việt nam tham gia c.ư berne

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Việt Nam tham gia Công ước Berne :

Thử thách và cơ hội

Bất kỳ sự tham gia nào cũng có hai mặt : quyền lợi và nghĩa vụ. Các tác phẩm Việt Nam từ nay sẽ được bảo vệ ở VN và trong 156 nước thành viên khác (nước thứ 157 là Bhutan, tham gia sau VN một tháng). Ngược lại, VN có bổn phận phải bảo vệ các tác phẩm các nước này ở VN. Ở mức phát triển hiện nay, dĩ nhiên là đối với VN, nghĩa vụ nặng hơn quyền lợi rất nhiều. Cụ thể nhất là từ ngày 26.10.2004 trở đi, giới văn nghệ sĩ VN không còn được vô tư sao chép, sử dụng các tác phẩm văn học nghệ thuật nước ngoài, mà bắt buộc phải xin phép tác giả và trả phí bản quyền. Chính vì tình trạng sao chép lậu và sử dụng trái phép tràn lan ở VN đã đến mức báo động, và sẽ phải chấm dứt từ nay, các báo chí trong nước đã có nhiều bài giải thích Công ước Berne, phân tích lợi hại của sự tham gia, cảnh báo các hậu quả đối với các nhà phát hành sách, nhạc, các văn nghệ sĩ trong nước, và phản ánh các âu lo của các giới liên can.

Một hậu quả rõ rệt nhất và hay được nhắc đến là sách dịch ở VN sẽ đắt hơn, trong khi giá mọi sách vở nói chung đã tương đối cao so với sức mua của người đọc. Theo Công ty phát hành sách FAHASA thì sách dịch hiện chiếm 40-50 % tổng lượng sách phát hành ở TP Hồ Chí Minh, trong đó sách khoa học, kỹ thuật, tin học và sinh ngữ có tỷ lệ lớn nhất với 70-80 %. Các nhà xuất bản sẽ phải tính toán lại lượng sách dịch cho phù hợp, hạn chế và chọn lọc theo chất lượng. Ngoài ra họ cũng phải học hỏi cách thương lượng, giao dịch với nước ngoài và lập những bộ phận chuyên trách về việc này. Họ cũng lo âu là nếu phí bản quyền quá cao thì số tiền thu vào không đủ để trả chi phí vì ở VN mỗi đầu sách chỉ phát hành khoảng 1000 đến 2000 bản và giá bán không thể định quá cao.

Nhưng lo lắng và kêu ca nhất là các ca sĩ và nhà sản xuất băng đĩa nhạc. Thị trường âm nhạc VN hiện đang tràn lan ca khúc ngoại lời Việt. Theo thống kê của Phòng quản lý nghệ thuật, Sở Văn hoá-Thông tin TP HCM, tỷ lệ nhạc ngoại lời Việt là hơn một nửa cho nhạc trẻ và hơn một phần ba cho tất cả các băng đĩa và ca khúc biểu diễn. Báo Nhân Dân điện tử, ngày 3.11.2004, viết : "Không chỉ "cầm nhầm" tác phẩm của nhau, một số nhạc sĩ VN dù đã được công chúng biết đến, lại muốn đi "con đường tắt" đến với thị trường nhạc trẻ, đã sử dụng ngay những ca khúc đang "ăn khách" của nhạc sĩ nước ngoài, đặt lời mới hoặc sao chép từng đoạn rồi ký tên tác giả. Những ca khúc đó thường rất dễ thu hút sự chú ý của công chúng, được các bạn trẻ yêu thích. Chính điều đó đã tạo nên thói quen "ăn sẵn", lười biếng của một số nhạc sĩ trẻ mới bước vào nghề, làm thui chột năng lực sáng tạo của họ." Khi việc ăn cắp sáng tác của người khác đã thành thói quen và phổ biến như thế, tuân thủ Công ước Berne là không còn được xài của chùa một cách vô tội vạ, mất đi một nguồn lợi lớn, một số ca sĩ, nhạc sĩ VN bấn lên là điều dễ hiểu.

Nhưng VN đã thật sự bắt đầu tuân thủ chưa ? Theo báo Nhân dân điện tử, "nhiều ngày sau khi Công ước có hiệu lực, sách lậu và băng, đĩa lậu vẫn được bày bán tràn lan mà chưa thấy cơ quan nào xử lý". Và theo một bản tin khác trên hcmc.netnam.vn, "Dường như không có gì thay đổi ... thị trường băng đĩa nhạc trong nước dường như vẫn 'bình chân như vại'. 'Sự chuyển đổi này rất khó thấy bởi, một mặt, thị trường VN chưa phải là lớn và, mặt khác, môi trường xã hội VN vẫn chưa quen nhạy cảm với pháp luật quốc tế', một quan chức ở Bộ Văn hoá-Thông tin nói".

Có thể nói vấn đề thực thi các qui định của Công ước là thử thách lớn nhất đối với VN. Không phải chỉ vì trình độ dân trí còn thấp, ít có tinh thần tự giác, kỷ luật và tôn trọng pháp luật, mà còn vì chính bộ máy chính quyền yếu kém và không làm đúng chức năng thông tin, hướng dẫn công chúng. Theo tintucvietnam.com, " Ngày 26.10 Công ước có hiệu lực, thì mãi đến đầu tháng mười Cục NTBD [nghệ thuật biểu diễn] mới thông báo điều này khiến các nhà sản xuất trở tay không kịp". Nhiều bản tin khác nêu rõ các thiếu sót, chậm chạp của các cơ quan thẩm quyền trong vấn đề thông tin đến các nhà xuất bản, các cửa hàng, các văn nghệ sĩ. Những rườm rà nặng nề của bộ máy quan liêu VN cũng là một cản trở lớn và đáng lo khi biết rằng theo Công ước Berne, việc thực thi là trách nhiệm và bổn phận của chính quyền. Khi VN gia nhập WTO, thì trách nhiệm này lại càng to tát vì bất cứ vi phạm từ một cá nhân hay tổ chức tư nhân nào ở VN cũng có thể cho phép tác giả nước ngoài yêu cầu chính quyền của họ kiện chính quyền VN trước WTO, với mọi tốn kém cho vụ kiện và hậu quả tai hại lên quan hệ ngoại thương của VN.

Đây không phải là viễn tượng xa xôi mà là vấn đề cụ thể ngay trước mắt : hiện nay các công ty, tổ chức môi giới kinh doanh bản quyền, của một số nước như Mỹ, Australia, Canada, đã có mặt ở VN và lập quan hệ với các văn phòng luật sư của VN. Ngoài việc môi giới mua và bán bản quyền họ sẽ giám sát việc thực thi bản quyền của các cá nhân, tổ chức VN đối với các tác phẩm của thân chủ họ.

Do đó vấn đề cấp bách VN phải giải quyết là trang bị cho mình những phương tiện để hoàn thành trách nhiệm ấy : thành lập cơ chế hành chính và pháp lý, đào tạo đội ngũ chuyên môn, giáo dục công chúng, ngăn ngừa vi phạm và thi hành các biện pháp xử lý.

Theo ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật, VN đã có nhiều cố gắng trong chiều hướng ấy : phối hợp với WIPO tổ chức các hội thảo, hội nghị tập huấn, cử chuyên gia đi các nước thành viên Công ước để học hỏi kinh nghiệm, thành lập hai trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc và quyền tác giả văn học VN. Trong năm 2005, Trung tâm bản quyền nhiếp ảnh VN sẽ ra đời. Một vấn đề đáng quan tâm khác là phải có những tổ chức chính thống và chuyên nghiệp làm nhiệm vụ môi giới và tư vấn cho các nhà xuất bản sách và nhạc, các dịch giả, trong việc giao dịch ký kết bản quyền với các đối tác nước ngoài.

Nhưng tham gia Công ước Berne cũng mở ra nhiều cơ hội cho VN. Lợi ích đầu tiên, ngoài khả năng còn xa vời là bảo vệ các tác phẩm VN ở nước khác, là trong sạch hoá môi trường văn hoá VN. Nếu VN thực hiện nghiêm chỉnh Công ước, các tệ nạn sao chép lậu chóng muộn cũng phải giảm đi cho đến khi trở thành ngoại lệ chứ không phải thói thường như hiện nay. VN sẽ phải tiến đến một "văn hoá bản quyền", qua đó trình độ dân trí và ý thức pháp luật được nâng cao lên, trong dân chúng và trong cả các giới hữu trách. Dĩ nhiên, ngay cả trong các nước tiên tiến, nơi khái niệm bản quyền đã bắt rễ và được củng cố từ mấy thế kỷ, vẫn còn có những trường hợp vi phạm. Song, đấy là những hành vi cá biệt, bị coi là tội lỗi về cả đạo đức lẫn pháp lý, và tiêu chí chung cho tất cả mọi người là phải tôn trọng sản phẩm trí tuệ của người khác. Để đi từ một xã hội coi việc "luộc" sách, nhái nhạc và đạo văn như "chuyện thường ngày ở huyện" đến một văn hoá bản quyền, gần như phải có cả một cách mạng tư duy. Thực hiện được sự thay đổi sâu rộng ấy cũng góp phần xây dựng một xã hội VN lành mạnh và văn minh hơn.

Trước mắt, việc bảo hộ bản quyền cũng có lợi cho chính các tác giả VN, nạn nhân đầu tiên của tình trạng hỗn loạn hiện nay. Mặt khác, khi không trả nổi phí tác quyền rất cao cho các tác phẩm quốc tế, các nhà phát hành sách, nhạc, sẽ chú ý đến các tác giả trong nước nhiều hơn. Vừa đuợc bảo vệ quyền lợi tốt hơn, vừa có thêm thị trường, các tác giả VN sẽ có thêm hứng khởi để sáng tác. Một trong những mục đích của sở hữu tri thức chính là khuyến khích năng lực sáng tạo.

Một tác động tích cực khác là thị trường sách dịch sẽ có chất lượng hơn. Khi phải trả phí bản quyền, các nhà xuất bản sẽ cân nhắc, chọn lọc hơn. Họ cũng sẽ tìm cách khai thác các tác phẩm đã quá thời gian bảo hộ, những "kinh điển" của văn học thế giới, có giá trị hơn gấp bội các loại sách vô bổ, chạy theo thị hiếu quần chúng hiện nay.

Nhưng quan trọng hơn cả là việc tham gia Công ước Berne đánh dấu một bước tiến mới của VN trong việc hội nhập thế giới và nâng cao hình ảnh của VN đối với bên ngoài. Sở hữu tri thức là một quan tâm hàng đầu đối với nhiều nước, một trong những khúc mắc lớn trong quá trình thương thuyết gia nhập vào WTO của Trung Quốc trước đây và VN hiện nay. Lĩnh vực này càng đóng vai trò thiết yếu khi sự phát triển kinh tế trên thế giới ngày càng dựa vào các hàng hoá và dịch vụ có nội dung tri thức cao. Tham gia Công ước là một tín hiệu tích cực, qua đó VN tỏ thiện chí hội nhập, tuân thủ luật chơi quốc tế, tham gia vào khung pháp lý đa phương và tiến thêm một bước trong việc xây dựng một đất nước pháp quyền. Mọi tiến bộ về các mặt này đều là những dấu hiệu khả quan đối với các nhà đầu tư quốc tế, các bạn hàng ngoại thương, và các đối tác trong mọi quan hệ họp tác nói chung. Song, cam kết là một chuyện, chấp hành nghiêm chỉnh mới là thử thách. Thiện chí phải được chứng minh qua hành động. Làm đuợc điều này sẽ góp phần không nhỏ vào việc củng cố uy tín và vị trí của VN trên thế giới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#fantasy