Về khía cạnh kinh tế của quyền tác giả và quyền liên quan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển và thịnh vượng”, đó là chủ đề chung của APEC 2006. Hướng theo chủ đề này trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong tiến trình đàm phán gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Những nỗ lực đó nhằm đi đến một Hiệp định Thương mại ký kết với nhiều bên, kết thúc quá trình hoàn thiện để công khai và minh bạch cơ sở pháp lý nội Luật phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đồng thời tham gia các điều ước quốc tế liên quan. Điều quan trọng hơn sau đó là xây dựng được năng lực của nền kinh tế để đủ sức theo đuổi tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư. Trong giới hạn bài viết, nội dung chính sẽ được đề cập gồm các khía cạnh hoàn thiện pháp Luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng; nội dung kinh tế của quyền tác giả, quyền liên quan; các chế tài mang yếu tố kinh tế nhằm ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Hoàn thiện hệ thống pháp Luật sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng:

Trong khoảng thời gian chưa đầy 11 tháng dự án Luật Sở hữu trí tuệ đã được nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt. Đây là kỷ lục hiếm có trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam . Nó thể hiện quyết tâm của Nhà nướcViệt Nam nhằm hoàn thiện pháp Luật về sở hữu trí tuệ, tương thích với thông lệ quốc tế, thúc đẩy thực thi tại quốc gia và hội nhập quốc tế.

Luật Sở Hữu trí tuệ bao gồm 222 điều, điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan tới ba đối tượng gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Ba đối tượng này đều được Luật của các quốc gia bảo hộ.

Đối với quyền tác giả và quyền liên quan, Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định của Chính phủ đã có trên 100 điều quy định trực tiếp, không kể đến 40 điều là những quy định chung của cả 3 đối tượng, trong đó có quyền tác giả và quyền liên quan. Các Luật chuyên ngành như Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Di sản văn hoá, Luật Điện ảnh, Pháp lệnh Thư viện, Pháp lệnh Quảng cáo cũng có các quy định liên quan, phù hợp với từng chuyên ngành. Bộ luật Hình sự, Luật Hải quan, Pháp lệnh Xử phạt Hành chính cũng có các quy định liên quan tới quyền tác giả và quyền liên quan tuỳ theo tính chất và phạm vi điều chỉnh của mỗi luật. Như vậy, xét về mặt hệ thống, các quy định củaPháp luật Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ban hành khá đồng bộ, đủ sức điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả và quyền liên quan tại quốc gia và tạo tiền đề pháp lý cho hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã tương thích với các điều ước quốc tế, các chuẩn mực bảo hộ của các quốc gia trên thế giới. Những giá trị tinh tuý từ luật mẫu WIPO dành cho các nước đang phát triển, các công ước quốc tế như Berne, Geneva, Rome, Trips, Brussel, WCT, WPPT đã được nghiên cứu, tham khảo để thể hiện thành nội luật. Luật của các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển như Hoa kỳ, Thuỵ sỹ, các nước trong khu vực như Trung quốc, Indonesia.v.v. đã được tham khảo trong quá trình soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam .

Với những quy định quan trọng trong Luật Sở hữu trí tuệ, nhà nước khuyến khích tiềm năng, tài năng sáng tạo của công dân để có các giá trị mới trong văn học, nghệ thuật và khoa học, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng, góp phần phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội, giao lưu quốc tế.

Tại bản Thông điệp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhân ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2006, Ngài Tổng giám đốc đã nói: “ý tưởng tạo nên thế giới của chúng ta. Đó là chất liệu tạo ra các di sản trong quá khứ cũng đồng thời là chất liệu để chúng ta xây dựng nên tương lai thịnh vượng. Điều này lý giải vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường để khuyến khích và bảo vệ các ý tưởng mới. Đó là lý do mà sở hữu trí tuệ tồn tại”. Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam được ra đời có hiệu lực vào ngày 01/7/2006 cũng là Thông điệp của Việt Nam cổ vũ cho Thông điệp của WIPO.

Các khía cạnh kinh tế của quyền tác giả, quyền liên quan

Trí tuệ vốn là tài sản của công dân, vì vậy bản thân các quan hệ tài sản của quyền tác giả, quyền liên quan quyết định nội dung Pháp luật bảo hộ nó. Tôn trọng bản chất khách quan của vấn đề, các điều ước quốc tế của WIPO, luật của các quốc gia đều điều chỉnh tài sản dân sự đặc biệt quan trọng này. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam , với các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan đã chứa đựng đầy đủ yếu tố tài sản, kinh tế, thương mại. Đối tượng bảo hộ là các quyền của tác giả, các quyền liên quan bao gồm quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, quyền của tổ chức phát sóng được thể hiện rất rõ ràng, cụ thể. Điều đặc biệt là các quyền về tài sản đã được ghi nhận là quyền độc quyền của các chủ thể quyền. Là độc quyền bởi nó chỉ thuộc về chủ thể cụ thể, với sự đầu tư sáng tạo ra tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, chương trình phát sóng cụ thể. Các quyền độc quyền này do chính chủ thể quyền thực hiện, hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khai thác các quyền đó đều phải thoả thuận với các chủ thể quyền. Việc hưởng nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác của chủ thể quyền là kết quả của việc khai thác các quyền tài sản. Lợi ích kinh tế, giá trị thương mại đó là thành quả của quá trình đầu tư chất xám và các điều kiện vật chất cho việc sáng tạo ra các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học, được kết tinh ở tác phẩm. Có thể nói rằng các quy định độc quyền về quyền tài sản là nội dung cơ bản của Luật Sở hữu trí tuệ, để từ đó có các quy định liên quan khác được hình thành. Tuy nhiên các quyền của tác giả, các quyền liên quan không là vô hạn. Vì lợi ích của xã hội, cộng đồng, người hưởng thụ, kể cả lợi ích của việc khuyến khích công dân sáng tạo tiếp, Luật Sở hữu trí tuệ đã có các quy định về giới hạn quyền.

Các chế tài xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan chứa đựng yếu tố kinh tế

Để bảo vệ được các quyền của chủ thể quyền, ban soạn thảo đã tiên lượng được hành vi xâm phạm quyền và đã thể hiện tại Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là những quy định xuất phát từ đặc thù của Viêt Nam , khi chúng ta mới triển khai hoạt động bảo hộ trong thời gian chưa đầy 20 năm. Luật của hầu hết các nước không quy định hành vi xâm phạm quyền cụ thể vì việc quy định sẽ luôn luôn không đầy đủ. Mặt khác với các quyền được quy định, bất kỳ các tổ chức cá nhân nào khai thác đều phải thực hiện nghĩa vụ với chủ thể quyền, nếu không thì sẽ bị coi là hành vi xâm phạm bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

Phù hợp với cơ chế Pháp luật của Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa ra các quy định đặc thù xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Về biện pháp dân sự, đó là các quy định buộc tổ chức, các nhân bồi thường thiệt hại, tiêu huỷ đối với hàng hoá, nguyên vật liệu và phương tiện được sử dụng để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm. Trong trường hợp chứng minh được chủ thể quyền có quyền yêu cầu toà án quyết định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trong giới hạn từ 5 triệu đến 50 triệu đồng. Biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm thu giữ , kiểm kê, niêm phong, cấm vận chuyển, chuyển dịch quyền sở hữu được áp dụng đối với hàng hoá bị nghị ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có nguy cơ tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ. Về biện pháp hành chính, Luật sở hữu trí tuệ quy định về phạt tiền với mức từ một đến năm lần giá trị hàng hoá vi phạm. Các biện pháp xử phạt bổ sung bao gồm tịch thu hàng hoá, nguyên vật liệu, phương tiện sử dụng để sản xuất kinh doanh hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ (về quyền tác giả và quyền liên quan là bản sao chép không được phép của chủ thể quyền), đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tiêu huỷ hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ. Theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính thì, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có mức phạt tối đa tới 100 triệu đồng. Về hình sự các hành vi xâm phạm quyền có yếu tố cấu thành tội phạm thì, áp dụng quy định tại bộ Luật Hình sự với mức phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng và 3 năm tù giam.

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, ở đó các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được Pháp luật bảo hộ đều đã được tồn tại trong môi trường kỹ thuật số. Tính ưu việt của môi trường kỹ thuật số cho phép người hưởng thụ tiếp cận tác phẩm tại bất kỳ địa điểm, thời gian nào do chính họ lựa chọn. Nhưng chính nó cũng là thách thức cam go trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể quyền, đồng thời cũng là thách thức đối với các cơ quan quản lý và thực thi về sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ đã đề cập tới một loạt các hành vi xâm phạm quyền mới xuất hiện ở Việt nam đồng thời với sự xuất hiện của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, nhằm ngăn chặn các hành vi sử dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ để xâm phạm quyền.

Liên quan tới chế tài xử lý hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, Bộ Văn hoá Thông tin đang chuẩn bị một Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, Toà án Nhân dân Tối cao đang chuẩn bị một Thông tư liên tịch về tội phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Hy vọng những Văn bản này và các Văn bản sẽ ban hành tiếp theo góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ có hiệu quả các ý tưởng đã được sáng tạo, khai thác nó ở khía cạnh kinh tế, thương mại để đầu tư trở lại cho hoạt động sáng tạo, góp phần tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro