Việt Nam nên tiếp thu những hệ giá trị văn hoá nào của thế giới để phát triển con người văn văn hoá

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Việt Nam nên tiếp thu những hệ giá trị văn hoá nào của thế giới để phát triển con người văn văn hoá Việt Nam ngày nay?

Hệ giá giá trị của văn hoá Phuơng Tây nói chung và Châu Âu nói riêng có thể bao gồm các khía cạnh cốt lõi sau đây:

- Tư duy triết học và khoa học: chủ nghĩa duy lý và truyền thống sáng tạo khoa học

- Tư duy chính trị: giá trị dân chủ, nhân quyền và xã hội công dân

- Tư duy kinh tế: Kinh tế thị trường và tinh thần chủ nghĩa tư bản

- Tư duy thẩm mỹ: cá tính sáng tạo và chủ nghĩa hiện thực trong văn học nghệ thuật

- Phong cách sống/ Lối ứng xử: Cá nhân luận với cá thể là trung tâm.

Toàn bộ hệ giá trị nêu trên là kết quả của lịch sử phát triển hàng ngàn năm thấm đẫm máu và nước mắt các dân tộc Châu Âu và ngày nay chúng hiện hữu trong mọi hành vi của từng cá nhân công dân cũng như trong hệ thống chính sách rộng lớn và phức tạp của các quốc gia. Suy cho cùng, người ta thấy rằng toàn bộ hệ giá trị ấy của văn hoá Châu Âu nói rỉêng và Phương tây nói chung đều dựa trên tổng phổ của tư duy duy lý:

- Tư duy khoa học, tư duy hợp lý, thuần lý và khoa học thực chứng.

- Tư duy hệ thống với tính cách phương pháp luận được áp dụng cho mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, pháp luật, điển hình nhất là mô hình hệ thống chính trị nhà nước hiện đại với bộ ba: lập pháp (nghị viện), hành pháp và tư pháp.

- Tư duy thẩm mỹ, đặc biệt trong âm nhạc cổ điển với hệ thống hoà âm thuần lý, phối hợp giữa các loại hình nhạc cụ, các bè đồng ca, hệ thống ký âm đơn giản và chính xác.

- Tư duy kiến trúc duy lý mà điển hình là kiến trúc gotic với hệ thống gân vòm, trần vừa mang chức năng chịu lực vừa mang tính thẩm mỹ cao.

- Hệ thống chữ viết biểu thị âm tố và con chữ rời trong nghề in (sắp chữ).

- Hệ thống giáo dục và đào tạo với các loại hình truờng học và cấp học được tổ chức chặt chẽ và liên thông với nhau.

- Tính chuyên môn hoá cao độ các kiểu lực lượng lao động xã hội: đội ngũ công chức/ quan chức hành chính, đội ngũ khoa học, đội ngũ kỹ sư.

Tư duy duy lý đó nếu thể hiện trong đời sống chính trị, thì nó bao hàm các khía cạnh cốt lõi sau đây:

a- Công bằng và chính nghĩa (justice)

b- Pháp quyền/ Quyền lợi (rights)

c- Bình đẳng (equality)

d- Tự do (liberty/freedom)

e- Khoan dung (tolerantion)

f- Tự trị/ Tự lập (autonomy)

g- Dân chủ (democracy)

Toàn bộ hệ giá trị trên đều xoay quanh giá trị cốt lõi là giá trị dân chủ (democracy). Dân chủ theo quan niệm Phương Tây là gì? Theo quan điểm của Abraham Lincoln (tổng thống thứ 16 của Mỹ, 1861 - 1865), dân chủ là quyền lực của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Nhận xét trên là nhìn từ tổng thể bức tranh văn hoá Châu Âu. Nhưng trong nghiên cứu văn hoá, các nhà nghiên cứu thấy rằng đời sống văn hoá dựa trên sự tương tác giữa hai loại chủ thể khác nhau - chủ thể cá nhân và chủ thể cộng đồng. Vậy là ở đây cần thiết phân biệt hai cấp độ của văn hoá Châu Âu: cách nhìn vi mô và cách nhìn vĩ mô. Trên cấp độ vi mô, chúng ta xem xét bản sắc văn hoá Châu Âu thông qua tâm tính và lối sống ở con người cá nhân các dân tộc Châu Âu. Trên cấp độ vĩ mô, chúng ta xem xét bản sắc văn hoá Châu Âu thông qua đặc trưng các nền văn hoá quốc gia Châu Âu và toàn bộ khu vực.

Trên bình diện vi mô, tức là bình diện đặc trưng tâm tính và ứng xử cá nhân của con người Châu Âu, chúng ta khó lòng kể ra đầy đủ được, nhưng chúng ta có thể nói đến những nét nổi bật sau đây:

- Ý thức pháp luật và kỷ luật cao, điển hình là ở người Đức và các dân tộc Bắc Âu: Ý thức tôn trọng pháp luật và tinh thần kỷ luật được chú trọng ngay từ khi trẻ em bắt đầu đi học. Ngay từ nhỏ, trẻ em Châu Âu đã phải tập làm quen với những gì đựoc phép và không đựoc phép một cách nghiêm ngặt. Đúng giờ/đúng hẹn là một phẩm hạnh cần có ở người Âu, trừ một vài trường fhợp ở các nền văn hoá Nam Âu - Địa Trung Hải. Nếp sống qui củ của cá nhân là kết quả của việc rèn luyện ý thức kỷ luật. Nhờ sự qui cũ đó nên toàn bộ các thể chế xã hội và đời sống vận hành được trơn tru, chính xác và có hiệu quả cao, cả trong gia đình và nền kinh tế, chính trị, xã hội.

- Tinh thần tập thể cao: Đây cũng là một nét tính cách tốt đẹp của người Âu Châu. Tinh thần tập thể này không đối lập với chủ nghĩa cá nhân, vì trong quan niệm về chủ nghĩa cá nhân, người Châu Âu đã gắn trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, với xã hội và nhà nước. Tinh thần tập thể đòi hỏỉ mỗi một tập thể phải có cơ cấu tổ chức hiệu quả, gắn kết các thành viên và hoạt động trơn tru. Ở đây người ta thấy có sự rạch ròi nhưng thống nhất giữa công và tư, giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội. Cá nhân chăm sóc đến công việc chung của tập thể cũng là lo cho lợi ích của cá nhân mình. Chủ nghĩa tập thể là sự thống nhất tự giác giữa các cá nhân với nhau vì một lý tưởng chung cao quí. Nó hàm chứa tình đồng chí, tinh thần trách nhiệm, thái độ tôn trọng và chăm sóc lẫn nhau nhằm biến tập thể thành môi trường an sinh, hình thức và công cụ để phát triển cao nhất cho từng cá nhân. Do đó với người các dân tộc phát triến cao ở Châu Âu, câu mệnh đề "Mình vì mọi người, mọi người vì mình" không phải là một khẩu hiệu trống rỗng. Ngay việc người ta chấp nhận nộp thuế thu nhập cá nhân tăng theo mức thu nhập cũng là thể hiện ý thức trách nhiệm cao của các công dân Châu Âu.

- Tính sáng tạo: Do được nuôi dưỡng bởi tinh thần dân chủ, nên mỗi cá nhân công dân Châu Âu là một chủ thể sáng tạo. Họ có nhu cầu tự thân, có động lực tự thân trong sáng tạo. Sáng tạo đem lại niềm vui và giá trị co bản thân và cộng đồng. Họ được cổ vũ, tạo điều kiện trong sáng tạo, tìm tòi cái mới, dù là trong khoa học, sản xuất kinh doanh hay văn hoá nghệ thuật, thậm chí cả trên lĩnh vực hoạt động chính trị. Do đó thế giới đều nhận thấy các thành tựu phát minh, sáng chế, tác phẩm nghệ thuật ... từ thời Phục hưng đến nay hầu hết đều đến từ các nước Âu Mỹ. Thế giới Thiên chúa giáo và nhà thờ tráng lệ là sản phẩm kiến trúc đầy sáng tạo của tư duy về cái cao cả linh thiêng của người Châu Âu. Những bản thánh ca vừa phiêu linh, vừa tràn đầy xúc cảm yêu thương với giai điệu du dương vang lên mỗi dịp lễ thánh là sản phẩm sáng tạo của các nhạc sĩ Châu Âu như nhạc sĩ Đức J. S. Bach suốt đời hiến thân cho nghệ thuật và Thiên chúa. Những trường phái và đỉnh cao trong văn học nghệ thuật (như văn chương, điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, tạo hình), khoa học, kinh tế học, học thuyết chính trị... cũng đa phần đều đến từ các cá nhân công dân Phương Tây, Châu Âu.

- Sự lịch thiệp trong giao tiếp: Người Âu Mỹ gây cho người ta ấn tượng về sự tự tin tự nhiên gắn liền với sự lịch thiệp. Sự lịch thiệp thể hiện ở nghi thức tiếp xúc, ở ngôn ngữ chào hỏi được chuẩn hoá, ở sự phân biệt giữa giao tiếp công và giao tiếp thân mật, ở sự phân biệt rành rẽ công việc và tình cảm cá nhân. Người Châu Âu (đàn ông) đặc biệt tôn trọng phụ nữ: nhường đường và nhường chỗ cho phụ nữ, giúp phụ nữ mang vác đồ nặng nhọc, bình đẳng nam nữ trong các quyết định cá nhân, bình đẳng trong công việc gia đình nội trợ, kiềm chế các hành vi khiếm nhã, quấy rối đối với phụ nữ, ca tụng và tặng quà cho phụ nữ trong các dịp lễ tết... Trong giao tiếp quốc tế, người ta thấy nghi thức giao tiếp quốc tế đều đến từ Âu Mỹ (vd. nghi thức lễ tân ngoại giao như trang phục, cờ quạt, biểu hiệu, tiêu binh, âm nhạc, bắt tay...). Do đó người Việt Nam có câu thành ngữ "Lịch sự như Tây..."

Trên bình diện vĩ mô (văn hoá dân tộc và văn hoá Châu lục), các nhà nghiên cứu văn hoá và tôn giáo cũng như dân tộc học về châu Âu khá thống nhất với nhau về những nền tảng chung, hay bản sắc chung của văn hoá châu Âu và chúng cũng làm thành những bản sắc văn hoá đặc trưng nhất của van hoá Châu Âu:

- Yêú tố của văn minh cổ đại phương Tây (Hy Lạp-La Mã)

- Chủ nghĩa nhân đạo Thiên chúa giáo

- Yếu tố truyền thống Châu Âu và

- Đặc điểm cấu trúc - loại hình của các ngôn ngữ châu Âu.

Trong phần này, chúng tôi kết hợp phân tích các nét bản sắc chung của văn hoá châu Âu với những biểu hiện cụ thể của chúng ở một nền văn hoá German chủ chốt - văn hoá Đức.

(a) Truyền thống của nền văn minh cổ đại phương Tây

Dưới góc độ lịch sử thì nền văn hoá châu Âu nói chung cũng như từng nền văn hoá các dân tộc châu Âu khác nói riêng đều bắt nguồn từ nền văn minh cổ đại phương Tây, của đạo Thiên chúa và văn hoá châu Âu cổ đại. Nhưng ở đây cần lưu ý rằng nền văn minh cổ đại phương Tây và Thiên chúa giáo đã bao trùm lên toàn bộ thời Trung cổ với tính cách một thể thống nhất và nó giải thích cho chúng ta cái sức mạnh sáng tạo của sự thống nhất đó. Nền văn minh cổ đại phương Tây phủ lên toàn bộ nền văn hoá Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Văn minh Hy Lạp cổ đại:

Nền tảng tinh thần đặc sắc của văn hoá châu Âu chắc hẳn là cội nguồn Hy Lạp của nó. Ba yếu tố truyền thống của văn minh Hy Lạp trước Công nguyên đã làm thành 3 nét đặc sắc của thế giới tinh thần châu Âu nói riêng và Phương Tây nói chung: Cách tư duy triết học, cách tư duy khoa học và cách tư duy văn học nghệ thuật.

Nếu muốn thâu tóm đươc một cách hệ thống ảnh hưởng của thế giới tinh thần Hy Lạp trong khung cảnh của tiến trình văn hoá phương Tây thì người ta phải tìm về tận những bài thơ bất hủ của Homer (khoảng 800 năm tcn.). Những thiên thi ca tuyệt vời ấy vẫn còn được truyền dạy trong giáo khoa nhà trường ngày nay ở các quốc gia trên khắp thế giới cho dù chúng không còn được đưa vào với dung lượng lớn như cách đây vài ba thế hệ. Hai bản trường ca bất hủ Ilias và Odyssee của đại thi hào nói về sự thất thủ của kinh thành Troya và cuộc hành trình kinh dị của Odyssee đã thể hiện thật tuyệt vời bản sắc văn hoá của dân tộc Hy Lạp. Do vậy mà ông đã trở thành "vạn thế sư biểu" của dân tộc vĩ đại này. Thi ca của ông chứa đựng một ý nghĩa giáo dục sâu xa đối với con người, bởi vì bằng hình thức huyền thoại về các vị thần trên đỉnh Olimpia nó đã phác thảo nên chân dung của chính con người trần thế, trong đó các giáo lý tôn giáo, luân lí và chính trị đã hoà quyện vào nhau. Bức tranh thế giới ở trình độ sơ khởi ấy chính là sản phẩm của tư tưởng quí tộc của thời đại sử thi này. Ở đây người ta thấy vắng bóng hình tượng người nông dân cổ đại, là điều mà chúng ta chỉ tìm thấy trong các tác phẩm của Hesiods.

Giai đoạn tiếp theo của lịch sử tinh thần Hy Lạp là kỷ nguyên bi kịch với các đại biểu khổng lồ như Aichylos (Et-syn), Sophokles (Sô-phôc) và Euripides (Ơ-ri-pit). Chủ đề của các vở bi kịch bất hủ trên là nỗi trăn trở và cảm nhận của con người về trật tự chính trị và tôn giáo đang bao phủ lên xã hội con người. Những chủ đề đó được lí giải theo cách là con người tự trong ý thức quen thuộc phải chịu đựng số phận mà trời tiền định. Thuở đầu, các vở bị kịch Hy Lạp được trình diễn như là những nghi thức tế lễ thần linh, rồi dần dần sau này mới được xem như những tác phẩm nghệ thuật.

Vở bi kịch điển hình cho thuyết định mệnh chính là vở Oedipus làm vua của Sophokles. Motiv của vở bi kịch này trong thế kỉ 20 đã đựơc các nhà nghiên cưú văn hoá và tôn giáo xem là một khuôn mẫu về khởi nguồn của văn hoá. Theo đó thì nguồn gốc của văn hoá (Phương Tây) khởi đầu bằng vụ án giết người (liên tưởng giữa việc giết cha trong Edip làm vua và việc bán Chúa Jesus trong Kinh thánh) và sau đó là bữa tiệc thịt người (liên hệ giữa tục Totem/ vật tổ, và việc phân phát bánh thánh và nước thánh - tượng trưng cho máu và thịt của Chúa Jesus). Sau những sự kiện điên loạn ấy là một chuỗi dài bất tận của hành vi sám hối (liên hệ giữa sự ân hận của Edipus và lễ xưng tội, rửa tội của Thiên chúa giáo). Vậy là, nếu như văn hoá và tôn giáo Phương Đông (Ấn Độ và Trung Hoa) lấy việc khai thác, phát huy những nhân tố tích cực vốn có bên trong con người làm định hướng cơ bản, thì văn hoá châu Âu nói riêng và Phương Tây nói chung lấy sự sám hối và sửa mình làm định hướng. Văn hoá toát ra từ các vở bi kich Hy Lạp cổ đại chính là thứ văn hoá sám hối, trùng khớp với tinh thần của Thiên chúa giáo sau này.

Nghệ thuật tạo hình, kiến trúc và nghề thủ công mỹ thuật ở châu Âu cũng xuất xứ từ văn minh Hy Lạp cổ đại. Điện Panteon ở Athen - Hy Lạp đang được phục chế mãi mãi là biểu tượng cho quan niệm và niềm hứng khởi thẩm mĩ trong kến trúc đền đài của châu Âu. các bức tượng khoả thân thần Apollon, nữ thần sắc đẹp Venus v.v... mãi mãi đem lại cho ngưòi ta xúc cảm thẩm mĩ về cái đẹp kinh điển của cơ thể con người trong sự thăng hoa hài hoà với thế giới tinh thần của nó.

Về mặt triết học và khoa học, ngay từ xa xưa người Hy Lạp đã đặt dấu hỏi về các trật tự duy lý của thế giới tự nhiên. Họ muốn khám phá các mối liên hệ cũng như cội nguồn của thế giới. Lầ đầu tiên trong lịch sử trí tuệ nhân loại, Aristoteles đã đưa ra các cặp phạm trù đối lập và song hành giữa vật chất và tồn tại, hiện thực và khả năng.

Văn minh La Mã cổ đại:

Thời La Mã cổ đại thì Roma là trung tâm văn hoá và chính trị của đế chế và trở thành niềm kiêu hành bất hủ của một đế chế bành trướng tuy chậm chạp nhưng ngày càng vươn ra tầm thế giới. Do vậy mà không có một thành phố nào, một bộ tộc nào hay một dân tộc nào có riêng được một sức mạnh lịch sử nữa, mà chúng đã phải nhường chỗ cho hệ tư tưởng của toàn đế quốc, trong đó các bộ tộc hay dân tộc riêng lẻ bị xem thường và được hoà đồng vào toàn bộ đế quốc. Dưới ách thống trị tàn bạo của nhà nước La Mã các hoạt động thương mại, kinh tế và kéo theo đó là sự giao lưu văn hoá tinh thần được mở ra và được thúc đẩy mạnh mẽ, và một địa vực mênh mông trải ra khắp Âu - Á - Phi cho nền văn minh cổ đại được hình thành. Ngày nay người ta vẫn còn nhận ra sự kì vĩ của các công trình đô thị và hệ thống cấp nước được tạo dựng trong thời kì huy hoàng đó. Các tháp đèn biển ven đại dương và hệ thống chiếu sáng cho các hải cảng đã bảo đảm cho giao thông đường biển. Hệ thống tiền tệ được bảo đảm bằng vàng bạc đã giúp duy trì hệ thống thị trường tiêu thụ cổ. Như thế ta thấy thành tựu văn hoá La Mã dựa trên sự củng cố truờng cửu của đế chế mà tư tưởng cơ bản của nó được bao gồm trong 4 chữ cái SPQR: Senatus Populusque Romanus.

Một vương quốc mênh mông như thế chỉ có thể tồn tại tới chừng nào mà các hoạt động chính trị và tôn giáo nhất định nào đó được thừa nhận và suy tôn. Các tiền đề nông dân nông nghiệp đã in đậm bản sắc công dân La Mã trong suốt một thời kì dài. Tư cách công dân La Mã ấy được hiểu là quyền tự do của cá nhân phải phục tùng lợi ích của nền cộng hoà, của cả quốc gia. Nhà nước La Mã trái lại phải thực hiện một nhiệm vụ cao cả là bảo đảm nền hoà bình và hoà hiếu cả trong lẫn ngoài cho thế giới tinh thần vốn được hình thành từ nhiều cội nguồn cổ xưa. Trong mọi cuộc tranh chấp quyền lực của lịch sử La Mã người ta không được phép quên rằng những tư tưởng nói trên đã hình thành từ trong quá khứ và chính chúng đã khiến cho văn hoá phát triển không ngừng.

Thế giới tinh thần La Mã đã được nhào nặn lại bởi di sản tinh thần Hy Lạp cổ đại. Trong thời đại văn minh Hy Lạp thì tiếng Hy Lạp đã lấn át tiếng Latin thậm chí trong suốt một thời kỳ dài. Thế nhưng tiếng Latin vẫn sản sinh ra những nhà thơ, nhà văn và nhà sử học vĩ đại như Vergil, Cicero và Tacitus. Chính họ đã đem đến cho tiếng Latin một hình thức đầy tính nghệ thuật. Và ngày nay các tác phẩm của họ vẫn là cơ sở và mục đích của môn học tiếng Latin trong trường phổ thông ở châu Âu.

(b) Chủ nghĩa nhân đạo Thiên chúa giáo

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro