Vô Ngôn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa xuân năm 1127, Bắc Tống mất vào tay tộc người Nữ Chân của Kim quốc. Hoàng thất Tống triều hơn nửa đã bị bắt làm tù binh, cửu hoàng tử Triệu Cấu may mắn trốn thoát liền tập hợp tàn quân cùng lui về phía Nam sông Dương Tử, lập nên triều Nam Tống, lấy miếu hiệu là Cao Tông, niên hiệu là Kiến Viêm, kinh đô đặt tại Lâm Ấp(1) nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Trường Giang.

Năm Kiến Viêm thứ chín.

Nam Tống phồn thịnh, mưa thuận gió hòa. Kinh đô Lâm Ấp nằm ở hạ lưu sông Dương Tử là đô thành tráng lệ bậc nhất Tống triều. Lâm Ấp có con đường tơ lụa đi ngang, là nơi giao thoa của những nền văn hóa hàng đầu Đông phương. Vùng kinh đô phía trước hướng sông nước, phía sau tựa núi non, phong cảnh hữu tình, thơ mộng như họa.

Người dân Nam Tống thường nói đùa với nhau rằng: Lâm Ấp không chỉ là kinh đô, Lâm Ấp nằm dưới chân thiên tử còn là một chốn ăn chơi xa hoa và đầy cám dỗ.

Lâm Ấp năm ấy có một kỹ viện cực kỳ tráng lệ tên là Tiêu Nguyệt viện. Tiêu Nguyệt viện nằm hướng ra Tây Hồ, nổi tiếng không chỉ vì những tài nữ dung mạo xuất chúng mà còn bởi vì một tiếng đàn có thể khiến lòng người tan nát và bi thương vô hạn. Khách đến nghe đàn chỉ được ngồi tại một bàn trà bên cạnh cửa sổ, đối diện một bức rèm lụa trắng rất dài, che khuất đi người ngồi bên trong. Tiếng đàn réo rắt từ sau bức rèm vọng ra ngoài, khách không được đến gần, cũng không được đòi hỏi phải thấy mặt kẻ đã tấu lên những khúc nhạc ấy. Muốn được nghe đàn phải trả một khoản tiền rất lớn, nhưng mỗi ngày, người ta vẫn cứ nườm nượp tranh nhau bước vào. Kẻ bí ẩn và tài hoa kia, chưa ai từng được nhìn thấy mặt, cũng chưa ai từng được nghe tiếng kẻ ấy nói bao giờ.

Dân trong vùng truyền tai nhau rằng, đó là một cô nương dung mạo rất xấu xí. Cô ta xấu đến mức không ai thèm đến cầu hôn, chỉ biết đem cầm kỹ tuyệt vời của mình mà tấu lên đằng sau bức rèm lụa trắng trong kỹ viện.

Những người từng nghe qua tiếng đàn của kẻ ấy, đến khi trở ra ngoài, mỗi bước đi cứ thẫn thờ như vừa trở về từ cõi chết. Họ nói, tiếng đàn ấy nỉ non như tiếng khóc của âm hồn. Họ nói, tiếng đàn ấy lạnh lẽo và thê lương như cơn gió bấc ngày Đông chí. Chưa từng có ai ở trong căn phòng ấy nghe đàn quá một canh giờ. Có kẻ trở ra mặt sẽ tái tím, có kẻ trở ra liền khuỵu xuống mà bật khóc nức nở.

Không ai biết tên thật của kẻ tấu cầm kia. Trong dân gian, họ chỉ gọi kẻ là Quỷ Cầm.

———-

Trời vừa lập thu. Dù nắng đã lên nhưng sương mù vẫn còn lãng đãng trôi giữa những ngõ phố dài trong kinh thành. Sương giăng thật thấp, mờ ảo mông lung, nhìn xa xa chỉ thấy một màu trắng êm đềm như mộng.

Trần Vỹ Đình từ giữa làn sương bước vào một trà quán nho nhỏ. Hơi sương còn đọng trên vai, thấm ướt một lần vải mỏng. Y nhàn nhã ngồi xuống chiếc bàn gỗ đen, phẩy tay gọi một ấm trà. Trà quán bây giờ vẫn còn thưa vắng người. Có mấy lão phu kéo xe đang ngồi nghỉ ngơi gần đó. Ấm trà đem ra, khói tỏa ngây ngây. Hương trà không nồng, nhưng ấm áp thanh tịnh. Y lặng lẽ ngồi uống trà, nhìn phố phường kinh đô từ lúc vắng vẻ dần trở nên đông đúc.

Lát sau, có vài vị khách ra dáng văn sĩ cùng nhau bước vào. Họ ngồi tại một chiếc bàn gần cạnh bàn y, y không cố ý, chỉ vô tình nghe được một đoạn họ trò chuyện với nhau.

Người nói:

– Tối qua, Thẩm thiếu gia vừa đến tìm Quỷ Cầm tỉ thí.

Có tiếng trầm trồ rất khẽ. Một kẻ lại hỏi:

– Kết cục như thế nào?

Người thở dài lắc đầu.

– Thẩm Lăng tự tuyên hàng, người ta thấy Lam Huyền cầm của hắn đã đứt dây.

Một khoảng trầm mặc rất lâu. Mấy vị khách im lặng nhìn nhau không nói nữa.

Trần Vỹ Đình có chút băn khoăn, cuối cùng y cũng đứng dậy, lặng lẽ bước về phía bàn bên cạnh. Họ nhìn y, y cúi người, từ tốn nói:

– Các vị tiên sinh, tại hạ khi nãy vô tình nghe được các vị nhắc đến tên Quỷ Cầm. Tại hạ ngu muội, không biết hắn là ai. Các vị đây có thể cho tại hạ biết chút chuyện về hắn?

Một người mặc áo xanh mỉm cười nhìn y, lại khẽ gật đầu:

– Công tử đây là từ nơi khác đến?

– Vâng, tại hạ vừa vào kinh tối qua.

Mấy vị khách hòa nhã mời y ngồi xuống rồi thuật lại câu chuyện về thân thế bí ẩn của kẻ gọi là Quỷ Cầm kia. Y yên lặng lắng nghe, mặt không chút đổi sắc. Người trong kinh này, quả thật đã chẳng còn xem Quỷ Cầm là người nữa. Họ đối với kẻ đó, đã kinh sợ và nể phục như đối với loài ma quỷ đầy quyền năng dưới Minh giới.

Trần Vỹ Đình nghe xong, chỉ cúi đầu cảm tạ rồi lặng lẽ cáo từ.

Trời bên ngoài nắng đã lên cao. Sương không biết tan từ bao giờ, chỉ thấy trong không khí vẫn còn vương vương chút hơi lạnh. Y tản bộ dọc theo con đường phồn hoa nhất kinh thành. Con đường lát đá xanh, dẫn về phía Tây Hồ, hai bên nhà cửa san sát nhau, mái ngói đóng rêu thâm trầm huyền bí.

Tiêu Nguyệt viện nằm bên bờ Tây Hồ yên ả. Sắc nước và sắc trời chung chiêng hòa làm một. Dọc theo bờ hồ có hàng liễu rất dài. Liễu yêu kiều tỏa bóng xuống mặt nước, tinh tế và dịu dàng như một nét mực trong tranh thủy mặc. Tiêu Nguyệt viện chạm trổ cầu kì, mái ngói đỏ tía, từ mặt đất ngước nhìn lên chỉ thấy sắc xanh óng ánh của ngọc khối khảm theo những thanh xà.

Cánh cổng hoa lệ của Tiêu Nguyệt viện chưa lúc nào vơi khách. Từ tên hàng thịt thô lỗ đến kẻ thư sinh nho nhã, ai ai cũng nguyện ý bước vào. Đâu đó giữa những căn phòng đóng kín cửa kia, Quỷ Cầm có lẽ đang tấu lên khúc nhạc ai oán của mình.

Mấy vị khách ở trà quán nói, muốn nghe được tiếng đàn của Quỷ Cầm, cần phải trả cho tú bà ba trăm lượng bạc.

Trần Vỹ Đình đứng giữa phố phường tấp nập, lại giơ tay túm lấy áo một người qua đường.

– Tiên sinh, ở Lâm Ấp này, làm sao kiếm được ngân lượng nhanh nhất?

Người đó kinh ngạc nhìn y, rồi cau có gạt tay y ra:

– Đi làm quân cướp thì có ngân lượng nhanh nhất, vậy cũng phải hỏi!

Y mím môi, lại đi tìm kẻ khác. Có người bảo: “Đi đánh bạc.”, có kẻ trả lời: “Đi tòng quân”. Đến cuối cùng, có người nói với y, đi thử độc.

Lẩn khuất trong những ngóc ngách tăm tối của kinh thành luôn tồn tại những bậc thầy về độc dược. Họ là lang y, nhưng không cứu người, chỉ ngày ngày bào chế ra những thứ dược độc tính cực mạnh, hoặc là tuồn vào cung cấm, hoặc là lưu hành trong giới giang hồ. Y nghe xong, lòng rất hoang mang. Y hỏi lại:

– Thử độc một lần được bao nhiêu ngân lượng?

Người khẽ cau mày:

– Tùy vào độc tính, thông thường thì là năm trăm lượng bạc.

Y đắn đo suy nghĩ. Người lại nói:

– Công tử đừng lo, thử xong sẽ có thuốc giải, nhưng tác dụng hay không thì cũng chưa biết được. Như thế mới cần có người thử qua.

Trần Vỹ Đình ngơ ngẩn nhìn Tiêu Nguyệt viện hào nhoáng đằng xa, cuối cùng rồi cũng quay đầu nhìn vị tiểu sinh kia mà chấp thuận.

Tiểu sinh dẫn y đi vào một lòng phố rất dài, quanh co xuôi ngược, đoạn lại dừng trước một ngôi biệt viện tồi tàn, hẻo lánh. Tiểu sinh đẩy cửa mời y bước vào, xong thì đứng ở ngoài, để y một mình giữa khoảng sân vuông vức. Một lão già ra đón y, lão hỏi:

– Ngươi đến đây thử độc?

Y khẽ gật đầu, lão lại đưa y vào một gian phòng nhỏ không có cửa sổ. Trong phòng nồng nàn mùi lá thuốc, y khịt mũi, lão mỉm cười, tay đưa cho y một chiếc khăn thêu rách bươm. Lão vừa lắc nhẹ một lọ thuốc nhỏ vừa khào khào lên tiếng:

– Ngươi cần ngân lượng đến thế sao?

Y ngồi xuống chiếc ghế gỗ gần đó, hờ hững trả lời:

– Có những thứ, không có ngân lượng thì không cách nào tìm lại được.

Lão nghe xong, chợt buông một tiếng thở dài, mấy sợi râu trắng lưa thưa khẽ lay nhẹ trong bóng tối.

– Ngươi nói đúng, ngân lượng bây giờ có thể đổi lấy rất nhiều thứ.

Lão già chầm chậm đưa đến bên y hai lọ thuốc, một là độc dược, hai là thuốc giải. Lão bảo:

– Ngươi thử độc dược, xem nó như thế nào, xong rồi thì lập tức uống thuốc giải. Nếu có chuyện, ta liền gọi người đến giúp.

Y không đáp, tay hơi run run cầm lấy lọ thuốc độc. Trong thâm tâm y từ lúc bước vào biệt viện này đến giờ luôn văng vẳng một câu hỏi, rằng: có đáng không? Y nhắm mắt, đáng hay không, không quan trọng. Y đánh cược lần cuối, để xem, là y có gan, hay ông trời có mắt.

Y chậm rãi đổ thứ bột màu trắng từ trong lọ vào miệng, bột tan nhanh, trôi tuột xuống cuống họng, đắng nghét và cay xè. Y gập người ho khan, lồng ngực như tắc nghẹn, từ cổ họng lại phun ra một búng máu. Tay trái y quờ quạng cầm lấy lọ thuốc giải uống vào, rất nhanh sau, cơn nóng rát trong lồng ngực liền dịu xuống. Y húng hắng ho, lão già từ nãy giờ đứng bên cạnh vẫn không nói gì. Lão lấy từ trong người ra một tờ ngân phiếu nhét vào tay y, lại nói:

– Ổn chứ?

Y nhếch môi cười, lấy tay quệt vệt máu còn vương trên miệng:

– Không tồi, có điều, độc còn mùi lạ, cho vào nước liền nhận ra ngay.

Lão già nheo mắt nhìn, khóe môi khẽ cong. Y chệnh choạng đứng dậy, bước về phía cửa. Từ phía sau, có tiếng lão già nói vọng theo:

– Lần sau muốn có tiền, cứ đến tìm ta.

Đêm nay trăng rất tròn và sáng. Vầng trăng trong vắt treo trên đỉnh Tiêu Nguyệt viện, thơ mộng và tình tứ như một bài thơ. Trần Vỹ Đình đứng lặng một hồi lâu, ánh trăng vàng rượi dát lên người y một lớp bụi ánh kim nhàn nhạt. Y hít một hơi lạnh, siết chặt tay bước vào.

Bên trong Tiêu Nguyệt viện rực rỡ và náo nhiệt như ngày hội. Hương son phấn, hương nữ nhân nồng nàn tỏa bay trong phòng khách. Một bà mụ béo tròn tìm đến y, mụ õng ẹo cười, nốt ruồi son trên má nhịp nhàng chuyển động.

– Công tử, công tử đến đây có ý muốn tìm cô nương nào chăng?

Y nhếch môi, khẽ lắc đầu, tay đưa ra một tờ ngân phiếu đỏ.

– Ta đến là để nghe đàn.

Mụ à lên một tiếng, nụ cười càng toét rộng trên gương mặt trắng nồng phấn son. Mụ chộp lấy tờ ngân phiếu, vừa kéo tay y lên lầu vừa the thé nói:

– Công tử quả thật là may mắn. Vị khách trước vừa khéo đã đi rồi, công tử không cần phải chờ đợi.

Mụ dắt y đến trước một căn phòng nhỏ nằm cuối hành lang, xong thì lặng lẽ chuồn mất. Y đẩy cửa vào trong, một mùi trầm hương tinh khiết liền theo gió thoảng ra ngoài. Căn phòng trải thảm nhung thượng hạng, bên trái có một bàn trà nho nhỏ, bên phải là khoảng không bị che kín bởi một tấm rèm lụa trắng rất dài. Một tiểu đồng đang đứng hầu bên cạnh, thấy y thì cung kính cúi chào.

Tiểu đồng không nói gì, y cũng không có gì để hỏi, chỉ nhàn nhã ngồi xuống bàn trà, đợi người đến pha nước. Lọ trầm hương trên bàn đang đốt dở, khói tỏa ra thành từng sợi chỉ mỏng, hương ngây ngây, mềm mại không tan. Cả không gian lặng phắc, tiểu đồng châm trà, lại lấy giấy bút, cắm cúi viết một đoạn rồi đẩy đến trước mặt y. Tiểu đồng viết:

– Công tử muốn nghe khúc nào?

Y mỉm cười, thì ra, tiểu đồng này bị câm. Y không viết lại trên giấy mà trực tiếp dùng tay làm ký hiệu. Y ra dấu:

– Chủ nhân ngươi thích khúc nào thì đàn khúc đó.

Tiểu đồng nhìn thấy liền hiểu. Nó toét miệng cười, hai con mắt tròn xoe lấp lánh như sao trời. Nó vội vàng chạy ra sau bức rèm lụa trắng. Một lúc sau, từ bên trong chợt vẳng ra tiếng đàn bi thương.

Khúc nhạc này, y vừa nghe liền cau mày.

“Tương tư mộng” đã lâu không chơi lại. Mỗi cung bật ra từ sợi tơ u uẩn và thăm thẳm như vũ trụ xa xôi.

Bên ngoài, trăng vẫn tròn vành vạnh. Ánh trăng vàng tươi tràn vào phòng qua ô cửa sổ, nhấn chìm cả không gian trong thứ ánh sáng ngọt gắt như mật đường.

Tiếng đàn không nhanh không chậm, chỉ dìu dặt khoan thai. Vậy mà từng âm như mũi kim nhọn liễu, nhẹ nhõm đâm sâu vào da thịt con người. Khúc nhạc mà Quỷ Cầm đang tấu, trên đời này, ngoài y ra, chỉ còn duy nhất một kẻ có thể chơi được. Y bàng hoàng không nói nên lời. Cảm xúc cứ như đông cứng lại trên gương mặt. Tiếng đàn ma mị như tiếng khóc của oan hồn cứ vơ vẩn tan vào trong ánh trăng.

Y không ngờ, nhân thế nhiễu nhương, vậy mà vẫn còn có người nhớ đến.

Y không ngờ, sau ngần ấy năm, hắn vẫn thích nhất, là “Tương tư mộng”.

Ông trời, quả thật có mắt. Đến cuối cùng, lão cũng đã cho y tìm lại được tiếng đàn kia. Mỗi cung mỗi bậc Quỷ Cầm đàn ra, y đều đã nghe đến nằm lòng. Cây đàn mà Quỷ Cầm đang dùng, cũng là do chính tay y làm, lấy tên là Tử Vân, lại tự mình dạo nên khúc khai cầm. Chỉ có Tử Vân của y, mới có thể gảy ra một dây Vũ thánh thót và mềm mại như thế. Cũng chỉ có Tử Vân của y, mới sinh ra một âm Thương u buồn và ai oán đến vậy.

Giữa y và Quỷ Cầm ngăn cách nhau chỉ một lớp rèm lụa trắng không dày. Nhưng với y, đời này kiếp này, cũng đã chẳng còn đủ dũng khí để gặp lại người bên kia nữa.

Phong nhi, y đã từng dạy hắn tấu cầm chính là đem tiếng đàn đi thanh tịnh tâm hồn người khác. Nhưng mà, Phong nhi, y lại chưa từng dạy hắn phải đem tiếng đàn đi giết chết hạnh phúc và lạc quan của con người.

———

Mười năm trước.

Triều đình Bắc Tống ngày càng suy nhược. Quan lại vô dụng, tham ô cướp bóc. Vua tôi Tống triều chỉ biết ăn chơi sa đọa, không màng đến việc nước. Biên giới phía Bắc giáp với Kim quốc chiến sự liên miên, dân chúng lầm than, không ai cứu giúp.

Năm đó, kinh đô nước Tống vẫn còn nằm ở Biện Kinh(2). Biện Kinh bốn mặt giáp sông núi, nổi tiếng với những biệt phủ xa hoa của quan lại trong triều. Tráng lệ nhất có lẽ phải kể đến phủ Lý thừa tướng. Lý thừa tướng tuổi đã ngoại tứ tuần, hành xử chính trực quan liêu, dân trong vùng đều một lòng tôn kính. Ông có hai người con trai, con trưởng làm quan to trong triều, còn con trai út thì không may lại bị câm bẩm sinh.

Nhị thiếu gia nhà họ Lý tên là Lý Dịch Phong, tính tình trầm lặng yên tĩnh, không thích giao du với bên ngoài. Lý Dịch Phong tuy không thể nói được nhưng trí óc lại cực kỳ thông minh mẫn tiệp. Hắn học một hiểu mười, đến năm tám tuổi đã có thể chơi cờ thắng Lý lão gia.

Năm hắn mười tuổi, trong kinh chợt nổi lên một kẻ đánh đàn từ phương xa đến. Tiếng đàn của y nức tiếng khắp đất kinh kỳ, đến ngay cả hoàng thượng còn phải đích thân phái người mời y vào cung hòa nhạc. Một khúc y tấu, âm cao thanh như tiếng suối, âm trầm hùng như sấm rền, ngân nga trầm bổng, uyển chuyển và lả lướt tựa cơn gió ngày xuân. Thứ âm nhạc y chơi mang vẻ phóng khoáng và hoang dại của những kẻ đến từ miền Tây Vực, lại trong sáng và hài hòa của những tâm hồn không vướng bận trần ai. Người ta nói, tên y là Trần Vỹ Đình, năm đó, vừa tròn mười sáu tuổi.

Trần Vỹ Đình hay ôm cây đàn của mình lang thang khắp các ngõ phố lớn nhỏ của Biện Kinh. Tính tình y phóng khoáng hào sảng, thích ngao du đó đây, gặp người lạ mà có lòng với nhạc thì cũng xem như tri âm tri kỷ. Y không có chỗ ở nhất định, trời mùa hè thì ngủ với cỏ cây, trời làm mưa thì đi tìm những nhà thủy tạ, những ngôi miếu bỏ hoang mà ngủ. Y sống nhờ những đồng tiền xu mà người khác trả cho lúc y tấu cầm giữa phố chợ. Y không nề hà gì chuyện đó. Y không sợ đói, không sợ rét, chỉ sợ bên cạnh không có đàn.

Một buổi chiều hanh nắng. Ánh sáng hoàng hôn đỏ hồng đang lụi dần trên những tòa ngói xám. Trời rây mưa rất nhẹ, Trần Vỹ Đình ngồi dưới mái hiên của một sạp hàng đã đóng cửa mà tùy hứng dạo một khúc “Tịch dương”. Con đường phía trước có một đoàn người ngựa đi qua. Y không ngẩng đầu nhìn, chỉ bình thản lướt những ngón tay thon dài trên phím đàn khảm ngọc.

Có tiếng ghìm cương rất khẽ. Chốc sau, một bóng đen to lớn đã đổ xuống người y. Kẻ đó lên tiếng, giọng trầm trầm đầy quyền uy.

– Ngươi là Trần Vỹ Đình phải không?

Y nhếch môi không trả lời, dây tơ đàn dưới tay vẫn không ngừng rung lên tạo thành những chuỗi âm thanh vô cùng diễm lệ. Kẻ đó vẫn bình tĩnh khác thường, đợi y tấu xong một khúc thì phẩy áo ngồi xuống, mặt đối mặt với y. Đó là một người đàn ông trung niên rất cao to, gương mặt ông ta hiền hòa như nước, đôi mắt sâu, thâm trầm yên ổn. Ông mỉm cười với y, ánh nhìn hòa hảo, tươi sáng như sao trời.

– Quả không hổ danh là tuổi trẻ tài cao!

Y khẽ cười, nâng mắt nhìn ông.

– Tiên sinh tìm tại hạ có việc?

– Nghe danh ngươi đã lâu, chỉ muốn mời ngươi về dạy đàn cho con trai ta.

– Tiên sinh thứ lỗi, tại hạ đây không nhận đệ tử.

– Ngươi không sợ thất truyền sao?

– Cao nhân tất hữu cao nhân trị(3). Tại hạ không đủ tài cán để truyền dạy cho người sau.

Người đàn ông chợt bật cười.

– Nếu ta muốn ngươi về dạy cho con trai thừa tướng, ngươi có đi không?

Y khẽ lắc đầu, ôm lấy cây đàn rồi rũ áo đứng dậy:

– Tiên sinh đừng ép, hữu duyên bất cần cầu(4).

Tết âm lịch năm đó, Hoàng thượng cho vời Trần Vỹ Đình vào cung hòa nhạc. Yến tiệc lớn kéo dài, gia đình quan lại cũng được mời đến dự. Y ngồi giữa đại sảnh, nhã nhặn tấu một khúc “Hồng mai hoa”. Quan viên bốn bề tán dương không ngớt. Hoàng thượng cao cao tại vị đằng xa, hài lòng mà nở một nụ cười.

Đêm đó trời đổ tuyết lớn, không ai về được, đành thu xếp ở lại trong cung. Y cũng được dành cho một gian phòng nhỏ có cửa chính hướng ra ngoài vườn. Hồng mai ngạo tuyết từng đóa nở rực rỡ, từ cửa phòng nhìn ra chỉ thấy những đốm đỏ lập lòe trong ánh sáng mơ hồ của đèn lồng. Y cao hứng lại đem đàn ra, yên tĩnh gảy lại một đoạn “Mai hoa tam lộng”(5). Tiếng đàn mênh mang theo gió tan vào tuyết. Tuyết lạnh trong đêm, vì tiếng đàn mà chợt trở nên ấm áp.

Cuối vườn dường như có bóng người xuất hiện. Trần Vỹ Đình không chú ý, chỉ để tâm vào những sợi tơ đàn đang quyến luyến dưới đầu ngón tay. Người kia bước đến trước cửa phòng y, những bước chân rất ngắn, âm thầm để lại mấy vệt tròn trên mặt tuyết. Y gảy xong, buông phím ra, ngẩng đầu thì kinh ngạc phát hiện có kẻ đang yên lặng nhìn mình.

Một cậu nhóc con khoác chiếc áo lông rất dày đứng ngây ra giữa trời tuyết. Trên vai hắn, tuyết đọng lại thành một lớp trắng tinh. Y cau mày, vừa bước đến vừa hỏi:

– Sao lại đứng đây?

Cậu nhóc vẫn lặng thinh không nói. Đôi mắt hắn rất buồn, bên trong chỉ chứa đầy bóng tối. Trần Vỹ Đình phủi những bông tuyết trên áo hắn, nhẹ nhàng hỏi lại:

– Phụ thân ngươi đâu? Tại sao lại lang thang một mình giữa trời tuyết?

Cậu nhóc khẽ lắc đầu, tay đưa ra trước mặt y một đóa mai đỏ. Y mỉm cười cầm lấy:

– Ngươi vì “Mai hoa tam lộng” mà đến đây?

Người lạ không đáp, chỉ lẳng lặng bước ngang qua y rồi ngồi xuống cạnh cây đàn. Y thú vị nhìn hắn:

– Ngươi biết đàn không?

Hắn lắc đầu.

– Ngươi không nói được?

Hắn ngẩng mặt nhìn y. Đôi mắt lại lấp đầy bóng tối. Y chợt hiểu, liền ngồi xuống đối diện hắn, tay làm ký hiệu:

– Có muốn ta đàn cho một khúc?

Đứa trẻ hơi giật mình, sắc mặt có chút đổi khác, nhưng rồi vẫn trở về vô cảm như lúc ban đầu. Hắn huơ tay, trả lời lại:

– Ta chỉ muốn xem Liêu Minh cầm.

– Ngươi nhận ra sao?

Cậu nhóc lặng thinh, ánh nhìn trầm mặc đặt vào những hạt huyền ngọc khảm dọc thân đàn.

Liêu Minh cầm là danh cầm có từ thời thịnh Đường, sau bị thất lạc do hoán ngôi đổi chủ. Lần đó, y vô tình mua lại được bằng một cái giá rất hời ở khu chợ đồ cổ dọc biên giới nước Hạ. Liêu Minh cầm làm từ gỗ cây ngô đồng, thân dài đen óng, càng để lâu càng nổi vân thành những đường rạn uốn lượn như da rắn. Hai bên eo đàn có khảm huyền ngọc cực quý từ Tây Vực tiến cống. Mặt dưới thân đàn chạm nổi hai gờ thoát âm là Phượng Trì và Long Tỉnh(6), nét chạm tinh xảo, lại được mạ bằng vàng ròng. Âm thanh phát ra, vừa trong vừa đục, tinh tế không pha tạp, chỉ có thể gọi bằng hai từ cực phẩm.

Người lạ mím môi nhìn Liêu Minh cầm rất lâu, cuối cùng cũng ngẩng đầu lên mà hỏi(7):

– Có thể dạy ta chơi đàn?

Trần Vỹ Đình lắc đầu:

– Tháng sau ta đã rời kinh đi Giang Nam.

– Ngươi đi đâu ta sẽ theo đó.

Y khẽ mỉm cười, giơ tay xoa đầu người trước mặt:

– Nhóc con, ngươi còn nhỏ, sau này còn có nhiều kẻ có thể dạy ngươi đánh đàn.

Gương mặt đứa trẻ vẫn lạnh lẽo như tuyết.

– Đừng đem tuổi tác ra làm trở ngại.

Y không nhịn được mà bật cười. Hài tử này, quả thật rất thú vị.

– Vậy ta gảy một khúc, nếu ngươi đoán được tên, ta không đi Giang Nam nữa mà ở lại dạy đàn cho ngươi.

Đứa trẻ lập tức gật đầu.

Y đắn đo một lúc, nhìn ra ngoài trời tuyết đã thôi rơi. Đông vẫn chưa qua, nhưng ý xuân đã đến. Hồng mai vì sang xuân mà khai nụ, bất chấp giá lạnh mà đem sắc đỏ tươi ban tặng thế gian. Y mỉm cười, so dây gảy khúc “Dương xuân bạch tuyết”(8).

Cậu nhóc con ngồi co mình trong lớp áo lông dày, yên lặng lắng tai nghe từng thanh điệu. Tiếng đàn là nắng xuân, lạ lùng tỏa lan trong tuyết lạnh. Tiếng đàn là nước chảy, róc rách khoan hòa như suối giữa rừng. Y tấu xong, nâng mày nhìn hắn như chờ đợi.

Người lạ vẫn trầm mặc, cuối cùng lại đứng dậy, nắm lấy tay áo y kéo ra ngoài trời. Không khí vẫn còn rất lạnh, y xoa xoa hai bàn tay, cau may nhìn hắn:

– Ngươi dẫn ta ra đây làm gì?

Đứa trẻ ngẩng đôi mắt u tối về phía xa. Rồi hắn nhặt một cành gỗ nhỏ dưới đất, nhẹ nhàng vạch lên trên mặt tuyết:

– Dương xuân bạch tuyết canh nan họa

Đại lữ Hoàng chung hưởng dị trì. (9)

Y đọc xong, cả người chợt ngơ ngẩn. Từ đâu đó trên cao, một đóa mai đỏ vừa lìa cành, xoay tròn mấy vòng rồi đậu xuống dòng chữ nhỏ trên tuyết.

Y bước đến gần hắn, cúi người xuống hỏi:

– Ngươi rốt cuộc là con nhà ai?

Hắn vạch xuống tuyết ba chữ: Lý thừa tướng.

Thì ra là vậy. Y khẽ mỉm cười, lần này, quả thật là hữu duyên bất cần cầu. Y ngồi xuống, nhìn thẳng vào đôi mắt âm u của hắn, dịu dàng lên tiếng:

– Sau này, gọi ta một tiếng “sư phụ”.

Mùa xuân năm đó, Lý phủ đón một vị cầm sư về dạy đàn cho Lý nhị thiếu gia.

Mỗi buổi hoàng hôn buông xuống, từ trong khoảng sân nho nhỏ ở hậu viên lại vẳng ra tiếng đàn tí tách, mềm mại như nước hồ thu. Chỉ mỗi khi Trần Vỹ Đình đến, Lý thừa tướng mới thấy con trai ông nở một nụ cười. Tuy nụ cười ấy dường như thoáng qua rất nhanh, nhưng ông biết, đây là lần đầu tiên Dịch Phong vui vẻ suốt mười mấy năm sống trong câm lặng.

Lý Dịch Phong học đàn rất nhanh, khả năng cảm âm cũng nhạy bén hơn người. Trần Vỹ Đình rất vừa lòng với hắn, tuy hắn thâm trầm khó gần, nhưng y lại cảm thấy hắn rất điềm nhiên, rất an tĩnh.

Trong hậu viên vương phủ có trồng một gốc mai rất to. Đang độ xuân sang, mai nở từng đóa, rực rỡ và diễm lệ vô cùng. Lý Dịch Phong rất thích ngồi cạnh cội mai ấy mà học đàn. Lúc gió xuân thổi qua, hồng mai lả tả rơi, mỗi cánh như sợi tơ hiền hòa chạm lên người hắn. Y từng hỏi:

– Phong nhi, ngươi thích hồng mai lắm sao?

Hắn ngước mặt khỏi dây đàn, khẽ mỉm cười rồi dùng tay nói với y:

– Hồng mai ngạo tuyết, bất khuất kiên cường, đành nhìn đó mà tự nhủ với mình.

Y hiểu ra thì lại lâm vào trầm mặc. Gió xuân vẫn đang miên man thổi. Hắn bất giác lại ngẩng nhìn y, đôi mắt hắn từ bao giờ đã thôi không còn giăng đầy bóng tối như trước nữa. Hắn kéo tay y, huơ huơ làm ký hiệu:

– Sư phụ, tại sao người biết ngôn ngữ của người câm?

Y mơ màng giơ tay đón một cánh mai đỏ, xa xôi mà đáp:

– Trước đây, muội muội ta cũng không nói được, đến nghe cũng không được, đành chỉ dùng ký hiệu mà giao tiếp.

Hắn nghiêng đầu:

– Muội muội người bây giờ ở đâu?

– Đã mất rồi. Năm đó lũ nguồn đổ về, cả làng ta đều chết, ta may mắn sống sót nhưng gia đình cũng không còn một ai.

Lý Dịch Phong nghe xong chỉ yên lặng nhìn y. Mái tóc hắn xõa dài, lay nhè nhẹ theo chiều gió. Y đứng đó thật lâu, cũng không rõ bản thân nghĩ gì, chỉ cảm thấy có chút u buồn đâu đó thẳm sâu trong tâm tưởng. Đã lâu rồi y không kể cho ai nghe về quá khứ của mình, nếu như có kể, thì cũng chỉ là những kỷ niệm vui vẻ và yên bình ở làng quê ngày trước.

Lát sau, Lý Dịch Phong rũ áo đứng dậy. Hắn bước đến cạnh y rồi cầm lấy tay y mà đặt vào đó một đóa hồng mai. Hồng mai mạnh mẽ kiên cường, hắn cũng muốn y ngạo nghễ và bất khuất như vậy. Làm sư phụ của hắn lâu đến thế, những điều hắn muốn nói, y vừa nhìn qua liền hiểu. Chỉ có điều…, y giơ tay xoa đầu hắn, không hiểu sao lại chợt mỉm cười.

– Phong nhi, ta sẽ vì ngươi mà làm một cành mai ngạo xương tuyết.

Hắn vẫn đứng yên không hồi đáp. Màu tối cuối cùng trong đáy mắt cũng đã dần tan đi mất. Hắn ngẩng đầu nhìn bầu trời, sắc hoàng hôn tim tím rải dài đến tận xa xôi. Mưa xuân lại lây rây rất nhẹ, mưa phùn rơi cho hồng mai khai nở. Y nhẹ nhàng cầm lấy tay hắn, dịu giọng bảo:

– Vào nhà thôi.

Lý Dịch Phong học đàn đã được ba năm nhưng cũng vẫn chỉ dùng một cây đàn cũ ngày trước mua ở phố chợ. Trần Vỹ Đình thấy thế thì có chút không thuận mắt. Hắn đàn hay như thế, âm điệu xoay vần, khôn lường biến ảo, vậy mà phải diễn tấu trên một cây đàn tầm thường thì vô cùng không tương xứng.

Mùa thu năm đó, tiết trời mát mẻ, gió heo may dịu dàng thổi qua đất kinh đô. Mỗi ngày y đều dành cả buổi sáng để đi tìm cho hắn một cây đàn thật tốt. Nhưng quanh đi quẩn lại, danh cầm thời nay đã thất lạc gần hết, hoặc có chăng thì cũng là nằm trong tay những bậc cầm sư nức tiếng khác. Y đắn đo vô cùng, vì y nghĩ, cầm kỹ của hắn là do một tay y truyền dạy, hắn đã gọi y một tiếng “sư phụ”, vậy thì cả đời này y cũng sẽ không bao giờ để cho hắn chịu thiệt thòi.

Y không tìm được một cây đàn vừa ý thì nghĩ đến việc tự tay làm tặng hắn. Y đi chặt gỗ, mài ngọc, lại tự mình viết thơ đề từ dưới thân đàn. Qua hết một mùa đông, y cũng đem đến trước mặt hắn một cây đàn vô cùng diễm lệ. Thân đàn màu nâu trầm, xung quanh khảm tử ngọc, trên thân lại còn họa một bức cao sơn lưu thủy đồ.

Hắn nhận lấy, chỉ khẽ mỉm cười. Mười ngón tay nhẹ nhàng chạm vào những sợi tơ đàn thoang thoảng mùi trầm hương mà y cố ý ướp vào. Hắn hỏi y:

– Cây đàn này tên gì?

– Ta chưa đặt tên. Đem đến đây là muốn ngươi khai cầm (10), âm thanh thế nào sẽ đặt tên như vậy.

Ngày hôm đó vẫn là một buổi chiều xuân. Cội hồng mai trong vương phủ chưa khai hoa, những lộc non chớm xanh vẫn còn đang chi chít trổ ra trên cành. Ánh nắng hoàng hôn tàn lụi rơi trên người hắn, hắn ngẩng đầu, đưa tay nói:

– Hay là người khai cầm đi.

– Phong nhi, tại sao ngươi không làm?

Hắn mỉm cười:

– Như thế không có ý nghĩa.

Y nhìn thấy, lại hóa ra ngơ ngẩn. Nắng cuối ngày đem cả y lẫn hắn giấu vào trong một lớp lụa đào mềm mại và ấm áp.

Y cúi người ngồi xuống, so dây gảy khúc đầu tiên.

Âm điệu của tiếng đàn bềnh bồng tản mác, nửa như có, nửa lại như không. Mười đầu ngón tay rất thanh dạo qua từng phím, từ đâu đó lại thoang thoảng mùi trầm hương. Khúc nhạc dìu dặt khoan hòa, nửa là tình tự, nửa là sầu bi. Mỗi cung mỗi bậc cứ tha thiết kéo dài, đằng đẵng mà thâm trầm như nỗi nhớ, nồng nàn mà tản mạn như ái tình.

Y gảy xong, cả hai cùng yên lặng. Không gian nhỏ nhoi giăng đầy một tư vị rất mông lung. Hắn đặt tay lên dây đàn, cúi đầu ra dấu:

– Phong nhi chưa từng nghe người đàn khúc nhạc này.

Y mỉm cười, lấy ngón trỏ nâng cằm hắn lên:

– Khúc nhạc này, là ta soạn riêng cho Phong nhi.

Hắn chợt ngây người, hai gò má dường như thoang thoảng hồng dưới bóng mai. Đôi mắt hắn lúc này rất trong, trong vắt như sao trời và đong đầy ánh sáng. Hắn lại hỏi:

– Tên nó là gì?

Y cong môi đáp:

– Tương tư mộng.

Hắn lại e ngại ngoảnh mặt đi, ánh nhìn mênh mang đặt vào một nơi rất xa nào đó. Y dịu dàng cầm lấy tay hắn đặt vào tay mình, trầm trầm nói tiếp:

– Phong nhi, từ nay về sau, ta tặng Tử Vân cầm cho ngươi. Chỉ mong đời này kiếp này, ngươi có thể làm một vầng mây tím, ôn hòa và bình thản trôi giữa thế gian.

Hắn ngẩng mặt nhìn y, đôi mắt chưa bao giờ lấp lánh và êm đềm như thế. Y như bị cuốn vào nơi đó, chới với vẫy vùng, nhưng cả đời lại nguyện ý bị nhấm chìm, không mong thoát ra lần nữa. Y kéo hắn vào lòng, hắn ngoan ngoãn tựa người vào ngực y, khóe môi khẽ nâng như đang tận hưởng một niềm vui không tên gọi.

Y cúi đầu hôn lên trán hắn. Khoảng không trên cao đang dần ngả về đêm, chỉ có ở cuối chân trời chợt nổi lên một đụn mây giông xám ngắt.

——–

Trần Vỹ Đình vừa trở về từ ngôi biệt viện của lão già điều chế độc dược. Lọ độc lần này mạnh hơn nhiều so với lần trước, cả người y cứ lâng lâng khó chịu, lục phủ ngũ tạng như đang bị thiêu cháy trên giàn lửa. Lão trả y bảy trăm lượng bạc, cũng đủ cho một lần nữa y trở vào Tiêu Nguyệt viện ngoài kia.

Y xoa xoa hai thái dương, cơn gió mùa thu lạnh lùng thốc qua trước mặt. Con đường lát đá xanh dài đằng đẵng, quanh co uốn khúc như không có điểm dừng.

Lại một đêm sáng trăng. Trăng trung tuần tròn vành vạnh, yên tĩnh và thê lương giữa đất trời âm u. Y bước vào cánh cổng giăng đèn kết hoa của Tiêu Nguyệt viện, khung cảnh vẫn náo nức và nhộn nhịp như ngày trước.

Tiểu đồng trong căn phòng của Quỷ Cầm vừa nhìn thấy y thì lại mỉm cười, đưa tay ra dấu:

– Công tử lại đến.

Y hơi ngạc nhiên, nhưng cũng không dám lên tiếng, chỉ sợ người ngồi đằng sau bức rèm lụa trắng kia sẽ nhận ra y. Y lặng lẽ bước đến bàn trà nho nhỏ nằm cạnh cửa sổ, đưa lưng về phía ánh trăng trong vắt. Trăng hôm nay không hiểu vì sao lại sáng lạ lùng. Dưới ánh trăng, dường như y còn có thể thấy thân ảnh mờ mờ của người kia ẩn sau bức rèm lụa. Người kia ốm quá, ốm hơn trong trí nhớ của y gấp trăm lần.

Có rất nhiều kẻ tiều tụy đi không phải bởi vì cơm canh đạm bạc, mà chỉ vì một nỗi nhung nhớ kéo dài đằng đẵng trong tâm hồn.

Y cúi mặt buông một tiếng thở dài rất khẽ. Hôm nay, tiểu đồng không hỏi y muốn nghe khúc nào nữa. Nó chỉ đứng lặng yên cạnh bàn trà, ngơ ngẩn đưa mắt nhìn những tinh thể bụi bay bay trong không khí.

Từ đằng sau bức rèm lại vẳng ra tiếng nhạc. Y nghe mãi mới nhận ra đó là khúc “Bình sa lạc nhạn” (11) mà ngày xưa y từng dạy cho hắn. Chỉ có điều, hắn đã cải biên lại, thanh điệu thánh thót của cánh chim chao nghiêng nơi đồng nội đã bị thay thế bởi những cung trầm u uất và bi thương. Mỗi dây hắn đàn, dường như chỉ đong đầy ly tao cùng oán hận.

Y ôm lấy lồng ngực, nhịn lại một tiếng ho khan. Dây tơ đàn vẫn không ngừng buông ra những âm thanh đau đớn như máu rỏ. Y vẫy gọi tiểu đồng, làm dấu hỏi nó:

– Quỷ Cầm ở nơi đây bao lâu rồi?

Tiểu đồng khẽ lắc đầu.

– Chủ nhân không cho nói.

Y lấy trong người ra một nén bạc đẩy đến trước mặt nó. Nó ngần ngừ một lúc lâu, xong thì vụt cầm lấy rồi lấm lét trả lời:

– Đã hơn tám năm rồi.

– Từ đó đến này, chưa từng có ai muốn chuộc?

– Từng có, nhưng chủ nhân đều từ chối.

– Vì sao?

– Người nói, người muốn chờ sư phụ người.

– Sư phụ?

– Chủ nhân còn kể, sư phụ người ngày xưa dặn rằng, nếu sau này có đi lạc thì cứ ở yên một chỗ, sư phụ nhất định sẽ đến đón người về nhà.

Trần Vỹ Đình đã đi hỏi tú bà. Mụ õng ẹo một lúc, cuối cùng cũng đinh ninh với y rằng, muốn chuộc Quỷ Cầm ra, cần phải trả cho mụ năm vạn lượng bạc.

Y thầm nghĩ, năm vạn lượng bạc để đổi lấy hắn, y chưa từng thấy đắt. Nếu ngày xưa có thể đem năm vạn lượng bạc ra để đưa hắn đi cùng y, có lẽ, dù phải bán đi Liêu Minh cầm, y cũng sẽ chẳng bao giờ hối tiếc.

Một buổi chiều cuối thu hanh hao nắng, y lại đi tìm lão già điều độc. Trời mùa thu lá rơi nhiều, lá vàng héo úa lả tả trải dài trong khoảng sân heo hút nơi biệt viện. Lão nhìn thấy y, cũng không còn ngạc nhiên nữa, chỉ lặng lẽ nhếch môi cười:

– Ngân lượng đã dùng hết rồi sao?

Y cúi mặt lắc đầu, âm thầm nối gót lão trở vào căn phòng nhỏ nồng nàn mùi thuốc đắng. Lão đưa cho y lọ thuốc độc, y đón lấy, nhưng chưa uống vội. Lão đẩy ghế ngồi xuống đối diện y, bâng khuâng nhìn những tia sáng lọt vào qua khe cửa. Rồi lão lại lên tiếng:

– Tay phải ngươi, là bị gì vậy?

Y xoay đầu:

– Không bị gì cả.

Lão cong môi, chòm râu loe hoe dưới cằm đung đưa khe khẽ.

– Đừng lừa ta, ta làm thầy thuốc bao nhiêu năm, tay ngươi bị gì chả lẽ ta nhìn không ra.

Y lặng thinh không đáp, cánh tay phải nằm thẳng đơ trên bắp đùi. Lão rướn người nắm lấy cánh tay y, y hơi cau mày, nhưng hoàn toàn không phản kháng. Lão dùng hết sức siết chặt cổ tay, chặt đến mức chính lão còn vã cả mồ hôi, vậy mà y cũng không có chút gì gọi là đau đớn. Y lạnh lùng nhìn lão, lão ngớ người, rồi khẽ cười ngồi xuống.

– Đã bị phế rồi sao? Nhưng nhiều vết sần như vậy, bàn tay này ngày xưa chắc chắn từng biết gảy đàn.

Y thở dài hướng ánh nhìn đi nơi khác. Bóng tối lập lòe nặng nề bao phủ xung quanh. Tay trái y nắm lấy lọ thuốc, một hơi cho vào miệng. Lần đó, lúc y ra về, lão lại kéo áo y, ngập ngừng nói nhỏ:

– Nếu cho mình là vô dụng, thì cũng đừng đem tính mạng ra mà đánh cược thế này.

———

Mùa xuân năm đó, Trần Vỹ Đình đã dạy đàn ở Lý vương phủ được tròn chín năm.

Lý Dịch Phong khi ấy, cũng đã vừa đến tuổi trưởng thành. Da hắn trắng nõn như cánh sen, khóe môi lại cong, đôi mắt sâu lúc nào cũng ngập tràn ánh sáng.

Hắn ở bên y, an bình và tĩnh lặng đợi năm tháng trôi qua. Hắn đối với y, lúc nào cũng ngọt ngào và mềm mại như nước. Tử Vân của hắn, Liêu Minh của y, sóng đôi mà nổi danh khắp đất kinh kỳ. Chỉ cần hai cây danh cầm hòa tấu, thời gian cứ như ngưng đọng lại, bao u uất phiền muộn bỗng chốc hóa tro tàn, thanh thản mà tan vào trong gió.

Năm tháng tưởng chừng sẽ cứ lặng lẽ lướt qua như thế, nhưng chẳng ai ngờ, Biện Kinh trong một đêm đã bị quân Kim đánh chiếm. Hoàng triều tháo chạy, Bắc Tống mất nước. Trong cơn binh biến, y đã để lạc mất hắn. Không một lời từ biệt, không một tiếng khóc than, chỉ lặng lẽ mà lạc mất nhau như vậy.

Một giây lầm lỡ, lại kéo theo cả mười năm đau thương và ly biệt.

Gia quyến Lý tướng bảo hộ cho hoàng tử Triệu Cấu, cùng lui về Lâm Ấp dựng lại cơ đồ.

Cầm sư Trần Vỹ Đình cùng mấy mươi vạn thường dân Bắc Tống bị quân Kim bắt làm tù binh, vì ngược đãi mà chết quá nửa.

Hoàng thất Kim quốc nghe danh y biết tấu cầm mà bắt vào cung hầu hạ. Y không quy thuận, lại còn văng lời phỉ báng, cuối cùng bị họ phế mất cánh tay phải rồi trục xuất khỏi cung. Liêu Minh cầm của y cũng bị họ tước mất, vĩnh viễn không tìm lại được. Còn đôi tay này, cũng vĩnh viễn không cách nào có thể tấu cầm được nữa.

Y lang thang tìm về Biện Kinh, lúc này đã trở thành một phần của Kim quốc. Vương phủ ngày xưa giờ đã tiêu điều đổ nát, nhìn ai cũng chỉ thấy xa lạ, gặp ai cũng chỉ thấy lạnh lùng. Y bị giam giữ ở Kim quốc ba năm, lại mất đến bảy năm trôi dạt khắp Nam Tống. Từ đó trở đi, y chỉ coi mình là kẻ tàn phế. Y lạc mất Lý Dịch Phong, lại đánh mất Liêu Minh cầm, đến cả chơi đàn cũng không thể nào chơi được.

Y đã từng nghĩ đến tự tử. Nhưng mỗi lần y tự tử, thì lại có những thứ khác níu lấy chân y. Ngay cả chính bản thân y cũng không đành lòng chết đi, vì y, chưa tìm được hắn. Chỉ cần nhìn thấy hắn vẫn yên bình, hạnh phúc, cuộc đời của một kẻ tàn phế như y cũng đã có thể xem là viên mãn rồi.

Một lần trời tàn thu, y co ro ngồi giữa phố chợ của một thị trấn nhỏ, lại vô tình nghe thấy có hai gã thương nhân như vừa từ kinh trở về. Họ nói với một kẻ bán đàn trong chợ, rằng ở kinh đô có một người mang danh Quỷ Cầm. Tiếng đàn của kẻ ấy chỉ có thể gọi là tuyệt thế, nhưng không may lại sa cơ lỡ vận vào chốn lầu xanh. Người nói có lần nghe kể Quỷ Cầm là nam nhân. Người kia liền phản bác rằng kỹ viện là nơi nữ nhân sinh sống, làm sao có thể để cho nam nhân vào ở.

Y nghe đến đó, chỉ biết rằng đời này, nếu không tìm gặp được Quỷ Cầm, y sẽ không bao giờ thấy lòng mình yên ổn. Y tìm mọi cách đi đến Lâm Ấp. Đường đi khó khăn, cách trở vô vàn, trèo đèo lội suối y không ngại, chỉ ngại lúc đến nơi rồi thì người kia cũng chẳng còn ở đó nữa.

Y nhớ có một ngày sang thu, ánh nắng hoàng hôn dần tiễn buổi chiều đi vào tối. Y dắt hắn ra ngoài dạo chơi, con đường kinh phủ trải ra trước mặt y và hắn dài thật dài. Người qua kẻ lại náo nhiệt như ngày hội, y nắm lấy tay hắn, sợ lạc. Nhưng hắn e ngại, chỉ chạm hờ rồi lại khẽ buông ra.

Lần đó, y tự nhiên thấy buồn, cũng chẳng hiểu vì sao. Con đường quanh co uốn khúc, đến lúc quay đầu lại đã chẳng thấy hắn đâu. Lòng y bỗng hoảng loạn vô cùng. Suốt cuộc đời y, chưa lần nào y sợ và hoang mang như thế. Y tìm hắn rất lâu, từ khi phố phường còn náo nhiệt đến lúc không trung vẳng lại tiếng trống canh báo gọi giới nghiêm, y cũng chưa tìm ra hắn. Y trở về vương phủ, thấy hắn đã đứng trước cổng chờ y. Y thở hắt một hơi, muốn mắng muốn la hắn cũng không cách nào làm được. Y kéo đầu hắn vào ngực mình, trầm trầm cất tiếng:

– Ngươi làm ta sợ quá.

Hắn vòng tay ôm lấy thắt lưng y, hơi thở phả vào người y nóng hổi. Y vuốt tóc hắn, dịu dàng bảo:

– Sao này, lỡ như bị lạc thì cũng đừng chạy lung tung. Cứ đứng yên một chỗ, rồi sư phụ sẽ đến tìm ngươi, đưa ngươi trở về nhà.

——-

Trần Vỹ Đình nằm trong một căn lều tranh tồi tàn cạnh bờ sông Dương Tử. Trời bây giờ đã sang xuân từ lâu. Ánh nắng lấp lánh trên cao rọi vào qua những khe lá chật hẹp, không đủ để hong khô cái ẩm thấp và tối tăm của mái lều nhỏ.

Y trở mình ngồi dậy, ruột gan và dạ dày đau như dao cứa. Ngày hôm qua, đại phu nói, người y đã tích độc quá nhiều, không cách nào cứu vãn được nữa. Họ bốc thuốc cho y, nhưng y không mua, bởi vì trên người y cũng đã chẳng còn một đồng xu dính túi .

Từ lập thu năm ngoái đến mùa xuân năm nay, y đã đi thử độc trên dưới trăm lần. Liều lớn liều nhỏ, độc mạnh độc yếu, y đều đã nếm qua, cũng không chỉ ở ngôi biệt viện của lão già hôm nọ mà còn ở chỗ của rất nhiều, rất nhiều người khác. Nhưng y không sợ nữa, bây giờ y có chết cũng không sao. Chết giữa trời đất tươi đẹp thế này, trên đầu có mây bay, dưới đất có hoa nở, ngoài kia còn có cả một dòng sông trong vắt và yên bình lững lờ trôi.

Cuộc đời y từ ngày mất đi cánh tay phải cũng đã chẳng còn có thể giúp ích gì cho ai được nữa. Nhưng với hắn, chỉ cần biết hắn sống không tốt, y nguyện ý đem cả tính mạng mình ra để đền bù. Cánh tay trái còn lại của y, có cả đời cũng không cách nào tìm ra năm vạn lượng bạc để chuộc lấy hắn. Y không cần biết vì sao hắn lại lạc vào Tiêu Nguyệt viện kia, y chỉ biết trong lòng hắn rất u buồn, rất đau đớn. Y từng dạy hắn gảy đàn tối kỵ gảy khi tâm loạn. Cho dù hắn ngụy trang khéo léo bao nhiêu, chỉ cần là y, thì sẽ biết tâm tư hắn thế nào.

Tiếng đàn hắn đau thương như máu rỏ, tâm tư ắt cũng hỗn loạn như trăm mối tơ vò.

Y nghe thấy tiếng đàn, lòng chỉ muốn vén bức rèm lụa trắng kia lên, kéo hắn vào lòng mà nói:

– Phong nhi, theo ta về nhà.

Nhưng nhà của hắn, nhà của y, hiện giờ vẫn còn hay đã mất? Thịnh thế phồn hoa, vương phủ ngày xưa uy nghiêm lừng lẫy. Trải qua một cơn loạn lạc, chớp mắt đã chỉ còn một nắm tro tàn. Y không còn nhà, Lý phủ đã mất, y làm sao dẫn hắn về nhà đây?

Ngày xưa, hắn vì một tiếng đàn của y mà nguyện gọi y là “sư phụ”. Ngày ngày hắn vì y mà mỉm cười, vì y mà rời khỏi bóng tối câm lặng. Bây giờ, cánh tay phải tàn phế, tiếng đàn đã đi mất, y còn mặt mũi nào gặp lại hắn, nghe hắn gọi một tiếng “sư phụ”?

Cách đây hai hôm, y đã gom đủ năm vạn lượng bạc, đem đến đưa cho tú bà. Mụ nhìn thấy số ngân lượng thì hai mắt chớp liên hồi, ánh nhìn sáng rực như ngọn lửa. Y im lặng không nói gì, chỉ nhờ mụ gọi tiểu đồng theo hầu Quỷ Cầm xuống đại sảnh.

Đứa trẻ nhỏ chạy thật nhanh trên cầu thang, nhìn thấy y thì nhoẻn miệng cười, đưa tay ra nói:

– Công tử, lâu rồi không thấy công tử đến nghe đàn.

Y mỉm cười xoa đầu nó, cúi người nói nhỏ:

– Ta đem tiền đến chuộc chủ nhân ngươi, ngươi chuyển lời cho hắn giúp ta, rằng người hắn muốn chờ đã đến rồi.

Tiểu đồng ngẩng đôi mắt tròn xoe lên hỏi:

– Vậy…ngài là vị sư phụ đó sao?

Y khẽ gật đầu. Đứa trẻ chợt mừng rỡ nhảy cẫng:

– Vậy ngài có thể đưa chủ nhân đi rồi.

– Ta không đưa hắn đi được, chỉ có thể trả cho hắn tự do.

– Nhưng mà…tại sao?

– Bởi vì… ta không thích hợp.

Tiểu đồng nghiêng đầu không hiểu, y khẽ cười, phẩy tay bảo nó đi đi. Nó ngập ngừng một lúc lâu, cuối cùng cũng quay người trở bước.

Y rời khỏi Tiêu Nguyệt viện hào nhoáng, trong lòng xa xôi những xúc cảm rất mơ hồ. Bầu trời mùa thu sụp tối rất nhanh, phía đằng Tây chỉ còn lơ thơ mấy vệt sáng tím nhạt.

Từ đâu đó trong cơ thể y lại nhói lên những cơn đau quặn thắt. Y siết chặt tay, bước nhanh ra khỏi kinh thành.

Lý Dịch Phong theo lời một lão già điều độc tìm đến căn lều tranh nhỏ nằm bên dòng Dương Tử ở ngoại ô kinh thành. Lúc hắn bước đến đã là buổi chiều tà. Nắng trên cao hắt hiu buồn từ từ sà xuống trên dòng nước loang loáng bóng thuyền câu.

Túp lều không có cửa, chỉ có độc một tấm tranh chắn ngang phía trước. Hắn bước đến đẩy nó ra, bên trong ẩm thấp và tối tăm như nhà ngục. Có một bóng người nằm co quắp trên ổ rơm nát bươm. Người đó hình như đang ngủ mê, gương mặt vùi lấp trong bóng tối. Hắn đi tìm cây đèn cầy, khơi lên một luồng sáng yếu ớt và lập lòe trong căn lều nhỏ bé.

Hắn cúi xuống nhìn rõ mặt người kia. Hắn nhìn rất lâu, hai khóe mắt cay xè, không hiểu là vì khói hay là vì điều gì nữa. Gương mặt y hốc hác đi rất nhiều so với trong trí nhớ của hắn. Hắn không ngờ, y và hắn ly biệt, cũng đã mười năm rồi.

Lúc được thả ra ngoài, hắn và tiểu đồng đi điều tra tin tức của y ở khắp nơi. Dường như trong Lâm Ấp này, chưa từng xuất hiện một kẻ tên là Trần Vỹ Đình. Hắn không nói được, tất cả phải dựa vào trí nhớ về y của tiểu đồng. Nó và hắn cùng nhau đi dò hỏi, tốn công vô cùng, nhưng hắn không ngại. Chỉ cần là vì y, chuyện gì hắn cũng có thể làm.

Cuối cùng, tiểu đồng cũng tìm được một kẻ lạ mặt, chỉ đường cho y đi tìm đến một biệt viện hoang tàn và hẻo lánh. Chính lão già điều độc kia đã thuật lại cho hắn mọi chuyện về y, về những lần y đi thử độc, về đôi bàn tay đã bị phế mất một bên, về tất cả.

Người đang ngủ lại chợt trở mình, có lẽ do ánh sáng của đèn cầy mà mơ hồ tỉnh dậy. Trần Vỹ Đình chớp đôi mắt cay xè nhìn Lý Dịch Phong, ngây ngây hỏi nhỏ:

– Phong nhi?

Hắn gật đầu, khẽ mỉm cười với y. Y dụi dụi mắt, lại lên tiếng:

– Là ta đang mơ?

Lý Dịch Phong vẫn ngồi yên, đôi mắt hắn đong đầy bóng tối. Hắn đưa tay ra dấu:

– Sư phụ, Phong nhi ở đây, người không mơ.

Y ngây ngốc rất lâu, cuối cùng thì khó khăn ngồi dậy. Hắn giơ tay đỡ lấy y, mùi trầm hương quen thuộc lại thoảng bay trong không khí.

Bên ngoài trời đã tối hẳn, trăng đang lên, và hàng triệu ngôi sao lấp lánh thật xa trên nền trời tím thẫm. Hai người ngồi cạnh nhau chẳng nói gì. Hắn nghiêng người cầm lấy tay trái y. Y ngẩng mặt nhìn hắn, ánh nhìn buồn và mông lung không lời nào tả được. Y siết lấy tay hắn, thì thầm:

– Phong nhi, sư phụ rất nhớ ngươi.

Hắn yên lặng không hồi đáp, chỉ cúi đầu dựa vào ngực y. Y vuốt ve tóc hắn, nước mắt vô tình trào ra từ khóe mi, không cách nào kìm lại được. Bờ vai trong lòng y khẽ run run, hình như, hắn cũng đang khóc.

Chút ánh sáng đèn cầy yếu ớt cũng vừa phụt tắt. Ngoài kia, mà đêm thăm thẳm và bao la như nuốt chửng con người. Hắn đưa tay, ra dấu với y:

– Sư phụ, Phong nhi muốn ở cạnh người.

——–

Lý thừa tướng phò cửu hoàng tử lên ngôi, là một trong những công thần khai quốc của Nam Tống.

Năm Kiến Viêm thứ hai.

Nam Tống vừa mới yên ổn, người dân còn khó khăn, cướp bóc gian tặc vẫn hoành hành ngay cả ở kinh đô. Gia phủ thừa tướng tuy không còn hưng thịnh như ngày xưa nhưng cùng thuộc vào hàng khá giả.

Ngân khố năm ấy bị hao hụt rất nhiều, hoàng thượng quyết định cắt giảm bớt quan lại, cho những người già cỗi như Lý tướng về hưu. Đại ca của Lý Dịch Phong vẫn còn làm quan cho triều đình, tưởng chừng sẽ có thể nuôi cả nhà qua cơn mất mùa năm đó. Thật không ngờ đại ca hắn lại ăn chận tiền cứu trợ của triều đình, bị phát hiện, mũ quan bị tước, đem nhốt vào thiên lao, đến nay cũng chưa thấy tin tức.

Nhà hắn hai già một trẻ, hắn lại bị câm, bất quá chỉ có thể dùng sức mình làm một vài việc vặt xung quanh mà nuôi gia đình. Lần đó Nam Tống mất mùa dữ dội, đến kinh đô Lâm Ấp còn chịu một trận đói to. Phụ mẫu hắn bán hết đồ đạc cũng không thể nào đi qua được mùa ấy.

Song thân hắn qua đời, hắn một mình bơ vơ trong căn nhà điêu tàn không có gì quý giá ngoài một cây Tử Vân cầm hắn kiên quyết giữ bên người. Hắn đem đàn ra đánh giữa phố chợ, lâu lâu mới có người ném cho hắn vài đồng xu lẻ. Vì lúc đó, ai cũng đói. Mà nếu đã đói, thì làm cách nào có thể nghe được cái hay, cái tinh tế của âm nhạc?

Có một lần, hắn đói đến mức lả người đi ở giữa đường. Lúc tỉnh dậy đã thấy có người cho hắn ăn, lại còn được nằm trên một chiếc giường bông rất êm ái. Một bà mụ béo tròn đỡ hắn dậy, hỏi hắn là ai. Hắn không trả lời được, mụ liền hiểu hắn bị câm. Mụ giữ hắn lại đánh đàn trong một trà quán nhỏ, chỉ là phải giấu mặt đi, để người ngoài cứ tưởng hắn là nữ nhân mà thường xuyên lui tới.

Nạn đói đi qua, trà quán dần dần mở rộng, cuối cùng lại trở thành Tiêu Nguyệt viên phồn thịnh như bây giờ.

Trong suốt những năm dài đẵng đằng đó, Tử Vân cầm vẫn luôn ở bên hắn, nhắc hắn nhớ về y. Quá khứ chính là thứ giúp hắn sống sót, còn chờ đợi y, chính là thứ giúp hắn không ngừng hướng về tương lai.

———

Một đêm mưa xuân rây rất nhẹ.

Trần Vỹ Đình nằm trong tay Lý Dịch Phong, hơi thở đã mong manh đến mức dường như không còn nghe thấy nữa. Có một cánh mai đỏ theo gió đưa vào nhà, vô tình xoay tròn rồi đậu lại trên tay y. Y đón lấy, không hiểu sao lại mỉm cười.

Lý Dịch Phong ngơ ngẩn đan lấy tay y, cánh mai nhỏ nằm trong lòng bàn tay hai người mát lạnh hơi mưa phùn. Không ai lên tiếng, nhưng có lẽ, trong lòng mỗi người đều hiểu, được ở bên nhau đã là một thứ hạnh phúc yên bình và đáng trân trọng.

Những gì y nghĩ, những gì hắn muốn nói vốn từ lâu đã chẳng còn quan trọng nữa. Kể từ ngày y và hắn cùng nhau hòa tiếng đàn làm một, ngôn từ giữa cả hai chẳng qua cũng chỉ là một phương tiện giao tiếp nhỏ bé và tầm thường. Y thở dài nhìn bóng tối sâu lắng ngoài kia, hơi ấm của Lý Dịch Phong bao quanh người y như không như có.

Y kéo tay áo hắn, ngẩng đầu nhìn vào đôi mắt ẩn sâu trong bóng tối kia mà hỏi:

– Phong nhi, ngươi có muốn về nhà không?

Hắn buồn buồn gật đầu. Y lại siết lấy tay hắn.

– Phong nhi, đợi ta kiếp sau. Kiếp sau ta nhất định sẽ đưa ngươi về nhà.

Hắn lặng thinh không hồi đáp. Bên ngoài, trời vẫn còn đổ mưa.

Một cơn gió lớn lại chợt ùa vào nhà, cuốn theo mấy đóa hồng mai rơi xuống giường.

Có kẻ vừa yên lặng trút hơi thở cuối cùng. Một đóa hồng mai khoan hòa đậu trên gương mặt.

Nam Tống tương truyền có một kẻ lang thang gảy đàn khắp đất nước. Hắn đi đến đâu, nhìn thấy có phong cảnh hữu tình thì dừng lại tấu một khúc, xong lại ôm đàn mà tiếp tục hành trình. Người ta không biết hắn từ đâu đến, cũng không biết hắn đang đi về đâu.

Có người đã từng được nghe tiếng hắn đàn thì bảo, âm thanh của hắn là tuyệt thế dương gian, không một ai có thể so bì được. Hắn sử dụng một cây đàn màu nâu trầm, nâng niu và trân trọng như báu vật. Lúc hắn đàn, trước mặt thường để một lọ tro cốt nhỏ, không biết là của ai, nhưng người ngoài nhìn vào thì rất đáng sợ.

Có một hôm, người ta thấy hắn lang thang đi vào Kim quốc. Mấy năm sau, lại thấy trên vai hắn đeo thêm một cây đàn đen ánh, nghe đâu là danh cầm Liêu Minh. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy hắn đàn là trước cổng một vương phủ đổ nát. Hắn đặt cây đàn của mình trên một mỏm đá, Liêu Minh cầm nằm ở phía đối diện. Lọ tro cốt nhỏ lại đặt cạnh Liêu Minh, sắc đen ánh của huyền cầm như tương phản với màu trắng của lọ cốt.

Hắn gảy một khúc rất lạ tai, có kẻ bảo đó là khúc “Tương tư mộng”. Ngoài hắn ra, chỉ còn một người mang danh Quỷ Cầm có thể tấu, nhưng Quỷ Cầm ấy, đã mất tích từ rất lâu, rất lâu rồi.

Sau này, ở vương phủ đổ nát kia, người ta tìm thấy hai ngôi mộ nằm ẩn dưới lòng đất. Hai ngôi một đặt sát cạnh nhau, bên cạnh còn chôn thêm hai cây đàn gỗ quý. Mặt đất phía trên mộ phần ấy, không biết ai đã trồng một cội hồng mai rất lớn. Mỗi năm mai đều nở, từng đóa lả tả rơi trong những ngày mưa phùn, và dường như, ở đâu đó ngoài kia còn vẳng lại một khúc nhạc trong những chiều mưa xuân ấy.

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro