Vĩnh viễn là không có vĩnh viễn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bố tôi vẫn thường hay nói:
"Bố đẹp trai như Đan Trường, mày không tin, không phải con gái bố."

Bố có mái tóc bồng bềnh, người bố nhỏ bé nhưng thư sinh. Bố thường chạy con xe honda bể bét nhè thời thập cổ lai hy đi ngang dọc cả huyện lị để phun thuốc trừ bọ gậy cho hội "Chữ Thập Đỏ".

Bố tôi là người rất hay nói đùa, có lần ông vừa cười vừa bảo: "Mẹ mày thấy bố đẹp trai, nên bẫy bố, ai dè bố trúng độc đắt lỡ ra mày."

Ngày tôi sinh ra, bố kể mẹ bị hẹp xương chậu, cố rặn mãi vẫn không thò nổi đầu tôi ra. Bác sĩ đành phải rạch tầng sinh môn lôi tôi ra. Ra rồi bố mới biết tí thì tôi chết vì bị ba vòng rau quấn quanh cổ. Kể ra mạng cũng lớn phết, ông trời không cho chết dễ như thế đâu.

Sau khi sinh, mẹ tôi yếu quá không đủ sữa cho con, bố bế tôi dọc hành lang trong viện xin sữa. Nhưng thời đó khan hiếm tài nguyên, đến cả sữa mẹ cũng không có, các bà bầu lắc đầu che ngực như một hành động tự bảo vệ mình. Sau cùng bố chỉ còn cách đưa mẹ con tôi về nhà bà ngoại xin sữa của cô hàng xóm, cô có đứa con gái sinh trước tôi năm tháng.

Đưa về không bao lâu thì mẹ bị băng huyết. Máu trào ra như tuôn theo từng nhịp co thắt của tử cung. Cả nhà hoảng hốt, rối rắm hết cả lên. Cậu tôi phi ngay con xe cào cào chạy lên tỉnh tìm bố. Bố về đến nơi, mẹ đã tím tái mặt mày đứng giữa đống máu, khép chặt hai đùi, tưởng như làm thế có thể khiến máu ngừng chảy, tiếp sau đó lại nhìn bố nấc lên từng hồi "Cứu em với!".

Mọi người đặt mẹ lên chiếc chăn bông, khiêng đến trạm xá xã. Máu nhuộm chiếc chăn thành một màu loang lỗ. Mùi máu tanh, rất tanh! Y tá ở trạm xá nói rằng "Bệnh nhân tim to, bơm nhiều máu, không chết ngay được đâu. Lên tuyến tỉnh đi."

Gia đình lại lóc cóc lên tỉnh. Ngày đó, vượt 5 km lên tới tỉnh là cả một vấn đề. Bố nói, khắp nơi đều là máu, y tá đã nhét bông nhưng không cầm được máu, không có tiền, không có thuốc, không có bác sĩ. Y tá nói "Chị nhà được chuẩn đoán do sót rau, nên gây băng huyết, bây giờ phải nạo. Gia đình chuẩn bị tiền làm thủ tục."

Mồ hôi bố thấm ướt áo sơ mi. Không có tiền thì không giữ được mạng người. Bố đẩy tôi cho bà ngoại bế, chạy ngay về tòa soạn báo lấy tiền nhuận bút. Bố nói "Bố có 5 nghìn đồng nhuận bút để dành, lấy được rồi mẹ con sống thêm được một chút." Mọi người hiểu năm ngàn này với bố tôi là cái khoảng tiền thế nào rồi đó, nhưng tôi hiểu lúc ấy tiền của ông so với mẹ chẳng là gì cả. Chỉ cần bà ấy khỏe mạnh là đủ.

Trớ trêu là cô kế toán đi chợ không có ở cơ quan, không có chìa khóa két tủ. Bố chỉ còn cách ngồi chợ trước thềm tòa soạn. Đợi thêm một giây, mẹ mất thêm một giọt máu, đợi mãi, đợi mãi,... Thế mà đợi cả tiếng đồng hồ. Khi cô về, cô cẩn thận mang cho bố một xập tiền 500 đồng vừa đỏ vừa thơm. Cô bảo: "Tôi quý chú lắm mới dành cho chú tiền mới đấy."

Tiền mang về đến nơi, y tá cũng lập tức thực hiện tiểu phẫu, nhưng nạo rồi, kiểm tra tới lui, máu vẫn chảy. Mẹ bắt đầu mất ý thức. Bác gái tôi ở nhà, mang chiếc chăn nhuộm đầy máu của mẹ tôi ra sông giặc, máu nhuộm đỏ một khúc sông. Đến bây giờ, sau bao nhiêu năm, bác kể lại rằng khi đó thực sự mọi người đã từ bỏ hy vọng rồi. Tôi không hình dung được bố đã hoảng loạn như nào. Nhưng cho đến hai mươi năm sau, giọng bố vẫn run run, lại chậc chậc vừa nói vừa lắc đầu.

Bố bảo: "Bà ấy đẻ mày ra tao chết nửa đời người!"

Vì quá tuyệt vọng, bố thẫn thờ đi dọc xuống hành lang bệnh viện, lại bỗng tình cờ gặp cô giáo bộ môn dạy bố tại trường Y. Cô giáo thấy vẻ tím tái của bố mới chặn lại hỏi chuyện. Bố mếu máo rằng: "Cô ơi vợ em sắp chết!"

Tôi không biết các bạn sẽ nghĩ gì, nhưng tôi luôn tin vào số phận. Trên đời này làm gì có nhiều sự tình cờ đến thế, việc bố vì tuyệt vọng mà rời bỏ phòng bệnh đi lang thang là một sự sắp đặt, việc gặp lại cô giáo cũng là một sự sắp đặt. Cô giáo vội vàng gọi bác sĩ, trực tiếp vào phòng cấp cứu xem xét tình hình. Cô nói không phải sót rau, đây là do khi rạch tầng sinh môn đã không cẩn thận cắt vào một động mạch rất nhỏ, chỉ cần một vài thủ thuật là ổn. Cô ấy là cứu tinh của cả gia đình tôi, nhưng chưa bao giờ tôi gặp cô. Bố bảo bây giờ cả gia đình cô sang Mỹ định cư rồi. Trên đời này, người đến người đi, nếu không kịp trân trọng hiện tại, ngoảnh lại đã không còn gặp nhau được nữa. Nên lòng tốt không phải để truyền qua lại, lòng tốt để truyền từ người này sang người kia. "Thay vì tìm cô ấy để cám ơn, thà con dùng lòng tốt giúp người khác!" Thế rồi, kinh qua bao gian khổ, bao sóng gió, chuyện hết yêu, vẫn là hết yêu. Đôi khi nhìn lại tấm ảnh cưới của bố mẹ, tôi không thể tưởng tượng được có một ngày hai người lại bình thản ngồi đối diện nhau kể lại chuyện cũ với vẻ lạnh lùng của những người ngang qua đời nhau. Đủ duyên thì tụ, hết duyên thì tán. Vẻ bàng hoàng vẫn còn trong mắt bố mỗi khi nhắc lại chuyện năm ấy. Vẻ yêu thương cũng còn hiện hữu khi nhớ đến dáng vẻ của mẹ thuở đôi mươi. Nhưng khi hai người kí vào đơn li hôn, bố nói "Âu cũng là số phận!". Tôi tin vào số phận, nhưng tôi càng tin vào tình yêu của con người. Tình yêu không phải sự tham lam hay ích kỷ. Bởi vì con người không phải thú vật. Nhưng tình yêu luôn có thời hạn, hết yêu là hết yêu, mọi lí do, đều chỉ là sự lấp liếm cho việc đã không còn tình cảm. Tình yêu không thay đổi, mà là con người đổi thay. Rốt cuộc sau bao nhiêu năm, tôi vẫn buồn vì tình yêu của bố mẹ. Nhưng tôi biết, kết tinh tình yêu của các cụ, chính là tôi đây. Cho nên tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng trên đời này, chuyện bỗng một ngày thức dậy có người rời bỏ mình sau bao bão giông là chuyện vô cùng bình thường. Như Phan Ý Yên từng nói "Vĩnh viễn là một từ ảo tưởng được sinh ra trong nỗi cô đơn".

11/5/2018

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro