Nếu được làm hạt mưa rơi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời đang mưa.

Chuyện thời tiết giữa các mùa trong năm vẫn là điều mơ hồ đối với tôi. Tôi không thể nhớ tháng mấy chuyển sang mùa đông hay bất kì một mùa nào khác. Chẳng hạn như thời điểm này, tôi không biết đang là mùa xuân hay đã sang mùa hạ. Thời tiết vẫn còn hơi lành lạnh vào buổi sáng, người ta có thể mặc áo khoác mỏng cũng có thể mặc áo sơ mi hoặc áo phông. Sáng có thể lạnh thật đấy, nhưng đến trưa là có ánh nắng. Để an toàn, tôi mặc áo phông và khoác áo sơ mi bên ngoài, lúc nóng có thể cởi bớt ra dễ dàng.

Tắt tiếng chuông báo thức từ điện thoại, tôi nghĩ tới chặng đường phải đi để đến nhà xuất bản mà thấy nản vô cùng. Trời đang mưa to, ra đường trong thời tiết này không phải là việc thích thú với tôi. Thật ra tôi có thể trùm chăn ngủ tiếp, nhà xuất bản nơi tôi thực tập không khắt khe trong chuyện đi hay nghỉ, muộn hay sớm. Nói chung là tôi muốn đến lúc nào cũng được. Nhưng tôi không bao giờ hành động lung tung, vô kỷ luật như thế. Tôi vẫn đi đúng giờ, có mặt tất cả các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu.

Hôm đầu tiên đến thực tập, trưởng đoàn của chúng tôi đã xin Trưởng phòng Biên tập cho chúng tôi nghỉ buổi chiều, vì chúng tôi phải viết khóa luận tốt nghiệp. Gọi là trưởng đoàn cho đúng chức danh thôi, chứ thật ra chúng tôi chỉ có ba người, trong đó cái Loan được cử làm trưởng đoàn. Nhà xuất bản nghỉ thứ bảy và chủ nhật nên có nhiều thời gian cho chúng tôi làm việc của mình, vậy mà chúng tôi còn xin nghỉ thêm thì đúng là do tính lười. Còn viết khóa luận ấy mà, chẳng mấy đứa chăm chỉ viết từ khi đi thực tập cả, đa số đều để nước đến chân mới chạy.

Tôi bật ô và bước ra đường. Tôi đi khá nhanh qua ngã tư gần trường tôi học, sang đường, tiến về phía bến xe buýt trên đường Cầu Giấy. Bến xe buýt nằm trước siêu thị điện máy, có hai ghế ngồi và có mái che, nhưng thường thì tôi không ngồi. Ở bến xe buýt hay trên xe buýt tôi đều vậy, nếu ngồi thì chẳng mấy chốc lại phải đứng lên để nhường ghế cho người khác. Tốt nhất là tôi cứ tìm một chỗ đứng thoải mái, có nơi để bám cho chắc là được.

Đứng ở bến xe buýt, tôi nhìn dòng xe cộ qua lại, nhìn dòng chữ đang chạy trên biển hiệu của cửa hàng bán chăn ga, gối đệm. Dòng chữ màu đỏ. Tôi đọc nó không biết bao nhiêu lần rồi. Lần nào đứng đợi xe buýt ở đây tôi cũng đọc dòng chữ đó. Tên cửa hàng, địa chỉ các cơ sở của cửa hàng cứ lần lượt xuất hiện rồi biến mất rồi lại xuất hiện. Đôi khi tôi nhìn về hướng đường Xuân Thủy xem xe buýt đến chưa, nếu chưa, tôi lại tiếp tục nhìn cái biển hiệu đó. Tôi cũng không biết tại sao tôi không chán khi nhìn nó.

Có lẽ ngoài dòng người qua lại, đó là thứ duy nhất đang chuyển động. Các cửa hàng vẫn còn đóng cửa im ỉm, những biển hiệu khác không phải là biển hiệu điện tử, thông tin quảng cáo chỉ là những con chữ được in trên đó, nó không chuyển động. Hình như sự chuyển động dễ thu hút người khác hơn. Cũng như người vui vẻ, hoạt bát sẽ dễ gây chú ý hơn người trầm lặng. Nếu tôi đứng giữa một đám đông, chắc chắn sẽ không có ai biết đến sự tồn tại của tôi. Tôi thường im lặng nhìn lơ đãng vào một điểm nào đó, nghĩ ngợi linh tinh. Như lúc này chẳng hạn, tôi đang nhìn cái biển hiệu của cửa hàng bán chăn đệm.

Thấy xe 32 thấp thoáng phía xa, tôi cụp ô lại, cho vào túi ni lông cho khỏi chảy nước tong tong hoặc khi chen lấn trên xe buýt khỏi làm ướt người khác hay chính bản thân mình. Xe 32 và hơn bảy giờ sáng, không khác gì một màn tra tấn. Tôi bị xô đẩy và chèn ép giữa những người và người. Tôi cố gắng len đến tận cuối xe, dưới đó thường đỡ đông hơn và đỡ bị chèn ép hơn, nhất là khi có ai đó lên hoặc xuống. Khi đã được yên vị, tôi dựa vào cái cột màu vàng, vòng tay qua ôm lấy nó, như vậy là có thể yên ổn mà nhìn ra bên ngoài và tự do suy nghĩ. Tôi nghĩ vẩn vơ thôi, cũng có khi không nghĩ gì cả, chỉ đơn giản là nhìn mọi thứ bên ngoài xe buýt.

Lúc này, tôi nghĩ đến một câu nói tôi thuộc lòng, thuộc hơn tất cả những câu tôi từng muốn thuộc. Nếu được làm hạt mưa rơi nối đất trời vĩnh viễn không hội ngộ, liệu tôi có làm được vậy với những trái tim đã cách xa nhau? Câu đó tôi đọc trong truyện Bleach, một tác phẩm truyện tranh của Kubo Tite do nhóm MTO dịch. Trên Cổng truyện dịch của VnSharing chỉ ghi nhóm dịch chứ không ghi tên người dịch nên tôi không rõ dịch giả thật là ai. Cho đến bây giờ tôi mới để ý đến người dịch mỗi khi đọc một tác phẩm dịch. Trước đây thì không, tôi chỉ đọc thôi, có chăng là tôi để ý đến tên tác giả. Đó thực sự là một sai lầm.

Thử nghĩ mà xem, không tính từ khi tôi bắt đầu đọc một cái gì đó (tôi không nhớ là khi nào), chỉ cần tính từ lúc tôi học đại học, tôi đã đọc bao nhiêu quyển sách, bao nhiêu truyện dịch (cả tiểu thuyết, manga...) mà tất cả tôi đều không biết người dịch là ai. Có phải tội lỗi không cơ chứ? Chưa kể đến, tôi đã mất một danh sách, danh sách những dịch giả mà tôi thích chẳng hạn. Nếu tôi có nó, tôi sẽ dễ dàng hơn trong viêc chọn lựa những cuốn sách để mua không biết chừng. Hoặc là tôi sẽ mua được những cuốn sách có giá trị mà tôi đã bỏ qua cũng nên. Cũng không phải tự nhiên mà tôi nghĩ ra điều này. Tôi nhận ra nó khi tôi học môn Biên tập sách dịch. Giảng viên của chúng tôi đã nói về những dịch giả mà cô thích, cô thường mua sách do các dịch giả đó dịch. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ, mình không biết tên một dịch giả nào, ý tôi là, tôi không nhớ tên một ai cả.

Câu nói của Kubo Tite ám ảnh tôi rất lâu. Khi mới đọc nó tôi đã nhẩm đi nhẩm lại trong sự thích thú. Cái đầu tiên là hiện thực nó nhắc đến, bầu trời và mặt đất thật sự được nối với nhau bằng những hạt mưa rơi. Đã bao nhiêu lần tôi nhìn mưa rơi, tôi cũng như bất kì ai không thể nào nhớ được, vậy mà tôi không phát hiện ra điều đó, điều mà Kubo Tite đã phát hiện ra rồi đưa nó vào trong truyện của mình kèm với ý nghĩa nhân văn cao cả. Ý nghĩa nhân văn nằm ở vế sau của câu, ai đọc truyện của tác giả mới hiểu hết được ý nghĩa đó. Với bản thân tôi, tôi đơn thuần nghĩ rằng kết nối được trái tim giữa người với người đã là vô cùng vô cùng đáng quý rồi.

Ngày ngày, tôi nghĩ về câu trích đó, tôi ước giá như tôi có thể làm vậy, làm một điều gì đó gắn kết tình cảm giữa những người xung quanh tôi. Bạn bè tôi, gia đình tôi, tôi dành cho họ tình yêu thương mà không thể hiện ra bên ngoài, chỉ thầm mong mọi người hiểu nhau, thông cảm cho nhau và yêu quý nhau. Cũng có khi, từ tận trong sâu thẳm trái tim điều tôi mong không chỉ là như vậy, tôi không cách nào lí giải được những tình cảm được tạo ra trong nó.

Những ngày sau khi đọc câu đó tôi nhìn ngắm nó trong sổ tay, tất nhiên là tôi đã chép nó vào sổ, rồi tôi thấy tôi yêu mọi người xung quanh hơn rất nhiều. Đôi khi tôi thấy ngạc nhiên về sự tác động của văn học lên bản thân tôi. Tôi là người dễ bị ảnh hưởng, cả tốt lẫn xấu. Thường thì với cái xấu, lí trí của tôi lại phải ra tay can thiệp. Lí trí nhiều khi gặp khó khăn, nhưng nhìn chung nó chưa thất bại lần nào. Cái tốt thì đơn giản hơn, chỉ là cái tốt, tôi tiếp nhận, mặc cho nó điều khiển suy nghĩ, hành động của tôi. Nó sẽ như một tác động, như một bài học, như một kinh nghiệm. Nó sẽ dần dần ăn sâu vào suy nghĩ, nằm yên trong đó. Có lúc tôi lãng quên nó, nhưng nó vẫn ở đó, khi cần thiết thì xuất hiện, đấu tranh với luồng suy nghĩ đối lập với nó, hoặc chi phối hành động của chủ thể, tức bản thân tôi. Tôi còn ghi nó trong trang đầu tiên của quyển album tôi mới làm. Hơn lúc nào hết, tôi muốn lưu giữ những kỉ niệm thời đại học bên những người bạn tôi yêu, trong chan chứa tình cảm, trong sự bao bọc của tâm hồn đã thấm đượm ý nghĩa của câu nói đó.

Xuống xe buýt, tôi phải đi bộ khoảng năm phút trên đường Lý Thường Kiệt rồi mới đến nhà xuất bản. Lúc này trời đã tạnh mưa, trên vỉa hè vẫn còn đọng nước lẫn với những chiếc lá vàng úa đã theo gió rời khỏi cành nằm lác đác trên mặt đất. Đoạn đường này khá nhiều cây khiến bầu không khí trở nên ẩm thấp, thêm vào đó là những quán hàng nằm dưới bóng cây trông không được sáng sủa lắm, nhưng vẫn có chỗ dành cho khách ngồi trên vỉa hè để ăn uống. Nói thật là tôi không thích đoạn đường này. Tôi thường đi qua đó khá nhanh, nó không có gì để tôi nhìn ngắm cả. Qua đoạn đó là đến trước một cái khách sạn sang trọng, có vẻ dành cho người nước ngoài là chính, tôi hay gặp "người Tây" ở đó. Đoạn đường này đối lập hoàn toàn với đoạn trước, sáng sủa hơn, thoáng hơn nhưng tôi lại cảm thấy lạc lõng bởi sự trang trọng và hiện đại của nó. Sau đó là đến tòa nhà mà nhà xuất bản nằm trên tầng mười.

Năm trước, khi tôi thực tập, nhà xuất bản chưa chuyển trụ sở sang đây mà nằm ở Trần Hưng Đạo. Chặng đường từ nhà trọ của tôi đến nhà xuất bản còn gian nan hơn nhiều, tôi phải đi bộ xa hơn nếu không muốn đi hai chặng xe buýt. Nhưng tôi thích đường Trần Hưng Đạo hơn. Đường cũng nhiều cây mà toàn là cây to, tán lá phủ kín cả mặt đường. Ở đó, lúc nào cũng có cảm giác mát mẻ, dễ chịu, không hề tối tăm. Buổi sáng, tôi thường đi sớm để kịp xe buýt nên cũng là người đến sớm. Tôi ngồi ở bến xe buýt ngay bên ngoài nhà xuất bản để đợi cái Hương. Nơi tôi ngồi rất là yên tĩnh, xe cộ đi lại không đông đúc như đường Cầu Giấy, lại nhiều cây xanh nên cũng ít bụi. Dù có phải ngồi đấy một mình cả buổi tôi cũng không chán. Tôi hay suy nghĩ và những lúc như vậy tôi không bỏ qua cơ hội để suy nghĩ. Nhưng cho đến giờ, tôi không nhớ rõ tôi đã nghĩ những gì khi ngồi ở đó.

Khi học Biên tập sách dịch tôi nghĩ rằng không giỏi ngoại ngữ thì làm sao biên tập được? Nếu có biên tập thì cũng chỉ biên tập về chính tả, diễn đạt, trình bày. Biên tập về diễn đạt cũng khó, vì bản thân đâu biết được tác giả có giọng văn như thế nào, dịch giả đã truyền tải đúng nguyên tác hay chưa. Thế nên, tôi tự thấy bản thân mình không thể biên tập sách dịch được. Trước khi đến nhà xuất bản, tôi nghĩ mình sẽ chọn một đề tài khóa luận nào đó liên quan đến biên tập bản thảo, bản thảo của tác giả Việt Nam thì tốt, không nên là bản thảo dịch.

Biên tập bản thảo là một khâu trong cả quá trình biên tập xuất bản một cuốn sách, và là khâu làm việc trực tiếp trên bản thảo. Tôi thích và quan tâm đến khâu này nhất nên tôi đã bỏ qua những đề tài khác có thể chọn lựa, đâm đầu vào một đề tài mà thực tế nhà xuất bản không thuận lợi cho tôi chút nào. Quả thực, mọi thứ không như tôi nghĩ. Sách của nhà xuất bản chỉ có một số mảng nhất định. Cái Loan đã chọn sách ảnh rồi, tôi đành chọn bản thảo sách dịch. Đó là một cuốn sách thuộc mảng nghiệp vụ viết báo của hai tác giả người Mỹ. Dù sao đó cũng là cuốn duy nhất đã có bản thảo để tôi nghiền ngẫm, tất nhiên không kể những cuốn đã xuất bản từ năm trước.

Ngày nào cũng vậy, cứ đến nhà xuất bản là tôi lấy bản thảo ra đọc. Chị biên tập viên chính của bản thảo cũng bảo ba chúng tôi đọc bông bản thảo đó. Mỗi người đọc một phần ba. Riêng tôi, sau khi đã đọc bông phần của mình, tôi phải đọc bản thảo nhiều lần nữa. Đó là "đối tượng nghiên cứu" của tôi mà. Lúc mới đọc, tôi mất cả buổi sáng để đọc trang đầu tiên. Thật sự mà nói, tôi không thể tiếp thu được điều dịch giả muốn truyền tải. Tôi đọc câu sau thì quên câu trước. Tôi không tiếp nhận được cách diễn đạt của dịch giả. Có cảm giác nó lủng củng, giống như văn nói. Có lúc tôi bực mình đến nỗi không thể đọc thêm một dòng nào nữa. Nhưng rồi tôi cũng phải quen dần với cách diễn đạt đó, đọc, săm soi và suy xét. Chính xác đó là những gì chúng tôi làm. Tất cả các lỗi chính tả, lỗi trình bày, sự không thống nhất đều được gạch chân và ghi chú. Chúng tôi không sửa những cái thuộc về nội dung. Một phần vì chúng tôi không có bản gốc, một phần vì chúng tôi không đủ trình độ chuyên môn. Tuy vậy, trong ba người chúng tôi, Thủy Tiên rất giỏi tiếng Anh. Nó mượn chị biên tập viên chính bản gốc cuốn sách. Có chỗ nào thấy nghi ngờ về độ chính xác thì nó kiểm tra lại. Nói chung bản dịch dịch sát nghĩa. Chỉ có điều tôi thấy bản dịch đó không hay. Trong từ ngữ chuyên môn, người ta gọi bản dịch đó là "tín" và "đạt" chứ không "nhã".

Nhà xuất bản ở tầng mười. Tôi đi qua quầy lễ tân, chào chị lễ tân đứng ở đó rồi đợi thang máy. Có hai lễ tân ở đây thay nhau làm trong tuần. Tôi thích chị lễ tân này, ngày nào tôi chào chị cũng cười rồi gật đầu với tôi. Một chị khác thì không thân thiện như vậy, nên thường là tôi không chào. Thỉnh thoảng có một bác đứng đó, tôi chào bác thì thế nào cũng bị hỏi là đi đâu, rồi phải xuất trình chứng minh thư. Nhưng nếu không chào, tôi thấy kì kì sao ấy, nên tôi luôn phải mang chứng minh thư theo người mỗi khi đến nhà xuất bản.

Tôi đến sớm, mới chỉ có mấy bác đến và đang đọc báo. Tôi lấy bản thảo ra đọc. Thỉnh thoảng tôi ghi vào sổ tay những lỗi tôi cần kiểm tra lại xem chúng thuộc lỗi gì. Việc đọc bông đã xong rồi, giờ tôi đang tập trung cho khóa luận của mình. Tôi đã viết xong những nội dung chính của chương một trong khóa luận, bây giờ bắt đầu viết chương hai.

Khi mới đi thực tập được một thời gian, khoa đã tổ chức một buổi để tư vấn đề tài cho chúng tôi, chủ yếu là sửa tên và kết cấu đề tài cho đúng, tránh những lỗi ngớ ngẩn không đâu. Trước đó, tôi đã rất mong chờ buổi tư vấn đề tài này, nhưng đến khi ngồi ở đó, tôi thấy chán kinh khủng. Các giảng viên chỉ có một vài người tập trung vào công việc, còn một số thì ngồi nói chuyện với nhau. Tôi ngồi đợi mãi mới đến lượt mình, và nó kết thúc chóng vánh. Không có ý kiến gì quan trọng lắm xoay quanh đề tài của tôi nên tôi có thể yên tâm mà viết theo đề cương khóa luận đã được các thầy cô trong khoa thống nhất.

Biên tập bản thảo dịch chủ yếu chỉ xoay quanh mấy vấn đề ngôn ngữ. Tôi đang nghiền ngẫm tất cả những tài liệu về ngôn ngữ mà tôi có. Thật ra tôi không có nhiều, chỉ có quyển Từ điển tiếng Việt, Sổ tay chính tả tiếng Việt, Biên tập ngôn ngữ sách và báo chí, Tiếng Việt thực hành. Tôi thống kê các lỗi thường gặp trong việc sử dụng tiếng Việt, lỗi về câu, lỗi về từ, lỗi chính tả... Trong mỗi cấp độ ngôn ngữ lại có rất nhiều dạng lỗi khác nhau. Tôi đang hoa mắt chóng mặt với từ và ngữ pháp tiếng Việt, nếu không hệ thống lại cho rõ ràng, tôi sẽ lộn tùng phèo lên mất. Tôi phải xác định được lỗi đó là lỗi gì để diễn giải, lý giải trong khóa luận. Dù tôi rất chú trọng học mấy môn về ngôn ngữ ngay từ khi vào đại học, nhưng nó vẫn không đủ. Càng đọc tôi càng thấy mông lung.

Tôi có cảm giác mình bây giờ giống như một cái vỏ rỗng có hai cái lỗ tròn xoe, nếu cho một vật gì đó vào cái lỗ này, ngay lập tức sẽ bị rơi ra ngoài từ cái lỗ kia. Tôi không biết trong đầu tôi có những gì. Mọi cái tôi đã từng học dường như đã biến đi đâu mất. Tất cả đều rất rời rạc, không có cái gì liên kết với cái gì. Đây liệu có phải là hội chứng của đám sinh viên sắp ra trường như tôi không? Trên lớp, chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng "càng học càng ngu". Tôi thấy nó đúng chứ không chỉ đơn thuần là một câu nói đùa, chưa học xong cái này đã có những cái khác được đẻ ra để học tiếp.

Ban đầu, người ta bảo mình đọc bông bản thảo đi, thấy chỗ nào nghi ngờ hay có lỗi thì đánh dấu vào đó. Nghe có vẻ đơn giản, đọc bông chỉ cần cẩn thận, tỉ mỉ thôi mà. Thế mà không, gặp từ này thấy lạ lạ, tra chỗ nọ chỗ kia vẫn không ra, đành bó tay bất lực đề một dấu hỏi chấm to đùng vào đấy. Đọc một câu mà chẳng hiểu tác giả viết cái gì, ngữ pháp thì sai, nhưng bảo gọi tên cái lỗi ấy ra, lại ngu ngơ nhìn nhau. Nó giống như là kiến thức vào rồi ra khỏi đầu mình lúc nào không biết, đến khi cần, chỉ lơ mơ nhớ là đã từng học hay đã từng nhìn thấy ở đâu đó thì phải.

Tôi thấy chán ghét sự kém cỏi của bản thân. Tôi đã chọn học ngành này, đã cố gắng học thật tốt, tôi thích nó thật sự, nhưng mọi cái tôi có đều mơ hồ. Trên lớp tôi có vẻ trầm thật đấy, nhưng kết quả học của tôi không đến nỗi tệ. Tôi được làm khóa luận, được kết nạp Đảng, được bạn bè tin tưởng vào khả năng của mình. Chỉ riêng tôi không tin vào điều đó. Nếu tôi là một cái vỏ rỗng, thì cái vỏ rỗng này hơi khác với đồng loại của nó. Những cái vỏ rỗng khác kêu to, còn tôi biết im lặng, sự im lặng hèn nhát. Tôi sẽ chẳng bao giờ để lộ ra cái yếu kém của mình, đơn giản vì tôi không có đủ can đảm. Điều đó giết chết tôi ở một khía cạnh nào đó của sự phát triển. Tôi đứng im một chỗ và thỏa mãn với những gì mình có. Khi nhìn ra xung quanh, tôi mới thấy mình nhỏ bé biết chừng nào.

Tôi ngồi nghĩ lan man như vậy trong khi cái Loan đang xem mấy cuốn sách ảnh còn Thủy Tiên thì chăm chú nhìn màn hình laptop. Tôi nhìn hai đứa nó, nhìn xuống tập bản thảo và cuốn sổ ghi chép, toàn chữ và chữ, những chữ viết lộn xộn, chỗ này gạch, chỗ kia ghi chèn vào, giống như sự hỗn độn trong đầu tôi lúc này. Tôi thu dọn, để chúng gọn gàng lại, bởi tôi biết tôi sẽ không tập trung thêm một lúc nào được nữa. Tôi lấy một tập sách ảnh từ chỗ cái Loan ra và ngồi lật từng trang, ra chiều đang xem chúng, nhưng tâm trí tôi cứ trôi dạt ở đâu đâu, tôi không thể tập trung được. Tôi cứ lơ đãng như thế cho đến khi hết giờ làm việc buổi sáng.

Tôi bắt xe buýt về từ đường Quán Sứ, vẫn là xe 32. Giữa trưa nên xe vắng hơn hẳn, tôi có ghế ngồi. Tôi vẫn chọn ghế ở cuối xe. Nhiều khi tôi cứ muốn ngồi mãi trên xe buýt như thế, đi hết đường này tới đường khác, nhìn mọi thứ qua ô cửa kính, tâm trí tự do đi đến đâu nó muốn.

Nhìn cuộc sống ồn ào, vội vã giữa đất thủ đô, nhìn cách làm việc của mọi người trong nhà xuất bản, tôi nhớ đó đã từng là niềm mơ ước của tôi. Trước khi vào đại học, tôi vẫn luôn tưởng tượng ra một cuộc sống tự do như vậy. Một mình một căn hộ, không cần biết đến ai, ngày ngày đi làm trong một nhà xuất bản, ngồi cặm cụi với từng trang giấy, từng con chữ, hết giờ làm sẽ về nhà nghỉ ngơi, xem phim hoặc đọc sách. Tôi thèm khát cuộc sống như thế đến nỗi luôn tưởng tượng ra và có cảm giác như mình đang sống như thế thật. Vậy mà giờ đây tôi lại thấy nó thật nhàm chán.

Cuộc sống ấy không khác cuộc sống hiện tại của tôi là bao, có chăng là nó có vẻ xa hoa hơn. Sáng sẽ bắt xe buýt đi làm, trước đó là công cuộc chờ đợi, chen lấn nhau để có một chỗ đứng tử tế cho khỏi ngã dúi dụi vào người khác, đến cơ quan thì mỗi người một việc, người xem báo, người lướt Facebook, người đọc bản thảo, người lên ma két cho bản thảo... Bản thân mình cũng chúi mũi vào đọc, hết giờ thì đi ăn, ngủ ngay tại phòng làm việc, chiều tiếp tục với tập bản thảo, hết giờ lại đợi xe buýt, chen lấn, đi bộ, về phòng, nhìn đống chăn gối bừa bộn vì sáng chưa kịp gấp, nhà tắm thì có người khác đang dùng, đợi mãi không đến lượt mình. Mọi cái thật là ngột ngạt, ngột ngạt đến khó chịu, khó chịu đến bức bối, đến mức muốn bỏ mặc tất cả để đến một nơi nào đó yên ổn hơn.

Tôi nhìn dòng người hối hả trên đường, nhìn đám học sinh đang chen nhau lên xe buýt, cảm nhận cái xe rồ lên giận dữ, nhả một đám khói đen xì ra khoảng không phía sau, cảm nhận cơn ngột ngạt vừa ùa đến trong tôi, tôi nảy ra ý định về quê.

Về quê ở đây không phải là về một hai ngày rồi lên như mọi lần tôi vẫn về, ý tôi là sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ về quê sống. Như thế đồng nghĩa với việc tôi từ bỏ ước mơ của mình. Liệu tôi có nên không?

Trước đây, vì chán ghét cuộc sống ở làng tôi mà tôi cố gắng thi đại học bằng được, để thoát khỏi nó, để được tự do làm điều mình muốn mà không sợ người ta đồn đại, nói ra nói vào. Cho đến bây giờ, khi đã sống bốn năm trong cái cuộc sống mơ ước đó, tôi lại cảm thấy ngột ngạt hơn cả trước đây. Đâu mới là nơi tôi thuộc về? Tôi băn khoăn giữa hai lựa chọn. Tôi không biết mình nên làm gì, dù sao chăng nữa, đó mới chỉ là một ý tưởng đột nhiên xuất hiện trong đầu. Tôi còn gần ba tháng nữa để quyết định. Tôi không muốn quyết định rồi thay đổi, như kiểu về một thời gian lại lên Hà Nội, tôi sẽ lựa chọn và không thay đổi, nên tôi cần suy nghĩ thật kĩ về việc này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro