Chương 20: Đánh cược

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày 27/1/2021, Bản tin của Nhà khoa học Nguyên tử cho biết Đồng hồ Tận thế của họ đã dừng lại ở thời điểm còn 100 giây nữa là đến nửa đêm, và nó đã bất động kể từ năm trước. Có hai sự việc lớn xảy ra trong vòng 12 tháng qua. Covid-19 làm chết người khắp thế giới. Và Donald Trump không còn là tổng thống Mỹ. Sự việc thứ hai rõ ràng là bù đắp phần nào cho sự việc thứ nhất – điều này, ít nhất, đã nhận được cái gật đầu đồng thuận của nhiều nhà khoa học.

Covid-19 không gây ra mối nguy diệt vong cho nhân loại, theo lời các nhà khoa học. Nó có tỉ lệ gây chết người rất cao, nhưng không nguy hiểm đến mức giết chết hàng tỉ người. Vấn đề nó làm nổi bật lên là chính nhân loại – hay ít nhất là phần lớn nhân loại, vì một số quốc gia, như New Zealand, Úc, Hàn Quốc, đã có phản ứng khá tốt – là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng triệu người. Cơn đại dịch là "tiếng chuông cảnh tỉnh mang tính lịch sự," như lời của Rachel Bronson, chủ tịch Bản tin của Nhà khoa học Nguyên tử viết trong thư ngỏ hàng năm Đồng hồ Tận thế. Cách phản ứng thảm họa trước Covid-19 đã minh họa rằng "các tổ chức chính phủ và quốc tế hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu, vốn dĩ đang đặt ra mối đe doại diệt vong cho nhân loại, hay các hình thức nguy hiểm khác, ví dụ như những cơn đại dịch lây lan cao và thế hệ chiến tranh kế tiếp, có thể đe dọa cho nền văn minh trong tương lai gần."

Trong bức tranh mờ mịt này vẫn còn những điểm sáng, dù chỉ là lập lòe. Năng lượng tái tạo "đã thể hiện sự kiên cường trong môi trường năng lượng hỗn loạn của đại dịch," Bronson viết, đề cập đến việc lần đầu tiên sản lượng than tại Mỹ không còn được dùng để cung cấp điện nhiều như năng lượng tái tạo. "Trên toàn cầu, nhu cầu năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch đã giảm đi, trong khi nhu cầu đối với năng lượng tái tạo tăng lên."

Người ít ngạc nhiên nhất trước tốc độ dịch chuyển này hẳn là Bob Litterman. Thực tế, ông đã đặt cược hàng triệu đô la vào nước đi này.

Tháng 4/2021, Litterman một lần nữa phải đối mặt với các nhà làm luật tại Thượng viện Mỹ. Địa điểm lần này là Ủy ban Ngân sách Thượng viện, do Thượng nghị sĩ bang Vermon Bernie Sanders làm chủ tịch. Litterman điều trần cùng với giáo sư kinh tế học Joseph Stiglitz của ĐH Columbia từng nhận giải Nobel, và tác giả David Wallace-Wells, với tác phầm The Uninhabitable Earth năm 2019 đã vẽ ra bức tranh rủi ro cực đoan do biến đổi khí hậu khiến người ta phải lạnh gáy.

"Theo quan điểm của tôi, chúng ta đang trải qua một thời điểm bản lề không chỉ đối với lịch sử của đất nước, mà còn là lịch sử của thế giới, lịch sử của nhân loại," Thượng nghị sĩ Sanders đã phát biểu mở đầu phiên điều trần.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thành viên cấp cao của ủy ban, thừa nhận rằng hiện tượng trái đất nóng dần lên là một điều đáng lo ngại. "Tôi đã đi đến kết luận rằng biến đổi khí hậu là có thật," ông nói. "Và phát thải khí từ con người tạo ra hiệu ứng khí nhà kính giữ nhiệt. Và từ đó chúng ta chứng kiến mực nước đại dương dâng cao, tính acid trong nước biển tăng lên ... Nên tôi hoàn toàn đồng ý rằng khoa học khí hậu là thật." Graham có vẻ hứng thú trước viễn cảnh một thế giới mà các ông lớn trong ngành khai thác dầu như Iran và Nga phải tìm một nguồn thu nhập khác. "Hãy tưởng tượng một thế giới mà các chế độ độc tài không còn được tiếp cận dễ dàng đến nguồn nhiên liệu hóa thạch," ông nói. "Hãy tưởng tượng một thế giới mà các giáo sĩ Iran không thể chỉ trông đợi đến 90% thu nhập đến từ dầu mỏ. Người Nga nữa. Tôi thấy thật thú vị khi hệ quả của chính sách ngoại giao khi chuyển sang nền kinh tế năng lượng sạch sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất địa chính trị của thế giới."

Wallace-Wells giải thích với các thượng nghị sĩ lý do tại sao thế giới cần phải hành động ngay lập tức để cắt giảm phát thải khí – và những cơ hội đã bỏ lỡ không kêu gọi hành động sớm hơn. "Nếu thế giới mà đã bắt đầu giảm phát thải khí carbon từ năm 2000, thì lúc này lượng phát thải chỉ cần giảm vài điểm phần trăm mỗi năm là đủ sức an toàn tránh được nguy cơ nhiệt độ tăng thêm 2 độ," ông nói. "Bây giờ con số này là 10%. Đợi thêm 10 năm nữa thì phải giảm từ 25% trở lên mới đủ sức tạo tác động."

Tiếp theo sau đó, Litterman nói về công cụ mới mà ông đã phát triển để đánh giá, đo lường, và định giá rủi ro khí hậu.

"Chúng tôi áp dụng những phương pháp mà các giám đốc quản lý tài sản vẫn dùng để định giá rủi ro để cho ra ước tính mức giá carbon đã bao gồm rủi ro," ông nói. "Cách làm này cải tiến hơn những mô hình trước, như mô hình của nhà kinh tế học đã từng đạt giải Nobel là William Nordhaus. Công trình nghiên cứu của Nordhaus cho thấy nếu chúng ta hành động cắt giảm phát thải sẽ tạo ra lợi ích ròng đáng kể, nhưng trong mô hình đó việc cắt giảm diễn ra chậm chạp và để lại con đường cho nhiệt độ trái đất tăng lên. Khi chúng tôi đưa rủi ro vào trong những mô hình này, bao gồm nguy cơ của một trường hợp xấu nhất, hay kịch bản thảm họa, kết quả cho ra đủ sức thúc đẩy một phản ứng tham vọng và nhanh chóng hơn."

Nếu đưa vào yếu tố rủi ro và giá trị của việc tránh thoát thảm kịch, giá trị của việc giảm phát thải tăng cao hơn, ông giải thích. Người ta thấy rõ rằng hành động lúc này sẽ ít tốn kém hơn so với việc chờ đợi xem tình hình tồi tệ thật sự thế nào rồi mới hành động. Càng trì hoãn thì hành động càng tốn kém. "Cái này cũng giống như định giá cho cú đạp thắng," Litterman nói. Trì hoãn 10 năm thì nền kinh tế toàn cầu sẽ tổn thất 10.000 tỉ đô la mỗi năm, tương đương 100.000 tỉ đô la cho 10 năm, theo mô hình tính toán của ông. Càng trì hoãn hơn nữa thì chi phí có thể nhảy vọt tới trời.

Dù không nói ra, Litterman cho rằng cách xử lý tốt nhất là đặt mức thuế carbon ngay lúc này đâu đó trong khoảng từ 80 – 100 đô la/tấn, theo kết quả của mô hình EZ-Climate. Nhưng ông là một người thực tế. Đề xuất này sẽ không bao giờ được Quốc hội thông qua, đặc biệt là khi Quốc hội đang phân cực rõ ràng như hiện tại. Thay vào đó, ông ủng hộ hướng đề xuất mức thuế ban đầu là 40 đô la/tấn, bắt đầu từ năm 2023, và sẽ tăng dần theo thời gian (và sau đó nữa thì sẽ giảm dần khi lợi ích của việc giảm phát thải bắt đầu hiện thực hóa). Mức thuế sẽ là động lực đối với những người tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch – ví dụ như các công ty cung cấp điện, các đơn vị sản xuất công nghiệp lớn như nhà máy thép hay nhà máy hóa chất, công ty sản xuất xe hơn – tìm cách giảm sử dụng dầu và khí đốt và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Cá nhân có thể chọn mua xe điện thay vì xe sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng xăng. Nó cũng tạo ra chỉ báo Mua mạnh mẽ cho Phố Wall hướng đến năng lượng sạch, khai thông dòng vốn vào ngành này, đồng thời tạo ra chỉ báo Bán mạnh mẽ cho những nhà cung cấp và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Tiền thuế sẽ được phân phối lại cho người dân, mang lại lợi ích cho những hộ gia đình có thu nhập thấp vì họ là người tiêu thụ ít carbon, và thu thuế từ những gia đình giàu có trong xã hội đang tạo ra phát thải khí carbon, Litterman nói.

Sự lạc quan của Litterman rằng Quốc hội sẽ có hành động đã bắt đầu nhạt dần từ cuối năm 2021. Đánh giá của ông về kết quả của Hội nghị các bên lần thứ 26, COP26, trình cho Công ước Khung của LHQ về Biến đổi khí hậu, nơi lãnh đạo các nước họp tại Glasgow, Scotland, để bàn về trái đất nóng dần lên, cũng không sáng sủa. Ngoại trừ một vài tiến bộ kỹ thuật quy mô nhỏ đề theo dõi lượng phát thải khí, hầu như các mục tiêu khác đều không đạt.

"Những người tôi quen biết có tham gia trong quá trình này đều đặt kỳ vọng rất thấp," ông nói với tôi. Mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 là giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C, đã xem như là mục tiêu xa vời, ông nhận định.

Một điểm sáng trong thành công cá nhân mà ông có thể tự hào là Kepos Capital, đã có chiến lược đặt cược vào quá trình khử carbon nhanh chóng. Đến giữa 2022, khoản cược này đã tăng gần 22% kể từ lúc thành lập, bất chấp đợt tăng giá dầu do Nga tấn công vào Ukraine và đợt giảm giá cổ phiếu công nghệ sạch gần đây. Phần lớn lợi nhuận này đến từ Tesla đã đột ngột tăng giá trị thị trường lền hơn 1.000 tỉ đô la, mà Didier Sornette tin rằng là quả bóng Vua Rồng siêu khổng lồ. Là một người tin vào thị trường hiệu quả, Litterman cho rằng giá của Tesla phản ánh chính xác kỳ vọng của nhà đầu tư đối với lợi nhuận của nó trong tương lai.

Nếu Quốc hội định ra mức thuế carbon, chiến lược của ông lại càng thành công rực rỡ. Nhưng ông vẫn nghi ngờ lắm.

Càng ngày Litterman càng tự hỏi phải chăng lối thoát duy nhất cho nhân loại khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu đáng sợ là một bước đi quyết liệt được gọi là địa kỹ thuật năng lượng mặt trời. Cho hàng loạt máy bay tiến thẳng lên trời và đổ hàng tỉ tấn SO2 vào khí quyển. Khi các phân tử này lan tỏa ra, tiếp xúc với độ ẩm và tạo thành axit sulfuric, chúng sẽ phản chiếu ánh sáng ngược lại vũ trụ, nhờ đó làm nguội trái đất. Các nhà khoa học ủng hộ kỹ thuật này nhắc đến sự kiện Núi lửa Pinatubo phun trào năm 1991 tại Philippines, đưa 20 triệu tấn SO2 và tro bụi vào khí quyển. Chính sự kiện này đã làm nhiệt độ trên toàn hành tinh giảm gần 1 độF trong vòng hai năm sau đó.

Địa kỹ thuật còn nhiều hình thức khác. Năm 1997, Edward Teller, nhà khoa học hạt nhân, nhà phát minh bom khí hydro, đề xuất đặt những tấm gương khổng lồ trong không gian. Những phân tử khác như canxi carbonate hay thậm chí là bụi kim cương cũng có thể được tung lên bầu trời.

Hầu hết các nhà khoa học khí hậu đều thấy không ổn trước viễn cảnh chủ động tái tạo phun trào của núi lửa nhiều lần mãi về sau. Một khi nhân loại mở ra dự án địa kỹ thuật như thế, rủi ro triển khai sẽ không bao giờ ngừng – vì các phân tử này cuối cùng cũng sẽ rơi khỏi bầu khí quyển sau một vài năm. Nếu dự án bị tạm ngừng, trái đất sẽ gặp nguy cơ cú sốc nhiệt đột ngột, gây ra bao nhiêu là hỗn loạn, tổn thất, và chết chóc không thể hình dung – nhà báo Elizabeth Kolbert của tờ New Yorker đã viết về hiện tượng này trong quyển sách Under a White Sky xuất bản năm 2021 là "mở cánh cửa lò nướng to bằng cả trái đất."

Một lập luận khác phản đối địa kỹ thuật là nó tạo ra nguy cơ đạo đức rất lớn. Nếu dự án thành công, rõ ràng các nỗ lực tốn kém trên khắp thế giới để giảm phát thải khí carbon sẽ không còn được ủng hộ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Rex Tillerson, cựu CEO của ExxonMobil (và Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Trump) cho rằng địa kỹ thuật là ý tưởng hay.

Ngoài ra còn có những tác động phụ mà người ta chưa lường hết, ví dụ như mưa axit. Nó sẽ tác động đến cây trồng như thế nào? Lượng mưa thì sao? Liệu có khu vực chịu tác động nhiều, khu vực chịu tác động ít? Chắc chắn là thế. Một số mô hình ước tính địa kỹ thuật có thể loại bỏ hay làm ngắn lại thời gian diễn ra gió mùa ở Châu Á, tác động đến nguồn lương thực của 2 tỉ người dân đang lệ thuộc vào nó. Nguyên tắc Phòng ngừa sẽ cho ra cảnh báo cao nhất đối với ngay cả việc cân nhắc địa kỹ thuật. Nó là một hoạt động toàn cầu, hệ thống, và có thể gây ra sự phân chia môi trường và xã hội theo cấp số nhân và tạo ra những điểm bùng phát mới về mặt sinh thái mà ta còn chưa biết.

Tuy nhiên, đã có một số nhà khoa học khí hậu đã đi đến một kết luận đau lòng, sau nhiều năm cảnh báo về mối nguy của trái đất nóng dần lên, rằng chúng ta có thể không còn lựa chọn nào khác. Gernot Wagner, một trong những đồng tác giả với Litterman cho mô hình EZ-Climate, đã thúc đẩy việc đánh giá lại địa kỹ thuật. Trong tác phẩm năm 2021, Geoengineering: The Gamble, ông viết rằng khi lần đầu tiên nghe về khái niệm này, ông cho rằng nó thật điên rồ. "Hai mươi năm sau, khi đã từng nghiên cứu về chủ đề này tại Quỹ Bảo vệ Môi trường, góp phần khởi động Dự án Nghiên cứu Địa Kỹ thuật Năng lượng Mặt trời của Harvard, và tìm hiểu và viết về chủ đề này, tôi vẫn nghĩ đây là một thái độ khá lành mạnh đối với chủ đề này."

Đó là một canh bạc. Vấn đề là việc không thực hiện những hành động quyết liệt để giải quyết biến đổi khí hậu ngày càng nhanh trên thế giới cũng là một canh bạc, thậm chí là canh bạc còn lớn hơn.

Nói cho cùng, địa kỹ thuật là một giải pháp kinh khủng, và Wagner có lẽ đã đánh giá nó quá cao khi đem nó ra phân tích điểm tốt điểm xấu. Trái đất nóng dần lên là một vấn đề phù thủy, theo cách gọi từ năm 1974 của nhà lý thuyết thiết kế Horst Rittel và Melvin Webber trong một bài báo nhan đề "Tiến thoái lưỡng nan trong Lý thuyết Tổng quát về Quy hoạch." Vấn đề phù thủy là những vấn đề vô cùng phức tạp, khác biệt, chưa từng có tiền lệ. Giải pháp thì cực kỳ khó triển khai, và nhìn chung, không thể kiểm chứng. Bản chất các giải pháp là không thể đảo ngược, cho nên không thể nào vừa thử vừa kiểm chứng. Một yếu tố trong vấn đề phù thủy của trái đất nóng dần lên là việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch quá nhanh trước khi có những nguồn nhiên liệu tái tạo để thay thế ở quy mô lớn sẽ gây ra tổn thất vô cùng lớn cho kinh tế. Người ta có thể chết, tăng trưởng bị hy sinh. Hiện nay, một tỉ người vẫn chưa có điện, và ba tỉ người không được tiếp cận nhiên liệu nấu ăn sạch trong nhà phải chọn dùng than củi, than đá, phế phẩm từ cây trồng, hay thậm chí là phân bò. Việc ô nhiễm ngay trong nhà này để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, "nguy cơ sức khỏe môi trường lớn nhất trên thế giới hiện nay," theo như WHO, lấy đi sinh mạng của 4 triệu người mỗi năm.

Ngoài ra, như Lindsey Graham ám chỉ trong phát biểu tại buổi điều trần của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, nhiều quốc gia có nguồn thu nhập lệ thuộc vào khai thác nhiên liệu hóa thạch. Carbon Tracker, một tổ chức tư vấn ở London, ước tính rằng 40 quốc gia dầu mỏ này có thể giảm thu nhập đến 50% do các chính sách khí hậu và tiến bộ khoa học làm giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch – đâu đó khoảng 9.000 tỉ đô la. Các nhà hoạch định chính sách hầu như không có giải pháp để đưa hàng trăm triệu người vượt qua vực thẳm kinh tế rộng lớn này – ngoại trừ những khuyến nghị mơ hồ rằng các quốc gia dầu mỏ nên đa dạng hóa nền kinh tế của họ. Nhiều nước trong số này nằm ở vùng khô cằn của Trung Đông và Châu Phi, là những nước dễ chịu tổn thương nhất trước các thảm họa thiên nhiên như sóng nhiệt.

Nhưng hàng triệu người khác cũng sẽ chết nếu nhân loại không giải quyết được bài toán khí hậu – và cũng là một vấn đề diệt vong.

Thế nên, đối với địa kỹ thuật, vấn đề chốt lại là cân nhắc rủi ro diệt vong này với rủi ro diệt vong kia. "Địa kỹ thuật có những rủi ro của nó," Litterman nói với tôi. "Nhưng trái đất nóng dần lên cũng có rủi ro. Chúng ta sẽ tìm được cách thôi. Nhưng thật đáng tiếc, lẽ ra chúng ta đã không phải làm chuyện này."

Có lẽ mọi thứ đã quá trễ, ông nói. Có lẽ chúng ta không còn chọn lựa nào khác ngoài việc tung lên viên xúc xắc – rủi ro đang sắp sửa nổ tung rồi, nhanh lắm.

Rupert Read thì lập luận rằng địa kỹ thuật là một ván cược tồi đặt trong bối cảnh xấu. Theo quan điểm của ông, đây là cách tránh né không muốn đối mặt với thực tế của những thảm họa khí hậu sắp diễn ra.

Điểm tốt duy nhất của địa kỹ thuật, theo ông, là nó làm nổi bật tình trạng tồi tệ mà nhân loại đã tự gây ra cho mình. Theo thuật ngữ đánh bạc, địa kỹ thuật là một hình thức đặt cược gấp đôi. Nhân loại làm xáo trộn môi trường khi thải ra quá nhiều khí CO2, làm cho trái đất nóng dần lên. Vậy thì hãy thử làm xáo trộn nó một lần nữa – và cầu nguyện là âm của âm thì thành dương. Ai từng chơi bài hẳn đều biết, đặt cược gấp đôi là rất rủi ro. Làm nhiều lần thì chắc chắn sẽ đến bước trắng tay – diệt vong.

Tránh xa viên xúc xắc – nếu còn được lựa chọn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#taichinh