Lối hành văn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu "le style, c'est l'homme" mà lần đầu tiên Phạm Quỳnh đã dịch ra: "Văn tức là người" là một câu vắn tắt chỉ cốt bày tỏ rằng: mỗi người có một lối văn khắc biệt, không ai giống ai. Tâm hồn nhà văn, ý tưởng cùng sở thích riêng của từng nhà văn không ít thì nhiều cũng biểu lộ ra trong lối hành văn, người đọc có thể nhận được nếu tinh ý.

Những ai đã đọc tất cả các truyện của nhà văn Đỗ Đức Thu từ Vỡ lòng, Nhà bên kia, Ba đứa con đến truyện ngắn mới nhất Cúng cơm đều thấy một giọng đặc biệt "Đỗ Đức Thu" không những về lối hành văn điềm đạm của một người kể chuyện thủ thỉ một cách hóm hỉnh nhưng không bao giờ cười thành tiếng, mà cả đến các nhân vật cùng đều có một vẻ điềm tĩnh, giống nhau ở chỗ rất ít người thông minh, hơi xấu nhưng không xấu hẳn, lúc nào cũng muốn thoát khỏi cái tầm thường nhưng bao giờ cũng là nhân vật tầm thường. Văn Bình Nguyên Lộc (kể những truyện ngắn hay) hơi giống văn Đỗ Đức Thu tuy không gọt giũa bằng, nhưng lại có một lối nói thẳng tuột ra, có lắm đoạn sâu sắc, còn nhân vật cũng phần nhiều là những nhân vật nếu không mộc mạc thô lỗ thì cũng tầm thường trong xã hội. Vũ Khắc Khoan trái lại có một lối văn lanh lẹn, trong sáng, gọt giũa và nhân vật đều có tâm hồn thi sĩ, thông minh, lúc nào cũng như muốn nhoi lên để đi tìm một cái gì cao siêu, vơ vẩn. Đây tôi chỉ đem thiển ý nhận định sơ qua về tính cách hành văn chứ không nói đến chỗ ai hơn ai kém; biết thân cả ba nhà văn đó nên tôi thấy tâm hồn cùng tính tình đều biểu lộ ra lời văn và vì cả ba người đều thành thực nên người sao thì văn như vậy. Đỗ Đức Thu, Bình Nguyên Lộc không thể nào gây dựng được những nhân vật cao thượng "Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" cũng như Vũ Đức Khoan không thể tạo nên những nhân vật "tù lù mù" theo lời ông thường nói giỡn chơi.

Ở các nhà văn ngoại quốc tuy chỉ biết văn, không biết người nhưng lối hành văn của Alphonse Daudet hoặc Anatole France khác lối văn Balzac, Flaubert hoặc Emile Zola và qua văn, ta có thể biết được người. Sự băn khoăn của Tolstoï (nhất là khi ông trở về già) khắc hẳn sự quằn quại bệnh hoạn của Dostoïevsky; lối văn của Tolstoï lúc nào cũng trong sáng giản dị như lời nói thường mà vẫn sâu sắc vô cùng. Lối văn của Dostoïevsky trái lại nặng nề khó hiểu, loanh quanh; nhưng như tôi đã nói ở trên kia có ẩn một thứ gì, không nói đến nhưng người đọc cảm thấy rõ và những cái không nói đến ấy lại chiếu sáng những cái sâu xa của cuộc đời, mở cửa cho mình thấy những cái mình không bao giờ tự hiểu được, mà chính lời nói lại không bao giờ diễn tả nổi.

Nói tóm lại "con người" của nhà văn thế nào cũng biểu lộ ra trong văn, không sao giấu giếm được.

Có lắm người đùa giỡn nhại văn của một văn sĩ khác nhưng chỉ nhại được dài lắm là một truyện ngắn; đấy là lúc nào cũng phải hết sức chú ý.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro