Sleeping beneath the waves

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sông

A VNF fanfic

by @diracsea

-----

Disclaimer

Người viết không sở hữu gì ngoài câu từ.

-----

Warning

Nhân vật chính của fic thường xuyên có những suy nghĩ liên quan đến cái chết. Nếu bạn cũng ở trong tình cảnh tương tự, hoặc dễ vướng vào những suy nghĩ tiêu cực thì ờm, mình mong bạn cân nhắc trước khi đọc chiếc fic này.

Mọi nhân vật đều không đồng nhất với nguyên mẫu ngoài đời. Nếu không thể ghi nhớ điều này, xin bạn hãy ngừng đọc ngay từ đây. Minh cảm ơn nhiều.

-----















































Save yourself
Don't look back
Tearing us apart until it's all gone
The only world I've ever known sleeps beneath the waves
But I'm the one who's drowning
Without your love I am lost
And I can never go back home.

(Evanescence, Never Go Back)

-----





















































Mở

Tay trái tôi bưng một cái khay, trên đó có một ấm trà đã sứt sẹo và một cái chén sứ cũng sứt sẹo không kém. Tay phải tôi cầm chiếc máy tính bảng, cái người ta từng giao cho tôi để ghi lại mọi điều tôi nhớ được. Tôi đến sảnh có mái vòm bằng kính của tàu vũ trụ - giờ đây đã được cải tạo cho rộng rãi hơn một chút so với hồi trước - ngồi tựa lên tường, ngước mắt nhìn bầu trời sao trôi chầm chậm trên đầu. Từ góc này tôi không thể thấy được Mặt trời nữa - chẳng ai ở đây còn thấy được Mặt trời với hướng di chuyển của con tàu hiện nay, mặc dù điều đó có vẻ cũng không làm họ bận tâm nhiều. Tôi thở dài, hớp một ngụm trà, rồi rút cây bút ra, bặm môi lần hồi trong ký ức để tìm một điểm khởi đầu.

Nếu Bình còn ở đây, như cái cách nó và Việt Anh đã từng ngồi cùng tôi dưới chính mái vòm kính này không biết bao nhiêu lần, thằng bé chắc hẳn sẽ biết cần phải kể những chuyện gì. Tất nhiên, Việt Anh sẽ chen vào phá bĩnh không thôi, nhưng cùng nhau, câu chuyện mà chúng tạo nên bao giờ cũng thật đáng để mong đợi. Tôi thì ngược lại, trí óc lúc nào cũng lẫn lộn tù mù, và những dòng tâm tình lộn xộn của tôi thì ngay cả Bình và Việt Anh cũng không thể hiểu hết. Nhưng cả hai đứa, không đứa nào còn bên tôi nữa. Nên tôi phải tự mình kể câu chuyện này. Câu chuyện của chúng tôi. Và đây là cách mà nó bắt đầu.

-----

















































Một

Ngôi nhà của gia đình tôi ở quê cũ nằm cạnh một bờ đê. Buổi đêm vắng lặng, nằm trong nhà có thể nghe được tiếng sóng ngoài sông vọng vào rầm rì. Có một dạo năm tôi khoảng chín tuổi, chẳng vì lý do gì, tôi hay thức dậy lúc nửa đêm, trốn khỏi nhà chạy ra đê ngắm đom đóm. Được một tuần thì Việt Anh, đứa em trai bảy tuổi của tôi, phát hiện ra, ôm chân tôi nằng nặc đòi đi theo. Cứ như thế, trong tiếng sóng rầm rì và tiếng đám côn trùng rả rích, chị em tôi đuổi bắt đom đóm đến mệt nhoài, rồi lăn kềnh ra cỏ ngắm bầu trời sao mùa hạ. Tôi chẳng biết gì về thiên văn cả, nhưng vẫn nhiệt tình đưa tay lên trước mặt, chỉ thằng bé nào chòm Nhân Mã, nào chòm Tiểu Hùng, nào sao Bắc Đẩu, toàn những cái tên tôi chôm chỉa từ cuốn sách khoa học ở thư viện trường. Việt Anh ban đầu còn hào hứng gật đầu lia lịa, nhưng chỉ được một lúc hai mắt nó đã díp lại, và đã không biết bao nhiêu lần chị em tôi trở về nhà trong tình trạng thằng bé đang say ngủ trong vòng tay tôi, đầu gục lên vai tôi.

Thế rồi một đêm nọ, khi hai chị em tôi vừa ra khỏi nhà, Việt Anh không vội vàng đi lên đê như mọi lần, mà chạy vụt vào trong xóm. Tới bên hông một căn nhà có bức tường gạch phủ đầy rêu, em trai tôi dừng lại, kêu một tiếng "meo" hết sức chân thật tới mức ban đầu tôi phải giật mình nhìn quanh xem có con mèo hoang nào vừa chạy qua không. Chẳng hề hẹn trước, từ một hốc tường, một cái bóng nhảy phốc ra, khiến tôi giật mình thêm cái nữa. Không phải mèo, mà là một thằng bé khác, tầm tuổi em trai tôi.

"Ơ, đây là...?" Trong thoáng chốc, tôi không biết nên nói gì hơn một câu hỏi lửng.

Việt Anh vội vàng sán lại khoác vai thằng bé kia, cười hì hì, "Thằng này là thằng Bình. Nó học cùng trường với em. Em rủ nó đi lên đê bắt đom đóm cùng chị em mình đấy."

Miệng thì cười tươi, nhưng trong giọng nói của Việt Anh lại chất đầy lo lắng. Con mèo hoang, à không, là thằng Bình, lấm lét liếc tôi rồi cúi mặt xuống, hai chân di qua di lại trên nền đất một cách bồn chồn, như thể chỉ cần đợi tôi cau mày, nó sẽ bỏ cánh tay thằng Việt Anh khỏi vai nó và chạy vụt về nhà. Theo đúng lý lẽ thông thường, đó là việc một người chị gương mẫu cần phải làm - dung túng cho một đứa đã là quá đủ rồi. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi chỉ quay người bước đi, ngoắc tay ra hiệu cho hai đứa đi theo mình thay cho lời đồng tình. Có thể do nhìn dáng bộ khòng khoeo của Bình tội quá. Hoặc là do ánh mắt cầu xin của em trai tôi, ánh mắt mà chưa một lần nào trong đời tôi nỡ chối từ.

Tôi nghe hai đứa trẻ con vội vàng rảo bước sau lưng tôi và khẽ thở phào nhẹ nhõm.

Có Bình chơi cùng, Việt Anh không bao giờ ngủ gật nữa. Ngoài đi bắt đom đóm về nhờ tôi giữ trong một cái bình thủy tinh cầm theo, hai đứa còn bày ra đủ trò để mà chơi chung với nhau. Có khi là mò vào những bụi cỏ cao bắt châu chấu. Có khi lại đuổi nhau ra tít ngoài mé sông, báo hại tôi phải hớt hải chạy theo lôi chúng nó vào, sợ một trong hai đứa bất cẩn rơi tòm xuống nước. Lại có những khi, ba chị em nằm dài trên cỏ, nhưng lúc này Việt Anh là đứa phụ trách thuyết minh về những chòm sao trên trời, tất nhiên là thuyết minh theo phong cách lôm côm của tôi, chỉ trỏ lung tung, mỗi hôm một kiểu. Xui cho Việt Anh, Bình là đứa nhớ dai khủng khiếp. Mỗi lần Việt Anh chỉ một chòm sao và gọi ra một cái tên khác với hôm trước, Bình sẽ vặc lại "nhưng mà đêm qua mày có gọi cái ngôi sao đó là sao Cận Tinh đâu, mày gọi là sao Thiên Lang cơ mà." Ban đầu Việt Anh chỉ phớt lờ thằng bạn mình, nhưng sau vài lần đang hăng say nói mà cứ liên tục bị Bình nhảy vào họng, Việt Anh cũng sẽ nổi khùng, "nhưng bố mày cứ thích gọi nó là sao Cận Tinh đấy, thích ý kiến ý cò không?" Hai đứa cứ thế chí chóe mãi, từ lúc còn ở ngoài đê tới tận khi về đến nhà.

-----

Đến lúc cả hai đứa đã lớn đùng rồi, Bình vẫn còn nhớ dai. Hôm tàu chúng tôi bay ngang qua sao Cận Tinh, thằng bé đang mệt rũ người sau ca trực vẫn tìm đến khều Việt Anh cho bằng được, "Cận Tinh kìa Việt mõm, tao tưởng trước đây mày bảo sao này nằm ở hướng đối diện, bốn trăm năm mới đến nơi cơ mà, hóa ra bốn trăm năm qua nhanh thế nhỉ." Đáp lại, Việt Anh chỉ biết xông ra câu cổ Bình, và hai thanh niên lại chí chóe cãi nhau chẳng khác nào ngày còn nhỏ, mặc cho tôi ở bên cạnh cười đến chảy nước mắt.

Ngay cả bây giờ, tôi vẫn không hiểu, hà cớ gì hai đứa lại ở bên nhau lâu đến thế. Nhưng tôi đoán rằng đó không phải là câu hỏi dành cho tôi, để mà tôi có thể đưa ra một lời đáp thỏa đáng cuối cùng.

-----




















































Hai

Bố tôi mất sớm, mất trong một lần đi đò qua sông giữa mùa lũ. Việt Anh khi ấy còn là một đứa bé con ẵm ngửa trên tay, còn tôi mới hơn hai tuổi, chưa kịp cảm nhận nỗi mất mát, cũng chẳng kịp nói với bố một lời từ biệt. Năm tôi mười ba tuổi, mẹ tôi làm ăn xa, đi vắng liên miên, chị em tôi phải tự lo liệu cho nhau ở nhà. Việt Anh, học lớp năm và đang vào cái tuổi ham chơi, không còn bám lấy tôi như ngày nhỏ nữa, cứ tan học là lại rủ thằng Bình và đám bạn trong lớp đi đá bóng. Căn nhà của gia đình tôi vắng bóng người gần như cả ngày, vào các buổi chiều thường chỉ có một mình tôi giữa những gian phòng trống trải.

Điều kiện chẳng thể nào lý tưởng hơn để cho tôi tự vẫn.

Ý định ấy vốn đã đến với tôi từ trước đó rất lâu rồi, trong một lần cùng mẹ và Việt Anh đi đò qua sông. Việt Anh thích thú khua tay xuống nước, khiến cho mẹ phải liên tục nạt thằng bé ngồi im, giữa những câu than thở của bà về con nước mùa mưa năm ấy lên cao chưa từng có trong lịch sử. Tôi ngồi ở một phía đò, mẹ và em trai tôi bên phía còn lại, và bỗng dưng tôi muốn ngả người ra phía sau, để cả thân mình chìm xuống lòng sông sâu thẳm, để những con sóng ôm ấp vỗ về tôi và đưa tôi tới những bến bờ xa lạ. Giọng nói nhẹ nhàng của mẹ, giọng cười trong veo của Việt Anh, những niềm vui và nỗi âu lo rất đỗi bình thường của hai người họ, gia đình tôi, cuộc đời của tôi, thế giới này, đều cách tôi một vực thẳm sâu hun hút. Kể từ ấy, khi tôi tỉnh giấc, và cả khi tôi ngủ, tôi đều thấy đau, và nỗi đau chỉ càng trầm trọng hơn theo năm tháng. Bề ngoài, tôi là một đứa trẻ giỏi giang, ngoan ngoãn. Bên trong, tôi chẳng có gì hết, và tôi chỉ lay lắt chờ đến ngày khoảng chân không mênh mông nuốt trọn lấy mình.

Vậy là một buổi chiều năm mười ba tuổi, tôi xách làn ra khỏi nhà như thể tôi đang đi chợ giống mọi ngày, chỉ khác là trước khi đi tôi giấu dưới gối mình một bức thư tuyệt mệnh. Tôi đi thẳng ra bờ sông, giấu cái làn đi chợ trong một bụi cây rậm rạp và lấy từ trong đó chiếc ba lô nhét đầy đá, rồi chạy lên cầu, tránh cho bản thân khỏi nghĩ ngợi, và nhảy xuống.

Chỉ là, ngay trước khi cơ thể tôi chạm xuống mặt nước, có một tiếng gọi thảm thiết đâm xuyên qua màn sương độc địa trong tâm trí tôi, và cõi lòng tôi, tưởng như đã lặng như tờ, bỗng nhói lên vì cảm xúc đau đớn trong đó:

"Chị Oanhhhhhhhh..."

Dòng nước đỡ lấy tôi, nhưng tôi không cảm thấy tiếng gọi êm ái của nơi trú ngụ giữa những con sóng ấy nữa. Vai tôi nặng trĩu, cái ba lô vẫn dứt khoát kéo tôi xuống mãi xuống mãi. Cảm giác tự do là đây sao? Không, trong những phút tỉnh táo cuối cùng, tôi tự nhủ rằng đây không phải lối thoát mà mình đang tìm kiếm, đây chỉ là một thứ ngục tù khác, nơi tôi tuyệt vọng chẳng thể chạm tới được em trai mình. Và nếu trên đời còn bất cứ một thứ gì khiến tôi muốn được yêu thương che chở, ấy chính là Việt Anh.

Tôi gắng sức giãy giụa tứ chi đã gần như tê cứng, cố thoát khỏi chiếc ba lô. Không rõ là do tôi đang lịm dần, hay là do cơ thể tôi đang bị kéo xuống dưới đáy sông, mà không gian chung quanh tôi tối đi một cách nhanh chóng. Phổi tôi có lẽ đã ngập ngụa nước, và tôi chẳng làm gì được nữa cả.

Khi bừng tỉnh và ho sặc sụa, nôn thốc nôn tháo hàng đống nước lên mặt cỏ trên đê, tôi thấy Việt Anh và Bình đang ngồi bên cạnh. Quần áo tóc tai của cả ba đứa đều sũng nước. Bình còn đang thở hổn hển. Việt Anh đập tay lên lưng tôi, cố ép phổi tôi đẩy ra chỗ nước cuối cùng.

Tôi còn sống. Và hai đứa trẻ đang ngồi bên cạnh tôi đây đã cứu lấy tôi.

Việt Anh không phải là một thằng bé mít ướt. Nó nhỏ người, còi cọc nhưng rắn rỏi vô cùng. Chưa bao giờ tôi thấy nó vòi vĩnh, hay làm nũng mẹ, hay khóc tấm tức kể cả khi bị đánh đòn, bị bạn bè ở trường bắt nạt. Nhưng hôm ấy, sau khi kéo được tôi lên bờ, em trai tôi gục đầu vào lòng tôi và khóc nấc lên, khóc đến run bần bật cả người, khóc như thể chưa bao giờ nó được khóc, cứ nghẹn ngào "chị Oanh còn sống, chị Oanh còn sống" mãi không thôi. Tôi cũng rơi nước mắt, ôm nó vào lòng, và một phút sau thì Bình cũng bò đến để choàng tay ôm lấy cả hai chị em tôi.

Câu chuyện hôm ấy, không một ai biết, và ba đứa tôi không hé răng cho ai nửa lời. Nhưng sau ngày tôi tự vẫn không thành, Việt Anh hầu như không để tôi rời khỏi tầm mắt. Buổi chiều, nó, và thi thoảng có cả Bình, phụ tôi dọn nhà nấu cơm. Hôm nào hai đứa thèm đá bóng quá, chúng nó sẽ nhất định kéo tôi đi theo chứ không bao giờ để tôi ở nhà một mình. Ba chị em tôi đã ở bên nhau như thế, cho tới ngày chúng tôi phải theo đoàn đi sơ tán, xa khỏi ngôi nhà cạnh bờ đê, xa cả những ngày tháng cuối cùng của tuổi thơ mình.

-----

Những giờ phút hiếm hoi cả tôi và Bình cùng không có lịch trực, còn Việt Anh không phải dạy đám trẻ con, ba đứa tôi vẫn thường rủ nhau ra tán phét ở một khoang đặc biệt bên thân tàu, nơi toàn bộ mái vòm đều được lắp bằng kính bảo vệ nhiều lớp, và chúng tôi có thể thư thả nhấp trà trong lúc ngắm bầu trời đầy sao lặng lẽ trôi trên đầu mình. Trừ những lúc bị hai đứa bắt phải kể chuyện, hầu hết thời gian tôi ngồi im lặng mỉm cười nhìn Bình gối đầu lên đùi Việt Anh (hoặc ngược lại!) và kể lại một câu chuyện vui vui một trong hai đứa nghe được, hoặc thấy được, trong ca làm việc của mình. Làm việc trong môi trường đa văn hóa cũng có cái thú, ấy là chúng tôi không bao giờ hết chuyện để kể. Và cũng là may mắn của chúng tôi, khi vẫn được ở bên những người có khả năng lắng nghe và thấu hiểu được những câu chuyện đó.

Thi thoảng, tôi cho phép mình để những lời rầm rì của hai đứa sượt qua tai, ngước mắt nhìn khoảng không bao la vô tận trên đầu. Có phải kỳ dị không, nếu tôi thấy hình ảnh con tàu vũ trụ đang trôi trên sông Ngân mênh mông này cũng giống như con đò năm xưa xuôi dòng sông quê rộng lớn?

-----

























































Ba

Đôi khi, trong những giấc mơ, tôi tưởng như bị thời gian kéo giật lùi trở lại những ngày tháng sống ở khu sơ tán ấy. Tôi thường phải bất ngờ trước những ký ức mà năm giác quan của tôi tìm được, bởi sau chừng ấy năm, tiếng những nhóm người trò chuyện lao xao, mùi mồ hôi lẫn với mùi ẩm mốc, vị của món súp hầm đóng hộp... vẫn dội về trong tâm trí tôi gần như nguyên vẹn.

Ngày những quân nhân ấy đến và đưa chúng tôi rời xa ngôi nhà ở quê cũ vĩnh viễn, mẹ chúng tôi không có nhà. Đồ đạc thiết yếu trong nhà tôi và Việt Anh xếp gọn trong ba túi, đến khi lên đường chỉ được xách theo có một, "mang đủ cho hai đứa thôi, mẹ có nơi khác lo rồi." Chị em tôi đi cùng với gia đình bốn người của Bình, gồm bố mẹ và bà nội đã gần tám mươi tuổi của thằng bé. Trời đã mưa tầm tã suốt mấy ngày, cả đoàn chúng tôi bị nhồi lên một chiếc xe tải, trên đầu phủ tạm một tấm vải bạt. Bình, một đứa vốn chưa từng biết đến cảm giác ngồi ô tô, bị say xe, nôn thốc nôn tháo, rồi lên cơn sốt, ngủ li bì suốt chặng đường hai ngày hai đêm.

Chúng tôi vừa đặt chân tới nơi sơ tán được vài tiếng đồng hồ thì nhận được tin con đê ở quê đã vỡ, và giờ đây ngôi nhà của chúng tôi, cùng với toàn bộ vùng đồng bằng ấy, đã ngập trong nước lũ.

Khu sơ tán nằm trên một cao nguyên, vốn chỉ là một tổ hợp những căn lều trại dựng tạm bợ. Gia đình của Bình và hai chị em tôi được chia một lều nhỏ, dựng trên một khoảng đất chừng chục mét vuông. Tất cả các thành viên, trừ bà của Bình, đều được điều đi lao động. Những người sơ tán thu xếp những khoảnh đất nhỏ, trên đó cố gắng trồng một vài loại rau xanh. Bình và Việt Anh là hai đứa con trai, thường xuyên được giao cho nhiệm vụ cuốc đất, tưới rau, bê vác đồ đạc. Tôi và mẹ của Bình thì được gọi đi nấu nướng, và thi thoảng được dạy cho cách sơ cứu. Bố Bình, dù không muốn, phải đi theo những đoàn xe chở lương thực thực phẩm đi tiếp tế ở các nơi, và chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp được ông, khi ông cùng quân đội chở đồ hộp hoặc những đoàn người mới đến tới khu sơ tán này. Mỗi lần ông về thăm nhà, câu cửa miệng tôi và Việt Anh dành cho ông luôn là, "Chú có nghe ngóng được tin gì về mẹ cháu không?" và lần nào cũng thế, ông đáp lại chúng tôi bằng một cái lắc đầu buồn bã.

Không một ai nói về tương lai, không một ai mở lời, dù chỉ là những câu chuyện vu vơ, về việc ngày mai sẽ thế nào. Ban đêm, năm người chúng tôi nằm co quắp bên nhau trong căn lều hẹp, che chở cho nhau khỏi những cơn gió cao nguyên lạnh buốt, và ba chị em chúng tôi nằm nghe bà nội của Bình kể lại những câu chuyện cũ ở ngôi làng xưa, chuyện thần tiên có, chuyện ma cỏ có, chuyện người thật việc thật cũng có. Chúng tôi náu vào trong những câu chuyện của bà như những đứa trẻ náu vào vòng tay che chở của cha mẹ, đều là vì quá sợ hãi trước bão giông ngoài kia. Bà kể nhiều, kể mãi đến khuya, nhưng thường tôi không nghe được hết, hoặc chỉ nghe trong trạng thái gà gật, sau một ngày lao động mệt nhoài. Trong lúc mơ màng, tôi thấy những hồn ma bóng quế và những con người bằng xương bằng thịt trong những câu chuyện của bà lẫn lộn vào nhau, và hình bóng quê hương trong tâm trí tôi trở thành một thứ gì đó nửa hư nửa thực.

Đông đến, một mùa đông khắc nghiệt chưa từng có trong đời tôi, và có lẽ cả trong đời Việt Anh và Bình nữa. Nhiệt độ xuống thấp tới mức kỷ lục, trong khi mưa vẫn tầm tã rơi, tạo nên một kiểu thời tiết độc hại vô cùng. Rau màu không lên được, mà người chết thì nhiều vô khối. Bà nội của Bình cũng ra đi vào mùa đông ấy, ra đi chỉ sau một tuần mắc chứng viêm phổi. Chúng tôi chôn bà cùng với những người chết khác ở khu đất bên sườn cao nguyên. Lúc ấy nước đã mấp mé ngập khắp vùng bình nguyên bên dưới, và những chuyến xe đã gần như không còn chạy được, chúng tôi phải nhận hàng cứu trợ bằng trực thăng. Có không hề ít những tiếng nói phản đối - chủ yếu là từ những người lớn tuổi - về nơi chôn người chết, bởi vì vị trí nghĩa trang hiện tại, và với tốc độ nước lên ngày một nhanh, nước sẽ tràn vào những huyệt mộ cơ thể người chết còn chưa kịp phân hủy. Họ gợi ý chúng tôi thu bớt lều bạt rồi để dành riêng một khu đất trên cao nguyên để làm mộ phần cho những người đã ra đi. Trong những người ủng hộ ý kiến đó, có bố mẹ của Bình.

"Vô lý đùng đùng," có một lần Việt Anh bực bội nói với tôi như vậy, sau đám tang mà tôi không nhớ là thứ ba hay bốn chục của khu sơ tán, chẳng buồn để tâm đến chuyện thằng Bình đang đứng ngay sát bên cạnh. "Người chết thì đã chết rồi. Người sống thì vẫn phải sống. Tại sao bây giờ người sống còn phải nhường đất cho người chết?"

Tôi liếc sang Bình, hơi ngạc nhiên thấy thằng bé không ừ hử gì, biểu cảm có vẻ đồng tình. Đứng cạnh hai đứa lúc này, tôi mới giật mình nhận ra trong nửa năm qua chúng nó đã cao lên và già dặn đi bao nhiêu. Việt Anh mười ba tuổi, còn Bình tháng sau sẽ tròn mười hai, những nét trẻ thơ trên gương mặt hai đứa đều đã không còn nữa. Thốt nhiên tôi nhớ ra rằng hai đứa còn cả một tuổi thiếu niên dài dằng dặc trước mắt.

Và tôi nghĩ, lẽ ra mọi chuyện không phải thế này. Không phải thế này. Lẽ ra tôi và Việt Anh phải đang ở nhà với mẹ và Bình vẫn đang ở nhà của Bình và hai đứa vẫn sẽ chiều chiều rủ tôi ra sân đá bóng trông dép cho chúng nó chơi. Lẽ ra ba đứa chúng tôi vẫn còn đang đi học, chứ không phải bàn luận về sự ích kỷ của người lớn, và về việc người chết sẽ được chôn ở đâu. Lẽ ra bà của Bình sẽ mất vì tuổi già trên chiếc giường ấm áp, con đàn cháu đống vây quanh, chứ không phải trong giá lạnh rét mướt vì bệnh viêm phổi. Tất cả đều sai, quá sai rồi.

Nhưng nếu hiện thực là sai lầm, tôi biết tìm đâu ra một thế giới khác đúng đắn hơn đây?

-----

Sau những giấc mơ ngược về quá khứ, tôi phải dồn sức hít thở thật đều, cố bắt bản thân bình tâm, hoặc nếu cơn hoảng loạn tệ hơn, tôi sẽ nhấn nút gọi điện khẩn cấp cho Việt Anh và Bình, tuyệt vọng cần được nghe giọng nói của chúng nó. Sẽ luôn là Việt Anh hỏi tôi có cần nó sang với tôi không, trước khi kéo cánh cửa cabin của tôi mở ra, kéo theo cả thằng Bình mặt ngái ngủ đầu tóc bù xù - đằng nào thì cabin của chúng nó cũng chỉ cách chỗ tôi vài bước chân. Ba đứa sẽ chen chúc nhau trên chiếc giường của tôi - vốn là một chuyện tương đối khó khăn với hai thanh niên người dài như hai cây sào - Việt Anh nằm giữa, tôi một bên, Bình một bên. Có hai đứa, như thể có một phép màu, nỗi sợ không còn khiến tôi ngộp thở nữa.

Chúng tôi cho nhau sự bảo vệ. Chúng tôi an ủi lẫn nhau. Dẫu cho cuộc sống ở nơi này có khắc nghiệt đến đâu, chúng tôi vẫn hứa sẽ yêu thương nhau vô điều kiện. Bởi vì sự thực là ngoài nhau ra, chúng tôi chẳng còn ai để tìm đến mà nương náu.

-----
























































Bốn

Mùa đông vừa kết thúc cũng là khi mẹ trở về với chị em tôi trên một chuyến trực thăng tiếp tế, hoàn toàn không báo trước. Lúc ấy tôi cùng Việt Anh và Bình đang vá lại một phần lều bị rách, ngước lên đã thấy mẹ đứng đó, chẳng rõ từ bao giờ. Bình nhìn thấy bà đầu tiên, thằng bé huých Việt Anh, và Việt Anh nghẹn ngào không nói nên lời, lao như bay về phía mẹ. Tôi theo sau, ôm chầm lấy mẹ và em trai. Gần nửa năm chật vật sống mà không có mẹ, tôi tưởng như đã quên mất vòng tay mẹ có thể ngập đầy yêu thương đến mức nào.

Mọi người ở khu, vốn đều biết về hoàn cảnh của gia đình tôi, xúm lại hỏi mẹ khá nhiều, nhưng mẹ nhất định chỉ kể vắn tắt về quãng thời gian mẹ đi. Ban đầu bà sống ở một khu sơ tán tương tự với nơi chúng tôi đang ở, nhưng về sau được điều đến làm công nhân sản xuất đồ hộp ở một nhà máy nằm ở vùng chưa chịu ảnh hưởng của những trận lụt. Những món đồ hộp mà chúng tôi được tiếp tế đến từ những nhà máy như thế.

Khi đám đông đã vãn, bà mới có thời gian ngồi lại với chị em tôi. Bà hết vuốt tóc tôi lại xoa xoa hai má Việt Anh trong khi thằng bé để yên, dù rõ là nó đang ngượng nghịu, bảo rằng con trai mẹ lớn quá rồi, khác hẳn với đứa nhóc mặt búng ra sữa ngày nào. Tôi nghe trong giọng nói của bà run rẩy nỗi xót xa cho thời gian đã mất.

Mẹ hòa nhập với cuộc sống ở khu sơ tán chúng tôi tương đối nhanh. Bất cứ nơi nào cần người, bà sẽ chạy đến giúp. Trời cho bà sức khỏe để bà có thể làm đủ việc nặng, như cái cách bà đã nuôi hai chị em tôi lớn lên. Chúng tôi được cấp lều mới, đồng nghĩa với việc rời xa gia đình Bình, nhưng thằng bé và Việt Anh vẫn gặp nhau bất cứ lúc nào hở ra được.

Mưa vẫn rơi dày đặc hàng ngày và không có dấu hiệu ngớt đi. Chúng tôi vẫn cập nhật tin tức từ thế giới bên ngoài, qua những người phi công chở đồ tiếp tế đến. Tôi không thể không để ý tới những tin đồn về những con tàu vũ trụ sắp sửa sẵn sàng cất cánh. Có những khi tôi ngồi cùng Việt Anh và Bình bên bìa rừng, phóng tầm mắt ra phía bình nguyên giờ đây đã mấp mé nước, và những suy nghĩ lại đến với tôi, rằng hóa ra chúng tôi đã sống bên vực thẳm lâu đến thế mà không nhận ra, rằng những nỗ lực thực ra đã muộn màng từ rất lâu rồi. Tôi cứ nhìn mãi con nước như thế cho đến khi Bình tiến tới kéo tay tôi vào bên trong.

Một ngày không hẹn, ba đứa chúng tôi nhận lệnh điều đi hỗ trợ trực thăng. Tất cả mọi người đều hết sức bất ngờ. Công việc này xưa nay chỉ dành cho những người lớn, như bố của Bình vậy, và không phải ai cũng được chọn.

"Chúng nó là trẻ con mà!" mẹ Bình thốt lên. Nhưng người nhân viên tiếp tế không tỏ vẻ khó chịu.

"Bạn nữ này mười sáu tuổi rồi. Hai bạn nam cũng đã mười ba, mười bốn. Các cháu đều đã ở độ tuổi thiếu niên rồi, và đều có kinh nghiệm làm công tác cứu trợ ở đây. Tình trạng hiện tại thực sự rất khó khăn. Mong ông bà để các cháu đi cùng chúng tôi."

Tôi có thể thấy rõ rằng mọi người đều không vừa lòng, nhưng trước sự khó khăn chung, không ai có thể phản đối. Ngay sau ấy, tôi thấy cả mình, mẹ lẫn Việt Anh đều đang hối hả sửa soạn những món đồ cần thiết để mang theo. Xong xuôi đâu đó, chúng tôi định quay sang nói lời tạm biệt mẹ thì mẹ đột ngột siết chặt cánh tay của hai đứa tôi.

"Mẹ không muốn xa hai đứa chút nào, nhưng đây là chuyện bắt buộc. Công việc của hai đứa sẽ có nhiều rủi ro. Nên là nhớ này, nhớ thật kỹ này, nếu gặp chuyện, hai đứa nhớ phải chạy thật nhanh, nhanh hết sức có thể. Phải luôn biết tự cứu lấy mạng sống của mình. Nói với cả thằng Bình như thế nữa nhé."

Tôi liếc sang Việt Anh, rồi gật đầu kiên định với mẹ. "Vâng, con biết rồi ạ."

Có thể tôi không tự cứu được mình, nhưng với Việt Anh, tôi sẵn sàng đổi lấy tính mạng của bản thân.

Khi ra khỏi lều, tôi thấy Bình đã đứng bên ngoài, xách túi đợi sẵn. Bố mẹ thằng bé ở xa xa, vẫy tay chào. Mẹ hôn lên trán tôi và Việt Anh và cả Bình, rồi giục hai đứa tôi đi kẻo nhân viên tiếp tế họ phải chờ. Vào khoảnh khắc tôi quay lại nhìn mẹ lần cuối, khi chiếc trực thăng đã bay vút lên trời, tôi thấy thân người của bà run rẩy rồi gục xuống đất. Trong giây phút ấy, tất cả mọi chuyện bừng tỏ trong mắt tôi, từ chuyến trở về của mẹ, lệnh triệu tập đột ngột của ba đứa chúng tôi, lời mẹ dặn dò chị em tôi lần cuối. Bên cạnh tôi, Bình và Việt Anh còn đang bận so nhau xem hai đứa mang theo bao nhiêu đồ đạc, món nào thì cần thiết, món nào thì không.

Tôi tự hỏi để giành được cho ba đứa tôi chuyến đi này, bà đã phải đánh đổi những gì.

Tôi không nhớ được nhiều những chuyện sau đó. Mọi thứ chúng tôi chỉ nhất nhất làm theo lời của người nhân viên tiếp tế đã tới đón chúng tôi, người mà sau này tôi cố gắng tìm gặp lại cốt để nói lời cảm tạ, nhưng không tài nào tìm được. Chúng tôi được trực thăng đưa đến một cao nguyên xa lạ, rồi ngồi chen chúc trên không chỉ một chuyến xe tải chạy theo những con đường đèo vòng vèo đến một nơi còn xa lạ hơn. Lúc nào cũng phải có người để ý xung quanh, vậy nên ba chị em tôi phải chia nhau ra, cứ hai người thức thì một người ngủ. Tôi không nhớ chuyến đi ấy kéo dài bao lâu - Bình nói là hai mươi ngày, nhưng tôi có cảm giác dài hơn thế rất nhiều.

Quãng vài cây số cuối cùng thực sự là ác mộng. Đường tắc, xe cộ không thể chạy, tất cả mọi người ùa xuống xe, lao vào dòng người đang hướng về con tàu vũ trụ duy nhất trong khu vực này. Tôi sẽ chọn quên đi những phút ấy, nếu có thể, nhưng đôi khi tiềm thức vẫn nhắc nhở tôi về nó. Toàn bộ sức mạnh của tôi khi ấy chỉ tập trung vào hai điều duy nhất: một là, hướng về phía một trong những cửa tàu đang mở, hai là, giữ thật chặt tay Việt Anh và tay Bình, không để chúng nó rời ra. Dòng người hung hãn, xô đẩy và cố gắng nhấn chìm tôi xuống, và trong thoáng chốc tôi thấy mình trở lại dòng sông ngày nào, ba lô đầy đá đeo trên vai kéo tôi mãi xuống đáy sông. Giữa những tiếng la hét khủng khiếp, tôi nghe bên tai tiếng Bình lẩm bẩm, "đi nhanh, đi nhanh, đi nhanh..." và tôi lại ép bản thân mình phải tiến về phía trước, mặc dù buông tay hai đứa ra và để mặc bản thân bị nhấn chìm dường như là một lựa chọn êm ái hơn nhiều.

-----

Một lần hiếm hoi khi ba chị em tôi nằm chen chúc nhau trên chiếc giường trong cabin bé xíu của tôi, tôi thú nhận với hai đứa rằng, sau tất cả những chuyện đã trải qua, tôi vẫn có những buổi sáng hoàn - toàn - trống - rỗng, khi tôi không tìm được một động lực nào để thức dậy, hay thậm chí để làm những việc đơn giản như xuống khỏi chiếc giường của mình, rửa mặt, đánh răng, chải lại đầu tóc. Việt Anh lắng nghe chăm chú trong suốt lúc tôi kể chuyện, và rồi khi câu chuyện đi tới hồi kết, nó im lặng một chút, rồi hỏi nhẹ:

"Sao bây giờ chị mới nói cho em?"

Tôi ngừng lại, nhưng những lý do cho sự lần lữa suốt bao năm qua của tôi hoặc quá đơn giản đến mức không thể tin được, hoặc quá phức tạp đến mức tôi không cách nào nói ra. Cuối cùng, tôi chỉ nhún vai, "Có vẻ việc đó không phù hợp cho lắm."

Việt Anh cau mày. "Em rất tiếc vì chị phải trải qua những chuyện đó. Chị nói thế thực sự em rất buồn. Nhưng cái quan trọng chị phải nhớ là, chuyện của chúng mình nào có ai trên đời này trải qua và thấu hiểu. Chị phải mở lòng với mọi người. Với bọn em. Có khó khăn gì phải nói ra thì người ta mới giúp được. Chị phải nhớ rằng chúng em yêu chị vô điều kiện. Mỗi lần gặp chuyện buồn, em lại nghĩ rằng, mình phải sống vì chị và vì Bình. Cuộc sống dù diễn ra như thế nào thì vẫn luôn có những thử thách, và nghĩ đến hai người là cách mà em vượt qua."

Im lặng một thoáng. Thế rồi, Bình nằm bên cạnh thốt lên, "Mày dài dòng văn tự vãi."

"Mày im đi không được hả Bình?" Việt Anh vặc lại vẻ cáu kỉnh. Nhưng rồi nó lại đưa tay vò vò mớ tóc của Bình, và âu yếm hôn lên trán thằng bé.

"Ôi thôi nào hai đứa ơi, chị còn ở đây mà." Tôi kêu lên ngán ngẩm. Việt Anh thu tay về, nhưng chúng nó vẫn cười hì hì với nhau, mặt nhơn nhơn, chẳng tỏ vẻ ngượng ngùng gì cả. Khi tiếng cười lắng xuống, Bình chống tay ngồi dậy, nói với tôi.

"Thằng Việt Anh rất thích dài dòng, nhưng lại luôn bỏ qua điều quan trọng nhất. Với em những ngày này, được ở bên hai chị em chị là điều xứng đáng mọi sự đánh đổi trong quá khứ. Chị có thể chọn nghĩ theo hướng như vậy."

"Ừ nhỉ, tao quên béng mất ý đó." Việt Anh xụ mặt.

Trong giấc mơ của tôi hôm ấy, những hồn ma im ắng lạ lùng.

-----






























































Năm

Cuộc sống những ngày đầu trên tàu tương đối lộn xộn. Chưa được sắp xếp chỗ, chúng tôi phải ngủ vạ vật trên sàn tàu, hoặc trong những sảnh lớn tập thể chứa đầy người như chúng tôi. Nhưng rồi mọi thứ dần đi vào ổn định, nhanh chóng hơn tôi tưởng. Người ta nhận ra rằng ba đứa chúng tôi tương đối tháo vát, và chúng tôi được học việc trong những khu vực khác nhau trên tàu, tôi làm ở bộ phận y tế, với công việc có lẽ gần giống một y tá ở nhà, Bình được đẩy sang làm công nhân kỹ thuật, còn Việt Anh, nhờ khả năng giao tiếp tương đối tốt, được giao dạy dỗ đám trẻ, một công việc mà ngày còn ở nhà chắc hẳn nó không bao giờ nghĩ tới. Ba nhiệm vụ khác nhau, làm vào những khung giờ khác nhau khiến chúng tôi hiếm khi còn được gặp nhau nhiều như trước nữa.

Ngày còn ở nhà, tuy không phải bao giờ cũng nhớ ngày tháng một cách chính xác, tôi luôn có một cảm giác rõ ràng về dòng thời gian đang trôi. Ở ngoài vũ trụ, mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Ở sảnh lớn nhất của con tàu, nơi chúng tôi thỉnh thoảng tập trung ăn uống, xem phim và nghe thông báo, có một màn hình đếm giờ khổng lồ, nơi mỗi giây trôi qua trên Trái Đất đều được ghi lại. Tôi không rõ làm việc ấy để làm gì, ngoài để nhắc nhở rằng chúng tôi đã đi xa nơi ấy biết bao.

Nhưng nói gì thì nói, chúng tôi vẫn dùng chiếc đồng hồ đó để điểm lại dấu mốc trong cuộc đời mình. Vài ngày sau khi tôi tròn mười tám tuổi, tôi có được một chân làm y tá chính thức ở bộ phận y tế, nhờ đó không phải ở chung với hai cô bé khác mà được cấp riêng một cabin, dẫu có nhỏ xíu. Mười bảy tuổi, Việt Anh cũng làm được điều tương tự trong công việc của mình. Bình vẫn kiên trì học việc - công việc của nó vất vả hơn nhiều và phải học nhiều hơn hai chị em tôi, nhưng nó nói với chúng tôi rằng nó vẫn đang cố gắng.

Cuộc đời vẫn tiếp diễn, dẫu là trên một con tàu vũ trụ, và đôi khi khiến tôi phải bất ngờ vì sự bình thường của nó. Có một lần, cậu bé y tá học việc mà tôi đang kèm cặp, với mái tóc nâu và đôi mắt màu hạt dẻ hút hồn, dè dặt ướm hỏi tôi rằng em trai tôi đã có người yêu chưa. Câu hỏi ấy khiến tôi ngơ ngác mất mấy giây, không nghĩ rằng danh tiếng của em tôi lại đi xa đến thế. Những ngày sau, tôi chú tâm tới xung quanh hơn, và nhận ra rằng không phải chỉ mình cậu bé ấy bị Việt Anh làm cho thương nhớ. Tôi cũng không thể không nhận ra sự vắng mặt bất thường của Bình những ngày này, khi mà mỗi lần tôi rủ thằng bé cùng Việt Anh đi ăn thì thằng bé đều bận mất tiêu, báo hại tôi suốt bữa ăn phải ngồi nghe Việt Anh than thở. Những lúc tôi thực sự gặp được cả hai đứa cùng một lúc, những sự trêu đùa giữa chúng nó dường như nghiêm túc hơn, bớt cợt nhả hơn, che giấu nhiều hờn giận và trở nên căng thẳng không thể tin được. Nhưng rồi tôi nhìn thấy ánh mắt của Việt Anh khi Bình bực bội bưng khay thức ăn đi cất, và tôi nổi cáu. "Nếu em thích nó, em phải nói cho nó biết."

Việt Anh mở to mắt, rõ ràng ngạc nhiên vì nội dung câu nói của tôi chứ không quá bận tâm với sự thật rằng tôi đã biết tỏng nó thích Bình từ lâu rồi. "Nó phải biết chứ. Chúng em chơi với nhau hơn mười năm rồi. Nó..."

"Nó không biết đâu." Tôi thở dài. "Hoặc không cho phép bản thân nó tin, cho tới khi nghe chính em xác nhận." Rồi tôi đẩy nhẹ vào cánh tay nó. "Đi mà tỏ tình với người ta đi, trước khi quá muộn."

Sau đó tôi có hai ca trực liên tiếp, và hôm ấy công việc bận bịu tới mức khi hết giờ làm, tôi mệt mỏi trở về cabin của mình ngủ thẳng. Đến lúc thức dậy, tôi mới nhớ ra tình cảnh của hai đứa em tôi, và lấy thiết bị liên lạc ra gọi thử cho Việt Anh.

Bình là người nhấc máy.

-----

Có một lần, tôi bước vào đúng lúc Bình đang đi đi lại lại trong phòng, miệng lầm bầm chửi, mà đối tượng chửi không ai khác là đứa em trai tôi ngồi trên giường, đang bối rối xoa xoa cánh tay nó. Đã quen với tình cảnh hai đứa chí chóe nhau vì những chuyện vặt vãnh, chỉ cần nhìn tôi cũng biết rằng chuyện không quá nghiêm trọng, nhưng Việt Anh vẫn liếc tôi ra vẻ cầu cứu. Còn Bình, như thể đang đợi tôi, khi thấy tôi vừa bước vào, thằng bé ngay lập tức tuôn một tràng dài, "Chị Oanh xem xem, cái thằng ngu này hôm qua giở chứng đi xăm, chẳng kể gì với chị em mình. Kết quả thì đây," nó bước đến vạch tay áo của Việt Anh lên, "chẳng ra cái thể thống gì."

Trên phần bắp tay của Việt Anh giờ đây có ba vết mực đen: tên của tôi, tên của Bình, và một cụm từ nữa trong ngôn ngữ của chúng tôi mà chỉ có thể dịch sang ngôn ngữ chung một cách đại khái là "làm mọi việc bằng tất cả sức lực của mình." Vấn đề là, cả ba từ đều sai chính tả, sai một cách hài hước. Nhưng tôi không nỡ cười em tôi, chỉ vỗ vai thằng bé.

"Chà, cái này sửa được mà. Chữ này cần thêm một nét móc, em có thể sửa bằng cách viết đè lên chữ đang thừa kia..." Ngừng lại một chút, tôi thú nhận. "Chị không chắc là chị nhớ đúng. Chị nghĩ là chị cần một quyển từ điển."

Cuộc đời vẫn tiếp diễn, và chúng tôi đang trả nó bằng quá khứ của mình.

-----



























































Sáu

Trên tàu, giữa ba chúng tôi có một thứ ngôn ngữ riêng, thứ ngôn ngữ mà trước đây tôi từng nói với gia đình mình, với cộng đồng mình, nhưng giờ chỉ có thể giao tiếp với hai em của tôi. Tôi đoán rằng điều đó khiến chúng tôi trở thành một bộ ba kỳ lạ - dù chúng tôi không phải nhóm thiểu số duy nhất - và có phần hơi bí ẩn trong mắt mọi người. Thực ra thì đó không phải là điều tôi mong muốn. Tôi từng thử dạy một vài câu nói cơ bản, giải thích một vài thành ngữ, tục ngữ, ca dao cho những người đồng nghiệp, những người vô cùng tôn trọng tôi, nhưng vượt qua sự khác biệt là một điều gì đó rất khó. Tôi thường phải nản lòng khi tâm trí họ chỉ chú ý đến những điều ít quan trọng, và dường như họ chỉ nhìn mọi thứ rất bề mặt, hoàn toàn không nghe được những điều con tim tôi đang thực sự muốn nói. Công việc của Bình, thứ ngôn ngữ với những con số và hình vẽ chuẩn hóa mà nó thường sử dụng, không cho thằng bé có quá nhiều thời gian cũng như không gian để chú ý đến những điều như vậy. Việt Anh giao tiếp dễ dàng nhất, nhưng sau vụ hình xăm, dường như nó không còn đủ tự tin vào ngôn ngữ của nó nữa.

Bình cuối cùng cũng được trở thành một kỹ sư chính thức, khi nó bước sang tuổi hai mươi mốt, tám năm sau cái ngày ba chị em chúng tôi lên tàu. Ngay hôm đó, nó ăn mừng bằng việc thông báo với tôi rằng nó cùng Việt Anh sẽ chuyển về sống chung, và sau đó Việt Anh thú nhận với tôi rằng thủ tục xin phép điều đó trên con tàu này hóa ra đơn giản đến bất ngờ. Cùng năm, chính quyền nhận ra rằng cuộc sống trên tàu đã thực sự ổn định và họ bắt đầu tập trung cho việc bảo tồn những giá trị văn hóa, thứ vốn gần như không để tâm đến từ khi chúng tôi đến đây. Là những người duy nhất trong cộng đồng của mình, chúng tôi nghiễm nhiên được giao trọng trách thu thập những "giá trị văn hóa" mà chúng tôi còn lưu trữ được. "Hãy cứ là chính mình thôi, và nói cho chúng tôi bất cứ thứ gì các bạn còn nhớ về quá khứ, những chuyện kể, những niềm tin, những nếp sống... Chúng tôi cần thật nhiều dữ liệu, bởi kho dữ liệu cũ đã mất gần hết. Nếu các bạn cần gì thêm, cứ nói với chúng tôi." Người phụ trách dự án đã nói với chúng tôi như vậy, trước khi giao cho chúng tôi một chiếc máy tính bảng rồi rời đi.

Tôi cứ ước rằng giá như họ đã đề nghị chúng tôi làm điều đó từ tám năm trước. Tôi không chắc chắn về bản sắc con người tôi ở thì hiện tại nữa.

Nhưng dù sao đi nữa, ba đứa chúng tôi vẫn bắt tay vào làm. Chúng tôi ghi lại tất cả những gì có thể, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc đào bới lại những kỷ niệm. Bộ nhớ của chiếc máy tính bảng đầy lên, với những điều nhỏ nhặt, những điều vô dụng, những điều có lẽ hoàn toàn vô nghĩa và sẽ chẳng khơi gợi được điều gì trong bất cứ con người nào trên con tàu này, cũng như những cảm giác êm đềm xúc động trong những câu ca dao mà tôi không tài nào truyền tải nổi tới những người đồng nghiệp. Hóa ra Bình lại là người "có ích" nhất trong cả ba, nhờ cả một tuổi thơ sống bên bà nội, một kho tàng sống của những câu chuyện kể, những câu thành ngữ, tục ngữ và ca dao. Ngồi nghe giọng nói trầm trầm của Bình khi thằng bé kể về huyền thoại đám ma da vẫn hay ẩn nấp ở những nơi sông hồ và kéo chân những người xấu số khiến họ chết đuối, tôi phải đi ra ngoài vì nó gợi lên trong tôi quá nhiều ký ức mạnh mẽ: những ngày nằm trong chiếc lều chật chội nghe bà của Bình kể chuyện, những lần cùng mẹ và Việt Anh đi đò qua sông, những buổi đêm tôi cùng hai đứa nằm trên đê nghe tiếng sóng và ngắm những ngôi sao trên bầu trời, lúc ấy vẫn thật xa xôi. Và tôi lại một lần nữa thấy mình như đang chết đuối, không phải vì nước sông, cũng không phải vì dòng người chen lấn xô đẩy, mà bởi dòng thời gian đã cuốn tôi đi quá xa.

Nhưng việc thu thập lại những mảnh vụn quá khứ cũng cho chúng tôi nhiều điều. Không kể đến việc ba chị em tôi có nhiều thời gian ở bên nhau hơn, chúng tôi có cơ hội cùng nhau làm rõ lại quá khứ. Tôi đã phải rơi nước mắt khi nghe Việt Anh kể về những sự quát mắng đánh đập nó và Bình phải âm thầm chịu đựng ngày còn ở khu sơ tán. Chúng tôi nói về chuyến chạy trốn bất ngờ trong buổi chiều hôm ấy, nhưng có quá ít dữ kiện nên không đủ làm sáng tỏ mọi thắc mắc trong lòng. Cũng có những giây phút vui vẻ, như có lần Bình cố gắng hát một bài dân ca, nhưng vì thằng bé không đủ kỹ thuật nên nghe thật buồn cười, và đến lượt mình, tôi cũng thất bại không kém.

-----

Bình và Việt Anh không biết rằng trong những ngày chúng tôi cùng nhau xây dựng kho dữ liệu đó, tôi bật máy lên quay trộm chúng nhiều đến mức nào. Ban đầu, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng biết đâu trong lúc chuyện phiếm, chúng tôi lại vô tình bật ra được điều gì đó có ích, có "giá trị văn hóa" mà những lúc ngồi nghiêm túc thu âm chúng tôi không tài nào nhớ ra nổi. Sau cùng thì, văn hóa cũng chính là cuộc đời. Sau khi hai đứa ra đi, tôi đã xem lại những đoạn video đó không biết bao nhiêu lần. Và khi nhìn Việt Anh khoác tay lên vai Bình - một điều nó làm như thói quen, kể từ ngày còn nhỏ - tôi lại nhớ đến hai đứa chúng nó vào cái buổi đêm đầu tiên hôm ấy, và Việt Anh cũng làm chính cái động tác ấy khi thằng bé giới thiệu Bình với tôi. Ngày ấy tôi còn phân vân rằng cho phép Bình đi theo, để rồi cuộc đời nó gắn chặt với Việt Anh đến vậy, có phải một điều sai lầm.

Nếu tôi lắc đầu từ chối Bình ngày hôm ấy, có thể tôi của hiện tại sẽ mất đi một người bạn. Nhưng nỗi mất mát đó cùng lắm sẽ chỉ gợi một chút suy nghĩ. Chứ không phải một khoảng trống hoác trong lòng.

-----



































































Bảy

Mọi người thường nói về cái kết như thể nó là một thời điểm duy nhất trong một câu chuyện dài. Sự thực không phải như vậy. Điểm khởi đầu có thể là một thời điểm đặt ở bất kỳ đâu, bởi vì sau cùng thì, chẳng có gì ở trước điểm khởi đầu cả. Những kết thúc lại hoàn toàn khác. Mọi chi tiết trong câu chuyện đều hướng đến cái kết, như nước đầu nguồn rồi cũng sẽ theo con sông chảy về biển.

Trong câu chuyện của tôi, cái kết đã bắt đầu từ điểm khởi đầu, trong buổi đêm hôm ấy khi tôi cùng Việt Anh và Bình đi bắt đom đóm. Nó được nuôi dưỡng qua những năm tháng chúng tôi ở bên nhau, những lần chúng tôi cùng ở trên đê gọi tên sao trời, những tháng ngày ở khu sơ tán, chạy đua cùng đoàn người đến tàu vũ trụ. Và tất cả những điều đó, đều làm cho cái kết nhói đau.

Một ngày năm tôi hai mươi bảy tuổi, tôi bị điều động khẩn cấp tới bộ phận y tế. Những ca trực bất ngờ như vậy không phải hiếm, nhưng lần ấy tôi cảm nhận được rõ tính chất nghiêm trọng khi nghe giọng của người đồng nghiệp trong điện thoại. Khi đến nơi, tôi phải nhăn mặt khi thấy tình trạng của hai bệnh nhân hôm ấy: bỏng toàn thân, một bên tay bị dập nát. Hỏi ra thì biết rằng họ đều là những công nhân trong đội sửa chữa tàu. Vài tiếng trước họ được phái đi sửa một sự cố tưởng như rất nhỏ ở khoang điều áp. Hóa ra sự cố ấy không nhỏ cho lắm. Và để sửa nó hóa ra lại cần người, rất rất nhiều người.

Nếu thất bại, con tàu sẽ dần mất cân bằng áp suất và rất có thể sẽ nổ tung.

Một đội tình nguyện được khẩn cấp triệu tập, hầu hết là các thành viên trong đội kỹ thuật. Tôi dự đoán trước được sự xuất hiện của Bình, nhưng không ngờ rằng Việt Anh cũng có tên. Thực ra là, tôi chỉ biết rằng chúng nó sẽ tham gia chuyến đi đó khi kết thúc ca làm của mình, vội vàng chạy xuống khu kỹ thuật, và thấy hai đứa em đã vận đồ bảo hộ, sẵn sàng cho chuyến đi. Có lẽ nhờ thần giao cách cảm, tôi mới có thể nhận ra chúng trong hàng dài người ăn mặc giống hệt nhau, nhưng dù gì đi chăng nữa tôi vẫn nhận ra chúng, hai cái dáng cao sàn sàn nhau ấy, đi bên nhau lúc nào trông cũng thật vừa vặn, và ngay lúc này, đang xa dần khỏi tầm nhìn của tôi.

Tôi đã thấy cái kết từ khi câu chuyện khởi đầu. Nhưng tôi vẫn ngồi đó, ở phòng đợi, để mặc cho trái tim đập trong lồng ngực như muốn nhảy ra ngoài. Một, hai, ba tiếng trôi qua. Giọng nói trên loa đều đều vang lên, nhiệm vụ vẫn suôn sẻ. Vài khuôn mặt lờ mờ lướt qua, vài đôi tay dúi vào tay tôi những phần ăn nhẹ, nhưng tôi đều lắc đầu từ chối. Tôi đang ở giữa chân không, nguồn sống của tôi bị rút cạn, đầu tôi nổ tung thành bong bóng máu, tay chân tôi đều bại hoại, tôi chỉ còn là một mớ bầy nhầy không hình không dạng. Tiếng đồng hồ thứ tư, nhiệm vụ thành công, giọng nói lại vang lên, nhưng trong quá trình thực hiện, một vài phi hành gia đã phải di chuyển quá xa, và tàu cứu hộ không còn đủ nhiên liệu để đón họ cùng quay về với những người còn lại.

Tôi đã thấy cái kết từ khi câu chuyện khởi đầu. Nên tôi không ngạc nhiên - có phải vậy không? - khi nghe cái tên hai em mình trong số những người tử nạn.

Tàu cứu hộ trở về, những người trong phòng chờ ùa ra đón thân nhân. Tôi nhắm chặt đôi mắt của mình khi cánh cửa tàu đóng lại, vĩnh viễn ngăn cách tôi với hai đứa em tôi, trôi nổi trong vũ trụ bao la, trong dòng sông Ngân bao la.

-----

Sau cái chết của hai đứa em tôi, tôi từng thử làm một việc hết sức ngu ngốc là đến cabin của chúng nó, lục tìm dưới gối xem chúng nó có để lại bức di chúc nào không. Tất nhiên là mọi nỗ lực của tôi đều hoài công. Và vậy là chúng ra đi, không một lời từ biệt. Hai đứa ngốc đó vẫn lạc quan cho tới giây phút cuối cùng. Tôi nghĩ lại về lần tự tử không thành của mình năm mười ba tuổi, khi chúng nó lao ra giữa dòng sông để kéo tôi lên bờ, và đoán rằng nếu ngày đó chẳng may chúng không cứu được tôi mà lại bị nước cuốn đi, có lẽ cái kết của chúng cũng sẽ cụt lủn như vậy.

Tôi lặng lẽ dọn đồ đạc của hai em tôi trong cabin đó, cất vào trong một chiếc thùng ở cuối giường tôi. Trong cơn mơ đêm đó, tôi thấy mình đứng ngay bên kia cánh cửa khi chúng đóng nó lại. Tôi thấy tôi gào khóc, cào lên cánh cửa, gọi tên chúng nó đến lạc giọng, nhưng đáp lại chúng chỉ cười, và khẩu hình của Việt Anh rõ ràng đang nói ra ba tiếng, "chị phải sống."

Khi tôi thức dậy, đôi mắt tôi vẫn ráo hoảnh. Tôi đã thấy cái kết từ khi câu chuyện khởi đầu. Tôi đã sống trong cái kết trước khi chạm tới nó, suốt bấy lâu. Nhưng hỡi ôi, ngay cả điều đó cũng không thể làm vơi bớt nỗi đau.

-----






























































Kết

Tôi tên là Oanh, Bùi Lâm Oanh. Khi tôi ngồi viết những dòng này, tuổi sinh học của tôi là ba mươi. Tôi đang ở cách xa quê hương mình, một hành tinh xanh biếc mang tên Trái Đất, mười năm ánh sáng, tức khoảng một trăm nghìn tỷ cây số, dạt trôi giữa vũ trụ sâu thẳm, và con tàu tôi đang ngồi trên vẫn sẽ tiếp tục đưa tôi đi xa mãi. Tôi là một kẻ ly hương, một đứa con xa xứ đã chẳng còn đường về.

Tôi từng có một người em trai tên Bùi Hoàng Việt Anh, và em trai tôi có một cậu bé người yêu tên Nguyễn Thanh Bình. Hai đứa là ánh sáng của đời tôi, là ngọn hải đăng, là nguồn hy vọng, là mỏ neo giữ chân tôi mỗi khi tôi trôi quá xa khỏi bến bờ sự sống. Nhưng cả Việt Anh lẫn Bình đều đã chết rồi, chết bên nhau, chết khi chưa kịp chạm đến hạnh phúc trọn vẹn. Những người tôi yêu thương đều đã chết. Những người có cùng màu da, cùng tiếng nói với tôi đều đã chết.

Lạ lùng là, khi chỉ còn một mình trên đời, khi chẳng còn ai ngăn cản tôi đến với cái chết nữa, tôi lại cảm thấy bản thân chưa thể chết. Tôi không hiểu vì sao tôi vẫn còn sống để viết những dòng này, nhưng trong lòng tôi giờ đây đã hiểu rõ rằng, tôi phải viết được ra câu chuyện của chúng tôi trước khi suy nghĩ đến cái chết của bản thân.

Khi viết những dòng này, tôi đang ngồi dưới mái vòm kính, nơi giờ đây Việt Anh và Bình chỉ còn là những bóng hình hư ảo của ký ức. Đôi khi chúng thầm thì nhắc tôi về những câu chuyện cũ, khi khác chúng chỉ im lặng, để kỷ niệm trong tôi tuôn rơi.

Và tôi lại nghĩ về những dòng sông trong đời mình. Dòng sông quê hương, nơi bố tôi bỏ mạng, nơi tôi suýt bỏ mạng, nơi mẹ tôi cằn nhằn về những con nước lên, nơi Việt Anh khua tay khanh khách cười, nơi một ngày nước dâng tràn cuốn phăng tất cả. Dòng sông Ngân lấp lánh ánh bạc, chở sao trời và quá khứ xanh tươi, cũng chở cả những con người xa xứ. Dòng sông thời gian, vùi lấp tất cả. Dòng sông nhân loại, cuộn trào lên bến bờ sự sống...

Có lẽ cuộc đời tôi cũng là một dòng sông. Qua những khúc cạn, người người quanh tôi lần lượt trở về nơi những bến bờ của họ.

Chỉ mình tôi còn bồng bềnh ở giữa dòng, cùng câu chuyện dang dở.

-----

Hết

































































Afterword

Cảm hứng chính để mình viết ra fic này là truyện ngắn "Mono no Aware" của tác giả Ken Liu. Bạn có thể đọc toàn văn truyện ngắn này trên trang web của Lightspeed, tạp chí chuyên về khoa học viễn tưởng ở Mỹ.

Mình không chủ đích đưa ra thông điệp xã hội nào thông qua chiếc fic này cả. Chỉ đơn giản là câu chuyện về ba con người thương yêu nhau, bấu víu vào nhau để sống sót qua những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Như nhiều fic khác mình từng viết, điều duy nhất mình muốn ca ngợi ở đây là tình người.

Lời cuối, cảm ơn bạn vì đã kiên nhẫn đọc những dòng văn có phần lộn xộn của mình. Và mình chân thành chúc bạn luôn có được thật nhiều tình yêu thương.

╭─────────╮
06.09.2022
╰─────────╯

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#0504#bhva