về thân phận, con đường đi đến, đấu tranh và giữ gìn hạnh phúc của Tấm, qua đó thể hiện niềm tin của nhân dân về chiến thắng của cái thiện với cái ác và ước mơ về công lí xã hội. Những diễn biến tâm lí của cô Tấm đồng thời cũng thể hiện khát vọng được vùng nổi dậy, thoát khỏi ách thống trị của người dân nghèo.
  - Nghệ thuật xây dựng nhân vật và thiết lập cốt truyện đặc sắc, chặt chẽ đã đem đến màu sắc mới mẻ, nổi bật cho "Tấm Cám" trong hàng loạt những câu chuyện cùng chủ đề.

2. Về vẻ đẹp của truyện cổ tích Việt Nam.
   - Truyện cổ tích có cả hai vẻ đẹp hình thức và nội dung, phản ánh vẻ đẹp trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn dân gian tràn đầy chủ nghĩa nhân đạo.
     + Nội dung: giá trị nhân đạo sâu sắc, đấu tranh vì ánh sáng chính nghĩa nhưng vẫn giữ được cái tâm trong sáng " đói cho sạch rách cho thơm" và khát khao, ước mơ hướng đến cuộc sống tương lai tươi đẹp, hạnh phúc, công bằng bình đẳng.
     + Nghệ thuật: cốt truyện phong phú, các tình tiết đặc sắc kịch tính và được sắp xếp rất chặt chẽ, hoàn chỉnh. Các nhân vật trong chuyện được xây dựng vừa mang nét gần gũi thân quen vừa mang tính tiêu biểu, cộng đồng.
  - Bên cạnh đó, vẻ đẹp của truyện cổ tích Việt Nam còn nằm ở giá trị mà nó đem lại cho cộng đồng, nhất là về mặt nuôi dưỡng tâm hồn. Triết lý nhân sinh của truyện cổ tích chứa đựng hệ giá trị văn hóa, nhân văn cốt lõi của dân tộc. Vì vậy, nó có tác dụng giáo dục con người, đặc biệt là thế hệ trẻ hướng tới hành vi, thái độ đạo đức phù hợp với chuẩn mực, có lối sống trong sáng, lành mạnh.

IV. Tài liệu tham khảo.
(1). Nguyễn Khánh Toàn (1979) “Bài tựa sách tổng tập văn học Việt Nam”, tạp chí văn học, số 1, tr.3

(2)Nguyễn Thị Ngọc, www.tapchicongsan.org.vn,mục Văn hoá- Xã hội, "Triết lí nhân sinh trong truyện cổ tích với việc giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay".

(3). Lê Duẩn (12/2/1974), Giai đoạn mới của cách mạng và nhiệm vụ của công đoàn (Bài nói của đồng chí Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam tại đại hội công đoàn Việt Nam, lần thứ ba, báo Nhân Dân).

(4). Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975.

(5). Alwayspcy.wordpress.com, Giá trị nhân văn của truyện cổ tích, 25 tháng 9 năm 2017.
  Và một số nguồn tham khảo khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vanhoc10