cơn mưa rào đầu hạ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi nhìn tấm bằng tốt nghiệp Đại học loại Giỏi trên tay, hài lòng với công sức miệt mài học hành suốt bốn năm học Đại học đã được đền đáp xứng đáng của mình. Hôm nay là ngày tốt nghiệp của khóa tôi, là ngày mà tôi chính thức ra trường. Nhìn quanh sân trường, lũ bạn bè tôi đứa nào cũng nước mắt nước mũi tèm lem như thể đây là lần cuối gặp mặt giữa chúng tôi vậy. Tôi đứng tần ngần giữa sân trường, mải mê ngắm nhìn tấm bằng mà mình đang cầm trên tay, chẳng để ý rằng có ai đó đang đứng ngay sau lưng tôi, người nọ vỗ vai tôi khiến tôi giật thót mình.

- Này, Trí Tú! Đi ăn một bữa với tụi mình chứ?

Tôi quay phắt người lại, xem xem tên nào lại dám cả gan mà vỗ vai tôi đau đến thế. Đoạn, tôi chỉ biết cười trừ, thì ra đó là cô bạn thân tên Trân Ni học cùng lớp với tôi.

- Xin lỗi, bây giờ mình bận rồi. Hẹn sau nhé. - Tôi cười rồi đáp lại lời mời của Ni.

Cậu ấy nghe thế liền bĩu môi, phồng hai má bánh bao lên tỏ vẻ giận hờn, nói với tôi :

- Nhớ cái mặt cậu đấy, Kim Trí Tú. Lần sau chắc chắn sẽ đi mà không thèm rủ cậu theo nữa. - Sau đó chẳng nói chẳng rằng mà đỏng đảnh quay ngoắt đi, chẳng để cho tôi được dịp đấu khẩu lại nữa.

Tôi nhìn theo bóng lưng cô bạn thân của mình, chỉ biết cười trừ cho qua. Trân Ni trước giờ vẫn luôn như thế, đối với ai làm phật ý của cậu thì đều tỏ vẻ giận giận hờn hờn không hài lòng như vậy, nhưng trong tâm thì vẫn luôn là một cô gái tốt bụng hay giúp đỡ bạn bè.

Tôi đi dạo quanh sân trường, nhìn ngắm lại tòa nhà mà mình đã gắn bó suốt bốn năm nay, cố gắng thu hết vẻ uy nghiêm đó vào trong đầu của mình, rồi ra ngoài đường lớn bắt xe buýt ra về trong tâm trạng ngậm ngùi đầy nuối tiếc. Con người mà, cứ hễ rời xa thứ gì đó quen thuộc thì cũng đều có cảm giác quyến luyến không muốn rời như vậy cả thôi.

Thật ra thì tôi đã nói dối Trân Ni. Tôi chẳng có việc bận gì cả, chỉ đơn giản là không hứng thú với sự ồn ào náo nhiệt, cộng thêm cả mùi dầu mỡ nồng nặc trong không khí ở mấy quán ăn. Vả lại, bụng tôi không đói.

Ngồi trên xe buýt. Tôi đeo headphone, kéo khẽ tấm cửa kính trắng xuống để gió lùa cho thoáng không khí, còn mình thì ngồi yên đưa mắt ngắm nhìn những cung đường quen thuộc của thành phố mà tôi đã đi đến mòn cả gót giày. Bác tài cho xe dừng lại, ngầm báo hiệu rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ chở tôi trong chuyến đi này rồi. Tôi xuống xe, đi bộ thêm hai dãy phố nữa. Nơi tôi đang đứng bây giờ là trước cổng trường học cấp Ba của tôi- trường Trung học Phổ thông A- nơi chất chứa biết bao kỷ niệm mà tôi cho là đẹp nhất đời người. Những kỷ niệm của những năm tháng thanh xuân cấp Ba đẹp đẽ- là những mảng ký ức được tô điểm bằng gam màu hạnh phúc của tôi và cậu- Tại Hưởng.

*

Tôi ngước mặt lên, tấm biển lớn in dòng chữ "Trường Trung học Phổ thông A" vẫn luôn toát lên vẻ uy nghi trang trọng hệt như lần đầu khi tôi thấy nó. Khẽ đẩy cổng sắt, tôi bước vào trong sân trường. Tôi nhắm mắt lại, mỉm cười, rồi hít lấy hít để không khí trong lành và mát mẻ tỏa ra dưới mấy tán cây xà cừ lớn mà đã lâu lắm rồi không được hưởng thụ. Tôi thấy nhớ ngôi trường này quá! Chậm rãi mở mắt ra, tôi từ từ cất bước, tiếng gót giày vang lên cồm cộp, phá tan đi bầu không khí im ắng trước đó. Tôi đi xung quanh sân trường, nhìn ngắm lại mái trường thân thương sau hơn bốn năm ròng xa cách. Từng giọt nắng nhảy nhót trên những tán lá cây, gió lùa qua cành lá, thổi bay mái tóc nâu hạt dẻ của tôi, mơn trớn trên làn da tôi mát rượi. Tòa nhà lớn trước kia tôi học tường vẫn màu vàng thẫm, dưới nền nhà còn vương lại mấy mẳng sơn cũ do bị thời gian bào mòn mà sinh ra bong tróc. Cửa sổ gỗ vẫn khoác lên nước sơn xanh, mấy song sắt đang dần hoen gỉ mà nổi vệt vàng ố. Nhà kho đựng đồ vẫn an tọa ở ngay cạnh nhà để xe, chỉ có điều là đã xuống cấp đi rất nhiều, rêu phong giăng đầy trên mái ngói và góc tường thì dính đầy bụi bặm. Sân trường vẫn gạch đỏ đều tăm tắp, lá vàng rụng xuống đất kêu xào xạc. Trường cũ chẳng thay đổi gì mấy, chỉ có guồng quay của thời gian là mãi quay đều. Chớp mắt một cái, đã là bốn năm. Mọi thứ vẫn bình yên trụ vững như vậy,  chỉ là dòng thời gian tác động vào khiến chúng trở nên già cỗi. Tôi giơ máy điện thoại lên, trong thư viện ảnh bỗng chốc đã đầy ắp hình của ngôi trường này.

- Ồ, Trí Tú đấy à? Lâu lắm mới gặp lại cháu! - Tôi nghe thấy có một giọng ồm ồm vang lên ở sau lưng, liền quay lại. Thì ra là bác Thành- bảo vệ của trường. Mấy năm không gặp, khuôn mặt bác đã xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn, đôi mắt cũng không còn sáng như hồi tôi còn học ở đây nữa. Bác cười, mấy nếp nhăn xô cả vào nhau, để lộ ra hàm răng vàng ố do hút thuốc lào thường xuyên.

- Cháu chào bác. Dạo này bác vẫn khỏe chứ?

- Khỏe, nhưng chờ mãi chẳng thấy mống nào về thăm cái thân già này cả! - Bác vừa đùa vừa giở giọng trách mắng.

- Cô đấy, không biết có bận bịu công việc gì mà mấy năm nay chẳng thấy bóng dáng đâu cả. Cả thằng Hưởng cũng vậy. Hai đứa là cố tình hay vô tình quên bác đấy? À, ngày trước hai đứa hay đi với nhau lắm mà, sao lần này có mình cháu về đây chơi? - Tôi khựng lại. Bác vừa nhắc về Hưởng sao? Tôi cứ đứng yên mãi, chẳng biết mở lời như thế nào để trả lời bác. Tôi và Hưởng không phải là hết chơi với nhau nữa, chỉ là sau khi tốt nghiệp xong cấp Ba thì chúng tôi đã không còn gặp lại nữa, cũng chẳng còn giữ liên lạc với nhau.

Tôi cười trừ, một cách gượng gạo, chẳng trả lời lại bác. Bác Thành thấy vậy thì cũng không tra khảo tôi nữa. Bác cười, bảo :

- Bây giờ bác bận rồi, gặp lại cháu sau nhé.

- Vâng, tạm biệt bác. - Tôi lễ phép chào lại bác Thành, rồi tiếp tục công cuộc thăm trường của mình.

Tôi rảo bước, đi đến phòng Hội đồng của trường- nơi mà tôi và Hưởng lần đầu quen biết nhau và trở thành bạn. Nơi này sau ngần ấy năm vẫn chẳng có thay đổi gì, vẫn là cánh cửa gỗ sơn nâu, vẫn là nền nhà lát gạch xoa xanh trang trọng, bên cạnh phòng vẫn là cây hoa sữa lá cành xanh mướt. Tất thảy điều đó làm tôi có cảm giác rất hoài niệm, tựa như lần đầu hai đứa nói chuyện với nhau ấy.

Đó là một ngày Thứ Bảy đẹp trời. Trời đã bắt đầu vận động chuyển mình vào mùa Hạ. Tôi biết vậy khi từng giọt nước mưa đầu tiên của mùa Hạ rơi xuống đất. Một hạt, rồi hai hạt. Trời đổ cơn mưa rào.

Vì là Thứ Bảy, nên tất cả các lớp trưởng của mỗi lớp đều phải ở lại sinh hoạt với nhau, bao gồm cả tôi và Hưởng. Đến khi sinh hoạt xong xuôi, tôi mới để ý rằng mình chẳng mang ô để về nhà. Tôi tự cốc vào đầu mình, lúc sáng Bản tin Dự báo Thời tiết cũng đã nói là có mưa rồi, vậy mà tôi lại đãng trí quên mất mang theo ô. Cơn mưa rào khá lớn, tôi đành phải ngậm ngùi nhìn đám bạn ra về, còn mình thì phải ở lại chờ cho cơn mưa lớn này tạnh thì mới được rời đi. Nhưng chí ít thì việc ở lại một mình cũng không chán chường cho lắm, tôi tìm được một thú vui mới- hứng nước mưa. Những giọt nước rơi vào lòng bàn tay của tôi, nhảy tanh tách lên khiến tôi cảm thấy dễ chịu.

- Oh, cậu cũng quên ô sao? - Tôi nghe thấy tiếng động, quay sang, thì ra là Hưởng- cậu bạn lớp trưởng lớp kế bên lớp tôi.

- À ừ. Sáng nay xem dự báo thời tiết có mưa mà tớ quên không mang theo. - Tôi đáp lại câu hỏi của cậu.

- Vậy tớ đứng ở đây cùng cậu được chứ?

Tôi gật đầu, đồng ý lời đề nghị của Hưởng. Hai chúng tôi đứng cạnh nhau trước cửa phòng Hội đồng, chẳng nói câu gì. Cậu đứng quan sát cơn mưa rào đang trút nước xuống, còn tôi thì vẫn tinh nghịch hứng lấy mấy giọt mưa rơi ra từ ống nước trên mái nhà, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn cậu. Gặp nhau cũng nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được ở gần cậu đến vậy. Hưởng rất đẹp trai, mắt sáng, mày rậm, mũi cao, cả môi trái tim cũng rất đẹp. Tôi và Hưởng đợi mãi, nhưng cơn mưa này chẳng có dấu hiệu sẽ tạnh hay ngớt đi đôi chút; ngược lại, nó ngày càng to hơn. Tôi nhìn đồng hồ trong phòng Hội đồng, đã là Mười hai giờ kém.

- Thế này thì đành phải dầm mưa mất thôi! - Hưởng lên tiếng.

- Nhưng thế thì sẽ mắc cảm mất. - Tôi lo lắng.

- Thế Tú có muốn về nhà không? Tớ đói bụng lắm rồi đấy!

Tôi ngẫm lại, thấy cậu nói cũng có lý. Trời vẫn mưa to, nếu không dầm mưa chạy ù về nhà thì chắc chúng tôi phải đợi đến tận chiều mất. Mà bây giờ cả bụng tôi và cậu đều đói meo lên rồi.

Tôi gật gật đầu. Chỉ chờ có thế, cậu mỉm cười, lấy từ trong cặp ra mấy tờ báo cỡ lớn rồi gỡ ra từng nếp gấp. Xong xuôi, Hưởng quay sang nhìn tôi :

- Thế này nhé, tớ sẽ dùng mấy tờ báo này để che đầu cho cả hai. Còn cậu chỉ việc nép dưới nó rồi chạy cùng tớ thôi. - Hưởng nhìn mặt tôi, vừa cười vừa ôn tồn nói cho tôi hiểu.

Tôi ù ờ, vừa nghe cậu nói vừa tưởng tượng ra viễn cảnh dầm mưa "huy hoàng" ấy.

- Nào, bắt đầu chứ?

Tôi gật đầu. Hưởng thấy thế thì cười, quàng tay qua vai tôi, che tờ báo lên đầu.

- Một, hai, ba. Chạy!

Hưởng nói xong, chúng tôi bắt đầu chạy ù ra ngoài. Băng qua sân trường, ra đường lớn, rồi chạy đến tận trạm dừng xe buýt. Trên đường, chúng tôi vừa nhìn nhau, vừa cười, vừa cố chạy thật nhanh. Hưởng nhường hẳn phần lớn tờ báo sang chỗ tôi, còn mình thì để mưa ướt đẫm phần vai áo trái của mình. Tôi được che nhiều nên tất nhiên đỡ ướt hơn cậu, mặc dù mấy tờ báo giấy này cũng chẳng che được nhiều nhặn gì cho cam. Thi thoảng có ô tô đi qua, bắn cả vũng nước lớn lên người chúng tôi, làm ướt nhẹp cả người, bao nhiêu công sức che đậy bằng báo cũng vì thế mà đổ sông đổ bể. Người qua đường nhìn ngó chúng tôi, hệt như con mắt nhìn cặp uyên ương trẻ nào đó đang hạnh phúc. Chạy mãi mới đến được trạm, chúng tôi nhìn nhau, rồi lại nhìn vào phía trong đó. Thật chẳng ngờ được, chạy với nhau mệt lử, còn bị hắt nước bẩn lên người nữa, ấy thế mà lúc đến nơi lại phải chịu cảnh cả đống người chen chúc nhau dưới cái mái bé tí của trạm dừng xe buýt. Tôi khóc thầm trong bụng, ngày gì mà xui xẻo thế không biết!

- Tú đứng vào trong đi, để tớ đứng ngoài cho. - Hưởng vừa nói vừa đẩy tôi vào bên trong. Bây giờ người cậu một nửa thì ở trong trạm, một nửa lại ra bên ngoài trời. Trông đến đáng thương. Khi nãy trên người cậu còn chỗ nào ráo nước thì bây giờ cũng ướt nhẹp hết cả. Áo ướt để lộ ra bờ vai gầy của cậu. Vai gầy mà vẫn thấy rộng, vai gầy mà vững chắc, mà che chắn cho tôi. Có vài người trú mưa trong trạm nhìn về phía chúng tôi, thì thầm to nhỏ về tôi và Hưởng, rằng "Lũ trẻ đẹp đôi quá!". Tôi định quay sang giải thích, chúng tôi chỉ là bạn bè thôi mà, đâu phải người yêu! Hưởng nhận thấy thế, quay người lại, nói nhỏ với tôi :

- Kệ họ đi, không cần giải thích làm gì cho mệt. Cơ mà họ nói cũng đúng phết, mình đẹp đôi mà. Haha.

Tôi chẳng nói lại gì, chỉ véo vào eo của cậu một cái thật đau. Hưởng la lên oai oái, miệng liên tục nói xin lỗi tôi mới tha cho cậu. Chúng tôi đứng tầm hai mươi phút nữa thì xe đến, là chuyến đi về khu nhà tôi. Đến lúc tôi phải về rồi. Tôi bước ra xe, còn nán lại vài giây để vẫy tay chào tạm biệt với Hưởng rồi mới bước lên xe ra về.

Tối hôm ấy, tôi nằm trên giường nghịch laptop, thì thấy có một tin nhắn mới ở hộp mail. Tôi ấn vào, là mail của Hưởng.

< Hello, Hưởng đẹp trai đây. Nhờ phước của Tú mà tớ ốm rồi đây này! >

Tôi phì cười, Hưởng dễ thương thật. Tôi gõ vài chữ, rồi ấn gửi lại cho cậu.

< Là cậu tình nguyện giúp tớ cơ mà! Còn nữa, sao cậu biết được tài khoản Email của tớ? > - Ngay sau tin nhắn của tôi, cậu lập tức gõ tin nhắn mới.

< Biết là thế, nhưng chẳng phải là tớ giúp cậu về đó sao, chứ nếu không Tú sẽ đứng hứng nước mưa như thế đến tận 5 giờ chiều à? Còn lý do mà tớ biết được tài khoản của cậu được định giá bằng cốc smoothie xoài của Thái Anh đấy! Hihi. >

< Phác Thái Anh dám bán đứng bạn bè vậy sao? Được, Thứ Hai đến lớp tớ sẽ xử! > - Tôi nhắn lại, kèm theo một cái nhãn dán hình mặt cười nham hiểm.

< Ấy ấy, đừng manh động. >

Tôi và Hưởng cứ ngồi nhắn tin với nhau đến tận khuya mới tạm biệt nhau rồi đi ngủ. Chúng tôi nhắn cho nhau đủ thứ chuyện. Hưởng rất biết cách tạo không khí, mấy câu chuyện hài cậu kể làm tôi cười đau cả bụng, đến nỗi thỉnh thoảng mẹ lại ngó vào phòng tôi để xem xem tôi có bị "lên cơn" hay không ấy chứ!

*

Kể từ đó, tôi và Hưởng cũng thân nhau hơn. Nói chuyện với cậu thực sự rất thoải mái. Tính cách, gu hài của chúng tôi hợp nhau đến không tưởng. Cậu hay trêu tôi là "trẻ nghé" vì đống tin nhắn viết tắt và không dấu của tôi cứ tấn công hộp mail của cậu, còn tôi thì sẽ cãi cùn lại bằng mấy cái lý lẽ trẻ con như: "Chỉ có trẻ nghé mới chơi với nhau thôi, suy ra Hưởng cũng là trẻ nghé!", sau đó cả hai sẽ cười phá lên. Hưởng thường giúp tôi giải mấy bài Toán nâng cao khó nhằn mà cô giáo giao về nhà, còn tôi sẽ chỉ cho cậu mấy bài Tiếng Anh- vốn chẳng phải sở trường của cậu. Hai chúng tôi cứ như vậy, càng ngày càng thân thiết, đến nỗi mà cô bạn học Thái Anh của tôi còn đi kêu ca với mọi người rằng: "Tôi bị Kim Trí Tú thất sủng rồi!"

Thời gian trôi nhanh, thấm thoát cũng đến mùa thi và mùa tuyển sinh của các trường Đại học. Năm nay chúng tôi đã là học sinh cuối cấp, lại càng phải cố gắng hơn mấy năm học trước để đậu được nguyện vọng. Lịch học kín tuần khiến tôi và Hưởng chẳng gặp nhau được nhiều như trước nữa, chỉ loáng thoáng mấy lần lướt qua nhau và chào nhau ở ngoài hành lang mà thôi. Trời năm nay mưa nhiều, cứ tạnh được tầm một tiếng thì mây đen lại kéo đến và đổ mưa. Buổi sinh hoạt cuối cùng của năm học cũng vậy. Trời mưa tầm tã, thi thoảng còn lóe chớp và vang tiếng sấm rền. Hôm ấy, sau khi sinh hoạt xong, tôi không về ngay mà đứng lại ngắm mưa thêm chút nữa. Đang tưng hửng hứng nước mưa vào lòng bàn tay, Hưởng bất thình lình bước ra khiến tôi giật thót mình. Cậu hỏi :

- Hôm nay Tú lại quên ô à?

- À không, tớ có mang. Tớ đứng đây chơi thêm chút nữa rồi mới về. - Tôi vừa nói vừa giơ chiếc ô gấp của mình lên cho Hưởng thấy.

- Vậy tớ đứng cùng cậu.

Sau đó, không gian giữa chúng tôi trở nên yên ắng, cả hai chẳng nói lời nào, chỉ lặng lẽ ngắm cơn mưa rào đang trút nước, hưởng thụ mấy cơn gió thổi mát rượi. Bỗng, cậu quay sang, hỏi tôi :

- Tú định thi vào trường nào?

Tôi ngẫm nghĩ một lúc, trả lời :

- Có lẽ tớ sẽ thi vào ngành Tài chính như mong muốn của mẹ tớ. Còn Hưởng thì sao?

- Tớ cũng chưa biết nữa. - Cậu trầm ngâm, mắt đăm chiêu suy nghĩ.

Tôi cũng chẳng gặng hỏi thêm gì nữa, bung ô ra, chuẩn bị ra về.

- Tớ về đây.

- Ừ, Tú về cẩn thận. Tạm biệt.

Tôi cười, che ô lên, rồi bước đi. Trước khi ra đến cổng, tôi quay người lại, nói to :

- Này, dù sau này có xa nhau thì vẫn mãi là bạn tốt nhé!

Hưởng chẳng đáp lại tôi, cậu im lặng. Trong làn nước mưa trắng xóa, tôi thấy ánh mắt của cậu tối đi vài phần. Một chút hụt hẫng. Một chút hoang hoải.

*

Hôm trường báo điểm, tôi thấy lâng lâng hạnh phúc. Tôi đậu Đại học rồi! Tôi chạy sang nhà của Hưởng, sung sướng báo tin cho cậu :

- Hưởng, tớ đỗ Đại học rồi!

- Ừ. Chúc mừng Tú nhé. - Cậu đáp lại. Một phản ứng mà tôi chẳng nghĩ đến được. Mặt cậu nhìn không vui, nhưng vẫn miễn cưỡng thốt ra câu nói đó.

- Còn cậu thì sao? - Tôi gặng hỏi.

- Tớ cũng đỗ rồi. Ngành Kiến trúc. - Nói xong, Hưởng bỏ vào nhà, để lại tôi ở ngoài cửa đội trời nắng cháy chơi vơi một mình. Tôi lặng người, mọi hôm dù có không vui Hưởng cũng không bao giờ đối xử với tôi lạnh lùng và vô tâm như vậy, thế mà hôm nay...

Hôm tốt nghiệp cấp Ba, tôi chẳng gặp được Hưởng. Đến khi hỏi mấy người bạn thân của cậu, tôi mới biết được rằng cậu đã lên máy bay sang New York du học. Tôi ngớ người ra, trước giờ cậu chưa từng nói với tôi rằng mình sẽ đi du học ở Mỹ! Tôi về nhà, chẳng biết tại sao nước mắt lại cứ tuôn ra. Nền giáo dục ở Mỹ rất tiến bộ, Hưởng du học ở đó tất nhiên là chuyện tốt cho cậu, thế mà đầu tôi lại nảy ra cái suy nghĩ điên rồ rằng sẽ thuyết phục cậu quay về Việt Nam. Mở laptop lên, tôi chẳng tìm thấy tài khoản Email của cậu đâu nữa, bật điện thoại cũng chẳng liên lạc được với số của cậu. Hưởng đã xóa Email của mình, đến số điện thoại cũng đổi. Cậu chẳng lẽ không muốn thấy mặt tôi nữa sao?

Những ngày sau đó, tôi như người mất hồn, tâm trí lúc nào cũng ngập tràn hình ảnh cậu. Từ ánh mắt đăm chiêu mỗi khi suy nghĩ đến nụ cười hình hộp lúc nào cũng nở ra hết cỡ, và cả những vết mưa đọng lại trên vai áo cậu khi hai đứa chạy dưới bầu trời đầy nước. Tất cả chúng đều quấn lấy tôi không rời. Khi tôi bắt đầu học Đại học, tôi cố gắng vùi đầu vào bài vở, lân la tìm được những mối quan hệ mới, kiếm được công việc part-time ở một siêu thị gần nhà. Thời gian rảnh rỗi của tôi cứ thế bị thu hẹp dần, thế nhưng trong tâm tưởng thì chỉ có những ký ức về cậu là chiếm sóng. Thấm thoát cũng đã bốn năm ròng rã qua đi, bây giờ tôi đã chính thức ra trường, bắt đầu làm quen với một cuộc sống mới chật chội và đầy sự bon chen của xã hội.

*

Tôi rời khỏi trường, gọi điện báo về với mẹ rằng mình sẽ không về nhà ăn trưa, mẹ đừng đợi cơm. Tôi mua tạm một chiếc bánh mỳ pa tê trứng thường ăn khi còn học cấp Ba để lót dạ. Đã lâu rồi không ăn, vị của nó vẫn hệt như thời tôi còn học ở đây. Vị ngậy của trứng, vị tươi mát của dưa chuột và cả vị giòn xốp của bánh mỳ vẫn không lẫn đi đâu được. Ăn xong, tôi ngó nhìn đồng hồ, đã quá Một giờ chiều, trời vẫn nắng nhưng không quá gay gắt. Gió thổi đều đều, lá vàng rụng xuống đất, giẫm lên nghe tiếng xào xạc rất vui tai. Tôi đi vòng vèo qua các con phố, mua một vài món đồ, chốc chốc đã vào giờ tan tầm. Chiều dần tàn, mặt trời đã xuống núi, để lại cho những áng mây trôi lãng đãng một vài vạt nắng vàng chông chênh giữa trời. Xe cộ lưu thông ngày một đông đúc, nhưng vẫn chừa ra một khoảng trống nho nhỏ, đủ để người ta lạc mất nhau giữa đường đời bất tận. Tôi rảo bước đi trên vỉa hè, mùi cà phê đen đắng ngắt thoang thoảng trên cánh mũi. Tiếng Radio phát ra từ mấy tiệm trà chanh ven đường nghe sao mà buồn não nề. Một vài thanh niên xấp xỉ tuổi ba mươi vừa đàn vừa hát một vài bản nhạc Trịnh buồn thiu. Mùi thuốc lá từ vài người qua đường khiến tôi khó chịu, đưa bàn tay lên che mũi. Thành phố một ngày buồn- dưới con mắt của tôi.

Tôi tiếp tục đi, đi mãi đến tận trạm xe buýt năm nào tôi cùng Hưởng trú mưa thì mới dừng chân, ngồi xuống nghỉ. Điện thoại trong máy rung lên, có người gọi đến. Là mẹ. Tôi bắt máy.

"Alo, mẹ ạ? Có chuyện gì không?"

"Tú, con đang ở đâu thế?"

"Con đang ở trạm xe buýt gần trường cấp Ba ạ."

"Khi nào con về?"

"Con không biết nữa, có gì không ạ?"

"À không, nếu con muốn chưa muốn về thì thôi. Ra trường rồi cũng nên đi đây đi đó cho khuây khỏa chứ. Tối con sẽ về ăn cơm chứ?"

"Chắc là không ạ. Con tắt máy nhé. Chào mẹ."

Cuộc gọi kết thúc, sau tiếng tút dài hơi  từ điện thoại. Tôi ngồi một mình trên ghế, xung quanh chẳng có ai ngồi cùng cả. Tôi thở dài, để những mảng ký ức đẫm màu nước mắt của thời cấp Ba chạy qua trong tâm trí mình như những cuốn phim điện ảnh đã cũ. Hóa ra, hôm nay tôi cảm thấy cô đơn giữa cuộc sống xô bồ của thành phố, hôm nay tôi cảm thấy cô đơn giữa đường phố đông người, hôm nay tôi cảm thấy cô đơn giữa đời trôi..

Trời chẳng nắng nữa, đâu đó đã thấy vài rặng sao trôi lơ lửng giữa bầu trời. Bỗng, mây đen từ đâu kéo lũ lượt đến, rồi trời đổ mưa. Từ khi lên Đại học, tôi chẳng còn giữ thói quen xem bản tin Dự báo Thời tiết vào mỗi buổi sáng cùng bố nữa, nên chuyện không mang ô bây giờ là hoàn toàn có thể. Mưa rơi lộp độp trên mái, trải dài những âm thanh vang vọng cả dãy phố. Người người chạy qua chạy lại lũ lượt để tìm chỗ trú mưa. Người thì thản nhiên bật chiếc ô gấp có họa tiết kẻ caro ra che, kẻ lại lúi húi chui đầu vào cái áo mưa cánh dơi rộng thùng thình, có người khác thì lại cởi áo khoác ngoài của mình ra đội lên đầu rồi chạy đi thật nhanh. Mọi người tất bật với công việc chạy mưa của mình, nhưng tuyệt nhiên chẳng có chàng trai mặc áo đồng phục cấp Ba năm nào chạy vào trạm xe buýt trú mưa nữa. Trời mưa to thật rồi, chẳng để cho tôi kịp hong khô thêm những mảng ký ức màu nước mắt kia nữa. Tôi nhớ đến ngày chúng tôi lần đầu nói chuyện với nhau, nhớ đến mấy tờ báo cũ mà có lẽ giờ này đang được tẩm hóa chất trong nhà máy tái chế giấy, nhớ cả mấy lời thì thầm to nhỏ mà mấy người nhiều chuyện nói về tôi và Hưởng nữa. Tôi bỗng thấy tủi thân, chẳng màng đến mấy con mắt kỳ dị nhìn tôi như nhìn một vật thể lạ mới rơi xuống Trái Đất mà khóc òa lên. Tiếng khóc lớn thu hút sự chú ý của mọi người, tôi chẳng quan tâm, chỉ úp mặt vào hai lòng bàn tay mà khóc cho đã đời. Tôi khóc, đến khàn cả giọng và rát cả cổ.

- Này, Tú ngốc. Có nín ngay đi không!

Tôi nghe thấy một giọng nam trầm ấm rất quen thuộc vang lên giữa tiếng ào ạt của những làn nước trắng xóa. Tôi ngước mặt lên, ai mà lại dám cả gan gọi tôi với cái tên "Tú ngốc" chứ.

Nhưng, bất ngờ thay. Chàng trai cùng tôi trú mưa năm nào cùng tôi ở trạm xe buýt này bây giờ lại xuất hiện trước mặt tôi, ngỡ như tôi đang mơ một giấc mơ hão huyền trong cơn mê ngủ vậy. Tôi nhéo má tôi một cái, thấy rõ đau. Vậy đây là Hưởng thật bằng da bằng thịt chứ không phải trong mơ à? Tôi lại nhéo thêm cái nữa lên má mình, một cái đau hơn hẳn cái lúc nãy. Vậy là, Hưởng về với tôi thật rồi! Cậu vẫn mặc áo sơ mi trắng, quần âu đen và đi đôi Converse cao cổ màu tro thẫm như khi còn học cấp Ba. Khuôn mặt cậu cũng chẳng khác gì mấy, vẫn là đôi mắt sáng, hàng mày rậm, mũi cao dọc dừa, đôi môi trái tim hồng hào. Trước sự xúc động quá lớn này, tôi không thể kìm chế được nữa. Tôi đứng lên, ôm chầm lấy cậu mà khóc, nước mắt nhanh chóng làm ướt cả một mảng lớn trên áo sơ mi của cậu, tựa như những vết mưa năm xưa lại sống dậy trên lưng áo cậu một lần nữa. Một tay cậu cầm ô che, một tay vòng ra sau lưng tôi, ôm lấy tôi vào lòng.

- Hưởng! - Không ghìm được nỗi xúc động trong lòng, tôi kêu lớn tên cậu, những nhung nhớ bao lâu nay như dồn hết vào âm thanh khàn đặc ấy, khiến nó nghẹn ngào và khó nghe vô cùng.

- Tại sao năm xưa cậu lại bỏ đi chứ? Tớ nhớ cậu nhiều lắm Hưởng à! - Tôi thì thầm, âm lượng đủ để cho cậu nghe thấy.

- Tớ cũng nhớ cậu. Rất nhiều!

Hưởng ôm chặt tôi, trả lời. Nhưng cậu chẳng giải đáp cho tôi câu hỏi ở vế trước, rằng tại sao đang yên đang lành cậu lại bỏ tôi lại để rồi cắm rễ luôn ở đất Mĩ lâu như thế. Cho đến mãi sau này tôi mới gặng hỏi ra được, hóa ra lí do Hưởng đưa ra lại là: "Tại hồi ấy anh cứ nghĩ rằng em mãi mãi chỉ coi anh là 'bạn tốt' thôi, cho nên... anh dỗi, anh đi Mĩ!" Thật trẻ con quá đi!

Tôi không nói gì nữa, tận hưởng cái ôm ấm áp từ Hưởng. Trời vẫn mưa, nhưng tôi không còn cảm giác se lạnh như lúc nãy nữa, vì đã có Hưởng ở đây rồi. Sau đó cậu dẫn tôi đi ăn, rồi đưa tôi về nhà.

*

Một tháng sau, tôi và Hưởng chính thức trở thành người yêu của nhau, sau câu tỏ tình "Anh yêu em" đầy lãng mạn của cậu và một chiếc hôn sâu Hưởng đặt lên môi tôi. Trên sân thượng của một tòa nhà ở trung tâm thành phố, không gian thoáng đãng,  gió thổi mát rượi; chúng tôi đứng giữa những ngọn nến trắng được xếp thành hình trái tim lớn, cùng trao cho người đối diện một danh phận mới. Mùi rượu vang đỏ theo gió lan đi trong không khí, càng điểm tô thêm vẻ lãng mạn cho buổi hò hẹn đầu tiên của tôi và Hưởng. Những lời yêu thương ngỏ từ đôi lứa mở ra một trang sách mới cho mối quan hệ của chúng tôi- một trang sách in đều những dòng chữ đen rõ ràng, nội dung xoay quanh câu chuyện tình yêu về hai người trẻ, trải đầy tiếng cười, xen lẫn thêm cả những giọt nước mắt và đôi lần giận hờn vu vơ.

Tôi không biết được rằng mình và Hưởng sẽ có thể bên nhau được bao lâu. Có thể là một năm, hay năm năm, mười năm, hoặc cũng có thể là cả cuộc đời. Nhưng chí ít, bây giờ chúng tôi được yêu nhau trong hạnh phúc. Với tôi, chỉ cần như vậy là đủ.

Tôi bỗng nhiên nhớ lại câu nói của bà nội mình năm tôi lên tám tuổi, khi bà đang kể cho tôi nghe về câu chuyện tình yêu giữa hai ông bà.

"Tú, sau này khi cháu yêu một ai đó, nếu có duyên, thì dù có xa nhau cỡ nào, cũng ắt sẽ về lại bên nhau. Như bà với ông ngày trước vậy. Ông cháu đi lính suốt mười mấy năm ròng mà chẳng thèm gửi về một tin tức, bà cứ ngỡ là ông đã tử trận rồi đấy. Cho đến tận khi chiến tranh kết thúc, ông mới trở về, tặng cho bà một bó cúc vàng, ngỏ lời muốn rước bà về làm dâu..."

end.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro