Chương 2: Nguy cơ điêu tàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nassim Taleb nheo mắt nhìn biểu đồ trên màn hình của chiếc Apple Macbook. Đó là vào tháng 1/2020, ông ấy đang làm việc trong văn phòng của Universa tại Miami. Ông ấy vừa mới biết được một đặc tính đáng ngại của con virus Corona mới phát hiện và đang lây lan mạnh mẽ tại Vũ Hán, Trung Quốc. Vào lúc này, Covid 19 đã làm chết vài trăm người. Hàng ngàn người khác bị bệnh nặng. Bắc Kinh đã yêu cầu nhanh chóng phong tỏa cả khu vực. Tất cả dường như đang diễn ra ở một nơi nào đó rất xa.

Không có nhiều người cho rằng cần có những biện pháp cứng rắn bên ngoài biên giới Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều gạt qua một bên con virus này, xem nó như một loại cúm mùa và sẽ biến mất khi mùa xuân đến. Thị trường chứng khoán đạt đỉnh tại Mỹ, Châu Âu, Châu Á. Thời khắc tươi đẹp đang đón chờ phía trước.

Taleb có bộ râu gần đây đã chuyển từ màu đen tuyền thành màu trắng tuyết; ông ấy biết được rằng các nhà dịch tể học ước tính Covid có R0 bằng ba hay bốn, thậm chí có thể cao hơn. Chỉ số này cho thấy một người bệnh có thể lây nhiễm đến ba hay bốn người khác – cao hơn con số R0 của bệnh cúm thông thường.

Tỉ lệ lây nhiễm cao như vậy là đáng báo động. Săm soi những con số trên phần mềm Wolfram Mathematica, Taleb càng ngày càng thấy sợ hãi. Nếu dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát, nó có thể gây ra tình trạng thảm khốc. Hàng triệu người có thể chết. Những đoạn phim nổi lên từ Vũ Hán cho thấy bệnh viện bị quá tải, bác sĩ thì bị trùm trong những bộ đồ bảo hộ không khác gì nhà du hành không gian, tất cả làm cho Taleb thấy sợ. Ông gọi cho Yaneer Bar-Yam, một người bạn là chuyên gia về lý thuyết phức hợp, là mảng nghiên cứu liên ngành, bao quát về sự tương tác trong nội bộ và giữa các hệ thống khác nhau, từ tế bào đến rừng cây đến khí hậu toàn cầu, và tính hỗ động đáng sợ của dịch bệnh trong thế giới hiện đại.

"Anh nên để ý tình hình tại Vũ Hán," Taleb nói.

Bar-Yam đồng ý.

Bar-Yam là người sáng lập trung tâm nghiên cứu tinh hoa mang tên New England Complex Systems Institute, NECSI, và nhiều năm qua vẫn luôn trong tình trạng lo ngại ngày càng tăng về một đợt bùng phát bệnh dịch diện rộng trên toàn cầu. Ông ấy đã làm việc với Liên Hiệp Quốc liên quan đến virus Ebola và đã chứng kiến nó suýt chút nữa là vượt rào ra khỏi biên giới Châu Phi. Năm 2016, ông có một báo cáo mang tên Transition To Extinction: Pandemics in a Connected World. Những mầm bệnh có tỉ lệ gây tử vong cao có xu hướng lây lan nhanh vào giai đoạn đầu, sau đó sẽ chết vì chúng đã giết hết vật chủ. Đó là lý do tại sao những con bọ nguy hại nhất lại ít có nguy cơ lây lan ra diện rộng. Thực tế đã khác, Bar-Yam cảnh báo. Các phương tiện vận chuyển đường dài ngày càng phổ biến, "có một thời điểm quan trọng mà mầm bệnh biến hóa hung hãn đến mức toàn bộ vật chủ đều chết ... Chúng tôi gọi đó là giai đoạn chuyển tiếp đến tuyệt chủng. Mức độ di chuyển toàn cầu ngày càng tăng, nền văn minh nhân loại có thể đang tiến gần đến ngưỡng quan trọng này."

Taleb tự hỏi liệu chính quyền Trump có đang xây dựng kế hoạch để đối phó với khủng hoảng sắp xảy ra hay không. Ông gọi điện cho một người quen đang làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia ở Nhà Trắng. "Các anh có nhìn thấy chuyện gì đang diễn ra tại Vũ Hán không?" Taleb hỏi. "Các anh có nhìn nhận nó một cách nghiêm túc không?"

"Chúng tôi có thấy," viên chức này trả lời. Nhưng anh ta không dám chắc về câu hỏi thứ hai. Trump dường như không quá xem trọng Covid 19. Các cố vấn cấp cao của ông ấy cũng thế. Anh này đề nghị Taleb viết bản ghi nhớ phác thảo các lo ngại của mình và gửi đến Nhà Trắng.

Taleb gọi cho Bar-Yam. "Chúng ta phải viết một cái gì đó," ông nói. Đó là ngày 24/1.

Taleb và Bar-Yam đều đã có nhiều năm nghiên cứu về toán học cho đại dịch. Hàng chục năm trước, Taleb đã biết đến đặc tính của thị trường tài chính có lối hành xử tương tự như đại dịch. Những lần sụp đổ đột ngột là những sự kiện cực đoan, không thể lường trước, rất giống như dịch bệnh và đại dịch. Ông biết rằng virus có tính lây lan cao sẽ nhân lên theo cấp số nhân, gây ra tử vong hàng loạt. Trong tác phẩm Thiên nga đen, ông đã viết: "Khi chúng ta di chuyển nhiều hơn trên hành tinh này, bệnh dịch lại càng cấp tính ... Tôi nhìn thấy nguy cơ một loại virus cấp tính lạ lùng sẽ lây lan khắp hành tinh."

Cũng giống như Bill Ackman tại Pershing Square, Taleb biết rằng hầu hết mọi người đều không nắm bắt được điềm báo đáng sợ của hàm mũ. John E. Kelly, giám đốc điều hành IBM đã kể với nhà báo Thomas Friedman của tờ New York Times một minh họa rất phù hợp về mối quan hệ quá đời thường với hàm mũ, mà Friedman đã kể lại trong tác phẩm Cảm ơn vì đã đến trễ, năm 2016. "Chúng ta là những con người sống trong thế giới tuyến tính – khoảng cách, thời gian, vận tốc đều là tuyến tính," Kelly nói với Friedman. Nhưng công nghệ lại phát triển theo "đường cong hàm mũ. Hàm mũ duy nhất mà chúng ta từng biết là khi một vật nào đó đột ngột tăng tốc, giống như chiếc xe hơi, hay đột ngột giảm tốc khi thắng gấp. Khi đó bạn cảm thấy bất an và không thoải mái ... Cảm giác đang ấp ủ trong rất nhiều người hiện nay chính là lúc nào cũng trong tình trạng tăng tốc như thế."

Những công nghệ mới, không ngừng phát triển đang thống trị cuộc sống hiện đại. Mark Zuckerberg sáng lập Facebook năm 2004. iPhone ra đời năm 2007. Tesla sản xuất chiếc Roadster chạy hoàn toàn bằng điện năm 2008. Vắc xin MRNA bảo vệ chống lại Covid 19 là một kỳ quan của khoa học công nghệ hiện đại mà không có nhiều người hiểu được. Chúng ta ngày càng sống trong một thế giới vận hành theo hàm mũ, nhưng trí não của chúng ta vẫn còn lập trình theo hệ tuyến tính.

Nghiên cứu về hàm mũ là công việc kiếm sống của Taleb, là nền tảng toán học cho quan điểm Thiên nga đen. Đại dịch rõ ràng cũng không phải là chuyện mới mẻ. Chúng đã đi cùng nền văn minh. Nhưng các virus mới có thể mang những đặc tính Thiên nga đen, điều chưa biết mà người ta còn chưa biết là chưa biết. Khi chúng lần đầu tiên xâm nhập thế giới, không ai biết chúng sẽ làm gì với cơ thể con người, làm thế nào để điều trị, mức độ lây lan, và liệu người ta có thể âm thầm lây lan loại virus chết người mà không hề biết mình đang mang mầm bệnh, hay là các nhà lãnh đạo sẽ phản ứng như thế nào khi đại dịch bùng phát. Taleb lo sợ con virus Corona mới này mang theo một số đặc tính bí ẩn như thế.

Taleb, Bar-Yam, và một nhà nghiên cứu khác tại NECSI, Joe Norman, nhanh chóng phác thảo bản ghi nhớ liệt kê các rủi ro hiện hữu của con virus và các bước cần thiết để ứng phó. Sau đó Taleb gửi cho Nhà Trắng. Nhiều ngày sau, ngày 26/1, vào lúc mà đa số người Mỹ còn chưa nhận thức được bệnh dịch đang đến, họ đã công khai nó.

"Nguy cơ mang tính hệ thống của Đại dịch do Mầm bệnh mới – Virus Corona: Phác thảo" chỉ dài một trang, là tiếng chuông cảnh báo lảnh lót kêu gọi hành động nhanh gọn, bao quát để chặn đứng khả năng lây lan của virus. Giãn cách xã hội. Cách ly. Đóng cửa biên giới. Khả năng lây lan của con virus này có thể diễn ra nhanh hơn suy tính của mọi người, bản phác thảo viết.

"Rõ ràng, chúng ta đang đối mặt với một quá trình cực kỳ hiếm gặp phổ biến do sự kết nối gia tăng, từ đó đẩy mạnh tốc độ lay lan theo hàm số mũ," bản phác thảo viết. "Các quá trình hiếm phổ biến gặp mang theo những đặc tính riêng, khiến cho cách quản trị rủi ro kiểu truyền thống là không đủ để đối phó."

Hiếm gặp là khu vực hai cạnh biên của đường cong hình chuông dùng để biểu thị xác suất của một dạng sự kiện, ví dụ như tính trồi sụt lên xuống hàng ngày của thị trường chứng khoán trong vòng 50 năm qua, hay nhiệt độ hàng ngày của New York trong vòng 100 năm qua. Đường cong phân phối chuẩn có hình dạng như một cái chuông, và hầu hết sự việc rơi vào khoảng giữa – ví dụ, tăng hay giảm trong vòng từ 0,1 đến 5% - và những sự kiện hiếm gặp hơn nằm ở hai cạnh biên. Một sự kiện hiếm gặp phổ biến là khi nó diễn ra nhiều hơn, hay có quy mô lớn hơn, so với kỳ vọng trong hàm phân phối chuẩn, ví dụ như sự kiện Ngày thứ hai đen tối năm 1987.

Đại dịch là một sự kiện hiếm gặp phổ biến.

Đó là vì đại dịch không phát triển theo tuyến tính. Trong thống kê, một sự kiện là phi tuyến tính khi đầu ra của nó không theo tỉ lệ so với đầu vào. Một hiện tượng tuyến tính thì đầu ra là 1, 2, 3, 4, 5; trong khi đó, đầu ra phi tuyến tính có thể theo cấp số nhân là 1, 2, 4, 6, 256, 65535, v.v. Nói cách khác, sự kiện phi tuyến tính có xu hướng phát triển rất lớn, rất nhanh. Một người bị nhiễm bệnh, có thể còn chưa có triệu chứng, sẽ lây lan cho 2 người, 2 người đó lại lây cho 4 người, 4 thành 16, 16 thành 256 ... và cứ thế tăng lên thành hàng triệu người. Chính là tính chất này khiến cho Bill Ackman hoảng sợ vào tháng 2/2020. Giờ đây, do sự siêu kết nối của các siêu đô thị, được sự ủng hộ của nguồn năng lượng phản lực, việc trộn lẫn, lây lan – chỉ số R0 – lại càng phi tuyến tính, càng phát triển theo cấp số nhân.

"Kết nối toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, và Trung Quốc là một trong những xã hội có tính kết nối toàn cầu cao nhất," bản ghi nhớ "Rủi ro hệ thống" đã giải thích. "Về căn bản, mức độ lây nhiễm của virus phụ thuộc vào sự tương tác của các tác nhân trong không gian vật lý."

Giải pháp: Cắt đứt chuỗi liên kết. Hoảng loạn lúc này, hoảng loạn lúc còn sớm, là cụm từ mà Taleb và hai đồng tác giả của bản ghi nhớ đã dùng xuyên suốt cuộc khủng hoảng Covid 19 và trở thành dấu ấn trong cẩm nang hành động của các vị vua của thời hỗn loạn.

Thất bại là không thể chấp nhận. Trong thống kê, hay trong các ván cờ bạc phức tạp, rủi ro cho nhân loại là một bài toán điêu tàn. Nhân loại đi đến diệt vong. Hãy nghĩ đến tình huống một người đánh bạc có trong tay 1.000 đô và đặt cược gấp đôi sau mỗi lần thua. Thua 5 đô thì đặt 10 đô, thua 10 đô thì đặt 20. Chiến lược này có tên là Martingale, và đích đến cuối cùng của nó là người chơi sạt nghiệp, trừ phi người chơi có của cải vô hạn.

Đại dịch, với tính chất phi tuyến tính, cũng có thể tạo mối nguy tương tự cho nhân loại, tùy thuộc vào mức độ gây chết người, mức độ lây nhiễm, và tốc độ lây nhiễm của con virus. Vào thời điểm tháng 1/2020, không ai biết được những thông số này.

"Đây là vấn đề dẫn về điêu tàn," bản ghi nhớ Rủi ro hệ thống viết, "theo đó, chỉ cần có thời gian, việc tiếp xúc với các sự kiện hiếm gặp gần như chắc chắn dẫn đến kết cuộc là tuyệt chủng. Mặc dù xác suất nhân loại sống sót sau một sự kiện như thế là rất cao, theo thời gian, xác suất sống sót sau hàng loạt tiếp xúc với những sự kiện tương tự là bằng 0. Cá nhân có tuổi thọ nhất định có thể chấp nhận những mối nguy lặp lại như thế, nhưng ở tầm hệ thống và cộng đồng thì không thể chấp nhận được những tiếp xúc gây điêu tàn như thế."

Những cơn đại dịch trong lịch sử, như bệnh dịch hạch, virus năm 1918, v.v, đã xảy ra trong một thế giới rất khác, một thế giới không có sự phổ biến của hàng không quốc tế, không có United Airlines và Lufthansa, không có những trung tâm đô thị đông đúc hàng chục triệu người sinh sống. Một xã hội siêu kết nối ngày nay khiến cho mối nguy cực điểm của một kết cục điêu tàn càng rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nhưng không phải đã mất hết hy vọng, nếu nhân loại rút ra được bài học từ đại dịch corona, theo Taleb và hai đồng tác giả. Đối với những đợt bùng phát trong tương lai, phản ứng cần phải phù hợp với mối đe dọa. Thế giới phải hành động như thể mọi thứ đều đứng trước nguy cơ. Điều này có nghĩa là phải áp dụng các "nguyên tắc phòng ngừa," mà theo như bản ghi nhớ, "phân định các điều kiện để làm nền tảng cho hành động giảm thiểu nguy cơ điêu tàn, chứ không thể dùng cách phân tích chi phí – lợi ích theo kiểu truyền thống."

"Bùng phát là không thể tránh khỏi," bản ghi nhớ viết, "nhưng với phản ứng phòng ngừa phù hợp, rủi ro hệ thống có thể được giảm thiểu cho toàn cầu nói chung."

Triển khai phản ứng phòng ngừa vào đầu năm 2020 là một góc nhìn không được nhiều người hưởng ứng, từ chuyên gia y tế đến chính trị gia, vì họ quan ngại nhiều hơn đến nền kinh tế nếu áp dụng các biện pháp quyết liệt, chứ không quan tâm đến nguy cơ chết người hàng loạt một khi bùng phát xảy ra. "Nó thể hiện thực trạng không tốt chút nào của ngành y tế, sức khỏe cộng đồng, và thái độ lãnh đạo của xã hội phương Tây nói chung, khiến cho Taleb vẫn luôn không ngừng nhắc đến, một tiếng nói đơn độc, về tầm quan trọng của nguyên tắc phòng ngừa," Susan Webber, bút danh Yves Smith, lúc đó đã viết trên trang web về tài chính nổi tiếng của mình, Naked Capitalism.

Người ta không rõ Nhà Trắng có phản ứng như thế nào với cảnh báo của Taleb. Ông ấy cho rằng nó cũng có tác động đến quyết định đóng cửa biên giới của Mỹ với Trung Quốc, đã được đưa ra vài ngày sau khi bản ghi nhớ được ông gửi cho bạn mình trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Dẫu sao, Trump đã sớm lên tiếng dự báo con virus sẽ biến mất "như một phép mầu." Nhiều quan chức khác tại Nhà Trắng cũng lên tiếng theo một hướng hoàn toàn khác với những gì đề xuất trong bản ghi nhớ. Theo quan điểm của nhóm này, do bản chất của bệnh dịch – mức độ nguy hiểm gây chết người và khả năng lây nhiễm – vẫn còn chưa được biết, thì cách đối phó tốt nhất là thu thập thêm dữ liệu để thấu hiểu mối nguy trước khi đưa ra những biện pháp cực đoan có thể làm đảo lộn nền kinh tế - và đảo lộn hy vọng tái đắc cử của Trump. Chúng ta vẫn chưa biết gì cả, họ nói. Chúng ta cần thêm thông tin. Biện pháp chữa trị không thể lại còn tồi tệ hơn căn bệnh. Những tiếng nói này lọt vào tai nghe của tổng thống Mỹ. Các nước khác, kể cả Anh, cũng chọn cách ngồi chờ xem.

Taleb sau này nói rằng trường phái ngồi chờ xem đã đi thụt lùi khi đối mặt với Thiên nga đen và rủi ro mang tính hệ thống toàn cầu – và đại dịch. "Thiếu kiến thức đáng lẽ phải khiến bạn cảm thấy chắc chắn hơn về việc cần phải làm gì," ông ấy nói với tôi. "Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về kỹ năng của phi công, tốt nhất là đừng lên máy bay."

***

Khi tin tức lan truyền về khoản lợi nhuận gấp 40 lần của Universa, các nhà môi giới cạnh tranh trên Phố Wall đều ngạc nhiên và ganh tị, và có người cũng hoài nghi, như Aaron Brown. Trung bình các quỹ đầu tư tập trung vào cổ phiếu đã lỗ 14% tính đến giữa tháng 3, theo Goldman Sachs. Các chiến lược giảm thiểu rủi ro khác cũng chịu lỗ theo. Cổ phiếu và trái phiếu đều đồng loạt rớt giá, bình thường hai sản phẩm này vận hành theo hai hướng ngược chiều nhau, giúp cho nhà đầu tư có biện pháp phòng hộ khi gặp sụp đổ, nhưng lần này nó đã phá tan chiến lược kết hợp "60/40" giữa cổ phiếu và trái phiếu mà người Mỹ thường áp dụng để dành cho nghỉ hưu.

Có thể Universa chỉ đơn thuần là may mắn. Có thể Spitznagel đã hoảng loạn trước Covid 19, tương tự như Bill Ackman, và đặt cược lớn rằng thị trường sẽ sụp đổ.

Không đúng. Universa được thiết lập với vị thế ổn định chính là để thu về lợi nhuận bùng nổ khi gặp sụp đổ. Vì thị trường có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, không được báo trước. Không ai có thể dự báo khi nào sẽ có sụp đổ. Và như vậy có nghĩa là nhà đầu tư không phải lo lắng về sụp đổ. Họ có thể ngủ ngon vào ban đêm. Trong một thư ngỏ gửi đến các nhà đầu tư của Universa sau vụ sụp đổ, Spitznagel đã viết rằng "trong tương lai, có nhiều lý do để kỳ vọng rằng việc phòng hộ trước những đợt giảm giá lớn với Universa vẫn là chiến lược giảm thiểu rủi ro vượt trội, tiết kiệm cho nhà đầu tư những chi phí và rủi ro không cần thiết trong hầu hết các kỹ thuật tài chính và giải pháp tài chính hiện đại, đồng thời mang lại cho nhà đầu tư giải pháp 'xứng đáng với sự hy sinh của sụp đổ' nếu lại tiếp tục có sụp đổ."

Vận may của Universa năm 2020 đã được đắp nặn qua nhiều chục năm. Đến cuối thập niên 2000, họ đã thiết lập vị thế để bảo vệ hàng tỉ đô la khỏi những khoản lỗ khổng lồ, giúp cho Spitznagel trở nên cực kỳ giàu có. (Ông ấy đã trích tiền lời năm 2009 và mua lại biệt thự của Jennifer Lopez tại Bel Air với giá 7,5 triệu đô la.) Thành công của Universa đã khơi dậy một làn sóng những kẻ sao chép tại các quỹ đầu tư và nhà quản lý tài sản quy mô lớn, như Pimco tại California. Phố Wall thậm chí còn lập ra những quỹ chỉ số mang thương hiệu Thiên nga đen, ví dụ như Quỹ chỉ số Amplify BlackSwan Growth & Treasury ETF.

Kết quả vượt trội thu hút chú ý năm 2020 đã càng củng cố vị thế của chiến lược này trên Phố Wall. "Thị trường một thời chịu sự thống trị của những con bò đầu cơ giá lên và con gấu đầu cơ giá xuống," tờ Wall Street Journal đã ghi nhận vào tháng 6/2020. "Ngày nay, có một con vật khác nổi lên ... Những nhà đầu tư này tập trung vào tính biến động, mức độ dao động giá theo thời gian. Trong những năm gần đây, tính biến động đã dịch chuyển từ một đặc trưng của nhà giao dịch phái sinh trở thành công cụ giao dịch riêng."

Spitznagel và Taleb không thích những kẻ sao chép. Họ cho rằng hầu hết những người sao chép này không biết rõ mình đang làm gì và bôi xấu chiến lược của họ.

Triết lý nền tảng trong chiến lược giao dịch của Spitznagel và Taleb bao gồm ba phần. Thứ nhất, tương lai chịu sự tác động của những sự kiện lớn là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, dự báo. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra (Thiên nga đen). Thứ hai, sự kiện cực đoan có tác hại lớn hơn tính toán của nhiều người, vì những thước đo rủi ro tiêu chuẩn như đường cong hình chuông không thể phản ánh được bản chất của nó. Điều này có nghĩa là, trên thị trường tài chính, sự kiện cực đoan thường được định giá thấp: một cơ hội kiếm tiền. Nó cũng cho thấy hầu hết các nhà đầu tư đều ôm nhiều rủi ro hơn nhận thức của họ. Điểm yếu chung của con người là cho rằng thế giới ngày mai cũng sẽ giống như ngày hôm nay, bất chấp mọi dấu hiệu thay đổi đang diễn ra xung quanh. Người ta chỉ tập trung vào những khối nhô lên bình thường ở trung tâm của đường cong hình chuông, thay vì nhìn vào những vụ nổ dữ dội nằm ở hai biên của đường cong.

Thứ ba, thua còn quan trọng hơn thắng. Spitznagel từ nhiều năm trước đã nhận ra một sự thật quan trọng đối với bất cứ ai đặt cược vào kết quả trong tương lai: Một ván bài thua lớn có ảnh hưởng nhiều hơn so với một loạt những thắng lợi nhỏ. Giả sử bạn đầu tư 1.000 đô mua cổ phiếu. Nếu vì một lý do nào đó, cổ phiếu này có báo cáo kết quả kinh doanh kém hay ban lãnh đạo có bê bối – và người ta không mua sản phẩm của công ty này nữa – thế là cổ phiếu giảm 50%. Bạn giờ chỉ còn 500 đô.

Mấu chốt là đây: Để lấy lại số tiền ban đầu, chỉ cần hòa vốn, cổ phiếu này phải tăng 100% - chứ không phải con số 50% mà bạn vừa mất.

Bài học rút ra: Tránh các khoản thua lỗ lớn là điều thiết yếu. Universa làm được điều này bằng cách mua quyền chọn có lợi nhuận khổng lồ khi sụp đổ, và chỉ khi sụp đổ. Quyền chọn là hợp đồng cho phép người chủ sở hữu có quyền mua hay bán cổ phiếu theo mức giá nhất định trong một khung thời gian cụ thể.

Mỗi ngày, Universa mua "quyền bán" để kiếm tiền khi thị trường sụp đổ. Thông thường, những ván cược này không thành công và Universa phải chấp nhận một khoản lỗ nhỏ (mà họ gọi là chảy máu). Nhưng tiền lời khi nó đến sẽ là vô cùng lớn so với khoản lỗ tích lũy. Spitznagel gọi đây là hiệu ứng bảo vệ nhược điểm bùng nổ. Hãy nghĩ về nó giống như bảo hiểm hỏa hoạn sẽ trả lại gấp ba lần giá trị tài sản (hay nhiều hơn) nếu nhà bạn bị cháy thành tro.

Cũng vô tình đây là cách tiếp cận trái ngược một trời một vực với cách đầu tư của các chuyên gia trên Phố Wall. Tại đây, nhà giao dịch đầu tư với kỳ vọng kiếm được khoản lợi nhỏ, tích lũy hàng ngày, hy vọng nhận được khoản tiền thưởng lớn vào cuối năm. Với cách làm này, họ cũng đang ôm vào mình rủi ro thua lỗ một khoản lớn vào những ngày hiếm hoi mà thị trường sụp đổ. Universa thì ngược lại, không bao giờ mất một khoản tiền lớn trong một ngày hay một tuần – nhưng họ có thể và thật sự là mất một khoản tiền nhỏ mỗi ngày. Đây là một chiến lược phát huy tốt nhất khi gặp tuyết lở, động đất, bão. (Taleb từng nói với tôi, "Tôi không muốn trời mua, tôi muốn hạn hán hay lũ lụt.")

Tính đến đầu những năm 2020, đây là một chiến lược thành công vượt bậc. Ernst & Young kiểm toán chiến lược Thiên nga đen của Universa từ lúc họ thành lập năm 2008 kéo dài đến tháng 12/2019 và nhận thấy tỉ lệ trung bình thu nhập trên vốn đầu tư hàng năm, chỉ số thường được dùng để đo lường thành công (hay thất bại) của quỹ đầu tư, đạt con số đáng khao khát là 105%. Như vậy có nghĩa là, trung bình mỗi năm Universa đạt lợi nhuận 105%, một kỷ lục đặt họ ngang hàng hay thậm chí là tốt hơn những quỹ đầu tư tốt nhất trên thế giới. Và con số này là vẫn chưa tính vận may hơn 4.000% vào đầu năm 2020.

Lợi nhuận đạt được mà không cần bất cứ ai ở Universa đưa ra bất cứ dự báo nào về xu hướng thị trường, đi lên, đi xuống, hay đi ngang. Nhưng mặc dù Spitznagel không cố gắng dự báo khi nào thị trường sụp đổ, ông hoàn toàn tin tưởng, tận sâu trong tim, rằng thị trường chứng khoán của Mỹ, và cả thị trường trái phiếu, chịu sự can thiệp của ngân hàng trung ương, từ lâu đã bị mắc kẹt trong một siêu bong bong không bền vững và cuối cùng nhất định sẽ nổ tung như một thùng thuốc súng. Nguyên lý cốt lõi trong thế giới quan của Spitznagel là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bị nghiện thổi bong bóng trong nhiều thập niên, tạo ra những nắm bùi nhùi khô tạo ra hết vụ sụp đổ này đến sụp đổ khác. Cả Spitznagel lẫn Taleb đều không biết khi nào sụp đổ xảy đến. Spitznagel đã viết trong thư ngỏ gửi nhà đầu tư năm 2020: "Chúng ta không có quả cầu pha lê nào!"

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng thị trường sụp đổ là điều không thể dự báo. Một thế hệ mới các nhà toán học, nhiều người trong số này đang say mê một nhánh khoa học bí ẩn đến ma mị gọi là lý thuyết phức hợp, mà người bạn của Taleb là Bar-Yam đang theo đuổi, tuyên bố rằng họ có thể phát hiện một số tín hiệu nhất định trong tiếng ồn của thị trường sẽ thúc đẩy sụp đổ. Các chuyên gia về lĩnh vực này, như nhà vật lý học người Pháp Didier Sornette, đã thiết kế thí nghiệm để chứng minh độ tin cậy của hệ thống dự báo của mình, và đạt một số thành công đáng kinh ngạc.

Về phần Taleb, ông cũng không hoàn toàn phản đối quan điểm cho rằng một số vấp váp của thị trường là có thể dự báo được. Ông gọi những sự kiện này là Thiên nga xám, trong hạng mục này ông xếp vào Cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, phán quyết của ông rằng thật sự rất khó để dự đoán thời gian diễn ra sự kiện thảm họa và rằng những công cụ dự báo của các chuyên gia thị trường như Sornette là hoàn toàn không đủ khả năng quản trị rủi ro. (Tranh luận này sẽ là chủ đề của Chương 12.)

Mặc dù không đưa ra dự báo thị trường cụ thể, Taleb và Spitznagel dự báo rằng thế giới sẽ thay đổi, thay đổi liên tục, thay đổi khốc liệt, và thị trường chứng khoán cũng vậy. Người nào không chuẩn bị đầy đủ chắc chắn sẽ phải chịu khổ.

Tháng 3/2020, dường như nỗi khổ của nhà đầu tư chỉ vừa mới bắt đầu. Và rồi, một điều kỳ lạ xảy ra. Thị trường chứng khoán khắp thế giới bắt đầu đảo chiều, và sau đó là tăng mạnh. Ngay cả khi Mỹ bước vào cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng với hàng triệu người mất việc do Covid 19 càn quét qua đất nước, chỉ số chứng khoán bắt đầu hành quân tiến về phía trước một cách hùng hổ, cuối cùng liên tục đạt những đỉnh cao mới.

Có vài lý do dẫn đến sự phấn khích dường như phi lý này. Ông ba bị trong truyền thuyết của Spitznagel là Cục Dự trữ đang bơm một lượng thanh khoản chưa từng có tiền lệ vào hệ thống tài chính thông qua việc mua lại hàng tỉ đô la trái phiếu doanh nghiệp. Họ thậm chí mua luôn cả những trái phiếu rác. Quốc hội Mỹ triển khai hỗ trợ tài chính hàng ngàn tỉ đô la đến các công ty và gia đình gặp khó khăn. Thế lực tổng hợp của Cục Dự trữ và Quốc hội, bên cạnh các gói cứu trợ khác tại Châu Âu và nhiều nước, đã kích hoạt mức độ chấp nhận rủi ro mang tính lịch sử. Với lãi suất ở mức thấp kỷ lục, trái phiếu hầu như không có lợi nhuận, bắt buộc nhà đầu tư muốn có lợi tức phải nhảy vào một nơi duy nhất – thị trường chứng khoán. Cổ phiếu sôi động đến mức thị trường lôi kéo một làn sóng những nhà giao dịch hàng ngày với tốc độ chưa từng thấy kể từ bong bóng dot.com cuối thập niên 1990. 

Đối với Spitznagel, việc này chỉ là gia tăng thùng thuốc súng, và gia tăng lợi nhuận khi sụp đổ cho Universa khi toàn bộ hệ thống suy sụp.

Thực tế, khi thập niên 2020 đang tiến về phía trước với đại dịch Covid 19 dường như kéo dài vô tận với những biến thể không ngừng, với thảm họa khí hậu đáng sợ, với một cuộc chiến đầy chết chóc tại Châu Âu gấy lên bóng ma hủy diệt hạt nhân, dường như các rủi ro gây rúng động thế giới vẫn đang tiếp tục chồng chất với tốc độ chưa từng có.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh