Chương 5.2 - Giọt buồn không tên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Như có một bàn tay từ dưới lòng đất vươn lên bám chặt vào cổ chân của Tú Trân. Cô muốn bước mà bước không được. Bàn tay đó được kết lại từ những sợi dây mọc lên từ ngôi mộ của người đàn ông tên Hoàng kia, vươn lên trên như một con trăn hòng siết chết cô.

"Tú Trân?" Mẹ bắt đầu thấy sợ, bà liên tục lay con gái.

Từ bé Tú Trân đã luôn là một đứa trẻ khác biệt. Dường như nó không thuộc về thế giới này nhưng tại sao lại thế thì với tất cả những ngôn ngữ của một nhà văn, mẹ cũng không thể nào giải thích được cho người khác hiểu. Chồng của bà cũng có cảm giác giống như vậy. Cả hai người đôi lúc hơi lo lắng cho tâm lý của đứa con gái nhưng rồi nó vẫn phát triển bình thường. Nó chỉ mang đôi mắt xa xăm và buồn bã, chỉ vậy mà thôi!

Sợi dây leo như cuốn lấy cả lưỡi của Tú Trân, chui vào trong cuống họng cô và khoá chặt mọi thứ. Nó biến cô thành một tù nhân của riêng nó bằng một niềm ý chí mãnh liệt. Rõ ràng chỉ có Tú Trân mới cảm nhận được, cô cố gắng dùng ánh mắt thể hiện cho mẹ biết nhưng mẹ vẫn không hiểu.

"Có ai không? Tú Trân, con sao thế? Giúp tôi với." Mẹ vừa gọi người lại vừa cố đánh thức Tú Trân dù cô không hề mê man gì. Bà lôi Tú Trân đi, quên luôn phần tang lễ của chồng cũ vẫn chưa hoàn tất.

Ra khỏi con đường đó, sợi dây vô hình đứt lìa và rút đi nhanh chóng. Tú Trân ốm lấy ngực gục xuống. Cô ho liên tục và thở dốc. Cô sợ hãi quay đầu nhìn lại nhưng không có gì ở đó cả. Ngay cả khi cô bị trói thì cũng đâu có gì!

Tại sao những chuyện kì lạ như thế cứ xảy đến? Tú Trân bắt đầu nhớ về cái lúc chạm vào khẩu súng cũng như bị ai đó đẩy đến rìa cái chết như thế. Cô bị điên rồi. Có lẽ vậy! Một phần nào đó tâm trí cô đã hỏng và không còn chịu kiểm soát của cô nữa.

"Mẹ ơi!" Tú Trân gọi mẹ trong vô thức.

"Mẹ đây." Mẹ ôm lấy vai Tú Trân. Khuôn mặt bà cũng hiện lên một nỗi sợ vì chưa từng gặp chuyện nào kinh khủng như thế. Không hiểu sao vừa rồi bà nghĩ đã mất Tú Trân. Trông nó như một xác ướp được đưa lên từ hầm mộ và đang chuẩn bị phân rã ra khi bị tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Tim bà mềm nhũn như trái chín rữa nát, thật kinh hoàng làm sao!

Sau sự việc ngày hôm ấy, Tú Trân không bao giờ dám đi qua ngôi mộ ấy nữa. Mỗi lần ra mộ bố cô đều chọn đi trực tiếp trên lớp đất bùn hoặc đi đường vòng. Một nửa Tú Trân có nghĩ tới việc mình bị ma trêu, nhưng một nửa còn lại thì sao? Cô bị điên không chừng. Vì chuyện khẩu súng thì đâu có ngôi mộ nào. Cô đã đau khổ vô căn cứ với một vật vô tri.

Tú Trân tự trách bản thân mình nhiều lắm. Lẽ ra cô nên ở bên bố trong những phút giây cuối, cô nên phá bỏ cái thói tự kỷ kiêu ngạo đã thành di truyền của gia đình để ôm bố vào lòng. Nhưng làm sao có thể nhận được ra nếu chưa có một hậu quả giáng xuống đầu? Và chuyện có lẽ đã dễ dàng với cô hơn nếu cô ở bên bố và hỏi mọi điều về món quà ông tặng.

Sự tiếc nuối và đau buồn về một cái chết là không gì tránh khỏi. Bởi trong cái chết ấy là những cơn lốc cuốn đi hết những tò mò của thế giới về người đã chết. Đôi lần trong sự yếu đuối, Tú Trân đã định tìm đến một thầy cúng để gọi hồn bố lên mà hỏi. Nhưng sao cô có thể làm điều đó? Người đã chết rồi không nên quấy nhiễu họ. Người đã chết rồi không nên gọi đến nơi họ không thuộc về.

Rồi mọi chuyện cũng nguôi ngoai, vết thương từ khẩu súng lẫn nỗi sợ về ngôi mộ xa lạ dần nhạt và Tú Trân lại quay về cuộc sống của mình. Hằng ngày lên lớp dạy học, nói chuyện với sinh viên, buổi tối đi xem phim, ngắm tranh hoặc ăn tối với một người nào đó. Căn hộ trên cao của Tú Trân được thay mới liên tục bởi cô thi thoảng cô lại sắp xếp lại các đồ vật, thanh lý đồ cũ để mua thêm đồ mới... Làm như vậy khiến Tú Trân cảm thấy bớt nhàm chán. Con người của cô đã như một vùng đất vô thanh rồi, không thể nào để thế giới quanh cô dần mất đi sắc màu.

Một cái bàn làm việc là thứ mà còn thiếu trong căn hộ này. Tú Trân nghĩ. Cô đã mường tượng ra không gian làm việc của mình rồi. Đó phải là một nơi có chứa đựng rất nhiều linh hồn và tâm trí của cô. Trên bàn sẽ được bày kín sách, chậu thường xuân hoặc lan hạt dưa. Ẩn giấu trong học bàn là những kỷ vật của bố, bao gồm cả khẩu súng... Trong mỗi cuốn sách đều có một tấm ảnh film do cô tự dựng máy chụp. Đó là một bí mật của Tú Trân. Từ hồi du học cô đã mua được một chiếc máy film Canon AE1. Cứ khi mua được một cuốn sách, Tú Trân lại dựng máy để tự chụp bản thân mình cùng nó. Có những việc làm thật khó hiểu, và nó đơn thuần chỉ xuất phát từ sự ham thích chứ không mang mục đích cao cả, sâu xa nào hết. Tiếp đến, trên cái bàn ấy sẽ đặt một chiếc máy tính mà trong máy tính có rất nhiều ảnh tự chụp của cô. Rồi đồ trang điểm, tranh vẽ, các đồ văn phòng phẩm...Nó sẽ được đặt ở góc phòng, cái bàn ấy sẽ phải thiết kế để vừa với góc phòng quái gở được thiết kế rất vô duyên của toà nhà này. Không, nó không hẳn là góc, nó là một đường vòng cung. Vì vậy cái bàn phải được thiết kế theo cái đường vòng cung đó. Rồi sẽ có bao nhiêu hộc bàn để cất giấu bí mật? Phải khoét lỗ ra sao để chừa chỗ cho ổ cắm?... Cần phải lên một bản thiết kế tỉ mỉ lắm thay!

Nhưng nếu tìm một cái bàn làm việc ở trên mạng thì lại có rất nhiều và chúng na ná nhau. Còn nếu đặt thiết kế riêng thì giá thành lại không hề rẻ. Ra Đê La Thành và chọn đại một xưởng mộc để họ làm một cái bàn theo thiết kế của mình? Cũng không ổn lắm. Tú Trân gạt đi. Vì theo lối sản xuất công nghiệp như hiện thời thì cô sẽ không thể theo sát họ và có một việc mà cô không bao giờ muốn, đó là họ sẽ đến nhà để đo đạc. Chắc Tú Trân sẽ cần một nghệ nhân!

Tú Trân quyết định sẽ đóng khung bức tranh mà Luân tặng nếu tìm được nghệ nhân làm mộc đó. Ban đầu cô cũng chỉ toan làm qua loa. Lên phố Nguyễn Thái Học chọn đại một hàng chuyên làm khung tranh nào đó. Nhưng thấy như vậy là không trân trọng tấm lòng của tình cũ, nên Tú Trân đã tìm hỏi một người chuyên làm khung tranh cho các hoạ sĩ. Một người sống ẩn dật dưới danh một cái nghề khác, một người có đủ sự yêu mến các bức tranh mà họ lồng khung, một người sinh ra để làm nghề đó.

Vậy nên tìm một nghệ nhân làm mộc hay nên tìm một nghệ nhân chuyên làm khung tranh và có thể làm mộc? Luẩn quẩn với câu hỏi đó cả tuần thì Tú Trân cũng được một người bạn hoạ sĩ trả lời.

"Cụ ông sống ở Hàng Bông, cũng gàn dở lắm, tranh nào hợp gu thì mới làm." Người bạn hoạ sĩ của Tú Trân chậc chậc vài tiếng sau câu nói đó.

Tú Trân ngoáy chiếc ống hút giấy để tạo ra một xoáy nước nhỏ trên bề mặt macchiato của mình, đáp: "Cụ tên gì? Cho em địa chỉ chính xác đi."

"Đây, nhưng mà nhớ khi đến đừng có nói chuyện giá cả gì nhé. Cấm kị đấy!"

"Ok em nhớ rồi."

"Cụ có thể làm miễn phí, hoặc giá đắt cắt cổ."

"Nhỡ em là trường hợp thứ hai của cụ thì sao?"

"Thì phải chịu!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro