Chương 9: Hùng Xuân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Con có chuyện gì u hoài mà quyết dứt áo theo con đường xuất gia?" Giọng sư cô êm ngọt nhưng cũng rầu rầu.

"Thưa, con không có chuyện buồn." Tiếng nói thánh thót của người thiếu nữ cất lên, mắt vẫn nhắm hờ và đôi tay vẫn chắp trước ngực, đợi thời khắc xuống tóc.

"Thế, con đã thưa chuyện đường hoàng với cha mẹ, với chồng con chưa?" Ở Xuân Nương, dù chỉ một thoáng chần chừ, sư cô cũng không thể tìm thấy.

"Thưa, cha mẹ con đều đã khuất núi, con nay côi cút một mình."

Trong vô thức, khóe mắt cay xè, nước mắt nàng trào ra thấm ướt hàng mi. Nàng điềm tĩnh đưa tay quẹt đi khi lệ còn chưa kịp chảy ngang đôi gò má.

Người thiếu nữ trông gai góc kia là người quen cũ, dáng hình khác biệt, cử chỉ cũng đổi thay chẳng còn lưu lại chút gì ta biết. Nàng tên là Hùng Xuân Nương. Nàng vốn có gia đình, người thân thương yêu chăm sóc. Ta bẽn lẽn giở chút phép vặt, nhìn ra được đôi lúc còn dám nuôi cả hùng tâm tráng chí để giúp dân giúp nước.

Chẳng rõ là chí đồ nam[1] ấy có từ khi nào. Chỉ thấy sau một đêm gia biến, kẻ mất nước khốn khổ nay lại càng nặng gánh tang thương. Đầu rơi máu chảy cả thảy nhà trước sân sau đều do một tay Tô Định gây nên. Gã đã tuốt gươm mưu hại cả nhà nàng, khiến nàng và hai người anh trai lâm vào cảnh ly tán. Nàng ôm mối hận nước thù nhà, thề chết cũng phải băm vằm cái tên thái thú ngoại bang kia.

Trong ngoài kinh thành, đâu đâu Tô Định cũng cho người lùng sục tin tức Xuân Nương cùng với hai người con trai họ Hùng còn sống là Hùng Long và Hùng Hoàn. Nàng chỉ có thể chọn cách tạm lánh, nương thân nơi cửa Phật để dần dà xây dựng kế hoạch khởi nghĩa phản công. Hai anh trai tạm gác thù máu mà lánh sâu vào rừng núi chờ ngày dựng cờ xí tái khởi.

Khi Xuân Nương đặt chân qua đến làng Hương Nộn, việc tứ cố vô thân cũng nằm trong dự liệu của nàng. Phần sư cô cũng không nề hà chuyện xuất thân của Xuân Nương, thấy nàng một lòng hướng Phật bèn cho toại ý.

Sư cô nhìn Xuân Nương đồng cảm, đoạn khẽ chau mày, ánh nhìn tuy thăm thẳm mà thấu tận, tỏa ra một nét rầu rĩ. Thấy Xuân Nương ít nói, sư thôi không vặn hỏi tiếp. Tiếp theo, sư tiếp tục tiến hành việc niệm kinh, giúp Xuân Nương hoàn thành việc xuất gia.

Sự xong, sư cô mới từ tốn xoa đảnh Xuân Nương:

"Từ nay, pháp danh của con là Thiện Tâm. Trong ánh mắt của con, ta thấy còn nhiều phần lưu luyến thế tục, không thể buông bỏ. Nhược bằng con đã quyết tâm đến đây, ta mong một ngày nào đó sẽ nhẹ được cõi lòng, hướng về cái chí thiện."

Xuân Nương cúi đầu đảnh lễ trước tượng Phật Thích Ca. Ta để ý thấy nàng vẫn chưa thôi vân vê vạt áo nâu sồng, vẻ như lòng còn trĩu nặng rối rắm. Đem đến cửa Phật sự giả dối, nương nhờ của Phật chỉ là tấm áo che đậy cho kế hoạch trả nợ nước thù nhà, quỳ dưới đài sen mà không một sát na nào là không nghĩ đến việc phanh thây tướng giặc. Bấy nhiêu đấy thì còn đâu là trong sạch, còn đâu là thanh tịnh? Làm sao mà trọn cho được chữ "Thiện Tâm"?

Suốt đường đi từ chính điện đến nơi nghỉ ngơi, Xuân Nương cứ mải chìm trong suy nghĩ. Nàng cắn rứt bởi sự giả dối của mình, dù hiện tại chỉ đang trong tâm tưởng. Vẻ rối trí thể hiện mồn một ra bên ngoài, làm ta cũng bị lây sầu não.

Ngựa quen đường cũ, ta hóa thành giọt nước trong ao nuôi cá, lặng nghe tâm sự của nàng Xuân Nương.

Hơn hai trăm năm ròng, thế cuộc đổi thay, rốt cuộc Diêm Vương cũng tìm được cho Phượng Minh nơi ký thân để trả nợ chốn trần tục. Hai trăm năm, không biết Phượng Minh đã chịu khổ ải dưới địa ngục, hay mảnh hồn lưu lạc không chốn dung, hoặc đỡ đau đớn hơn, nàng đắm mình trong miên man những giấc mộng?

Trông nàng tựa gần mà cũng vời vợi xa xăm. Ở kiếp này, ngoại hình nàng đã có nhiều điểm khác biệt, trông cứng cỏi, gai góc hơn xưa. Dưới đôi hàng mày cong, mi rậm là ánh mắt sắc như dao cau thấm đượm nỗi đau mất nước tan nhà. Nhìn góc độ nào cũng không gọi nàng là liễu yếu đào tơ cho được.

Đi hết dãy hành lang, qua giàn hoa nhỏ trong vườn là đến gian phòng của Xuân Nương. Nàng đẩy cửa, tiếng cót két lớn đủ cho biết lâu rồi không có người ngụ. Trong phòng, một lớp bụi dày phủ lên mọi đồ vật. Gian phòng đặt ít đồ dùng sinh hoạt, có một cái chậu khô khốc, một cái chõng tre, một cái chổi, một cái bàn với hai cái ghế con, một cái đĩa đèn nhỏ, cái mành tre ọp ẹp treo ngang cửa sổ.

Xuân Nương mệt lả, nàng dặn lòng hôm sau thức sớm dọn dẹp, còn hôm nay thì lo mỗi cái chõng để ngủ đã. Nàng túm cái áo cũ trong giỏ, một tay che mũi miệng, tay còn lại phủi mạnh cái chõng tre. Phút chốc bụi bay ngập phòng. Trời đã tối mịt, tiếng côn trùng gáy râm ran mà nặng nề nghe nhức óc inh tai. Bên cửa sổ, gió đầu thu lạnh tanh thốc mạnh vào, làm Xuân Nương phải mở cửa lại mấy lượt. Vốn dĩ nàng để cửa mở vì mãi chẳng ngủ được, chỉ muốn chăm chăm vào cảnh vật tốt kịt bên ngoài.

Xuân Nương thở dài, gác tay lên trán ngẫm lại những điều khuất tất.

Ta ở trong bóng tối đen đặc rất lâu, cứ tưởng chính mình là một người lính gác giấc ngủ cho nàng vậy.

Trằn trọc đến canh ba, lúc này ta cũng thiu thiu vì tẻ chán, nàng thình lình bật ngồi dậy, hai mắt sáng rực lên như vừa ngộ ra chân lý gì.

Hóa ra khúc mắc sẽ được mở ra như thế. Để cho giặc cướp nước, giày xéo dân mình mà bình chân như vại liệu có phải thiện? Để dân khốn đốn lên núi xuống bể cho phường ác nhân ngoại bang liệu có thiện? Anh em trốn chạy mà mình thì chỉ lo thân mình êm ấm, rũ bỏ tất cả có phải thiện? Để già trẻ lớn bé chết loạn trong dưới đám phiến quân lý nào lại thiện? Thiện hay ác, chỉ trong một suy nghĩ ấy vậy. Nàng cao hứng đến độ bật suy nghĩ ra thành lời.

Hùng Xuân Nương là con của Hùng Sát, thủ lĩnh, chủ trưởng châu Đại Man. Bấy lâu nay chức chủ trưởng châu luôn là cha truyền con nối, họ Hùng thay nhau cai quản vùng đất này. Đại Man khi chưa có bóng giặc vốn là một châu lớn, sông bãi núi đồi đều hội đủ, đồng ruộng tươi tốt, rợp cánh chim bay.

Vì vùng Đại Man vừa có phố núi, vừa có sông ngòi ôm đất quanh co, truyền rằng dân Đại Man, nếu ở vùng cao sẽ ở nhà sàn, săn thú, làm rẫy để sinh sống. Còn nếu ở vùng thấp họ chọn cấy lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, ở gần sông bể thì làm nghề quăng chài thả lưới. Đâu đâu cũng có thể tìm thấy kế sinh nhai. Cuộc sống không phải nhàn tản nhưng ít nhất họ đủ đầy, đối đãi, san sẻ với nhau như thể người một nhà.

Lại nói, mẹ Xuân Nương là con gái họ Đinh, tên Hiên Hoa. Khi mang thai Xuân Nương, có lần đi xa được báo mộng đứa con trong bụng vốn không phải người phàm trần. Thế nên khi Xuân Nương ra đời, cả nhà đều háo hức, chăm bẵm, yêu chiều chưa bao giờ vơi bớt. Biết đến đây ta phì cười, ông thần nào mà vô công rồi nghề, còn đi báo mộng thế kia?

Trở lại thực tại, trong gian phòng yên ắng chỉ có một mình nàng với cái đĩa đèn sắp cạn, Xuân Nương dè dặt lôi dưới gối ra một mũi giáo sắc nhọn được khắc hoa văn tinh xảo mà anh cả Hùng Thắng tự tay làm cho nàng.

Ta còn chưa nhìn rõ mũi giáo, Xuân Nương đã rấm rứt khóc. Ngày đó anh dặn phải chăm chỉ luyện võ để có sức bảo vệ mình, báo đáp cha anh. Ngỡ rằng đó chỉ là lời khích lệ, đâu ngờ ngày này lại tới mau như thế. Đến nỗi nàng vẫn còn bàng hoàng như ngày nhận tin dữ.

Chỉ một câu, rằng: "Hùng Thắng cấu kết Thi Sách âm mưu làm phản, giết cả họ", giữa đêm Tô Định dẫn theo một đám lâu la, tràn vào châu Đại Man, rồi tràn vào phủ chủ trưởng tàn sát. Chúng dộng phá cửa, trèo tường. Chúng la ó đắc thắng át cả những tiếng thét kinh hoàng của cả biệt phủ. Chúng đạp lên xác người nhà nàng rồi lũ lượt ào vào như ong vỡ tổ. Mấy mươi mạng xảo xứng ngưỡng bộc, mấy mươi mạng người Đại Man vô tội, cha và bốn người anh lớn đều ngã xuống chỉ sau một đêm gió tanh mưa máu.

Khác với thái thú tiền nhiệm là Tích Quang, chí ít vẫn là người có nhân tính, Tô Định là quan tham ai ai cũng biết. Từ khi gã nhậm chức thái thú rồi sang Giao Chỉ cai quản, gã cùng đồng bọn có thói quan liêu mặc tình mặc sức vơ vét của cải của người Giao Chỉ. Gã bắt nhân dân lên rừng tìm sừng tê, xuống bể mò ngọc trai, người chết vô số, thế mà tánh tham vẫn không dứt.

Bấy giờ có Thi Sách là con trai Lạc tướng huyện Chu Diên, người ngay thẳng, cương trực, lòng mang chí lớn, y không chịu được cảnh lầm than khốn khó của nhân dân. Bằng lễ nghĩa của người học chữ, y gửi cho Tô Định thư hạch tội [2]. Lời lẽ đanh thép trong thư đề cập các tội trạng của Tô Định, là kẻ không xứng làm quan. Nhưng Thi Sách quên rằng Tô Định và bọn tay sai là những tên máu lạnh lòng dạ sài lang, chỉ biết làm càn chứ nào có lương tâm, tính người gì cho cam. Cho nên, thư hạch tội trở thành mảnh vải trắng kết liễu cuộc đời Thi Sách, tất thảy người trong họ y, và cả họ Hùng vì tội dự mưu.

Xuân Nương không lấy sự việc ấy làm hận Thi Sách. Xét đến cùng, oan có đầu nợ có chủ, kẻ đáng hận chính là người đã giày xéo gót giày trên lưng người Giao Chỉ. Tức nước thì vỡ bờ, Xuân Nương thề phải lấy cho được đầu Tô Định, tế vong linh cha anh, để những người ngã xuống có thể ngậm cười nơi chín suối.

Mùa hạ năm Kỷ Hợi [3], Tô Định xông vào phủ chủ trưởng tàn sát. Mùa đông cùng năm, Tô Định lại giết dòng họ Thi Sách ở Chu Diên. Sau cùng, Thi Sách bị gán tội nhiễu loạn lòng dân, Tô Định bêu đầu y giữa chợ hòng răn dân mình càn quấy.

Nào ngờ cách ấy của gã hoàn toàn phản tác dụng,gã đã đẩy mâu thuẫn với nhân dân Giao Chỉ


[1] Đồ nam: bay về phía Nam. Sau này đồ nam trở thành ấn dụ cho chí khí, mô tả những tham vọng cao cả của con người.

[2] Thư hạch tội: Tài liệu này của ông Hoàng Thúc Hội, tức Cúc Hương. Phạm Văn Sơn (Việt sử tân biên [tập 1, tr. 164-165]) và Nguyễn Q. Thắng–Nguyễn Bá Thế (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 833) đều đã dẫn lại trong sách của mình.

Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là một tác phẩm hư cấu hoàn toàn của Cúc Hương trong tác phẩm ông viết về Trưng vương. Vào lúc ông sinh ra, Việt Nam đang vào thời kì Pháp thuộc, nên rất có lẽ ông đã gửi gắm tư tưởng của mình qua những sáng tác của mình.

[3] Kỷ Hợi: năm 39.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro