Về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trần Hữu Dũng

Nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư

Tác Giả - Tác Phẩm

Nếu bạn theo dõi văn chương Việt Nam mấy năm gần đây, và nhất là nếu bạn sinh trưởng ở miền Nam, hẳn bạn đã biết Nguyễn Ngọc Tư. Cô là một nhà văn nữ, còn trẻ (sinh năm 1977), quê quán ở Cà Mau và hiện vẫn sống ở vùng đất Mũi. Năm 2000, tập truyện đầu tay Ngọn Đèn Không Tắt của cô được giải Sáng tác văn học tuổi 20 lần II của Hội Nhà văn TP.HCM, và năm 2003 tập truyện Giao Thừa của cô cũng được một giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài ra cô còn là một khuôn mặt quen thuộc trên các tạp chí qua nhiều tạp văn, tạp bút...

Nguyễn Ngọc Tư, ngòi bút trẻ ấy, rõ ràng đã tạo được một chỗ đứng khu biệt cho mình. Nhiều người cho rằng cái độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư là sự chân chất mộc mạc tươm ra từ mỗi truyện cô viết. Đúng, và dưới đây sẽ nói thêm. Song, trước hết, cái đầu tiên làm người đọc choáng váng (một cách thích thú), là nồng độ phương ngữ miền Nam trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Nếu bạn là người Nam, và nhất là nếu bạn đã xa quê hương lâu năm, thì chỉ những chữ mà Nguyễn Ngọc Tư dùng cũng đủ làm bạn sống lại những ngày thơ ấu xa xôi ấy. Từ vựng của Nguyễn Ngọc Tư không quý phái hay độc sáng (như của Mai Ninh chẳng hạn) nhưng, đối nghịch, đó là một từ vựng dân dã, lấy thẳng từ cuộc sống chung quanh. Sự phong phú của phương ngữ trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là tích tụ của một thính giác tinh nhạy và trọn vẹn: nghe và nhớ.

Nhiều người nghĩ rằng, nói chung, văn chương miền Nam (dù gì cũng là vùng đất mới) không thể so được với sự chỉnh chu truyền thống của văn chương miền Trung, miền Bắc. Nguyễn Ngọc Tư sẽ làm những người đó phải nghĩ lại. Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, họ sẽ khám phá rằng nếu dùng đúng chỗ, trong tay một tác giả cẩn trọng, phương ngữ mộc mạc miền Nam, giọng điệu dân dã miền Nam hoàn toàn có khả năng cấu tạo một nhánh văn chương đặc biệt, không giống, nhưng chuẩn mực không kém những miền khác. Mỗi truyện viết của Nguyễn Ngọc Tư là một bữa ăn văn chương thịnh soạn, dọn bày chu đáo, gồm toàn đặc sản miệt vườn, với những vật liệu hảo hạng, tươi sống.

Đàng khác, hiển nhiên, cái bất lợi của một tác phẩm nhiều phương ngữ là nó khó được những người không quen với phương ngữ ấy cảm nhận hoàn toàn (và tất nhiên còn là thử thách khó hơn cho người muốn chuyển nó sang một ngôn ngữ khác). Đối với những độc giả này, tác phẩm ấy chỉ là một công trình gợi tò mò, hoặc hấp dẫn vì lý do khác, mà phương ngữ là một chướng ngại cảm nhận.

Song, nhìn kỹ, sự hấp dẫn của truyện Nguyễn Ngọc Tư không phải ở kho từ vựng miền Nam dồi dào của cô, nhưng ở chỗ sử dụng phương ngữ tối đa và đúng chỗ vào những câu chuyện thật "miền Nam". Đó là miền Nam của tỉnh lẻ, của ruộng vườn, và nhất là của sông, của mưa (Dòng Nhớ, Chợ Nổi Cà Mau - chút tình sông nuớc, Qua Cầu Nhớ Người, Nhớ Sông, Nước Chảy Mây Trôi). Đó là miền Nam đã thái bình nhưng vẫn còn dấu chiến tranh - không ở sự điêu tàn vì bom đạn mà ở những vết thương trong đời người (Ngọn Đèn Không Tắt, Mối Tình Năm Cũ).

Trong cách chọn lựa tình tiết, cốt truyện, Nguyễn Ngọc Tư đã trung thành (một cách khó giải thích) với cái "tình tự" Nam bộ của quê hương cô. Chỉ những người sống và lớn lên ở một địa phương, thật sự mến yêu họ hàng làng xóm của mình, mới thể hiện tình tự với quê hương mình được như thế. Và, bởi ở đâu cũng có cái đặc thù, chính tính đặc thù lại là cái phổ quát nhất. Sự cá biệt của phương ngữ, khi được sử dụng để diễn đạt những tình tự phổ quát của con người, có khả năng vạch ra cái chung của cái riêng.

Câu nói của Vũ Hạnh về kịch miền Nam: "Sự giản dị, thoải mái và hồn nhiên của kịch miền Nam đều hướng về đạo nghĩa" (khi ông phê bình Kim Cương), cũng có thể áp dụng cho văn xuôi miền Nam. Nguyển Ngọc Tư rất Nam như thế đó.

Văn của Nguyễn Ngọc Tư nghe như nhạc. Nhiều câu trong trẻo và buồn (nhưng không nghẹn ngào) như một bản vọng cổ hoài lang. Như cô viết: "Tự dưng nghe buồn, nghe thất vọng quá trời đất" (Một mái nhà), nhưng hình như cô không muốn người khác buồn theo cô. Giọng buồn của Nguyễn Ngọc Tư không là tiếng than vãn thì thầm của một người lớn tuổi, nhưng là một lời thốt, lửng lơ, đứt ngang, nhưng rất đủ, của một người trẻ bỗng nhiên phát giác những bất hạnh của cuộc đời, mà vẫn hi vọng. Văn Nguyễn Ngọc Tư là văn của lời nói. Cách ngắt câu của cô là cách ngắt của âm điệu. Cái tài của Nguyễn Ngọc Tư là đem những cảnh tượng rất bình thường, khoanh lại, biến nó thành châu báu: "Cãi qua cãi lại, hai má con ngã ngửa ra, ủa, hơi đâu mà nói chuyện của người ta" (Nhà cổ).

Hồ Anh Thái, và vài người nữa, đã có khen "cách dẫn chuyện gọn gàng, sự cắt cảnh chuyển lớp chính xác" của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng chưa thấy ai nói đến cấu trúc câu của cô. Mới và độc đáo. Lối bắt đầu với chữ "Mà," rồi một dấu phẩy. Hoặc lối chen vào giữa câu một chi tiết trong ngoặc đơn: "Hai đứa tôi ngồi đâu đó (chỗ mà ai cũng nhìn thấy) nói chuyện chơi, có lúc, chẳng cần nói gì" (Nhà cổ). Hoặc lối dứt câu bằng một thán từ có âm bổng: "Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?" (Lý con sáo sang sông).

Nhân vật trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư hay khóc, và nhiều lúc cô khuyến khích nhân vật của mình khóc.

"Mãi dì Thấm không mở lời nói được, chỉ khóc là khóc, nức nở ồ ồ, nhìn cảnh mọi người xúc động, hỉ mũi rột rẹt nhưng không ai bước ra dỗ cho dì nín. Cho đến khi ông Mười xuất hiện, ông bảo, "mấy chú làm ơn dừng lại một chút" rồi cầm cái khăn rằn lau nước mắt cho dì Thấm, dì như trẻ con, lau khô rồi nước mắt lại trào ra. Ông Mười vẫn nhẫn nại chậm chiếc khăn lên khuôn mặt chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bì sì của ông hơi dúm lại, dường như ông cũng đau lắm, xót lắm" (Mối tình năm cũ).

Hay là:

"Nhưng không phải buồn Phương lấy vợ, tôi buồn là vì chiều nay, Nhân Phủ đã sụp đổ trong lòng.

Rồi họ, và cả má tôi đều bảo tôi khóc đi." (Nhà cổ)

Nhưng, để ý: cái khóc của Nguyễn Ngọc Tư là vì thương yêu, không vì oán giận. Không phải là cái khóc nghẹn ngào, day dứt, ủ rũ. Đây là cái khóc ào ào như cơn mưa miền Nam, và người đọc biết (hay mong mỏi) chỉ khoảnh khác thì mưa sẽ tạnh, nắng sẽ lên và nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sẽ quẹt nước mắt xông vai trở lại cuộc sống bận rộn của mình.

Chính vì Nguyễn Ngọc Tư còn trẻ, cô nhìn cuộc sống bằng cặp mắt trong sáng (khác với lạc quan) và trung thực. Cô không giả vờ dằn vặt nội tâm như nhiều nhà văn (không chỉ ở Việt Nam) ham đòi thời thượng. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư không ngây thơ "chuyện đời". Cô nhìn, cô nghe, cô biết hết. Nguyễn Ngọc Tư là một chứng nhân trung thực và tinh nhạy. Không phải chứng nhân cho những vụ việc hung hăng, thô bạo, nhưng cho những mảnh đời đơn dị, bình thường. (Truyện Nguyễn Ngọc Tư không có người lừa đảo, không có kẻ sát nhân. Có lẽ trong truyện của cô cái tội lớn nhất là tội... ngoại tình!). Nếu lúc gần đây truyện của Nguyễn Ngọc Tư có "buồn" hơn, ấy không phải vì mắt cô đã nhạt đi màu hồng (hãy mong thế), nhưng vì tầm nhìn của cô nó xa hơn và, trong quãng không gian mở rộng đó, cô thấy thêm những chuyện đời dang dở. Cô không buồn hơn, nhưng lọt vào mắt cô là những mảng đời buồn hơn.

Nhưng đừng tưởng Ngưyễn Ngọc Tư là người hời hợt. Quả vậy, những truyện - nhất là những truyện sau này - đều là về những mối tình không trọn. Chẳng phải đổ vỡ, nhưng không trọn. Những mối tình đó không phải chỉ của người già, mà còn là những mối tình của thế hệ cô (Ngổn Ngang) - hay thứ tự phải ngược lại? Nhìn cho kỹ, sự dang dở đó không phải lỗi của ai. Nguyễn Ngọc Tư chấp nhận nhưng không than oán, mà cũng không ra vẻ cứng rắn kiểu anh hùng rơm.

Những cặp "tình nhân" (tạm gọi) trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư không bao giờ hôn nhau (như cô sẽ hỏi: ai làm chuyện kỳ vậy?). Nhiều lắm, thì chỉ như: "Quí mặc áo đứt mất tiêu cái nút trên, lồ lộ ra mảng ngực ráp nắng. Trong Đậm nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong nép đầu vào đó để quên nhọc nhằn, để quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời". (Giao Thừa)

Hay là:

"Nó ngồi sau lưng thầy... mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt nghe thèm đến rớt nước mắt được nép mặt vào lưng, được choàng tay ôm eo thầy". (Nước Chảy Mây Trôi)

Phần nào, sự chuyên biệt của Nguyễn Ngọc Tư vào những truyện loại này có thể làm người đọc lo ngại. Chằng lẽ nghiệp văn của cô sẽ khoanh trong thể loại những mối tình không trọn, những ký sự đồng quê? Quả là Nguyễn Ngọc Tư có tài thiên phú, cô viết rất nhanh, rất khoẻ (trong vòng ba năm đã ra bốn tập truyện ngắn). Nhưng cái đáng lo là chỗ đó. Người ta bắt đầu thấy quá quen thuộc với truyện của cô. Chúng na ná như nhau, và dù rằng mỗi truyện vẫn đáng đọc, vẫn cho người đọc những giờ phút thú vị, nhưng sao ấy, chúng không còn để lại cái ấn tượng sâu đậm của những truyện mấy năm đầu. Đến lúc nào đó, nhà văn không thể chỉ sử dụng cái thiên bẩm của mình. Nhà văn phải đổ mồ hôi, xót con mắt, lã ngón tay (hay cho độc giả cảm tưởng ấy). Sự quanh quẩn trong những không gian, hoàn cảnh quen thuộc có thể là cái chớp đèn vàng (nhưng chưa đỏ) trên con đường văn chương của Nguyễn Ngọc Tư.

Nhiều người so sánh cô với Sơn Nam. Nhưng Sơn Nam là người viết ký sự giỏi, hầu như là nhà nghiên cứu, nhà dân giả học chuyên nghiệp. Nguyễn Ngọc Tư không như vậy, cô là nhà văn chuyên môn. Những cây bút khác ở miền Nam liền trước Nguyễn Ngọc Tư (như Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng) là thế hệ của chiến tranh dành độc lập. Tuy Nguyễn Ngọc Tư không phải mang nhiệm vụ đó nữa, quá khứ ấy được cô đưa vào truyện một cách rất tự nhiên (Mối Tình Năm Cũ, Ngọn Đèn Không Tắt). Có lẽ Nguyễn Ngọc Tư không biết là chính cái trẻ của cô, cái tính "tỉnh nhỏ" của cô đã cho cô một lợi thế rất lớn. Đó là cô không bị hành trang của thế hệ trước làm nặng vai, hay bị ảnh hưởng của những người đi trước (trong thư riêng gởi một độc giả, Nguyễn Ngọc Tư cho biết chưa từng đọc Võ Phiến, chẳng hạn).

Một đặc điểm của Nguyễn Ngọc Tư là hình như cô đã chớm thấy sự khác biệt giữa cô - như một nhà văn - và những người khác (chẳng hạn như trong Một Mái Nhà, Nguyệt - Người Bạn Không Biết Viết Văn). Đây là một điềm tốt nhưng cũng là một dấu hiệu nguy hiểm. Tốt vì cô ý thức trách nhiệm (trong chừng mực nào đó) của mình, nhưng nguy hiểm vì nó có thể gây một tự giác quá độ về chỗ đứng của cô - như một nhà văn - đối với xã hội. Nhà văn, theo tôi nghĩ, vừa phải đứng trong vừa phải đứng ngoài dòng cuộc sống. Song Nguyễn Ngọc Tư lại có vẻ thành thật tiếc nuối cuộc sống bình dị của những người không viết văn. Đặt vấn đề cách khác, những nhà văn trẻ Việt Nam như Nguyễn Ngọc Tư, từ trước đến giờ vẫn sống với cái bẩm sinh của mình, sẽ ra sao khi biết được nhiều hơn về văn đàn (thế giới), khi ý thức hơn "nghề văn" của nhà văn? Đó là những câu hỏi lớn, định đoạt chỗ đứng tương lai của nhà văn đó trong khu vườn văn học.

Một cái "bệnh" của những người viết trẻ bây giờ là mặc cảm (hay đua đòi) phải dùng một bút pháp mới, mô tả xã hội tân thời (thường được xem như đồng nghĩa với lối sống thị thành), đôi khi phải làm ra vẻ biết nhiều, học rộng. Nguyễn Ngọc Tư không cần "làm dáng" kiểu ấy. Cái mới trong văn Nguyễn Ngọc Tư chính là cái cũ, cái lạ ở cô là tài khui mở những sinh hoạt thân thuộc trước mắt. Nguyễn Ngọc Tư không "vén màn" cho người đọc thấy cái chưa từng thấy, cô không dẫn dắt ta khám phá những ngõ ngách của nội tâm mà ta chưa từng biết (một điều cũng rất cần, nhưng để những nhà văn khác). Cô chỉ đưa ra một tấm gương rất trong, thật sáng, để chúng ta nhìn thấy những sinh hoạt, tình tự rất thường. Và qua đó, lạ thay, như một tiếng đàn cộng hưởng, ta khám phá cái phong phú của chính đời ta.

Tuổi trẻ của Nguyễn Ngọc Tư làm người đọc vừa mong đợi, vừa âu lo. Mong rằng tài năng của cô sẽ chín ra, sẽ lớn thêm. Nhưng lo rằng, với tuổi đời, giọng văn tươi mát đó sẽ không còn thích hơp với những đề tài có gam màu sậm hơn. (Nhưng khoảng cách hai năm, từ Ngọn Đèn Chưa Tắt sang Giao Thừa, sự tiến bộ của cô - đúng ra là sự thích ứng với kinh nghiệm sống của cô, buồn hơn, thâm thúy hơn - làm người đọc hi vọng).

Chúng ta mong sự trưởng thành của Nguyễn Ngọc Tư sẽ là sự trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam. Ta mong cô sẽ tiếp tục là một người ghi chép chân thật những chuyển biến của đời sống dân tộc. Nếu cô làm được điều đó thì chúng ta thật cám ơn cô. Tài năng của cô đúng là thiên phú. Nguyễn Ngọc Tư là một "đặc sản" của miền Nam.

T.H.D

Department of Economics

Wright State University

Ohio - USA

Nguyễn Ngọc Tư

Hạt Gửi Mùa Sau

hồi kí

Ông già như lật tung cái nhà lên. Ông chui xuống gầm giường, ông thò đầu vào lục lọi trong tủ chén. Đầu vướng đầy mạng nhện, ông cằn nhằn cử nhử, rõ ràng, mình cất ở đây, sao bây giờ nó mất biệt rồi, kỳ quá, kỳ quá. Tụi nhỏ cũng chạy lại, nghiêng chỗ này, ngó chỗ kia, cũng nói lạ quá trời, tự nhiên mất vậy cà. Nói, mà sợ tím ruột bầm gan, vì cái vật mà ông già muốn tìm tụi nhỏ đã cương quyết giấu biệt rồi.

Ai mà biết ông già coi trọng mớ bông vạn thọ, mồng gà khô đó dữ vậy, tụi nhỏ chống chế. Nhưng rõ ràng, tụi nhỏ biết. Sống chung một nhà, làm gì mà không rõ mỗi lần chim én bay hấp háy, đậu trên đám chà dưới mé sông, ông già lại đi lật lịch thăm chừng. Một tháng trước tết, ông vác cuốc ra sân, tụi nhỏ dù muốn dù không cũng phải vác cuốc đi theo, xới nhừ mảnh sân trước nhà, lụi hụi tưới nước cho mềm xốp lại. Ông già đi lục lọi mớ bông để giống từ tết năm ngoái, rải hạt. Kế Tết, lúc ông già đứng tỉa lại hàng bông bụp, bông lồng đèn thì bông vạn thọ, mồng gà, sao nhái đã nở rực cả vạt sân. Bông móng tay thấy thân phận nhợt nhạt của mình, nép thành một hàng dài dọc đường đi. Nghỉ tay, ông đứng chống nạnh, khoan khoái đứng ngắm bông, hết đứng gần rồi lại lùi ra, cười khà khà khà, khoái trá.

Với ông, Tết mà không trồng bông thì mất vui đi. Dù cực, dù ngày mấy lượt khệ nệ xách thùng đi tưới. Có cho đi, thì mới nhận lại, thử hỏi, ba ngày Tết, ngồi khề khà mấy ly trà, ngó ra cái sân vàng rực mênh mông, bông chật ních con mắt, có sướng không? Sướng! Vì vậy mà khi trời bắt đầu trở chướng, ông già thì trở... chứng, không chịu ở trong nhà. Suốt ngày tha thẩn ngoài sân, sửa sang, uốn lại mấy bụi chùm rụm, tỉa hai cây sộp, chăm sóc đám bông... Ông gọi là bông thì tụi nhỏ không được gọi hoa, ông nói hoa là hoa hông hoa huệ gì đó, còn mồng gà, vạn thọ hay sao nhái thì phải kêu bằng bông, cũng như núm mối mà cứ học đòi nấm mối, cái thứ dân dã, mọc vườn hoang phải kêu sao cho dân dã, dễ nghe (ông mà đọc được bài này, hẳn ông giãy nảy lên, cái gì mà gửi, gì mà hạt, sao không nói "gởi hột...").

Đám trẻ tịt ngòi. Tụi nó thấy đám bông đúng là mang rắc rối tới cho tụi nó. Mấy bữa ông đi đám giỗ xa, về nhà, thấy bông héo, ông rầy tụi nó cả buổi. Mà, tụi nhỏ thấy bông cũng có ích lợi gì lắm đâu, ừ, có bông thì nhà sẽ đẹp mấy ngày Tết, nhưng mắc công. Sau tết, bông tàn, lại phải chọn những bông lớn nhất, đẹp nhất, già nhất đem phơi khô, lại phải nhổ bỏ đám cây rụi lá, dọn dẹp cho sạch, chuẩn bị sân phơi lúa. Tụi nhỏ nghĩ, đẹp, mà không ăn được, thì cũng phí.

Một phần, tụi nhỏ thương ông già, cứ lụi hụi cho cực thân. Ba năm rồi, đất nhiễm mặn, tan hoang, trồng bông cũng không nước tưới. Ngày xưa còn bờ dừa còn liếp chuối, bông trên sân phối hợp với cảnh chung quanh, giờ cây cỏ đìu hiu, cái màu vàng rực lên của sao nhái, vạn thọ càng làm khó chịu, chói gắt con mắt. Một bữa dọn dẹp ổ mối trong tủ, tụi nhỏ lén đem cái gói bông khô giấu trên giàn củi. Và ông già tìm kiếm trong tuyệt vọng.

Không thể tưởng tượng được, tết này lại không có bông, ông già rầu rĩ, nằm gác tay lên trán. Ngày dài, nằm chán, ông già ra đằng trước, nhìn cái sân chang chang nắng, thở dài ứ hự, mắt hoang vắng, thất thần. Tụi nhỏ đã dự tính trước, ông già sẽ buồn, nhưng nghĩ nỗi buồn qua mau, mai mốt ông quên tuốt. Nhưng ngó bộ dạng ông vẫn long đong tìm kiếm, tụi nó hoảng hồn, Tết sau, sau nữa, ông cũng sẽ nhớ hoài mùa bông cũ. Tụi nhỏ nhận ra, ông già trồng bông không hẳn vì chúng đẹp (bởi thật ra chúng đâu có đẹp, thậm chí, bông vạn thọ hôi rình), trồng để thấy tuổi xế bóng còn làm được việc thần kỳ, còn có thể vun đắp sự sống từ bàn tay cứng quèo, gân guốc, trồng bông để nhớ cái thời sạ lúa trên đồng, và bông như một món quà Tết duy nhất ông có thể làm cho con cháu.

Bữa sau, ông tìm được gói bông khô trên cái gióng cá khô treo đầu bếp. Ông mừng quýnh, nói kỳ quá, kỳ quá, tao kiếm ở đây nát hết mà không thấy, vậy mà bây giờ tự nhiên nằm chình ình, y như ma giấu. Tụi nhỏ ngó nhau cười cười, mếu mếu.

Lại phải phụ ông già cuốc đất, lại gieo, lại đeo cây nước bơm từng thùng đem tưới. Bông lại nở rực trước sân nhà. Và tết tàn, ông già lại nâng niu đi hái từng bông hoa héo khô, rũ cánh, giữ hạt cho mùa sau. Nghe như một người tàn và bông hoa tàn đang hát thầm bài ca cuộc sống.

Tụi nhỏ ngậm ngùi, ông già dường như làm điều gì lớn lao hơn là giữ hạt. Giữ cho tụi nhỏ không xuề xòa, lười biếng (bệnh này đang lan nhanh dữ dội từ hồi chuyển sang làm vuông nuôi tôm). Giữ một nếp nhà, giữ phong tục cũ...

Giữ cho cái sân bông rực rỡ, lung linh trong ký ức của những đứa trẻ xa nhà...

Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Ngọc Tư

Hết Nói

Bỗng tưởng tượng ra một ngày nào đó với biển hiệu "trị hết nói" ta trở thành một lương y danh tiếng. Dù ở nơi hẻo lánh xa xôi nào đó, dù đèo thẳm rừng sâu, dù cách sông cách núi người đời vẫn tìm đến rần rần. Chưa biết ta - bà lão thầy thuốc giỏi giang cỡ nào, nhưng hẳn rất đặc biệt, khi chẳng làm gì hết mà người "hết nói" bỗng dưng chạy lại, kể lể dông dài tôi cảm thấy sao, tôi đau như thế nào.

Họ, là những người không muốn nói dù vẫn còn khả năng nói (bằng chứng là đang... nói). Và khi nhận ra điều đó thật bất thường, họ tìm đến ta. Thí dụ như cô gái kia, cô ngồi trước mặt ta với vẻ hoang mang, cô nói ngộ lắm thầy ơi, tự nhiên em cảm thấy ngôn từ là một cái gì rất nặng nề, rời rạc, nên không đủ sức kết lại bằng câu thốt lên bằng lời. Em hay chui vào quán vắng (nên quán nào mà có cô ở đó chắc chắn là... ế), ngồi một mình, yêu cầu nghe nhạc không lời, trong cái nhìn dè dặt của cô tiếp viên, "bộ nhỏ này làm... thơ hay sao mà thấy... kỳ kỳ". Nhiều khi em cũng ngại, ở một xã hội đám đông, đi cà phê một mình, không laptop, chỉ nhìn ra cửa sổ, nghĩa là bạn không bình thường, nhưng em không biết tìm đâu một người thích hợp để cùng ngồi với nhau, như những con chù ụ.

Thầy cười, vì cô không nhận biết được đó thôi, đang có nhiều người hết nói sống quanh cô. Chỉ vì biểu hiện không giống nhau. Có người nói mãi một cây cầu sắp gãy, ngôi trường sắp đổ, con đường xuống cấp, một hố rác giữa thành phố... Sở dĩ phải nói mãi vì những chuyện đó còn mãi. Bây giờ, tiếng nói của anh ta đã trở thành tiếng khóc cho nhiệt huyết bị chôn vùi, cho một niềm tuyệt vọng, cho sự đổ vỡ niềm tin. Lại có một dạng hết nói khác, là không nói những gì mình nghĩ mà nói những gì người khác thích nghe, nên ngôn từ khẩu hiệu tươi rói trên môi nhưng lòng ráo hoảnh, chính họ cũng chẳng hay mình đã 'hết nói", vì lời ấy ai đó vào gắn lên đầu lưỡi họ, chứ có phải của họ đâu.

Bản thân việc hết nói, là một nỗi đau. Bỗng dưng người ta không thể bày tỏ tình cảm của mình bằng lời nói nữa, bỗng dưng việc thốt ra ngôn ngữ không còn là niềm vui như chim kia hót, như mèo kia kêu, như dế kia gáy, hỏi sao không buồn? Nhưng suốt một thời gian dài, cô gái không cảm nhận được điều đó, cô vẫn giao tiếp với thế giới bằng mắt, bằng các ngón tay gõ trên bàn phím, bằng cái ngón cái đưa tin trên điện thoại. Cô cũng chẳng cô đơn lắm. Rồi cô nhưng thật sự muốn mình nói trở lại, khi bắt đầu viết blog cho con. Trời ơi, sao mình lại thể hiện yêu thương trên không gian mạng xa lạ này, trong khi hằng ngày mình trò chuyện với đứa trẻ một hồi mệt muốn đứt hơi, đâu rồi trìu mến nói cười?

Đó là những thứ mà cô luôn tìm được ở ba mẹ mình, những thứ làm thời thơ ấu của cô thành quãng đẹp nhất, thần tiên nhất. Cô gái muốn mình lại cất tiếng nói, với tất cả sự hào hứng và trìu mến, vì con, và vì mẹ cô. Một bà mẹ muộn phiền từ ngày con mình bỗng dưng thôi líu lo, ít nói hẳn đi, luôn tránh khi nhà có tiệc tùng khách khứa, nó phân trần, "con mà ngồi chầm dầm trước mặt người ta thì kỳ cục lắm. Thôi." Con mẹ rất ít bạn bè, chừng vài ba đứa, cũng im ỉm như nó. Cũng chỉ tươi tỉnh, linh động khi ngồi trước màn hình máy tính, đôi lúc chúng phì cười, đôi lúc chúng hớn hở, đôi lúc chúng buồn. Bà lén xem, chẳng ai trong đó, nhưng kiến thức thì có, đầy ắp, đủ thứ trên đời. Bà mẹ cảm giác, dường như đứa nhỏ quen giao tiếp theo kiểu đơn tuyến như vậy, nó không nói nữa. Chừng đó tri thức, nó thấy mình đã quá lớn để ngã vào lòng bà than thở, mẹ ơi, con buồn quá; hay, mẹ ơi, nếu thằng bạn học nắm tay con có phải là nó thích con không? Mẹ ơi...

Bà cảm thấy mất mát một phần thiên chức làm mẹ là lắng nghe con và chia sẻ, bảo bọc con. Bà sợ nó không hòa nhập được với xã hội đám đông, xã hội giao đãi, ở đó chỉ ngôn từ mới ve vuốt được nhau, thật lòng hay không không quan trọng. Bà tội nghiệp cho thằng nhỏ lấy con bà làm vợ, chắc là chưa bao giờ được nghe ba tiếng "em yêu anh".

Nhưng phương thuốc "hết nói" của ta không còn ý nghĩa gì nữa khi bà mẹ biết được con mình ra đời bị người ta xiên những lời đau vào xuyên da thịt thấu tận tim. Con mình bị lạc lõng giữa một đám đông thích nhậu hơn là sống. Con mình bị cười cợt khi nói lên điều thật lòng nó nghĩ (nhưng đám đông không nghĩ). Con mình cũng từng nói về những bất công, những trái ngang của cuộc đời nhưng tiếng nói mỏi mòn đã trở thành tiếng khóc.

Nếu là mình, gặp bao nhiêu chuyện đó, mình cũng hết nói, bà mẹ tần ngần, sao mình không đón nhận tình yêu của con bằng mắt, bằng nét mặt, bằng sâu thẳm tận đáy lòng? Có ai hết nói đâu, có ai muốn câm lặng đâu, chỉ là họ đang nói, đang đấu tranh theo cách của họ. Nên gặp lão bà trong miền Tưởng về, những người "hết nói" tiếp tục "chán nói", có sao đâu, như cô gái kia, nếu không thể thủ thỉ chuyện này chuyện nọ với con, cô sẽ ôm ghì nó nhiều hơn, sẽ lắng nghe nó nói nhiều hơn, sẽ cười, nhìn nó nhiều hơn...

Chỉ sợ bao nhiêu đó vẫn chưa đủ, thì cô gái không biết phải tìm thuốc nói (theo kiểu thông thường) ở phương nào? Bởi vị lương y này cũng đang "hết nói", cũng bị "mất lửa" nên mới buồn tình bày trò lường gạt đây nè...

Nguyễn Ngọc Tư

Ơi hỡi diêu bông...

Ông già hay bưng bình trà ra bộ vạc đặt ở chái sau, ở đó nhiều khi đến nửa ngày. Dáng ngồi như tượng, nếu không có tiếng nước trà rót lỏn xỏn vào cái tách sứt sẹo, thì chỉ có gió hui hút thổi qua mấy cự củi làm bạt đi âm thanh lũ mọt đang nghiến trong cây. Ở đó, ông già đăm đăm ngó về phía nhà xưa, đất cũ. Ở đó, tầm nhìn quang đãng tới mức lổn nhổn bày biện ra trước mắt ông một khu công nghiệp với hệ thống nhà máy giăng giăng khói phía chân trời. Không có rặng cây nào đủ bao bọc lấy vài ảo tưởng, từ khu định cư nắng chang chói này ông già buộc phải chấp nhận một sự thật, chỗ đất ông từng chôn khúc rốn khô của thằng con trai út, giờ đã thành chốt gác tạm vào nhà máy phân đạm đang thi công.

Thằng Út mỗi ngày vài ba lượt lủi thủi mệt mỏi đi ngang qua đó. Nó chưa bao giờ xao động vì cái cuống rốn đã hóa thành đất của mình, nhưng lúc qua cỗng nó thường hoang mang, không biết ngày mai có còn quay trở lại đây, không biết ngày mai mình có bị sa thải, bị thay thế bởi những công nhân đến từ bên kia biên giới xa xôi.

Ông già lớn tiếng nói không lo, người ta đã hứa rồi, sẽ kiếm công ăn chuyện làm cho tụi trẻ bây. Người ta làm lớn nên nói đâu chắc đó. Mình đã bứng nhà cửa, bứng mồ mả ông bà đi cho người ta làm công nghiệp thì cũng được đền đáp xứng đáng chớ. Ông oang oang, cố lớn tiếng cũng là để trấn an chính mình. Mỗi khi thấy mới xế trưa mà thấy thằng Út về, ông cũng thót tim, cứ lo nó bị đuổi việc.

Nghe kể lại, hồi thôi nôi thằng Út, nó hí hửng chụp lấy cục đất lúc vợ ông đặt trước mặt nó cái rổ đựng lỉnh kỉnh viết, kéo, lược, gương... Phải nghe kể lại, vì hôm đó ông vẫn phải đi gặt mớ lúa bị gió giông giật sập chìm ngoi ngóp trong nước. Lúc đó, ông đã tuyệt vọng nghĩ, những đứa con mình rồi cũng suốt đời quần quật đồng áng như mình.

Đời tụi nó phải được thay đổi. Cái ý nghĩ đó lúc nào ám ảnh sôi réo trong đầu ông. Nên ông già bồi hồi biết bao nhiêu khi nghe tin về khu công nghiệp sắp được xây trên vùng đồng rừng heo hút quê mình. Họp dân lần nào ông cũng hỏi, có công ăn chuyện làm cho bầy trẻ không? Lời hứa chắc nụi của người ta làm ông chấp nhận rời đi mà không lưỡng lự. Hôm dọn nhà về chỗ định cư mới, ông gần như khóc, thằng con lớn hỏi tại làm sao, ông cố gượng nói bị kiến nẻ nẻ đau quá để mấy đứa con không phải cảm thấy mắc nợ ông chút nước mắt này.

Để con đừng vì thương ông mà do dự trước cơ hội đổi đời. Lúc đó, ông nghĩ vậy, nên dù có luyến tiếc đất đai vườn tược, dù nước mắt đong vài chén nữa, ông vẫn cắn răng nhổ cái bàn thông thiên mang về cặm ở nhà mới nằm trong xóm mới. Buổi tối mang nhang ra thắp giữa trời, ông hình dung cảnh như vầy : mấy đứa con về nhà vào buổi chiều, trong bộ đồ công nhân lấm lem dầu mỡ, tụi nó kêu, ba ơi, con mới lãnh lương, mấy ba con mình bắt con gà nấu cháo nhậu chơi. Ông suýt cười thành tiếng, trong tưởng tượng thôi mà mấy chữ "lãnh lương" nghe lạ lùng và xao động lắm rồi. Một nông dân sống sắp hết đời chưa bao giờ được nghe.

Lúc đó ông không biết không có cơ hội dành cho đám trẻ vốn vừa học vừa ra đồng, nên cố gắng lắm thì trình độ cũng vừa xong trung học. Những nhà máy công nghệ cao không có chỗ dành cho chúng. Những cánh cổng rốt cuộc chỉ chào đón người đến từ quê xứ khác.

Ông sắm xe cho thằng con lớn chạy như cả xóm chạy xe ôm. Con gái đi bưng bê cho quán cơm gần nhà máy. Thằng Út xin được một chân phụ hồ trong chuỗi nhà máy đang xây dựng. Mừng còn ấm thì đã bị lo âu hắt vào mặt, khi ở công trường, trong quán nước hay trên đường ngày càng có nhiều người mới đến. Họ không hơn đám thanh niên bản xứ này cái tay cái chân con mắt nào, cũng gân guốc, chai sạn, chỉ khác ở thứ ngôn ngữ dị biệt. Nghe không hiểu, nhưng khi họ cất tiếng lao xao, thằng Út thấy như cứa, như cắt, xót xa trong ruột. Cô gái làng thằng Út thương đã chắt nụ cười sang cho một người khác, chỉ vì anh ta đến từ đất nước của Tiểu Yến Tử, của vua Càn Long, của Võ Mỵ Nương... sớm chiều phát trên truyền hình.

Thằng Út về nhà buồn tênh nằm võng nghêu ngao hát, "thương em tôi tìm được lá diêu bông, sao em nỡ vội lấy chồng...". Không phải tự nhiên mà bài thơ, bài hát về thứ lá sắc sắc không không đó làm người ta yêu thích. Đời người dường như ai cũng có một lần thương yêu ngu ngơ, cũng tin yêu trong veo, cũng gặp những thề hẹn mơ hồ, cũng nhận những lời hứa ỡm ờ, lơ đãng, cũng gặp những phũ phàng...

Ông già, ngồi trong cái chái chất củi được cất từ cây lá nhà xưa, vẫn đượm mùi khói xưa, nghe bài hát bỗng buồn không kể xiết, cầm như cha con ông đã bị phản bội rồi.

(Coppy từ vnthuquan.net)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro