Suy nghĩ của mình và giáo sư Snape

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mình nghĩ có lẽ đây là nhận định cá nhân của bản thân bởi một trong những sở thích ám ảnh của mình chính là Harry Potter và Giáo  sư Snape, tuy vậy mình vẫn sẽ ngồi viết hết những điểm mà mình cho rằng nhiều bạn chưa từng chú ý kỹ ở thầy Snape, và những điểm đó, nếu để ý thì bạn sẽ thấy thầy Snape còn có nhiều chiều sâu hơn mọi người nghĩ nhiều.

Vì bản thân mình mắc Hội chứng Asperger nên mình có thể liên hệ được ngay với thầy, từ những cuốn truyện đầu tiên. Ngoài ra, vị giáo viên ngoài đời thực mà cô J.K.Rowling lấy nguyên mẫu để viết nên nhân vật Snape là John Nettleship, giáo viên dạy hóa của cô, một người có khả năng cũng mắc hội chứng Asperger, hoặc là một người tự kỷ chức năng cao. Điều đó có nghĩa rằng, cô J.K.Rowling đã vô tình tạo nên thầy Snape là một người mắc chứng tự kỷ nhẹ, và có lẽ bản thân thầy cũng không nhận ra điều đó.

Nếu mọi người muốn đọc kỹ hơn về nguyên mẫu của Snape, thầy John Nettleship, thì có thể đọc tại đây:

http://members.madasafish.com/~cj_whitehound/Fanfic/A_true_original.htm

Những người có hội chứng này khi còn nhỏ không có vấn đề gì về mặt phát triển, thậm chí có một số người còn thông minh nên thường rất khó để nhận ra. Tuy nhiên, khi lớn lên, họ luôn gặp vấn đề trong việc đọc được những cử chỉ, biểu hiện cảm xúc của người khác, và khó mà có thể kết nối được với cảm xúc của người đối diện. Cuộc nói chuyện giữa Snape và Lily trong ký ức của thầy đã thể hiện khá rõ điều đó. Thầy Snape dường như không nhận ra sự khó chịu của Lily với trò đùa của Mulciber và Avery, việc cô cảm thấy tức giận khi Snape theo đám bạn thuần chủng. Thầy chỉ nghe vào lời nói của Lily và tin rằng cô đã tha thứ cho anh. Cách nói chuyện của thầy với Lily khi cả hai còn nhỏ cũng vậy. Chẳng có ai nhảy ra một cách bất thình lình trước mặt người khác và kêu lên "Bạn là một phù thủy" cả. Đó là bởi những người tự kỷ thường không tự nhận thức được những gì họ nói ra là thô lỗ hoặc không phù hợp với hoàn cảnh. Mình cũng hay như thế, và do vậy mà mình thường có rất ít bạn bè. Thầy Snape tuổi niên thiếu dường như cũng cô đơn và thiếu bạn bè, thậm chí ngay cả trong chính nhà mình theo học.

Thầy Snape có một kiểu tóc khá lạ lùng so với các giáo sư khác, đến mức Harry lúc nào cũng để ý mái tóc như hai tấm rèm của thầy. Rất có thể ông ấy đã tự cắt tóc vì ông ấy rất nhạy cảm với việc người khác chạm vào mình. Mình biết điều đó bởi vì mình cũng không quá thoải mái khi tiếp xúc với người khác và mình thường để cùng một kiểu tóc trong nhiều năm, bởi vì Aspies bọn mình rất khó chịu với những thay đổi. Snape để cùng một kiểu tóc từ khi còn nhỏ xíu đến tận giờ, bạn không thấy lạ sao?

Thầy Snape lúc nào cũng mặc áo chùng một màu đen, kiểu áo chùng cũng không thay đổi, kể cả khi dạy học, đấu tay đôi hay dự Dạ Vũ Giáng Sinh, và lớp học của thầy, bất kể là dưới hầm hay trên tầng thì đếu tối tăm. Mình nghĩ rằng chúng là những hành vi ưa thích sự lặp lại của một người có hội chứng Asperger. Những người có chứng tự kỷ sẽ cảm thấy bớt căng thẳng khi mặc đồ giống nhau mỗi ngày, ở trong môi trường không có sự thay đổi hoặc có sự tương đồng trong một thời gian dài, làm những công việc lặp đi lặp lại (ví dụ như ngày ngày đều đi dạy ở đúng 1 phòng, đều đến ăn ở Đại Sảnh Đường vào đúng một thời điểm cố định). Nếu để ý kỹ trong truyện thì sẽ thấy, nếu các giáo sư khác có thể đến trễ, thì thầy Snape thường xuyên chỉnh chu và đúng giờ. Thầy luôn mặc bộ đồ rộng thùng thình, khiến Harry nhận xét rằng thầy Snape trông như một con dơi trong áo chùng của thầy. Tại sao thế? Thầy Snape khi đã là người lớn chắc chắn không thiếu tiền từ tiền lương giáo viên để mua những bộ áo chùng vừa vặn. Tuy nhiên, nếu thầy là một người tự kỷ thì mọi chuyện lại có lý. Có những người tự kỷ có các giác quan rất nhạy cảm, vì vậy nên họ nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, và cảm giác tiếp xúc trên da. Quần áo quá sát với người có thể đã khiến thầy cảm thấy căng thẳng và khó chịu, nên thầy Snape mới mặc đồ rộng như vậy.

Và quần áo tối màu dịu mắt vì Aspie chúng mình khá nhạy cảm với ánh sáng. (Áo quần của mình cũng toàn màu xám, đen, hoặc xanh nước biển. Nói túm lại thì toàn tông màu tối. Và mình cũng có thói quen mặc những bộ quần áo rộng thùng thình khi ở nhà. Nó thoải mái hơn mà.)

Có thể nhận thấy sự nhạy cảm của Snape với ánh sáng và âm thanh trong cách ông chọn phòng dạy học chỉ được chiếu ánh sáng lờ mờ và cách ông nói. Giọng nói của thầy luôn được miêu tả là nhỏ, chỉ hơn tiếng thì thầm, và điều đó có thể do thầy rất nhạy với âm thanh ồn ào. Mình thường bị chỉ trích vì nói quá nhỏ, nhưng đó là bởi vì khi mình nói to, thì nó nghe là "quá to" với cái tai của mình.

Cách dạy học của Snape và các hành vi xã hội của ông cũng là một điểm đáng chú ý gợi rằng ông có thể là người tự kỷ. Bởi vì cách nói của thầy gần như được "tập dượt từ trước", như thể thầy ấy đang sao chép phản ứng xã hội từ tình huống này sang tình huống khác thay vì thực sự tự mình giải quyết vấn đề. Snape khi còn trẻ thì nói không được rõ ràng, có đôi khi vấp váp trong lời nói.

Thầy cũng thể hiện thiếu sự đồng cảm với người khác khá rõ, chẳng hạn như những lời nhận xét với Hermione, và gần như là bạo hành tinh thần trong các trường hợp với Neville. Điều này là do Aspies không giỏi trong việc đọc cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể của mọi người, vì vậy bọn mình không thể liên hệ nhiều với cảm xúc của người khác. Ngoài ra, bản thân mình nhiều lúc cũng không thể phân biệt giữa một trò đùa, lời nói mỉa mai và khi mọi người nghiêm túc, vì vậy mình nghĩ rằng Snape cũng vậy, vì có thể đối với một số điều mà ông ấy nói, thầy ấy có thể có ý đùa giỡn nhưng không nhận ra là bản thân đang đùa giỡn sai thời điểm, hơn là độc ác theo nghĩa đen.

Một điểm thú vị nữa là cách đi đứng của Snape khi còn thiếu niên cà giựt cà giựt trông như một con nhện, điều này nếu xét đến việc ông mắc chứng tự kỷ thì khá có lý, bởi nhiều người tự kỷ có lối đi lại khá kỳ cục. Khi Snape đã trưởng thành, có thể ông đã tự trấn áp bản thân mình để bỏ thói quen lạ lùng này đi.

Cuối cùng là sở thích ám ảnh của Asperger, mà có lẽ mình không cần nói nhiều nữa vì đối với Snape, chúng khá rõ ràng.

Đối với những người tự kỷ, họ thường có những sở thích "ám ảnh", tức là một khi họ đã thích cái gì thì đêm ngày họ sẽ đều nghĩ đến chúng, và khi có ai hỏi thì họ không thể nào ngừng nói liên lục địa về điều mình thích được. Những mối tình của họ cũng thường rất sâu sắc và bám sâu trong lòng họ, khó mà có thể phai mờ một cách dễ dàng. Làm sao mà chú Sirius, một người thậm chí còn chẳng phải Slytherin lại biết được thầy Snape biết được nhiều lời nguyền Hắc Ám hơn học sinh năm thứ 7 chứ? Mình cho rằng bởi chính thầy Snape không thể ngừng nói về  các câu chú nguyền mà thầy biết, hoặc những bùa phép mà thầy phát minh ra bởi thầy thực sự rất thích Nghệ thuật Hắc Ám. Sở thích "ám ảnh" của thầy lần lượt là Độc dược, Nghệ thuật Hắc Ám và Lily. (Còn mình thì là máy tính, PC, bàn phím, lập trình, anime/manga, cờ vây, và Harry Potter)

Thầy Snape không thể phủ nhận được niềm đam mê với bộ môn Hắc Ám của mình, hơn nữa do cái sự thật thà mà thầy cũng không thể nói dối rằng mình không ưa chúng, chính vì vậy nên thật khó để cậu bé Snape đương tuổi học sinh có thể kết thân được với bất cứ ai ngoại trừ đám bạn bè nhà Slytherin.

Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao thầy Snape trông lúc nào cũng cau có, khó chịu, tính nóng như kem và thường cố gắng lèo lái cuộc nói chuyện về hướng quen thuộc mà thầy biết? Bạn  có thể  tìm đọc cuốn sách Untypical: The world isn't build for autistic people and what we should all do about it của Pete Wharmby, một cuốn sách phân tích của chính một thầy giáo đã được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ (thể Asperger), và bạn sẽ hiểu được thầy Snape, cũng hiểu được mình hơn. Những người ở thể tự kỷ nhẹ trong quá trình lớn lên thường sẽ xây dựng một lớp mask, nhằm giấu bản thân đi mà cư xử theo cách cả thế giới này cho là quy chuẩn của giao tiếp xã hội nhằm sống sót khỏi bị bắt nạt, xa lánh hay bị kỷ luật, đuổi học, đuổi việc. Những cuộc nói chuyện phiếm hằng ngày, những đoạn nói mang ý nhị ám chỉ hay ẩn dụ mà bạn vốn có thể thoải mái thực hiện theo bản năng là thứ mà chúng mình phải học và không thể thực hiện một cách tự nhiên được. Khi cả một ngày đều cố gắng giấu đi sự vụng về trong giao tiếp, rồi sự quá tải khi tiếp nhận thông tin, thì không có gì lạ khi autist tụi mình luôn nằm trong trạng thái căng thẳng, mất năng lượng và có thể "bùng nổ" hay "sập nguồn" bất cứ lúc nào, bởi vậy hay bị dán mác tính "nóng như kem". Vì thế nên người tự kỷ bọn mình luôn bị nói là có khuôn mặt "resting bitch" cau có, khó chịu, còn không thì khá lạnh lùng. Vì tụi này đang stress mà vui thế nào được. Nếu như người tự kỷ có thể thể hiện đúng bản thân mình, cởi bỏ lớp mặt nạ ra thì tụi mình sẽ bớt cau có hơn rất nhiều. Nhưng đó có lẽ vẫn còn là mục tiêu khá xa xôi.

Hơn nữa, việc những người tự kỷ thường có thói quen đưa câu chuyện về hướng quen thuộc, bởi vì có đôi khi khi họ bị thả vào những tình huống giao tiếp bất ngờ, hay hướng nói chuyện bẻ lái tới vấn đề mới về ứng xử, tụi mình thường không biết xử lý như thế nào, vì bọn mình có ít ứng biến hơn bản năng của người thường nhiều (nói trắng ra là ngu khoản nói khéo, dẻo mỏ). Thế nên thường là đến 60% tớ cũng hay đưa chúng về cuộc hội thoại tớ đã biết. Vì tớ đã có script sẵn có chúng nó rồi. Mà con số 60% cũng là vì tớ xem anime và manga nhiều, tiếp thu được nhiều tình huống ứng xử "ideal" từ các tác phẩm đó, hơn nữa manga cũng làm lố biểu hiện khuôn mặt lên thì tớ mới hiểu nhiều, chứ còn mình nghĩ là thầy Snape sinh ra vào những năm 60 không có anime và manga thì còn khốn đốn hơn mình nhiều nữa.

Ngoài ra, mình không thể không nhận thấy rằng những lời nói dối mà thầy Snape nói với Narcissa và Bellatrix thường là sự thật bị bẻ cong đi vì mục đích cá nhân. Những người mắc chứng Asperger có thể nói dối, nhưng hầu hết họ thường chọn nói những lời nói dối gần với sự thật, hoặc ít nhất là có một số yếu tố của sự thật trong đó. Điều này là do chúng mình khó mà có thể cảm thấy thoải mái khi nói dối hoàn toàn và che đậy điều đó. 

Khi mình chỉ cần thở ra một cái gì đó là một lời dối trá một trăm phần trăm, thì mình sẽ gần như không nói ra nổi luôn, hoặc sẽ vô cùng khó chịu cắn rứt lương tâm, thậm chí có thể bị ám ảnh giây phút đó trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó.

Mình cũng bẻ cong sự thật thay vì nói dối một cách trắng trợn trong hầu hết mọi trường hợp. Mình nghĩ đây cũng là cách Snape sử dụng để nói dối Voldemort mà không bị bại lộ , bởi vì hầu hết những lời nói dối của ông đều có ít nhất một phần sự thật trong đó.

Và mọi người đừng nghĩ rằng bởi vì thầy là một điệp viên hai mang mà thầy không thể có chứng tự kỷ nhé.  Thầy Snape có khả năng "Chiết tâm chi thuật" nên việc đọc ý nghĩ của người khác cũng có thể là một yếu tố giúp thầy giao tiếp khéo léo hơn lúc cần lừa phỉnh Voldemort. Vì vậy những khi mà người ta muốn nhìn thấy thầy giao tiếp chân thật nhất thì không phải là với Voldemort hay đám bè đảng Tử Thần Thực Tử, mà chính là khi đối xử với đồng nghiệp và học sinh của thầy tại Hogwarts.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#self