Viet Nam Sau Chien TRanh The Gioi Thu 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1- Sự chuyển biến về kinh tế, chính trị-xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất

a- Sự chuyển biến về kinh tế:

- Nguồn gốc: Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp tuy là nước thắng trận nhưng bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ. Để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra, Pháp tiến hành "Chương trình khai thác thứ hai" ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

- Nội dung:

+ Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Từ 1924 đến 1929, tổng số vốn đầu tư vào Đông Dương tăng gấp 6 lần so với 20 năm trước chiến tranh.

+ Nông nghiệp: Pháp bỏ vốn nhiều nhất vào nông nghiệp, chủ yếu là đồn điền cao su. Năm 1927, số vốn đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp 10 lần trước chiến tranh. Diện tích trồng cao su tăng và nhiều công ti cao su lớn ra đời như công ti Đất đỏ, công ti Misơlanh, ...

+ Công nghiệp: Pháp cũng bỏ vốn nhiều nhất vào khai mỏ, chủ yếu là mỏ than. Nhiều công ti than mới cũng ra đời như công ti than Hạ Long - Đồng Đăng, công ti than Đông Triều, ... Ngoài ra, Pháp cũng chú ý đến công nghiệp chế biến (sợi, rượu, diêm, gạo, ...)

+ Thương nghiệp: Pháp đánh thuế nặng vào hàng ngoại nhập, nhờ vậy hàng hóa Pháp nhập vào Đông Dương tăng lên rất nhanh.

+ Giao thông vận tải cũng được mở mang để phục vụ cho công cuộc khai thác.

+ Ngân hàng Đông Dương đại diện cho tư bản tài chính Pháp đã nắm quyền chỉ huy các ngành kinh tế Đông Dương.

- Tác động: Nền kinh tế Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất tuy có bước phát triển mới nhưng bị kìm hãm, lệ thuộc chặt chẽ vào kinh tế Pháp.

b- Sự chuyển biến về chính trị:

- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chính sách cai trị thuộc địa của Pháp ở Đông Dương vẫn không thay đổi.

- Nội dung:

+ Pháp thi hành chính sách chuyên chế triệt để, mọi quyền hành trong nước đều nằm trong tay người Pháp.

+ Pháp thi hành chính sách "chia để trị": chia nước ta thành 3 kì với 3 chế độ khác nhau, đồng thời còn chia rẽ đồng bào ta giữa dân tộc đa số và thiểu số, giữa lương và giáo.

+ Pháp còn thi hành chính sách "dùng người Việt trị người Việt" như lập Hội đồng quản hạt Nam Kì, Viện dân biểu Bắc Kì và Trung Kì để cho một số địa chủ và tư sản người Việt tham gia, bảo vệ sự thống trị của Pháp.

- Như vậy, Việt Nam vẫn chịu sự cai trị của Pháp, nhân dân ta không được hưởng một chút quyền tự do dân chủ nào, mọi hành động yêu nước đều bị chúng thẳng tay đàn áp, khủng bố.

c- Sự chuyển biến về xã hội:

- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dưới tác động của "Chương trình khai thác thứ hai" của Pháp, xã hội Việt Nam có sự biến đổi sâu sắc. Mỗi giai cấp, tầng lớp có địa vị và quyền lợi khác nhau nên thái độ chính trị và khả năng cách mạng cũng khác nhau.

- Giai cấp địa chủ phong kiến:

+ Là chỗ dựa chủ yếu của chủ nghĩa đế quốc, câu kết chặt chẽ với Pháp ra sức bóc lột nông dân.

+ Tuy nhiên, một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ vẫn có tinh thần yêu nước, tham gia chống Pháp khi có điều kiện.

- Giai cấp tư sản:

+ Ra đời sau chiến tranh, bị tư bản Pháp chèn ép, kìm hãm nên số lượng ít, thế lực kinh tế yếu.

+ Giai cấp tư sản phân hóa thành hai bộ phận: tầng lớp tư sản mại bản có quyền lợi gắn liền với đế quốc nên câu kết chặt chẽ về chính trị với chúng; tầng lớp tư sản dân tộc có tinh thần dân tộc dân chủ chống đế quốc và phong kiến, nhưng thái độ không kiên định, dễ thỏa hiệp khi đế quốc mạnh.

- Giai cấp tiểu tư sản:

+ Ra đời sau chiến tranh, bị Pháp chèn ép, bạc đãi, khinh rẻ nên đời sống bấp bênh, dễ bị phá sản, thất nghiệp.

+ Bộ phận trí thức, học sinh sinh viên có tinh thần hăng hái cách mạng, là lực lượng quan trọng của cách mạng nước ta.

- Giai cấp nông dân:

+ Chiếm trên 90% dân số, bị hai tầng áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến nên bị bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn.

+ Là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng.

- Giai cấp công nhân:

+ Ra đời trước chiến tranh, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Năm 1929, tổng số công nhân tăng hơn gấp đôi so với trước chiến tranh.

+ Ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế (lực lượng sản xuất tiến bộ, điều kiện lao động và sinh sống tập trung, ...), giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng: bị 3 tầng áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến, tư sản mại bản; có quan hệ tự nhiên gắn bó với giai cấp nông dân; kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng và bất khuất của dân tộc. Đặc biệt, giai cấp công nhân Việt Nam sớm tiếp thu ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới, nhất là ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga và của chủ nghĩa Mác - Lênin.

=> Hoàn cảnh và đặc điểm ra đời, phát triển dẫn đến giai cấp công nhân Việt Nam sớm trở thành một lực lượng chính trị độc lập, thống nhất, tự giác trong cả nước, nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng nước ta.

2- Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã ảnh hưởng tới Cách mạng Việt Nam như thế nào?

- Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào cách mạng thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ.

- Cách mạng tháng Mười Nga thành công (11/1917) có ý nghĩa lịch sử to lớn: xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và phong kiến, đưa công nhân và nông dân lên nắm chính quyền và bắt tay xây dựng chế độ mới xã hội chủ nghĩa.

=> Dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và phong trào công nhân ở các nước phương Tây gắn bó mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

- Trong hoàn cảnh lịch sử mới, giai cấp vô sản các nước đều tìm con đường tập hợp nhau lại để thành lập những tổ chức riêng của mình đứng trên lập trường của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tháng 2/1919, Quốc tế cộng sản (Quốc tế III) được thành lập. Các Đảng Cộng sản ở các nước cũng nối tiếp nhau ra đời như Đảng Cộng sản Pháp (1920), Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921) ...

=> Sự kiện này càng thuận lợi cho việc truyền bá tư tưởng Mác - Lênin vào Việt Nam.

- Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng tích cực tới cách mạng Việt Nam có tác dụng thúc đẩy cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kì mới.

3- Nguyễn Ai Quốc và vai trò của Người đối với việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam:

- 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng (Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh) quyết định sang phương Tây tìm con đường cứu nước mới. Người lấy tên mới là Văn Ba, làm phụ bếp cho tàu vận tải Latusơ Tơrêvin sang Pháp, cập bến cảng Mácxây ngày 6/7/1911.

- 1912, Người tiếp tục làm thuê cho một tàu khác để từ Pháp đi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tuynidi, Angiêri, ... Cuối 1912, Người đi Mĩ. Cuối 1913, Người từ Mĩ trở về Anh, sau đó Người sang Pháp.

=> Sau những năm bôn ba qua nhiều nước tư bản chủ nghĩa và thuộc địa, Người nhận rõ giai cấp công nhân và nhân dân các nước đều là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù.

- 11/1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng quyết định đến xu hướng hoạt động của Người.

- 6/1919, Nguyễn Ai Quốc gửi tới hội nghị Vecxai bản yêu sách đòi Pháp phải thừa nhận các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam. Tuy không được chấp nhận nhưng đã có một tiếng vang lớn.

- 7/1920, Người đọc bản Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Từ đó, Người tin theo Lênin và đứng về Quốc tế III.

- 12/1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua, Người tán thành Quốc tế III, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

=> Như vậy, sau nhiều năm bôn ba hải ngoại, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn: kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản.

- 1921, Người tham gia sáng lập "Hội liên hiệp thuộc địa" ở Pari để tuyên truyền, tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc.

- 1922, Người xuất bản tờ báo "Người cùng khổ" để vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc, góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Sau đó, Người còn tham gia viết bài cho báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, ... đặc biệt là viết tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp".

- 6/1923, Người sang Liên Xô dự Hội nghị quốc tế nông dân và được bầu vào Ban chấp hành. Người vừa làm việc ở QTCS vừa tham gia viết bài cho báo Sự thật, tạp chí Thư tín quốc tế.

- 1924, tại Đại hội QTCS lần thứ V, Người trình bày lập trường, quan điểm của mình về vị trí, chiến lược của cách mạng thuộc địa, về mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và thuộc địa, về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân thuộc địa.

=> Như vậy, trong thời gian này, Người dốc sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta.

- 11/1924, Người về Quảng Châu (Trung Quốc) tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam ở đây.

- 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, nòng cốt là Cộng sản đoàn và cơ quan ngôn luận là tờ báo Thanh niên.

- 1926 - 1929, các tổ chức cơ sở của Hội VNCMTN được xây dựng rộng khắp trong cả nước.

- 1928, Hội VNCMTN chủ trương phong trào "vô sản hóa" đã góp phần thực hiện việc kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thúc đẩy sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

=> Tóm lại, những hoạt động trên của Người đã có tác dụng quyết định trong việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam.

4- Những nét chính về quá trình hình thành ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, ý nghĩa:

- Bối cảnh lịch sử:

+ Thế giới:

• Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V (1924) ra những nghị quyết quan trọng về phong trào cách mạng các nước thuộc địa.

• Cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và sự thất bại của Công xã Quảng Châu (1927) cung cấp những bài học kinh nghiệm về tính hai mặt của giai cấp tư sản và vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cách mạng thuộc địa.

+ Trong nước: Từ 1928 - 1929, phong trào công nông theo con đường cách mạng vô sản phát triển mạnh mẽ trên quy mô rộng lớn, giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập. Trước tình hình đó, Hội VNCMTN không còn đủ sức lãnh đạo nữa, cần phải thành lập một Đảng Cộng sản để tổ chức và lãnh đạo cách mạng đấu tranh giành lấy độc lập và tự do.

- Quá trình hình thành:

+ 5/1929, tại Đại hội lần thứ nhất của Hội VNCMTN họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), đoàn đại biểu Bắc Kì đưa ra đề nghị thành lập Đảng Cộng sản nhưng không được chấp nhận, bèn rút khỏi hội nghị về nước, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cách mạng nước ta ủng hộ chủ trương thành lập Đảng Cộng sản. Đến 17/6/1929, Đông Dương cộng sản đảng được thành lập.

+ 7/1929, các hội viên tiên tiến trong bộ phận Hội VNCMTN ở Trung Quốc và ở Nam Kì cũng đã thành lập An Nam cộng sản đảng.

+ 9/1929, các hội viên tiên tiến của Tân Việt cách mạng đảng cũng tách ra thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn.

- Ý nghĩa lịch sử:

+ Ba tổ chức cộng sản liên tiếp ra đời là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam.

+ Đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.

+ Là bước trực tiếp chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

* Một số câu hỏi và gợi ý trả lời:

1- Nguyên nhân và mục đích của cuộc khai thác lần thứ hai của thực dân Pháp ở Việt Nam? Cuộc khai thác lần thứ hai của thực dân Pháp ở Việt Nam đã làm cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam biến động như thế nào?

=> Gợi ý trả lời: Trình bày sự chuyển biến về kinh tế - xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

2- Tình hình phân hóa xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất như thế nào? Thái độ chính trị và khả năng cách mạng của các giai cấp trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh?

=> Gợi ý trả lời: Trình bày sự chuyển biến về xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

3- Tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng tới cách mạng Việt Nam ra sao?

=> Gợi ý trả lời: Trình bày sự ảnh hưởng của tình hình thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất tới cách mạng Việt Nam.

4- Tại sao lại nói Nguyễn Ai Quốc đã trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời chính đảng vô sản ở Việt Nam?

=> Gợi ý trả lời: Trình bày vai trò của Nguyễn Ai Quốc đối với việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời chính đảng vô sản ở Việt Nam.

5- Những nét chính về quá trình hình thành ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, ý nghĩa lịch sử?

=> Gợi ý trả lời: Trình bày bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành và ý nghĩa lịch sử của sự ra đời ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro