Chương II-1: Gươm mài bóng nguyệt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bình minh dần lên nơi dãi đất phân mao phía xa kia. Trời vừa tờ mờ sáng nhưng đêm vẫn chưa hẳn tàn. Vầng nguyệt trên cao vẫn còn giữ được một chút ánh sáng yếu ớt trước khi mặt trời soi rõ phía dưới. Dương nga hai vầng sừng sững đứng đối nhau ở hai góc trời. Một bên là cái ánh sáng trong đêm sắp tắt đi, một bên lại là cái quang rạng của ban ngày đang tiến dần về phía đỉnh trời. Vầng dương và bóng nguyệt, trong giây phút ít ỏi cùng soi sáng xuống mặt đất... Đêm ngày đương lúc chuyển giao, cỏ cây muôn thú cũng không lấy gì làm vội vàng. Chúng cứ thong dong chờ đến khi trời hừng đông rồi mới về lại cái trật tự đêm ngày quen thuộc của mỗi giống loài. Chỉ có những con người sắp đi qua đây là mang vẻ khẩn trương. Đó là đoàn người hộ tống Mạc Mậu Hợp và hoàng tộc Bắc triều lánh đi nơi khác. Bọn họ đi rất nhanh trong im lặng. Không ai trong số họ- Những binh sĩ hộ tống, những cung nhân và cả tông thất họ Mạc biết chính xác nơi họ sẽ đến. Cái họ biết là hiện họ và quân Lê- Trịnh đều đi về hướng Bắc, chỉ khác là một kẻ đang tiến vào đánh chiếm Thăng Long, một kẻ lại đang phải bôn tẩu. Cái họ biết nữa là nơi họ đến, căn theo hướng này có thể là chốn mạn ngược trong lời sấm trạng Trình, hoặc vùng biên thùy phân mao, hoặc những nơi vẫn còn ủng hộ họ Mạc ở Bắc phần. Cái họ biết rõ nhất chính là nếu muốn toàn mạng thì phải nghe theo quan Tây đạo, nhanh chóng rời khỏi ngôi thành sao lưng trong im lặng, mặc kệ chuyện gì sẽ diễn ra với nó. Cung nhân, quan lại cánh văn và phần nhiều tông thất đều nhất nhất tuân theo. Ngoài tuân theo, những con người chân yếu tay mềm ấy còn làm được gì hơn. Còn về phần binh sĩ lại khác. Người thì chấp nhận phục tùng, kẻ thì chân vẫn bước mà ngoài mặt lẫn trong lòng không cam.

-Nghĩ mà tức. Có thằng nào trong bọn mình là không một lòng quyết tử đâu. Vậy mà quan Thái bảo lại tính mỗi đường chạy. Ở lại sống mái với quân Trịnh thì chưa biết ai chết trước ai. Đằng này mình đi, mình sống mà anh em ở lại phải chết.

Gã trưởng của một đội cấm vệ quân nói thay đồng đội mình với những người lính khác xung quanh, tuy nhỏ lời nhưng xem ra rất uất. Giận người cũng không có lợi về mình. Mấy anh túc vệ khẽ gật gù nhưng không mở miệng cất lời. Bên đội cận vệ của Mạc Mậu Hợp có vẻ ôn tồn hơn, vẻ mặt họ không biểu lộ rõ sự bất nhẫn như cánh cấm vệ. Mấy anh mật vệ cất tiếng:

-Biết làm sao được. Mạc Ngọc Liễn, ông ta tính như thế mà hoàng thượng thì còn nằm mê man trong kia. Giờ muốn khác cũng khó.

-Bọn tôi thực không muốn vậy. Tính luôn các ông cộng với tụi này, các vệ còn lại cả người bên Khu mật nữa thì còn đương cự nổi. Đằng này chỉ để lại nhiêu đó. Chẳng lẽ để mình được sống mà phải hy sinh họ.

-Bọn chúng tôi đã sẵn sàng ở lại. Nhưng hoàng thượng chưa kịp ra lệnh thì đã thành ra thế. Hết tướng Ngân bảo đi hộ tống, tướng Du anh ấy lại không cho ở kinh tử thủ. Anh Hùng với lũ chúng tôi còn làm gì được.

-Hèn gì mà hèn thế!

Gã trưởng đội ban nãy lại nói:

-Mấy ông với bên Khu mật là thuộc hàng tổng trừ bị. Sướng phết, chỉ phụng mệnh mỗi đức thánh hoàng, có hơn nữa lài vài ông được Người ủy nhiệm. Còn như cấm vệ lũ chúng tôi với cả năm vệ kia, ai sai đâu phải đánh đó. Ấy! Lại chính ông quan Thái bảo điều ra đây hộ tống. Cãi kiểu gì cho được.

Nghe tiếng qua lời lại nãy giờ, một anh lính thuộc vệ Kim Ngô cũng nói góp:

-Sướng gì mấy các ông ơi. Đi kiểu này ai mà chả khổ.

Nuôi quân ba năm dụng binh một giờ. Những người lính không nói thêm gì nữa. Họ lại im lặng mà đi. Trời cũng đã sáng hẳn.

... Mạc Mậu Hợp gượng người ngồi dậy. Cơn đau từ vết thương có lẽ đã đánh thức vị vua Mạc. Một kiếm đó của Trương Du không đủ kết liễu Mậu Hợp nhưng đã đủ để buộc Người phải vào trong cỗ xe bôn tẩu. Tựa vào phía sau giây lát để định thần, ngay lập tức vị thiếu đế lại tỉnh táo trong bàng hoàng . Cỗ xe ngựa đi nhanh và êm mấy cũng không thể lừa người ngồi trong nó tưởng mình không bị chuyển dời đi . Chuyện đêm qua có lẽ đã tuần tự tái hiện trong đầu Mạc Mậu Hợp. Người đưa tay về chỗ kiếm của Trương Du đâm ở ngang phần hông bụng. Vết đâm không hiểm, Trương Du lại không dụng hết sức kình nên thương thế không quá nghiêm trọng. Vết thương đã được cầm máu và băng bó khá kỹ nhưng vẫn chưa đóng miệng nên khiến phần thân của Mậu Hợp bị tê buốt không linh hoạt được. Từng câu từng chữ vị tướng kia nói văng vẳng bên tai thiếu đế họ Mạc, rõ mồn một. Tuy cửa đã bị đóng từ bên ngoài nhưng qua những qua khe hở vị vua Mạc vẫn có thể trông thấy được cảnh vật ngoài đó. Đã quá xa Thăng Long rồi. Lúc này có lẽ cuộc chiến hẳn đã bắt đầu. Cảnh bên ngoài không cho Mậu Hợp biết rõ đây là chốn nào nhưng vùng này trống trải chỉ lác đác cỏ cây lùm bụi nho nhỏ. Từ khe cửa, chỉ mỗi hình nguyệt trên cao là in rõ trong mắt vị hoàng đế trẻ.

-Đến giờ giao ca rồi à? Còn sớm mà?

-Chưa đâu, nhưng tôi đến truyền lệnh trên.

-Lệnh gì vậy ông anh?

-Thái bảo nói bên Khu mật sứ ở mạn Bắc họ đã thu xếp xong xuôi. Anh em cứ yên tâm trực chỉ lên cứ ở mạn ngược lánh cùng hoàng tộc.

-Có lên biên không ông anh?

-Không rõ nữa, nhưng chắc gần vùng Nước Hai.

"Khu mật... mạn Bắc... Không lẽ". Sau một lúc lẩm bẩm, có lẽ nhận ra điều gì đó, vị vua Mạc ngớ người đi. Bất thần, Mạc Mậu Hợp cố lấy lực đấm mạnh vào thành xe và nói:

-Người bên ngoài mau nghe lệnh. Bổn hoàng đây. Các ngươi mau mở cửa cho ta ra ngoài.

Tiếng nói lúc nãy im bặc.

Mạc Mậu Hợp lại vừa nói vừa đập tay:

-Các ngươi còn đó không. Dừng lại!Mau thả ta ra. Ta ban khẩu dụ này. Các ngươi dám kháng chỉ sao!

-Mạc Ngọc Liễn, ngài đâu rồi mau mau đưa ta ra.

-Ta còn phải giải quyết Trịnh Tùng và đám quân của nó. Mạc Ngọc Liễn! Trương Du! Ai ở ngoài kia thì mau dừng lại cho ta ra. Bọn các ngươi sao tại dám giam ta ở đây.

-Mạc Ngọc Liễn! Trương Du! Hai người... Tại sao lại đối xử với ta như vậy!!!

Bên ngoài không ai trả lời Mạc Mậu Hợp cả. Có nhiều lý do khiến họ không thể nghe theo vị hoàng đế trẻ. Trong im lặng, đoàn người vẫn cứ thế mà đi. Mạc Mậu Hợp quyết định đổi cách. Đưa tay vào áo giáp, vị hoàng đế cố gắng gỡ những mảnh giáp gần vết thương của mình. Vốn đã được làm nhọn và bị vỡ ra do đường kiếm của Trương Du nên khá dễ dàng để Mạc Mậu Hợp lấy một phần sắt vỡ ra từ bộ giáp. Nắm chặt mảnh kim loại này trong tay, người thiếu niên họ Mạc tì mạnh nó vào thành xe, dùng hết sức lực có thể để kéo đi. Nhưng rồi thêm một lần nữa cơn đau từ vết thương lại làm Mạc Mậu Hợp ngục ngã. Mảnh giáp vỡ rời tay, thân mình đổ gục xuống, bây giờ vị hoàng đế Thuần Phúc xưa nào đã trở lại, nằm hẳn trên sàn xe. "Tại sao? Tại sao và tại sao?" . Trong đầu người trai Mạc đầy những câu hỏi tại sao. Vị thiếu đế nói trong vô thức nhưng đầy vẻ khổ tâm:

-Ông Trời ơi! Tại sao ông lại tiếc với ta một cái Thuần Phúc nguyên niên!

Dứt câu, Người cũng buông trôi mọi nỗ lực. Khép đôi mắt lại, Người nằm yên đó. Có lẽ Mậu Hợp đã quyết vùi mình trong một cơn mơ dài để tránh đi cái thực tại trớ trêu. Để có thể như những ngày trước...

Trên bầu trời, mặc dù là ban ngày, trăng vẫn hiện hình hài. Có khác chăng là trăng không thể sáng tỏ như đêm qua."Gươm mài bóng nguyệt đã bao ngày?". Ngày trước có người mài kiếm dưới trăng mà nên đại nghiệp.
Ngày nay, bên ngoài cỗ xe kia, dù mây không che nhưng vầng nguyệt cũng chẳng thể sáng như khi tối. Bên trong xe, người thiếu niên bạc đầu họ Mạc kiếm đã rời tay, không thể ra ngoài, sức lực cũng chẳng còn để làm gì hơn là nằm gục trên sàn như nãy giờ.

(Còn tiếp)


*Chú thích:
Thuần Phúc là niên hiệu đầu tiên của Mạc Mậu Hợp, được sử dụng trong vòng ba năm, từ lúc lúc vị hoàng đế này mới lên ngôi (1562) đến năm 1565. Do trong giai đoạn này vua Mạc còn quá nhỏ tuổi ( khoảng 2, 3 tuổi; tùy theo nhiều nguồn tài liệu khác nhau) chỉ mới biết đi và biết nói, khi thượng triều Ứng vương Mạc Đôn Nhượng phải ẵm ra điện, nên không thể trực tiếp nắm quyền, mọi việc triều chính trong ngoài đều nhờ tay phụ chính của Khiêm Vương Mạc Kính Điển.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro