Lấy nhau 17 năm, cuối cùng mẹ đệ đơn kiện cha (Phần 1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lấy nhau 17 năm, cuối cùng mẹ đệ đơn kiện cha (Phần 1)
Tác giả: Thẩm Quan
T/N: Tuy bài viết khá dài nhưng mong các bạn đừng comment chấm hóng, mình xin chân thành cảm ơn.
_______________
Group Weibo Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/weibovn
Fanpage: https://www.facebook.com/weibovietnam/
Dịch bởi: Vĩnh Hạ | Bài dịch chỉ được đăng tải tại Weibo Việt Nam, vui lòng không repost.
_______________
Ngày 25 tháng 10 năm 2018, đương giờ ăn trưa, tôi nhận được tin nhắn wechat của mẹ, "Mẹ nhận được thông báo phán quyết ly hôn rồi con."
Tôi vui sướng khôn tả, cuộc ly hôn dây dưa suốt 14 tháng qua cuối cùng cũng kết thúc với phần thắng thuộc về mẹ tôi.
Trong một năm qua, tin tức cho hay số lượng cặp đôi ly hôn trên cả nước rơi vào mức 3,81 triệu. Trong đó, có 14,86% cặp vợ chồng quyết định đệ đơn ly hôn vì bạo lực gia đình. Mẹ tôi chính là một phần trong bảng số liệu gây choáng váng trên.
1.
Năm 1999, mẹ tôi hẵng còn làm giáo viên dạy thế tại trường cấp 1 ở trong thôn. Rõ là chưa tròn 24 tuổi thế mà mẹ đã bị người trong nhà thúc giục mau đi lấy chồng suốt mấy năm. Đầu thu năm ấy, mẹ cuối cùng cũng kết hôn cùng cha - người đàn ông có vẻ ngoài chất phác mà bà hẹn hò đã 3 tháng. Khi đó, cha là tài xế taxi trên thị trấn, sống cùng con phố với nhà của ông bà nội trong trung tâm thị trấn.
Sau khi kết hôn, cha mẹ dọn vào một căn nhà cách nhà ông nội cũng không xa mấy. Mẹ cứ ngỡ rằng bà sắp bước vào một cuộc sống hôn nhân bình dị mà hạnh phúc. Chẳng ngờ khi chữ "hỉ" đỏ tươi trên ô cửa bung ra từng mảng một, cũng là lúc cha dần dần xé bỏ lớp mặt nạ hiền lành, để lộ bản tính hẹp hòi, dễ cáu bẳn của mình. Mỗi lần công việc ế ẩm hay bị khách nhì nhằng làm khó làm dễ, cha sẽ uống say đến quên trời quên đất, rồi giận cá chém thớt chuyển sang mắng chửi, sỉ vả mẹ.
Đến tết âm lịch năm đầu tiên cả hai chung sống, vì chút chuyện cỏn con mà cha uống say, quậy ầm ĩ trong nhà, bắt đầu tăng tần suất tay đấm chân đá với mẹ. Lúc ấy mẹ đang mang bầu tôi, sợ mất mật chạy trốn ra khỏi nhà. Chẳng ngờ đi được hai bước đã ngã quỵ trên đường, được một bà cụ hàng xóm đỡ về. Cụ bà kia bình thường tính tình nghiêm nghị, dẫn mẹ tôi về nhà xong là sạc cho cha một trận, bảo cha nên biết điều chút, năm mới năm me đừng có mà gây rối. Mẹ trốn một góc ngồi khóc, khóc mãi rồi vẫn phải chôn chân sau cánh cửa ấy.
Mấy tháng sau, tôi chào đời. Sinh ra là con gái, tôi chẳng đem lại được điều vui vẻ gì cho cái nhà này. Cha cả ngày vẫn mặt mũi hằm hằm, hễ có gì không vừa ý là lại ngược đãi mẹ.
Trong suốt một khoảng thời gian tương đối dài, mẹ tôi chưa bao giờ đem chuyện cha bạo hành kể với bất kì ai. Tôi từng hỏi vì sao mẹ lại giấu như thế, mẹ bảo: "Thì khi ấy đần quá chứ sao con. Mẹ sợ làm cho ông bà ngoại với mấy cậu của con lo lắng, cũng ngại để người ta biết mẹ sống chẳng sung sướng gì."
Ông ngoại bị hen suyễn, không chịu được những chuyện dễ kích động, mẹ lo nỗi phiền muộn của mình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe ông. Cậu cả, cậu hai mặc dù rất thân với mẹ, nhưng đều sống ở khu khác, buôn bán kiếm miếng cơm manh áo cũng khó khăn, mẹ thật sự không muốn gây thêm phiền phức cho các cậu.
Những năm tháng ngây thơ ấy, tôi mãi chẳng hiểu vì sao, người cha bình thường hay trêu đùa, mua quà vặt cho tôi lại thường xuyên động tay động chân với mẹ, cũng không rõ vì sao mẹ hay khóc. Có một lần nọ, mẹ vừa phơi đồ vừa lặng lẽ lau nước mắt. Tôi cuống cuồng chạy đến chỗ cha bảo: "Cha ơi, cha ơi! Mẹ khóc!"
"Cái gì?" Cha nhíu mày, vẻ mặt trở nên vô cùng dữ tợn, điên tiết đi tới trước mặt mẹ, giật quật áo trong tay bà vứt xuống đất, "Mày còn dám khóc à? Khóc cái gì mà khóc? Mày có làm được cái mẹ gì đâu mà khóc, bố mày lăn lộn cả ngày kiếm tiền nuôi mày đấy..." Sau đó là một màn đấm đá hòa với tiếng khóc lóc của mẹ.
Tôi ngơ ngác đứng đấy, tựa như bị ai đó quất một bạt tai lên mặt, lỗ tai ù ù, thế là cũng khóc òa lên. Hàng xóm nghe tranh cãi nhiều, sớm đã quen tai. Chỉ có mấy anh trai nhỉnh hơn tôi một tí, lại như mọi lần, vừa nghe tiếng tôi khóc đã xành xạch xách xe đạp chạy sang, chở tôi đến tìm bà nội tiếp viện.
Khi đó, tôi nhìn không ra vẻ mặt thi thoảng lại khó chịu của bà nội, cũng nghe không ra hàm ý khinh miệt mẹ là gái nhà quê của mấy người cô. Tôi chỉ biết rằng họ là người ngăn được cơn giận của cha, cũng an ủi được nỗi ấm ức cho mẹ. Dần dà, đối với cái gọi là bạo hành gia đình, tôi của sau này nói là nhìn nhiều thành quen, chẳng bằng nói đúng hơn là đờ người và lo sợ trong im lặng.
Con gái còn nhỏ, nhà mẹ đẻ lại xa xôi, không nơi dựa dẫm cũng chẳng chỗ tỏ bày. Sau này, mẹ bảo rằng, "Khi ấy mẹ thậm chí đã mua thuốc chuột luôn rồi con ạ, chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng con còn quá nhỏ, thôi đành nhẫn nhịn mà cố sống qua ngày."
2.
Sau khi tôi ra đời, mẹ không làm nghề giáo nữa, túc trực ở nhà chăm sóc tôi. Đến lúc tôi 3 hay 4 tuổi gì đấy, trong nhà mở một tiệm cơm nho nhỏ. Để tiết kiệm chi phí, mẹ chỉ thuê một đầu bếp duy nhất. Mẹ dành hết tâm huyết cho quán cơm này, bận tối mặt tối mày, muốn tự kiếm tiền bằng năng lực bản thân một lần nữa.
Ban đầu cha cũng coi như biết chịu thương chịu khó, nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cứ hễ hôm nào tiệm cơm ế ẩm, cha lại canh lúc trời tắt nắng là trốn ra ngoài đi nhậu. Hôm nào uống say nhẹ, cùng lắm thì không làm việc nổi thôi. Còn nhỡ uống say bí tỉ thì lại gây sự, gào ầm ĩ trong tiệm cơm, có mấy bận còn đánh mẹ ngay trước mặt khách hàng.
Có một lần, mẹ thấy cha hung dữ quá, sợ hãi vô cùng nên thừa lúc ông không chú ý trốn đi mất. Hơn nửa đêm, trời đổ mưa, mẹ chạy đi rất xa, bỗng phát hiện ra mình chẳng còn chỗ nào để đi. Mẹ vô thức sải bước trên đường, lúc đi đến bờ kè bên sông, bà thậm chí đã nghĩ đến chuyện nhảy xuống luôn cho rồi. Nhưng cuối cùng, vì không nỡ bỏ lại mẹ già con thơ, đành thuê một khách sạn nhỏ ngủ lại qua đêm.
Sau khi bình minh tỏ rạng, mẹ gọi điện cho một người dì công tác ở trạm xá cạnh tiệm cơm, hỏi mượn dì ấy một ít tiền, định bụng trốn đi, còn dặn dì ấy đừng nói cho ai biết cả. Lần theo địa chỉ mẹ đưa, dì nhanh chóng tìm được nơi mẹ đang ở, bảo bố tôi không thấy mẹ nên đã gọi điện thoại kêu ông ngoại đến.
Vốn ban đầu mẹ định trốn nhà ra đi tìm đường mưu sinh, cuối cùng vẫn chẳng thể thoát được. Ông ngoại sức khỏe yếu ớt vậy mà đi xuyên đêm tới, dắt mẹ tôi đến nhà ông bà nội bảo: "Nếu nhắm sống không được thì để tôi dắt con bé về vậy." Cha tôi thề thốt trước mặt mọi người rằng: sẽ kiêng rượu, cũng sẽ không bao giờ làm chuyện gì khinh nhờn hay tổn thương mẹ nữa. Mẹ thấy ông ngoại ngược xuôi cả đêm, không muốn ông phải phiền lòng thêm nữa nên trở về nhà cùng cha.
Cha nói thì nói vậy thôi, ngưng được một thời gian ngắn, ông ta tiếp tục hút thuốc, rượu bia chè chén như cũ, chỉ là kiềm lại thói hở tí động tay động chân với mẹ.
Tiệm cơm mở được một năm, không mấy lời lãi, đành đóng cửa. Cha vẫn quay lại nghề xưa, làm tài xế taxi. Còn mẹ đi bán quần áo, đồ điện gia dụng ở thương xá. Tuy đời sống giật gấu vá vai, nhưng mẹ bảo, đấy vẫn là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, "Lúc đó mẹ ấp ủ hi vọng, cố gắng giữ chút khoảng cách với cha con, tự kiếm tiền bằng sức của mình. Chứ nếu còn tiếp tục mở tiệm bán buôn, hai bên cứ dây dưa hoài thôi."
Những năm ấy, nhà tôi tương đối yên tĩnh. Hai bên nội ngoại đều mong cha mẹ sớm trai gái đủ đầy. Mẹ cũng nghĩ, sinh con trai rồi, cái nhà này chắc sẽ tốt hơn chút.
7 ngày sau hôm sinh nhật tôi, em trai ra đời. Mẹ lại thất nghiệp, chi tiêu trong nhà tăng đột biến, càng ngày càng nghèo rớt mồng tơi, mẹ đành phải hỏi cha ít tiền để xoay sở chuyện trong nhà. Dần dà, cha bắt đầu quát nạt, nhạo báng mẹ, bảo mẹ đã không kiếm ra tiền còn tiêu pha bậy bạ.
Mẹ buộc phải ghi chú lại số tiền chi tiêu hàng ngày, ngay cả hai xu cho tôi mua bánh kẹo cũng không dám quên để chứng minh với cha rằng, mẹ không tiêu pha bậy bạ. Dẫu vậy, cha vẫn nhì nhằng mãi, cứ quậy phá ba ngày một trận nhỏ, năm ngày một trận lớn. Lệ rơi trên mặt mẹ tỉ lệ thuận với vết đòn roi ứ đọng, cả người ủ dột không có sức sống. Thế nhưng mẹ vẫn luôn dặn dò tôi, không được đem chuyện bị cha đánh nói cho ông ngoại hay. Sức khoẻ ông không được tốt, đừng nên để ông biết.
Lúc tôi đến tuổi hiểu chuyện, từng to tiếng vặn hỏi cha đang kiếm cớ gây sự rằng: "Sao cùng là người một nhà với nhau mà không thể sống yên ổn vậy?"
Cha nổi cơn tam bành quát: "Mày học đâu ra cái kiểu lí sự đấy vậy?"
“Là bà nội bảo đó...” Thật ra, bà nội thương chú hai nhiều hơn, đối với chuyện bố mẹ cãi vã tối ngày, bà cũng thấy mệt.
3.
Cuối cùng, người có thể cứu vớt mẹ, cũng chỉ là chính bản thân bà mà thôi.
Năm 2009, mẹ tình cờ thấy thông báo tuyển dụng cố vấn tiêu dùng của một đại lí 4S (*). Mẹ ôm hi vọng thử đi thăm dò tin tức, nhân tiện vào phỏng vấn luôn. Chẳng ngờ mấy hôm sau, người ta gọi điện báo rằng mẹ đã được nhận. Chi tiêu trong nhà ngày càng nặng, cha dĩ nhiên rất vui vẻ để mẹ đi làm đỡ đần kinh tế. Dù gì em trai cũng đã hai tuổi rồi, có thể gửi nhà trẻ, bà nội chăm sóc phụ.
(*) Đại lí 4S là cửa hàng ô tô cung cấp đủ 4 dịch vụ: sale – bán hàng, safety – lái xe an toàn, service – dịch vụ, spare – phụ tùng.
Lúc mẹ vào làm cho đại lí 4S cũng đã qua tuổi 30 rồi, lớn hơn mấy cô gái trong đó khá nhiều. Nhưng mà, tính mẹ vốn khiêm tốn nên rất nhanh đã hoà hợp với đồng nghiệp. Dù là tâm lý người tiêu dùng, kĩ năng giao tiếp hay, hay thông số kỹ thuật cho mỗi kiểu xe, mẹ đều có thể thuộc làu làu chỉ sau vài. Điều này không chỉ giúp mẹ chiếm được lòng tin của cấp trên mà còn trở thành nhân viên có hiệu suất tiêu thụ sản phẩm tốt nhất. Mẹ trở nên tràn đầy sức sống hơn, đôi mắt như tỏa ra ánh sáng.
Bởi vì có thành tích công việc tốt, tiền lương cơ bản cộng thêm tiền thưởng của mẹ đã dư sức phục vụ những chi tiêu trong nhà. Không thể thoát khỏi tình cảnh bị bạo hành, mẹ chỉ có thể thuận theo ý cha, nhún nhường cho mọi chuyện êm xuôi. Sau khi lĩnh lương, mẹ giao gần hết tiền bạc cho cha. Thấy vẻ mặt cha hoà hoãn đi phần nào, mẹ cũng đỡ lo hơn. Phần tiền mà mẹ giữ lại dùng để chi tiêu gần như mọi thứ trong nhà, vậy mà thi thoản vẫn bị cha vặn hỏi kiểm tra.
Từ sau khi nhà khấm khá lên, cha cũng ít khi kiếm chuyện sinh sự, nhà yên bình đến lạ thường.
Nhưng rồi mấy tháng sau, cục diện bình yên ấy cũng bị phá vỡ.
Có một khoảng thời gian, tần suất sử dụng điện thoại của mẹ cao vô cùng. Thông báo điện thoại thường xuyên hiện thị một người có tên là Trương Đông Lai trò chuyện cùng mẹ khiến cha chú ý.
Một ngày nọ, trên bàn cơm, cha "bụp" một tiếng quăng điện thoại mẹ xuống, tình cảnh quen thuộc lại bắt đầu diễn ra. Tôi đương húp nửao chén cháo, chợt thấy bụng như đang chất đầy đá tảng, húp thêm không nổi nữa. Em trai bé nhỏ đang ngồi dưới nền nghịch đồ chơi, đợi mẹ bón cơm cho nó.
"Thằng đó là ai? Mẹ bà nó chứ, mày với thằng đó có quan hệ ra sao??"
Vẻ mặt mẹ trở nên rất kì lạ, dường như muốn cười nhưng lại cười không nổi: "Là đồng nghiệp thôi, con gái đấy."
"Mày nghĩ tao ngu lắm à? Có đứa con gái nào tên như vậy?"
Mẹ bình tĩnh nhìn ông ta, cầm điện thoại gọi tới số của Trương Đông Lai rồi mở loa. Đó là lần đầu tiên tôi nghe được tiếng dì Trương, nhẹ nhàng và mang theo sự phấn khởi của người thiếu nữ. Hai người ngẫu hứng trò chuyện đôi ba câu, dì Trương bỗng hỏi: "Chị ơi, chị sao thế ạ? Em thấy giọng chị không ổn lắm."
Mẹ lau nước mắt bảo: "Chị không sao đâu, chị tắt máy đã em nhé!"
Mặt mũi cha xám xịt, bối rối, phẫn nộ thi nhau chồng chất trên khuôn mặt đỏ bừng của ông, đôi con ngươi đặc kín tơ máu trợn trừng lên: "Giỏi quá nhỉ!"
Ông ta hùng hổ lao ra khỏi nhà, cửa bị đạp văng ra tiếng. Nửa đêm, cha uống say đến quên trời quên đất trên phố, lớn tiếng chửi đổng rồi lấy cục đá ven đường đập chết một chú chó què lang thang. Hôm sau tôi ra ngoài, trông thấy chú chó ấy nằm bèo nhèo như một miếng giẻ rách bên cột điện.
Chuyện này đã khiến mẹ vốn đang sống trong "mộng tưởng" rằng, bản thân cứ làm ra tiền sẽ được sống yên ổn trong nhà dần dần tỉnh táo lại.
(Còn tiếp)
_______________
Nguồn: http://renjian.163.com/20/0113/10/F2OURUTR000181RV.html

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro