vu kien chau chau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vu kien chau chau

Có một con châu chấu mải mê kiếm ăn nên lạc mất đường về. Tối đến, trời rét lại mưa rơi rả rích, làm cho chấu ta run rẩy. Nó muốn tìm một chỗ ngủ, nhưng bóng đen dày đặc chẳng biết đường nào mà lần. - "Ta cứ bò liều may gặp chỗ nào khỏi ướt thì nằm tạm một đêm". Nghĩ vậy chấu ta cứ lồm cồm bò mãi trên một cành cây mới bám được. Cuối cùng không ngờ nó lại lọt được vào nhà chim di. Đến đây, châu chấu thấy ấm áp dễ chịu. Nhưng một tiếng hỏi cất lên:

- Đêm hôm khuya khoắt, ai vào nhà tôi đó? Khéo kẻo đạp lên mấy đứa con tôi!

Thấy chim di mẹ đứng lên hỏi thế, chấu rên rỉ đáp không ra hơi:

- Tôi là chấu đây!... Đêm lạnh quá... Làm ơn cho ngủ nhờ một đêm, sáng dậy đi ngay.

- Nhà rách nát lại chật chội, mấy mẹ con nằm không đủ. Thôi chú đi tìm nơi khác đi!

Nhưng chấu vẫn kêu nài:

- Cho ghé lưng nằm một tí phía ngoài này cũng được, kẻo tôi lạnh cóng không thể bước đi đâu được nữa.

Nghe nói, chim di mẹ thương hại, bèn đáp:

- Thôi được, cho chú mày nằm ghé bên kia, nhưng phải co cẳng kẻo đạp vào mấy đứa con ta.

Thế là chấu xếp hai càng vào bụng, đặt lưng ngay bên cạnh mấy con bé của chim di. Chỉ một chốc sau chấu cũng như chim di, ai nấy đều ngon giấc.

Đang ngủ say sưa, bỗng nhiên một tiếng nai kêu "tác" bên cạnh nhà. Tiếng kêu quá to làm cho châu chấu giật mình tỉnh dậy. Chấu vươn vai rồi quên mất lời chim di dặn, duỗi thẳng đôi càng dài thượt của nó. Nhà chim di vốn đặt lơ lửng trên một cành na, nhà quá rách nát vì gió đánh tả tơi lâu ngày chưa kịp chữa. Châu chấu duỗi mạnh đôi càng làm cho cả một chỗ nằm kêu răng rắc:

- Ôi chao! Đổ mất, đổ mất.

Chim di mẹ kêu tướng lên. Quả nhiên cái duỗi chân của chấu đã làm hại nó. Mấy con chim con bị đạp dồn về một phía, cái nhà nghiêng hẳn, chỉ một chốc rời khỏi cành na, một con chim non còn ngủ say cũng lăn theo và rơi tõm xuống sông. Mẹ con chim di bay loạn xạ đi tìm thì nó đã bị nước cuốn đi mất.

Tức giận vì châu chấu tự dưng vô cớ đến gây tai họa cho nhà mình, sáng hôm sau mẹ con chim di bèn đi kiện với Bụt. Nghe nguyên cáo trình bày đầu đuôi, Bụt liền theo đến tận nơi xem xét rồi gọi châu chấu đến hỏi:

- Tại sao nhà ngươi đêm hôm đến làm hại nhà người ta?

Châu chấu cúi đầu nhận rằng quả nó có gây tang tóc cho nhà chim di, nhưng nó cũng cho Bụt biết rằng nó vốn không có ác ý:

- Tôi không phải là kẻ vô ơn bạc nghĩa đâu. Vì con nai tự dưng ở đâu đến kêu thét vào tai làm cho tôi giật nảy mình. Chính vì thế mà tôi duỗi chân theo thói quen nên mới ra nông nỗi.

Thấy châu chấu tình thực nên Bụt cũng thương hại, bèn cho gọi nai đến, kể cho nai biết đầu đuôi sự việc xảy ra, rồi bảo:

- Nhà đổ con chết, rõ ràng là tại tiếng kêu thét của nhà ngươi. Tại sao nhà ngươi đêm hôm khuya khoắt đến đây kêu rống lên làm gì để gây nên tai vạ?

Nai vội vàng trả lời:

- Oan tôi quá! Lúc ấy tôi cũng đang lim dim đôi mắt. Tự nhiên một quả na xanh rơi trúng vào mặt làm cho tôi toáng đảm kêu lên. Vậy là tại quả na chứ không phải tại tôi.

Nghe nai bày tỏ có lý, Bụt lại quay sang hỏi cây na:

- Vì sao ngươi lại để cho quả xanh rơi trúng vào mặt con nai, làm cho nó hét tướng lên, gây tai vạ cho nhà người ta. Ngươi đã biết tội chưa?

Na đợi Bụt buộc tội xong, lập tức trả lời:

- Bẩm ngài. Tôi đâu có muốn quả xanh của tôi rơi. Vì con sâu nó làm hại tôi, nó cắn cuống quả xanh, cho nên quả mới rụng đấy ạ!

Đến lượt sâu được Bụt sai gọi đến kể cho nghe sự tình rồi kết tội:

- Nhà ngươi đã thấy rõ chưa? Nếu nhà ngươi không cắn quả na xanh thì làm gì có tai vạ xảy đến cho nhà chim di. Vậy ngươi không tránh được tội lỗi.

Nhưng Bụt không ngờ sâu cũng không nhận tội. Sâu đáp:

- Bẩm ngài, tôi vốn sống yên ở trong đám lá khô dưới kia. ở đó tôi có nhiều thức ăn ngon lành. Nhưng mấy hôm nay có con gà ở đâu đến nó sục sạo tìm giết cả họ nhà tôi rất là kinh khủng. May mắn làm sao, tôi ba chân bốn cẳng bò được lên đây. Chẳng có gì nhét vào bụng nên tôi phải gặm chút vỏ quả na xanh cho đỡ đói. Nếu có rơi trúng vào nai hay là con gì khác thì điều đó không phải tại tôi mà là tại con gà kia.

Lại đến lượt gà được gọi đến đối chất. Gà vốn không phải quê tại khu vực này. Nó có một đàn con. Mẹ con thường dẫn nhau đi kiếm ăn. Nhưng thức ăn ngày một hiếm. Ngày hôm kia, mẹ gà nhờ được vịt, chỗ quen biết chở qua sông hứa sẽ xin ấp trứng vịt để đền ơn. Vì thế mấy hôm nay gà được no bụng. Nhưng khi nghe Bụt buộc tội vì đã gây tai vạ cho chim di, gà đớ người không biết tìm câu gì để chống chế vì khu vực này không phải là quê quán của mình. Hỏi đến ba lần, gà không trả lời được, nên bị Bụt sai giam lại.

Bầy con của gà có bốn con mái, một con trống. Khi nghe vịt cho biết là mẹ mình bị giam ở bên kia sông thì chúng nó hết sức hốt hoảng. Chúng khẩn khoản nhờ vịt chở qua thăm mẹ. Bốn con gà mái nhớ thương mẹ quá, tranh đi trước. Chúng nó chỉ biết kiếm sâu tìm dế nuôi mẹ mà không biết kêu van với Bụt để mẹ được tha, nên cuối cùng lại về không. Hôm sau đến lượt con trống con đi thăm mẹ nó. Khi nghe mẹ nó kể đầu đuôi sự tình vì sao bị Bụt bắt giam, gà trống con bèn đi tìm Bụt rồi phân trần:

- Bẩm ngài, ngài bắt giam mẹ con thật quả oan hết sức.

Bụt chau mày, hỏi:

- Lại còn oan nỗi gì. Nếu mẹ mày cứ kiếm ăn ở bên kia sông đừng qua bên này, thì làm gì có chuyện con sâu bò lên cắn quả na xanh, làm gì có chuyện quả na xanh ấy đứt cuống rơi vào mặt con nai để con nai kêu thét lên, rồi làm gì có chuyện con châu chấu giật mình duỗi chân đạp đổ nhà chim di và làm cho con nó chết. Chính thủ phạm là mẹ mày, mày còn kêu oan nỗi gì.

Gà trống con lễ phép thưa:

- Bẩm ngài, chính vì thế mà con phải kêu oan cho mẹ con, vì rõ ràng trong lục súc sáu loài, loài nào loài ấy khi sinh con đẻ cái đều được trời cho có sữa nuôi con. Riêng loài gà chúng con thì tuyệt nhiên không có lấy một giọt sữa. Vì thế gà phải chạy vạy tần tảo nuôi con. Mẹ con phải vất vả đi các nơi kiếm thức ăn là vậy. Bên kia người khôn của khó nên phải lần mò sang bên này. Tình cảnh khó khăn buộc phải thế, đâu có phải là tội tại mẹ con!

Bụt thấy gà trống con cãi cho mẹ có lý có lẽ, đành phải thả cho mẹ nó về.

Thấy gà trống bé người mà không ngoan, ai nấy đều khen ngợi. Từ đó mỗi lần có kiện tụng việc gì, người ta thường mang gà trống theo, hy vọng nhờ sự có mặt của nó mới thắng kiện. Còn gà thì phải ấp trứng vịt để trả ơn, dòng dõi của nó sau này vẫn thế.

Em oshin yeu dau xau ngu con chau chau.haha,dung co tuc gian nha

Thay lang bat dac di

Ngày xưa có một anh chàng tên là Tân làm nghề cày ruộng. Anh là người thông minh nhưng tính tình có phần nhút nhát, lại phải cái hay phũ phàng với vợ. Người vợ căm lắm, quyết tìm dịp báo thù cho bõ ghét.

Một hôm người vợ đi chợ, bỗng nghe văng vẳng có tiếng gọi loa: - "Ai có tài chữa bệnh thì mời về triều sẽ được thưởng quan cao lộc hậu". Hỏi mọi người, chị mới hay đó là sứ giả nhà vua đi tìm thầy lang giỏi về cứu chữa cho công chúa bị hóc xương. Thấy cơ hội báo thù đã đến, người vợ bèn tìm gặp sứ giả, nói:

- Tôi biết trong làng này có một thầy lang chữa bệnh hay như thần, có thể chữa cả những người sắp chết.

Sứ giả đi mấy ngày chẳng gặp một ai, nay một người mách thì lấy làm mừng, vội hỏi:

- Thế thì hay quá. Có thật thế chăng?

- Thật đấy! Nhưng ông thầy này có một điều lạ là không muốn tự nhận mình là thầy lang, luôn luôn giả bộ ngờ nghệch. Ai nhờ chữa thì bao giờ cũng chối đây đẩy, chỉ có roi đánh quắn đít mới chịu nhận và mới chữa mát tay.

- Thế thầy lang hiện giờ ở đâu?

- Ngài cứ theo con đường này dẫ ra đồng. Hễ thấy người nào râu cá trê, đang cày với một con bò đen trên một đám ruộng khoai, thì chính là thầy lang. Tên thầy là Tân.

Sứ giả cùng mấy người lính hầu vội rẽ ra đồng. Khi gặp con người đúng như lời mách, sứ giả lễ phép nói: - "Chúng tôi vâng thánh chỉ mời thầy về triều chữa cho công chúa bị hóc xương đã ba ngày nay". Anh chàng Tân thấy việc trớ trêu lấy làm lạ, bèn đáp: - "Ô hay! Các quan nhầm rồi. Tôi quê mùa dốt nát, có biết làm thuốc bao giờ, đâu phải là thầy lang mà mời". Nhớ đến lời dặn của người đàn bà, sứ giả toan dụng võ ngay, nhưng cũng cố đấu dịu: - "Xin thầy đừng giấu nghề; vả lại việc này là việc cấp bách và theo lệnh của hoàng đế, xin thầy hãy vui lòng tiến kinh cùng chúng tôi. Người bệnh lại là con vua cháu chúa, không nên từ chối". - "Tôi nói thật đấy mà! Hằng ngày tôi chỉ tay cày tay cuốc, làm gì biết đến việc hệ trọng như việc xem bệnh bốc thuốc". Nghe những lời khăng khăng từ chối, sứ giả bụng bảo dạ: - "Thật thân lừa ưa nặng, tất phải dùng roi vọt mới xong". Nghĩ vậy, hắn bèn thét lính ra roi túi bụi. Tân không chịu đựng nổi mười roi, vội vã kêu lên: - "Thôi thôi, xin các quan ngừng tay. Tôi là thầy lang đây". Sứ giả mừng quá vội cho Tân lên ngựa phi về hoàng cung, đưa vào buồng công chúa.

Bấy giờ công chúa đang nằm chờ chết, cái xương còn mắc ở cổ, khạc mấy cũng không chịu ra. Tân vừa đến, lấy làm bối rối không biết cất tay động chân thế nào.

- Hừ, ta thử làm cho công chúa cười một chút xem sao?

Nghĩ vậy, trước mặt công chúa, anh bèn nheo mắt méo miệng làm ra trăm kiểu ngộ nghĩnh như anh vẫn từng quen gây cười trước đám đông hàng xã. Chưa đến trò thứ ba thì công chúa và bọn cung nữ hầu hạ chung quanh đã bật cười, và còn đua nhau cười ngặt nghẽo. Tự nhiên cái xương trong cổ công chúa văng ra lúc nào không biết. Thế là lành. Mọi người đều trầm trồ kinh ngạc. Nghe tin, nhà vua và cả hoàng cung lật đật chạy vào mừng cho con gái và tíu tít cảm ơn thầy. Vua liền phong Tân làm chức thái y, sai lấy vàng bạc mũ áo ban thưởng. Về phần Tân bụng bảo dạ: - "Ta dùng một mẹo nhỏ may mắn mà lành, thật là chó ngáp phải ruồi. Vậy ta hãy cố chối từ, thà về cày ruộng còn hơn là ở đây có ngày mang họa". Bèn đáp:

- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần này thực sự quê mùa dốt nát không biết việc thuốc men là gì. Vậy xin nhường chức tước ấy cho các vị lang y, còn hạ thần chỉ xin bệ hạ cho phép được trở về quê làng.

Vua vốn đã được nghe sứ giả cho biết tính tình kỳ lạ của người thầy thuốc, bèn quát thị vệ ra roi.

Tân cuống quít xin nhận mũ áo.

* * *

Lại nói chuyện khi nghe tin có thầy lang đại tài được vua đón về kinh đô, mới chữa một vụ hay như thần, thì các con bệnh kinh niên khó trị từ bốn phương lục tục kéo nhau về, hy vọng được thầy ra tay cứu chữa. Chẳng bao lâu con số đã tăng lên đến tám mươi người. Hằng ngày họ đứng chực trước cửa Ngọ môn đợi thầy ra, lính đuổi mấy cũng không đi. Nghe tin này, một hôm nhà vua bảo Tân: - "Dân chúng còn có người đau khổ là lòng ta chưa yên. Vậy nhà ngươi hãy đem tài thánh y gắng chữa cho con đỏ của ta được lành". Tân lo lắng, vội nói: - "Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần tài hèn chẳng có gì, mà con bệnh nan y quá đông, làm sao chữa xuể".

Vua hất hàm cho thị vệ chuẩn bị roi vọt. Thấy thế, Tân đành nhắm mắt nhận lệnh không dám từ chối. Nhưng để có thì giờ suy nghĩ, anh cũng xn vua cho được ở riêng cùng với bệnh nhân để tiện xem bệnh. Vua bèn ra lệnh đưa cho thầy cùng các bệnh nhân đến sở dưỡng tế của kinh kỳ.

Khi đã được một mình cùng tám chục bệnh nhân, Tân liền sai đóng cửa lại, ra lệnh cho lính gác cổng chỉ cho người ra mà không cho vào. Rồi sai sắp củi đốt một đống lửa giữa sân, đoạn dõng dạc lên tiếng:

- Chữa cho các ngươi thật là vất vả, song ta xin gắng. Ta có môn thuốc thần hiệu là cho thiêu một người sống, lấy tro ấy luyện thuốc trong ba tháng. Sau khi luyện xong thì thuốc của ta sẽ "bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh khu trừ", thần diệu không thể nói hết. Tục có câu: "Liều một người, cứu muôn người" là thế. Vậy trong số các ngươi đây, ai là người bệnh nặng nhất thì hãy chịu hy sinh tấm thân, tình nguyện để ta thiêu sống. Ta sẽ luyện thành thảo dược chữa bệnh cho bảy mươi chín người còn lại. Nào, ai đó chịu liều thân, hãy bước đến bên đống lửa!

Các bệnh nhân đang hăm hở, nay nghe nói vậy thì rụt cả lại, ai nấy kinh hoảng, mặt tái như gà cắt tiết. Tân lại tiếp:

- Nào mau lên. Trừ những ai bệnh nhẹ hoặc chưa đến nỗi nào, còn trong số những người bệnh nặng, người nào nặng nhất, hãy trông gương người xưa, chịu liều mình để phước lành cho con cháu. Vậy ai là người bệnh nặng nhất, ra đây!

Không một ai nhúc nhích. Tân lại tiếp:

- Có lẽ các ngươi chưa biết bệnh của mình là như thế nào đâu. Thế thì các ngươi hãy để cho tan khám từng người một để chọn m ột người nặng nhất.

Chỉ vào một con bệnh đứng gần, Tân hỏi:

- Nào lại đây. Ta trông nhà ngươi xanh xao, chắc là sức yếu lắm.

Người kia không dám bước lên, run lập cập nói:

- Thưa tôi khỏe lắm ạ!

- Thế thì nhà ngươi vào đây làm gì?

Hắn lật đật lùi dần, lùi dần, rồi bỏ chạy ra khỏi cổng. Tân lại chỉ vào một người thứ hai:

- Nhà ngươi có vẻ hom hem tợn. Nào bước lên đây cho ta bắt mạch.

Hắn ta chẳng những đã không bước lên mà còn lùi lại sau, mặt cố giấu bớt vẻ nhăn nhó, đáp:

- Không, bệnh tôi đã nhẹ đi nhiều.

Nói rồi hắn cũng lẩn mất. Cứ như thế, Tân đã làm vợi hẳn số bệnh nhân. Người cuối cùng vừa chạy ra cổng thì gặp lúc nhà vua cũng vừa xa giá tới. Vua nhìn hắn hỏi:

- Nhà ngươi đã lành rồi ư! Vừa rồi bệnh nặng lắm kia mà?

- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần đã đỡ nhiều, hắn đáp.

Vua bước vào giữa lúc sở dưỡng tế đã sạch bóng bệnh nhân. Vua ngợi khen Tân hết điều. Sau đó vua cho phép chàng trở về quê quán. Vợ chàng không ngờ kết quả trớ trêu của cách báo thù của mình là làm cho chồng được quan cao lộc hậu.

nguoi dan ngheo va ngoc hoang

Ngày xưa, có một nhà kia trải đã mấy đời sống trong cảnh khố rách áo ôm. Đến đời người cháu nội là một anh học trò không một tấc đất cắm dùi. Ngày ngày anh cố công làm thuê làm mướn để tối đến học năm ba chữ, may chỉ thay đổi được số phận, nhưng mãi đến năm ba mươi tuổi, cuộc sống của anh vẫn không nhích lên được tí nào. Không chịu được nổi đói khổ dằn vặt, một hôm anh ngồi than thở một mình:

- Tục ngữ có câu: - "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Ấy vậy mà đã ba đời nay dòng họ mình toàn là đói rách xơ xác. Ta nghe nói ngoài biển Đông có Ngọc Hoàng thượng đế thường xuống ngự trên một hòn đảo. Vậy ta phải đi tìm một phen để hỏi cho ra lẽ.

Nghĩ vậy, anh bèn khăn gói quả quyết lên đường.

Anh cứ ngày đi đêm nghỉ đã được mươi hôm. Vì tiền, lương mang đi không có bao nhiêu nên chóng cạn. Đành phải lần vào một nhà nọ để xin giúp đỡ. Người chủ nhà này là một phú ông. Phú ông sai người dọn cơm nước đãi anh tử tế, đoạn hỏi:

- Anh đi đâu có việc gì?

Người học trò không giấu giếm một tí nào cả:

- Nghe nói Ngọc Hoàng thượng đế thường xuống ngự trên một hòn đảo ngoài biển Đông, tôi cất công đi tìm Ngọc Hoàng để hỏi tại sao người ta thường nói: - "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", thế mà nhà tôi đói khó từ ba đời nay không cất mặt lên được.

Nghe đoạn, phú ông đưa cho anh học trò một số tiền ăn đường, và nói:

- Thế thì nhân thể anh làm ơn hỏi giúp Ngọc Hoàng cho tôi một việc. Nhà tôi từ xưa đến rày không hề làm việc gì ác đức, vậy mà không hiểu tại sao vợ chồng tôi chỉ sinh hạ có mỗi một mụn con gái mà lại câm từ thuở nhỏ.

Người học trò gật đầu nhận lời, rồi lên đường, tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng số tiền ăn đường của anh chẳng mấy chốc lại hết veo. Anh lại lần vào nhà một người nọ ở dọc đường để cầu giúp đỡ. Người chủ nhà này cũng đãi đằng cơm nước tử tế, đoạn hỏi anh về mục đích chuyến đi. Anh cũng kể lại tỉ mỉ số phận đen đủi của mình cùng với ý định đi tìm Ngọc Hoàng thượng đế. Nghe thủng câu chuyện, người kia mang tiền gạo ra tặng anh, và nói:

- Nếu anh đi gặp Ngọc Hoàng thượng đế thì nhân thể làm ơn hỏi hộ cho tôi việc này một tý. Nguyên nhà tôi có trồng mấy cây cam, không hiểu tại sao cây tốt sum suê mà lại không hề có quả.

Người học trò nhận lời và lại tiếp tục lên đường. Anh đi mãi rồi cũng đến đích. Nhưng khi muốn vượt biển để tìm đến hòn đảo, chỗ Ngọc Hoàng thường ngự xuống thì thấy một trời một nước mênh mông, chẳng có thuyền bè gì cả. Anh ngồi lại ở trên bờ chờ đợi. Chờ luôn ba hôm không thấy gì, anh không khỏi sốt ruột. Bỗng một hôm anh trông thấy một con ba ba khổng lồ nổi lên mặt nước bơi vào bờ, hỏi anh có việc gì mà ngồi chờ ở đây. Người học trò liền kể hết tâm sự của mình cho ba ba nghe và nói lên điều mong mỏi trước mắt là chờ gặp một con thuyền để đi nhờ ra đảo. Ba ba nghe vậy liền bảo:

- Anh cứ trèo lên lưng tôi, tôi sẽ vui lòng đưa giúp anh ra đến tận đảo. Nhưng nhân thể nhờ anh hỏi hộ Ngọc Hoàng cho tôi là tại sao tôi sống ở đây đã được một ngàn năm rồi mà vẫn cứ thế này mãi chứ không thay đổi.

Người học trò lại nhận lời của ba ba. Anh ngồi lên lưng ba ba để cho con vật rẽ sóng đưa mình băng qua muôn trùng sóng nước. Đảo xa mù tít ngày một rõ dần. Không bao lâu, bàn chân anh đã giẫm lên đảo. Anh còn tiếp tục đi một đoạn đường rất dài và trèo lên tận đỉnh một ngọn núi. Theo lời chỉ dẫn thì đây chính là chỗ Ngọc Hoàng thỉnh thoảng thường ngự xuống nghỉ ngơi. Cho nên, anh dừng chân lại và gắng sức chờ đợi. Quả nhiên ba hôm sau, vào một buổi sáng, bỗng có một vầng sáng từ trên trời bay vụt xuống đỉnh núi, Ngọc Hoàng từ trong vầng sáng bước ra rồi khoan thai tới ngự trên một cái ngai đầy châu báu rực rỡ. Không rụt rè một tí nào, anh học trò tiến đến trước mặt Ngọc Hoàng quỳ xuống tâu xin. Nhìn thấy anh, Ngọc Hoàng chau mày:

- Nhà ngươi muốn cái gì mà đến đây?

Người học trò chưa vội hỏi việc của mình, anh bắt đầu kêu hộ việc của ba ba. Ngọc Hoàng nghe xong, liền nói:

- Nó có hòn ngọc ở trong cổ nên không hóa kiếp được. Chỉ cần bỏ ngọc ra là hóa được ngay.

Anh lại đem việc của người trồng cam ra tâu. Ngọc Hoàng bảo:

- Những cây cam ấy không có quả là vì dưới gốc của chúng có vàng. "Kim khắc mộc" nên mới như thế.

Anh học trò lại chuyển sang hỏi hộ cho người con gái câm, Ngọc Hoàng bảo:

- Nó không nói được là vì chưa có ông trạng nào đến "khai khẩu" cho nó.

Người học trò sắp sửa chuyển sang hỏi việc cho chính mình, thì không ngờ Ngọc Hoàng thượng đế thấy anh hỏi mãi nên bực mình, gắt:

- Bực quá! Ta đến ngồi ở đây tưởng cách biệt với thiên đình để kiếm chút yên tĩnh, không ngờ lại bị bọn trần gian tìm đến quấy rầy.

Nói đoạn, Ngọc Hoàng vội cưỡi mây bay về trời. Cho là số phận của mình đen đủi nên mới xui ra vậy, anh học trò đành ngậm ngùi quay trở về. Đến bờ biển đã thấy ba ba chực sẵn ở đó, nó bảo anh trèo lên, chở vào đất liền, rồi hỏi:

- Việc của tôi thế nào?

- Tại trong cổ mi có hạt ngọc mà mi thì cứ khư khư giữ mãi không chịu bỏ ra, nên không thể hóa kiếp được!

Ba ba bèn nhả viên ngọc đưa ra biếu anh và chỉ một chốc sau nó đã được đầu thai làm kiếp khác.

Anh học trò lại lần theo đường cũ trở về. Đến nhà có cây cam, người chủ ra đón anh, hỏi:

- Việc của tôi thế nào?

- Vì dưới gốc cây có vàng chôn, cứ đào lên là khắc có quả.

Người làm vườn bèn lấy thuổng đào, quả tìm thấy dưới mỗi gốc cây có một chĩnh vàng. Ông ta vui lòng chia cho người có công đi hỏi giúp mình một nửa.

Anh học trò lại lên đường về. Đi ngang qua kinh thành nhà vua thì một không khí tấp nập làm anh chú ý. Ở đây người ta đang mở khoa thi để kén Trạng Nguyên. Nhờ có viên ngọc, anh học trò đã trở nên sáng dạ lạ thường, bao nhiêu kinh sử ôn đến đâu thuộc làu đến đấy. Vì thế anh bèn nấn ná ở lại. Sẵn có vàng, anh sắm sửa mọi thứ: quyển thi, lều chiếu và lễ vật... để được có tên vào danh sách ứng thí. Khoa ấy, văn bài của anh làm rất xuất sắc. Chánh chủ khảo lấy anh lên đầu bảng. Nhà vua vô cùng khen ngợi vì kén được nhân tài xứng đáng, phong cho anh đậu Trạng Nguyên.

Sau đó ít lâu Trạng cưỡi ngựa vinh quy. Một đoàn lính tiền hô hậu ủng theo Trạng cùng đi. Khi đi qua nhà phú ông, Trạng vẫn không quên lời hứa ngày nọ. Chàng bèn dừng ngựa ghé vào. Phú ông lấy làm ngạc nhiên khi thấy có quân gia kéo vào nhà mình, liền khăn áo chỉnh tề ra tiếp đón. Thấy Trạng không phải ai khác hơn người học trò nghèo đi hỏi Ngọc Hoàng dạo trước, phú ông lại càng bội phần kinh ngạc. Nhưng Trạng vừa kịp truyền cho phú ông biết câu trả lời của Ngọc Hoàng thượng đế, thì từ buồng trong, cô gái câm đã bước ra mỉm cười cúi chào Trạng và tự nhiên thốt lên thành lời. Để cảm ơn người có công giúp mình, phú ông bèn đem con gái gả cho Trạng làm vợ.

Nghe dac biet

Ngày xưa có một ông cụ có năm người con trai. Khi năm người con đã lớn khôn, một hôm ông cụ gọi họ lại rồi bảo:

- Nhà ta nghèo khó, bây giờ các con hãy cố đi ra ngoài tìm học cho được mỗi đứa một nghề, mà phải là nghề đặc biệt mới được. Ta hẹn ngày này sang năm, các con phải thành tài và trở về gặp nhau. Ai không học thành nghề, hoặc không chọn được nghề gì đặc biệt, thì đừng về đây nữa.

Cả năm anh em đều ứa nước mắt, hứa với bố sẽ hết lòng tìm học cho kỳ được mỗi người một nghề đặc biệt. Họ hẹn với nhau ngày trở về, rồi ra đi mỗi người một ngả. Anh cả thẳng đường đi đến một thành phố đông đúc. Anh hai lên miền rừng bốn mùa xanh tươi. Anh ba rong ruổi về đất kinh thành tấp nập. Anh tư rẽ sang vùng biên giới xa xôi. Anh năm xuống ven biển, quê hương của mặt trời.

Đến thành phố nọ, anh cả tìm mãi vẫn chưa ra một nghề gì đặc biệt.

Một hôm, anh đến cuối một khu phố vắng, thấy một chàng trai nai nịt gọn ghẽ, chân cuốn kha cắt (Kha cắt: là một thứ xà cạp bằng vải mà người dân tộc thường dùng bó chặt bắp chân kảo chảy và quấn chặt ống quần để đi) trèo tường nhẹ nhàng như đi trên đất bằng, vượt hào dễ dãi như nhảy qua một rãnh nước, leo tảng đá cao nhanh hơn đi trên một cái dốc con.

Anh cả gật đầu cho đó là cái nghề đặc biệt. Anh tới ngỏ ý xin theo học. Chàng trèo tường vui vẻ nhận lời. Từ đó thầy truyền lại cho trò tất cả mọi bí quyết của nghề nghiệp. Chẳng bao lâu anh cả đã thạo như thầy.

Anh hai đi hết vùng núi thấp đến vùng núi cao, vẫn chưa tìm được nghề gì. Một hôm, đi qua ven rừng, anh gặp một người đang giương cung nhắm bắn đàn chim én bay liệng ở lưng chừng trời, chỉ trong một lát, đã bắn rơi cả đàn hơn hai trăm con. Nhận thấy đó là nghề đặc biệt, anh ngỏ ý xin theo học, chàng đi săn vui lòng truyền nghề. Chẳng bao lâu anh đã dám bắn sánh đôi cùng thầy trong những cuộc đi săn.

Anh ba đến kinh đô giữa một ngày mùa thu. Anh đi hết phố này sang phố khác, cố tìm một cái nghề đặc biệt. Một hôm đứng trước một cái lều nhỏ trên đỉnh đồi, anh thấy một người đang chăm chú nhìn qua một cái ống. Anh hỏi, người kia đáp:

- Cái ống dòm này ghép bằng hai trăm mảnh gỗ mỏng của hai trăm thứ cây gỗ quý khác nhau ở trong rừng già. Nhìn vào ống dòm này thấy được hết cả mọi việc dở, hay, xảy ra ở khắp nơi trong thiên hạ. Vì vậy nhà vua phong cho tôi cái chức Trạng dòm.

Nghe nói, anh ba thấy là một nghề đặc biệt, muốn xin học. Trạng dòm vui lòng nhận lời.

Trước hết Trạng dòm dẫn anh vào rừng lấy về được đủ hai trăm khúc gỗ của hai trăm loại cây khác nhau. Rồi anh bắt tay vào công việc đẽo mỏng. Chỉ trong mấy tháng, anh đã có trong tay một cái ống dòm. Sau bao nhiêu ngày học tập, anh đã có thể nhìn thấy chiếc kim rơi ở trên con đường biên giới xa xăm, hay đếm được những con cá lớn bé lượn dưới đáy bể. ít lâu sau, anh đã có thể thay công việc của Trạng dòm.

Lại nói đến anh tư, sau nhiều ngày len lỏi lên vùng biên giới tìm nghề. Anh gặp một bà cụ. Thấy anh bày tỏ nguyện vọng muốn tìm một cái nghề đặc biệt, bà cụ nói:

- Ta có nghề may vá. Nếu anh bằng lòng học, ta sẽ truyền lại cho.

Nghe nói học nghề may vá, anh tư vội vàng từ chối, vì anh cho cái nghề này không phải là nghề đặc biệt.

Bà cụ cho biết nghề may vá của bà không những vá áo, quần rách, mà còn vá được gỗ, đá, và được cả da thịt v.v...

Nghe nói vậy, anh tư vô cùng mừng rỡ, cố công theo học. Đến hôm thành tài, bà cụ còn tặng anh tất cả những đồ nghề của mình.

Còn anh năm đến vùng biển. Lạ đất lạ người, anh đi suốt tám tháng trời mà không thấy một nghề gì đặc biệt. Nghĩ đến ngày hẹn chỉ còn hai tháng, lòng anh như lửa đốt. Một hôm, trên đường đi, anh gặp một con cá vũ nằm phơi mình trên bãi cát. Thấy anh đến gần, con cá van vỉ:

- Xin chàng rủ lòng thương đem thả tôi xuống biển, sau này tôi sẽ trả ơn.

Anh năm ái ngại nhìn cá, rồi không quản đường xa, anh ôm cá ra bờ biển. Nhưng vừa thả xuống nước được một lúc cá đã biến thành một nàng tiên nổi lên mặt biển, tiến đến trước mặt và nói:

- Thiếp là công chúa út của vua Long Vương. Nếu không có chàng cứu thì thiếp đã phải chết khô trên bãi cát. Nay thiếp xin đưa chàng về long cung để cha thiếp đền ơn.

Anh năm từ chối, lấy cớ là mình còn phải tìm học một nghề đặc biệt. Công chúa liền nói:

- Chàng muốn học nghề đặc biệt là thế nào? Chàng có muốn học bơi lội như cá biển. Hay là chàng muốn học môn độn thổ như đi trên mặt đất, thì xin mời chàng đến nhà thiếp. Cha và anh thiếp sẽ truyền cho chàng, chỉ trong vòng nửa tháng là có thể thành tài.

Nghe nói vậy anh năm tỏ ý bằng lòng. Công chúa bảo anh nhắm mắt lại để nàng đưa đi. Khi anh mở mắt ra thấy mình đang ở trong một cái lâu đài lộng lẫy. Trước mắt anh là Long Vương và các hoàng tử. Long Vương vô cùng mừng rỡ, hết lời cảm tạ anh đã cứu sống con gái của mình. Long Vương sai mở tiệc khoản đãi anh. Rồi hôm sau, theo lời thỉnh cầu của anh, Long Vương sai các tướng dạy anh bơi lội. Lại truyền thêm cho anh môn độn thổ.

Chỉ trong một tuần trăng, anh đã thành tài và từ giã về trần.

Đúng hẹn, năm anh em đều trở về nhà. Cha con anh em gặp nhau vui mừng khôn xiết. Họ lần lượt kể cho cha già và cho nhau nghe bước đường học nghề của mình.

Một buổi sáng ông bố gọi các con lại và bảo:

- Ta định chặt cây gạo ở ngoài ngõ để xẻ ván bắc lại cái sàn nhà. Nhưng không biết sau khi chặt cây này, liệu muốn đào hết rễ có phải rời nhà đi không? Lại còn cái tổ chim ở trên ngọn kia nữa, không biết là chim gì? Bao giờ thì trứng nở?

Nghe bố nói vậy, năm người chuẩn bị trổ tài.

Trước hết, anh năm vỗ tay hô một tiếng rồi chui xuống đất nơi gốc cây gạo. Một lúc anh lại chui lên chỗ cũ, nói:

- Cây này tất có mười sáu cái rễ to. Rễ ngắn nhất đi ngang ra ba sải. Rễ dài nhất luồn qua dưới nền nhà ta, đi mãi tới bờ suối cuối bản. Rễ cây cắm thẳng xuống đất sâu tới mười hai sải, nếu cha định nhổ thì cũng có thể nhổ được mà không hề chạm gì tới nhà ta.

Đến lượt anh ba cầm ống dòm nhìn lên một lúc rồi nói:

- Trong tổ chim có con chim lửa trời mẹ đang ấp hai quả trứng to bằng hai hột lạc. Hiện nay hai con chim bao tử đang cựa mình. Chỉ nội ngày mai là hai con chim sẽ chui ra khỏi vỏ. Đến lượt anh hai giương cung lên ngắm bắn, rồi anh cả trèo lên lấy trứng xuống, mà chim mẹ không hay biết gì cả. Khi nhìn trứng họ mới biết là mũi tên của anh hai đã chọc thủng mỗi quả trứng một lỗ nhỏ mà không hề chạm vào chim bao tử cũng như không đụng phải chim mẹ.

Anh tư liền giở đồ nghề ra vá làm cho hai quả trứng lành lặn như cũ. Anh cả lại đặt trứng chim vào chỗ cũ mà chim mẹ vẫn không biết gì.

Ông bố rất hài lòng về năm nghề đặc biệt và tài nghệ thành thục của các con. Trong lúc sáu cha con vui vẻ chuyện trò thì bỗng có sứ giả của triều đình giao tìm người tài đi cứu công chúa bị con rồng dữ đến bắt trộm. Ai mà cứu được sẽ được vua gả công chúa làm vợ.

Cả năm anh em nghe nói hăm hở ra đi. Anh tư ghép ba trăm tấm ván thành một chiếc tàu đi biển dài ba mươi trượng. Chỉ trong một ngày anh đã thả xuống sông, tiến ra biển cả. Anh ba dùng ống dòm nhìn khắp nơi đã tìm thấy công chúa trong một hang đá trên đỉnh núi cao. Có một con rồng già sừng dài hàng sải, râu dựng ngược như rễ cây móc, đang nằm gối đầu lên mình công chúa. Tàu tới chân núi, anh cả trèo lên tảng đá dốc thẳng đứng như một bức thành leo tới cửa hang. Anh thấy con rồng đang ngủ say, tiếng ngáy ồ ồ như sấm động. Anh cả nhẹ nhàng xốc nách công chúa kéo ra khỏi đầu rồng, mà rồng không hay biết gì cả. Anh bế công chúa men theo đường cũ trở về tàu, rồi kéo buồm cho tàu chạy rời khỏi nơi nguy hiểm.

Nhưng trong khi tàu lênh đênh giữa biển cả, thì con rồng đã tỉnh giấc. Thấy mất công chúa, nó vùng dậy tìm khắp nơi. Khi thấy công chúa ngồi trong tàu, thì nó lồng lộn lao đến nhưng anh hai đã cho nó một mũi tên tẩm thuốc độc. Con rồng bay lảo đảo một lúc rồi rơi xuống tàu, chiếc tàu bị vỡ ra từng mảnh. Còn năm tráng sĩ và công chúa dạt vào một hòn đảo hoang vu giữa biển cả. Anh năm liền bơi nhặt các mảnh ván lại đưa lên bờ. Anh tư lập tức giở đồ nghề may, tàu lại chắc chắn như cũ.

Trong lúc anh tư đang loay hoay ghép thuyền thì có mụ giả chan (Giả chan là một loại yêu tinh ăn thịt người) ngửi thấy mùi thịt người liền lẻn đến bắt công chúa đem đi mất.

Anh ba lại lấy ống nhòm ra nhìn thấy công chúa bị nhốt ở trong cái hang sâu. Cửa hang bị lấp kín bằng những tảng đá to hơn cái nhà. Chàng năm theo hướng chỉ của anh, chui xuống đất, đi thẳng một mạch tới hang, cõng công chúa về. Khi tàu sắp chạy, hai vợ chồng giả chan ở đâu xông tới. Anh hai bắn một phát mụ vợ giả chan lăn ra chết tươi.

Nhưng thằng chồng đã cướp lại được công chúa, cắp nách đưa lên đỉnh núi đá cao chót vót ở cuối hòn đảo. Hắn cho là bọn người mắt ngang kia (Người mắt ngang: chỉ người trần gian, hai mắt ở ngang nhau. Còn giả chan mắt xếch) không làm gì được hắn nữa bèn dừng lại toan ăn thịt công chúa, nhưng một mũi tên tẩm thuốc độc của anh hai lại bay đi cắm vào ngực đầy lông lá của hắn. Thấy giả chan đã ngã, anh cả liền nhanh chân leo vượt tảng đá cao, bế công chúa về tàu. Tàu về đến kinh thành. Năm tráng sĩ dắt công chúa vào cung ra mắt nhà vua và hoàng hậu. Vua và hoàng hậu mừng rỡ sai người mổ bò, mổ lợn bày yến ăn mừng.

Khi tiệc tan, nhà vua nhắc lại lời hứa ngày nọ, rồi hỏi công chúa muốn kết duyên với người nào. Công chúa cúi mặt không dám nói gì. Anh cả đứng lên tâu:

- Chúng tôi là con nhà hèn mọn không dám nghĩ đến cái chức phò mã của triều đình. Nay chúng tôi đã làm xong bổn phận của người dân chịu ơn vua, vậy xin chào nhà vua, chúng tôi trở về với cha già nơi thôn dã.

Nghe nói vậy công chúa nước mắt chảy ròng ròng nói:

- Một mình thiếp làm vất vả cả năm chàng. Theo lời hứa của vua cha thì thiếp phải gửi thân với một chàng có công lao để đền ơn. Nhưng xem ra năm chàng đều có công lớn ngang nhau. Thiếp không thể lấy cả năm chàng làm chồng. Nay vua cha thiếp chỉ có một mình thiếp là con gái, không có con trai nối dõi. Thiếp xin cha nhận cả năm chàng làm con, cùng làm anh em với thiếp, thì thiếp mới thỏa dạ.

Nhà vua vỗ tay cười ha hả nói:

- Con gái ta rất giỏi! Từ đây ta có năm người con trai anh hùng. Xin năm tráng sĩ chớ từ chối...

Năm em cảm động nhận lời. Nhà vua liền phong cho họ chức quan trong triều rồi bày tiệc ăn mừng

Mieng trau ki dieu

Ngày xưa, có một anh học trò tầm thường tên là Hồ Sinh. Gia tư của hắn cũng không lấy gì làm thiếu thốn, nhưng ngày đêm, hắn chỉ những mong muốn một chút danh phận. Vì thế, khi nghe nói ở huyện có khuyết chân thơ lại là hắn vội bán ruộng cố đi lo lót cho được. Sau mấy phen chạy vạy không xong, hắn sực nhớ đến một người bạn học cũ có người thân quen biết với cụ Thượng, bèn tìm đến nhờ vả.

Người bạn của Hồ Sinh khi nghe hắn bày tỏ, vội bảo:

- Người ta có câu "Con trong lừ rưng rưng nước mắt, con ngoài lừ ngút ngoắt muốn vô". Sao bác không giữ ruộng lại để cày cấy làm ăn, có hơn là phải quỵ lụy để mua mấy cái lo vào người cho khổ?

Nhưng sau mấy lần khuyên dỗ, vẫn thấy nét mặt bạn quả quyết quá, mới giới thiệu hắn với một người bạn khác của mình, và nói:

- Người quen của tôi chả có thế lực gì đâu. Sẵn có quen một nhà đạo sĩ trên núi Ba Vì, ông ấy quen biết rất nhiều vị quyền cao chức trọng có thể hơn cả cụ Thượng nữa. Ông ấy có cách làm cho bác nên công danh. Để tôi viết mấy chữ, ông ấy sẽ vì tôi mà giúp bác hết sức.

Hồ Sinh cầm thư của bạn tìm đường lên núi Ba Vì. Hắn hỏi thăm mãi, quả đến một cái hang, cửa hang có một phiến đá lớn lấp kín. Theo lời dặn, hắn kêu to: - "Có phải đây là hang đạo sĩ không? Nếu phải xin mở cửa cho vào". Tự nhiên hòn đá xoay ra mở một lối cho hắn vào. Phía trong rất im lặng nhưng sáng sủa. Hắn bước quá chừng chục bước đã thấy vị đạo sĩ đang nằm trên một cái chõng, miệng nhai trầu, mắt lim dim nghỉ ngơi. Bên cạnh đó có một cái chõng khác, trên có một cơi trầu chỉ còn hai miếng. Tuy có khách mà đạo sĩ cũng không ngồi dậy chỉ với tay cầm lấy thư đọc, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm. Một lát, nhìn trừng trừng vào mặt khách, nói:

- Ta sẽ cho anh được làm quan. Nào, anh muốn làm quan to hay nhỏ?

Đáp:

- Tôi học hành cũng ít ỏi, chỉ muốn làm một chân thơ lại cũng đã mãn nguyện.

- Được! Anh hãy ngồi nghỉ, ăn một miếng trầu, ta sẽ liệu.

Hồ Sinh rón rén lại ngồi ở giường lấy một miếng trầu trong cơi ra ăn. Miếng trầu rất ngon. Nhưng vừa nhai giập thì hắn đã thiu thiu ngủ.

* * *

Sau khi trở về nhà mấy ngày, bỗng một hôm có một người lính lệ mang trát đến đòi. Hắn sợ quá tưởng có việc gì xảy ra. Nhưng khi vào dinh cụ Thượng, hắn được đón tiếp rất niềm nở. Người ta để dành cho hắn không phải là chân thơ lại ở huyện mà là một chân thông biện ở dinh quan Bố tại tỉnh nhà. Công việc chẳng có gì là khó khăn và tốn kém vì có "tay trong" của nhà đạo sĩ, làm cho hắn hết sức sung sướng. Thế là từ đó, Hồ Sinh hàng ngày ra vào công đường, dạ dạ, bẩm bẩm khúm núm trước mặt các quan. Ban đầu hắn cảm thấy nhục, nhưng mỗi lần đứng trước mặt bọn tổng lý và những người dân có việc đến cửa quan thì hắn lại cho là một sự vinh hiển. Ban đầu, hắn ngần ngại chối từ cả lễ lạt của những người có việc đưa đến lo lót, nhưng dần dần hắn bạo dạn và khôn ngoan hơn. Chẳng những hắn thành thạo trong nghề bóp nặn mà còn học được nhiều mánh khóe làm tiền kỳ lạ, tạo ra những vụ án bất ngờ mà kết quả cả nguyên cáo lẫn bị cáo tiền bạc xủng xoẻng dắt nhau đến công đường đút cho hắn và quan trên của hắn.

Vì thế, chỉ trong vài ba năm, tiền của của hắn bộn bề, hắn làm nhà tậu ruộng và sống cuộc đời xa xỉ hơn trước. Hắn lại được một phú trưởng giả trong hạt gả con gái cho. Mười năm sau, vợ hắn đã sinh được hai trai hai gái và được cất nhắc làm một chức quan nhỏ. Cuộc đời hắn cứ lên như diều, không có ai theo kịp.

Nhưng một ngày kia, giữa lúc Hồ Sinh đang ngồi cho vợ chải đầu thì bỗng có lính lệ cầm trát đến đòi. Hắn không nghi ngờ gì cả. Nhưng khi đến dinh cụ Thượng hắn liền bị bỏ ngục. Một viên khâm sai đặc phái cải trang đi thanh tra đã tìm ra được rất nhiều chứng cớ về những vụ tham tang hối lộ của bọn quan tỉnh, mà tất cả đều có liên quan tới hắn. Thế rồi, trong khi chờ đợi xử án thì những người dân bị vu oan giá họa ngày trước đều đổ xô tới quan khâm sai kiện hắn. Đơn kiện cao kể hàng chồng. Ngày xử án hắn là một ngày đông hơn hội. Hắn bị tử hình không đợi tâu về triều vì quan khâm sai có quyền "tiền trảm hậu tấu". Trước khi ra pháp trường chịu tội, hắn hồi tưởng lại chuyện cũ và ăn năn rằng phải chi mình đừng có lên hang đạo sĩ để nhờ lão ấy chạy chọt cho thì có đâu đến nỗi này.

Hồ Sinh bỗng choàng dậy vì có một tiếng động rất dữ dội. Hắn mở mắt thì té ra mình vẫn còn nằm trên chiếc giường thứ hai của nhà đạo sĩ, chân đạp phải cơi trầu lăn xuống đá đánh choảng một tiếng, miếng trầu còn lại lăn lóc giữa giường. Còn nhà đạo sĩ miệng vẫn còn nhai trầu, mắt lim dim, chợt ngồi dậy hỏi hắn:

- Bây giờ chúng ta sẽ bàn một chút. Anh sẽ cầm thư của tôi đến cụ Thượng...

Nhưng lúc này Hồ Sinh không còn đủ can đảm để tính chuyện danh phận nữa. Hắn vội nhả miếng trầu đang ngậm ở miệng và cáo từ ra về. Từ đó, hắn trở nên một tay làm ăn chí thú trên ruộng đất của mình

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tích