Căn nhà với ánh đèn màu đỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dạo này bố tôi không hay ở nhà. Cứ mỗi 7 giờ sáng, ông rời khỏi nhà đến 10 giờ tối mới về ăn cơm. Ông đã nghỉ hưu từ lâu, nên không có chuyện đấy là đi làm. Ở cái chốn khỉ ho cò gáy này thì cũng không có chuyện ông đi chơi bời gì. Mấy lần tôi tò mò hỏi mẹ, thì bà chỉ gạt đi như không và nhắc tôi tiếp tục dọn dẹp. Tỏ vẻ lo lắng là thế, nhưng những ngày này, tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn. Tôi liều mình đi chơi với đám con trai cả buổi chiều sau khi tan học mà chẳng sợ bị ai mắng chửi. Tôi lấy tiền lẻ giấu dưới gầm giường đi mua những thứ kẹo ăn vặt về nhà và chất đầy trong gầm giường mà không sợ phải đi qua chiếc ghế nằm mà bố tôi hằng trị vì. Chỉ có duy nhất một điều mà tôi lăn tăn, chính là việc cả nhà tôi phải đói meo đói mốc chờ bố về đến tận 8 giờ mới được ăn cơm.

- Này, hôm qua tao thấy bố mày đi với một con đĩ.

Tôi giật mình bừng tỉnh khi thằng Nam Hoàng thì thầm to nhỏ với cả đám. Chúng tôi ngồi tụ họp ở sân chơi gần tổ dân phố, trốn học. Như có thần giao cách cảm, thằng Chung cũng giật mình quay ra nhìn thằng Hoàng. Nó biết. Chỉ có tôi và nó biết.

- Chắc mày nhầm người rồi, bố tao ở nhà riết!

- Nhầm thế nào được? Cả xóm chả có ai có bụng bia cả, có mỗi bố mày.

Các chú trong xóm tôi phần lớn đều làm nông, nên ai nấy cũng gầy như que củi. Nhà tôi khá giả cốt cũng nhờ công việc bàn giấy của bố tôi. Đến cả tôi thậm chí cũng không biết tại sao ông lại chọn làm việc ở cái nơi này, trong khi cả gia đình đáng ra đã được lên Hà Nội. Có lẽ trước đó cũng có nhiều việc xảy ra, nhưng bất cứ thứ gì liên quan đến bố tôi cũng như một cuốn sách cấm mà chẳng ai dám mở ra, kể cả là người nhà của ông.

Kể cả nơi ông đến mỗi ngày…

- Mày kệ nó đi, ai mà chả biết bố nó là giống thượng đẳng.

Chung nhấp ngụm coca như đang uống rượu, song khi nhận ra đã uống hết, nó đặt cái lon xuống đất và dẫm bẹp, sau đó sút đi. Thằng Hoàng cũng chẳng gặng hỏi tôi làm gì, nó lại rủ cả bốn đứa về cổng trường ăn bánh mì nướng muối ớt.

Đói meo, tối qua lại chẳng ăn được nhiều vì bố say xỉn, tôi hứng khởi chạy theo nó ngay lập tức. Bỗng có ai đó kéo giật tôi lại đằng sau. Tôi sợ hãi, theo phản xạ ngó nghiêng tìm Duy bé.

Ra là thằng Chung.

- Cái gì? Mày làm tao giật hết cả mình!

- Bố mày. Có khi lão lại đến đấy.

"Đấy".

Hai tai tôi bỗng chốc ù đi. Tôi chẳng nghe thấy tiếng thằng Chung eo éo bên cạnh nữa. Có tiếng gì đó đang văng vẳng vọng lại từ đằng xa, như lời phán xử từ trên trời giáng xuống dành cho kẻ trần tục. Đó là một đoạn thơ nhỏ hay gì đấy tương tự, nhưng lạ thay, tôi chẳng thể nhớ mình đã nghe thấy nó ở đâu.

Đôi lân đỏ, đôi lân đỏ

Cà thì cà thụt mà mắc vào nhau

Không mắt, không tai

Không đuôi

Phi lý, vô thường

Xử trảm, xử trảm

Hai bên thái dương tôi đau nhức. Hai mắt tôi nhòe đi, bầu trời tối lại một màu đỏ đục ngầu như những con lân múa trong tiềm thức của tôi. Một bài đồng dao. Bài đồng dao của trẻ em. Nó lặp đi lặp lại trong đầu tôi. Những con lân đỏ vụng về xoắn cả bốn chân, cơ thể dài ngoằng của chúng mắc kẹt vào nhau. Chúng bắt đầu cắn xé lẫn nhau, máu đỏ văng khắp nơi, bắn lên tường nhà màu trắng, bắn lên cột cái, bắn lên bàn thờ tổ tiên, bắn lên bộ ghế đồng kỵ đắt tiền, bắn lên cả mặt cả người tôi.

Đó là một căn nhà nhỏ nằm gần ruộng mà xa khu dân cư. Lâu lắm rồi, lúc ấy tôi mới có 8, 9 tuổi. Hôm ấy tôi và thằng Chung trốn nhà đi bắt ếch lúc nửa đêm thì thấy bên kia ruộng lập lòe ánh đèn đỏ.

- Vãi mày, lễ hội kìa!

Chung phấn khích bấu tay tôi khiến tôi làm đổ ụp cả rổ ếch ra ngoài. Tôi nheo mắt nhìn xem có cái gì, thì chỉ thấy một căn nhà nhỏ.

- Lễ hội đâu ra, người ta đang cúng bái gì ý!

- Nếu muốn biết thì chỉ có đi xem thử!

- Không, muộn quá rồi, nhỡ tí bố tao về khóa cửa thì chỉ có nước ngủ ngoài hiên.

- Mày lúc nào cũng bố bố bố bố!

Nó cảm thán, xong xách luôn cái đèn đom đóm chạy vòng ra phía kia ruộng. Tôi sợ tối nên lập tức chạy theo.

Khi lại gần thì chúng tôi nhận ra ở đây không chỉ có đèn đỏ, mà còn lấp lóe đèn xanh đỏ tím vàng nữa. Một cái đèn nhìn như một quả cầu đầy lỗ, những cái lỗ ấy chiếu ra những dòng ánh sáng khác màu. Hai ba cô gái mặc váy áo xúng xính, hở ngực, hở lưng đứng vuốt tóc ngoài hiên, nhìn thấy hai đứa trẻ ngây ngốc đứng ngoài, họ chỉ thì thầm gì đó với nhau và cười thầm. Tôi ghét điều đó, nhưng Chung thì không. Nó kiễng chân ngó vào bên trong qua cửa sổ, tôi cũng bắt chước làm theo. Những người lớn cả trai cả gái đỏ rực như lửa cuốn lấy nhau và uốn éo dính vào nhau. Mùi mồ hôi, thuốc lá và rượu xộc lên mũi khiến tôi choáng váng, nhưng những người trong đó lại lấy thế làm thích thú. Tôi bỗng thấy cơ thể cô gái kia dài ngoằng ra và xoắn lấy gã đàn ông cô đang ôm. Thật kinh tởm. Chúng trông chẳng khác gì những con rắn, con chuột đồng bẩn thỉu ướt đẫm bị mẹ tôi vớt từ dưới ruộng lên. Con bé Thiên Thanh hồi còn nhỏ ấy đã thấy chúng chẳng còn tính người nữa, bởi những thứ phù phiếm kia đã biến chúng thành những con thú mất ý thức. Mất đi nhân tính.

Bỗng những con rắn, ếch, chuột ấy ngồn ngộn lẫn vào nhau và biến thành hai con lân đỏ. Chúng gầm gừ rên rỉ như những con mèo cái thèm đực, vụng về nhảy múa như những đứa trẻ mới tập đi. Mùi thuốc càng ngày càng nồng. Những người phụ nữ khi nãy còn đứng bên ngoài với chúng tôi đã đi vào trong tự lúc nào và nhanh chóng biến thành một phần của hai con lân ấy. Màu đỏ trong phòng làm mắt tôi đau nhức. Tôi không thể chịu được nữa. Tôi cúi xuống và nôn thốc nôn tháo. Thằng Chung đang mải mê xem thấy tôi như vậy cũng cúi xuống vỗ lưng cho tôi.

- Mày sao đấy? Thôi về nhé!

Tôi không đứng nổi nữa, hai chân tê rần vì chuột rút. Thế là thằng Chung phải cõng tôi về. Trước khi về tôi có liếc qua khung cửa sổ một lần nữa, và thấy hai con lân đã biến mất, chỉ còn lại những kẻ cầm thú mang nhân dạng đang quấn lấy nhau.

- Nhưng mà Thanh này… - thằng Chung vẫn cõng tôi, nhưng bỗng dưng nó ấp úng một cách kỳ lạ - Khi nãy, tao thấy bố mày trong đó.

Tâm trí tôi hiện lên rõ mồn một hình ảnh bố tôi thác loạn cùng với một cô gái trong căn phòng màu đỏ ấy, ông cười những tràng cười hoang dại, như thể trên thế gian này chẳng còn những bà Dung, thằng Duy, cái Thanh nữa. Tôi chẳng nghĩ ngợi được gì nữa, mặc kệ vẻ lo lắng của thằng Chung, tôi ngồi im như thóc trên lưng nó suốt cả quãng đường về.

*

Có lẽ trên thế gian này, tôi là đứa trẻ duy nhất căm ghét Tết Trung thu. Những ngày tháng về sau, tôi không dám nhìn vào mắt bố, tuy ông nói gì tôi cũng làm theo, nhưng tôi chẳng bao giờ gọi ông là bố nữa. Tôi ghét bản thân mình, bởi hơn ai hết tôi biết rằng sự chống đối một cách vô vọng ấy của tôi cốt là để giành lại sự chú ý không còn tồn tại của "người cha" mà đáng ra phải là của gia đình chúng tôi, nhưng giờ đến cả đứa con trai cưng ông cũng chẳng để lọt tầm mắt, huống gì là ngôi sao chổi mà ông ghét như xúc đổ đi. Thế rồi, tôi bỏ cuộc. Chẳng ai trong nhà tôi đủ tinh tế để nhận ra sự lạnh nhạt trong thái độ ứng xử hàng ngày của "người cha", "người chồng" ấy. Tôi chán cảnh mẹ và thằng em ngồi đợi cơm hàng ngày đến tận 10 giờ khuya. Nhiều khi tôi muốn nói ra, nhưng một lần nữa lại có cái gì đó nghẹn lại trong cổ họng tôi, khiến tôi cứ hèn hạ im lặng trong suốt những ngày tháng chôn giấu bí mật về hai con lân đỏ ấy.

Tôi ghê tởm nhìn ra ngoài cửa phòng. Tiếng trống tùng tùng theo nhịp, ánh đèn đỏ vàng xanh cùng với tiếng kẽo kẹt bắt tai từ những chiếc đèn kéo quân mà chỉ có con nhà giàu lắm trong xóm mới được bố mẹ mua cho. Tất cả, tất cả đều không lọt tai, lọt mắt tôi. Duy đã đi chơi từ sớm, nó được mẹ cho vài đồng mua chai coca. Nó hứa sẽ mang ít kẹo phá cỗ về cho tôi, dù tôi đã bảo không cần. Sáng mấy hôm trước đi học, mới chỉ ngó đầu ra ngoài thấy lùm xùm những cái đầu lân ở ngoài bãi, tôi đã nôn ra những mật xanh mật vàng. Mấy thằng bạn cười tôi, trêu tôi lớn đùng rồi còn sợ lân. Đã hai ngày nay tôi giả ốm trốn lủi trong nhà. Cảm giác nặng nề trên lồng ngực khiến tôi lại càng nhức đầu hơn.

- Có bạn đến tìm mày này!

Mẹ tôi gọi vọng từ dưới bếp lên. Tôi bực tức. Đã bảo với chúng nó hôm nay không đi chơi Trung thu rồi. Tôi mặc kệ, coi như tiếng trống đã át đi tiếng mẹ gọi rồi giả vờ ngủ.

*

- Thanh, Thanh!

Giọng thằng Chung í ới gọi, kèm theo động tác kéo chăn như cách mẹ tôi hay làm khi gọi tôi dậy. Tôi cáu kỉnh kéo giật cái chăn lại, coi như đấy là sợi dây kiên nhẫn duy nhất còn lại trong tâm trí tôi.

- Chị định cứ như này mãi à?

Tôi choàng tỉnh. Đó là một giọng điệu khác hẳn với giọng thằng Chung. Một giọng nói của trẻ con, nhỏ nhưng vang, ấy mà nghe như tiếng gọi từ thiên không vọng lại. Trước mắt tôi đen ngòm, chỉ còn ánh sáng từ mặt trăng là vớt vát được chút lý trí cuối cùng trong tôi, bằng không tôi cảm như mình đã có thể nổ tung trong bóng tối vô hạn này và tan vào không khí thành những hạt bụi nguyên tử.

Mất một lúc lâu để mắt tôi làm quen. Tôi nửa tỉnh nửa mơ, rờ xung quanh và thở phào nhẹ nhõm khi thấy mình vẫn ở trong phòng. Thằng Duy đã ngủ từ lúc nào, trên bàn học của chị em tôi có đầy kẹo, có vẻ thằng bé vẫn nhớ đến tôi. Tôi nhặt tạm một cái kẹo bỏ vào miệng ngậm cho đỡ bất lực trước bóng tối, sau đó nhìn ra cửa sổ, trên bãi đất trống vương vãi đầy vỏ chai nhựa và giấy rác từ những chiếc đèn ông sao và vỏ kẹo bánh, có vẻ tiệc đã tàn nhưng tàn dư vẫn còn đó.

Sau khi đã chắc chắn rằng không có con gì sắp ập ra bắt tôi, tôi yên tâm bước xuống giường, lần mò đôi dép để đi vệ sinh. Thằng Duy rúc trong chăn ngáy khò khò, có vẻ cu cậu cũng thỏa mãn rồi.

Ngoài bãi đất có một đám trẻ con vẫn còn tụ tập vào với nhau, chúng đang chơi một cái gì đấy sáng lập lòe như con đom đóm. Tôi mặc kệ, tiếp tục đi làm việc của mình.

- Mày phải lấy cái bật lửa chĩa vào đây như này này!

- Đừng, đợi cái Mai đã. Nó đang đi lấy đồ.

- Lấy cái gì mà lâu thế? Thôi mình cứ chơi vài cái trước đã. Còn nhiều pháo mà!

- Không được! Mãi tao mới chôm được gói pháo này của anh tao!

Hồi ấy ở làng tôi, những thứ đồ chơi trên thành phố là vô cùng xa xỉ. Chỉ có những người cũng gọi là khá giả trong làng như bố tôi mới có thể lên thành phố mua về được. Vì vậy, ít nhiều tôi cũng biết pháo là cái gì, và nó nguy hiểm đến nhường nào nếu rơi vào tay của những đứa trẻ quá nhỏ tuổi. Thế nhưng lúc đó, tôi muốn ngăn chúng lại không phải vì tôi sợ nguy hiểm, mà là vì bản tính thích làm người lớn mách bảo tôi phải ra mắng cho mấy đứa trẻ này một trận để ra oai lấy le. Thế là tôi hùng dũng khí thế mở banh cửa nhà vệ sinh ra và lớn tiếng quát:

- Cái bọn nít ranh này, ai cho chúng mày chơi pháo hả…

Tôi những ước lúc ấy mình không vì sĩ diện mà bước ra mắng chúng.

m cuối của câu nói bị tôi nuốt mất vào trong khi tôi nhìn vào bốn đôi mắt của những đứa trẻ chơi pháo ấy. Chúng chỉ có lòng trắng, không có con ngươi, mà "thứ gọi là đôi mắt" ấy cũng chẳng trắng hẳn, mà nó vằn vện, đục ngầu những vân máu đỏ lè như đang chực chờ nổ tung. Làn da của chúng trắng bệch như người chết, ấy vậy mà đôi môi lại đỏ hồng như những đứa trẻ bình thường. Nhưng điều làm tôi sợ hãi hơn cả, chính là cái đầu lân mà đứa trẻ thứ năm đứng ở trung tâm đang cầm, và đứa trẻ thứ năm ấy, không ai khác…

… là Duy lớn.

Duy luôn xuất hiện khi tôi lơ là nhất. Duy là bóng ma ám ảnh cuộc đời tôi. Nó lúc nào cũng có cái nụ cười mỉm vẻ châm biếm vô cùng đặc trưng, như thể nó có thể sẵn sàng ký bản quyền cho cái nụ cười thương hiệu ấy ở Cục Sở hữu trí tuệ. Nó cũng giống như những đứa trẻ kia, mắt không có con ngươi, da trắng bệch và đôi môi đỏ hồng. Không, phải là những đứa trẻ kia trông giống nó thì đúng hơn.

Tôi những muốn bỏ chạy, nhưng dường như có một lực kéo vô hình đang giữ chân tôi lại. Tôi đứng như trời trồng, bất lực nhìn thằng Duy chậm rãi đội cái đầu lân lên. Một thằng con trai khác chui ra đằng sau con lân và bắt đầu nhảy múa. Ba đứa trẻ còn lại, mỗi đứa cầm một cây pháo sáng đung đưa theo nhịp lời đồng dao mà cả năm đứa đang đọc. Tôi sợ hãi bịt tai lại, nhưng đã quá muộn. Thanh âm đầu tiên chạm vào màng nhĩ của tôi như một mồi lửa, những thanh âm theo sau nó tôi đều bắt lửa cháy rõ và làm cơ thể tôi đau rát dù đã bịt chặt tai, như thể thứ tôi nghe thấy là từ trong đầu tôi phát ra chứ chẳng phải là tiếng hát của những đứa trẻ ấy nữa.

Đôi lân đỏ, đôi lân đỏ

Cà thì cà thụt mà mắc vào nhau

Không mắt, không tai

Không đuôi

Phi lý, vô thường

Xử trảm, xử trảm

Ánh đèn đỏ như máu của đêm trăng rằm năm ấy chẳng hẹn mà quay lại. Tôi không muốn thấy Duy và những con lân đỏ xuất hiện cùng lúc, một chút cũng không. Nhưng oái oăm thay, nhiều vui thích của số phận chính là trêu ngươi tôi. Tôi chới với trong không trung, chẳng còn đủ tỉnh táo mà nhận thức được cái gì nữa. Duy ngoe nguẩy múa những điệu vụng về, nó muốn mô phỏng lại những gì tôi thấy trong cái đêm định mệnh ấy. Những đứa trẻ xung quanh càng ngày càng méo mó, rồi dần dần phình to lên như những quả bóng bay khổng lồ. Duy càng ngày càng tiến tới gần tôi, càng gần, càng gần, tôi càng khó kiểm soát được hơi thở của mình.

Thế rồi cả đám trẻ bong bóng ấy nổ tung thành hàng trăm con rắn, con chuột, con ếch nhái.

*
Một lần nữa, Duy để tôi sống.

Tôi thức dậy lần thứ hai vẫn ở trong căn phòng ấy, vẫn ở vị trí mà tôi rời giường đêm hôm qua. Ánh sáng từ phía ngoài cửa sổ chiếu vào chưa bao giờ khiến tôi yêu cuộc sống này đến vậy. Như một phản xạ tự nhiên, tôi bật dậy và nhìn ra bãi đất trống, để rồi nhẹ nhõm khi chỉ thấy mấy cô ve chai đang cặm cụi nhặt rác. Trên bàn vẫn là một đống kẹo, và thằng Duy thì vẫn ngủ say như chết.

Đáng lẽ, Duy lớn đã có thể giết tôi trong giấc mơ đêm qua…

Tôi bỗng thấy mình chẳng đáng được sống. Tôi đã giết Duy. Chẳng thể nào phủ nhận sự thật rằng tôi đã giết chết đứa em chưa sinh ra đời được tròn một ngày ấy của tôi. Bằng không, nó đã không trở về từ cõi chết và ca oán những khúc bi ai đòi mạng từng ngày từng giờ tôi hãy còn trên cõi đời này. Nó muốn tôi chết đi cùng nó. Nó có thể đã giết tôi. Nhưng nó vẫn để tôi sống. Tôi vẫn sống, nhưng để làm gì? Tôi mang trong mình tội ác tày đình. Kẻ giết người từ trong bụng mẹ, đến cả cõi âm ti cũng chưa chắc dám chứa tôi.

Tôi bỗng thấy có điều gì đó bất thường. Tôi lập tức đứng dậy và lục lại đống kẹo trên bàn. Thiếu mất một cái kẹo màu vàng. Đó là cái kẹo tôi đã ăn tối qua.

Duy…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro