Chương 1.2 - Vẻ đẹp của mùa thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tú Trân luôn cảm thấy buồn mà không hiểu vì sao. Tựa như đó là căn bệnh bẩm sinh mà không có thuốc chữa.

Hồi năm tuổi, bố trở về sau một chuyến phiêu lưu dài. Mang theo mùi mồ hôi và thuốc lá trộn lẫn, ông bế bổng Tú Trân lên và hỏi: "Con có vui không?"

Tú Trân không ngại ngùng mà lắc đầu. Một người bố thi thoảng mới xuất hiện trong ngôi nhà này trở về thì có gì mà vui? Cô đã quen với việc đó nên khi ông trở về cô thấy bình thường.

Nói như vậy không phải Tú Trân có mâu thuẫn gì với bố. Ngược lại, cô yêu ông vô hạn. Một tình yêu tồn tại song song với nỗi buồn của cô. Nó án ngữ ở đó từ khi cô vừa lọt lòng, như sợi dây rốn nối cô với mẹ.

Bố là người truyền cho cô niềm say mê với những hình ảnh được đóng khung lại. Ông gán đời mình cho cái nghiệp đạo diễn, sống cuộc đời lang bạt vô biên. Mỗi chuyến đi là một bộ phim được hình thành. Mỗi bộ phim là trăm ngàn khung hình được ông dựng lên. Có khuôn hình trở thành kinh điển cho điện ảnh Việt, có những khuôn hình trở thành chủ đề để đám báo chí, những người thích bày tỏ quan điểm xông vào mổ xẻ. Bố cũng là người đã dạy cho cô sự bình thản trước dư luận, trước những cái nhìn phán xét mà người đời chĩa vào. Ông không bao giờ lên tiếng khẳng định hay phủ định điều gì, ông hiến mình cho những bộ phim trong tưởng tượng. Ăn gió nằm sương để dựng lên những tranh cãi mà chính ông chẳng bao giờ để tâm.

Bố kể cho Tú Trân nhiều hành trình, cho cô biết nhiều văn hoá vùng miền, những chuyện yêu ma quỷ quái mà ông gặp lúc đi làm phim, dạy cô chụp ảnh và cái đẹp cần phải nắm bắt trong từng khung hình. Hình là tĩnh, nhưng câu chuyện trong đó là động. Từ cái tĩnh làm người ta nhìn ra được câu chuyện mà mình kể, từ một bức ảnh yên lặng làm cho người ta thấy được cả một cuộc đời đang chảy trôi.

Ở nhà có rất nhiều đồ vật lạ lùng mà bố mang từ đoàn phim về. Tú Trân ít được mua đồ chơi, nhưng những vật kỷ niệm làm phim của bố đã giúp cô không thiết mấy món đồ chơi bán nhan nhản trên hè phố nữa. Tú Trân đem gom những đồ vật ấy vào một cái giỏ mây, thi thoảng tự dựng một cảnh nào đó ở trong đầu từ chúng. Cô tưởng tượng câu chuyện và lịch sử của chúng, tưởng tượng những nút thắt mâu thuẫn va đập vào nhau liên hồi. Giữa cô và những món đồ vật lạ lùng này có gì đó giống nhau. Không thể nói bằng lời mà phải cảm nhận. Đôi lúc ngủ quên trong bối cảnh mình dựng, cô lại mộng mình là chính một người hoặc một vật mình tưởng tượng ra.

Năm Tú Trân mười tuổi, người ta đồn đại nhiều về bố. Đạo diễn nổi tiếng ngoại tình với một nữ diễn viên trẻ, cũng là nàng thơ trong nhiều bộ phim của ông. Tin đồn như thể một bóng ma, lúc ẩn lúc hiện vì bố không bao giờ quan tâm đến. Khi người trong cuộc không nói gì, báo chí cũng sẽ phải có quãng nghỉ để viết thêm những chủ đề mới hơn, giật gân hơn cho người khác bàn tán.

Mẹ của cô là kiểu người không thích bày tỏ. Những buồn vui của bà đều dồn hết cho con chữ. Các tác phẩm văn học, thơ ca của bà dạt dào bao nhiêu, thì ngoài đời bà buồn tẻ và lạnh lùng bấy nhiêu. Trước những tin đồn về bố và cô diễn viên trẻ, nỗi ghen tuông của mẹ chẳng động đậy gì. Khi bố trở về bà lặng lẽ cất đồ giúp ông, vào bếp nấu cơm tối. Tuổi thơ của Tú Trân đẫm những tiếng nhạc Jazz du dương từ chiếc đĩa than mà bố đã xin lại tổ thiết kế mỹ thuật, khi họ bài trí nó cho một bối cảnh xưa cũ.

Nhạc Jazz che lấp cuộc nói chuyện thầm kín của bố mẹ.

Tú Trân ở trong phòng riêng, nằm trên giường và lắng nghe âm thanh tuyệt mỹ ấy. Tiếng kèn saxophone kéo lê sự tò mò của cô khiến cô đắm chìm vào chính nó.

Tú Trân không bao giờ biết tình yêu của bố mẹ nằm ở đâu, trông nó thế nào. Sự bí ẩn đó khiến cô lúng túng với những câu hỏi thế nào là một người đang yêu, hay thế nào mới là yêu? Sau này, ăn nằm với rất nhiều người Tú Trân đều tự hỏi mình có yêu họ hay không? Nhưng sau đó, trong lòng cô chỉ có tiếng kèn saxophone từ quá khứ vọng về.

Năm 2011, Tú Trân mười lăm tuổi thì bố mẹ quyết định ly hôn. Bố không ngoại tình, chỉ là linh hồn ông không còn ở trong ngôi nhà này nữa. Ông nói ông đã định ly hôn nhiều lần nhưng vì Tú Trân còn quá nhỏ nên không muốn phá nát một tổ ấm của cô. Mẹ cô cũng vậy, bà cố gắng bám víu vào con chữ và chờ chồng trở về.

Mỗi khi được hỏi về cuộc hôn nhân của mình, mẹ lại cười nhạt và đọc một tựa thơ của Du Tử Lê như thế này: "Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi!"

Họ không có mâu thuẫn nào, họ chỉ không còn tìm thấy nhau như đã từng mà thôi.

Là người sống với mẹ nhiều nhưng Tú Trân luôn cảm thấy xa cách vì sự lạnh lùng, ít nói của bà. Tuy nhiên trong phiên toà, cô vẫn dõng dạc trả lời câu hỏi sẽ ở với ai của Thẩm Phán. Đó là mẹ.

Hai năm sau, Tú Trân quyết định nộp hồ sơ xin học bổng chuyên ngành Lịch Sử Mỹ Thuật của một trường đại học bên Nga. Sau bảy năm hoàn thành cả chương trình cao học, Tú Trân trở về nước và thuê một căn hộ trên tầng hai mươi, sống một mình. Kế hoạch này đã được lên từ năm 15 tuổi. Vì cô biết mình sẽ không sống với mẹ quá lâu, biết được nếu chọn bố thì cũng sẽ phải sống một mình chờ ông về sau một chuyến phiêu lưu với khung hình của ông. Nên cô quyết định sẽ ở lại với mẹ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro