Việc làm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài học tìm việc

Thành công là người thầy dạy ta nhiều điều. Vì thế, nếu chưa nếm qua hương vị thành công trên bước đường tìm việc thì tại sao bạn không thử tranh đua với những người đã có kinh nghiệm này?

Một khách hàng của tôi, Martha S., ở Syracuse, New York, có việc chỉ sau 28 ngày tìm kiếm.

Cô tìm được việc trong ngành máy tính - một trong những ngành đắt giá nhất của công nghệ thông tin với mức lương tháng lên trên 6.000 USD.

Có thể học hỏi gì từ nỗ lực tìm việc của cô?

"Đầu tiên, tôi gởi khoảng 50 hồ sơ xin việc mỗi tuần qua đường thư điện tử và cập nhật hồ sơ xin việc đến những địa chỉ trên mạng như Monster.com. Tôi dành rất nhiều thời gian liên lạc với mọi người. Tôi gởi thư điện tử đến bạn bè, đồng nghiệp cũ, gia đình và những người khác" Martha cho biết.

Đáp lại những cố gắng của cô là ba cuộc gọi phỏng vấn từ mọi người và một cuộc từ địa chỉ việc làm trên Internet.

Bài học rút ra: Liên hệ với tất cả mọi người. Thêm vào đó, bạn bè và gia đình có thể là một "ủy ban" có ý nghĩa. "Những người này giúp bạn vẫn minh mẫn trong lúc khó khăn" Martha phát biểu.

Martha nộp đơn và dự phỏng vấn cho công việc "như mơ". Thế nhưng sau ba tuần liên lạc qua lại bằng điện thọai và thư điện tử, công việc đấy lại rơi vào tay kẻ khác.

"Suốt thời gian trước đó, tôi thực sự nghĩ rằng mình đã được tuyển dụng. Thậm chí tôi còn đi du lịch 11 ngày. Kết quả là đường tìm việc của tôi vỡ lở. Tôi đã lơ là đầu tư thời gian vào việc xin việc" Martha nói.

Bài học rút ra:

1) Không bao giờ được chểnh mảng bởi vì nghĩ rằng mình chắc chắn có công việc nào đó.

2) Xem vấn đề tìm việc là điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Nghĩa là không được đi nghỉ dài ngày đến khi tìm được việc. Làm việc trước, vui chơi sau.

Trong cuộc phỏng vấn vòng 3 cho công việc trên Internet, Martha trả lời tốt và được gọi đi làm.

"Ở lần phỏng vấn vòng 2, tôi ngồi trong phòng hội nghị của công ty với 4 người. Không khí trao đổi khá cởi mở. Họ hỏi tôi nhiều câu hỏi và tôi hỏi lại họ. Một trong những bí quyết hiệu quả của tôi là xác định xem công ty đang gặp vấn đề khó khăn gì và tập trung thảo luận về vấn đề đó".

Qua cách làm nổi bật cách giải quyết vấn đề rắc rối nhà tuyển dụng đang gặp phải, Martha có thể đưa ra câu trả lời xác thực suốt cuộc phỏng vấn và chứng tỏ cô có khả năng đảm trách công việc.

Kết quả là gì?

"Ngay lập tức, họ mời tôi làm việc và trả lương hơn 6.000 đô-la, cao hơn so với mức lương tôi đề nghị. Chỗ làm lại gần nhà nữa", Martha nói.

Bài học rút ra: Cách tốt nhất để tiếp thị bản thân là im lặng và lắng nghe. Các nhà tuyển dụng thường cho bạn biết chính xác là họ tìm kiếm điều gì nơi bạn.

"Người phỏng vấn nói rất nhiều về vấn đề họ đang gặp rắc rối, công việc thường nhật của công ty, v.v...Chính vì thế tôi cảm thấy dễ dàng trả lời hơn." Martha cho biết.

Nói tóm lại là lối đi tắt dẫn đến thành công trên đường tìm việc (hay bất cứ lĩnh vực nào khác trong cuộc đời) đơn giản là hãy làm những gì có ích cho người khác.

Trong trường hợp này, Martha đã tìm được một công việc tuyệt vời trong vòng không đầy hai tháng, mặc cho "những cơn khủng hoảng việc làm" đe dọa nhiều người bằng cách làm bốn việc đơn giản:

1) Liên hệ với mọi người cô biết: bạn bè, người trong gia đình, đồng nghiệp cũ, cố vấn ở trường cao đẳng - "Thậm chí tôi liên lạc lại với người bạn trai cũ mà tôi không nói chuyện suốt 6 năm." cô nói.

2) Không nên kì vọng vào một công việc nào. Sau một số vấp váp, cô quyết tâm liên tục chú ý đến tất cả những nơi đang cần người, thậm chí ngay cả lúc cô đang dự phỏng vấn ớ một nơi.

3) Xem việc tìm việc là công việc toàn thời gian.

4) Khi phỏng vấn, tập trung vào việc giải quyết những vấn đề khó khăn của nhà tuyển dụng. Suy cho cùng, đó chính là lí do họ cần tuyển dụng bạn vào: giúp họ giải quyết vấn đề. Nếu bạn có thể đảm nhận trách nhiệm đó, bạn sẽ được tuyển dụng, dù khi tìm việc tình trạng kinh tế có đáng lo ngại đến mức nào đi nữa.

Còn bây giờ, bạn hãy bước ra và tìm may mắn của riêng mình đi nhé!

Theo VNmedia

Kén việc - người trẻ đang "giết" dần cơ hội

Không chán nản vì chịu cảnh thất nghiệp dài dài, trái lại, một số người trẻ có cơ hội nhưng vẫn thẳng thừng từ chối đón nhận nó vì cảm thấy công việc chưa tương xứng với bản thân. Có hay không một phần của nghịch lý "thừa thiếu" trên thị trường lao động hiện nay xuất phát từ xu hướng "kén việc" của ngưởi trẻ?

>> Thất nghiệp tự nguyện - Lùi để tiến

Cầm tấm bằng loại giỏi ra trường, Hà vẫn ung dung nằm nhà trong khi đám bạn cùng khóa vất vả ngược xuôi mong nhanh chóng có được một công việc ổn định nuôi thân, đỡ khoản gánh vác cho gia đình. Lí do cho việc "nhàn hạ" của Hà nghe qua có vẻ hợp lý: "Đã mất công tìm việc thì phải chọn những công việc đúng tầm của mình mà làm, cứ thấy đâu có tuyển dụng mà hăng hái nộp hồ sơ thì nếu có được vào làm thật sau này cũng cảm thấy hối tiếc".

Thế nhưng lướt mạng, đọc báo, nghe người quen mách bảo, Hà vẫn tỏ ra dửng dưng với các thông tin tuyển dụng. Công ty nào cô cũng chê "tầm thường quá", vị trí nào cô cũng chê không xứng với cái bằng của mình. Rồi Hà lại tiếp tục chờ đợi trong khi bạn bè đã yên vị với các công việc của mình.

Cũng như Hà, Mạnh Quân, trở về nước sau những năm tháng du học bên Anh. Bố mẹ Quân tưởng rằng cậu quý tử sẽ nhanh chóng tìm việc để "trả nợ" chi phí học hành đắt đỏ bên trời Tây nhưng trái lại, Quân không mảy may đến chuyện xin việc khiến cả hai ông bà như ngồi trên đống lửa.

Sáng sáng, cậu đi uống cà phê, tán gẫu với bạn bè, về nhà là đóng kín cửa, tuyệt nhiên không hề đả động đến chuyện đi làm cho công ty này, công ty nọ. Bố mẹ nhắc nhở, Quân hào hứng: "Mình đi du học về phải kiếm được công việc nào đó thu nhập phải tính bằng nghìn đô thì mới mong vớt vát được chứ. Đi làm mấy cái việc nhàn nhàn ai cũng làm được, lương thấp lè tè thì chịu sao nổi". Nói vậy, Quân nghĩ mình sẽ tìm được công việc như mong muốn mà thôi. Bạn bè cùng cánh du học như Quân, đứa nào cũng cho làm thế là đúng.

Quen thói "chảnh", kén cá chọn canh trong tất cả mọi việc, Hằng áp dụng cả cái thói quen ấy khi kiếm việc làm cho mình. Đến công ty này thấy phòng làm việc không ưng ý, Hằng bỏ đi không một lời từ biệt. Đến cơ quan nọ thấy mình chưa được trọng dụng mấy, Hằng cũng nhanh chóng ra đi. Cứ thế, chưa nơi nào có thể giữ Hằng quá mấy tháng. "Kén" chọn mãi, giờ Hằng yên vị tại một công ty xuất nhập khẩu nhưng ai cũng biết Hằng vẫn chưa hẳn đã hài lòng ở vị trí đang là mơ ước nhiều người như vậy.

Kén việc đang được xem là xu hướng mới nở rộ trên thị trường lao động nước ta, khá phổ biến ở những người trẻ. Lẽ đơn giản là trong thời buổi kinh tế hội nhập và cạnh tranh, họ có quá nhiều sự lựa chọn cho sự nghiệp của mình.

Tâm lý này nặng hơn ở tầng lớp sinh viên, người lao động có tay nghề. Với những người này, tiếp thị, bán hàng, giao hàng... chưa bao giờ được nghĩ đến dù họ đang trong tình cảnh thất nghiệp. Thậm chí, sinh viên chưa ra trường đi làm thêm cũng tránh xa những nghề được coi là chưa xứng với tầm của họ.

Thiết nghĩ, người trẻ hiện nay có quyền kén việc. Hàng trăm trang web tuyển dụng tràn lan trên mạng, các trung tâm giới thiệu và tư vấn việc làm mọc lên như nấm sau mưa, những công ty săn đầu người hứa hẹn hàng nghìn cơ hội việc làm... người trẻ vì thế ngày càng có nhiều yêu cầu hơn đối với công việc mà họ sẽ làm.

Tuy nhiên, đằng sau đó còn cả những hệ lụy mà ít người chưa trải qua sẽ khó có thể biết đến. Nhiều người trẻ nóng vội đốt cháy giai đoạn, xem thăng tiến chỉ là chuyện ngày một ngày hai chứ không nghĩ rằng đó là một quá trình lâu dài và bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian cũng như công sức để leo dần lên, từng nấc thang một. Chưa kể một số công ty, doanh nghiệp tuyển người và bố trí công việc không hẳn là dựa trên năng lực, trình độ chuyên môn của ứng viên mà còn dựa trên kinh nghiệm người đó đã từng trải qua như kỹ năng tổ chức, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, những mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp... Người trẻ lấy đâu ra kinh nghiệm khi chưa trải qua hoặc làm hời hợt ở những vị trí khác trước đó?

Nhiều chuyên gia tuyển dụng cho rằng với những người trẻ, kén việc đôi khi mất nhiều hơn được. Hãy xem mỗi công việc là một cơ hội thử thách, kén việc chỉ khiến bạn mất thời gian và "nhảy việc" dài dài mà thôi. Trong thực tế hiện nay điều kiện thị trường lao động khá khó khăn, việc làm trái ngành nghề đào tạo, hay những công việc chưa phù hợp với sở thích, mong muốn cũng là một cách để người trẻ tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị cho những bước tiến tiếp theo trong sự nghiệp. Đó là chưa kể không ít người còn hơi "ảo tưởng" về năng lực của mình mà "mộng" về những thứ có vẻ vượt quá khả năng.

Các chuyên gia còn đưa ra lời khuyên là hãy tạm bằng lòng trong một thời gian và cần nhìn vào thực tế một chút.

Theo Vieclam.vtv

"Mõ công sở" là ai?

Thời buổi "mật ít ruồi nhiều", sinh viên ra trường nhan nhản mà việc thì vô cùng khó khăn. Để có chỗ làm, nhiều cô cử cậu cử phải "trường kỳ mai phục" bằng cách xin vào làm không công ở một cơ quan, công sở nào đó hàng năm trời chờ cơ hội thi tuyển.

Họ rất chăm chỉ, đi sớm về muộn, làm tất tật mọi công việc mà người ta sai bảo. Họ được mệnh danh là "mõ công sở" - nghĩa là tầng lớp cùng đinh nhất cơ quan.

Để vào một công sở làm không công cũng không phải dễ, phải quen biết cả đấy thậm chí có người còn mất khoản quà cáp tới mấy triệu đồng. (Không thế thì tự dưng ai cho anh chị đến đây mà ngồi tốn chỗ). Đây có lẽ là điều kỳ lạ mà chỉ ở nước Việt ta mới có, xứng đáng để đưa vào chương trình "thế giới đó đây".

Hồng Hạnh tốt nghiệp trường đại học Luật, cô là cháu gái của một vị thẩm phán toà án quận nọ, thế mà Hạnh vẫn phải làm không công hơn hai năm trời ở tòa án, hồ sơ "dấm" đấy để chờ dịp thi tuyển. Hàng sáng Hạnh đã có mặt ở phòng để quét dọn vệ sinh, đun nước, rửa ấm chén, mẫn cán như một "Ô-sin". Khi mọi người trong phòng đến, cô pha nước, họ sai đi photo, đánh máy, tìm hồ sơ, thậm chí đi làm việc riêng cho họ, cô đều răm rắp nghe lệnh.

"Được bận rộn em lại thấy hạnh phúc - Hạnh tâm sự - vì như thế em quên đi hoàn cảnh thực tại, chứ mỗi khi rảnh rỗi, nghĩ đến thân phận mình, em buồn vô cùng. Tương lai mờ mịt quá, đi làm không những chẳng được đồng xu nào, lại tốn tiền xăng xe, tiền trà nước quan hệ. Hăm mấy tuổi đầu mà chưa được tích sự gì, hằng tháng cứ phải ngửa tay xin tiền bố mẹ, tủi lắm".

Sau đúng hai năm bốn tháng làm không công, Hạnh thi được vào làm hợp đồng (trong chỉ tiêu biên chế) với mức lương tập sự chưa đầy 800.000 đồng một tháng. Hạnh sướng tưởng như lên mây. Đấy là nhờ có ông chú "tay trong" chứ không thì còn... khuya, có người sau mấy năm làm không công vẫn chẳng đâu vào đâu, đành phải ra đi.

Đoàn cũng là một cử nhân Luật, anh ra trường đã 5 năm rồi và vẫn đang trong thân phận "mõ". Đoàn không quen biết ai ở toà án nên phải nhờ vả qua năm bẩy mối quan hệ "dắt dây", Đoàn mới được đến làm không công ở Tòa án một huyện ngoại thành. Không hưởng "lộc nước", Đoàn sống hoàn toàn trông chờ vào "lộc dân": mỗi lần đi xác minh trong các vụ án dân sự, Đoàn đều con cà con kê gợi ý đương sự rằng có muốn ghi những chi tiết có lợi vào hồ sơ không, có muốn được xử thắng không,v.v. Nhiều đương sự tưởng thật, bỏ tiền để nhờ Đoàn giúp đỡ. Nhờ những khoản như vậy mà Đoàn sống "dặt dẹo" được tới mấy năm để chờ thời cơ, nhưng càng chờ càng thất vọng.

Đã hai lần tòa án tổ chức thi tuyển người rồi nhưng Đoàn đều "giẫm vỏ chuối" mặc dù trước khi thi đã đi "ngoại giao" khắp các sếp và nhận được rất nhiều lời hứa hẹn. Khổ lắm, mỗi lần thi tuyển đều có một đống con ông nọ, cháu bà kia đã xếp hồ sơ từ bao giờ. Ở toà án này cũng đầy đứa đang làm không công như Đoàn mà mối quan hệ của nó với sếp "mật thiết" hơn Đoàn nhiều.

Đoàn kể có lần sắp thi tuyển, đến nhà sếp, mấy thằng chạm mặt nhau sái ơi là sái. Tôi hỏi Đoàn sao không ra ngoài kiếm việc khác mà làm, định chờ đợi đến bao giờ. Đoàn bảo bỏ thì tiếc mấy năm không công, lại đã trót mất kha khá tiền quan hệ rồi. Hơn nữa, tấm bằng cử nhân Luật sau vài năm đã trở thành "đồ cũ", ra ngoài cũng có dễ xin việc đâu.

Cũng đang trong cảnh sống hoàn toàn trông chờ vào "lộc dân" là Long - một bác sĩ ra trường đã ba năm nay. Bố Long chỉ là một y tá quèn ở bệnh viện, vì thế, hiển nhiên cậu không thể nào xin nổi việc để trụ lại thành phố. Long cứ "bám dính" ở khoa của bố, thân phận bác sĩ nhưng làm tất tật mọi việc chăm sóc bệnh nhân: tiêm chọc, thay băng, đẩy băng-ca, cấp phát thuốc, nhận trông đêm thay người nhà bệnh nhân, thậm chí cả thay quần áo, rửa ráy cho họ...

Thu nhập trông cả vào "tấm lòng hảo tâm" của bệnh nhân. Long bảo: bệnh nhân vào đây có người giàu, người nghèo, đương nhiên người nghèo thì phớt lờ ngay mà phải sấn đến những bệnh nhân giàu, đề nghị thẳng với họ về dịch vụ chăm sóc. Thường người ta đồng ý ngay vì người giàu quý sức khoẻ của mình lắm, con cháu họ lại chẳng có thời gian để chăm người bệnh.

Long còn nhận công việc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho một số bệnh nhân. Chịu khó nhặt nhạnh cũng đủ đóng tiền cơm cho mẹ. Trong bệnh viện của Long, thành phần "mõ" tới cả chục tên đến kiếm sống, có người kiêm luôn "cò" bệnh viện.

Một người đáng được lĩnh bằng... tiến sĩ tâm lý học là anh chàng Việt, cậu vừa thoát khỏi thân phận "mõ" sau hai năm rưỡi. Việt học một trường đại học dân lập. Ý thức được rằng cái bằng dân lập của mình các công sở nhà nước loại ngay từ khi nộp hồ sơ, bởi vậy khi đi thực tập tốt nghiệp, những anh chàng khác đến lớt phớt, tuần 2-3 buổi thì Việt đi đủ cả tuần, ngày nào cũng đến rất sớm làm hết các công việc tạp vụ.

Ngoài việc cúc cung tận tụy khi được sai bảo, Việt còn rất biết tạo mối thiện cảm với những người trong phòng bằng cách thường xuyên mời họ đi uống cà phê, bia bọt. Việt còn dò được ngày sinh nhật của tất cả mọi người trong phòng và sếp nhất cơ quan, đến ngày đó cậu lại mua một bó hoa và gói quà tặng khiến ai cũng cảm động. Đến khi tốt nghiệp, Việt vẫn không rời cơ quan đó, vẫn hằng ngày đi sớm về muộn. Mọi người trong phòng thương cậu, bèn đề nghị giám đốc nhận thêm người cho phòng. Ông giám đốc thấy cậu ngoan ngoãn, tận tụy và "biết sống" nên khi có dịp tuyển người đã đồng ý cho thi tuyển vào cơ quan. Nhờ sự kiên trì và khéo léo đó nên sau hai năm rưỡi ra trường, Việt đã thoát cảnh thất nghiệp.

Cái cảnh đi làm "mõ công sở" này, khổ nhất là những cô gái trẻ có chút nhan sắc rơi vào một chỗ mà ông sếp có máu dê. Nhiều sếp còn mặc cả thẳng rằng "chiều" họ thì sẽ được nhận vào cơ quan. H tốt nghiệp loại khá Đại học Quốc gia hẳn hoi, vậy mà gần hai năm trời H làm không công ở một viện nghiên cứu.

Ngay từ khi mới đến làm, H đã hoảng lắm vì ông sếp tuổi đã suýt lục tuần nhưng rất "trai lơ". Ông rất hay gọi cô lên phòng đưa tài liệu cho đi đánh máy, phô-tô hoặc ra bưu điện gửi thư từ, bưu phẩm. Mỗi lần như thế ông lại có vài hành động sỗ sàng.

Nhưng càng nhịn ông sếp càng lấn tới, H để giữ thân mình đành bỏ của chạy lấy người. Bây giờ H cùng mấy đứa bạn thuê địa điểm, vay tiền bố mẹ mở một quán cà phê-internet nho nhỏ, mỗi tháng kiếm vài triệu.

Nhớ lại "thời đen tối", H bảo: "Bây giờ em mới thấy hồi đó sao mình dại thế. Đi làm không công để trông vào một tương lai mù mịt, lại chịu bao điều tiêu cực khiến mình mất cả niềm tin vào cuộc đời. Kiếm tiền, lập nghiệp thì thiếu gì cách, bây giờ em làm thế này khoẻ re".

Theo VnMedia

Nỗi khổ của một nhân viên tốt bụng

Theo một nghiên cứu mới đây nhất, những nhân viên tốt bụng nhất luôn là những người kết thúc công việc muộn nhất ở chỗ làm nhưng lại nhận được ít lời khen ngợi nhất.

Tiến sĩ Nikos Bozionelos, đại học Shielffied ở Anh đã nghiên cứu về sự thành công trong sự nghiệp và trong đời sống cá nhân cho biết: Những nhân viên tốt tính, dễ thoả hiệp và nhạy cảm với suy nghĩ của đồng nghiệp thường ít có cơ hội thăng tiến.

Theo Bozionelos, lý do chính là họ không bao giờ đặt yêu cầu và mong muốn của mình lên đầu. "Những người dễ tính có xu hướng tự thoả mãn cao, thoả hiệp lợi ích của bản thân để giúp người khác hạnh phúc hơn". Những người này cũng thường mắc phải nhiều rắc rối, đôi khi còn có thể huỷ hoại cả sự nghiệp chỉ vì quá tốt tính.

Nếu bạn tự nhận mình là một người tốt bụng, có thể bạn đang huỷ hoại sự nghiệp của mình theo 1 trong 5 cách dưới đây.

1. Để sai lầm của những người khác gây khó khăn cho bản thân

Trước khi có ý định sửa sai lầm cho ai đó, hãy nghĩ đến những rủi ro không mong đợi có thể xảy ra với bạn. Cũng có đôi khi bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhảy vào cuộc. Nhưng có những lúc bạn có thể lùi bước và nói "Đây không thuộc vấn đề mà trước đây chúng ta thảo luận và đồng ý với nhau. Vì vậy tôi cần thời gian suy nghĩ trước khi tham gia. Tôi cũng không thể hoàn thành công việc như hạn định sớm như vậy". Tóm lại, hãy thể hiện bạn là người biết điều nhưng không phải là người bảo gì làm nấy.

2. Để người khác hưởng lợi từ những ý tưởng của bạn

Trong công việc ý tưởng là cực kì quan trọng, bạn có thể được thăng tiến nhanh chỉ với một vài ý tưởng xuất sắc. Tuy nhiên có đôi lúc đồng nghiệp của bạn lại được hưởng lợi từ những ý tưởng của bạn. Để tránh những trường hợp như vậy tốt nhất khi bạn muốn nêu lên một ý tưởng, hãy công bố trước mặt mọi người và thể hiện một cách thật tự tin.

Nếu trong một cuộc họp, có ai đó đang đề cập đến ý tưởng của bạn, hãy mạnh dạn đứng lên, thu hút sự chú ý của mọi người và nói "Bạn đang xây dựng, bổ sung cho ý kiến của tôi. Tôi rất ủng hộ và đề cao điều này".

3. Bạn xin lỗi một cách không cần thiết

Hãy để dành những lời xin lỗi khi bạn làm cho người khác rơi vào tình trạng khó xử. Khi bạn mắc lỗi thực sự cần một lời xin lỗi, chỉ xin lỗi một lần và chuyển ngay sang hướng giải quyết vấn đề. Luôn bắt đầu bằng một giọng điệu ôn hoà và công bằng, ví dụ "Dựa trên những thông tin ban đầu tôi được biết tôi không ngờ là không đúng với suy nghĩ của ông. Hãy cho tôi biết tôi sẽ sửa lại".

4. Bạn phải làm việc liên tục

Hãy tận dụng những ngày nghỉ, thư giãn trong giờ ăn trưa. Làm việc liên tục sẽ khiến bạn mệt mỏi, làm việc không hiệu quả, thiếu nhiệt huyết. Đôi khi còn khiến bạn kiệt sức. Theo như lời khuyên của các nhà khoa học, để làm việc hiệu quả, sức tập trung cao bạn nên thư giản sau mỗi 90 phút làm việc.

5. Làm việc hộ các đồng nghiệp

Nhận ra khi đồng nghiệp nhờ vả mình một cách không thiện chí và tránh giải quyết hộ các vấn đề của họ. Tập nói câu "Tôi thực sự muốn giúp tuy nhiên tôi đang rất bận và tôi cũng không nắm rõ vấn đề này lắm. Mong anh/chị thông cảm".

Luôn đối xử tốt và giúp đỡ các đồng nghiệp không có gì là xấu. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng nên đặt quyền lợi của mình lên trên hết trước khi muốn làm hài lòng một ai đó. Không phải lúc nào cũng chăm chăm giúp đỡ người khác trong khi công việc của mình vẫn chưa hoàn thành.

Theo Sức trẻ Việt Nam

Bạn sẽ trúng tuyển nếu bạn có...

Background - lai lịch; enthusiasm - lòng nhiệt tình; education - kiến thức; personality - tính cách; experience - kinh nghiệm; qualifications - bằng cấp

Bạn có đầy đủ bằng cấp và thừa kinh nghiệm cho một vị trí tuyển dụng đang được quảng cáo. Bạn bỏ ra hàng giờ đồng hồ để viết ra một bộ hồ sơ xin việc hoàn hảo, và bạn cảm thấy rằng bạn vừa thực hiện được một buổi phỏng vấn một cách tốt đẹp - nhưng đôi khi, tất cả những việc này vẫn không giúp bạn có được lời mời tuyển dụng vào vị trí mà bạn mơ ước.

Để đảm bảo bạn đã thành công, cái bạn cần biết là cách ra quyết định cuối cùng về ứng cử viên mà công ty sẽ tuyển dụng, được diễn ra như thế nào.

Một người phỏng vấn đầy kinh nghiệm sẽ đánh giá ứng cử viên qua những yêu cầu của vị trí bằng cách so sánh năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức với những tiêu chuẩn cần thiết để thực hiện được công việc.

Bản danh sách quan trọng về kỹ năng và phẩm chất thường được gọi là "mô tả chức vụ", và thường ứng cử viên thích hợp nhất cho công việc là người có năng lực, kỹ năng và bằng cấp đáp ứng tốt nhất bản danh sách này.

Mặc dù nói vậy, nhưng không phải đơn giản như thế bởi vì một số thông tin có trọng lượng nặng hơn những thông tin khác. Và những nghiên cứu gần đây của các nhà tâm lý cho thấy rằng những quyết định tuyển dụng hoàn toàn dựa trên sáu nhân tố.

Thứ nhất, cái rõ ràng quan trọng nhất, là tính cách của bạn. Nó không chỉ nói qua bản thân bạn, mà còn về cách bạn ăn mặc và thể hiện bản thân với mọi người xung quanh.

Rất khó tin rằng, mặc cho những kỹ thuật phỏng vấn tinh vi nhất mà chúng ta có được ngày nay, hình thức vẫn là một yếu tố quan trọng, và bạn có khả năng không nhận được lời mời tuyển dụng bởi vì bạn không ăn ý với người phỏng vấn.

Sự lịch sự, cách xử sự văn minh, một phong cách chuyên nghiệp và ngôn ngữ cử chỉ tự tin sẽ giúp bạn tạo ấn tượng ban đầu tốt và nếu bạn có thể cố gắng hoà hợp với người phỏng vấn, thì bạn sẽ trên đường nhận được lời mời tuyển dụng.

Kinh nghiệm là nhân tố tiếp theo trên bảng danh sách, tiếp theo là bằng cấp liên quan và yếu tố quan trọng thứ tư là lịch sử làm việc của bạn.

Những công việc cũ của bạn nói dùm bạn rất nhiều, và nhà tuyển dụng rất khôn ngoan trong việc lựa chọn này.

Những người tuyển dụng tìm những ứng cử viên cho những vị trí cao cấp, thường nghiêng về những người mà sự nghiệp có một quá trình tiến triển nhanh chóng - hoặc tiến lên những vị trí cao hơn và tốt hơn hoặc duy trì làm việc với một công ty nhưng được tiến cử thường xuyên, leo lên chiếc thang danh vọng để đến vị trí cao nhất.

Ngược lại, những người tuyển dụng rất lo sợ về những người "nhảy việc", những người không bao giờ làm việc tại một công ty quá hơn sáu tháng hoặc một năm, vì việc này nói lên sự bất ổn và không có năng lực của ứng cử viên.

Nếu bạn lo lắng rằng quá trình làm việc thất thường của bạn cản trở sự nghiệp của bạn, hãy nghĩ về cách thể hiện sự thay đổi này một cách tích cực. Ví dụ: làm việc nhiều công việc khác nhau cho bạn một lượng kiến thức rộng và bao quát về một ngành nghề nào đó, hoặc có nghĩa là bạn biết được một cách chính xác công việc mà bạn muốn làm.

Lòng nhiệt tình được xếp vào hàng thứ năm trong bản danh sách của nhà tuyển dụng, mặc dù có những nhà tuyển dụng khác xếp nó ở vị trí cao hơn. Người phỏng vấn muốn ứng cử viên lý tưởng tận tụy, thích thú và đủ khả năng cho vị trí mà họ đang xin việc

Cuối cùng, cấp bậc giáo dục được xếp hàng thứ sáu.

Bản danh sách này làm cho một buổi phỏng vấn thành công trở thành một nhiệm vụ đầy khó khăn, nhưng nhớ rằng, những nhà tuyển dụng rất hiếm khi tìm được ứng cử viên "hoàn toàn lý tưởng", và việc tuyển dụng thường là một sự thỏa hiệp.

Nhưng việc quan trọng hơn cả là bạn tạo ra được một ấn tượng tốt đẹp và mạnh mẽ trong mắt người tuyển dụng, cũng như bạn tạo ra sự nối tiếp giữa kinh nghiệm, kỹ năng và quá trình làm việc của bạn với vị trí tuyển dụng.

Nếu bạn có thể lại cho người phỏng vấn một ấn tượng bạn là một người say mê, đầy sinh lực và tận tụy với một lòng đam mê công việc và công ty, thì vị trí tuyển dụng sẽ do bạn quyết định.

Theo Thông tin du học

Thêm 4 điều có thể học từ người Nhật

(Dân trí) - Tại sao nước Nhật nhỏ bé với rất ít tài nguyên thiên nhiên lại trở thành một nền kinh tế hùng mạnh khiến mọi quốc gia khác phải kiêng nể? Câu trả lời nằm trong phong cách làm việc của họ: Độc đáo, khác biệt và hiệu quả. Ở đó có những bài học rất quý giá cho bất kỳ ai muốn thành công.

Chiều theo và tôn trọng quyết định của nhóm

Nhật Bản là một xã hội luôn nhấn mạnh "Chúng tôi" thay vì "Tôi". Các quyết định quan trọng thường được thảo luận và chỉ khi có sự nhất trí thì mới được đưa ra. Cũng vì mọi kết quả đều là sự nỗ lực của cả một tập thể nên sẽ là không phù hợp khi khen ngợi một cá nhân cụ thể.

Chúng ta học được gì từ đó?

Thành công là nỗ lực của cả nhóm. Không ai có thể tự thành công. Người Nhật hiểu rõ điều này và nhấn mạnh việc cần phải có mọi người làm việc cùng nhau. Họ ưu tiên một quy trình thảo luận mang tính hợp tác mà đôi khi có thể chậm chạp, nhưng cuối cùng, nó sẽ đảm bảo được rằng tất cả mọi người đều có tiếng nói và đều chung một nhịp.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Một trong những yếu tố then chốt khi ngoại giao là lắng nghe người khác. Người phương Tây thường quen với việc chỉ ra một vị lãnh đạo sẽ đưa ra các quyết định và nói những người khác cần phải làm gì. Hình thức hoạt động từ trên xuống này không tính đến việc vị lãnh đạo đó cần sự cộng tác của những thành viên cấp cao khác để tiến hành công việc một cách trôi chảy. Người Nhật dường như hiểu được điều này. Họ luôn đảm bảo mọi phần thưởng được chia đều giữa các thành viên, như thế không làm nảy sinh sự ghen tị, so đo.

Hãy nhớ không dành lời khen cho riêng một người nào, và bạn sẽ thành công như người Nhật.

Học cách nói giảm nói tránh

Người Nhật luôn chủ động hạn chế những tình huống đối đầu, vì thế lời nói và phép tắc giao tiếp của họ được kết hợp nhằm tránh gây hiềm khích đồng nghiệp cũng như đối tác.

Thay vì đi thẳng vào vấn đề, người Nhật thường gợi ý nhẹ nhàng, nói bóng gió. Đôi lúc, họ nói một cách rõ ràng hơn nhưng càng cẩn trọng để không làm người khác bị phật ý hay tức giận.

Chúng ta học được gì từ đó?

Văn hóa công sở Nhật Bản nhấn mạnh sự tôn trọng và nhã nhặn. Họ sẽ tìm mọi cách để thể hiện rằng họ đang không áp đặt ý chí của bản thân lên những người khác.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Để biết cách chỉ ra sự khác biệt giữa cử chỉ lịch sự và biểu hiện sự không quan tâm, bạn cần phải dành thời gian lắng nghe một cách cẩn thận những sắc thái trong lời nói. Hãy tinh tế nhận ra những dấu hiệu của sự không hài lòng trước khi mọi chuyện trở nên tệ hại.

Đúng giờ là thể hiện sự tôn trọng

Giới công sở xứ hoa anh đào đặt nặng giá trị của kao, tức là thể diện. Khái niệm "thể diện" bao gồm niềm tự hào cá nhân, danh tiếng và địa vị xã hội. Bất kỳ một hành động nào có thể khiến cho người nhận bị mất mặt sẽ bị coi là độc hại trong môi trường công sở, và sẽ bị cực lực phản đối.

Để giữ được thể diện, bạn phải học cách thể hiện lòng tôn trọng cao nhất. Cách đơn giản nhất là đến đúng giờ đối với bất kỳ cuộc hẹn nào. Người Nhật thường đến sớm một chút.

Chúng ta học được gì từ đó?

Có nhiều thứ mà người phương Tây đã bị "tê" trong khi ở những nơi khác lại coi là quan trọng. Thời gian là một trong số đó.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Đúng giờ là một thói quen mà tất cả chúng ta cần phải rèn luyện. Vì thế, hãy sắp xếp lịch trình một cách hợp lý.

Duy trì liên lạc

Ở Nhật Bản, việc gọi điện và hẹn gặp sẽ được đánh giá cao hơn rất nhiều so với gửi thư, fax hay email. Dành thời gian riêng để tiếp xúc trực tiếp được xem là dấu hiệu của sự tôn trọng bên kia.

Người Nhật cũng coi trọng các mối quan hệ làm ăn lâu dài, vì vậy khi làm việc ở đây, cần phải biết cách duy trì việc liên lạc qua lại, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp.

Chúng ta học được gì từ đó?

Người Nhật đã đưa việc làm quen và tạo dựng mối quan hệ lên một tầm mới bởi họ hiểu được giá trị của chúng.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc tiếc thời gian khi cố gắng giữ liên lạc với người khác. Chúng ta hạn chế tối thiểu việc phải trao đổi thư từ và đôi khi điều đó thể hiện trong sự thiếu bền chặt của các mối quan hệ.

Hãy noi gương người Nhật, hãy quan tâm hơn tới việc phải luôn "giữ ấm" cho mọi mối quan hệ và thể hiện được rằng bạn luôn sẵn sàng kết nối.

Phước Đại

Theo Askmen

5 bài học từ văn hóa công sở của người Nhật

(Dân trí) - Bạn cảm thấy mông lung, khó định hướng khi phải hài hòa rất nhiều mối quan hệ và vô số các nghi lễ khác nhau nơi công sở? Hãy chịu khó nhìn sang xứ sở hoa anh đào một chút. Họ có những bài học rất bổ ích cho bạn đấy.

Tôn trọng danh thiếp

Một cuộc gặp tại Nhật Bản bắt đầu với việc trao cho nhau danh thiếp theo một cách rất trang trọng - một nghi lễ được gọi là Meishi kokan. Khi nhận danh thiếp, người ta sẽ cầm bằng cả hai tay, xem xét nội dung cẩn thận và sau đó đọc to các thông tin được in trong tấm thiếp. Tiếp đến họ sẽ đặt vào trong một chiếc hộp đựng danh thiếp hoặc đặt lên bàn trước mặt họ để nhắc đến nó khi cần. Họ không bao giờ bỏ danh thiếp vào túi áo vì hành động đó được coi là thiếu tôn trọng.

Chúng ta học được gì từ đó?

Trao đổi danh thiếp là một cách bày tỏ sự coi trọng lẫn nhau. Nó thể hiện rằng bạn đánh giá cao cuộc gặp gỡ hiện tại cũng như các cuộc gặp trong tương lai.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Thực ra mỗi một nền văn hóa có một hình thức trao danh thiếp riêng. Nếu bạn quá máy móc mà "bê" y nguyên kiểu Meishi kokan đó, rất có thể bạn sẽ bị coi là "có vấn đề". Tuy vậy, khi nhận danh thiếp, hãy dành thời gian nghiên cứu thông tin trên đó. Sẽ không hại gì khi nhớ tên của một đối tác tiềm năng. Và bạn sẽ bị cho là thô lỗ nếu thuận tay nhét tấm danh thiếp vào túi áo gần tay bạn nhất.

Làm hài lòng các "cây cao bóng cả"

Theo phong tục, trong một cuộc họp ở Nhật Bản, người ta thường đưa ra những lời bình luận hay nhận xét dựa vào quan điểm hoặc thái độ của người có cấp cao nhất đang hiện diện ở đó. Không ai bày tỏ sự bất đồng với người đó.

Khi cúi đầu - một hình thức chào hỏi truyền thống của người Nhật - người ta luôn luôn cúi xuống thấp nhất trước người có địa vị cao nhất.

Chúng ta học được gì từ đó?

Văn hóa công sở của Nhật Bản luôn thể hiện sự tôn kính và coi trọng những người có địa vị cao bởi sự thông thái và từng trải cùng với những đóng góp quan trọng của họ cho công ty. Ở Nhật Bản, tuổi tác đi cùng với địa vị, nói nôm na là "sống lâu lên lão làng". Vì vậy, một người càng cao tuổi thì càng trở nên quan trọng.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Luôn biết lắng nghe những người có thâm niên hoặc có địa vị cao hơn bạn trong công ty. Nếu bạn bất đồng với người quản lý, hãy thể hiện điều đó với họ khi chỉ có hai người. Không bao giờ được tỏ ra nghi ngờ vai trò hay quyền lực của họ trước mặt các nhân viên khác. Bạn cần phải hiểu rằng họ có được địa vị cao như lúc này là nhờ khả năng, kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân họ (dĩ nhiên không tính những thành phần "con ông cháu cha").

Thấm nhuần động lực qua các khẩu hiệu

Nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu ngày làm việc bằng một cuộc họp vào buổi sáng. Tại đó, nhân viên sẽ xếp hàng và hô to các khẩu hiệu của công ty như một cách để truyền cảm hứng và động lực làm việc cũng như sự trung thành. Và đó cũng là một hình thức làm tươi mới các mục tiêu của công ty trong tâm trí từng nhân viên.

Chúng ta học được gì từ đó?

Những cuộc tập hợp vào buổi sáng hàng ngày như thế này là nhằm nhắc nhở các nhân viên một cách thường xuyên về những mục tiêu lâu dài của công ty. Nếu không, chắc chắn rằng những công việc lặt vặt hàng ngày sẽ xóa nhòa hoặc làm lu mờ những mục tiêu ấy.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Mỗi lần ngồi vào bàn làm việc, hãy tự nhắc nhở bản thân về công việc sẽ phải làm. Luôn làm tươi mới các mục tiêu lâu dài trong tâm trí bạn và cần ý thức được sự cần thiết của hoạt động tập thể để đạt được mục tiêu sớm nhất. Hãy ghi các khẩu hiệu của công ty vào một cuốn sổ nhỏ cầm tay để tiện theo dõi khi bạn cảm thấy chán nản hoặc hoài nghi.

"Làm mặt lạnh"

Bạn sẽ không bao giờ thấy được những khuôn mặt lạnh như tiền như những khuôn mặt trong một văn phòng của người Nhật. Ngoại trừ đôi lúc cười đùa, nhân viên xứ hoa anh đào không thể hiện tình cảm ra ngoài, đặc biệt là trong các cuộc họp. Họ nói chuyện bằng giọng thấp, có chừng mực và thường nhắm mắt lại khi thể hiện sự chú ý tới người nói - một thói quen mà nhiều người nhầm lẫn là dấu hiệu của sự chán nản.

Chúng ta học được gì từ đó?

Người Nhật luôn tôn trọng môi trường làm việc. Khiếu hài hước không có nhiều đất dụng, ngoại trừ trong giờ nghỉ. Hầu như không có chuyện va chạm cơ thể giữa các đồng nghiệp. Còn vỗ lưng? Tuyệt đối không.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Đối với nhiều người, một không khí làm việc quá nghiêm túc thật sự gây ngột ngạt. Bạn không cần phải coi văn phòng của mình như thánh địa, nhưng cũng không có lý do gì để cư xử như thể đó là nhà đứa bạn thân của bạn. Một hình ảnh và tư cách chuyên nghiệp sẽ làm tăng sự tôn trọng đối với công việc và nhờ đó làm tăng năng suất.

Làm hăng say, chơi nhiệt tình

Sau một ngày thảo luận quyết liệt, các nhân viên Nhật Bản sẵn sàng tìm cách xả xì trét. Đi đến các quầy bar là một hoạt động phổ biến nếu không muốn nói là truyền thống. Nếu công sở là nơi đầy những lễ nghi hà khắc thì quầy bar lại là nơi để các doanh nhân Nhật Bản được trút hết bầu tâm sự.

Một điểm đến được ưa thích khác là các quán karaoke. Tại đây mọi người được thoải mái hát hò với tiêu chí "hát hay không bằng hay hát". Các điểm đến về đêm như thế này ngoài việc giúp họ cân bằng công việc với giải trí thì còn là nơi để các đồng nghiệp chia sẻ thông tin, thắt chặt tình bạn hay củng cố tập thể.

Chúng ta học được gì từ đó?

Một điều quan trọng cần phải nhớ là không được để công việc chiếm lĩnh cuộc sống riêng. Giải trí cũng là một phần quan trọng không kém trong một ngày. Nó giúp giải tỏa căng thẳng và làm vơi bớt lo âu. Khi đi chơi hoặc làm bất kỳ việc gì với đồng nghiệp, có một cam kết bất thành văn là luôn là một phần của nhóm.

Chúng ta áp dụng bài học đó như thế nào?

Tạm quên đi công việc thậm chí khi ở bên các đồng nghiệp khác là điều cần thiết. Hãy biết tận hưởng những thời gian nghỉ ngơi và tham dự các bữa tiệc của công ty. Biết cư xử xã giao và thoải mái với đồng nghiệp bên ngoài nơi làm việc, bạn sẽ được sống với chính mình và cũng tạm thời hạ thấp "khiên" của bạn một chút.

Phước Đại

Theo Askmen

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro