Có chuyến đi dài hơn đất trời và không thể đến nơi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi rời khỏi thế gian vào một ngày đầu mùa đông, khi gió lạnh len lỏi qua khe cửa, giọt nước mắt của anh lăn dài trên má. Anh nắm lấy bàn tay tôi, từng ngón tay đan vào nhau rất chặt. Nhưng tôi không thể cảm nhận được hơi ấm thân quen ấy nữa. Sương sớm đọng trên gân lá, tì xuống nặng trĩu tựa cõi lòng anh. Tôi biết, chỉ là tôi không thể xoa mái tóc anh để an ủi như mọi khi tôi vẫn làm.

Tôi nhìn thấy tang sự của chính mình diễn ra trong một ngày ngắn ngủi, như lời cuối cùng mà tôi trăn trối với anh và gia đình.

Thân xác của tôi trong kiếp này giờ đã nằm dưới nền đất lạnh, da thịt không còn hồng hào, trái tim chẳng thể thổn thức. Bàn thờ nhỏ kê trong góc nhà nghi ngút hương khói, thỉnh thoảng chị gái và mấy đứa nhỏ sẽ thay hoa, trưng bánh trái cho tôi. Rồi chị lại ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh tôi, khi thì ôm mặt mà khóc.

Chiều nào cũng vậy, Việt Anh ghé qua nhà tôi sau giờ học. Anh thắp cho tôi một một cặp ly đèn, ngậm ngùi đứng đó thật lâu. Đôi mắt Việt Anh long lanh, đẹp lắm, nhưng tôi nghe mọi người bảo đó là mắt buồn.

"Hôm nay lớp đã bắt đầu ôn thi rồi Bình ạ."

Như thường lệ, Việt Anh ngồi tựa dưới gốc cây bồ đề trước sân chùa, nơi mà chúng tôi vẫn thường hẹn nhau học bài ngày trước. Anh vừa ghi chép, vừa khảo lại bài học sáng nay, giống hệt khi xưa anh và tôi vẫn cùng nhau làm bài tập. Việt Anh học giỏi Vật Lý, không thích Tiếng Anh và rất sợ Ngữ Văn. Tôi thì dễ thích nghi với môn Toán, cũng như Việt Anh, tôi không thể chuyên tâm mỗi lần học những môn xã hội.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào năm lớp sáu, khi Việt Anh bị ngã xe ở gần nhà tôi. Anh khóc òa lên, ôm lấy đầu gối máu me sưng tấy. Tôi tình cờ đi ngang, vội vàng sơ cứu cho Việt Anh bằng bông băng, thuốc đỏ mà chị gái vẫn thường để sẵn trong cặp. Kể từ hôm đó, tôi và Việt Anh dìu nhau qua những năm tháng trung học. Tiếc rằng chỉ còn hơn sáu tháng nữa là bước qua chặng đường mới thì tôi lại một mình rẽ hướng, hay là, tôi kết thúc kiếp sống này và mãi mãi để thân xác ở lại tuổi mười bảy.

Tai nạn của tôi đến không quá bất ngờ, vì trước ngày rời khỏi nơi đây, tôi như được báo hiệu. Còn nhớ hôm đó tôi rủ Việt Anh đi mua kem, đèo nhau qua cánh đồng trên chiếc xe đạp, tận hưởng những giây phút cuối cùng của đời người.

Chẳng biết vì sao mà lúc ấy, tôi cảm nhận được nỗi đau chia lìa khi bàn tay tôi chạm lên mái tóc Việt Anh, len lỏi qua vạt áo sơ mi và ôm anh thật chặt từ phía sau, mặc cho Việt Anh cười khúc khích bảo hôm nay tôi dạn dĩ thế, vì từ trước đến nay tôi đều rụt rè trong việc bày tỏ tình cảm của chính mình. Việt Anh thì khác, yêu ghét rõ ràng, cởi mở, sẵn sàng bỏ qua ánh nhìn của người khác để ôm tôi vào lòng mỗi khi tôi gặp chuyện buồn. Việt Anh hành xử có chút bốc đồng, tình cảm nhiều hơn lý trí. Những lúc như vậy, anh sẽ cười xòa và nói: "Do anh là người giàu tình cảm đấy!"

Chính cái "giàu tình cảm" này của Việt Anh khiến tôi lo lắng nhất. Tôi sợ anh sẽ vùi đầu vào chăn mỗi đêm, để nước mắt ướt đẫm trên gối khi nhớ về tôi. Mà thật vậy. Kể từ ngày tôi rời khỏi, Việt Anh ngày một rệu rã. Tôi muốn đi vào giấc mơ của anh nhưng sợ anh chìm đắm vào đó rồi bỏ quên thực tại. Lời cuối cùng tôi nói với Việt Anh trong bệnh viện, có lẽ Việt Anh sẽ phải mất một khoảng thời gian để bình tĩnh lại thì mới có thể nhớ đến mà làm theo.

Dưới gốc bồ đề, nước mắt của Việt Anh lăn dài trên má, rơi xuống trang giấy mà ngày trước tôi đã nghịch ngợm vẽ vào. Liệu tôi có nên tự trách mình không, khi đã để lại quá nhiều dấu ấn trong cuộc đời Việt Anh? Chúng tôi từng vui vẻ trong khoảng thời gian ấy, để bây giờ nó biến thành khổ đau cho Việt Anh. Thế thì phải chăng từ đầu tôi không nên xuất hiện, nếu vậy sẽ không có khổ đau, nhưng cũng chẳng tồn tại hạnh phúc. Tôi ngộ ra, dù là tôi hay Việt Anh, hay bất kỳ ai, bất kỳ thứ gì, đều có bắt đầu thì sẽ có kết thúc. Nếu tập trung vào khổ đau thì sẽ chìm đắm trong khổ đau mà không nhận ra những hạnh phúc mình đang có. Tôi bỗng thấy sự may mắn của mình, tôi đã sống hết mình khi còn sống, tôi đã san sẻ niềm vui, nỗi buồn với Việt Anh mà không hề nghĩ đến kết thúc.

Nhưng Việt Anh của tôi thì khác, anh thường hỏi: "Nếu một ngày kia anh biến mất, Bình có buồn không?"

Tôi hồn nhiên lắm, tôi gật đầu đáp lời anh mà không nghĩ gì cả. Tôi không biết làm thế nào để Việt Anh cũng vô tư như tôi, không biết làm thế nào để Việt Anh sống trong hiện tại mà quên đi quá khứ và không lo lắng về tương lai. Bởi từ nhỏ, Việt Anh đã phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi không được ở cùng gia đình. Việt Anh từng nói rằng chính tôi đã khiến anh nguôi ngoai rất nhiều nỗi đau.

Bây giờ, tôi lại trở thành nỗi đau của Việt Anh, khiến vết thương lòng anh lại càng sâu hơn.

Đôi khi tôi ước mình hoàn toàn biến mất, nhưng không thể, dù đã qua đời, tôi vẫn còn tồn tại trong từng tế bào của những người thân yêu. Họ nhớ đến tôi, nghĩ về tôi, giữ lại những món đồ của tôi như một kỷ niệm. Khi không còn ai biết về tôi, khi cái tên Thanh Bình chìm vào quên lãng, thì tôi mới thực sự kết thúc sự tồn tại.

Đôi khi tôi lại mong Việt Anh đừng quên tôi, bởi trong tôi có nỗi lo sợ bị bỏ rơi đã tồn tại từ lúc nào tôi cũng không hay biết, mãi đến bây giờ mới bắt đầu trỗi dậy. Vì những ngày còn sống, tôi chưa từng nghĩ đến cảnh Việt Anh sẽ bỏ lại mảnh ký ức nào đó về tôi. Những bộn bề của hiện tại là quá đủ để tôi dồn tâm trí vào đó, cho đến khi tai nạn xảy ra, ý niệm ấy nảy nở trong khoảnh khắc cuối cùng tôi nhìn thấy bầu trời xanh ngát.

Một ngày nào đó, mọi người sẽ chấp nhận rằng tôi đã lìa xa nhân thế...

Tôi quan sát Việt Anh suốt 49 ngày, không đêm nào anh yên giấc. Ngày thứ 50, tôi không thể nào rời đi. Khước từ lời mời của Người Dẫn Đường, tôi chấp nhận ở lại để học lấy bài học cuối cùng.

Bài học cuối cùng của mỗi linh hồn trong kiếp sống gần nhất sẽ được thực hiện khi họ đang tồn tại, nếu chưa kịp học mà đã chết, họ sẽ có hai lựa chọn. Một là dời sang kiếp sống tiếp theo, tức họ sẽ chuyển hóa sau 49 ngày. Hai là tiếp tục học ở kiếp này, dưới dạng linh hồn, với mức độ khác. Bởi trang giấy trắng sẽ dễ ghi chép hơn một trang giấy đã viết đầy.

Tôi thì không cho rằng như vậy, tôi biết mình chưa thể yên lòng, dù bài học cuối cùng có là gì đi chăng nữa. Vậy thì có đầu thai hay không, tôi cũng chẳng thể nào học được. Tôi chọn ở lại để dõi theo những người mà tôi yêu thương, hoặc đó chỉ là lý do để tôi được ôm lấy nỗi nhớ nhung của Việt Anh thêm ít lâu nữa. Tôi không biết mình có làm đúng hay không, dẫu sao tôi cũng chưa hề bước vào tâm trí Việt Anh kể từ khi tôi qua đời, và tôi hứa với Người Dẫn Đường rằng kể từ nay sẽ không để bất kỳ ai nhìn thấy mình.

Tôi bắt đầu theo chân những người thân yêu của tôi mà không cho họ biết, nhìn họ thay đổi từng ngày.

Cháu trai tôi lớn lên, đi học, còn biết giúp đỡ bạn bè. Chị gái tôi kinh doanh phát đạt, anh chị mua được chiếc ô tô như họ vẫn thầm ao ước bấy lâu. Còn Việt Anh, tôi thấy anh từ học sinh trở thành sinh viên, rồi ra trường, rồi từng bước trở thành kỹ sư, xứng đáng với những nỗ lực của anh suốt thời đi học.

Dù đã hứa sẽ không xuất hiện, nhưng tôi không thể khoanh tay đứng nhìn đứa cháu trai nghịch ngợm nhảy xuống cái ao sau nhà, không thể không đỡ chị khỏi tai nạn do chiếc xe mất đà, không thể làm ngơ khi Việt Anh chới với trên giàn giáo thi công xây dựng.

Việt Anh ngày càng trưởng thành, ngày càng giỏi giang. Những tưởng anh đã hoàn toàn quên đi nỗi đau cũ. Tôi vừa mừng cho anh, lại vừa buồn cho mình. Nhưng khoảnh khắc tôi nhìn thấy ngày sinh của mình được Việt Anh xăm lên ngực, dù không còn thân xác, tôi vẫn cảm giác như trái tim mình vừa hẫng một nhịp. Giây phút tôi đỡ lấy Việt Anh trên giàn giáo, anh gọi tên tôi, cái tên tưởng chừng đã bị quên lãng.

Hình phạt khi tôi xuất hiện và cứu lấy người thân yêu của mình là họ sẽ phải nhớ tới tôi, một nỗi nhớ sâu sắc hơn bất cứ nỗi nhớ nào. Điều mà tôi không mong muốn nhất là nhìn thấy họ đau buồn vì chính mình, vì tai nạn giao thông kinh hoàng năm đó dẫn đến sự rời đi chóng vánh của tôi khi mới mười bảy tuổi.

Chị gái dẫn cháu đến thắp hương bên mộ tôi, họ khóc nhiều đến mức đôi mắt sưng lên, ôm lấy nấm mồ lạnh lẽo. Tôi biết Việt Anh đang ở gốc bồ đề, anh xoa lên vết khắc trên thân cây, dán lên đó mảnh băng cá nhân giống như năm xưa tôi đã làm. Khi ấy tôi và Việt Anh học lớp bảy, thấy thân cây bồ đề bị rạch một đường, có lẽ do lũ trẻ nghịch ngợm dùng đá khắc lên, tôi đã dán một miếng băng cá nhân lên đó để an ủi gốc bồ đề già.

Tôi ngồi bên cạnh Việt Anh, bất lực nhìn khóe mắt anh ửng đỏ.

Một thời gian sau, những người thân yêu của tôi dần dần ổn định hơn, tôi nghe tin Việt Anh đã bắt đầu đi xem mắt. Chẳng hiểu sao có những người tôi thấy rất được, nhưng Việt Anh lại gạt đi. Anh gặp người nào cũng cười nói vui vẻ nhưng khi về nhà lại tìm cách khước từ.

Việt Anh mãi như thế đến năm ba mươi lăm tuổi, anh nhận con nuôi, là một đứa bé mới vài tháng tuổi được tìm thấy ở gốc bồ đề vào buổi sáng mùa đông. Việt Anh trở thành ông bố đơn thân. Anh mua đủ loại sách nuôi dạy trẻ, thậm chí còn đăng ký học lớp học cho người làm cha mẹ.

Một ngày nọ, Việt Anh bế đứa bé đến bàn trưng di ảnh của tôi: "Đây là chú Bình, là người mà bố dành cả đời để yêu." Ngay lúc ấy, tôi cảm giác rằng anh đã nhìn thấy tôi, anh nở nụ cười, hạnh phúc tràn đầy trong đáy mắt. 

Linh hồn tôi như nhẹ bẫng, tất cả những xúc cảm lơ lửng quanh tôi.

Trước ngày tai nạn xảy ra khoảng hơn một tháng, tôi thường nghe những bài pháp của sư ông Thích Nhất Hạnh. Lúc ấy tôi còn nghĩ, khi tôi mất đi, có lẽ tôi sẽ biến thành mầm cây nào đó ở sân nhà, ngày ngày bảo vệ cho những người thân yêu. Hoặc tôi sẽ làm một đóa bồ công anh, một đám mây, một cơn gió... Bất cứ thứ gì giúp ích được cho đời, cho gia đình, cho cả Việt Anh thân yêu của tôi nữa.

Tôi dặn chị gái hãy mai táng tôi nhanh nhất có thể, dặn anh rể thay tôi chăm sóc chị, dặn Việt Anh...

Bình không rời xa anh, nhưng Bình mong anh hạnh phúc dù cho không có Bình bên cạnh.

Tôi không biết lời này có phải là lời nói dối hay không, bởi chính tôi cũng chẳng rõ mình sẽ còn hiện hữu ở đây bao lâu. Rồi mai sau tôi sẽ đi, sẽ chuyển hóa, lại tìm kiếm chính mình trong một thân xác khác, cuộc đời khác.

Tôi đã hiểu ra.  Tôi không là Thanh Bình, không chỉ ở trong Thanh Bình, cũng chẳng phải cỏ cây hoa lá. Tôi không còn bản ngã, tôi là tất cả, mà cũng là không diệt, không sinh.

___

Có giấc mơ vạn năm vẫn u sầu, chờ bàn tay đến lay

Có tiếng ca là hương ngát trầm, gọi người mê thức dậy

Có chuyến đi dài hơn đất trời và không thể đến nơi

Có tiếng kêu là yên ắng im lìm, là không thể hát về

(Tám chữ có - Lê Cát Trọng Lý)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro