TƯ NIỆM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ly quốc

Năm Thuận Thiên thứ 14

Thiên hạ thái bình thịnh vượng bá tánh an nhàn hưởng lạc. Mùa xuân vừa tới thấp thoáng trong không khí còn hương mai vấn vít khung cảnh vô cùng yên bình. Người dân Ly quốc chủ yếu là trồng lúa nước, hết mùa thì chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Ngày xuân nhàn hạ lại trở thành dịp tốt để người người cùng ngồi lại ôn chuyện xưa, hoặc kể về những biến cố trong những năm qua. Ví như chuyện con gái cả của Trưởng công chúa, chị gái hoàng đế cuối cùng cũng có thể gả ra khỏi phủ, hoặc chuyện Thái quốc công người theo phò tá Ly quốc từ thời tiên đế sau bao khuyên răn can gián của đại thần bá quan trong triều cũng đã quyết tâm cáo lão về quê cầm kẹo bông trông cháu. Hay như Ly quốc bọn họ từ thưở khai thiên lập địa đến nay có một câu chuyện Đế - hậu tình thâm vang xa khắp tứ hải. Rằng Ly đế vì thương nhớ vị quân hậu đã hy sinh vì giang sơn xã tắc mà quyết một đời không lập hậu vị, bỏ trống hậu cung.

Trời xuân về đêm còn hơi se lạnh, tiếng người gõ mõ đi quanh thành vang vọng trống trải trong bóng tối tịch mịch. Hoàng cung xa hoa tráng lệ, đình đài lầu gác rực rỡ từng khiến bao người giẫm đạp lên nhau vì tham vọng muốn một lần được bước chân vào đó giờ đây cũng không thể chạy thoát khỏi bóng đêm mà phủ lên mình một màn đen cô liêu, quạnh quẽ. Cấm cung nhìn từ xa lại chợt khiến người ta cảm thấy đó mới chính là nơi lạnh lẽo nhất. Chẳng biết là lạnh vì lòng người hay lạnh vì những thương tổn từ hàng trăm biến cố đã trải qua khiến ai quay đầu nhìn lại cũng không khỏi lắc đầu đầy tiếc nuối.

Hoàng đế Ly quốc hiện giờ đang mải miết phê duyệt tấu chương. Đôi mắt sắc lạnh, ngũ quan cân xứng, thần sắc thâm sâu khó dò nhìn qua hoàn toàn có dáng vẻ của một minh quân mẫn tiệp thế nhưng nếu để ý kỹ người ta sẽ thấy ngài thỉnh thoảng lại đưa tay lên xoa xoa hai bên thái dương, lại có lúc thấy ngài nhìn đăm chiêu vô định vào bản tấu chương rồi lại chợt giật mình không giấu nổi sự hốt hoảng lo sợ trong đáy mắt. Những lúc như thế, vị công công tổng quản bên cạnh ngài sẽ khổ sở van xin ngài nghỉ ngơi giữ gìn long thể nhưng cũng chỉ nhận lại được cái lắc đầu đầy kiên quyết kèm theo lời ra lệnh ban lui về nghỉ ngơi. Trên mặt vị công công hiện rõ sự không tình nguyện nhưng lệnh vua đã ban ông nào có thể làm trái nên cũng chỉ đành vạn bất đắc dĩ mà lui đi không quên khép chặt cánh cửa thư phòng.

Còn lại một mình, hoàng đế ngẩng đầu, ánh đèn vàng vàng hơi hắt trên gương mặt ngài tạo nên dáng vẻ kiên định, quyết đoán, lại vừa pha chút lạnh lẽo khó gần mang theo chút hoài niệm phong sương. Ngài đứng dậy với tay lấy chiếc áo khoác lông chầm chậm bước ra cửa. Nửa đêm canh ba, hoàng đế tự mình đi dạo, không người hầu cận, cũng không mang theo tử cấm quân. Người ta vẫn thường nói những lúc ở một mình là những lúc ý muốn của bản thân trỗi dậy mạnh nhất, sẽ có những suy nghĩ và hành động trỗi dậy từ chính ham muốn của đáy lòng. Những lời đó, có lẽ hoàn toàn đúng với vị hoàng đế lúc này. Khi tự ý thức được bản thân đang ở đâu, ngài đã thấy mình đứng trước cửa điện Trường An, vẻ tần ngần lưỡng lự hiện rõ trên gương mặt. Vừa muốn bước chân vào không gian bên trong nhắc lại chuyện xưa nhưng cũng như sợ chính những chuyện cũ kia sẽ ùa đến.

Miên man suy nghĩ cân nhắc đắn đo vậy mà trong thoáng chốc bóng dáng vị cửu ngũ chí tôn đã xuất hiện trong gian chính. Trường An cung này, so với sự lộng lẫy nguy nga của hoàng cung lại thiếu đi ba phần nhưng nói về sự an tĩnh yên nhiên có lẽ khó nơi nào có được. Xung quanh phòng, không có lấy một món đồ trang trí thừa thãi, ngược lại có rất nhiều sách, điển cố, thơ, ký. Giữa gian nhà chính có một chiếc bàn bày sẵn bút lông nghiên mực và giấy Tuyên thành. Mực trong khay đã khô cạn, đèn dầu le lói. Nói là an tĩnh đạm bạc, chi bằng nói là cô quạnh đơn sơ.

Lơ đãng hồi lâu trước cửa phòng ánh mắt đăm chiêu của hoàng đế thoáng chốc tràn ngập vẻ u uất bi ai khiến người ta cảm thấy có chút vô thực. Hoàng đế một nước thống lĩnh quốc gia cũng có lúc cô quạnh chênh vênh như vậy sao?

- Vân.

Tiếng hoàng đế khẽ gọi tan vào màn đêm, vừa nhẹ nhàng cưng chiều như vừa sợ sẽ kinh động đến không gian vốn có của căn phòng mà cố kìm nén bản thân. Chẳng có ai đáp lại, suốt mười bốn năm nay, vẫn luôn như vậy. Không một ai trả lời ngài, chỉ có cô độc bủa vây xâm chiếm. Bỗng chốc, giọt nước mắt vô thức rơi xuống gương mặt tràn đầy nét phong sương của ngài. Thì ra thiên tử đứng trên vạn người là vậy, khi ưu tư sầu muộn lại không thể tìm nổi một người ở bên vỗ về. Người kia là ai mà có thể khiến ngài gọi tên thôi cũng tràn đầy đau thương đến thế?

Hoàng đế chậm bước đến chiếc bàn chính giữa, bàn tay vừa mài mực đã cầm lấy bút lông phác nhẹ trên giấy Tuyên, ngài nhắm mắt, từng đường nét dần hiện rõ lúc đậm lúc nhạt hình ảnh nam nhân trong tà áo trắng thanh nhã nhẹ nhàng mái tóc dài tung bay, bàn tay cầm quạt mang theo nét thư sinh trầm tĩnh lại vừa pha chút lạnh lẽo xa cách. Người trong tranh dáng hình đã tỏ duy lại chỉ có gương mặt là thiếu, bút lông khựng lại giữa không trung ngập ngừng tư lự. Hoàng đế khẽ nhíu mày, mắt vẫn nhắm nghiền như cố lục lọi trong trí nhớ đường nét gương mặt của người kia nhưng dù cố gắng mãi cũng chẳng thể nhớ ra. Là vì lâu quá nên quên, hay vì đau quá mà quên? Nhớ nhớ quên quên những mảng ký ức nhuốm màu đỏ ưu thương dường như đã quá sức chịu đựng. Hoàng đế gập người  ôm lấy ngực trái, nước mắt nối nhau lăn dài thấm ướt một mảng giấy, nét mực nhòe đi lan ra một góc, thật chẳng biết là người vẽ tranh bi thương rơi lệ, hay chính người trong tranh cũng sầu muộn thương tâm. Ánh đèn trong phòng mờ mịt nuốt lấy những tiếng khóc than của hoàng đế vảng vất chỉ còn lại hàng lệ dài tuôn rơi không điểm dừng. Mười bốn năm, mười bốn năm đã trôi qua, bãi bể nương dâu, thiên hạ hai lần chia tách, những chuyện binh đao máu lửa đã lùi dần vào dĩ vãng, vết thương chiến tranh cũng đã được hàn gắn chỉ còn lại nỗi đau trong tâm vĩnh viễn rỉ máu. Những tưởng thời gian qua đi có thể xóa mờ vết thương lòng, nhưng thực sự thời gian chỉ che lấp nỗi đau, nó khiến ta ảo tưởng rằng bản thân đã sớm quên đi chuyện cũ mà nào ai hay chỉ cần một mồi lửa nhóm lại vết thương kia tưởng đã lành hẳn sẽ lại bùng cháy, bỏng rát thiêu đốt tâm can. Trái tim đã bao lần rỉ máu nhưng nước mắt dù rơi bao nhiêu cũng chẳng thể vơi bớt.


Trong suốt mười bốn năm đã qua, có biết bao chuyện đã xảy ra, có những người mới xuất hiện, cũng có những người cũ đi qua. Có những người đi rồi lại về, nhưng cũng có những người đi mãi không về, chỉ để lại bóng lưng chìm vào hư vô.

Tiếng hoàng đế nỉ non giữa đêm vắng xót xa nghẹn ngào: " Vân, mười bốn năm rồi, huynh chưa xuất hiện trong giấc mơ của đệ lấy một lần. Đệ nhớ huynh như thế, ngày nào cũng tới đây gặp huynh ấy vậy mà huynh lại ích kỷ chưa một lần tới thăm đệ. Vân, một lần thôi, trong mơ cũng được, cho đệ được thấy huynh. Vân, huynh còn giận đệ chuyện năm đó sao? Là đệ sai, đệ khiến huynh chịu thiệt thòi. Vân, đệ mệt quá rồi, thiên hạ này là hai chúng ta cùng nhau giành lấy, cớ sao bây giờ huynh lại bỏ đệ ở lại. Huynh luôn nói thương đệ nhất không phải sao, tại sao bây giờ dù chỉ một lần huynh cũng không cho đệ cơ hội được thấy huynh? Vân, đệ phải làm sao, Vân..." hoàng đế bóp chặt ngực trái như vừa sợ thứ đang đập trong đó sẽ vỡ tan, cũng lại như sợ nó vốn dĩ đã không còn đó nữa. Ngài một đời anh dũng thiện chiến nơi sa trường trải qua gió tanh mưa máu bao lần nguy hiểm dưới lưỡi kiếm kẻ thù cũng chẳng khiến ngài nhíu mày lấy một cái, vậy mà giờ đây trong căn phòng trống trải này tựa hồ như trút bỏ dáng vẻ thường ngày, vị hoàng đế được Ly quốc tôn sùng lại đang chật vật với chính nỗi thương tâm của bản thân. Mà người kia dường như mang lại rất nhiều đau thương cho ngài.

Ba mươi hai năm về trước, Ly đế bây giờ khi đó vẫn còn là vị thái tử nhỏ tuổi đã gánh trọng trách trên vai vì hoàng thượng lâm trọng bệnh. Ngài là con thứ 6 của hoàng thượng, là con trai thứ 2, hiền tử của Văn quý phi, là sủng phi của hoàng đế. Triệu hoàng hậu vì tính tình ác độc mưu hiểm, con trai lại ăn chơi trác táng mà bị thất sủng hiển nhiên ngôi vị thái tử cũng tuột khỏi tay. Triệu hậu kia, tuy rằng nói là hoàng hậu bị thất sủng nhưng thế lực lại một tay che trời quyền khuynh thiên hạ, bà ta nhân cơ hội hiếm có này một tay cấu kết gian thần lũng đoạn triều cương, một tay bức tử trung thần, Ly quốc mười phần đã bảy phần vào tay Triệu gia, ý muốn ngồi vào ngôi vị trở thành nữ đế rõ ràng không hề che giấu. Thái tử lên bảy tuổi, được đưa vào Thái học viện nói là học kinh giáo ngũ luận chi bằng nói là giam lỏng ngài với những chuyện binh biến của thiên hạ. Cũng lúc đó, Triệu hoàng hậu ở hậu cung bức hại vô số phi tử của tiên đế, Văn quý phi cũng qua đời sau khi uống một chén canh từ cung Uyển Thành của hoàng hậu ban cho. Thái tử lúc đó ở Thái học viện nghe tin mẫu phi qua đời, một giọt nước mắt cũng không rơi, lại chỉ hứa với lòng nhất định sẽ có ngày làm chủ thiên hạ, trả thù cho mẫu phi, rửa sạch Ly quốc. Cũng chính trong những ngày ở Thái học viện, thái tử quen biết Trịnh thiếu, con trai Trịnh tướng quân, vì người cha một lòng phò tá hoàng thượng phản đối Triệu thị khiến cả nhà bị đày ra biên ải, vì để con trai được ở lại trong cung nguyện dùng tính mạng mình đền đáp thay nhi tử. Triệu hoàng hậu đã luôn coi Trịnh tướng quân như cái gai trong mắt, nay đã có thể công khai diệt bỏ tất nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội tốt. Loại trừ được một con cua già, con cua non kia hiễn nhiên sẽ không trở thành gánh nặng.

Hai đứa trẻ, mang theo mối thù mất cha mẹ dưới tay Triệu thị cùng những ngày tháng học tập trong Thái học viện đã sớm luôn kề vai sát cánh bên nhau bộc lộ vẻ thâm trầm sâu xa khó dò. Cho đến năm thái tử đủ tuổi trường thành, đứng giữa triều dõng dạc hô to muốn thay Triệu thị phò tá quốc gia, không phiền hoàng hậu tuổi đã cao mệt nhọc lo cho giang sơn xã tắc. Tất cả chỉ nhận lại một ánh nhìn sắc lạnh của Triệu thị, thái tử năm đó không có lấy một người ủng hộ, một mình chống lại bè cánh Triệu đảng hiển nhiên không thể phản kháng chỉ đành nghe theo hoàng hậu nhận lấy chiếu chỉ sắc phong Yến vương hữu danh vô thực bị đẩy ra biên ải rèn luyện bản thân. Một mình ra đi, quân đội không có, một người đưa tiễn cũng không, lại chỉ có Trịnh thiếu luôn kề vai sát cánh vượt qua biết bao lần ám toán của cấm quân triều đình, dìu dắt nhau tới biên cương xa xôi. Là đi vì bị bắt phải đi, hay là đi để tìm cơ hội trở lại, điều này cũng thật khó mà đoán trước.

Chỉ biết hai người ở đó, một người là thái tử, một người là thiếu chủ sớm hôm bên nhau. Người ngoài nhìn vào thì nói hai người họ an nhàn hưởng lạc nhưng thực chất đâu ai biết những suy tính thâm sâu nhẫn nhịn từng ngày chỉ chờ sớm đoạt lại giang sơn từ tay Triệu thị. Cũng chính khoảng thời gian đó, dù khó nhọc vất vả bao nhiêu nhưng dường như chính lả mảng màu tươi sáng duy nhất trong chuỗi ký ức đau thương của hoàng đế nhiều năm về sau. Ở đó, ngài được bên cạnh người ấy sớm hôm, ăn cùng bàn, ở chung nhà, mỗi lần gọi tên sẽ luôn có ánh mắt người ấy đáp lại, dù lờ mờ nhưng cũng có thể khiến ngài mỉm cười từ trong tâm. Khi đó tính cách thái tử phóng khoáng phong lưu lại kèm chút mặt dày vô sỉ. Trịnh thiếu âm trầm nho nhã lặng lẽ dịu dàng, hai người đi cạnh nhau quả thật khiến người ta không khỏi nghĩ đến cảnh công tử thiếu gia nhà giàu vung tiền mua lấy nụ cười mĩ nhân, Một màn trêu hoa ghẹo nguyệt của thái tử với Trịnh thiếu sớm đã trở thành chuyện thường như trên phố huyện. Thấp thoáng bên ngoài còn có lời so sánh ví von, một người thiếu cơm bảy ngày không chết, thiếu nước ba ngày có thể ý thức mơ hồ, nhưng thái tử thì không thể vắng Trịnh thiếu một giờ. Tin đồn lan xa, lan đến hoàng cung, vào tai Triệu thị lại trở thành một màn hài kịch mua vui, với người biết nghĩ vì quốc gia xã tắc lại không khỏi vuốt mặt đau đớn chẹp miệng nghĩ vận số Ly quốc quả thật đã đến lúc chấm dứt.

Hai người âm thầm dựng lên màn kịch ái ân như để chỉ chờ ngày Triệu đảng lơ là phòng bị sẽ cùng với những quân đội đã được móc nối rèn luyện sẵn suốt 6 năm ngoài biên ải cùng nhau vùng lên, thế lực ngày một lớn mạnh, dẹp Đông đánh Tây một nước tới thẳng kinh thành đòi lại quyền làm chủ. Hoàng thượng tuy sức khỏe ngày một yếu chỉ còn giữ lại chút hơi tàn nhưng ý thức lại vẫn vô cùng minh mẫn trước sự đe dọa không dao kiếm của Triệu gia suốt hơn mười năm vẫn kiên quyết không giao ra lệnh bài thống lĩnh Đông quân. Quân đội của thái tử đã đóng sẵn ngoại thành nhưng binh lực trong thành vẫn chưa thể làm chủ nếu chiến tránh sẽ không tránh khỏi thương vong cho bá tánh, hơn nữa với tài mượn gió bẻ măng của Triệu thị hẳn sẽ vu cho thái tử tội danh phản nghịch mưu đồ cướp ngôi từ tay cha mình. Thái tử chỉ đành cho đóng quân bên ngoài ám binh bất động.

Cũng trong đêm đó, tại doanh trại thái tử:

- Đệ còn phân vân sao?

- Vân, đệ dù rất muốn dẫn quân phá thành, nhưng còn tính mạng phụ hoàng đệ không thể làm ngơ. Hơn nữa nếu thế lực Triệu thị thật sự có thể lấy được lệnh bài Đông quân, đó chẳng phải một nước đi vào cửa tử sao. Đệ có thể chết, nhưng còn binh sĩ của đệ. Họ đã cùng đệ cố gắng đến mức này, họ cũng có gia đình, có người thân, hơn nữa người thân của họ còn ở chính trong thành, bắt họ giao chiến với gia đình mình, đệ không làm được.

Trịnh thiếu chủ nhìn xuống gương mặt người này, từ nhỏ hai người đã luôn ở bên nhau, đương nhiên chàng hiều những suy nghĩ của thái tử. Giữa hai người họ vốn đã hình thành một loại tình cảm tâm linh tương thông nhưng lại chẳng thể diễn tả thành lời. Chỉ bẳng một ánh mắt đã có thể hiếu thấu suy nghĩ đối phương, nói là người cùng chí hướng, chi bằng nói là tri kỉ tâm giao. Vì nhau mà cố gắng, vì nhau mà ở lại, luôn chỉ nhìn về đối phương mà quên mất bản thân. Nói là tình yêu, giữa thời điểm xã tắc không có minh chủ, quốc gia đau đớn binh đao, sao có thể màng tới hai chữ tư tình. Và cũng như vì đã quá hiểu nhau, mà khi bắt gặp một ánh mắt qua ánh nến leo lét mà khiến vị thái tử phải bật dậy nắm chặt lấy vai người đối diện.

- Vân, không được. Tuyệt đối không. Huynh làm gì đệ đều không cản, nhưng chuyện này, đệ tuyệt đối không đồng ý.

- Nguyên Thực, ta biết đệ chắc chắn sẽ cản ta. Ta biết đệ lo cho ta. Nhưng đệ nghĩ xem, còn cách nào khác sao?

- Không được, Vân, tuyệt đối không. Không có cách thì không làm nữa, huynh tuyệt đối không được nghĩ bậy, đó là tử địa, huynh không biết sao? Huynh giỏi võ thì đã sao chứ, nơi đó là hang hùm miệng gấu, bảo đệ đồng ý cho huynh đi, chi bằng tự mình đệ đi. Thiên hạ này thiếu đi một Đông quân đệ không màng, nhưng huynh thì tuyệt đối không được...

Lời chưa nói hết đã nghe "huỵch" một tiếng, thái tử bất tỉnh giữa sàn. Cõng thái tử lên giường ngủ bước nhẹ ra khỏi lều. Người ta vẫn rỉ tai nhau Trịnh thiếu văn võ song toàn mà không biết người kia còn giỏi y thuật mà giỏi nhất là dùng mê dược. Cũng trong đêm đó, Trịnh thiếu một mình vận hắc y bước ra ngoài tiến thành về kinh thành.

Khi thái tử tỉnh lại đã là chuyện của ngày hôm sau. Tự biết bản thân đã bị lừa, lại bị chính người mình thương yêu nhất lừa mê dược một mình xông vào cung cấm. Ngài tức giận đến mức đòi một mình dẫn quân vào cấm thành đòi người, ai can ngăn đều bị đánh thừa sống thiếu chết cho đến khi Hàn thiếu tướng khẽ giọng hỏi: "Ngài thật sự muốn Trịnh thiếu làm việc vô ích sao?" Lúc ấy, bóng hình vị thái tử khi nãy còn bị bủa vây bới lửa giận bừng bừng bỗng khựng lại giữa doanh trại, gương mặt hiện rõ vẻ bất đắc dĩ đau đớn hỏi nhỏ: "Huynh ấy, thật sự sẽ trờ về đúng không?" vừa như hỏi người mà cũng như tự lấy lại niềm tin cho chính mình.


Trời đã gần sáng, mỗi khắc trôi qua thần kinh thái tử đều căng như dây đàn. Cả doanh trại đã sớm chìm vào tĩnh lặng, chỉ còn mình ngài ấy vẫn ngồi đó. Vẻ mặt đăm chiêu chờ đợi. Xa xa một bóng người áo đen khó nhọc ôm ngực lết từng bước về phía lều trại duy nhất còn sáng đèn. Người này toàn thân ướt sũng, mái tóc bết dính vào trán, chẳng biết là nước hay là máu. Bàn tay run run vạch mở cửa lều nhìn thẳng vào gương mặt người đang chờ đợi sẵn, chút hơi tàn mỉm cười yếu ớt.

- Vân...

Lời chưa kịp nói hết Trịnh thiếu đã ngã huỵch vào lòng người đối diện. Gương mặt vì mất máu mà trắng bệch đặt trên vai người ấy lấm lem máu và bùn đất

- Vân. Vân. Huynh tỉnh lại cho đệ, không được ngủ

Tiếng thái tử hốt hoảng lo sợ lại chỉ nghe người kia yếu đuối đáp lại như có như không

- Đệ yên lặng một chút đi. Ta hơi mệt, nhớ đệ quá nên muốn ôm một chút thôi, đệ làm gì mà la oai oái lên thế.

Thái tử dở khóc dở cười, cái người này đi theo chàng không học tập được gì hay ho lại giỏi nhất là học thói hư tật xấu từ chàng

- Ừ. Đệ yên. Huynh đi lâu quá đó... Đệ cũng rất nhớ huynh

- Không phải vì đệ thì vì ai

- Ừ tại đệ, là đệ sai

Ngữ khí thái tử mang theo ba phần cưng chiều lại có bảy phần yêu thương, vừa cúi nhìn gương mặt trong lòng lại thấy người kia sớm đã lạnh toát, hô hấp khó khăn, hơi thở vô cùng mỏng manh yếu ớt, mô hôi rịn đầy trán mới hốt hoảng truyền thái y. Trịnh thiếu lúc ấy lại chỉ mơ hồ cảm thấy bản thân rất mệt nhưng gặp được Nguyên Thực thật tốt. Một ngày trong cung quả thật rất dài, đâu đâu cũng đầy nguy hiểm, khi bị truy đuổi vây bắt lại chỉ sợ bản thân thật sự chết ở đây, sẽ chết khi chưa kịp nhìn thấy người ấy. Bây giờ được nằm trong lòng người kia, bao mỏi mệt cứ thế trút bỏ thần kinh bỗng rơi thẳng xuống vực sâu, thần trí đã lịm đi từ lúc nào không hay, chỉ lờ mờ nghe tiếng Nguyên Thực ồn ào hốt hoảng thật rất muốn dậy nói con người kia yên lặng một chút để mình nghỉ ngơi nhưng chân tay nặng trĩu mí mắt cũng không thể mở nổi. Các vết thương khắp cơ thể ngấm nước lạnh dần trở nên buốt thấu tận tâm can. Đau như vậy mà khi ở ngoài lại không hề cảm thấy chỉ một lòng muốn nhìn thấy người kia, đem lệnh bài về sớm một chút giúp đỡ đệ ấy. Tự cảm thấy bản thân anh dũng một hồi, Trịnh thiếu cuối cùng cũng rơi vào hôn mê sâu.

Chẳng biết đã ngủ bao lâu mà khi tỉnh lại lờ mờ cảm thấy bản thân như bị cởi sạch lau rửa từng vết thương. Bàn tay lau cho chàng còn run run lướt nhẹ qua từng vết thương vừa như an ủi lại vừa như nâng niu. Giống như sợ chàng sẽ đau mà còn thổi nhẹ lên chúng, chợt nhớ khi còn bé mỗi lần chàng bị đứt tay người kia cũng sẽ thổi cho chàng như thế, còn nói đó là cách chữa của thần tiên là bí truyền của Kim gia, mỗi lần thổi nhất định sẽ hết đau. Chàng tự cảm thấy buồn cười, gì mà thuốc tiên chứ, chỉ là cảm giác được người mình thương ân cần chăm sóc, tự nhiên lòng sẽ ấm lên mà quên đi vết thương da thịt thôi. Khoan. Thần kinh Trịnh thiếu từ từ load lại từ đầu,... chàng là đang bị cởi sạch sao? Bị cởi sạch???? ..... Tự an ủi bản thân chấp nhận thực tại chàng là người bị hôn mê, vết thương lại ở khắp người, không cởi ra có thể lau được sao. Dù nghĩ thế nhưng vẫn không thể khiến thần kinh mong manh của Trịnh thiếu ngừng kêu gào nội tâm một phen.

Toàn thân đều là vết thương dao kiếm, lại ngâm nước lạnh, cảm phong hàn khiến toàn thân nặng trĩu, đầu rất đau, chân tay không nghe lời, rất lạnh nên không thể ngủ được. Trong đầu dường như có cả vạn binh mã đang gióng trống khua chiêng trong đầu chàng. Đau đớn khó chịu nhưng hoàn toàn bất lực. Bỗng nhiên chàng cảm thấy có một vòng tay của ai đó ôm lấy mình, người này như sợ chàng sẽ cảm thấy lạnh nên đã cởi bỏ bớt y phục, thân thể tiếp xúc, quả nhiên ấm hơn rất nhiều. Bàn tay người này nhẹ nhàng vuốt gương mặt chàng, run run như sợ chàng sẽ biến mất. Trong cơn mê chàng còn mơ hồ cảm nhận được bờ môi ấm nóng rực lửa của người kia áp lên môi mình, còn có cả vị mặn chát của nước mắt, run run, nhẹ nhàng từ từ tiến vào. Lúc ấy Trịnh thiếu của chúng ta còn lờ mờ nghe tiếng pháo hoa nổ bùm bùm trên đỉnh đầu tự rủa xả tên lưu manh xảo quyệt nào đó nhân cơ hội chàng bất động mà chiếm lấy tiện nghi của mình. Cướp lấy nụ hôn đầu của Trịnh thiếu mà không thèm hỏi ý chàng lấy một câu, lại còn trong hoàn cảnh lãng xẹt thế này, tên kia quả thật quá sức ngạo mạn, ỷ thế mình là thái tử nên muốn vượt quyền lúc nào cũng được, quả là không đặt Trịnh thiếu chàng vào mắt !!! Còn tự hứa với bản thân khi tỉnh lại chắc chắn sẽ cho tên ngạo mạn nào đó một bài học.

Chuyện trả thủ của Trịnh thiếu cứ thế kéo dài cho đến khi tỉnh lại đã là ba ngày sau nữa. Hôn mê suốt 1 tuần vừa tỉnh lại liền nghe rất nhiều tin trong cung, nào là việc bè cánh Triệu đảng dần mất đi vài người, khỏi nói cũng biết chuyện này là do ai làm. Trước thế lực ngoài ép trong quẩy nhiễu, ngoại thích dần suy yếu. Thế lực Triệu gia mỏng dần. Những người mất đi dần được thay bằng người của thái tử. Triệu hoàng hậu lại chỉ có thể trân trân nhìn từng lớp từng lớp người Triệu gia bị diệt bỏ chỉ có thể nhìn mà không thể phản kháng thật giống như con cá nằm trên thớt chờ cho người ta xuống đao. Gốc rễ của thái tử cắm ngày một sâu mà không cần tới binh đao chiến loạn. Nguyên Thực quả nhiên rất biết nghĩ cho dân chúng. Chiến tranh nơi kinh thành bá tánh lầm than là điều không một vị quân vương nào mong muốn.

Cũng tối đó, vừa thay băng xong đang nằm tĩnh dưỡng đã thấy vị thái tử da mặt hơi dày nào đó xông xộc vào lều trại của mình như chốn không người Trịnh thiếu ảo não nghĩ rốt cuộc mình với người kia có thể hòa hợp ở đâu được vậy. Lại nghe người kia vừa đến đã tạo ra một mớ hỗn loạn ngó chàng từ đầu đến cuối, còn vạch áo ra xem, bàn tay còn nhân tiện sờ loạn trên người chàng lớn tiếng hỏi 

- Vân, huynh tỉnh rồi, vết thương thế nào?

- Ừ ta tỉnh rồi, nhưng đệ có thể đừng,...

Lời chưa kịp ra hết đã bị vòng ôm của người kia ngăn lại chặn cứng nơi cổ họng, bao lời trách móc dạy dỗ đều đành nuốt xuống, suy cho cùng người kia tuy mang dáng vẻ thái tử nhưng cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ lớn xác. Khi lo lắng cho ai sẽ không ngần ngại bộc lộ cho tất cả mọi người cùng thấy, khi vui mừng sẽ không chút giấu diếm mà cười to hào sảng, đuôi mắt cũng cong cong không còn dáng bộ lạnh lẽo xa cách luôn cố trưng diện ra nữa, như bây giờ đây. Mặc kệ Hàn thiếu tướng đang tâm không cam tình không nguyện đứng giữa doanh trại sừng sững chân tay thừa thãi muốn tự chọc mù bản thân bởi một màn tình cảm trước mắt, hai má lại chỉ có thể bất lực tố tội thân chủ đang vô cùng xấu hổ mà đỏ lựng lên như hai quả cà chua giữa chợ. Bất đắc dĩ phải e hèm một tiếng đánh hiệu cho hai kẻ đang không coi ai ra gì kia. Trịnh thiếu khẽ khều khều thái tử ra hiệu, một tay đẩy người này ra, đuôi mắt còn hấp háy nhìn về phía Hàn thiếu tướng trân trân giữa nhà khiến vị thái tử đáng kính mặt đầy bất mãn buông bỏ hai tay quay đầu nhìn Hàn thiếu tướng cháy bỏng khiến vị thiếu tướng kia đầu đầy vạch đen oan uổng nghĩ thầm: "Dù sao cũng không phải tại ta, ta đường đường là thiếu tướng, hai ngươi lại tự ý biến ta thành bóng đèn công suất lớn, ta còn chưa lên tiếng kêu oan, thái tử thiếu chủ nhà các ngươi lườm gì ta chứ." Trịnh thiếu cố nén cười rút đi ánh mắt khinh bỉ đang nhìn thái tử, cố trầm giọng hỏi:


- Đệ định giữ thế này đến khi nào?

- Không lâu đâu, thế lực Triệu đảng đang mỏng dần, đệ đã móc nối với thế lực của Khâm thành cùng với Lạc Môn cùng đồng thời gây sức ép, chắc chắn sẽ sớm ép Triệu thị phải ra mặt.

- Lệnh bài thì sao?

Nguyên Thực hơi nhíu mày đắn đo lát sau mới cất tiếng đáp trả:

- Chuyện huynh lấy cắp lệnh bài, Triệu thị chắc chắn đã sớm đoán ra, bà ta sẽ không bao giờ để yên chuyện này. Huynh mấy ngày này tốt nhất đừng ra ngoài, đệ sẽ cử thêm cận vệ cho huynh. Lệnh bài Đông quân đó, đệ tạm thời chưa muốn sử dụng đến.

Trịnh thiếu gật đầu im lặng, người này, quả nhiên là một minh quân tương lai suy tính an toàn cho thế cục quốc gia, mà cũng là chỗ dựa vững chắc cho chàng dù trong thời điểm rối ren nào đi nữa. Trong lòng bỗng trội dậy một đợt sóng ngầm vô cùng ấm áp.

Gió xuân tản mản vờn quanh ngọn đình lục giác trong cung, nhẹ nhàng thấp thoáng phản chiếu gương mặt hoàng đế đang say ngủ trên bàn gỗ. Nét mặt ngài tựa hồ như đang khó chịu, lông mày hơi nhíu không rõ là do nắng hay do giấc mơ trong tiềm thức. Vị công công tổng quản bên cạnh ngài, đến thở cũng không dám thở mạnh khom lưng thăm dò sắc mặt hoàng đế, chợt thấy ngài giật mình rơi cả áo choàng khoác hờ trên vai. Ánh mắt thảng thốt như vừa thấy điều gì kinh khủng lắm cũng lại như tràn ngập tiếc nuối hụt hẫng. Vừa rồi trong mơ, ngài đã nghe được giọng nói của người ấy ngày đó. Giọng nói hào sảng tuy yếu ớt nhưng lại vô cùng mạnh mẽ truyền qua lớp lớp thành lâu, đến thẳng tai ngài. Thống thiết, bi thương, mãnh liệt, mạnh mẽ khiến bản thân ngài dù qua bao nhiêu năm, trải qua bao nhiêu chuyện vẫn không thể quên. Đó là lời nói cuối cùng của huynh ấy, lời nói cuối cùng của Trịnh Trạch Vân để lại cho Kim Nguyên Thực. Vì giấc mơ của Nguyên Thực, Trạch Vân năm đó đến tính mạng mình cũng không chút ngoái đầu nuối tiếc.

Lần nào cũng thế, luôn là giấc mơ này, nhưng lại chỉ có thể mơ thấy hình ảnh huynh ấy máu me đầy người treo trên đài cao, màu đỏ chói lọi xuyên thẳng vào mắt ngài, gai góc, nhức nhối, dứt khoát đâm thẳng trái tim ngài, không chút nương tay. Nhưng gương mặt huynh ấy, ngài lại chẳng thể nhỉn rõ. Dù cố nhắm mắt tự huyễn bản thân nhưng cũng chẳng thể thấy được gì khác. Có lẽ vì duyên hết nên dù cố gắng bao nhiêu, một lần thấy nhau trong mơ cũng trở nên thật viển vông xa vời.

Hoàng đế ngẩng đầu lên hỏi "Đã đến giờ lên triều rồi sao?" vị công công tổng quản bên cạnh ngài hơi lưỡng lự trong chốc lát rồi cúi người đáp lại rằng bây giờ đã qua giờ Mùi 3 khắc, đã sắp đến giờ ngự thiện, ngài hôm nay đã ngủ trọn một ngày. Hoàng đế ngẩn người, vậy mà đã ngủ liền một ngày rồi sao, tinh thần gần đây quả nhiên vô cùng sa sút. Có lẽ, điều gì nên đến cũng đã sắp đến. Hoàng đế đứng dậy, khoác lại áo lông dậm bước về điện Long Khánh. Vị công công tổng quản phía sau ngài nhìn theo bóng lưng của người thần chủ đã hầu cận suốt bao lâu nay, chợt cảm thấy vô cùng cô quạnh, chênh vênh. Chênh vênh? Một vị hoàng đế trên vạn người cùng có thể dùng từ này để hình dung được sao? Nhưng khi nhìn lại, mười bốn năm nay một tay ngài ấy dựng lại giang sơn, nối liền Ly quốc sau thương tổn Triệu đảng gây ra, loại bỏ bóng dáng ngoại thích. Lại cũng vì bình thiên hạ mà ôm chấp niệm với cố nhân. Nghĩ về người kia, phong lưu tuấn nhã, nhẹ nhàng xa cách, khi hành xử lại vô cùng quyết đoán, tự mình chặt đứt đường lui của bản thân, lại cũng vì thiên hạ mà chặt đứt con đường đang dang dở. Suy cho cùng, cũng một lòng muốn tốt cho đối phương. Ngẩng đầu nhìn căn phòng đầy tranh treo trên tường,tất cả đều vẽ cùng một người, bạch y thiếu niên trong tranh vẫn giữ nguyên dáng vẻ mười bốn năm trước, duy chỉ có gương mặt là thiếu khuyết, không rõ là do người vẽ không muốn vẽ, hay vì không thể vẽ được, mà mỗi bức tranh lại đều loang mực một góc. Ai dám nói hoàng đế không cô đơn? Mười bốn năm nay, có ngày nào ngài ấy quên đi được chấp niệm với người kia.

Dường như tự ý thức được sức khỏe bản thân có lẽ không còn trụ được lâu nữa, hoàng đế quyết định sớm lập thái tử kế vị là cháu trai của mình, hiền tử của Quả Thân Vương, lại sớm viết di thư khiến cả hoàng cung Ly quốc náo động một phen. Vị công công trưởng quản cung Long Khánh khổ sở nỉ non bên tai van xin ngài giữ gìn long thể, đêm xuân gió lạnh xin đừng ra ngoài kẻo nhiễm thương hàn nhưng đều bị hoàng đế bỏ ngoài tai.

Môt mình ngài, nương theo ánh trăng đi dạo trong cung, đi thế nào lại đến Vọng Thành. Ngài ngẩng đầu, liệu năm đó ngài không khinh suất như thế, có phải chăng mọi chuyện đã khác, liệu năm đó ngài không nóng vội như thế có phải chăng ngôi vị quân hậu của ngài sẽ không khuyết đi người đó?

Hoàng đế đứng trân trân dưới đài đầu óc miên man thả trôi về những ký ức cũ. Bức thư đầu tiên đó của Triệu thị gửi đến, ngài đã nghĩ đó là chiến thư cầu hòa, Sáng sớm hôm sau, vị thái tử trẻ tuổi năm đó cùng Hàn thiếu tướng dẫn binh mã đến trước cổng thành, suốt nửa ngày chỉ là một màn im lìm dị thường, một bóng người dân đi lại trong thành cũng không có, yên ắng đến mức khiến người ta cảm thấy quái đản. Lờ mờ cảm thấy bất an, thái tử thúc ngựa gấp rút quay về doanh trại, lòng như lửa đốt thầm mong những dự cảm xấu trong lòng sẽ không thành sự thật. Huyết Mã chưa kịp dừng đã thấy thân ảnh thái tử như lướt đi trong không trung bay thẳng đến lều trại của người kia. Nhìn những binh lính đã ngã gục thê thảm trước lều gương mặt tím đen, môi trắng bệch, chân tay cứng đờ, hiển nhiên là trúng Thu Thủy độc – một loại độc dược thất truyền dân gian, khung cảnh hỗn độn bên trong lại cộng thêm vết máu trải dài khắp lều, hiển nhiên đã xảy ra một trận tranh đấu quyết liệt. Hoàng đế không nhớ lúc đó mình đã nổi giận ra sao, lo lắng như thế nào, tất cả đều không nhớ rõ. Liền một tuần, ám binh bất động, thư hăm dọa của Triệu thị vẫn gửi đến thường xuyên, đe dọa ngài chỉ cần có một chút động tĩnh phản kháng sẽ không đảm bảo người kia còn nguyên vẹn. Sáng hôm đó, khoảnh khắc nhìn thấy người kia bị treo cao trên đài, bạch y nhuốm đầy máu tươi đỏ chói nhức mắt, gương mặt không chút huyết sắc, làn hơi mỏng manh như có như không nhưng ánh mắt lại vẫn như thế, vẫn kiên quyết, mạnh mẽ, ấm áp hướng về phía ngài, nhìn thẳng nhau, như khẽ trấn an ngài rằng mình vẫn ổn. Nhìn xuống phía dưới, hai chân vô lực duỗi thẳng, máu tươi nhỏ từng giọt. Triệu thị này, hẳn là vì sợ người ấy chạy trốn, mà như vừa để đe dọa ngài, đã tàn độc xuống tay cắt gân chân của người ấy.

Cắt gân chân. Một đời tàn phế.

Triệu hoàng hậu quả nhiên không hổ danh là Triệu hoàng hậu, bà ta trên đài cao cùng với huynh trưởng của mình, Triệu Khiêm, đang nhướn mắt nhìn vị thái tử dưới đài đầy đắc ý. Ngài càng đau xót bao nhiêu, gương mặt càng thống khổ bọn chúng càng vui sướng chà đạp.

- Thái tử tự ý làm loạn, đứng đầu phản quân, thừa cơ hội hoàng thượng lâm trọng bệnh nảy sinh ý đồ cướp ngôi. Sai người thân cận của mình đi trộm lệnh bài thống lĩnh Đông quân đã bị bắt sống. Tội nhân thiên cổ ý đồ cướp ngôi của chính cha ruột mình, lòng dạ hiểm độc, bất hiếu, bất trung, bất kính, bất nghĩa, bất nhân. Là kẻ không thể tha thứ.

Những lời bịa đặt của bà ta, ngài năm đó hoàn toàn không để vào tai, nhưng dân chúng dưới đài lại một phen náo loạn. Ánh mắt chăm chăm nhìn về phía nam tử trên đài cao lại thấy người này dường như đang cố vận chút khí lực cuối cùng hét to từ trên đài:

- Trong lúc Triệu thị nhiếp chính, thiên tai không ngừng, nhưng lại không nghĩ cách an ủi thiên hạ chúng sinh, ngược lại còn bổ nhiệm quan lại tham ô cướp đi mồ hôi nước mắt nhân dân, khiến bá tánh lầm than cơ cực. Năm Vĩnh Thanh thứ 13 Triệu thị vì ghen tuông mà bức hại vô số thứ phi, rắn cắn, ống đồng, thuốc độc, cắt lưỡi, cắt bỏ tứ chi, không từ thủ đoạn. Từ khi hoàng thượng lâm bệnh, luôn lấn quyền hại chết trung thần, dung túng người Triệu gia làm loạn. Vĩnh Thanh năm thứ 16 vì phản đối mà tàn sát 3 tỉnh phía bắc, khiến Uyển thành 3 năm không mọc một bóng cây ngọn cỏ, quạnh quẽ đìa hiu. Tội ác vô số kể, hôm nay thái tử thay trời hành đạo trừ gian diệt bạo, đem lại thái bình cho thiên hạ. Hơn ba mươi vạn đại quân đang bao vây hoàng thành, lệnh bài Đồng quân là Hoàng thượng một lòng muốn truyền lại cho thái tử nhưng lại bị Triệu thị năm lần bảy lượt ngăn cản lừa dối. Nay ý trới đã tỏ, thời đại Triệu thị đã định sẵn đến ngày tàn lụi.

- Câm miệng !

Kiếm của Triệu Khiêm đâm thẳng vào người Trịnh thiếu, bắn ra một tia máu. Hắn trừng mắt với chàng, hận đến mức khóe mắt như sắp nứt ra nhưng lại vì e ngại thái tử mà chưa xuống đao thực sự giết chàng.

Giọt mưa chậm rãi rơi xuống, thiếu niên trên đài ngẩng cao đầu, hai tay vẫn bị treo ngược, mắt nhìn trời xanh vời vợi, hô to giọng nói:

- Thái tử hành quân ngày đêm mệt nhọc, vì sinh linh bá tánh, vì an nguy thiên hạ không màng đến bản thân, phàm là nhân sĩ lớn lên ở Ly quốc, chảy dòng máu Ly quốc hai mắt nên để quốc gia làm trọng, nhìn rõ tốt xấu, phân biệt trái phải, phò tá minh chủ, trừ diệt bạo quân.. !

- Im miệng !

Người trên đài kia còn như định nói tiếp đã bị tiếng gầm thét dưới thành cắt đứt ngang lời. Mà thanh âm ấy, lại rất đỗi quen thuộc, khi vui sẽ hào hứng gọi "Vân, đệ có cái này cho huynh xem,.." khi buồn sẽ im lặng một chỗ, gương mặt nhăn nhó như đứa trẻ bị cướp mất cây kẹo phụng phịu gọi tên chàng "Vân, huynh xem, đệ làm thế là đúng hay sai" thỉnh thoảng mơ thấy ác mộng cũng sẽ nỉ non gọi tên chàng "Vân, cứu đệ, Vân,.." giọng nói đó, từng thiên biến vạn hóa, muôn vàn sắc thái khác nhau, nhưng chỉ bộc lộ với riêng mình chàng, chỉ mình chàng được thấy. Ngước mắt nhìn xuống người kia từ trên đài cao, một người một ngựa giữa màn mưa mờ mịt, ánh mắt nhìn chàng bi ai thống thiết, giận dữ tuôn trào hỗn loạn đan xen.

- Câm miệng !

- Không !!!

Triệu Khiêm và vị thái tử trên lưng ngựa cùng nhau hét lên, Triệu Khiêm như đã phát điên, chặt đứt dây thừng trói hai tay chàng, điên cuồng đâm chém lên người chàng. Trong con đau mơ hồ, chàng thấy thoáng bên tai nghe tiếng rống vang của thái tử: "Triệu Khiêm, nếu ngươi còn dám tiếp tục,..." lời chưa kịp tiếp tục Triệu Khiêm đã ghì chặt chàng phía trước, kiếm ép sát ngang cổ một đường đỏ chói, đẩy chàng lên phía trước đài hét to xuống dưới: "Nếu thái tử khát khao thiên hạ này đến thế, ta sẽ cho ngươi ngồi lên ngai vị cũng phải dằn vặt suốt đời." Hăn túm lấy tóc chàng, đập đầu liên tiếp lên thành lâu, máu nhuốm đỏ cả gạch đá xanh trên thành. Lúc ấy, người ta chỉ kịp thấy chàng, dùng nốt chút khí lực cuối cùng, vòng tay ôm lấy cổ Triệu Khiêm chỉ kịp hét lên: "Thái tử đời này anh dũng nghiêm minh, được gặp gỡ đệ, là phúc phận của ta. Đời này, Trịnh Trạch Vân không còn gì nuối tiếc"

Nói xong, dốc toàn lực lao xuống thành. Trước khi chết, thời gian như trôi chậm hơn bao giờ hết, chàng thấy màn mưa bụi mờ mịt, bóng dáng Huyết Mã phóng đến nhanh như tia chớp. Giây phút cuối cùng, chàng thấy áo giáp người kia nhuốm đấy máu tươi và ánh mắt bi thương thống thiết nhìn chàng.

Triệu hoàng hậu sớm đã như hóa điên, hồ ngôn loạn ngữ hoàn toàn mất kiếm soát. Triệu gia như rắn mất đầu, chút hơi tàn dư đảng đều bị thái tử dẹp loạn. Thu dọn lại trường thành, bố trí đời sống cho lê dân bá tánh, một tháng sau đó, tân đế đăng cơ, đổi quốc hiệu thành Thuận Thiên, sắc phong quân hậu. Nhưng tuyệt nhiên không có đại tang. Liền ba năm, bá quan đại thần trên dưới liên tục dâng chiếu xin hoàng thượng lập hậu vị mới, nói rằng quân hậu đã hy sinh vì giang sơn xã tắc, công đức muôn đời, nhưng hậu cung không thể một ngày vô chủ, mà xã tắc cũng cần người kế vị. Nhưng tất cả đều bị ngài bỏ ngoài tai, còn xử phạt nặng những kẻ dám dâng tấu chương. Ngài còn đứng trước bá quan trong triều, dõng dạc tuyên bố: "Chỉ cần Nguyên Thực một ngày làm vua, quân hậu vẫn chỉ là Trạch Vân." Từ đó, không ai dâng chiếu nữa.

Sáng sớm hôm sau, khi tỉnh dậy trên long sàng, hoàng để ngẩn người tự hỏi mình đã về đây bằng cách nào, đêm qua đã đi đâu, nghĩ mãi, cũng chẳng thể nghĩ ra. Đêm đó, ngài lại một mình tới cung Trường An, ngủ ở đó liền một ngày không tỉnh, nước mắt đẫm gối. Ra chiếu chỉ giao toàn bộ chính sự cho thái tử, hoàng đế tự nhốt mình ở cung Trường An, ngày ngày tới lui chăm sóc cây lê góc vườn. Cũng mùa thu năm đó, hoàng cung mời về một vị đạo sĩ, tự xưng là Hư Đạo trưởng, chiêu hồn quân hậu.

Vị đạo sĩ này, nhìn qua quả thật rất có dáng vẻ tiên phong đạo cốt. Tay cầm cây phất trần, gương mặt thâm sâu khó dò. Vừa bước vào Trường An cung đã ngoái lại nhìn về phía cây lê đó, mỉm cười như chào hỏi. Lại chẳng biết vị đạo sĩ đó nói gì mà khiến tâm tình hoàng đế vui vẻ hẳn lên, còn ban thưởng cho cung nhân trong cung. Cũng tối hôm đó, ngài đuổi hết mọi người ra ngoài, một mình ở lại trong cung, sau khi dùng bữa, thay y phục chỉnh tề mỉm cười vui vẻ: "Vân, ông ấy nói ông ấy có thể nhìn thấy huynh, còn nói huynh vẫn luôn ở đây chờ đệ. Đệ biết huynh sao có thể vô tâm như thế được. Huynh thật ác độc, năm đó huynh làm như vậy, có biết là không cho đệ lấy một cơ hội cứu huynh hay không. Bây giờ, huynh đang ở đây, luôn bên cạnh đệ, cũng lại không cho đệ thấy huynh một lần. Thôi được rồi, đệ thừa nhận, là đệ nhớ huynh quá rồi, quốc sự đã ổn định, liền thu xếp chạy tới gặp huynh đây. Huynh, sẽ không chê đệ già xấu đấy chứ?"

Cây lê góc vườn xào xạc hoa bay, mùa thu năm Thuận Thiên thứ 14, hoàng đế băng hà.

  HOÀN CHÍNH VĂN.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro