p1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chưa kể tới hàng loạt các lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp. Một trong những vấn đề quan tâm hiện nay đối với dư luận xã hội là cơ chế quản lý giá bán lẻ xăng dầu. Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CPcủa Chính phủ ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 84), quản lý giá bán xăng dầu được thực hiện trên nguyên tắc cơ chế thị trường với sự quản lý của nhà nước, nhưng hiện nay thị trường xăng dầu thực chất vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường.

1. Những bất cập trên thị trường xăng dầu

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện vẫn chưa hoàn toàn có thực quyền về xác định giá bán như các văn bản quy định

Để đảm bảo ổn định mặt bằng giá, tránh những xáo trộn lớn về giá cả ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng, mặt bằng giá xăng dầu được Nhà nước giữ tương đối ổn định trong những khoảng thời gian tương đối dài, bất chấp thị trường có biến động lớn. Nhà nước can thiệp vào giá cả xăng dầu thông qua các công cụ tài chính. Khi giá xăng dầu thế giới xuống thấp, giá bán xăng dầu trong nước thường không được điều chỉnh xuống theo, mà giữ nguyên để tăng phần thu của Nhà nước thông qua tăng thuế suất thuế nhập khẩu và các khoản thu khác, thậm chí để doanh nghiệp có thể bố trí trả những khoản được Nhà nước “bù lỗ” trước đó. Ngược lại, khi giá thị trường thế giới lên cao, giá trong nước lại chỉ được điều chỉnh lên ít hơn và Nhà nước lại phải cắt giảm các khoản thu, thậm chí còn phải hỗ trợ tài chính (bù lỗ) thông qua quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp.

Nói cách khác là hiện nay, việc định giá bán lẻ xăng dầu phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước - người tiêu dùng - doanh nghiệp. Điều này đã làm bóp méo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường xăng dầu. Trong trường hợp có sự biến động về giá xăng dầu trên thị trường thế giới, cả Nhà nước và doanh nghiệp đều rơi vào thế bị động.

Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường xăng dầu là rất thấp

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong cạnh tranh là phải đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng về giá. Nghịch lý cho thấy, mặc dù giá vốn của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khác nhau; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện kinh doanh; lãi, lỗ của các doanh nghiệp này cũng khác nhau, nhưng trên thực tế, hệ thống phân phối bán lẻ của nước ta vẫn là hệ thống cửa hàng “một giá”. Như vậy, các doanh nghiệpkhông có sự cạnh tranh về giá trên thị trường xăng dầu. Điều này đã làm triệt tiêu động lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường xăng dầu của Việt Nam, gây tác động tiêu cực đến lợi ích của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, những bất cập về cấu trúc thị trường cũng là một vấn đề lớn gây nên bất ổn trên thị trường xăng dầu hiện nay. Trong khi hệ thống phân phối vươn rộng khắp cả nước với 344 tổng đại lý, 4.632 đại lý và hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ, có sự góp mặt đa dạng của các thành phần kinh tế, thì ở phân khúc nhập khẩu xăng dầu chỉ có 10 doanh nghiệp tham gia, đều là doanh nghiệp nhà nước. 10 doanh nghiệp là xét về số lượng, còn trên thực tế, thị trường kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đang bị chi phối bởi Petrolimex.

Nhìn vào Bảng 1 ta có thể thấy, xét về tổng quan thị trường thì Petrolimex là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nhập khẩu xăng (mức thị phần gần 60%). Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm ở đây là ngoài Petrolimex, nhóm doanh nghiệp còn lại trên thị trường có quy mô và thị phần tương đối nhỏ so với Petrolimex (có thị phần khoảng trên dưới 10%) nên rất khó để các doanh nghiệp này có thể cạnh tranh bình đẳng với Petrolimex.

Rào cản gia nhập thị trường xăng dầu là quá cao

Một trong những thước đo rào cản thị trường là số lượng doanh nghiệp trên thị trường, số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường theo thời gian. Bảng 2 dưới đây thống kê số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam trong vòng 10 năm gần đây.

Nhìn vào bảng trên có thể thấy, sự thay đổi về số lượng doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong 10 năm gần đây là hầu như không có. Trên thực tế chỉ có duy nhất hai sự thay đổi năm 2008, khi Công ty Petechim và Công ty PDC hợp nhất trở thành Công ty PVOil và năm 2010 khi Công ty Petec bị sáp nhập vào công ty PVOil. Việc hợp nhất và sáp nhập này về cơ bản không tăng thêm doanh nghiệp mới cho thị trường và cũng không làm mất đi các nhân tố hiện tại trên thị trường. Như vậy có thể thấy, thị trường nhập khẩu xăng dầu có rào cản rất cao và khả năng gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới là không có. Vậy đâu là câu trả lời cho việc không có các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường xăng dầu?

- Chi phí đầu tư ban đầu để gia nhập thị trường xăng dầu là tương đối lớn. Theo Điều 7 Nghị định 84, doanh nghiệp muốn tham gia xuất nhập khẩu xăng dầu cần thỏa mãn những điều kiện sau về quy mô (có thể sở hữu hoặc thuê từ năm năm trở lên):

+ Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn;

+ Có kho tiếp nhận dung tích tối thiểu 15.000 m3;

+ Có phương tiện vận tải chuyên dụng;

+ Có ít nhất 10 cửa hàng bán lẻ;

+ Có ít nhất 40 đại lý bán lẻ.

Xem xét những điều kiện pháp luật quy định, có thể thấy, hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đòi hỏi một sự đầu tư lớn, chỉ những doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực mạnh mới có thể đáp ứng, điều này cũng đặt ra một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, bằng nguồn vốn tự huy động có thể xây dựng và tạo lập một cơ sở hạ tầng theo quy định để chen chân vào hình thức kinh doanh xăng dầu này. Như vậy, có thể kết luận, chi phí đầu tư ban đầu là rào cản lớn đối với việc gia nhập thị trường nhập khẩu xăng dầu.

- Một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp tiềm năng trên thị trường nhập khẩu xăng dầu là việc tồn tại hợp đồng độc quyền giữa các doanh nghiệp nhập khẩu và các nhà phân phối (kể cả bán buôn và bán lẻ). Điều đáng ngạc nhiên là những hợp đồng độc quyền này lại bắt nguồn từ các quy định pháp luật (Điều 17 Nghị định số 55 trước đây và Nghị định 84 hiện nay). Theo đó, mỗi thương nhân trong chuỗi kinh doanh xăng dầu chỉ được phép mua sản phẩm từ một thương nhân duy nhất ở tuyến trước. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp mới không có khả năng gia nhập thị trường ở những phân khúc đã bão hòa (đối với các thị trường khác, một doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả vẫn có thể gia nhập thị trường đã bão hòa bằng cách lấy bớt thị phần của các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hơn). Trong khi đó, thị trường phân phối xăng dầu gần như đã bão hòa tại các phân khúc thị trường chủ chốt và lợi nhuận cao.

Tuy quy định trên xuất phát từ mục tiêu đảm bảo trách nhiệm về chất lượng của các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, nhưng tính hạn chế cạnh tranh của quy định như vậy là quá cao và triệt tiêu động cơ cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối. Vì vậy, đây là một rào cản chiến lược quan trọng đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường.

- So với các loại hàng hóa khác, kinh doanh xăng dầu là một ngành đặc thù, đòi hỏi phải đáp ứng những quy định của pháp luật về chủ thể kinh doanh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ nhân viên cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Hiện nay kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật bao gồm các hoạt động: xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu); nhập khẩu; sản xuất và phân phối. Thương nhân kinh doanh xăng dầu bao gồm: thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; thương nhân sản xuất xăng dầu; thương nhân làm tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu; thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu. Mỗi hình thức kinh doanh xăng dầu đều có các quy định khác nhau nhằm đảm bảo một trật tự nhất định đối với loại hàng hóa đặc biệt này. Đây cũng là một trong những rào cản đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường.

2. Một số giải pháp

Nhằm khắc phục những tồn tại của thị trường xăng dầu, cải thiện môi trường cạnh tranh, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị sau:

- Thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường thông qua việc hạn chế sự can thiệp của Nhà nước

Việc vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường đồng nghĩa với việc phải có cạnh tranh về giá bán của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Muốn vậy, nên giao quyền quyết định giá bán lẻ cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để họ điều tiết thị trường, để tạo được sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đến từng đại lý, cửa hàng, cây xăng…

Nhà nước chỉ can thiệp vào thị trường trong điều kiện thị trường khủng hoảng, hoặc có những sự biến động mạnh về giá trên thị trường thế giới (ví dụ, năm 2008, trong một đêm, giá đã tăng vài chục USD/thùng; hay khi giá rơi tự do, giảm sâu; hoặc có biểu hiện mất cân đối về cung  - cầu) nhưng vẫn phải minh bạch. Còn trong hoàn cảnh nền kinh tế phát triển bình thường, nên trao cho doanh nghiệp quyền chủ động quyết định giá bán phù hợp với cung - cầu và biến động của thị trường thế giới. Nhà nước chỉ nên can thiệp ở mức độ hợp lý thông qua các công cụ điều tiết như quy hoạch, thuế, các loại chi phí, các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường hoặc sử dụng kho dữ trữ xăng dầu quốc gia chứ không phải bằng các thủ tục hành chính hay các ràng buộc mức tăng giảm và tần suất tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Các cơ quan quản lý, trong đó có các cơ quan quản lý cạnh tranh phải tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm này.

- Cấu trúc lại thị trường xăng dầu

Để đảm bảo sự cân đối của thị trường và tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, chúng tôi khuyến nghị cấu trúc lại thị trường xăng dầu theo hướng:

a) Phân định lại quyền sở hữu hệ thống cầu cảng, kho tiếp nhận, thiết bị vận chuyển chuyên dụng

Chi phí đầu tư ban đầu để gia nhập thị trường xăng dầu là tương đối lớn, trong đó tập trung chủ yếu vào việc đầu tư các cầu cảng, kho tiếp nhận, thiết bị vận chuyển chuyên dụng. Trong khi hiện nay, do lịch sử để lại, một số doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối lớn như Petrolimex đang sở hữu phần lớn hệ thống này. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhỏ so với các doanh nghiệp khác. Do vậy, việc phân định lại quyền sở hữu hệ thống kho/cảng, bến bãi, hệ thống thiết bị vận chuyển và phân phối xăng dầu theo hướng tách phần sở hữu hệ thống này ra cho một doanh nghiệp độc lập quản lý và khai thác sẽ tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Khi đó, các doanh nghiệp khó có cơ hội tận dụng lợi thế nhờ sở hữu các hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật này và phải thuê bình đẳng như các doanh nghiệp khác trên thị trường. Khi lợi thế cạnh tranh về cơ sở hạ tầng ngang bằng nhau giữa các doanh nghiệp, họ phải tận dụng các lợi thế cạnh tranh khác như khai thác công nghệ, nâng cao chất lượng, dịch vụ để có thể cạnh tranh trên thị trường

b) Cơ cấu lại các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối

Với việc cả 10 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối hiện nay đều là doanh nghiệp nhà nước thì sức ỳ của các doanh nghiệp này là rất lớn, đồng nghĩa với sức cạnh tranh của thị trường là không cao. Vì thế, một mặt để tận dụng các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời làm thu hẹp khoảng cách về thị phần giữa các doanh nghiệp nhằm tạo sự cân đối trên thị trường nhập khẩu xăng dầu, tăng động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, chúng tôi khuyến nghị nên giảm số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối bằng cách cho sáp nhập một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có thị phần nhỏ lại với nhau.

Tháng 2/2010, Công ty Petec đã được sáp nhập vào Công ty PVOIL và như vậy, thị phần của công ty PVOIL trên một số thị trường liên quan đã tăng trên dưới 20%. Ví dụ, sau khi sáp nhập, trong thị trường phân phối dầu Diezel, thị phần của Công ty PVOIL đã tăng lên 23,6%, trong khi thị phần của Petrolimex trên thị trường này là khoảng 46%. Như vậy khoảng cách thị phần giữa Petrolimex với nhóm các doanh nghiệp còn lại đã giảm đi đáng kể.

Một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia cũng chỉ có vài ba đầu mối nhập khẩu, nhưng tính cạnh tranh rất cao. Do đó, chỉ cần vài ba doanh nghiệp đủ mạnh, đủ sức để cạnh tranh với nhau và cạnh tranh quốc tế, thì sẽ đảm bảo có được một thị trường cạnh tranh thực sự.

- Giảm rào cản gia nhập thị trường để thị trường để khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia kinh doanh bán buôn/bán lẻ xăng dầu

Quy định mới của Chính phủ về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh phân phối xăng dầu cho phép thương nhân chỉ cần là doanh nghiệp (không bắt buộc phải là doanh nghiệp nhà nước) đều được cấp giấy phép kinh doanh phân phối xăng dầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh phân phối xăng dầu như có kho bể dung tích tối thiểu 5.000m3, có tối thiểu năm cửa hàng bán lẻ, 20 đại lý bán lẻ xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đồng sở hữu hoặc thuê dài hạn…

Để tạo lập một sân chơi cạnh tranh, Nhà nước cần tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn với việc xóa bỏ rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đồng thời cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối của mình trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển ngành xăng dầu nói chung, từ đó tích tụ để tạo ra nhân tố mới, cân bằng thị trường xăng dầu hiện nay với lợi thế đang nghiêng hẳn về phía Petrolimex.

ThS. Trịnh Anh Tuấn - Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

IV.Kết luận ( biện pháp )

Dầu khí là loại năng lượng vô cùng quan trọng đối với mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tếthế giới, để đảm bảo nhu cầu năng lượng dầu khí cho sự tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần thực hiện thành công các mục tiêu sau:

(1) phát triển thị trường xăng dầu và khí trong nước;

(2) nâng cao khả cung ứng xăng dầu và khí sản xuất từ trong nước;

(3) sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

(4) phát triển các loại nhiên liệu sinh học;

(5) kiểm soát sự ô nhiễm của quá trình sử dụng dầu khí.

Phát triển thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh là yếu tố quan trọng để đảm bảo cung cầu dầu khí cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, theo xu hướng chung của các quốc gia Việt Nam cần nhanh chóng mở cửa thị trường xăng dầu trong nước để hội nhập với thị trường xăng dầu thế giới, nhằm tạo động lực mới cho các hoạt động cạnh tranh. Ngoài ra để phát triển thị trường, Chính phủ cần đẩy mạnh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh xăng dầu kém hiệu quả, đồng thời giảm mạnh và tiến đến xoá bỏ các hình thức trợ cấp giá xăng dầu. Để đồng bộ, đối với các thị trường cung cấp năng lượng khác (điện, than), Chính phủ cũng cần xoá bỏ trợ cấp giá và khuyến khích nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Xoá bỏ trợ giá tất cả các loại năng lượng, sẽ làm cho việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Chính phủ phải minh bạch hoá những thông tin liên quan đến thị trường xăng dầu (giá xăng dầu khí thế giới, các mức thuế phí trong giá xăng dầu, tình hình tồn và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu). Để kiểm soát tình trạng độc quyền và lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu, Chính phủ cần quy định về khoảng thời gian điều chỉnh giá bán lẻ (giữa 2 lần liên tiếp); giá cơ sở (nên tính giá cơ sở theo giá bình quân thế giới trong 10 ngày, hiện nay là 30 ngày); lợi nhuận định mức của doanh nghiệp đầu mối; định mức thù lao đại lý.

Việt Nam có trữ lượng tài nguyên dầu khí tương đối khá, nhưng hoạt động khai thác đang gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu sử dụng lại không ngừng gia tăng. Để tăng khả năng cung ứng dầu khí đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh tiến độ xây dựng các nhà máy lọc hoá dầu và thực hiện chiến lược đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, thông qua các hiệp định hợp tác chiến lược mua dầu thô hoặc trao đổi gạo, nông sản (thế mạnh của Việt Nam) với các quốc gia có quan hệ tốt và trữ lượng dầu khí lớn như: Arab Saudi, Kuwait, Iraq, Nga, Kazakhstan, Venezuela. Ngoài ra để đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, Chính phủ phải tăng cường kiểm soát ô nhiễm do sử dụng dầu khí. Chính phủ cần thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học, nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm phụ thuộc quá nhiều vào dầu khí. Điều cuối cùng, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp và cố gắng hoàn tất với thời gian ngắn nhất, để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững trong thế kỷ21 .

Tổng quan về nhiên liệu sinh học

Nhiên Liệu Sinh Học – Xu Hướng Năng Lượng Tất Yếu

Nhu cầu năng lượng của loài người đã hiện diện cách nay hàng trăm ngàn năm, khi con người biết dùng lửa trong hoạt động hàng ngày để nướng thịt, đuổi thú dữ, đốt rừng làm rẫy. Kể từ đó, nguồn năng lượng từ vật rắn như gỗ cây ngày càng trở nên quan trọng, có hơn hai tỉ người trên thế giới đang dùng chất đốt rắn trong gia đình để nấu nướng và sưởi ấm mùa đông. Năng lượng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. An ninh quốc gia, an ninh kinh tế luôn gắn liền với an ninh năng lượng của một quốc gia. Vì vậy trong chính sách phát triển kinh tế, xã hội bền vững, chính sách năng lượng nên được đặt lên hàng đầu.

Vào thế kỷ 19, gỗ là nguồn năng lượng làm máy chạy bằng hơi nước phổ thông trong ngành chuyên chở, giúp phát triển mạnh công nghiệp cơ giới. Sau đó, con người chế tạo máy phát điện cung cấp nguồn điện năng mới có nhiều công dụng cho đời sống hàng ngày và thay thế dần những máy chạy bằng hơi nước. Khi tìm thấy nguồn nhiên liệu trầm tích như than đá, dầu hỏa và khí đốt, con người tăng tốc sử dụng loại năng lượng không tái tạo này để chạy máy nổ, chủ yếu trong ngành vận tải, nhiệt và điện năng. Loại nhiên liệu thể lỏng (xăng dầu) trở nên thông dụng hơn trong ngành chuyển vận vì có tỉ trọng năng lượng cao, dễ sử dụng hơn loại nhiên liệu khí và rắn, và từ đó nguồn năng lượng rắn được sử dụng giảm dần.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế năng lượng, dầu mỏ và khí đốt hiện chiếm khoảng 60-80% cán cân năng lượng thế giới. Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay và trữ lượng dầu mỏ hiện có, nguồn năng lượng này sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt trong vòng 40-50 năm nữa. Diễn biến phức tạp của giá xăng dầu gần đây là do nhu cầu dầu thô ngày càng lớn và những bất ổn chính trị tại những nước sản xuất dầu mỏ. Để đối phó tình hình đó, cần tìm ra các nguồn năng lượng thay thế, ưu tiên hàng đầu cho các nguồn năng lượng tái sinh và thân thiện với môi trường.

Trong số các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đang sử dụng hiện nay (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân,…), năng lượng sinh học đang là xu thế phát triển tất yếu, nhất là ở các nước nông nghiệp và nhập khẩu nhiên liệu, do các lợi ích của nó như: công nghệ sản xuất không quá phức tạp, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, không cần thay đổi cấu trúc động cơ cũng như cơ sở hạ tầng hiện có và giá thành cạnh tranh so với xăng dầu.

Các loại nhiên liệu sinh học 

NLSH là những nhiên liệu có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối như củi, gỗ, rơm, trấu, phân và mỡ động vật... nhưng đây chỉ là những dạng nhiên liệu thô. NLSH dùng cho giao thông vận tải chủ yếu gồm: các loại cồn sản xuất bằng công nghệ sinh học để sản xuất ra Gasohol (Methanol, Ethanol, Buthanol, nhiên liệu tổng hợp Fischer Tropsch); các loại dầu sinh học để sản xuất diesel sinh học (dầu thực vật, dầu thực vật phế thải, mỡ động vật). Hay nói cách khác; NLSH là loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật (sinh học). Ví dụ như nhiên liệu chế xuất từ chất béo của động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa,...), ngũ cốc (lúa mỳ, ngô, đậu tương...), chất thải trong nông nghiệp (rơm rạ, phân,...), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, sản phẩm gỗ thải...), Loại nhiên liệu này có nhiều ưu điểm nổi bật so với các loại nhiên liệu truyền thống (dầu khí, than đá...):

Tính chất thân thiện với môi trường: chúng sinh ra ít hàm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (một hiệu ứng vật lý khiến Trái Đất nóng lên) và ít gây ô nhiễm môi trường hơn các loại nhiên liệu truyền thống.

Nguồn nhiên liệu tái sinh: các nhiên liệu này lấy từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và có thể tái sinh. Chúng giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn tài nguyên nhiên liệu không tái sinh truyền thống.

Tuy nhiên hiện nay vấn đề sử dụng NLSH vào đời sống còn nhiều hạn chế do chưa hạ được giá thành sản xuất xuống thấp hơn so với nhiên liệu truyền thống. Trong tương lai, khi nguồn nhiên liệu truyền thống cạn kiệt, NLSH có khả năng là nguồn thay thế.

NLSH là khái niệm chung chỉ tất cả những dạng nhiên liệu có nguồn gốc sinh học, có thể tạm chia làm mấy nhóm sau:

1. Nhiên liệu lỏng:

Bao gồm Bio-metanol, Bio-ethanol, Bio-butanol… Trong số các dạng NLSH này, Bio-ethanol là loại nhiên liệu thông dụng nhất hiện nay trên thế giới vì có khả năng sản xuất ở quy mô công nghiệp từ nguyên liệu chứa đường như mía, củ cải đường và nguyên liệu chứa tinh bột như ngũ cốc, khoai tây, sắn…

Có thông tin cho rằng xăng chứa ethanol có trị số octane cao hơn xăng thường nên động cơ mau nóng hơn, máy cũng mau hao mòn hơn, nhất là các vòng đệm cao su bị trương nở do ethanol. Cũng có ý kiến cho rằng bất lợi của Ethanol là tính hút ẩm của nó nên xăng pha ethanol có xu hướng hút ẩm làm cho gasohol bị nhiễm nước gây khó khởi động động cơ, làm rỉ sét kim loại, hư mòn chất nhựa (plastic), nên để sử dụng gasohol đòi hỏi phải thay đổi vật liệu làm động cơ, phải bảo trì xe thường xuyên. Bồn chứa xăng pha ethanol cũng phải làm từ kim loại đặc biệt, việc chuyên chở cũng khó khăn hơn xăng thường. Tuy nhiên, trong thực tế việc nóng động cơ hơn mức bình thường có nguyên nhân từ việc sử dụng xăng có trị số octane (RON) thấp hơn so với yêu cầu kỹ thuật của động cơ (tỷ số nén) và khuyến cáo của nhà sản xuất. Cả lý thuyết và thực nghiệm đều cho thấy khi pha thêm ethanol vào xăng thì trị số octane của xăng pha ethanol cao hơn xăng thường do vậy sẽ giúp động cơ hoạt động hiệu quả hơn. Tính hút ẩm cao của ethanol trên thực tế giúp cho xăng có pha ethanol có tính “hòa tan” nước cao hơn xăng thường ở một tỷ lệ nhất định, giúp tăng khả năng chống tách nước của nhiên liệu qua đó hạn chế hiện tượng tách nước trong bồn chứa xăng. Các yêu cầu kỹ thuật đặt ra hiện nay nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc của xăng pha ethanol với nước (ẩm) tại các kho chứa, CHXD, phương tiện chuyên chở, … với mục tiêu chính là đảm bảo chất lượng, giảm hao hụt nhiên liệu (do ethanol tan vô hạn trong nước) phục vụ cho các Nhà kinh doanh xăng dầu. Ethanol hoặc xăng pha ethanol với hàm lượng cao cũng gây biến tính, làm hỏng các vật liệu cao su hoặc nhựa (plastic) thông thường. Tuy nhiên với xu thế hướng đến việc sử dụng các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, các nhà sản xuất xe đã có cải tiến vật liệu để phù hợp với nhiên liệu sinh học đặc biệt là xăng pha ethanol do tính ưu việt và phổ dụng của loại nhiên liệu này. Theo thống kê đã có 27 hãng xe trên thế giới khuyến cáo sản phẩm của mình tương thích với xăng pha ethanol có hàm lượng ethanol đến 10% V (E10). Tương tự các quốc giá khác như Thái lan, Philippines, tại Việt Nam, các loại xe máy sản xuất từ 1990 trở lại đây đều có thể sử dụng xăng pha ethanol đến 10% V. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: bồn, bể chứa, cột bơm xăng, xe bồn vận chuyển xăng, … do đã được đầu tư từ khá lâu nên khi chuyển sang sử dụng cho xăng pha ethanol cần phải có những hoán đổi cho phù hợp nhưng việc thay đổi này khá đơn giản và không tốn nhiều thời gian, chi phí. Đối với các xe bồn, cột bơm mới đầu tư thì hầu hết đã được thiết kế phù hợp cho việc sử dụng xăng pha ethanol.

Diesel sinh học (BioDiesel): Diesel sinh học là một loại nhiên liệu có tính chất tương đương với nhiên liệu dầu diesel nhưng không phải được sản xuất từ dầu mỏ mà được sản xuất từ dầu thực vật hay mỡ động vật bằng phản ứng chuyển hóa este (transesterification). Các chất dầu [còn gọi là fatty acid methyl (hay ethyl) ester (FARME)] trộn với sodium hydroxide và methanol (hay ethanol) tạo ra dầu diesel sinh học và glycerine bằng phản ứng chuyển hóa este.

2. Khí sinh học (Biogas):

Biogas hay khí sinh học là hỗn hợp khí methane (CH4) và một số khí khác phát sinh từ sự phân huỷ các vật chất hữu cơ trong môi trường yếm khí. Thành phần chính của Biogas là CH4 (50-60%) và CO2 (>30%) còn lại là các chất khác như hơi nước N2, O2, H2S, CO, … được thuỷ phân trong môi trường yếm khí, xúc tác nhờ nhiệt độ từ 20-40ºC, do đó có thể sử dụng biogas làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Để sử dụng biogas làm nhiên liệu thì phải xử lý biogas trước khi sử dụng tạo nên hỗn hợp nổ với không khí. Khí H2S có thể ăn mòn các chi tiết trong động cơ, sản phẩm của nó là SOx cũng là một khí rất độc. Hơi nước có hàm lượng nhỏ nhưng ảnh hưởng đáng kể đến nhiệt độ ngọn lửa, giới hạn cháy, nhiệt trị thấp và tỷ lệ không khí/nhiên liệu của Biogas.

3. Nhiên liệu sinh học rắn:

Một số loại nhiên liệu sinh học rắn mà các nước đang phát triển sử dụng hàng ngày trong công việc nấu nướng hay sưởi ấm là gỗ, và các loại phân thú khô.

Nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học 

Nguyên liệu để sản xuất Nhiên liệu sinh học rất đa dạng, phong phú, bao gồm:

Nông sản: sắn, ngô, mía, củ cải đường…

Cây có dầu: lạc, đậu tương, cây hướng dương, dừa, cọ dầu, jatropha…

Chất thải dư thừa: sinh khối phế thải, rơm rạ, thân cây bắp, gỗ, bã mía, vỏ trấu…

Mỡ cá

Tảo

Tùy theo lợi thế về nguồn nguyên liệu của mỗi quốc gia, người ta lại chọn những loại nguyên liệu phù hợp để sản xuất NLSH. Ví dụ như Brasil sản xuất ethanol chủ yếu từ mía, ở Mỹ là từ ngô.

Công Nghệ Sản Xuất Nhiên Liệu Sinh Học:

Thế hệ thứ 1:

Nhiên liệu sinh học thế hệ đầu tiên được làm từ các loại cây trồng có hàm lượng đường và tinh bột cao (sản xuất gasohol), dầu thực vật hoặc mỡ động vật (sản xuất Biodiesel). Tinh bột từ các loại ngũ cốc được chuyển hóa thành đường rồi lên men thành Bioethanol. Trong khi đó, dầu thực vật (được ép từ các loại cây có dầu ) hoặc mỡ động vật được trộn với ethanol (hoặc methanol) có sự hiện diện của chất xúc tác sẽ sinh ra Biodiesel và glycerine bằng phản ứng chuyển hóa este.

Thế hệ thứ 2:

Nhiên liệu sinh học thế hệ 1 bị hạn chế bởi khả năng mở rộng diện tích đất trồng trọt hiện nay để trồng các loại cây thích hợp là có hạn và các công nghệ truyền thống sử dụng để chuyển đổi các nguồn nguyên liệu này thành NLSH còn bị hạn chế bởi hiệu quả và phương pháp xử lý.

Vì vậy người ta đã hướng tới nhiên liệu sinh học thế hệ 2. Loại NLSH này được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sinh khối, qua nghiền sấy rồi lên men thành nhiên liệu sinh học. Các nguyên liệu này được gọi là “sinh khối xenluloza” có nguồn gốc từ  chất thải nông nghiệp, chất thải rừng, chất thải rắn đô thị, các sản phẩm phụ từ quá trình chế biến thực phẩm hoặc loại cỏ sinh trưởng nhanh như rơm, rạ, bã mía, vỏ trấu, cỏ…

Thế hệ thứ 3:

Nhiên liệu sinh học thế hệ thứ ba được chế tạo từ các loài vi tảo trong nước, trên đất ẩm, sinh ra nhiều năng lượng (7-30 lần) hơn nhiên liệu sinh học thế hệ trước trên cùng diện tích trồng. Sản lượng dầu trên một diện tích 0,4 ha tảo là từ 20.000 lít/năm đến 80.000 lít/năm. Ngoài ra, loài tảo bị thoái hóa sinh học không làm hư hại môi trường xung quanh. Theo ước tính của Bộ Năng Lượng Mỹ, nước này cần một diện tích đất đai lớn độ 38.849 km2 để trồng loại tảo thay thế tất cả nhu cầu dầu hỏa hiện nay trong nước.

Lợi ích của việc sản xuất nhiên liệu sinh h���c 

NLSH có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ, đang cạn kiệt:

Do NLSH có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong các phương tiện giao thông và các thiết bị năng lượng, triển vọng của loại nhiên liệu này là sáng sủa, đây là loại nhiên liệu bền vững thay cho các nguồn năng lượng hóa thạch đắt đỏ đang bị cạn kiệt.

Loại nhiên liệu này có thể xuất hiện trong một phạm vi nhất định, nhưng vẫn không khắc phục được tình trạng “đói nhiên liệu” đang gia tăng hiện nay trên thế giới.

NLSH có thể giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu:

Các cây trồng nông nghiệp và các nguyên liệu sinh khối khác được coi là các nguyên liệu góp phần làm trung hòa cácbon bởi chu kỳ sống thực tế của nó, thực vật thu cácbon điôxit thông qua quá trình quang hợp.Tuy nhiên, các nguyên liệu đầu vào sử dụng trong quá trình sản xuất NLSH được coi là nguyên liệu tái tạo và có khả năng làm giảm phát thải khí nhà kính (GHG).

Tuy nhiên, cho dù các nhiên liệu đầu vào tự chúng có khả năng trung hòa cácbon, thì quá trình chuyển đổi các vật liệu thô thành NLSH có thể gây phát thải cácbon vào khí quyển. Vì vậy, NLSH phải góp phần vào giảm phát thải các bon, chúng phải được chứng minh giảm thải thực sự GHG trong tất cả chu trình sản xuất và sử dụng NLSH.

NLSH có thể tăng cường an ninh năng lượng quốc gia:

Sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu có thể không những làm suy kiệt dự trữ ngoại tệ của quốc gia, mà còn tạo ra sự mất ổn định về an ninh năng lượng của quốc gia đó. Từ khi NLSH được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu bản địa của nhiều nước châu Á, loại nhiên liệu này có vai trò là nhiên liệu thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch có thể giảm sự phụ thuộc nhập khẩu dầu và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, điều quan tâm là một số nước đang bị lôi cuốn bởi nhiều hứa hẹn về an ninh năng lượng hơn và họ tiếp tục bỏ chi phí để đảm bảo an ninh của các nhu cầu khác nữa như an ninh lương thực, an ninh về nguồn cung cấp nước và không quan tâm tới việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng tự nhiên và sự đa dạng sinh học của chúng.

NLSH có thể hình thành sự tham gia của các xí nghiệp nhỏ và vừa (SMEs): 

Khác với nhiên liệu dầu và khí, thậm chí là than cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng lớn để khai thác và xử lý, với sự tham gia của các tập đoàn lớn và các công ty đa quốc gia, việc sản xuất NLSH sẽ không đòi hỏi đầu tư và xây dựng các nhà máy xử lý tổng hợp lớn. Vì vậy, đầu tư và quy trình sản xuất NLSH có thể nằm trong phạm vi SMEs có thể chấp nhận được. Dựa vào nguyên liệu đầu vào và khả năng đầu ra, công suất của các nhà máy sản xuất NLSH có thể thiết kế phù hợp với yêu cầu đặc thù. Các hoạt động sản xuất NLSH dựa vào các nguyên liệu nông nghiệp hoặc các hệ thống modul có thể được thực hiện để sản xuất NLSH phục vụ cho tiêu thụ cục bộ của các thiết bị có động cơ tại các trang trại. Đầu tư cho NLSH có thể mở ra các cơ hội tham gia của các công ty trong nước.       

NLSH có thể đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của các cộng đồng địa phương và các ngành kinh tế đang phát triển:

Vai trò của ngành nông nghiệp trang trại trong dây chuyền sản xuất NLSH sẽ mở ra cơ hội cho các cộng đồng địa phương kết hợp hoạt động và thu được các lợi ích nhất định để có thể tạo ra phát triển kinh tế-xã hội. Việc trồng rừng, kích thích và thu hoạch nhiên liệu đầu vào như cây mía, ngô, sắn và dầu cọ đòi hỏi phải tăng lực lượng lao động và các công việc thủ công. Việc mở rộng sản xuất nông nghiệp do tăng nhu cầu các nguyên liệu thô cho sản xuất NLSH có thể tạo ra việc làm mới và thu nhập nhiều hơn cho nông dân. Tạo cơ hội việc làm trong sản xuất NLSH là rất lớn. Ví dụ sản xuất NLSH từ cây Jatropha Curcas (cây dầu mè) làm nhiên liệu đầu vào được trồng như loại cây trồng chyên dụng để sản xuất diezel sinh học, một diện tích cây mè 10000 ha có thể thu được 30 triệu lít dầu diezel sinh học/năm có thể tạo ra 4000 việc làm trực tiếp.

Xét về góc độ tạo việc làm trực tiếp của các thành viên trong hộ gia đình, cho thấy tác động của ngành công nghiệp này đối với cộng đồng địa phương là rất to lớn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro