Chương 3.1 - Quà tặng từ quá khứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hà Nội, 2023 - 2024

Cuối mùa thu, Tú Trân có một cuộc hẹn quan trọng. Bố, người đàn ông mới gần sáu mươi tuổi nhưng tóc đã bạc trắng, đôi mắt đọng nỗi buồn sau rất nhiều thành công trong ngành Điện ảnh, mười ngón tay trống trơn không một ngón nào đeo nhẫn, quần áo gọn gàng trong một dáng vẻ gầy khom. Càng ngày bố càng đi xa, càng khó nắm bắt.

Tuần tự mỗi ngày, bố vẫn gửi cho Tú Trân một tin nhắn yêu thương: "Hôm nay em của bố có gì vui không?"

Dường như với bố, niềm vui luôn là thứ cần có, cần tìm kiếm. Từ hồi năm tuổi Tú Trân chưa hiểu, cho đến năm hai mươi bảy tuổi cô đã hiểu được nhiều điều. Có thể sự kiếm tìm ấy có hành trình còn dài hơn tuổi của cô, nhưng bố chưa nguôi ngoai. Ông luôn nhắc và hỏi về niềm vui như một thói quen, như một khoảng trống rỗng không bao giờ được lấp đầy trong ông. Dù ông khao khát đến thế nào.

Dạo gần đây bố không làm phim nữa mà chuyển hướng sang tư vấn các lớp tài năng, những người có ước mơ làm đạo diễn. Mĩ miều lên thì là chuyên gia, nhà học thuật, nhà nghiên cứu. Tú Trân biết bố không phải kiểu người thích đánh bóng cuộc đời mình. Dù có gặt nhiều thành công, ông vẫn luôn nghĩ mình nhỏ bé và muốn khám phá thêm thật nhiều thứ mới mẻ. Sự khiêm nhường của bố làm người ta phải kính nể. Vì tài nghệ, cũng vì những bí mật ông giấu đi. Khi người ta không biết ông ở đâu, họ sẽ phải dè chừng.

Bố thường di chuyển qua nhiều thành phố, lịch trình của ông lúc nào cũng kín đặc. Một năm gặp nhau được hai lần, luôn vội vàng ngắn ngủi. Để có một buổi hẹn với con gái, bố đã phải lùi lại nhiều lịch của mình. Tú Trân cũng không trách ông, trách làm sao được. Đáng lẽ ra cô phải đến bên bố, chăm sóc cho bố như bao người con khác. Nhưng cả gia đình cô là ba mảnh ghép không khớp nhau. Mỗi người một cuộc đời, mỗi người một bức vách. Cô và bố mẹ hiểu rằng chỉ cần những người kia còn sống, còn an toàn là ổn rồi.

Có đôi khi người ta biết rằng chỉ cần buông những chấp niệm ra là được, nhưng sự buông không đơn giản nhường ấy. Vì khi ta cần buông thì cái rễ của ta đã lấn chiếm vào rất nhiều phần đất khác. Trách nhiệm và lòng tín nhiệm không cho ta buông.

Bố thích ăn ở quán phở bò Khôi Hói trên phố Hàng Vải nên mỗi lần về Hà Nội bố lại hẹn Tú Trân ở đây. Khôi Hói bán cả lẩu bằng chính nước dùng phở có mùi quế hồi nóng mượt, thịt bò tươi rói, phần thịt gân đạt độ mềm vừa đủ chứ không nhừ. Bố và Tú Trân đến đây nhiều nên đã trở thành khách quen của chủ quán. Lúc đầu hai vợ chồng ông Khôi còn hỏi về mẹ, nhưng sau khi biết cả hai đã ly hôn vợ chồng ông chọn đại mấy câu khác làm lời chào xã giao. Tỉ như: "Có làm phim gì mới không cho tôi cặp vé."

Giống như lúc thơ bé, mỗi lần trở về bố đều sẽ có những món quà cho Tú Trân. Lần này bố để nó trong một cái hộp bằng gỗ, nháy mắt cười bí hiểm lắm.

Ông bảo: "Đợi về nhà rồi hãy mở nhé."

Tú Trân hiểu tính bố nên cất nó vào túi xách rồi chuyển qua chuyện khác.

Ngắm dáng vẻ của bố thật gần, Tú Trân nhận ra mỗi lần trở về ông lại già thêm một chút. Trông ông không có vẻ gì là một người đang yêu. Tú Trân tin rằng những người đang yêu lúc nào cũng ngập tràn sức sống, khuôn mặt ửng hồng và có một đôi mắt biết cười.

"Tình yêu làm bố sợ!" Lấy cái tẩu thuốc đã cũ nhưng luôn được lau sạch sẽ, ông cặm cụi nhét thuốc và vừa nói "Bố đã yêu nhiều lắm Tú Trân à, nhưng bố cảm thấy mình luôn đại bại dưới cái thứ mông lung ấy."

"Tại sao lại đại bại ạ?"

"Bố không tài nào hiểu được mình cần làm gì cho người bố yêu. Ví dụ như lúc làm phim nhé, lúc làm phim bố lại tự tin vô cùng. Bố tự tin bố hiểu câu chuyện mà mình sẽ kể, bố sẽ dựng cảnh thế nào cho hay, các yêu cầu cần thiết cho diễn xuất, tinh thần cần truyền đạt cho D.O.P (đạo diễn hình)... Còn tình yêu thì bao nhiêu là đủ?"

"Bố đã quá cầu toàn." Tú Trân nói. "Sao bố không tận hưởng đi?"

"Cứ như thể ma làm ấy. Nếu không thấy người ấy vui, bố sẽ hoài nghi cả ngày."

"Ý bố nói là mẹ ấy hả?"

"Tất cả những người bố yêu. Ngay cả con, con cũng là một cái hố chôn bố đấy."

Tú Trân bật cười trước lời ví von kinh dị của bố, nhưng cô không nói gì cả. Một phần nào đó cô nghĩ ông đã đúng. Đúng trong việc cô không phải người giỏi thể hiện cảm xúc ra cho người khác biết đường đối đãi.

"Bố nghe nói con đang yêu một hoạ sĩ?"

"Con không." Tú Trân khẳng định. "Mà bố nghe ai?"

"Nhiều người. Cái giới nghệ sĩ sống theo kiếp cộng sinh, người này liên quan đến người kia. Con cũng là một phần của cái kiếp sống ấy nên làm sao thoát khỏi tai mắt?" Bố nói rồi đưa tẩu lên hút vẻ ngang tàn. Đốm đỏ loé lên rồi tàn đi sau cái nhả hơi.

"Con cũng như bố thôi. Con sợ tình yêu vì con không hiểu nó."

"Thế thì con phải thay đổi, đừng như bố."

"Sao bố nói cay đắng thế?"

"Vốn bố đã cay đắng rồi."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro