vi pham PL+trach nhiem phap ly

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

10

VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ

------------------------------------------

A. Vi phạm pháp luật:

I. Định nghĩa:

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

II. Các dấu hiệu của vi phạm pháp luật:

1. Vi phạm pháp luật phải là hành vi xác định của con người, tức là xử sự thực tế, cụ thể của cá nhân hoặc tổ chức nhất định, bởi vì pháp luật được ban hành để điều chỉnh hành vi của các chủ thể mà không điều chỉnh suy nghĩ của họ. Mác đã từng nói: ngoài hành vi của tôi ra, tôi không tồn tại đối với pháp luật, không phải là đối tượng của nó. Vì vậy, phải căn cứ vào hành vi thực tế của các chủ thể mới có thể xác định được là họ thực hiện pháp luật hay vi phạm pháp luật.

Hành vi xác định này có thể được thực hiện bằng hành động (ví dụ: đi xe máy vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông) hoặc không bằng hành động (ví dụ: trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế).

2. Vi phạm pháp luật phải là hành vi trái pháp luật, tức là xử sự trái với các yêu cầu của pháp luật. Hành vi này được thể hiện dưới các hình thức sau:

a) Chủ thể thực hiện những hành vi bị pháp luật cấm.

Ví dụ: đi xe máy vào đường ngược chiều,...

b) Chủ thể không thực hiện những nghĩa vụ mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện.

Ví dụ: trốn tránh nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ,...

c) Chủ thể sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép.

Ví dụ: trưởng thôn bán đất công cho một số cá nhân nhất định,...

3. Vi phạm pháp luật phải là hành vi của chủ thể có năng lực pháp lý, vì hành vi có tính chất trái pháp luật nhưng của chủ thể không có năng lực trách nhiệm pháp lý thì không bị coi là vi phạm pháp luật.

Năng lực trách nhiệm pháp lý của chủ thể là khả năng mà pháp luật quy định cho chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Theo quy định của pháp luật, chủ thể là cá nhân sẽ có năng lực này khi đạt đến một độ tuổi nhất định và trí tuệ phát triển bình thường. Đó là độ tuổi mà sự phát triển về trí lực và thể lực đã cho phép chủ thể nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội nên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chủ thể là tổ chức sẽ có khả năng này khi được thành lập hoặc được công nhận.

4. Vi phạm pháp luật phải là hành vi có lỗi của chủ thể, tức là khi thực hiện hành vi trái pháp luật, chủ thể có thể nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó, đồng thời điều khiển được hành vi của mình.

Như vậy, chỉ những hành vi trái pháp luật mà có lỗi của chủ thể thì mới bị coi là vi phạm pháp luật. Còn trong trường hợp chủ thể thực hiện một xử sự có tính chất trái pháp luật nhưng chủ thể không nhận thức được hành vi của mình và hậu quả của hành vi đó gây ra cho xã hội hoặc nhận thức được hành vi và hậu quả của hành vi của mình nhưng không điều khiển được hành vi của mình thì không bị coi là có lỗi và không phải là vi phạm pháp luật.

5. Vi phạm pháp luật là hành vi xâm hại tới các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, tức là làm biến dạng đi cách xử sự là nội dung của quan hệ pháp luật đó.

III. Cấu thành của vi phạm pháp luật:

Là một sự kiện pháp lý, vi phạm pháp luật được cấu thành bởi: Mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể và khách thể vi phạm pháp luật.

1.Mặt khách quan của vi phạm pháp luật:

Mặt khách quan của vi phạm pháp luật là những dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của vi phạm pháp luật. Nó gồm những yếu tố sau:

a) Hành vi trái pháp luật hay còn gọi là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là hành vi trái với các yêu cầu của pháp luật, nó gây ra hoặc đe doạ gây ra những hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

b) Hậu quả do hành vi trái pháp luật gây ra cho xã hội: Hành vi trái pháp luật ở những mức độ khác nhau đều nguy hiểm và gây thiệt hại cho xã hội. Tính nguy hiểm của hành vi trái pháp luật thể hiện ở chỗ nó đã hoặc có nguy cơ gây ra những thiệt hại về vật chất, về tinh thần và những hành vi thiệt hại khác cho xã hội. Mức độ nguy hiểm của hành vi trái pháp luật được xác định phụ thuộc vào tính chất và mức độ thiệt hại thực tế hoặc nguy cơ gây hại cho xã hội mà hành vi trái pháp luật đó gây ra.

c) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với hậu quả mà nó gây ra cho xã hội: giữa chúng phải có mốiquan hệ nội tại và tất yếu với nhau. Hành vi đã chứa đựng mầm mống gây ra hậu quả hoặc là nguyên nhân trực tiếp của hậu quả nên nó phải xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian; còn hậu quả phải là kết quả tất yếu của chính hành vi đó mà không phải là của một nguyên nhân khác.

Ngoài ra trong mặt khách quan của vi phạm pháp luật còn có các yếu tố khác như thời gian (giờ, ngày, tháng, năm xảy ra vi phạm pháp luật), địa điểm (nơi xảy ra vi phạm pháp luật), phương tiện vi phạm pháp luật ( công cụ mà chủ thể sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật của mình),...

Khi xem xét mặt khách quan của vi phạm pháp luật thì hành vi trái pháp luật luôn luôn là yếu tố bắt buộc phải xác định trong cấu thành của mọi vi phạm pháp luật, còn các yếu tố khác có bắt buộc phải xác định hay không tuỳ từng trường hợp vi phạm. Có trường hợp hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội là yếu tố bắt buộc phải xác định, có trường hợp thời gian, địa điểm vi phạm cũng là yếu tố bắt buộc phải xác định.

2. Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật: là những biểu hiện tâm lý bên trong của chủ thể vi phạm pháp luật. Nó gồm những yếu tố sau:

a) Lỗi của chủ thể vi phạm pháp luật: Lỗi là trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra. Lỗi thể hiện thái độ tiêu cực của chủ thể đối với xã hội gồm 2 loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý.

Lỗi cố ý có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

+ Lỗi cố ý trực tiếp: Chủ thể vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra và mong muốn điều đó xảy ra.

Ví dụ 1: Do rất nhiều mâu thuẫn, A muốn giết B. A đã chuẩn bị sẵn một con dao bầu cực sắc và đứng rình trước cổng nhà B. Khi B xuất hiện A nhằm thẳng vào tim của B đâm thật nhiều nhát liên tiếp cho đến khi nào B chết mới thôi.

=> Trong ví dụ này, vì A mong muốn B chết nên A đã lựa chọn công cụ phạm tội của mình là một con dao bầu cực sắc có tính nguy hiểm cao, có khả năng tối ưu để giúp A giết được B. Để chắc chắn hơn, khi thực hiện đâm B, A còn nhằm thẳng vào tim của B và đâm thật nhiều nhát liên tiếp. Tất cả những hành động của A đều nhằm gây ra hậu quả là làm B chết. A nhận thức được hậu quả B chết là hậu quả tất yếu xảy ra (hoặc có thể xảy ra) nhưng A vẫn làm vì A mong muốn B chết.

+ Lỗi cố ý gián tiếp: Chủ thể vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

Ví dụ 2: Do bực tức, A đã dùng dao đâm bừa vào B làm B chết.

=> Ngược lại với ví dụ 1 trong ví dụ 2 này, A không mong muốn B chết mà A đâm B vì một mục đích khác. Cho nên A cũng không quan tâm lựa chọn con dao như thế nào để đâm B và A cũng không xác định sẽ đâm vào đâu. Khi đâm B, A nhận thức được việc đâm của mình là nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người. Nhưng do bực tức nên vẫn cứ đâm, muốn như thế nào cũng được. A không mong muốn giết B nhưng nếu B có chết A cũng chấp nhận. Ở đây, A không thấy hậu quả làm B chết là hậu quả tất yếu xảy ra mà A chỉ thấy đó là hậu quả có thể xảy ra và A chấp nhận điều đó.

Ví dụ 3: A lẻn vào nhà B lấy trộm, mục đích trộm tài sản nhưng bị B phát hiện nên đánh người gây thương tích, sau đó B chết.

=> Trong ví dụ này, khi A đánh B thì A có nhận thức được hành vi đó là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả xảy ra (nhẹ thì gây thương tích, nặng thì chết người), tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra, tức là trong trường hợp này, A không quan tâm đến việc hậu quả đó có xảy ra hay không.

+ Lỗi vô ý vì quá tự tin: Chủ thể vi phạm pháp luật nhận thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra nhưng hy vọng, tin tưởng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc cóa thể ngăn chặn được.

Ví dụ: Đi săn, A thấy con mồi bên canh một người, mục đích bắn vào con thú nhưng do con vật bỏ chạy nên đạn bay trúng người làm người chết.

=> Như vậy, khi bắn A nhận thức được hậu quả có thể xảy ra, có thể trúng người làm người chết nhưng tin vào năng lực bản thân và đánh giá sai về thực tê, nghĩ hậu quả đó sẽ không xảy ra nên gây ra lỗi.

+ Lỗi vô ý do cẩu thả: Chủ thể vi phạm đã không nhận thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra, mặc dù có thể hoặc cần phải nhận thấy trước hậu quả đó.

Ví dụ: Nhân viên bán hàng lấy nhầm đơn thuốc của người lớn cho trẻ em, trẻ uống quá liều nên chết.

=> Nhân viên bán hàng không thấy trước được hậu quả mặc dù phải thấy trước, do đây là sự cẩn thận cần thiết trong nghề nghiệp, nhưng do cẩu thả nên đã xảy ra hậu quả.

b) Động cơ vi phạm: Động cơ được hiểu là cái (động lực) thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thông thường khi thực hiện vi phạm pháp luật chủ thể thường được thúc đẩy bởi một động cơ nhất định nào đó. Động cơ đó có thể là vụ lợi, trả thù, đê hèn, ...

c) Mục đích vi phạm: Mục đích là kết quả cuối cùng mà trong suy nghĩ của mình chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích vi phạm của chủ thể cũng thể hiện tính chất nguy hiểm của hành vi. Tuy nhiên, cần chú ý là không phải khi nào kết quả mà chủ thể vi phạm đạt được trong thực tế cũng trùng hợp với mục đích mà chủ thể vi phạm mong muốn đạt được.

Ví dụ: A chỉ muốn làm B đau (mục đích gây thương tích) nhưng kết quả hực tế B chết (cái chết của B nằm ngoài mong muốn của A).

M muốn giết chết N (mục đích giết người) nhưng kết quả thực tế N không chết (việc N không chết nằm ngoài mong muốn của M).

3. Chủ thể của vi phạm pháp luật: Chủ thể vi phạm pháp luật có thể là cá nhân hoặc tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lý, nghĩa là theo quy định của pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi trái pháp luật của mình trong trường hợp đó. Ở mỗi loại vi phạm pháp luật đều có cơ cấu chủ thể riêng, chúng sẽ được xem xét tỉ mỉ ở các ngành khoa học pháp lí cụ thể.

4. Khách thể vi phạm pháp luật: Khách thể vi phạm pháp luật là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, nhưng bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại. Những quan hệ xã hội khác nhau thì có tính chất và tầm quan trọng khác nhau, do vậy, tính chất và tầm quan trọng của khách thể cũng là những yếu tố để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật.

Những vấn đề về mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể của vi phạm pháp luật sẽ được làm rõ khi xem xét từng loại vi phạm pháp luật cụ thể. Vì vậy, ở đây chỉ nêu những vấn đề chung nhất của cấu thành vi phạm pháp luật.

IV. Các loại vi phạm pháp luật:

Vi phạm pháp luật có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào các tiêu chí phân loại khác nhau. Ví dụ, nếu căn cứ vào đối tượng và phương pháp điều chỉnh của pháp luật thì có thể chia vi phạm pháp luật thành các loại tương ứng với các ngành luật như vi phạm pháp luật hình sự, vi phạm pháp luật dân sự,...

Trong khoa học pháp lý Việt Nam phổ biến là cách phân loại vi phạm pháp luật căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của vi phạm pháp luật. Theo tiêu chí này, vi phạm pháp luật được chia thành các loại sau:

Vi phạm pháp luật hình sự hay còn gọi là tội phạm

Theo pháp luật hình sự của Việt Nam thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN.

Vi phạm hành chính

Theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Việt Nam thì vi phạm hành chính là hành vi có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm hành chính trái với các quy định của pháp luật về quản lí nhà nước mà không phải là tội phạm hoặc trái với các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý hành chính.

Vi phạm dân sự

Vi phạm dân sự là hành vi trái pháp luật và có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm dân sự xâm hại tới các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân phi tài sản.

Vi phạm kỷ luật

Vi phạm kỷ luật là hành vi có lỗi của chủ thể trái với các quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong nội bộ cơ quan, tổ chức, tức là không thực hiện đúng kỷ luật lao động, học tập, công tác hoặc phục vụ được đề ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức đó.

Vi phạm Hiến pháp

Vi phạm Hiến pháp là hành vi có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm hiến pháp trái với các quy định của hiến pháp.

B. Trách nhiệm pháp lý

Trong ngôn ngữ hàng ngày, nói tới "trách nhiệm" là nói tới bổn phận của một người mà họ đã hoàn thành. Còn trong lĩnh vực pháp lý, thuật ngữ "trách nhiệm" có thể được hiểu theo nhiều nghĩa.

Thứ nhất, trách nhiệm là việc chủ thể phải thực hiện những nghĩa vụ pháp lý được đề cập đến trong phần quy định của quy phạm pháp luật.

Ví dụ, Khoản 2 Điều 144 Luật Đất đai năm 2003 quy định: "Trong thời hạn không qua 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý đất đai quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo cho người có kiến nghị biết".

Thứ hai, trách nhiệm là việc chủ thể phải thực hiện một mệnh lệnh cụ thể của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền.

Thứ ba, trách nhiệm là việc chủ thể phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật. Chủ thể phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý theo nghĩa này khi họ vi phạm pháp luật hoặc khi có thiệt hại xảy ra do những nguyên nhân khác được pháp luật quy định. Bài làm sẽ đề cập trách nhiệm pháp lý theo nghĩa thứ ba này.

I. Khái niệm trách nhiệm pháp lý

1. Định nghĩa

Trách nhiệm pháp lý là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể phải gánh chịu thể hiện qua việc họ phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật khi họ vi phạm pháp luật hoặc khi có thiệt hại xảy ra do những nguyên nhân khác được pháp luật quy định.

2. Đặc điểm

-Trách nhiệm pháp lý là loại trách nhiệm do pháp luật quy định. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa trác nhiệm pháp lý với các loại trách nhiệm xã hội khác như trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm tôn giáo, trách nhiệm chính trị,...

- Trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với các biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật. Đây là điểm khác biệt giữa trách nhiệm pháp lý với các biện pháp cưỡng chế khác của nhà nước như bắt buộc chữa bệnh, giải phóng mặt bằng,...

- Trách nhiệm pháp lý luôn là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể phải gánh chịu thể hiện qua việc chủ thể phải gánh chịu những thiệt hại nhất định về tài sản, về nhân thân, về tự do,... mà phần chế tài của các quy phạm pháp luật đã quy định.

- Trách nhiệm pháp lý phát sinh khi có vi phạm pháp luật hoặc có thiệt hại xảy ra do những nguyên nhân khác được pháp luật quy định.

II. Trách nhiệm pháp lý của chủ thể vi phạm pháp luật

1. Định nghĩa:

Trách nhiệm pháp lý của chủ thể vi phạm pháp luật là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật thể hiện qua việc họ phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước đã được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật vì sự vi phạm pháp luật của họ.

2. Đặc điểm:

a) Chủ thể phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý là chủ thể vi phạm pháp luật.

b) Trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với các biện pháp cưỡng chế được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật.

c) Trách nhiệm pháp lý luôn là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể vi phạm pháp luật thể hiện qua việc họ phải gánh chịu những sự thiệt hại về tài sản, về nhân thân, về tự do hoặc những thiệt hại khác do pháp luật quy định.

3. Phân loại trách nhiệm pháp lý:

Dựa vào tính chất của trách nhiệm pháp lý có thể chia chúng ra thành các loại sau:

a) Trách nhiệm hình sự: là trách nhiệm của một người có đã thực hiện một tội phạm, phải chịu một biện pháp cưỡng chế nhà nước là hình phạt vì việc phạm tội của họ. Hình phạt này do toà án quyết định trên cơ sở của luật hình, nó thể hiện sự lên án, sự trừng phạt của nhà nước đối với người phạm tội và là một trong những biện pháp để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh. Đây là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất.

b) Trách nhiệm hành chính: là loại trách nhiệm của một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã thực hiện một vi phạm hành chính, phải gánh chịu một biện pháp cưỡng chế hành chính tuỳ theo mức độ vi phạm của họ. Biện pháp cưỡng chế này do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền quyết định trên cơ sở pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

c) Trách nhiệm dân sự: là trách nhiệm của một chủ thể phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước nhất định khi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác hoặc khi vi phạm nghĩa vụ dân sự đối với bên có quyền. Biện pháp cưỡng chế phổ biến đi kèm trách nhiệm này là bồi thường thiệt hại.

d) Trách nhiệm kỷ luật: là trách nhiệm của một chủ thể (cá nhân hoặc tập thể) đã vi phạm kỷ luật lao động, học tập, công tác hoặc phục vụ được đề ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức và phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định theo quy định của pháp luật.

e) Trách nhiệm vật chất: là trách nhiệm mà người lao động phải gánh chịu khi gây ra thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp (như làm hư hỏng hoặc làm mất dụng cụ, thiết bị, các tài sản khác do doanh nghiệp giao cho hoặc tiêu hao vật tư quá mức cho phép) hoặc công chức phải gánh chịu vì trong khi thi hành công vụ gây ra thiệt hại cho tài sản của nhà nước hoặc của chủ thể khác. Người lao động hoặc công chức phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo giá trị thị trường và có thể được bồi thường bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng.

f) Trách nhiệm hiến pháp: là trách nhiệm của một chủ thể phải gánh chịu khi họ vi phạm hiến pháp, chế tài đi kèm trách nhiệm này được quy định trong luật hiến pháp.

Trách nhiệm hiến pháp vừa là trách nhiệm pháp lý, vừa là trách nhiệm chính trị song hẹp hơn trách nhiệm chính trị. Cơ sở của trách nhiệm hiến pháp là hành vi trực tiếp vi phạm hiến pháp, ví dụ: Cơ quan nhà nước ban hành vă bản quy phạm pháp luật trái với hiến pháp, song có cả hành vi gián tiếp vi phạm hiến pháp, ví dụ, đại biểu dân cử có thể bị miễn nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Chủ thể phải chịu trách nhiệm hiến pháp chủ yếu là các cơ quan nhà nước và những người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước.

g) Trách nhiệm pháp lý của quốc gia trong quan hệ quốc tế: Quốc gia cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế trong quan hệ quốc tế. Trách nhiệm này có thể phát sinh từ hành vi vi phạm luật quốc tế của quốc gia.

Ví dụ: Quốc gia không thực hiện các cam kết quốc tế mà mình đã công nhận (CEDAW) hoặc ban hành luật trái với luật quốc tế, không ngăn chặn kịp thời các hành vi cực đoan tấn công cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài của những người biểu tình,... Trách nhiệm này cũng có thể phát sinh khi có hành vi mà luật quốc tế không cấm. Ví dụ, Quốc gia sử dụng tên lửa vũ trụ, tàu năng lượng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử,... gây ra thiệt hại vật chất cho các chủ thể khác của luật quốc tế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#devil