Phần thứ nhất - Nói chung về tiểu thuyết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Những điều lầm lỗi

Trước hết tôi nói về ý định của một người muốn viết một cuốn sách có nghệ thuật cao siêu, bền mãi với thời gian, như những cuốn Hoà bình và chiến tranh, Anna Kha Lệ Ninh, Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn của Tolstoï, cuốn Những linh hồn chết của Gogol, cuốn Mấy anh em Karamazov, cuốn Những người bị ám ảnh của Dostoïevsky, cuốn Đỉnh gió hú của nữ văn hào Anh Emily Brontë, những tiểu thuyết của nữ văn hào Anh G. Eliot v.v... và độ hơn trăm cuốn sách khác, mỗi cuốn một vẻ, nhưng đều là những sách hay của nhân loại, đời đời công nhận.

Đó là lý tưởng muốn noi theo của phần đông những người viết tiểu thuyết. Hoặc có người muốn viết tiểu thuyết loại trinh thám, phiêu lưu v.v... nhưng nghệ thuật của những cuốn đó cũng không khác nghệ thuật của những cuốn kể trên. Bây giờ tôi chỉ nói đến Tiểu thuyết hay (không phân biệt loại gì).

Tôi tự đặt mình vào một địa vị những người muốn viết tiểu thuyết và lần đầu lấy giấy bút ra suy nghĩ.

Người ta định viết để làm gì và viết những gì?
Có người viết để ghi lên giấy một chuyện riêng (thí dụ: câu chuyện tình, một sự nhớ nhung, một cảnh vui vẻ hoặc sầu thảm trong gia đình v.v...)

Có người viết để ghi một câu chuyện nghe thấy hoặc một cảnh nhìn thấy đã làm họ cảm động.

Có người viết để đả đảo một sự bất công, để tán dương một cái gì tốt đẹp, để nêu lên một lý thuyết và đặt ra một câu chuyện để thực hiện ý đó (loại tiểu thuyết này gọi là luận đề tiểu thuyết).

Có người viết chỉ để cám dỗ người đọc, viết những tiểu thuyết có cốt truyện ngoắt ngoéo, những trường hợp éo le ly kỳ, nhiều chỗ bất ngờ, hồi hộp.

Có người viết chỉ thấy mình cần phải viết.
Viết để làm gì, viết về thứ gì, cái đó không quan trọng. Cái quan trọng nhất là viết có hay không, tức là nghệ thuật có cao không (còn thế nào là hay, là nghệ thuật cao, sẽ bàn sau).

Điều rất giản dị này, giản dị gần như là một sự cố nhiên, điều mà tôi đã biết từ khi viết những cuốn sách đầu tiên năm mười sáu, mười bẩy tuổi (cuốn Thôn dã, Hai chị em không hề xuất bản lần nào), điều mà bất cứ văn sĩ hay độc giả nào cũng biết, thế mà sau hơn hai mươi năm viết văn, tôi mới nhận ra và chính tôi đã nhiều lần phạm lỗi không cho sự viết hay là cái chính. Sự lầm lỗi này đa số tiểu thuyết gia có, nhưng trước hết tôi đem tôi ra làm thí dụ:

1. Sự lầm lẫn thứ nhất của tôi là lúc mới viết sách tôi chỉ để ý đến các ý thích của riêng mình.

Tôi thích những truyện về đời riêng của tôi mà tôi thấy rất là lý thú, chỉ việc đem viết lên giấy và viết xong thấy nó hay ngay. Nhưng nếu đưa một người khác xem thì người ấy không thấy hay ở chỗ nào. Tôi đã bị cái tính yêu riêng những việc mình viết nó huyễn hoặc làm hoa mắt, không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay. Tôi đã đứng vào vị trí chủ quan, nghĩ là mình đứng làm chủ mà nhận xét, chứ không đứng vào địa vị khách quan, nghĩa là mình biến thành một người khách đứng ngoài nhìn vào bằng con mắt sáng suốt hơn không bị cái yêu cái ghét riêng làm cho thiên vị.

2. Sự lầm lẫn thứ hai là cái thích những câu văn vẻ. Tôi bị ảnh hưởng tai hại của sự học ở nhà trường của văn chương Pháp và của văn chương Tàu hay ta hồi ấy (quãng 1922 - 1930); tôi thích những câu đọc lên nghe êm tai, nhịp nhàng đăng đối (nhưng trống rỗng) thành thử tôi chỉ cốt viết ra những câu như thế và cho ngay là truyện của tôi hay.

Tôi còn nhớ một lần viết truyện Hồng Nương(không xuất bản), tôi viết xong một câu rồi đứng lên, đi đi lại lại trong phòng, trong lòng sung sướng mê man, thỉnh thoảng lại ngừng lại đọc to câu đó lên:

"Hồng Nương! Hồng Nương! Sao đêm nay ta đọc đến tên nàng" và tôi quên cả đi ngủ.

Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi cũng đọc lại nhưng chỉ để tự giễu mình sao một câu như thế lại có thể cho là hay đến mê man.

Ngay đến khi viết truyện đăng báo Phong hoá 1932 - 1933 (năm đó tôi đã hăm bảy, hăm tám tuổi) mà vẫn còn bị câu "văn vẻ" nó quyến rũ.

Thí dụ như câu cuối cùng trong truyện Nắng mới trong rừng xuân: "Đôi bạn tay cầm tay, nhìn nhau yên lặng, trên đầu gió rì rào trong cành thông như tiếng than vãn của buổi chiều". Tuy câu ấy không phải hoàn toàn dở nhưng bây giờ đọc lại tôi vẫn ao ước rằng không có thì hơn, hoặc có nhưng đừng "văn vẻ", "sáo" quá như thế, giản dị hơn như những câu trong các tiểu thuyết sau này của tôi, viết chỉ cốt tả đúng cảm giác, đúng những nhận xét của mình; điều cần không phải là câu văn hay mà ở chỗ cảm giác, nhận xét của mình có gì hay không, đặc biệt không.

Trong cuốn Đôi bạn viết về sau, cũng có đoạn tả một đôi tình nhân và tiếng thông reo đúng như trong truyện Nắng mới trong rừng xuân nhưng giá trị khác hẳn nhau:

"... Dũng vòng hai tay ra phía sau làm gối ngửa mặt nhìn lên. Ánh nắng trên lá thông lóe ra thành những ngôi sao; tiếng thông reo nghe như tiếng bể xa, đều đều không ngớt; Dũng có cái cảm tưởng rằng cái tiếng ấy có từ đời kiếp nào rồi nhưng đến nay còn vương lại âm thầm trong lá thông.

Không nghe tiếng Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng nghiêng mặt quay về phía hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen lánh của Loan. Thấy Dũng bắt gặp mình đương nhìn trộm, Loan vội nhắm mặt lại làm như ngủ; song biết là Dũng đã thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau.

Loan chắc Dũng có ý gì đổi khắc hẳn trước nên mới nhìn nàng như nhìn một người tình nhân mà không tỏ ý ngượng; Loan cũng sinh liều, âu yếm nhìn lại Dũng. Giây phút thần tiên của đôi bạn vẫn yêu nhau từ lâu nhưng lần đầu dám lặng lẽ tỏ ra cho nhau biết.

Dũng toan mỉm cười với Loan vì trông vẻ mặt Loan, chàng đoán Loan cũng sắp mỉm cười đáp lại chàng. Nhưng sợ lộ quá, Dũng với một lá cỏ, mím môi nhấm ngọn lá.

Tình yêu hai người vẫn đã có từ trước nhưng sao cái phút đầu tiên tỏ ra cho nhau biết ấy lại quan trọng đến thế; không có gì cả mà sao Dũng lại như vừa thấy một sự thay đổi to tát trong đời, hình như tấm ái tình của chàng với Loan chỉ mới có thực, bắt đầu từ phút vừa qua.

Quả tim chàng đập mạnh nhưng lòng chàng thốt nhiên êm tĩnh lạ thường. Quãng trời ở giữa chàng và Loan hình như không có màu nữa, cao lên và rộng mênh mông; chắc không bao giờ Dũng quên được hình dáng một đám mây trắng, ngay lúc đó, đương thong thả bay ngang qua, một sự hiển hiện sáng đẹp, linh động trôi êm nhẹ trong sự yên tĩnh của bầu trời và của lòng chàng.

Loan nói:

- Anh yên lặng mà nghe tiếng thông reo... Anh có nghe thấy không?

Dũng đáp:

- Từ nãy tôi vẫn nghe và nghe rõ lắm".

Một hôm tôi nghĩ ra một cách đem hết cả những câu văn vẻ của tôi và những câu văn vẻ khác dịch ra chữ Pháp, tôi thấy chúng chỉ là những câu rất tầm thường; tôi lại lấy những chỗ nhận xét tinh vi, viết giản dị đem dịch ra thì cái hay của nó vẫn còn. Việc thử cỏn con này đã cho tôi một kết quả khá lớn lao vì nhờ nó mà tôi đã có một quan niệm về nghệ thuật tiểu thuyết.

Tôi sẽ bày tỏ thêm ở một chỗ khác.

3. Sự lẫm lẫn thứ ba của tôi là tôi đã viết những truyện quyến rũ người đọc; thực ra ở đây là một sự lầm cố ý vì lúc đó tôi lại là Giám đốc tờ Phong hoá,cần phải viết những truyện ngoắt ngoéo, ly kỳ cảm động vừa tầm hiểu của độc giả, rồi sau khi đã được lòng tin sẽ đưa dần họ đến chỗ hiểu những sách có nghệ thuật cao hơn. (Đoạn tuyệt đã lợi ích cho sự chú ý và hiểu biết Đôi bạn, Bướm trắng). Đây là thời kỳ tôi viết những truyện ngắn: Giết chồng báo thù chồng, Tháng ngày qua, Nước chảy đôi dòng, v.v... và Khái Hưng viết những truyện ngắn tâm lý nông nổi nhưng cảm động dễ hiểu và rất ly kỳ về cốt truyện. Tôi vẫn biết một cuốn được nhiều người hoan nghênh không phải tất nhiên là một cuốn sách nghệ thuật cao, trái lại thế, chín phần mười những sách hay của nhân loại thường chỉ có một số người thưởng thức lúc đầu - Có lắm cuốn được người đương thời hâm mộ nhưng chỉ năm mười năm sau không còn ai biết đến nó nữa. Sách của Emily Brontë xuất bản đã hơn trăm năm trước, đến giờ vẫn còn người đọc và thấy hay, mặc dầu lúc mới xuất bản rất ít người thưởng thức.

Nhưng lúc đó, trong người tôi, nhà làm báo át cả nhà viết văn.

4. Điều thứ tư là tôi đã để cái ý định dùng tiểu thuyết làm một việc gì (viết luận đề tiểu thuyết) lên trên cái ý định viết một cuốn tiểu thuyết hay (xin nhớ rõ là tôi không nói tới sự lầm về viết luận đề tiểu thuyết). Viết luận đề tiểu thuyết nghĩa là viết tiểu thuyết để nêu lên một lý thuyết, để tán dương, tuyên truyền một cái gì tác giả cho là tốt đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa, viết tiểu thuyết để phụng sự, để chứng tỏ một cái gì đó, vấn đề này đã làm cho rất nhiều người bàn cãi, tôi sẽ nói rõ hơn ở một chỗ khác.

Đây là cái lầm lớn nhất trong đời văn sĩ của tôi; luận đề tiểu thuyết của tôi có cuốn Đoạn tuyệt, Hai vẻ đẹp, Lạnh lùng (và ít nhiều truyện ngắn). Sự hoan nghênh những truyện đó, nhất là Đoạn tuyệt, những lời khen ngợi của các nhà phê bình đã làm cho tôi sau này khó chịu một cách thành thực.

Tôi khó chịu không phải vì đã viết tiểu thuyết luận đề mà chính vì cái sai lầm thứ tư này nó đã làm cho tôi viết hai cuốn Đoạn tuyệt Hai vẻ đẹp (kể cả Lạnh lùng nữa) kém hay. Nếu tôi có cái ý định chính viết hay đã thì hai truyện ấy cũng vẫn là hai truyện luận đề, cốt truyện có lẽ cũng vẫn thế, nhưng tôi sẽ tìm kiếm nhiều chi tiết hay [1] hơn, cố viết cho đúng tâm lý hơn, cho những nhân vật linh hoạt hơn. Sau hai mươi năm, giở Đoạn tuyệt đọc lại tôi thấy chỉ có một vài đoạn tả mẹ chồng, nàng dâu có đôi chút giá trị, còn những cái về xung đột mới cũ (ý định chính của tôi) như việc Loan dọn nhà đi không đem bát hương, Loan đẻ con trai, lời cãi của trạng sư v.v... thì đến nay chẳng còn gì là hay nữa.

Về cuốn Lạnh lùng (tuy nghệ thuật cao hơn Đoạn tuyệt) nhưng còn bao chi tiết về tâm hồn một người goá trẻ, khao khát yêu đương v.v... tôi đã bỏ qua, không chịu tìm kiếm thêm. Độ ấy tôi chỉ coi nhân vật như những quân cờ để đánh một ván bài, họ không phải là cái chính và chỉ dùng những chi tiết nào lợi cho cái ý chứng tỏ của mình không theo sát cuộc đời thực là mục đích chính của tiểu thuyết mà đổi cuộc đời thực đi để lại cho luận đề của mình.

5. Sự lầm lẫn thứ năm là viết văn một cách cầu kỳ (nhưng cũng may tôi không phạm sự lầm lỗi này và cả những lầm lỗi sau đây nữa).

6. Sự lầm lỗi thứ sáu là cho tiểu thuyết gia là một người nghĩ cách giải quyết một vấn đề.

7. Sự lầm lỗi thứ bảy là viết tiểu thuyết để "làm luân lý".

Tóm lại mấy sự sai lầm chính:

1. Để cái thích riêng của mình nó huyễn hoặc, làm hoa mắt không nghĩ đến sự tìm tòi cái hay thực.

2. Để câu văn trống rỗng nhưng du dương, hoặc cầu kỳ nó quyến rũ mình (sau sẽ nói thêm về văn chương trong tiểu thuyết).

3. Để cái ý định viết hay xuống dưới cái ý định để làm gì, viết về thứ gì, (viết về nghị luận, triết lý v.v... thì cố nhiên là mình viết để làm một cái gì rồi nhưng tiểu thuyết nó có mục đích của nó, sau này nói rõ thêm).

4. Để nêu một cách giải quyết một vấn đề gì. Sự lầm lẫn tiểu thuyết với cuốn sách giảng giải một tính đố thật là vô lý, nhưng lại có những nhà phê bình vẫn lầm lẫn, và lại có báo đem đăng lên thực là vô lý nữa (đây là đem xếp đặt cốt truyện để giải quyết chứ không phải kể đời thật rồi tự nó, nó bày tỏ một cái gì). Tôi nhớ có đọc được một nhà văn (mà tôi quên mất tên) phê bình trên báo Cải tạo(xuất bản ở Hà Nội) cho ngay một cuốn tiểu thuyết là hay, là có giá trị vì câu chuyện đã giải quyết được một vấn đề một cách đẹp đẽ. Truyện một người vướng vít với vợ con rồi giải quyết nỗi khổ trong gia đình bằng cách đăng lính phục vụ quốc gia. Truyện ấy viết rất dở nhưng nhà phê bình kia cho nó là hay, là xây dựng, là lành mạnh! Đấy chỉ có thể là một bài tuyên truyền người ta vào quân đội (dùng thể thức tiểu thuyết cũng như các bài dạy người ta cách tránh nạn xe hơi dùng thể thức thơ lục bát) không để gọi là một tiểu thuyết hay được.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro