Vi Lô

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Miệng đời chảy sắt thép
Khiến chàng xa chân mây
Nhớ khi chàng ly biệt
Một mình oán hận đầy."

("Đường thượng hành" - Chân Mật.)

*

Mặt trời chầm chậm hiện hình nơi chân trời hướng Đông xa mờ thăm thẳm, nhuộm khoảng không phương ấy ngả sang màu hồng phai nhàn nhạt mơ hồ, tạo thành một loại khí vị bình yên lạ lẫm. Nơi đây lặng lẽ kỳ lạ, không có tiếng trống thúc ra trận, tiếng sáo giục hành quân, tiếng cờ xí phần phật, tiếng vó ngựa mỏi mòn. Sương đêm còn vương sót rủ xuống như một tấm màn, bảng lảng khắp chốn rừng xanh núi thẳm. Vạn vật tịch mịch như vẫn đang chìm trong một giấc ngủ triền miên. Nhưng chẳng bao lâu ánh sáng đã tràn lên đẩy lùi bóng tối, nắng trời đã rọi xuống phủ ấm không gian. Tầng sương còn vấn vít trên cành lá, vương vấn ven suối ngàn chỉ đành ngậm ngùi nhòa tan vào hư vô, từng chút, từng chút một. Sự lưu luyến mong manh hư ảo vẫn tản mác trong không gian cũng bị ánh sáng chôn vùi. Nắng trời chiếu vào hạt nước còn vương đọng bừng lên những tia lấp lánh. Núi rừng hiện ra, mỗi viền lá dáng cây đều sắc nét lạ kỳ. Hương rừng núi trong khoảnh khắc nắng sớm mới rọi, sương đêm vừa tan tựa thanh âm chim rừng cất tiếng hót ven dòng suối nhỏ chảy từ khe núi. Trong lành, buốt lạnh, từng phiến lá mỏng tang cơ hồ đang run lên khe khẽ.

Sự sống rậm rịch thức tỉnh. Lá cây xào xạc đùa cùng gió. Suối ngàn rì rầm khen sắc mây. Hoa rừng rung rinh cười với nắng. Vạn vật dường như đều đang mải tự tình. Ngập tràn âm thanh. Chan hòa ánh sáng. Nhưng có một nơi mà nhựa sống không thể chạm tới. Mọi thanh âm và chuyển động dường như đều bị ngăn lại ở hàng lau sậy trắng xóa màu tang tóc, ở cánh cổng trúc quanh năm khép chặt ngả màu thời gian trôi. Chỉ có chút hơi nắng hòa mùi xác sương đêm phảng phất vị lá non có thể nương theo manh gió sớm len qua khe hở chật chội trên liếp cửa, phả vào gian phòng nhỏ không ánh sáng. Lành lạnh, triền miên. Người bên trong vẫn mê mệt chìm trong giấc ngủ, từng hơi thở nhẹ nhàng phả ra theo nhịp phập phồng của lồng ngực không đủ làm lay động lớp mành thưa.

Xà nhà trước kia luôn là nơi lui tới của đám quạ đen, nhưng gần đây, những bóng hình u ám ấy đã không còn hiện hữu và nghiêng đầu vào bên trong nhìn người trong nhà bằng ánh mắt săm soi, chờ đợi. Tổ rỗng, quạ bay đi hết, mạng nhện bám hờ trên mặt gỗ, phơ phất lay lay theo từng biến động nhỏ trong không khí.

Giữa trưa, thái dương cao đến đỉnh trời, nàng chầm chậm tỉnh giấc. Trong căn nhà vẫn duy trì cảnh tranh tối tranh sáng, mọi biến chuyển của thời gian bên ngoài đều bị chặn đứng tại vị trí bậc cửa xanh rì lún phún rêu, không thể vươn dài tỏa lan vào sâu bên trong mái tranh đơn bạc. Cũng không hề gì, cảnh này nàng đã sớm quen. Trần Nhứ chống tay ngồi dậy, từng khớp xương mỏi nhừ, đau buốt. Trong mắt nàng ngập đầy bóng tối, nhưng nàng chỉ lặng ngồi như vậy, an tĩnh hệt như vẻ chạng vạng đang phủ lấy nàng. Đồng hồ nước nhỏ tí tách, giây phút từng thanh âm rơi xuống, vỡ tan trùng với khoảnh khắc nhịp đập trong trái tim nàng khẽ dội. Nàng không biết bản thân muốn tiếp tục lặng lẽ như vậy đến khi nào. Chỉ có lý do nàng hiểu.

Mảnh liếp vừa vặn bao kín cửa sổ, che mưa chắn gió, cản mọi bão giông, nhưng cũng ngăn trở ánh sáng, tách biệt Trần Nhứ với sự sống đang trở mình bên ngoài. Nàng nhìn những chấm nhỏ li ti như bụi sao giữa các mắt đan, thấy lấp loáng màu xanh biêng biếc. Thật lạ, dù đã giữa trưa nhưng nắng vẫn còn trong mát. Có lẽ tầng tầng lá trúc đã làm nắng dịu bớt vẻ gắt gao. Nàng cụp mắt, thu lại tầm nhìn, như thể đang thầm e sợ một điều gì sâu kín. Bên ngoài gió trời nổi lên, kéo theo mây vẩn, che khuất thái dương, làm nắng trưa ảm đạm. Bóng tối trong phòng sâu hơn, tiếng lá trúc chạm nhau lao xao khe khẽ ngoài mành. Lồng ngực nhói lên, nàng chợt thấy linh hồn xào xạc, một mảnh ký ức xa xăm rùng mình thức tỉnh trong cõi lòng phủ lớp lớp bụi dày.

Tâm trí nàng lảng bảng cảnh tượng một thiếu nữ cúi đầu thấp bên song cửa, nương theo ánh nắng chiều rầu rầu chao nghiêng trên cánh liếp, chậm chậm xe chỉ luồn kim, thêu lên tấm áo khoác của người những hình trúc xanh thanh mảnh.

Cổ tay áo người xanh xanh, Trong lòng ta canh cánh.

Trong những cơn mộng mị triền miên của mình, Trần Nhứ vẫn thường mơ thấy ngày người rời khỏi nơi đây, mơ thấy bóng hình người nhập nhòa bước ra khỏi ngưỡng cửa xanh rì phủ đầy rêu biếc lan dài khắc khoải, đi qua cầu nhỏ lau lách đìu hiu vắt ngang dòng nước chảy trong veo. Hình như hôm ấy người cũng khoác chiếc áo dài thêu hình lá trúc, cứ vậy mà đi, không ngoảnh đầu nhìn lại một lần.

Nàng vẫn nhớ, dạo ấy trời độ cuối thu, gió đông đã chớm.

Cảnh tượng nhoè dần rồi tan biến vào hư vô, trước mắt nàng chỉ dày đặc một màu bóng tối. Nhưng Trần Nhứ thường không tỉnh dậy ngay. Dường như tiềm thức nàng cũng hiểu nếu nhìn đủ lâu sẽ thấy một ảnh ảo giữa đêm đen giăng kín, đó là một bóng người nhập nhoạng trong bao nhiêu máu. Màu xanh của hoa văn lá trúc trên áo ngoài cũng bị máu khô nhuộm bầm đen.

Gió thổi hiu hắt, nước sông Dịch lạnh. Tráng sỹ một khi ra đi sẽ không trở về nữa.

Trần Nhứ trở dậy vấn tóc, bước ra gian ngoài, sắp sửa chút đồ đạc còn dang dở hôm qua.

Chợt văng vẳng trong không gian một thanh âm thảng như tiếng chim quyên, mỗi lúc một gần, ép sát tâm can khiến nàng cơ hồ ngạt thở. Như than van, như thôi thúc. Trần Nhứ tưởng như có thể nhìn thấy bóng hình gầy gò của con chim ấy. Nó vươn cổ lên mà hót, tới khi rạc họng, đôi chân gầy nhẳng run run, con ngươi đỏ hoét dáo dác nhìn quanh, không rõ đang kiếm tìm điều gì. Ở chốn rừng hoang núi thẳm này, có lẽ chỉ mình nàng nghe được tiếng kêu bi thiết của sinh mệnh nhỏ bé kia.

Nàng lặng người nhìn những ngón tay thuôn thuôn gầy guộc, nhẩm đếm mỗi lần vút lên, mỗi lần máu rỏ, cảm nhận trái tim thắt lại từng hồi se sắt.

Máu thấm xuống thềm hè vắng, máu khuất trong làn rêu xanh. Tiếng chim rời rạc rồi vụn vỡ, chầm chậm biến mất trong nắng chiều hoang hoải, lẳng lặng chìm khuất vào không gian mênh mông.

Bàn tay Trần Nhứ chợt siết lại. Nàng vội xếp nốt đồ dùng vào chiếc gùi nan. Nàng chỉ mang theo vài món đồ đơn sơ vừa vặn lấp đầy gùi nhỏ. Mấy bộ quần áo mộc mạc, vài sợi dây buộc đồng màu, giấy bút và thảo dược chiếm phần nhiều, từng vị thuốc được phân chia đủ lượng, gói trong lá phơi khô, buộc chặt bằng sợi lạt mây dài óng chuốt. Nàng xếp gọn chúng vào một chiếc hộp tre kín đáo. Mùi hương thảo dược quyện vào nếp áo khăn, đằm trong từng sợi tóc của nàng. Nhưng tất thảy dường như không át được mùi máu hòa cùng hương rêu đang cuộn lên sau cánh cửa, mùi xác chết đang mất dần hơi ấm dưới ánh mặt trời gay gắt.

Khoảnh khắc nàng hé cửa bước ra ngoài, nắng chiều vương vấn trên hàng tóc mai, rọi tới khuôn mặt khiến nàng hơi chói mắt. Trần Nhứ đội nón mạng lên đầu, kéo vành nón thấp xuống, ngăn trở ánh nắng, lẳng lặng bước đi. Nàng nhẹ nhàng lướt qua xác đỗ quyên trơ trọi bên thềm lạnh, cẩn thận thắng lại yên ngựa rồi dắt nó cùng xuống núi. Cửa trúc lâu năm không tu sửa, khi khép lại những khớp tre khô cứng chạm nhau phát ra âm thanh kẽo kẹt. Hoa dại dưới chân rung rung như từ biệt, lá trúc trên đầu xao xác tựa khóc than. Trần Nhứ quay gót dắt dây cương ngựa mà đi. Nhưng đi được vài bước, nàng chợt dừng lại trên nhịp cầu nho nhỏ, ngắm mảnh trời xanh tan tác in bóng dưới dòng.

Nàng nhớ tới ánh mắt sâu thẳm tựa đáy nước của tôn sư. Có lẽ hiện tại người vẫn đang ở đâu đó quanh đây, lẳng lặng dõi theo nàng và buông một tiếng thở dài khe khẽ.

Gió núi thổi tới, Trần Nhứ cảm nhận được hơi lạnh ẩn mình. Hạt châu trên khuyên tai nàng chạm nhau, phát ra tiếng động lanh thanh, khảy lên trong lòng nàng niềm hoài cảm.

Nhưng nàng chớp mắt, chợt nhớ ra bây giờ cũng là cuối thu.

*

Đường núi trúc trắc, địa thế hiểm trở, cheo leo nguy hiểm, khó đi hơn cả vượt trời xanh. Những ngọn núi đá trập trùng nối nhau đều đặn như từng đợt sóng cồn, đỉnh nhọn tựa giáo gươm chọc thủng tầng mây vẩn, cao vời vợi đến độ hạc vàng cũng chỉ đành ngậm ngùi dứt cánh. Cứ trăm bước lại gặp một quãng ngoặt vòng núi non trắc trở, đi được vài dặm lại thấy đất trôi, đá lở, thác dữ, sông sâu. Bao tráng sỹ được các chư hầu cử lên núi vời cao nhân nhập thế đã bỏ mạng tại nơi đây vì đất lở, núi sập. Những cây thông, cây tùng vốn mang sức sống kiên cường cũng không sao trụ được cùng sương muối và gió bấc, chúng héo hắt lớn lên rồi chọn một thời điểm nào đó để chết khô, xác cây vắt vẻo tựa vào vách đá cao ngất, gầy xơ xác và co quắp như thể một xác ướp lâu ngày không an táng.

Nhưng năm trước có một người đã vượt mọi đèo cao thác dữ tìm đến am Vân Trì. Nhiều kẻ nghĩ người đã nản lòng thoái ý, tìm đường lên núi cốt để tu tiên học đạo, mong cầu có thể thông quảng đại, bất tử trường sinh.

Nhưng kỳ thực hắn chỉ lên núi để hỏi thăm một người quen cũ, trả lại một chiếc khuyên tai nhỏ. Trong ký ức của hắn, giữa trán người vẽ một chấm hoa xanh.

*

Khói bếp xanh bay lên từ những mái nhà tranh ở hương thôn ven chân núi, toả đi khắp núi rừng, lãng đãng trong không trung, hòa vào ánh nắng chiều hôm, đùa cùng cỏ cây vàng úa lay lay hiu hắt.

Một người một ngựa, nàng lặng lẽ đi. Làn khói mỏng mờ ảo ấy phủ lên nàng, thoáng chốc đã không thấy bóng dáng nàng lầm lũi.

Đôi khi nàng sẽ dừng lại ven suối cho Tương Liên uống nước, nghỉ ngơi. Con ngựa non chốc chốc lại dụi đầu vào tay nàng như một đứa trẻ đang làm nũng. Trần Nhứ vuốt ve bộ lông bờm đỏ hung của nó. Ánh mặt trời cuối ngày chênh chếch rơi bên vành nón nghiêng nghiêng. Nàng hơi nheo mắt. Lớp mành voan mỏng như sương trên nón được gỡ xuống , rủ trước mặt nàng như tơ giăng. Trần Nhứ lên lưng ngựa quày quả tiếp tục đi. Hoàng hôn dần buông, tà dương bị bỏ lại phía sau nàng tan thành máu nhuộm trời Tây đỏ hoét.

Nàng đến Đăng Châu cũng vào một ngày trời chiều ráng đỏ, những bóng quạ đen bay ngang dọc khắp không gian thoảng mùi xác chết, cất lên tiếng kêu than tang tóc. Quân Ngụy đã rút hết, thành trống hoác. Dưới chân nàng, những mũi giáo, đầu tên, những mảnh giáp sắt còn sót lại sau những trận chiến cũng đã ít nhiều han rỉ. Cả tòa thành ngập chìm trong bóng ác tà buông xuống, trong sự vắng lặng rợn người.

Hơn một tháng trước, nàng đã biết tin Đăng Châu vì dịch bệnh mà thất thủ, quan Trấn phủ tự sát, quân lính xếp giáo ra hàng, mở cổng để địch dẫn binh vào thành chiếm đóng. Quân Ngụy đã chiếm được nơi đây, địa bàn của bọn họ lại mở rộng thêm chút nữa. Song chiến hỏa liên miên, tâm trí của chủ soái dồn cả cho trận mạc, việc trị an còn chưa tính đến, dịch bệnh cũng vì vậy mà không được tiêu trừ triệt để. Những người chưa bị nhiễm bệnh đều đã theo quân lính di chuyển đến một vùng khác lánh dịch, trong tòa thành này chỉ còn sót lại những người bệnh nặng vô phương cứu chữa và những kẻ vì tình sâu nghĩa nặng với người sắp chết mà không chịu rời đi.

Nàng biết người ấy, người bày ra mưu kế khiến bệnh dịch lan tràn.

Máu của người bệnh vương trên áo nàng, Trần Nhứ không né đi, cũng không sợ hãi, chỉ nhẹ nhàng yên ủi, viết đơn thuốc, căn dặn người nhà cho người bệnh uống theo chỉ dẫn.

Một người, một người, lại thêm một người.

Nàng là lang y.

Có điều khi màn đêm buông xuống, một mình yên lặng nghỉ ngơi trong gian nhà cỏ, nhìn đăm đăm vào màu máu đỏ thẫm loang trên sắc vải trắng gai người, Trần Nhứ lại nhớ tới người gieo rắc bệnh dịch này, nhớ tới vệt máu đào vương lẫm chẫm trên nền tuyết ngày đông chí trong ký ức, tựa như những cánh hoa lạ lùng nở rộ giữa một dịp đất trời giăng trắng xóa khăn tang. Ho ra máu đỏ, sốt nhẹ về chiều, dáng vẻ mệt mỏi, hô hấp không thuận. Bệnh lao. Nàng nghĩ. Nhưng không đợi nàng kịp tính toán chu toàn, một nỗi hận dằng dặc đã lan đến phủ lên rồi thấm vào tâm can nàng se xót. Nàng nhớ khi ấy bản thân đã lặng đi nhìn người. Một người còn rất trẻ, trạc tuổi nàng mà thôi, làn da nhợt nhạt hơn màu tuyết, dáng người cao mà mảnh khảnh, ngạo mạn vô cùng nhưng đau lòng rằng phảng phất như bất cứ lúc nào cũng có thể ngã xuống. Song khi thấy nàng, người ngẩng lên, nàng nhận ra ánh mắt người rất sáng, không giống thần sắc của một kẻ quanh năm bệnh nhược. Dẫu vừa trải qua một cơn ho dữ dội, máu đỏ vẫn còn in trên nền tuyết, hơi huyết vẫn còn quanh quất trong hơi thở, nơi khóe môi người vẫn thấp thoáng ý cười.

"Em là lang y à?"

Nàng hơi do dự, song vẫn gật đầu, đoạn lấy ra trong túi một chiếc khăn tay đưa cho người. Chiếc khăn thêu những hoa lam ở góc trái, thanh mảnh và mềm mại, nền khăn trắng muốt như tuyết ngoài trời. Quách Gia cười, nhận lấy chiếc khăn từ tay nàng, ánh mắt người khi ấy vẫn còn chút ít trong veo.

Nàng thoáng siết chặt nắm tay mình vì chợt nghĩ tới một bông tuyết đầu mùa vô tình rơi vào giữa lòng bàn tay nàng dịp mùa đông năm ngoái. Mong manh, thoi thóp tan nhoà. Sự tồn tại của tuyết cũng chỉ như cuộc sống của phù du, thậm chí còn ngắn ngủi hơn. Chưa đợi nàng kịp nhìn kỹ, chút hơi nước ấy đã tiêu biến không dấu vết.

Nhưng Quách Gia lại chạm vào bàn tay nàng, xoa nhẹ.

Sư phụ nàng che dù bước tới ngôi đình nhỏ, người nghiêng tán ô, rũ đi tuyết đọng, lộ ra tầng giấy dầu đỏ thẫm. Người bảo Trần Nhứ trở về khép cửa đọc sách, nàng cúi đầu quay gót trở đi.

Sư phụ của Trần Nhứ vốn định ở lại phủ Tiêu Tương hai ngày, nhưng năm đó tuyết lớn, lở xuống đường, chặn mất lối đi. Lại thêm đất sạt đá lở, phá mất cây cầu treo giăng giữa hai bờ vực thẳm. Phải chờ tới khi tuyết vãn mới có thể bắt đầu tu sửa đường đi. Thầy trò ba người đành ở lại nơi đây, đợi đến khi xuân sang hoa nở, đường đi thông suốt sẽ cáo biệt trở về.

Linh Quân phu tử ẩn dật và truyền đạo cho môn đệ ở một ngọn núi hiếm người biết đến, cách xa chốn đây hơn trăm dặm đường dài. Để xuống núi đến phủ Tiêu Tương, thầy trò ba người phải thuê một cỗ xe ngựa, đi chậm mất nửa tháng, đi nhanh cũng hơn bảy ngày mới tới nơi. Trên đường đi, sư phụ nàng dặn dò người đánh xe tránh đi đường gần những nơi náo nhiệt, nên chọn đường nhỏ, đường vắng mà đi. Trần Nhứ biết người không thích ồn ào. Từ khi còn trẻ, sư phụ nàng đã nhận ra thế cục hỗn loạn của thiên hạ. Không giống những người đồng môn nhập vào hồng trần hỗn loạn để làm một phen đại nghiệp, người lựa chọn lui về chốn sơn thủy điền viên, sống một đời tịch mịch.

Năm mươi năm ròng trôi đi, tựa như cát vàng hoang mạc luồn qua kẽ ngón tay chai sần của người lữ hành mòn mỏi. Sư phụ nàng chưa từng rời khỏi núi Quy Sương, bỏ ngoài tai lời chiêu dẫn của các chư hầu cùng muôn chuyện thế gian. Mỗi ngày trôi qua, người chỉ chuyên tâm truyền dạy môn đệ, chế thuốc cứu người, chôn chặt tất cả nỗi niềm riêng tư bên ngọn đèn xanh cạnh Phật Bà. Lần này người nhận lời xuất môn, dẫn theo nàng cùng một vị đồng môn ra khỏi am Vân Trì ít lâu, đến phủ Tiêu Tương thăm khám cho người bệnh cũng chỉ vì một mối ân tình năm xưa còn vướng víu. Sau khi trả xong khoản tình nghĩa này, sư phụ sẽ lại dẫn nàng quay trở về nơi ẩn dật, cách biệt với thế gian.

Dẫu nhủ lòng như vậy nhưng tất cả những suy nghĩ ấy vẫn không thể vỗ yên những đợt sóng ngầm đang âm thầm trỗi dậy trong cõi lòng Trần Nhứ. Đêm đêm nằm trên chiếc giường tre trải đệm chăn ấm áp mà sạch sẽ, nàng nghe tiếng trái tim đập từng hồi khắc khoải trong lồng ngực nhỏ nhoi mà tưởng về những năm tháng chảy trôi êm ru không tiếng động nơi am Vân Trì. Nhưng những xao động lạ kỳ gần đây tựa một viên sỏi thả xuống mặt ao xưa, phá tan vẻ tĩnh mịch của làn nước, khiến một nỗi hãi hùng mơ hồ dâng lên bao lấy trái tim nàng, đẩy nàng vào thế chới với như người đứng bên bờ vực thẳm, sắp sửa đứt rễ khỏi miền đất trao cho nàng sự sống và rơi xuống cõi đời hun hút cuộn dày sương lạnh âm u.

Nhưng Trần Nhứ không thực sự rơi xuống, nàng tỉnh dậy trước khoảnh khắc núi đá dưới chân triệt để vỡ vụn khiến nàng hoàn toàn mất đi điểm tựa. Tiếng ho dữ dội từ một căn phòng nào đó truyền tới đánh thức nàng, vô tình kéo nàng ra khỏi tình thế hung hiểm trong mộng triệu. Tâm trí nàng lần hồi quay về thực tại, song còn chưa kịp thở ra một hơi nhẹ nhõm, những tiếng ho day dứt vọng tới dai dẳng khiến cõi lòng nàng nặng trĩu. Những ngón tay mảnh mai của nàng khẽ cuộn lại khi nàng cơ hồ ngửi thấy mùi máu tanh dâng lên giữa thanh âm như xé vải. Nàng tưởng như cảm nhận được dòng máu nóng bỏng đang chạy rần rật trong mạng mạch li ti nơi phế quản người kia. Hơi tanh trào lên nơi cuống họng, nghẹn chặt ở đó và rỉ ra âm ỉ theo mỗi cơn ho đằng đẵng. Nhưng có một điều gì trong thời khắc này khiến nàng do dự không muốn đứng lên mở cánh cửa khép chặt mà bước ra, cầm theo ánh nến leo lắt thắp sáng không gian u tối đậm mùi bệnh trạng khi nghe tiếng ho của người bệnh văng vẳng trong không gian vắng lặng.

Nàng không tới, có lẽ cũng không sao. Trần Nhứ cuộn mình vào tấm chăn, để thân mình được bao bọc trong hương hoa mộc thanh thanh, mong sao cơn buồn ngủ nhanh kéo đến trên hai mi mắt.

Tuyết rơi suốt đêm phủ bên ngoài tấm liếp, vì quá dày mà chầm chậm trượt xuống, chỉ còn đọng lại một chút ánh lấp lánh trong trẻo. Trần Nhứ không ngủ tiếp được, cũng không có tâm trí làm bất kỳ việc gì. Nàng ngồi dậy, khoác thêm một lớp áo ngoài rồi đánh đóm châm nến. Lẳng lặng nghe gió bấc reo như tiếng than, thẫn thờ nhìn sáp nến chảy như lệ khóc, nhớ tới hồi chiều muộn trời còn lạnh sâu hơn hiện tại nhưng mặt trời có hiện hình trong thoáng chốc. Vầng thái dương yếu ớt ấy rọi xuống thế gian vài tia nắng nhợt nhạt rồi lại vội vã khuất sau những tảng mây dày đục xám ngoét màu chì. Trần Nhứ ngồi nép bên cánh cửa gỗ nâu trầm, thu mình trong chiếc áo lông màu lục nhạt, lặng lẽ sắp xếp lại từng ô thảo dược cho sư phụ. Chút nắng ít ỏi không vương hơi ấm đó chiếu xuống đôi bàn tay gầy gầy xương xương của nàng, phảng phất như bất cứ lúc nào cũng có thể tan biến. Nàng nhớ lại cảm giác khi Quách Gia chạm nhẹ nơi đó như yên ủi.

Khi ấy, Linh Quân phu tử ngồi phía sau vấn tóc cho nàng, những sợi tóc dài mềm như lụa dịu dàng quấn quanh ngón tay người như quyến luyến. Người không hề lên tiếng, chỉ lẳng lặng nhìn nàng nâng sợi nắng thoi thóp ấy trong lòng bàn tay. Trần Nhứ không nghe được thanh âm người khe khẽ thở dài như buồn khổ, khi nhìn thấy ánh mắt người phủ đầy vẻ tĩnh lặng của hư vô.

Tia nắng mong manh dịp đại hàn, đợi đến ngày hạ chí có thể đem cả đất trời thiêu rụi.

Mùi thảo dược ban chiều đến giờ vẫn còn thảng vương trên những đầu ngón tay nàng. Trần Nhứ chợt nhớ, nàng là lang y.

Trần Nhứ đứng lên, châm một đoạn nến thừa rồi đặt nó vào trong chiếc đèn lồng nhỏ xinh hồi chiều nàng tự tay đan bằng những lạt tre còn thừa ở chỗ những người thợ tu sửa gian nhà cũ bên mé Tây phủ. Cách một tầng giấy dầu, ngọn nến tỏa ra thứ ánh sáng nhàn nhạt dịu dàng có phần ấm áp hơn tia nắng ban chiều. Nàng khoác thêm một chiếc áo lông, run tay đẩy cánh cửa gỗ, chậm chậm bước ra ngoài. Lồng ngực nóng ra và trái tim nhỏ nhoi ẩn mình trong đó nảy lên quẫy đạp chống lại một thứ gì như nỗi sợ.

Chiếc áo lông dài quá mắt cá chân, sẽ sàng chạm đất, phát ra những thanh âm sột soạt nghe rất khẽ. Hành lang dài hun hút như dải lụa không kín gió, từng đợt khí lạnh qua những khe hở tràn vào. Đèn lồng chỉ thắp sáng được một khoảng hạn hẹp trong toàn bộ không gian tăm tối mênh mông. Trần Nhứ nheo mắt nhìn về phía xa, song chỉ thấy ở phía cuối con đường màu đen thăm thẳm. Nỗi hư vô khỏa kín trái tim nàng. Bước chân nàng vô thức chậm lại, ngần ngừ. Bóng tối trước mắt như một loài yêu thú, chỉ đợi nàng tiến thêm một bước, nó sẽ đổ sập xuống, đè nát linh hồn nàng, nhấn chìm nàng trong đầm lầy nhơ nhớp đục ngầu tội ác và hình phạt. Nàng chợt nhớ tới tình cảnh vài năm trước, một buổi chiều trời cao vô tận và nắng hanh hao, một con chim rừng không rõ từ đâu trở lại mang chiếc khăn tay của nàng bay vào rừng thẳm. Khi ấy nàng cũng như hiện tại, đứng lặng nhìn chăm chú vào khoảng không gian rộng rinh xa lạ hiển hiện trong tầm mắt, do dự mà lùi bước.

Cảm giác lo sợ vô hình ăn sâu vào tâm trí cản bước chân nàng, cầm chặt linh hồn nàng trong khoảng sân vườn yên bình nhỏ bé, trong căn phòng nhỏ ấm áp riêng tư. Nhưng tiếng ho dai dẳng của người bệnh khiến hình ảnh những xác chim khô quắt trong chiếc tổ xác xơ năm trước vụt hiện trong trí nhớ nàng. Sư phụ nói chúng ăn nhầm quả độc, nếu có người phát hiện sớm mà dùng tro lá mã đề hòa cùng nước suối cho chúng uống thì có lẽ không nên nông nỗi. Trần Nhứ chỉ yên lặng, nàng trông thấy chiếc khăn thêu những hoa lam mắc trên một chạc cây cách đó không xa, phất phơ bay trong làn gió thấm đẫm hơi rừng lành lạnh.

Trần Nhứ thoáng siết lấy vạt áo, tiếng ho thấm hơi máu vẫn văng vẳng vọng tới từng đợt. Trái tim mạnh mẽ nảy lên. Nàng trở bước. Lằn ranh vô hình nằm lại phía sau lưng nàng.

Nàng đẩy cửa bước vào căn phòng người bệnh nghỉ ngơi, sâu trong lòng chợt xôn xao như ngày theo chân sư phụ xuống núi Quy Sương.

Trong phòng không bày biện nhiều đồ vật, song vì không gian không quá rộng, lại khéo sắp xếp nên nhìn qua cũng không có vẻ trống trải. Bên góc trái kê một chiếc giường gỗ trải nệm bông ngả màu ngà, ngay cạnh đó là y giá cao treo vài bộ áo quần đơn bạc. Bên tay phải bài trí một chiếc bàn dài, cạnh chân bàn là hai hòm gỗ đang để mở chứa đầy những quyển trục. Người bệnh ngồi bên án thư la liệt giấy bút, thu mình trong một chiếc áo choàng lông cáo màu hung to sụ hơi rung rúc, trước mặt người bày một bàn cờ ngang dọc dày đặc những quân đen quân trắng đan xen. Ánh nến dịu dàng làm tan đi vài phần nhợt nhạt trên khuôn mặt người, khiến dáng vẻ của người sinh động hơn đôi chút.

Tầm mắt Trần Nhứ dừng lại trên chiếc khăn còn vương máu đào đặt gọn ở một góc bàn. Vết máu vẫn còn rất mới. Tanh nồng, đỏ hoét. Nỗi đau bị dồn nén đã lâu trong tim nàng thời khắc này thoáng chốc nở rộ như hoa, dào dạt tràn đi tỏa khắp lồng ngực nhỏ bé. Nhưng Quách Gia chỉ nhìn nàng mỉm cười, ánh mắt chất chứa nhiều điều mà khi ấy nàng còn chưa rõ. Bây giờ ngẫm lại, có lẽ từ khi ấy, người đã tiên cảm được vận mệnh của mình.

Đêm hôm đó, Trần Nhứ sắc thuốc, Quách Gia uống cạn. Người không từ chối nàng, cũng không than thuốc đắng, uống một hơi hết sạch, như thể đã quen với mùi vị này từ lâu. Chất lỏng đắng chát ấy chảy vào phế quản, xoa dịu cơn nóng rát trong buồng phổi, xua đi hơi máu quẩn quanh trong hơi thở của người. Lòng Trần Nhứ nhẹ nhàng đến lạ. Bên ngoài cửa sổ có trồng một cây đào lục ngạc. Cây ưa tiết trời lạnh lẽo, cánh hoa nở trong gió tuyết, hương thơm hơn cả trầm hương, thoang thoảng lan vào gian phòng nhỏ. Đôi lúc Quách Gia lại di chuyển vài quân cờ. Quân đen là địch, quân trắng là ta. Bàn cờ dọc ngang xen kẽ, có vô số điểm đặt quân. Mỗi quân cờ hạ xuống đều phải ngàn suy vạn tính, dụng vô số chước mưu. Quách Gia cẩn thận từng nước đi ở đoạn khai cuộc này bởi người hiểu thắng thua của một cuộc chiến không chỉ được định đoạt khi đôi bên giáp mặt giao tranh mà còn phụ thuộc vào sự sắp xếp của hai bên trước khi cuộc chiến diễn ra.

Trần Nhứ lặng lẽ nhìn, đáy lòng chùng xuống, mơ hồ buồn. Ánh mắt người so với màn đêm bao phủ đất trời ngoài tấm liếp, không rõ bên nào mới thăm thẳm phần hơn. Chút trong veo nàng nhìn thấy hôm nào đã chìm khuất trong trùng trùng suy tính.

Nàng chỉ hai quân cờ đen trắng chập chồng nãy giờ vẫn nằm yên ở một vị trí, hỏi.

"Đây là gì vậy?"

"Một tòa thành, vị trí vô cùng đắc địa, cả hai bên đều muốn có."

"Có thành, vì sao không thấy người?"

Quách Gia hạ thêm một quân cờ, sau đó ngẩng lên nhìn nàng. Dáng vẻ Trần Nhứ trong ánh nến nhu hòa mà nhàn tĩnh.

"Không đủ cờ." - Người nhẹ nhàng đáp.

Trần Nhứ nhìn thoáng qua hai chiếc bình đựng quân cờ, cõi lòng nàng lạnh đi một nửa, song vẫn không thôi day dứt. Nàng không nói thêm nửa lời, lẳng lặng trải khăn xuống án thư lạnh lẽo để người đặt cổ tay lên đó mà thăm mạch.

"Trên đời này có người nào em không cứu được không?"

Trần Nhứ đặt hai ngón tay lên đường mạch của Quách Gia, cảm nhận những nhịp đập đều đặn, mong manh như một hơi gió ấm giữa một ngày đông tuyết bạc đất trời.

"Hẳn là có, thầy thuốc không phải thần tiên."

"Bao nhiêu?"

Rất nhiều, hay tất cả?

Trần Nhứ không đáp, nàng yên lặng cúi đầu suy nghĩ thật lâu. Tâm trí nàng rối bời giữa cảnh tượng núi Quy Sương nước non thanh tú và bàn cờ dọc ngang dày đặc quân trắng quân đen bày ra trước mặt. Một bên thanh tĩnh mà không thôi dằn vặt, một bên hỗn loạn nhưng phảng phất an tâm. Quách Gia không có ý làm khó nàng, người rời ánh mắt đi, hạ thêm một quân cờ xuống bên cạnh hai quân đen trắng chập chùng.

"Ta chỉ đang nghĩ em sẽ nói gì với họ."

"Ta không nói đâu, còn tác dụng gì nữa, đến bao giờ mới đủ. Ta chỉ có thể tiễn họ một đoạn mà thôi."

Quách Gia không lên tiếng nữa, trong thoáng chốc, bàn cờ trong mắt người chợt nhuốm vẻ mông lung. Người ngẩng lên, do dự đưa tay vén hàng tóc mai rủ dài trước mặt nàng. Một giọt nước mắt trong veo từ khóe mi Trần Nhứ ứa ra, trượt dài trên gò má nhợt nhạt, lập loè dưới ánh nến rồi rỏ xuống vạt áo, khiến vẻ đạm mạc trên khuôn mặt nàng tan vỡ. Giọt nước mắt ấy lặng lẽ ngấm vào dải áo màu dương liễu mông lung như khói, nỗi buồn chất chứa trong đó cũng chầm chậm thấm vào linh hồn người.

Hai người u mặc ở bên nhau trong những đêm đông dài đằng đẵng tưởng như vĩnh viễn không thấy ánh mặt trời ló rạng. Thủ lô mà nàng đặt vào tay Quách Gia luôn ấm áp. Nàng không muốn nhóm lò, vì lo mùi tro than làm người thêm khó chịu.

Ngày tuyết tan xuân tới, nàng cùng sư phụ cáo biệt trở về am Vân Trì, người không đến tiễn. Nỗi buồn mơ hồ khắc khoải mãi trong tim nàng, chốc chốc lại siết se sẽ trong lồng ngực, dịu dàng đau xót. Mãi đến khi trở về núi Quy Sương, Linh Quân phu tử mới nhận ra bên tai trái nàng tự bao giờ đã khuyết một bên khuyên ngọc.

Chiếc khuyên tai đó ở lại phủ Tiêu Tương, bên cạnh người.

*
Hơn bảy năm sau, nàng mới được thấy lại chiếc khuyên tai ấy. Ngày tháng trôi qua như thoi đưa, biết bao cuộc thương hải tang điền thấm thoắt, tỷ như sư phụ nàng đã đi vào núi sâu rồi biệt tích, tỷ như các đồng môn lần lượt rời khỏi am mây nhập vào thế tục, nơi đây chỉ còn lại mình nàng vò võ trông nom. Nhưng chiếc khuyên tai dường như không hề bị ảnh hưởng bởi dòng thời gian trôi chảy, sắc ngọc vẫn giữ nguyên vẻ trong biếc, phần xích bạc cũng không có nửa phân ngả màu. Nàng biết người vẫn hằng gìn giữ thật cẩn thận, chờ một ngày đưa vật về chủ cũ.

Có lẽ chính nàng cũng đã lặng lẽ chờ đợi, trông ngóng ngày ấy thật nhiều năm.

Đáng tiếc rằng đặt bên đại nghĩa, ngọc đẹp cũng thành đá trói chân.

*
Trần Nhứ đứng giữa những gò xác người cao bằng đồi, ánh mắt tối sầm lại. Nàng chỉ giúp được một vài người trong số những thi thể la liệt nằm trên mặt đất bùn lầy lẫn lộn, bầm đen sắc máu. Lau vết thương, khâu miệng, thoa thuốc rồi bó lại. Động tác trên tay nàng rất nhanh, nhưng không sao theo kịp tốc độ cái chết lạnh lùng tràn đến. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, nàng lại cảm nhận được một sinh mạng vừa ngừng nhịp thở, linh hồn tan tác của họ hóa thành những giọt nước mắt, vút lên tận trời xanh. Lá cờ của quân phiệt thua trận phủ bên chân một xác người bị mũi giáo dài đâm xuyên lồng ngực. Ngọn giáo ghim chặt thi thể ấy vào gò đất phía sau, giữ cho hình người ấy không thể đổ xuống mà cứ đứng ngật ngưỡng, vất vưởng, trân trối ngửa mặt nhìn bầu trời cao thẳm. Trong đôi đồng tử đã mất đi tiêu cự ấy chỉ thấy chút ngơ ngác còn đọng lại.

Nàng nhìn khuôn mặt người này, trái tim khẽ run lên. Mười lăm, mười sáu, hay nhỏ hơn nữa? Nàng không rõ. Nhưng khung xương nhỏ nhắn và vẻ non nớt trên những đường nét của cậu rõ ràng chỉ giống như một đứa trẻ.

Quạ đen đánh hơi được mùi xác chết, chúng kéo nhau đến bãi tàn cuộc chiến trường. Bầy đậu trên những thây người chất thành gò, bầy bay ngang dọc trên nền trời chiều đỏ thẫm. Chúng nghiêng đầu chăm chú nhìn nàng đầy vẻ chờ đợi và thân thiết tựa như nhìn một người quen cũ lâu ngày gặp lại. Trần Nhứ lạnh người. Song nàng không có thì giờ để dỗ yên cơn run rẩy, nàng quay lại vuốt mắt cho người chết trận trẻ tuổi kia, hạ thi thể xuống đặt nằm ngay ngắn trên nền đất lạnh rồi dùng lá cờ rách nát phủ tạm lên thi thể cậu. Trần Nhứ cắn răng, ép bản thân rời ánh mắt khỏi đoạn hình hài ấy. Nằm giữa biển thây ngồn ngộn,  thi thể của cậu vậy mà không hề lạc lõng. Có vô số xác chết la liệt mang khuôn mặt từa tựa cậu. Nhỏ bé đến vậy, vô nghĩa đến vậy.

Đội sương binh nhận việc tìm kiếm những người lính còn sống sót bị thương sau trận chiến đã bắt đầu lục tục mang cáng tre, băng vải và thuốc cầm máu trở lại nơi tàn trận. Trần Nhứ ghé môi cắn đứt chỉ, đeo gùi lên vai, để lại những thương binh còn sống sót, quày quả rời đi. Nhưng vừa đi được một quãng ngắn, nàng đã khuỵu xuống, chất lỏng đỏ tươi dính trên tay vẫn còn vương hơi ấm. Trong thoáng chốc, chút sức lực còn sót lại trong thân thể nàng bị rút kiệt, nhưng mối âu lo tự trong tâm khảm lại nhiễu động, thôi thúc, làm nàng quên đi xương cốt đang rệu rã, buộc nàng gượng mình đứng dậy tiếp tục đi. Nàng tìm một đoạn giáo gãy làm gậy, một tay còn lại vịn vào những vách đá, lảo đảo lần từng bước.

Nàng biết thời gian không còn nhiều.

Bỗng Trần Nhứ quay đầu, một kẻ đang dựa vào đống thây người chồng chất giữ lấy vạt áo nàng như kẻ sắp chết chìm cố níu lấy sợi dây mảnh cầu sinh. Hắn cố gượng nói tròn vành rõ chữ cho nàng hiểu, nhưng trong mỗi thanh âm vẫn không giấu hết được cơn run rẩy.

"Đưa ta ra khỏi đây, ta bán mạng cho."

Người này ở gần vị trí trọng pháo kẻ địch bắn tới, thân thể chịu xung kích lớn, nhiều phần xương cốt trên người đã gãy vụn, những vết thương do giáo đâm, kiếm chém cũng không ngừng rỉ máu.

"Ta không phải kẻ mua sinh mạng, cậu tìm lầm người rồi." - Trần Nhứ cắn răng đáp, vừa nói xong đôi mắt đã đỏ hoe.

Người đã gián tiếp đẩy bao sinh mạng vào con đường không có lối về?

Không đếm nổi.

Mặt trời lừ lữ chìm một nửa xuống chân trời phía Tây, cả dải trời phương ấy và mặt đất sa trường đều lênh láng máu.

Băng gạc và nẹp tre lại được lấy ra, Trần Nhứ biết bản thân không thể dừng lại. Cậu thiếu niên kia không cắn vào mảnh vải mà nàng đưa, yên lặng chịu đau, không rên một tiếng. Sâu thẳm trong đôi mắt cậu cũng có một điều gì tịch mịch. Giống như nàng. Cũng giống như một người lặng lẽ cầm đèn lồng đỏ đứng trên đỉnh thái sơn, nhìn xuống những gò xác người chất chồng lớp lớp như cụm cụm sóng cồn, mặc gió thấm hơi xác chết trêu đùa tà áo ám mùi thuốc súng, yên lặng nghĩ về một cố nhân.

Thuộc hạ báo với người rằng có một kẻ khả nghi xuất hiện trong trận địa, không rõ là bạn hay thù nên trở về hỏi ý quân sư nên giết hay nên giữ.  Người lặng yên không đáp, chỉ ra hiệu cho kẻ đó lui xuống. Thuộc hạ không nhận lệnh không dám tự ý hành động, đành phải bỏ qua. Quân sư vẫn đứng tại triền núi cao nhìn xuống, trông khói đen từng cụm phủ dày trong trời chiều hôn ám, che giấu dáng hình một kẻ mang theo người lính trẻ toàn thân thương tích lầm lũi rời khỏi tàn cục chiến trường. Người nhớ về làn sương trắng đục làm khuất lấp bóng chiếc xe ngựa rời khỏi phủ Tiêu Tương năm xưa, mỉm cười đầy hoài cảm. Không thay đổi, là người đứng trên đỉnh núi cao lặng lẽ dõi theo. Đã đổi dời, là thứ ngăn trở đôi bên. Năm xưa là sương trắng núi xanh, hiện tại là non thây biển máu.

Bàn cờ ngang dọc đan xen, đặc dày đen trắng trong đêm đông tuyết phủ năm nào chớp nhoáng hiện hình trong tâm trí người.

Nàng đã cứu chuộc được bao nhiêu linh hồn thoi thóp?

Không đếm nổi.

Chiếc khuyên tai nhỏ bé dịu dàng nằm trong bàn tay người. Dưới bóng ác tà dần buông, ngọc châu phảng phất như sắp sửa tan nhòa thành một giọt nước mắt. Trên hạt châu xanh ngọc vương một vết máu khô, không rõ đọng lên tự bao giờ, dẫu lau thế nào cũng không sạch nổi.

Ngày hôm đó, Quách Gia cuối cùng cũng ngã xuống.

*

Quân sư mất năm ba mươi hai tuổi, tuy đoản mệnh nhưng vẫn kịp đặt quyền lực của chủ soái vào thế bất suy bất bại, vẫn kịp giúp chủ soái nuốt trọn một nửa giang sơn, để lại rất nhiều phó sách cho thuộc hạ thực thi phòng khi nguy cấp. Binh lính trong quân nói đời này của người tuy ngắn ngủi nhưng đã sống không uổng phí, ông trời cũng không quá bạc đãi người. Vậy nên người dẫu mang một thân đầy bệnh nhược như vậy vẫn có thể nam chinh bắc chiến mười ba năm không nghỉ, hết hạ thành Lâm Trì lại thắng trận Quan Hoa.

Quân sư quả thực đã kịp sắp xếp rất nhiều chuyện, duy chỉ không kịp trở về chốn xưa, tìm thăm một người quen cũ, trả lại người chiếc khuyên tai nhỏ mà năm xưa người đã đặt vào tay quân sư trước lúc ra đi.

Chủ soái có lòng thương tiếc công thần, làm theo di nguyện của quân sư, hỏa thiêu thi thể người rồi thả tro trôi theo nước sông Bạch Trà. Trước thời khắc khai hỏa, thân nhân được phép lên đài tiễn biệt và nhìn mặt người qua đời lần cuối. Phu nhân của người mặc áo xô gai, chít khăn tang trắng, đỏ hoe vành mắt, đưa khăn chấm lệ, lặng lẽ đặt nơi ngực trái, cạnh tim người người một kỷ vật người vẫn luôn gìn giữ. Quân sư chinh chiến nửa đời, bàn tay nhuốm máu, linh hồn nhuốm tội, duy chỉ vật ấy còn giữ được chút dáng vẻ thanh khiết ban sơ.

Nhưng sau một khắc suy tư, phu nhân lặng lẽ chuyển nó xuống thấp.

*

Trần Nhứ mải miết đi. Yên ngựa mỏi mòn, bụi đường lấm áo. Chiếc gùi sau lưng nàng ngày một nặng nề, có lẽ vì chứa đầy cả ân đức cùng tội trạng. Nàng đi mãi, song vẫn không thấy được cảnh tượng phía cuối con đường của người. Nàng rùng mình mỗi khi nghĩ đến lời người từng hình dung nó bằng luyện ngục.

Một ngày nắng vãn chiều buông, nàng dừng lại bên một dòng sông nước êm trôi yên ả, để gió trời gột đi chút ít dấu bụi trần ai. Khi nàng một lần nữa mở mắt ra, đằng chân trời xa xa phản chiếu trong đồng tử nàng đã không còn cồn lên tầng tầng bụi đỏ mà quang đãng kỳ lạ. Con đường phía trước dài dằng dặc, gió chiều thổi tới vấn vít mùi cỏ khô, lau sậy mọc dày một dải hắt bạc cả ráng trời.

Trần Nhứ buông cương ngựa, yên lặng trông sợi lau bay, nhìn dòng nước chảy, nàng biết mình chỉ có thể tiễn người đến đây.

Người học trò cột ngựa vào gốc dương liễu rủ bên bờ, từ từ bước tới. Trần Nhứ trở tay buông tấm mạng rủ trên nón xuống, ngồi xuống trảng cỏ biếc um, tựa vào tảng đá ven sông, nhẹ nhàng chạm vào làn nước. Nước chảy êm ru qua từng ngón tay nàng như thời gian, dịu dàng đón nhận, thay nàng cất giữ mối tâm tư sâu nặng hằng uất kết.

"Miệng đời chảy sắt thép, Khiến chàng xa chân mây..."

Nàng đứng dậy, dự định sẽ tới Lâm An. Quân Man Khê vừa tràn qua nơi đó. Bọn chúng không quen thủy thổ chốn này, binh lính nhiễm phải bệnh lạ chết nhiều như ngả rạ. Quân Ngụy thừa cơ nhất loạt tiến công. Chủ soái Man Khê bị dồn vào đường cùng, không còn cách khác, buộc phải nhanh chóng rút quân về đất cũ cố thủ, bảo toàn lực lượng. Những người lính nhiễm bệnh không chạy nổi bị bỏ lại bên chân thành lớn, dưới dãy hào sâu, thoi thóp đợi chờ cái chết.

Bông lau theo gió chiều bay lên, bước chân Trần Nhứ nhẹ nhàng đến lạ. Người học trò lẳng lặng bước theo nàng. Ban nãy khi ánh nắng chiếu vào trong lớp mạng sương rủ dài, cậu thoáng trông thấy tai trái người khuyết đi chiếc khuyên ngọc thanh thanh.
*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro