Chí Phèo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

SBD: 21

Mảng: review

Đội: 1- HLV Tô 

Tag: bayhouse

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

CHÍ PHÈO 

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945 văn học Việt Nam giai đoạn năm 30-45 đã có sự phát triển vượt bậc của truyện ngắn và tiểu thuyết, đặc biệt là các tác phẩm mang chủ nghĩa nhân đạo. Và Nam Cao là một trong những tác giả tiêu biểu nhất với truyện ngắn kinh điển Chí Phèo.

*

Tại sao cùng là về đề tài người nông dân nhưng Chí Phèo của Nam Cao lại trở thành hình tượng kinh điển dù cho đề tài này đã được viết rất nhiều ( như "Tắt đèn" - Ngô Tất Tố; "Bước đường cùng" - Nguyễn Công Hoan,...)? Cái làm nên đặc sắc của Chí Phèo không chỉ là một người nông dân bần hàn, khổ cực, bị áp bức bóc lột. Đó không phải một người nông dân đáng mến, chân lấm tay bùn, hiền lành nhưng vẫn phải chịu khổ đau. Chí Phèo khiến người làng Vũ Đại thấy ghét, thấy sợ, là một con quỷ, là tên du côn làm tay sai cho bọn cường hào bá lý. Hắn trông thì gớm ghiếc "đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết."  Lại nát rượu, cứ say là chửi bới chẳng còn biết trời đất là đâu, chẳng được nước non gì chỉ biết món rạch mặt ăn vạ. Thế nhưng ở Chí Phèo người ta lại bàng hoàng, đau xót về cái bi kịch không lối thoát, đó là bi kịch bị tha hóa, bị từ chối quyền làm người, quyền được sống hạnh phúc của nhân vật Chí Phèo. Sự bức ép của xã hội, sự tuyệt vọng đến cùng cực đã đẩy Chí Phèo đến con đường tự sát và giết luôn cả kẻ thù của mình là Bá Kiến, đây là một cái kết không có hậu nhưng lại là cái kết hợp lý để giải quyết tất cả các nút thắt và bi kịch trong cuộc đời bất hạnh của Chí.

*

Tác phẩm kể về Chí Phèo, sinh ra là một đứa con hoang bị bỏ rơi trong lò gạch cũ, "bên trong một chiếc váy đụp, trần truồng và xám ngắt". Vì tính ghen tuông vô cớ mà Bá Kiến - lý trưởng của làng- đã đẩy anh vào tù, biến một anh nông dân khỏe mạnh, lương thiện, có lòng tự trọng thành "con quỷ dữ làng Vũ Đại".  Sau khi ra tù, Bá Kiến tiếp tục dụ dỗ Chí Phèo làm tay sai cho hắn, hoàn toàn đẩy anh vào con đường lưu manh hóa, từ đây cuộc đời Chí đã chẳng thể lương thiện lại. Cho đến khi gặp Thị Nở, những tưởng đó sẽ là ánh sáng hy vọng cứu rỗi cuộc đời anh, mang anh trở về xã hội, với con người bình thường thì bi kịch tiếp tục xảy ra khi Thị Nở từ chối anh. Bi kịch tiếp nối bi kịch, trong cơn say, Chí Phèo dường như thức tỉnh và nhận ra kẻ đã cướp đi bộ mặt và linh hồn mình  - Bá Kiến. Anh xách dao đến nhà Bá Kiến, đanh thép kết tội hắn ta và đòi làm người lương thiện. Kết cục, Chí đã vung dao đâm chết Bá Kiến và kết thúc cả cuộc đời mình.

Cái chết của Chí đã giúp tác phẩm hoàn thiện tất cả những giá trị cuối cùng, từ giá trị nội dung cho đến nghệ thuật, từ giá trị hiện thực đến giá trị nhân đạo.


Chí Phèo vốn sinh ra bất hạnh, bơ vơ từ nhỏ, tuổi thơ đi ở hết nhà này đến nhà khác. Có lẽ nếu không bị Bá Kiến đẩy vào tù vì những ghen tuông vô lý của mình, Chí cũng đã trở thành một người nông dân hiền lành, lương thiện. Nhưng cuối cùng, giai cấp thống trị và xã hội thối nát khiến người thanh niên ấy lưu manh hóa. Sinh ra đã không có ai, chết cũng không có ai khóc thương, chỉ có tiếng của người dân làng Vũ Đại xôn xao vì bất ngờ. Bị lưu manh hóa, bị người ta ruồng bỏ, mất cả nhân hình lẫn nhân tính. Vẻ ngoài của Chí khiến người ta ghê sợ y như một con quỷ, khi hắn nói cũng chẳng ai thèm nghe,"chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu".

Tác phẩm đã vẽ lên một bức tranh hiện thực về xã hội Việt Nam trước Cách Mạng tháng Tám: một bộ phận người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng, bị tha hóa và đỉnh điểm là cái chết của Chí Phèo khi nhận ra kẻ đứng sau mọi khổ đau của mình chính là bọn địa chủ, cường hào mà đứng đầu là Bá Kiến. Một bức tranh nông thôn hết sức ngột ngạt, đen tối với những xung đột giai cấp âm thầm quyết liệt mà ở đó con người bị tha hóa, hủy hoại cả nhân hình lẫn nhân tính nhưng lại không một ai giúp đỡ, cưu mang.

Qua Chí Phèo, Nam Cao đã khái quát được một quy luật đã hiện hữu trong thời đại lúc bấy giờ: những tên cường hào ác bá đè đầu, cưỡi cổ dân, đẩy những con người lương thiện vào con đường lưu manh hóa, để đến cuối cùng họ không thể quay trở lại làm người. Không chỉ có Chí Phèo mà còn có anh Binh, Năm Thọ. Chính Lý Kiến còn nói "Nhưng thói đời, tre già măng mọc, có bao giờ hết những thằng du côn". Việc nói về nguồn gốc xuất xứ của Chí Phèo ở đoạn đầu - "trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không" - rồi sau đó Chí chết, ta những tưởng đã khép lại câu chuyện ở đó nhưng vòng tuần hoàn lại được báo hiệu diễn ra khi Thị Nở nhìn về phía lò gạch ở những câu cuối cùng. Vậy là cái chết của Chí chỉ là cái chết của "một thằng đầu bò đầu bướu" bất kỳ, rồi sau này, chừng nào cái chế độ thối nát này chưa kết thúc là ngày đó sẽ còn những tên du côn khác ra đời.

Cái chết của Chí Phèo là cách phản kháng cuối cùng và dữ dội nhất đối với những bất công, độc ác và bóc lột của giai cấp thống trị đương thời. Đó là tiếng lòng của khát khao được sống lương thiện như những người bình thường. Khi mà Chí nhận ra "mặt nó không còn phải là mặt người, nó là vật của một con vật lạ", khi mà hắn nhận ra hắn đã già mà vẫn còn cô độc và khi mà hắn gặp Thị Nở, người đầu tiên quan tâm đến hắn. Cũng là cái chết khi không còn ai chấp nhận hắn, kể cả Nở, khi hắn sống nhưng người chẳng ra người, quỷ chẳng quỷ, chỉ có say rượu và cô độc đến già. Thế nên hắn ước được lương thiện. Để hắn trở về với xã hội, với mọi người, để được cảm nhận tình yêu thương, cảm nhận "bát cháo hành". Những câu cuối cùng Chí nói với Bá Kiến gây ám ảnh biết bao cho người đọc: "Tao muốn làm người lương thiện!", " Ai cho tao lương thiện?". Cái chết đó không chỉ là cách Chí kết thúc khổ đau khi đã lâm vào đường cùng tuyệt vọng, đó là sự thức tỉnh nhận ra tội ác của kẻ thù, của bọn người đã đày Chí đến cảnh ngộ này. Đó cũng là lời lên án, tố cáo chính quyền xã hội cũ, ước mơ rằng kẻ ác sẽ bị trừng trị thích đáng.


Thế nhưng câu chuyện vẫn quá bi thương và ta cũng chẳng thể tìm được lối giải thoát nào khác cho Chí Phèo.

*

Kết cục thảm thương của Chí Phèo là dấu ấn lớn nhất trong tác phẩm, để lại nhiều dư vị lắng đọng cho người đọc làm nổi bật và chứng minh được tài năng văn chương của Nam Cao.  Chính cái chết ấy ta mới nhận ra sự đúng đắn của ý kiến "Chí Phèo vừa là một gã mất trí vừa là người có đầu óc sáng suốt nhất làng Vũ Đại."

quanh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro