vương mệnh 166

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 165 : CẢNH HÀNH THƯ GIẢI PHONG

Đoạn ảnh tượng đến đấy là kết thúc. Và Giang Phong biết rằng, nhiệm vụ lần này là phải vẽ lại Phục Hy Thần tượng thành Bản vẽ, mang về Thần Sơn để phục dựng lại Thần tượng, thờ trong Tôn miếu. Nếu hoàn thành sẽ được nhận về Bản vẽ Nữ Oa Thần tượng, để có thể kiến lập Nữ Oa Tổ Miếu. Kiến lập Tổ Miếu đối lãnh địa ích lợi vô cùng, không những thúc đẩy dân sinh xã hội, chính trị, kinh tế, ... phát triển, gia tăng tín phục độ, khiến dân chúng trung thành hơn, quân đội sĩ khí cao hơn, mà còn có ảnh hưởng lớn đến tín ngưỡng, một phương diện Giang Phong đang đặc biệt chú trọng.

Thật sự mà nói, nhiệm vụ lần này có độ khó cao hơn nhiệm vụ lần trước. Với nhiệm vụ "Di nguyện của Tổ tiên", mục tiêu nhiệm vụ rõ ràng, Thần tượng thờ trong Thần Điện của Vu Thần Giáo. Tuy thế lực và thực lực của Vu Thần Giáo không nhỏ, nhưng nếu người chơi có thực lực mạnh, tập trung được nhiều nhân lực phát động chiến tranh, vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ. Đương nhiên phát động chiến tranh theo kiểu Giang Phong đã làm thì ít thiệt hại nhất, nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Nếu là các đại bang hội, chỉ có thể tập trung nhân số, bất kể tổn thất tổ chức cường công Đồng Lăng Trấn.

Còn nhiệm vụ lần này, mục tiêu không rõ ràng. Đến tận lúc này, Giang Phong chưa nghe nói chút thông tin nào về Thần Sơn, thậm chí còn không biết có Thần Sơn tồn tại. Giang Phong thường xuyên gần gũi những NPC đại nhân vật biết nhiều hiểu rộng mà còn như thế, nói chi đến những người chơi khác. Hơn nữa, Phục Hy Thần tượng không phải là phàm vật, ít nhất phải là chuyên gia đạt đến Tôn sư cấp mới có thể vẽ lại thành Bản vẽ được (nếu chỉ vẽ lại hình thôi thì dễ rồi). Mà tìm được một vị Tôn sư đã là khó rồi, ở đây lại còn phải là chuyên gia về tạc tượng hay kiến trúc. Lại còn phải nhờ được vị Tôn sư đó giúp đỡ. Nên biết Tôn sư đều là những nhân vật địa vị cao cả, trừ Bách Tuế Tôn sư, chưởng môn giáo chủ các đại tông phái cũng chỉ là Tôn sư mà thôi. Muốn nhờ vả được, phải có quan hệ đặc thù (ẩn tàng nhiệm vụ, đặc thù nhiệm vụ).

Tuy nhiên, đối với Giang Phong hiện tại mà nói, nhiệm vụ lần này lại có vẻ đơn giản hơn nhiệm vụ trước. Cũng may, với vị thế của Giang Phong lúc này, nếu như Giang lão và Hồ lão phu tử không vẽ lại được, thì cũng có thể nhờ đến Bách Tuế Tôn sư. Với địa vị của Bách Tuế Tôn sư, việc tìm ra người có thể vẽ lại Bản vẽ Thần tượng chắc cũng không khó khăn gì lắm. Còn Thần Sơn ở đâu, bao nhiêu đại nhân vật đó, chẳng lẽ không ai biết được. Ít nhất, Giang Phong cho rằng Bách Tuế Tôn sư có thể biết.

Tế lễ xong, chúng quân dân mãn nguyện giải tán, tiếp tục hoàn thành công việc đang dang dở. Có điều, từ "thiên âm" (tiếng ca từ trên trời truyền xuống), bọn họ biết rằng tổ tiên và chư thần vẫn đang dõi theo từng hành động của mọi người. Được tổ tiên và chư thần quan tâm ưu ái, ai nấy làm việc càng hăng hái hơn, tâm linh càng thành tín hơn. Từ đó, tín phục độ cũng gia tăng rất nhiều.

Xong đâu đấy, Giang Phong lập tức kiểm tra Cảnh Hành Thư. Ba vạn công đức tuy có giá trị thật, nhưng lúc này Giang Phong chưa sử dụng được, chỉ có thể để lại đấy, chờ đến lúc thành "Thần". Cảnh Hành Thư có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp của Giang Phong. Phải nói rằng, nếu không có Cảnh Hành Thư, Giang Phong đã không thể có được thành tựu như hiện tại. Nhưng cũng khá lâu rồi Giang Phong đã không dùng đến nó, bởi nó chỉ giải phong được có vài trang đầu, mà những kỹ năng ở đó giờ đây chẳng giúp được gì nhiều cho Giang Phong nữa. Và lúc này, thời điểm trọng đại đã đến, Cảnh Hành Thư đã được giải phong hoàn toàn.

Cảnh Hành Thư là một quyển sách đồ sộ, dày đến hơn trăm trang. Bên trong ghi chép đủ loại kiến thức mà một vị tôn giáo lãnh tụ cần phải biết.

Đến lúc này, Giang Phong mới biết Cảnh Hành Thư là trấn miếu bảo điển của Văn Tổ Thần Miếu, là vật phẩm chuyên dụng của các đời Thái cổ tế sư, cảnh giới cao nhất của tế tự chức nghiệp. Và không phải Thái cổ tế sư nào cũng có thể tiến giai thành Thần sư. Thần sư tồn tại đại biểu cho sự hưng thịnh của tế tự chức nghiệp. Thần sư là đại diện của Thái cổ chư thần ở nhân gian. Thần sư có địa vị tôn quý tuyệt luân, được xem như "thần" (bán thần thôi). Quá nửa nội dung trong Cảnh Hành Thư, chỉ có Thần sư mới có thể đọc được, bởi cũng chỉ có Thần sư mới sử dụng được những kiến thức đó.

Tóm lại, giúp ích nhất cho Giang Phong lúc này chính là những tân tế tự kỹ năng :

"Hộ thân quang hoàn : sơ cấp tế tự kỹ năng. Phát xuất vòng hào quang bảo hộ thân thể, tiêu hao pháp lực 5 điểm mỗi giây, tăng 40% pháp thuật phòng ngự. Chú ngữ : Hộ thân quang hoàn - xuất."

"Thần quang hộ thể : trung cấp tế tự kỹ năng. Yêu cầu : đẳng cấp 30. Phát xuất thần quang bảo hộ thân thể, tiêu hao pháp lực 10 điểm mỗi giây, tăng 100% pháp thuật phòng ngự. Chú ngữ : Thần quang hộ thể - xuất."

Các phòng ngự kỹ năng của mọi tông phái trong Vương Mệnh đều có điểm giống nhau : điểm phòng ngự được tính theo pháp thuật phòng ngự nếu là pháp sư (tế tự, vu sư, ...), hoặc vật lý phòng ngự nếu là võ sĩ (kiếm sĩ, chiến sĩ, ...). Nhưng khi phát động kỹ năng, điểm phòng ngự của kỹ năng sẽ có tác dụng chung với cả pháp thuật công kích và vật lý công kích. Chẳng hạn như khi thi triển "Thần quang hộ thể", pháp thuật phòng ngự của tế tự sẽ tăng gấp đôi, và điểm pháp thuật phòng ngự mới đó sẽ trở thành điểm phòng ngự chung của nhân vật. Vấn đề là pháp lực có hạn, kỹ năng chỉ có thể thi triển trong một thời gian ngắn.

"Liên hợp tế tự thuật : trung cấp tế tự kỹ năng. Yêu cầu : đẳng cấp 30. Tế tự thông thạo kỹ năng này, có thể liên hợp tối đa 99 tế tự có kỹ năng cần thi triển đạt giai vị không cao hơn người chủ trì, thi triển đại hình tế tự thuật, tổng hợp hiệu quả tăng gia 40%, phạm vi hiệu quả tùy thuộc số lượng tế tự tham gia, cấp độ của kỹ năng cần thi triển. Khi phát động, tiêu hao pháp lực 100. Chú ngữ : Hỡi tổ tiên tôn quý và linh thiêng, xin lắng nghe lời khẩn cầu của tử tôn của Người, giáng hạ thần năng, cứu độ tử tôn đang gặp nguy. Liên hợp tế tự thuật."

"Tịnh hóa quang hoàn : trung cấp tế tự kỹ năng. Yêu cầu : đẳng cấp 30. Tịnh hóa, phân giải nhất thiết "tà ác" pháp thuật, phản diện ảnh hưởng (cấp độ "tà ác" pháp thuật không cao hơn trung cấp, quy mô ảnh hưởng trung hình. Đối với cao cấp kỹ năng không hiệu quả). Tiêu hao pháp lực 100. Chú ngữ : Hỡi chư thần quyền năng và cao quý, xin lắng nghe lời khẩn cầu của tín đồ của Người, giáng hạ thần năng, tịnh hóa nhất thiết tà ác. Tịnh hóa quang hoàn."

"Chư thần chúc phúc : trung cấp tế tự kỹ năng. Yêu cầu : đẳng cấp 30. Tăng cường 20% năng lực phòng ngự của đối tượng. Thời hiệu 60 giây. Tiêu hao pháp lực 200. Chú ngữ : Chư thần hiển linh - giáng phúc."

Ngoài ra còn có các cao cấp tế tự kỹ năng như "Đại liên hợp tế tự thuật" (kỹ năng tăng cường của "Liên hợp tế tự thuật", số lượng tế tự tham gia 100 trở lên, tổng hợp hiệu quả tăng gia 60%, yêu cầu 40 cấp), "Thần thánh hộ thân" (kỹ năng tăng cường của "Chư thần chúc phúc", có hiệu quả cùng lúc với nhiều người, phạm vi hiệu quả tùy pháp lực người thi triển, yêu cầu 40 cấp), "Thần quang tịnh diệt" (công kích kỹ năng, hiệu quả kém xa pháp sư, vu sư; nhưng ít ra cũng là công kích kỹ năng của tế tự, hiệu quả sẽ được tăng cường nếu đối diện "tà ác", yêu cầu 40 cấp), "Chư thần thẩm phán" (đại hình công kích kỹ năng, yêu cầu 50 cấp). Đặc biệt nhất là đỉnh cấp kỹ năng "Đại cầu nguyện", thỉnh cầu "thần" giáng lâm, đương nhiên thường chỉ "thỉnh" được phân thân của thần. Kỹ năng này chỉ có Thái cổ tế sư có thể đan độc phát động, hoặc ít nhất bốn vị Đại tế sư liên hợp phát động.

Tế tự chức nghiệp được phân cấp như sau : tế tự học đồ, sơ cấp tế tự, trung cấp tế tự, cao cấp tế tự, Tế sư (tương ứng đại sư), Đại tế sư (tương ứng Tôn sư), Thái cổ tế sư (tương ứng Đại Tôn sư). Mỗi cấp độ lại phân thành sơ giai, trung giai, cao giai. Thần sư chỉ là Tôn hiệu, không phải cấp độ, giống như chưởng giáo, chưởng môn; mỗi thời điểm chỉ có thể có 1 vị.

Tìm hiểu hết những kiến thức cần thiết, xem lướt qua những kiến thức không quan trọng lắm, thấy cũng tạm ổn, Giang Phong rời Tổ Miếu, cùng những người thân cận tập họp ở Phủ Đường. Nhìn vẻ mặt trầm trọng của bọn Vương Đại tướng quân, Giang Phong cảm giác có đại sự vừa xảy ra.

Chương 166 : GIANG LÃO HỒI ỨC (1)

Lại nói, Giang Phong cùng những người thân cận lại tập họp ở Phủ Đường. Nhìn vẻ mặt trầm trọng của bọn họ, Giang Phong cảm giác có đại sự vừa xảy ra. Quả nhiên, sau khi mọi người đã yên vị, Vương Đại tướng quân nói :

- Đại nhân. Theo tin tức vừa nhận được, Kinh tộc đại quân đã thảm bại ở chiến trường Phần Dương. Trấn Tây Nguyên soái và Trấn Viễn Hầu đồng tử trận.

Quả là đại sự. Giang Phong thoáng ngạc nhiên, nhưng rồi chợt nghĩ ra, hỏi :

- Man tộc đại quân do Man soái Ba Đồ Lỗ thống lĩnh đã quay trở lại Phần Dương.

Ba Đồ Lỗ là Đệ nhất Nguyên soái của Man tộc, và cũng là vị tướng lĩnh nổi danh nhất ở Man triều hiện nay. Trong Man đô chiến dịch, Ba Đồ Lỗ đã suất lĩnh Man binh bản bộ quân đoàn (10 sư) về cứu viện Man đô. Nhưng chỉ mới hành quân được 2 ngày thì hòa ước giữa Man tộc và Nguyên Thành được ký kết. Tiếp đó, Bạch Mã Quan bị vây công, bọn họ đương nhiên phải quay trở lại cứu viện. Tính thời gian, đáng ra bản bộ quân đoàn của Ba Đồ Lỗ phải về đến Bạch Mã Quan từ hai ngày trước.

Vương Đại tướng quân nói :

- Man soái Ba Đồ Lỗ đã dẫn quân về đến Bạch Mã Quan từ hai ngày trước, nhưng vẫn không hiện thân, làm cho Trấn Tây Nguyên soái và Trấn Viễn Hầu mất cảnh giác. Ngày hôm qua, Kinh tộc đại quân công phá được cửa quan, Trấn Viễn Hầu thân tự dẫn đầu đại quân xông vào định đoạt lấy quan ải, nào ngờ bị trúng phục kích của Ba Đồ Lỗ, bị vây trong quan ải. Trấn Tây Nguyên soái phải xua quân liều mạng đánh giết, mới phá được vòng vây, cứu được Trấn Viễn Hầu về. Có điều, sau trận chiến đó, quan quân tổn thất thảm trọng, mười phần không còn được một. Trấn Tây Nguyên soái và Trấn Viễn Hầu hai người họ dẫn tàn quân lui về Phần Dương Thành cố thủ.

Giang Phong cau mày nói :

- Bọn họ đã chạy về được Phần Dương Thành, lại còn tử trận, lẽ nào bị ám sát.

Vương Đại tướng quân nói :

- Thưa vâng. Bọn họ lui về Phần Dương Thành vào buổi chiều thì tối đó đã bị thích khách ám sát, đồng tử trận. Trong lúc quân tâm hoảng loạn thì Ba Đồ Lỗ lại thống lĩnh Man binh kéo đến vây thành. Nếu không nhờ Dương châu mục thân tự lên mặt thành trấn thủ, bình ổn quân tâm, có lẽ Phần Dương Thành lúc này đã lọt vào tay Man tộc rồi.

Lão Lâm An cảm khái nói :

- Mấy vạn thanh niên trai tráng còn ở lại Phần Dương Thành lúc trước đều đã được chuyển thành sĩ binh và lần lượt tử trận hết rồi. Lúc này toàn thành bất quá chỉ còn hơn vạn tân binh, dù có giữ được thì cũng chẳng khác một tòa không thành.

Giang Phong chợt nhớ ra rằng toàn bộ cư dân của đất Phần Dương đều đã được lệnh tản cư để tránh chiến loạn, và được Giang Phong cho đón về Nguyên Thành hết rồi. Đất Phần Dương lúc này hầu như toàn là sĩ binh, không có dân chúng. Thật sự biến thành một đại chiến trường, một vùng đất chết.

Giang Phong cũng cảm khái nói :

- Châu mục Phần Dương quả là một nhân tài.

Vương Đại tướng quân nói :

- Vâng ạ. Chỉ tiếc mệnh vận trớ trêu, y khó thoát khỏi kiếp nạn lần này.

Giang Phong hiểu lão muốn nói gì. Thân là châu mục, lại để mất cả đất Phần Dương, thêm vào việc Trấn Tây Nguyên soái và Trấn Viễn Hầu đồng thời bị ám sát ở Phần Dương Thành, tội trạng đó y không sao thoát khỏi, cần phải có người chịu trách nhiệm cho thất bại ở Phần Dương, và người đó chính là y chứ không ai khác.

Giang Phong trầm ngâm một lúc, mới nói :

- Hãy cố cứu mạng y. Nếu y bị cách chức, hãy thu nhận đến chỗ chúng ta làm việc.

Mọi người đều khen phải. Nguyên Thành lãnh địa không chỉ thiếu tướng quân mà trung, cao cấp quan viên cũng rất thiếu thốn. Tử Long Học viện chỉ có thể đào tạo ra sơ cấp quan viên. Muốn tiến giai thành trung cấp quan viên thì phải qua quá trình làm việc lâu dài để tích lũy kinh nghiệm chấp chính. Và để tiến giai thành cao cấp quan viên càng khó khăn hơn. Phẩm giai được hệ thống quy định : từ lục phẩm trở xuống là sơ cấp quan viên, từ ngũ phẩm đến tam phẩm là trung cấp quan viên, từ nhị phẩm đến siêu phẩm là cao cấp quan viên, đỉnh cấp chỉ có vương (đế, hoàng). Các gia thần của Giang Phong chỉ có Vương Đại tướng quân, lão Nguyên Phương và lão Lâm An là cao cấp quan viên. Do thiếu quan viên, chức Châu mục Phong Khê vẫn do lão Lâm An kiêm nhiệm. Thật ra người thiếu kinh nghiệm thăng chức lên thành cao cấp quan viên cũng được, nhưng giai vị sẽ có thêm "(ngụy)" ở phía sau, ví như : Châu mục (ngụy), Tướng quân (ngụy), ... Lúc đó hiệu quả công việc sẽ bị giảm đi rất nhiều. Nếu Tướng quân (ngụy) lãnh quân đánh giặc, sĩ khí của quân đội sẽ cực thấp, nếu gặp địch quân mạnh sẽ dễ dàng bỏ chạy.

Suy nghĩ một lúc, Giang Phong lại nói :

- Lát nữa ta về An Phú Trấn lo việc phát triển Thần Miếu, ngày mai còn phải đến Linh Sơn gặp Bách Tuế Tôn sư nghị sự. Đã xảy ra biến cố như vậy, kế hoạch tất phải có biến hóa.

Nhắc đến Bách Tuế Tôn sư, Giang Phong chợt nhớ đến Thần Sơn, liền hỏi Giang lão :

- Ông có biết Thần Sơn ở đâu không ?

Giang lão kinh ngạc hỏi :

- Thần Sơn ?

Cả bọn Vương Đại tướng quân cũng kinh ngạc. Giang Phong liền kể cho mọi người nghe về nhiệm vụ "Trùng chấn tôn miếu" vừa nhận được. Nghe xong, Giang lão đột nhiên vỗ bàn, nói với giọng vui mừng :

- Hóa ra là thế. Thiên niên di nguyện a.

Thấy mọi người ngạc nhiên, Giang lão nói :

- Phục Hy Tôn miếu ở Thần Sơn khuyết Thần tượng đã nghìn năm nay. Tổ tiên các đời đều hy vọng có thể phục dựng lại Thần tượng. Có điều Giang tộc không tiện can thiệp quá sâu vào nội tình của nhân gian giới, cho nên việc đó vẫn lần lữa đến tận ngày nay.

Trầm ngâm giây lát, lão mới kể :

"Mấy vạn năm trước, vào Thái Cổ thời đại, nhân loại đã có mặt ở khắp mọi nơi. Vì nhu cầu cuộc sống, họ di chuyển đến mọi nơi có thể đến được. Và do còn lạc hậu, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều thị tộc ở gần nhau đã liên kết lại hình thành bộ lạc, thậm chí liên minh bộ lạc.

Và cũng trong lúc này, Tổ tiên chúng ta đã xuất hiện, không phải với tư thế của một bộ lạc hùng mạnh mà là một bộ lạc nhỏ yếu nhất, ai cũng muốn bắt nạt, và ai cũng có thể bắt nạt. Thế nhưng, với tinh thần : nhỏ yếu nhưng kiên cường, cần cù chịu khó, yêu tự do, "thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ", nhờ đó mà Tổ tiên chúng ta dù trải qua biết bao nhiêu thử thách khắc nghiệt gian nan nhưng vẫn tồn tại và truyền thừa đến tận ngày nay.

Do nhỏ yếu, nhiều bộ lạc lớn muốn tiếp thu bộ lạc của Tổ tiên chúng ta. Thuyết phục, không thuyết phục được thì chinh phục. Tổ tiên chúng ta quyết không đầu hàng, đành phải cử tộc di chuyển đi nơi khác. Nhưng khắp thế gian, nơi đâu có thể cho Tổ tiên chúng ta dừng chân. Nơi đâu cũng có các bộ lạc lớn hơn bộ lạc của Tổ tiên chúng ta, nên Tổ tiên chúng ta cứ phải tiếp tục đi, đi nữa, đi mãi.

Cho đến một hôm, Tổ tiên chúng ta đi đến một khu vực núi non hùng vĩ, cao ngất tận trời, lại trải dài bất tận, Tổ tiên chúng ta gọi đó là Thiên Sơn. Rừng sâu núi thắm, quanh năm tuyết phủ, không một bóng người. Điều kiện vô cùng khắc nghiệt, không một bộ lạc nào chấp nhận sống ở đấy, và cũng vì thế mà đã trở thành nơi lý tưởng cho Tổ tiên chúng ta cư trú. Tổ tiên chúng ta đã tìm được chỗ trú chân, không còn phải lang thang từ nơi này sang nơi khác nữa. Đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại, quan hệ đến sự sinh tử tồn vong của toàn tộc.

Trú lại Thiên Sơn, Tổ tiên chúng ta đã có được một chỗ ở ổn định, không còn bị các bộ lạc khác uy hiếp. Thế nhưng, khó khăn lại đến. Thời Thái Cổ, nhân loại sống bằng hái lượm và săn bắn. Mà Thiên Sơn điều kiện khắc nghiệt, khắp nơi tuyết phủ, cây cối cao vút, toàn là những loại cây không có trái cho con người ăn được. Thú thì cũng có, nhưng cũng chẳng có bao nhiêu. Săn bắn chẳng đủ ăn. Đôi khi quá đói, phải hái cả lá cây để ăn, khổ biết dường nào.

Một ngày kia, một nhóm tộc nhân đi săn, gặp một con thú, vừa phóng lao vừa truy đuổi, cuối cùng cũng bắt được. Con thú này bị thương khá nặng, nhưng vẫn chưa chết. Tộc nhân khiêng nó về. Lúc đó thì một nhóm tộc nhân khác cũng may mắn săn được thú, nhưng đã chết. Trưởng lão của bộ lạc bảo trước tiên hãy xẻ thịt con thú đã chết, còn con thú sống giữ lại dành cho lúc khác. Trưởng lão còn bảo tộc nhân chăm sóc vết thương cho nó, bởi thú chết thì thịt không thể giữ lâu bằng thú sống. Thế là con thú đó sống cùng bộ lạc, dành cho lúc bộ lạc không tìm được thức ăn.

Cho đến một hôm, con thú kia bỗng trở dạ, rồi sinh được một bầy con. Nó đã có thai trước khi bị bắt. Tộc nhân vui như mở hội, cùng nhau chăm sóc nó. Trưởng lão có một quyết định trọng đại : từ nay tộc nhân khi đi săn phải cố gắng bắt sống thú, mang về nuôi. Con thú được nuôi đầu tiên đó gọi là Hy (một loài thú thời cổ), được tộc nhân xem là linh vật, dùng cho các dịp tế lễ. Bộ lạc từ đó còn gọi là Phục Hy."

(chú : Người Hán gọi Phục Hy tộc là Thái Hạo tộc, lấy Phong thị làm tôn tộc).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro