thơ muốn làm người lớn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

▬ Word count : 6186 từ
▬ Aether tên Thơ, Xiao tên Tiêu.
▬ Quà tặng cho khách com quen của tui

__________________

Phenylethylamine là một chất giống như hormone, được sản sinh ra ở giai đoạn đầu của tình yêu, gây ra cảm giác lâng lâng, phấn khởi mà một số người cảm thấy khi họ đang yêu.

***

Thằng Thơ đang tập hút thuốc.

Dù cho lẽ ra là nó không được làm như thế; bởi vì, bạn biết đấy? Kiểu như là những loại chuyện như rượu bia và thuốc lá thì chắc chắn là chẳng bao giờ dành cho những thằng oắt con mới dậy thì như Thơ. Tại vì, người ta hay nói gì ấy nhỉ, chúng là những thứ gì đó chỉ thuộc về thế giới của những người trưởng thành, cái thế giới mà bọn nó chưa được phép bước vào. Thằng Thơ khịt mũi khinh bỉ vào những câu nói đó như bao thằng bé vị thành niên khác. Cái bản ngã non nớt đang mùa nổi loạn của nó chẳng thèm để các sinh vật gọi là người lớn vào trong mắt mình. Cho nên, nó đang ở đây. Ngồi xổm đằng sau một quán điện tử, với bao thuốc nó vừa mua, mua trộm, từ một tên nhìn rõ là khả nghi. Chịu thôi, biết làm sao được, chỉ có những tay nhìn như phường trộm cướp, mua bán mập mờ này thì mới có gan bán cho mấy thằng mặt búng ra sữa như nó thôi. Đầu ngón tay nó đè lên cái bánh răng của chiếc bật lửa, hơi run run. Thơ sợ lửa, thật vậy. Nó sợ lửa từ lâu lắm rồi, sau một vụ nổ bếp ga hồi tấm bé. Tuy nhiên, cái phần bản ngã ương ngạnh của nó không cho phép nó gục ngã trước nỗi sợ của mình. Nên nó cố gắng xoay cái bánh răng thêm một lần nữa, lần này lửa cuối cùng cũng rủ lòng thương xót cho nó mà bùng lên. Thơ vội vã dí điếu thuốc vào trong đốm lửa như thể sợ nó sẽ tàn. (Giống như nó.)

Rồi nó thất thểu ngồi nhìn thuốc cháy. Nhìn cách cái đầu thuốc trắng hếu từ từ nhuộm một màu xám tro, rũ rượi rơi từng bầy xuống cái nền xi măng - cũng xám và rũ rượi hệt như tro thuốc. Nó cứ ngồi nhìn, rồi chần chờ, rồi lại nhìn quanh xem có ai phát hiện ra nó không, giống như chột dạ, rồi nó lại ngồi nhìn thuốc cháy, không dám đưa lên miệng. Mùi khói lởn vởn xung quanh thằng Thơ, bay rập rờn như bướm, Thơ mím môi, rồi nó lại kiểm tra chung quanh mình như một thằng ăn trộm. Trước khi kê thuốc lên bờ môi nứt nẻ, rít một hơi nhẹ. Tàn tro phả vào quầng phổi non nớt của nó, Thơ - tựa như vừa mới rùng mình, nhưng ngay sau đó lại lắc đầu nguầy nguậy. Nó kìm lại những tiếng ho trong cổ họng, rồi chậm rãi đẩy khỏi ra khỏi miệng mình. Cảm giác như lùng bùng trong miệng lưỡi, ngột ngạt và chật chội giữa hai buồng phổi, Thơ ứa nước mắt vì sặc khói, sau cùng nó cũng cho phép mình ho. Nó ho như sống đi chết lại, ho sặc sụa, ho dữ dội. Khi đã ho đã đời; nó lại lôi điếu thuốc lên, rít thêm một hơi nữa. Nó chùi nước mắt vào ống tay áo, rồi lại hút. Rồi lại ho như sắp sửa từ trần. Rồi lại ứa nước mắt. Xong lại tiếp tục hút. Dần dần, nó thấy cái thứ này coi bộ cũng được. Nó gật gù, rồi lại tiếp tục chùi nước mắt vào ống tay.

Khi thuốc đã sắp tàn; nó dụi đầu thuốc xuống mặt đường, bắt chước cái cách mà anh hay làm mỗi lần dập thuốc. Xong xuôi, nó đứng dậy, phủi phủi cho quần áo thẳng thớm trở lại. Đoạn, nó bỏ ra khỏi con hẻm, vờ như mình chưa hề làm điều gì sai trái. (Mà thật ra thì nó đã làm cái gì sai trái cơ? Nó mới là người có quyền quyết định xem những thứ nó làm là đúng đắn hay lầm lạc. Nó là Chúa của chính mình, ai cũng là Chúa của chính mình.) Nó rời khỏi con hẻm ẩm ướt đằng sau quán điện tử để đi bộ về khu tập thể của mình. Nó nghĩ mình sắp mửa ra đến nơi, nhưng nó đã kìm lại được. Nó bỏ qua cái cầu thang mà lẽ ra là nó cần phải leo lên để trở về nhà (mà thật ra nói vậy cũng không phải, nhưng giờ nó không nghĩ được từ gì khác.) Nó bỏ qua các ánh nhìn tọc mạch của các bà cô đang ngồi túm tụm trên những cái ghế đá trong khoảng sân nhỏ xíu như một cái giếng trời - những người mà chỉ đang ngồi đó với một mục đích duy nhất là xỉa xói bất kỳ ai dám vượt qua tầm mắt họ. Nó đi thẳng tới một cửa tiệm nằm trong góc, khuất đằng sau những cái cây bạch đàn. Lờ đi những mảng tường ẩm với rêu bắt đầu sinh sôi trên chúng, lờ đi cách cái cửa kêu cọt kẹt chói tai khi nó đẩy chúng ra, lờ đi cuộc đời thảm thương của nó. Nó mỉm cười với anh. "Em tới rồi nè." (Một ngày nào đó thì sẽ là: "Em về rồi đây." Nó tự nhủ với chính mình như vậy.)

Tiêu ngước lên từ chỗ ngồi của anh đằng sau quầy, nhướng mày lên nhìn nó. Anh không nói gì, và nó cũng biết chắc là anh sẽ chẳng nói gì những lúc này đâu. Nhiều người nghĩ rằng anh bị câm. (Và có khi thế còn dễ chịu hơn việc anh biết nói mà không chịu nói.) Bởi vậy nên anh mới không được lòng các bà dì tọc mạch trên băng ghế đá - những người mà cứ chừng mươi phút là lại nghía vào tiệm xăm của anh một lần, chờ anh dẫn ra một con điếm nào đó, chắc vậy. Thơ thả cái cặp của mình lên quầy rồi ngay sau đó là thả chính bản thân nó lên đấy. Leo lên, rồi ngồi thẳng lên quầy, ý nó là vậy, ngồi đối diện trước mặt anh. Ban đầu, trong những ngày tập tễnh mới đến đây, nó sẽ ngồi vào cái ghế tựa được kê trong góc, gần cửa ra vào, ngồi thu lu ở đó như một bức tượng, sợ rằng ai sẽ phát hiện ra mình. Ít lâu sau, nó chuyển chỗ, sang ngồi lên cái ghế gần với anh nhất. Nếu cái ghế đó bị di dời đi xa, thì nó sẽ tự ra lôi về. Dần dần, Tiêu để yên cái ghế đó ở cùng một vị trí, như dành riêng cho nó ngồi. Song, khi chẳng còn gì xa lạ giữa họ nữa, Thơ ngồi ở bất kỳ đâu nó muốn: Trên cái giường để người ta nằm lên khi xăm, trên bệ cửa sổ, trên quầy, dưới sàn nhà, mọi chỗ. Mắt nó hơi híp lại khi nhìn anh, nó mỉm cười. "Xăm cho em đi, ông chủ." Nó bắt đầu bằng câu chào hỏi quen thuộc của riêng anh và nó. Mà khởi nguồn của cái câu chào hỏi dị hợm (giống nó) này, thực chất là một cái cớ để kiếm chuyện nói với anh. Bởi vì, ừm. Bạn có thể nói gì với một ông chủ tiệm xăm cơ chứ? Nên lúc đó, thằng Thơ - mười sáu tuổi, muốn chiến đấu với cả thế giới. Đã hùng hồn đẩy cửa tiệm xăm của anh ra, với một tuyên bố dõng dạc như vậy. "Hình một con chim, đằng sau gáy của em ấy." Nó sờ sờ vào gáy, đoạn lại nhìn anh cười cười. Trong khi cùng lúc đó, Tiêu - còn chẳng buồn ngẩng đầu lên, chỉ đáp lại nó với một giọng đều đều như ngái ngủ. "Không ai dám xăm cho con nít đâu." Rồi lại chăm chú lật tạp chí.

Nó bĩu môi, chun mũi. "Người ta không phải con nít." Tiêu chỉ đơn giản là nhún vai. (Rồi tiếp tục chăm chú lật tạp chí.) Thơ nhìn thấy vậy song không phản ứng gì nhiều, chỉ cười cười, ngồi đung đưa chân. Huyên thuyên về ngày hôm nay của nó cho anh nghe. Nó kể mấy chuyện tầm phào lắm, những chuyện lông gà vỏ tỏi như việc nó lại mất thêm cục gôm nữa, như việc hôm nay nó trốn tiết thể dục để xuống căn tin ngồi chơi, như việc hôm nay nó cứ nghĩ về anh mãi. Những chuyện nhảm nhí và trẻ con, nhưng nó vẫn cứ muốn kể cho anh nghe, nó muốn anh biết từng xăng-ti-mét của cuộc đời mình. Nó muốn moi hết ruột gan ra cho Tiêu nhìn, rạch ngực ra, để Tiêu xem trái tim đang đập vì anh của nó. (Sau đó kéo tay anh vào, để anh cảm nhận máu thịt của mình, chẳng hạn?) Lúc trước, thật ra cũng chẳng cách đây lâu lắm, mới năm ngoái thôi. Nhưng nó thích cái kiểu nói chuyện làm cho mọi thứ nghe vĩ mô và hình sự, nên nó hay nói về những ngày đầu tiên nó gặp anh là "quá khứ của chúng mình." Ôi nghe sến sẩm chết đi được, vậy mà nó lại thích thế mới gớm cơ. Có khi nó cũng là một thằng có máu trữ tình trong người sẵn đấy. Tiêu hay bảo nó rằng mày nên đi làm nhà thơ đi, anh nói nghe không khác gì móc mỉa, tuy nhiên chắc nó cũng nên làm vậy thật, tại nghe hay mà. Thằng Thơ làm nhà thơ, kiểu kiểu vậy ấy? Và hơn hết. Thơ cũng đâu phải thứ gì ẻo lả mà con trai thì không nên làm. (Nó ghét mấy cái kiểu nói như vậy ghê hồn.) Được rồi, dù sao thì, lúc trước. Những ngày nó mới lại lân la làm quen với anh Tiêu ấy. Mà khoan đã, chúng ta nói về lý do mà nó muốn tiếp cận anh trước đi. Nó hay loạn xạ cả lên mỗi lần kể chuyện lắm.

Đại khái là, anh Tiêu vốn dĩ không được lòng những người lớn tuổi trong khu tập thể. Chắc chắn rồi, ai mà ưa cho nỗi cái kiểu người như anh cơ chứ, phải không? (Chắc là trừ nó ra?) Anh lầm lì, ít nói, u ám, không giao thiệp gì với ai, suốt ngày chỉ ru rú trong cái tiệm xăm nhỏ xíu như hủ nút của mình. Anh xăm trổ đầy người, dọc cánh tay toàn các hình thù xanh đỏ, lúc nào trên môi cũng phì phèo thuốc lá, tai, mũi thì bị khuyên xỏ đầy người. Y chang các hình tượng mấy thằng ăn chơi, hút chích điển hình ấy, bạn biết mà nhỉ? (Mà thật ra thì anh có hút chích thật không, nó cũng chưa có dịp biết.) Mấy người lớn thường bảo con mình rằng, gì mà, e hèm : "Chớ có mà làm thân với cái ngữ như thằng đấy!" Nhưng họ sẽ không bao giờ ngờ được rằng, người mà con cái họ không muốn làm thân nhất, lại chính xác là cha mẹ chúng nó. Song, Thơ là một thằng nổi loạn và cái gì càng bị cấm đoán, càng tuyệt mật, thì lại càng khiến nó muốn làm. Tên anh lúc nào cũng thường trực trên đầu lưỡi các cô chú khi họ cần một ví dụ về một người ăn chơi nào đấy, nhan nhản tới mức anh gần như là ông kẹ của tụi con nít trong khu. Bác của Thơ cũng dặn dò nó và em gái nó y chang vậy, qua loa để ra vẻ mình có trách nhiệm thôi, nhưng họ vẫn đã dặn nó rằng không được làm quen với anh. Sau cùng, nhà trường hay gia đình gì đấy thì cũng chỉ là một thử thách khiêu chiến hạn giờ trong trò chơi điện tử nó đang chơi. Nên nó mặc kệ mọi lời đồn thổi và răng đe để chạy xuống cái tiệm xăm nhỏ bé ấy. Đẩy tung cửa các thứ, rồi kêu anh xăm cho nó đi. Ấy vậy mà, Tiêu - trái lại với mọi mường tượng ban đầu của thằng oắt con, lại chẳng phản ứng gì cả. Thì, ý nó là. Nó đã nghĩ rằng, kiểu như, chắc anh là loại côn đồ đầu đường xó chợ, loại sẵn sàng đấm gãy mũi bạn nếu bạn làm anh chướng mắt, loại sẵn sàng đấm gãy mũi người khác nếu bạn cho anh tiền. Những thứ đại loại thế, do ảnh hưởng từ các lời đồn đại. Giờ nghĩ lại nó mới thấy người ta đã hiểu nhầm anh ghê gớm thế nào, thật đáng tiếc cho họ, lũ người ngu dốt. Dù sao thì Tiêu cũng đã không làm bất kỳ thứ gì trong danh sách những thứ nó tưởng anh sẽ làm. Anh chỉ, không làm gì cả. Là vậy đó. Anh chỉ nhìn lên đúng một lần để coi bản mặt thằng ranh vừa góp phần làm cái bản lề cửa lung lay dữ dội, rồi anh nhún vai, đưa ra một lời từ chối nhanh gọn. (Trước khi lại cúi xuống lật tạp chí chăm chú. Mà sao anh có nhiều tạp chí thế?) Xong anh cứ mặc kệ thằng Thơ đứng như trời trồng. Phần còn lại của ngày cứ vậy trôi qua trong sự gượng gạo kỳ lạ. Tuy nhiên, Thơ là một thằng lỳ lợm, trăm phần trăm. Nên nó không từ bỏ sau cái ngày đầu tiên bị xem là không khí ấy, nó là ai cơ chứ? Nó bắt đầu đến tiệm của anh thường xuyên hơn, ban đầu là bốn ngày một lần, rồi hai ngày một lần, rồi bây giờ thì hầu như ngày nào nó cũng tìm anh để kiếm chuyện dông dài vớ vẩn. Lúc khởi nguồn, nó thử hỏi về anh, hỏi về sở thích, gia đình, chiều cao các thứ. Có khi anh trả lời (cụt ngủn à), có khi anh còn chẳng buồn há miệng. Thơ bực mình ghê gớm, nhưng sự cố chấp khiến nó tiếp tục kiên trì. Sau rất nhiều câu trả lời gọn lỏn: Tiêu, không nhớ tên họ, cao mét bảy, mồ côi, thích xăm mình. Thì nó quyết định ngừng hỏi chuyện về anh. (Tại vì hỏi cũng như không thì hỏi tiếp làm cái gì, nó đâu có khờ.)

Thay vào đấy, nó bắt đầu kể về bản thân mình. Nó kể cho anh về em gái nó, con bé Lưu Mi, nó kể về những lần anh em chúng nó đánh nhau để tranh đồ. Nó kể cho anh về căn phòng của mình ở lầu ba, gần như là gác mái, hè đến là nóng hầm hập như lò hỏa thiêu. Nó kể cho anh về những chuyện trên lớp, huyên thuyên về cách nó thấy bọn con trai bây giờ sao mà kinh khủng thế không biết. Nó kể về những món nó ưa, những món nó ghét, than phiền với anh rằng ôi chao sao mà dạo này đồ đạc lên giá dữ vậy cà. Nó kể về cái lưng nhức mỏi của mình, ca cẩm về những cái ghế xập xệ, không lưng tựa của trường. Nó kể về các bà hàng xóm nó không ưa, nó kể về những người hàng xóm thật sự đáng mến, Tiêu nên gặp họ một ngày nào đó. Nó kể cho anh về những cánh đồng trong tuổi thơ của mình, về cách mà nó và Mi đã chạy không ngừng nghỉ khi gió bấc vào da thịt. Nó kể cho anh về tuổi thơ mình, về việc ba má chúng nó bỏ chúng nó lại ra làm sao, họ bịa đại một lý do nào đấy về việc chuyển nhà, xong bỏ anh em bọn nó lại cùng với những thứ đồ bỏ đi, về cái cách mà nó chỉ đang ăn nhờ ở đậu nhà họ hàng. Nó kể cho anh nghe về lần nó và con bé Mi đã lì lợm ngồi lại nơi ba má đã vứt mình đi, vứt như rác rưởi, trước một trại trẻ, bọn nó ngồi chờ ba má cắn rứt mà tìm về, ngồi chờ ba ngày ở đấy. Chờ chơi cho vui với cho có cảm giác u buồn thôi, chớ nó cũng biết chắc là ba má sẽ không về nữa rồi, con Mi thì cứ khóc mãi, chẳng sao ngưng được. Sau cùng, trại trẻ liên hệ được với họ hàng nó, và người ta rủ lòng thương nhận anh em chúng nó về. Nó bảo Tiêu rằng, đời nó là vậy đấy anh ơi, lớn lên nhờ sự bố thí và lòng thương hại. Nói đến đây thì anh hơi khựng lại, nó cười trừ, đời nó đúng thật chỉ toàn là lợi dụng lòng thương mà sống. Nó kể cho anh rất nhiều thứ, moi hết ký ức mười sáu năm cuộc đời ra để chắp vá thành những câu chuyện vụng về. Rồi Tiêu, bất ngờ thay, cũng bắt đầu kể về anh cho nó nghe. Anh không nói nhiều, nhưng như thế với thằng như Thơ là đã đủ.

Tiêu cũng kể về tuổi thơ của mình, nhưng anh không kể về ba má, chắc anh không có ký ức gì về họ. Có thể là anh bị vứt đi ngay sau khi được sinh ra, mà như thế có khi còn nhân đạo hơn cái kiểu nuôi cho lớn xong đem vất đi như một thứ đồ thừa. Tiêu kể về cách anh lang thang đầu đường xó chợ, nay đây mai đó, làm này làm kia cho người ta để đổi lấy mấy ổ bánh mì, bánh mì không. Anh bảo, anh từng làm xích lô, từng đi đánh giày, từng đánh lộn với người ta vì vài đồng bạc lẻ, từng ăn trộm, ăn cướp, từng phải lên công an ngồi. Anh ngả nghiêng người về sau, nhếch mép bảo nó rằng. Đấy, anh mày là dạng người vậy đó em trai, chẳng tốt lành gì đâu, người ta biểu cậu tránh xa anh ra cũng phải. Nó lắc đầu nguầy nguậy, bảo, không phải vậy đâu anh. (Mắc cười, vậy như nào thì mới phải?) Anh kể cho nó nghe về bác Lý, còn trẻ lắm, độ đầu bốn mươi thôi. Ấy vậy mà lại tài giỏi khủng khiếp, bác chính là người đã cưu mang thằng thất học như anh, bác cưu mang nhiều người lắm. Ai muốn đi học thì bác cho đi, ai muốn đi làm thì bác kiếm việc, miễn sao không thành phường trộm cướp hại dân là được, bác còn có cái kiểu nói chuyện dông dài phát khiếp, nghe như dạy đời, nhưng tốt lành hơn thực nhiều. Còn Tiêu, anh bảo anh vốn đó giờ không hạp ba chuyện học hành rồi, nên anh kêu là anh muốn học xăm, kêu đại thôi, tại anh cũng không biết mình muốn làm gì. Thế mà bác cũng cho anh đi học nghề thật, đi học rồi làm việc vài năm. Nghèo vẫn hoàn nghèo, nhưng mà ít ra không chết đói, nói đến đây anh khịt mũi cười hì hì, một biểu cảm thực mới lạ, Thơ lặng lẽ ghi những điều ấy vào lòng mình. Thi thoảng, anh nói về phim ảnh, thơ ca và tiểu thuyết chút đỉnh, anh có gu lắm đấy. Dù nhiều khi anh nói mà nó chẳng hiểu anh nói gì. Bộ thằng cha máu nghệ sĩ nào cũng như vậy ư? Nó hay tự hỏi mỗi lần ngồi bó gối, nghe anh đọc thơ. Song. Dần dần, những câu chuyện một chiều của Thơ đã phát triển thành một cuộc đối thoại giữa hai người - chủ yếu vẫn là nó tự mình ba hoa các thứ, thi thoảng anh sẽ góp vui vài lời. Nhưng thế là đủ.

Thời gian trôi qua. Cho đến tận một khoảnh khắc nào đấy, những câu chuyện diễn ra trong cuộc đời và tuổi thơ của nó đã chẳng còn gì để kể nữa. Vậy nên. Nó bắt đầu kể về bản thân mình. Nó kể về việc nó muốn trưởng thành, nó muốn lớn lên. Kể về việc nó ghét người lớn. Kể về việc thực ra nó ngưỡng mộ anh nhiều như thế này. Kể về việc nó luôn cảm thấy mình thừa thãi. Kể về những đêm nó nằm trong gian phòng ngạt thở của mình, ước gì ngày mai sẽ không bao giờ đến nữa. Nó nhìn cái cách đôi mắt anh dao động trong từng lời nó kể, nghĩ thầm, giả đò cho cố xong rốt cuộc ánh mắt thì lại chân thật đến như vậy. Nó nhớ cái cách đôi tay anh trên đầu nó, nhớ cách anh vuốt tóc nó. Nó nhớ cách anh phủi bụi khỏi quần áo nó, nhớ lần anh ôm nó vào lòng, vỗ về như một đứa bé. Nhớ cái cách nó đã nhìn môi anh như nhìn thuốc phiện. Rồi cuối cùng, Thơ cũng như vừa nhận ra điều gì. Nó bàng hoàng. Hình như nó thương anh mất rồi anh ơi. Thương nhiều. Mà thương nhiều hay thương ít nó cũng đâu phân biệt được, nó chỉ biết là nó thương thiệt rồi.

Nó đã định giấu dẹm đi, đào một cái hố xong bỏ tình cảm của mình vào, rồi lấp lại, chôn vùi nó dưới sáu tấc đất. Bởi vì ai sẽ chấp nhận điều này cơ chứ? Chắc chắn là không phải nó, (hoặc anh.) Nhưng cuộc đời thì lúc nào cũng giống như một trò đùa cợt dở hơi. Để rồi cái lần tình cảm nó bại lộ cũng dở hơi hệt như vậy.

Lần đó nó bị sốt, sốt nặng. Người nóng hầm hập như lò thiêu. Nó nghĩ là nó sắp mê sảng rồi, thuốc thang cũng vô tác dụng. Con Mi thì ngủ lại nhà bạn từ đêm hôm trước, họ hàng nó thì chẳng buồn bận tâm. Nó thấy tủi thân ghê gớm. (Sao ai cũng muốn bỏ nó hết vậy.) Giữa cái cơn sốt hầm hập như sắp chết đấy, nó bò xuống lầu để tìm anh như đi tìm đấng cứu thế. Tuy nhiên, xuống đến nơi thì tiệm anh đóng cửa im lìm. Bao nhiêu uất ức tích tụ như vỡ tung trong phút chốc. Thơ, cứ như vậy, đứng trước tiệm anh mà nức nở. Hên mà hôm đấy không có bà dì nào ngồi nghía ngang, không là nó đã hời được thêm một lần ê mặt. Nó đứng trước tiệm anh, khóc như điên. Khóc chết đi sống lại. Nước mắt giàn giụa trên gương mặt đỏ bừng. Nó khóc như thể thứ nó đang nhìn thấy là cái trại trẻ mà năm đó má nó bỏ nó vào. Tiêu đi mua đồ về thì hoảng dữ dằn lắm. Bởi, tự nhiên mới đi mua đồ ăn có mười lăm phút xong về nhà thì thấy có thằng đang đứng trước nhà mình khóc như điên thì ai mà bình tĩnh nổi. Tay chân anh luống cuống, anh lật đật mở cửa tiệm rồi kéo nó vào trong. Bối rối hỏi nó coi có chuyện gì. Bộ thằng nào ăn hiếp em hả, nói tên nó đi, anh đánh nó cho em. Thằng Thơ thì chắc mẩm rằng lúc đó nó đã mê sảng rồi, bởi nó nói năng loạn xạ lắm, nó nói đủ thứ, chửi bới đủ điều, vùi mặt vào áo anh mà khóc. Mọi thứ như đổ ào về lòng nó trong một khoảnh khắc, toàn những thứ tồi tệ không đâu. Nó có nhiều thứ như vậy lắm, như ngày ba má bỏ tụi nó mà đi, như những lần con Mi khóc đến khản đặc cổ họng, như lần nó bị chỉ trỏ vào mặt mũi và mọi người hò hét rằng, đồ mồ côi, đồ không cha mẹ. Thường thì chúng chẳng làm gì nó cả, chúng chỉ ở đấy thôi, cuộn tròn lại và nằm ngay ngắn tại một góc trong căn phòng hình hài tâm hồn nó. Thừa thãi và chiếm nhiều diện tích quá, nhưng mà nó đâu làm gì được. Chúng, trong giờ phút này, cứ thế giẫm đạp lên trái tim non nớt ấy. Còn Tiêu thì chỉ biết vụng về vuốt ve bờ lưng run rẩy trong lòng mình, tay cũng bắt đầu run theo. Đoạn, tự dưng nó thôi thút thít, nó thẳng người dậy để nhìn vào mắt anh. Mặt nhòe nhoẹt nước mắt. Nó đã mường tượng vài lần về cách mà nó sẽ nói ra những từ này rồi, tuy nhiên, không có kịch bản nào, đáng xấu hổ như này hết. Ấy vậy mà nó vẫn cứ nói, chữ nghĩa cứ thế tuôn trào. "Anh ơi em thích anh. Em thích anh theo kiểu muốn phịch nhau với anh ấy. Anh hiểu không hở? Như thế có bệnh không hả anh? Mọi người nói em rằng thế là bệnh, nhưng mà chúng nó thì biết cái đếch gì cơ chứ?"

Nó cắn môi rồi hôn anh với cái mặt chèm nhèm đó. Tiêu cứng cả người vì sốc. Rồi nó biểu. "Anh ơi, anh có thích em không?"

Tiêu chưa từng cho nó một câu trả lời.

***

Nhiều ngày sau đó, Thơ bắt đầu theo đuổi Tiêu. Nói theo đuổi thì hơi quá, nhưng mà nó thích gọi vậy. Đại khái chỉ là các hành động tán tỉnh vụng về nó học lỏm được trên mạng thôi. Vén tóc người ta ra sau tai, che cạnh bàn khi người ta cúi xuống, mua nước cho người ta các thứ. Đấy, y hệt như bất kỳ thằng bé lớp mười một nào đang muốn kiếm một con bồ thôi. Chỉ khác mỗi chỗ. Là đối tượng của nó không phải là các bạn nữ chân dài. Nó không giống tụi con trai trong lớp. (Nói thế sao nghe chảnh quá chừng.) Nó không dành cả giờ ra chơi để ngồi ngắm gái. Em gái này vắt chân, em gái này không vắt chân, em này chân đẹp thế, em kia ngực bự kìa. Nó mắc mửa với những thằng rồ đấy. Thay vì ngồi đó và bình phẩm về chân cẳng người ta, thì Thơ thiết thực hơn. Nó lân la lại tán tỉnh anh thợ xăm dưới lầu.

Nó không mua hoa, mua quà tặng anh. Nó nghĩ làm thế thì hơi ấy ấy. Kiểu, sến quá đó, bạn biết không? Kể cả là với một thằng trữ tình như nó. Nó chỉ dám mua cho anh vài lon coca hay vài gói snack. Còn Tiêu thì nhún vai, nhận lấy tất cả mọi thứ, (rồi lại lại lại chăm chú lật tạp chí, giời ạ, có cái của nợ gì trong đấy!?) Thi thoảng anh cũng sẽ mua lại cho nó vài món hay ho. Nó thích kiểu quan hệ như thế này, nên cũng không ý kiến.

Bỗng. Tiêu chun mũi như đang ngửi thứ gì đấy, anh chau mày. "Em hút thuốc đó à?" Thằng oắt Thơ - như chỉ chờ có thế, mỉm cười rạng rỡ. "Ừa, bắt chước ai kia đó. Coi bộ cái thuốc lá này cũng ngon."

Mặt mày Tiêu như biến dạng, nhăn nhó đến mức lông mày sắp dính vào nhau. Anh kéo nó lại gần, ngửi ngửi mùi thuốc trên người nó. "Chú mày giỏi quá nhở? Bày đặt hút thuốc cơ đấy." Thơ cười xòa. "Vậy thì mới có gan thích anh Tiêu chớ."

Song. Tiêu đột nhiên chững lại. Anh nhìn nó với vẻ hình sự, thôi nắm lấy áo nó theo cái kiểu như muốn vò nát mảnh vải tội nghiệp ấy ra đến nơi. Anh ngã người ra sau, thở dài. Nó ghét cái kiểu đấy của anh. "Thơ, có một cái chất này, em biết không? Được gọi là phenylethylamine."

Thơ hơi khó chịu với cái kiểu chuyển chủ đề đột ngột của người thương, tuy nhiên nó sẽ cho qua chuyện đấy, ít nhất là trong lúc này. "Vâng, tôi không. Tại tôi vốn dốt đặc hóa mà, quý ngài biết tuốt ạ." Nó đảo mắt, nhái cái giọng kịch nhất mà nó có thể nhái được, rồi nói chuyện với anh như đọc thoại, vẻ khinh khỉnh.

Tiêu, trái lại. Không quan tâm, hoặc chí ít là giả vờ không quan tâm đến thái độ mất dạy của thằng bé trước mặt mình. Anh tiếp tục. "Về cơ bản. Khi em yêu. Em biết đấy? Mết một bạn nào đấy." Ồ, vậy cơ à, chẳng biết là anh có hiểu không, nhưng mà kiểu là tôi đang mết anh đấy, ông bạn? "Chất này sẽ hoạt động như ma túy, kích thích em, khiến em cảm thấy hưng phấn khi yêu các thứ. Khiến em cuồng nhiệt. Đó là những gì phenylethylamine đang làm với não bộ em."

Anh hắng giọng. "Tuy nhiên. Sau một khoảng thời gian nhất định. Cụ thể là ba năm. Thì thứ chất này sẽ ngừng tiết ra và thế là em hết ma túy để mà phê. Tình yêu chỉ kéo dài ba năm thôi, Thơ à." Rồi anh nhìn chung quanh như chột dạ. "Những gì anh đang muốn nói, là. Đây chỉ là những khoái cảm nhất thời thôi, sau ba năm thì em sẽ chẳng còn thấy thích anh nữa đâu."

Thơ nhướng mày như thể nó vừa nghe cái chuyện nực cười nhất quả đất. "Vậy." Nó cố làm giọng mình nghe nghiêm túc hết nấc. "Ý anh là. Tình yêu chỉ có hạn sử dụng ba năm? Rồi sau ba năm thì em sẽ bỏ nó vào bao rác rồi vất nó ra đường như vứt đồ ôi thiu?" (Vất nó đi giống như cách mà nó đã bị vất.)

Nó cười hai tiếng khô khốc, nếu như là anh đang bịa lý do để từ chối nó thì đây chắc chắn là thứ tệ nhất mà anh có thể nghĩ ra, pheny cái quỷ sứ gì cơ chứ? "Đó là thứ nực cười nhất đó từng nói với đây á? Đó biết không?" Thơ khịt mũi. "Nghe này, Tiêu. Nếu mà cái lý thuyết ấy chính xác trăm phần trăm thì cuộc đời này chắc chắn sẽ trở thành một thảm họa!" Nó kiềm giọng lại để mình nghe không giống như đang rít lên. "Anh đã bao giờ nghe về các trường hợp và khả năng chưa? Đời này có cái đếch gì là trăm phần trăm đâu?"

"Nếu anh không thích em thì anh chỉ cần sủa con mẹ nó ra như vậy thôi!" Cuối cùng, bất chấp mọi nỗ lực, Thơ vẫn quát lên.

Tiêu vò vò tóc mình, bối rối không biết làm sao, anh lại thở dài. (Lần này không lật tạp chí nữa.) "Lớn lên em sẽ hiểu."

"Lớn cái địt mẹ!" Lần này, Thơ thật sự đã rít lên từng từ một.

Nó ghét cái câu đấy ghê gớm. Ai cũng nói với nó rằng, có những chuyện mà bây giờ nó không hiểu được, ai cũng biểu nó là, thôi đợi mai mốt mày lớn hơn đi. Lớn hơn cái củ cặc. Nó nhịn đủ lắm rồi. Nó không biết, nó không cần biết. Nó chỉ mới mười bảy vào mùa xuân này, nó còn trẻ và nó muốn biết mọi thứ, nó trẻ trâu, nó chửi thề, nó hút thuốc và nó muốn hôn anh thợ xăm lầu dưới ghê gớm. Ai cũng nghĩ rằng nó quá trẻ con, tao trưởng thành hơn tất cả chúng mày đấy nhé, ai cũng nghĩ rằng nó nông nổi, nông nổi cái đếch gì, ai cũng nhìn nó với ánh mắt thương hại, tất cả, tất-cả-mọi-người, kể cả anh. (Chó đẻ.) Đừng có nhìn nó như vậy nữa. Nó chỉ muốn trốn đi. Nó muốn được yêu như bình thường, nó muốn được ôm một cách bình thường, nó muốn được nhìn một cách bình thường. Nó không phải trẻ con, đừng nhìn nó như vậy. Đừng. Nó muốn người ta thương nó thôi. Làm ơn đừng thêm một chữ nữa vào sau chữ thương trân quý.

Trong nhiều đêm, Thơ đã nghĩ về tình cảm của mình dành cho anh. Là thế nào vậy nhỉ? Tiêu nghĩ rằng tình yêu của nó là thứ tình yêu rẻ tiền ư? Cái thứ tình yêu vội vàng, non nớt của những thằng nhỏ vị thành niên là thứ tình yêu rẻ rúng nhất trên đời; chúng quá cảm tính, đến quá nhanh và phai mờ đi cũng nhanh hệt y như thế. Nhưng Thơ lắc đầu. Nó đã chứng kiến những thứ tình yêu rẻ rúng thực sự trước đó rồi. Và nó biết rằng tình yêu của nó dành cho anh hoàn toàn không phải là một thứ tình yêu lăng loàn giống vậy. Nó yêu anh. Trinh nguyên và trọn vẹn. (Hoặc đó là những gì cái bản ngã trẻ trâu của nó đã nói.)

Thơ ghét người khác xem nó là một thằng nhóc con. Nó khao khát đến tột cùng để được chứng minh rằng mình người lớn. Nó muốn lớn lên thật nhanh, nhanh thật nhanh. Nó trưởng thành hơn bất cứ người lớn thực thụ nào nó từng gặp, nó tin vậy. Nó chỉ là một thằng bé ngông cuồng muốn đối đầu với cả thế giới. Bởi vì khi nó bị thương bởi sự ương ngạnh của chính mình; sẽ chẳng có ai ở đó vì nó cả. Ấy là phần dở nhất. Nên nó tóm lấy cổ áo của anh, rồi anh nhướng mày như thể để nó làm vậy. Với làn môi nứt nẻ của mình áp lên làn môi nứt nẻ khác của anh. Họ hôn nhau, hôn thật cuồng. Nó cắn một vết thật sâu để máu loang ra rồi nó liếm đi cái hỗn hợp tanh tưởi đó. Tiêu đứng dựa người vào quầy, tay đút túi quần, mặt mày vô cảm, như thể chỉ đang xem một đứa con nít pha trò. Nhưng mà Thơ đã mặc kệ điều đó, nó chỉ muốn được hôn anh. Tiêu thì biết đếch gì đâu. Anh thì biết cái đếch gì về nó? Anh thì biết cái đếch gì về việc nó yêu anh nhiều như thế nào? Anh; làm gì có cái quyền quyết định xem tình yêu của nó là thứ gì?

Nó không biết, nó còn trẻ và nó thật ngông cuồng. Nó muốn làm mọi thứ mà người ta cấm đoán nó. Ví dụ như hút thuốc, ví dụ như kết giao với anh thợ xăm u ám dưới tầng, ví dụ như cố gắng đè anh ấy lên quầy và hôn anh như chết đi sống lại. Rồi Tiêu thở hắt ra, như đang khinh khỉnh vào nỗ lực trưởng thành của nó. Lúc này, Thơ cuối cùng cũng chịu dứt khỏi nụ hôn nực cười (và rẻ mạt hệt như tình yêu của nó.) Tay nó vẫn cấu lấy cái áo thun của anh, làm cho phần vải nhăn nhúm hết cả đi, dù sao thì những mảnh vải không phẳng phiu cũng chẳng còn làm nó bận tâm nữa. Rồi nó khóc.

Không nức nở, không nghẹn ngào. Nó chỉ để nước chảy ra từ hai cái hốc mỏi mệt của mình, hơi sụt sùi. Nước mắt thấm đẫm cả áo anh. Nó đưa tay lên quệt đi những hàng giàn giụa, chỉ để làm chúng thêm phần tồi tệ. Tiêu lắc đầu, rồi thở dài, rồi anh vò tóc nó, xoa đầu nó như xoa đầu một đứa trẻ. Và thực ra việc được đối xử như một đứa bé cũng chẳng hề tệ đến vậy. Và thực ra việc ngừng tỏ ra sừng sỏ cũng chẳng hề khó đến thế. (Và thực ra.) Nó trượt dần xuống cái sàn nhà toàn những vệt màu loang lổ, kéo cả anh xuống cùng với mình. Nó ngồi lên đùi anh, rồi vẫn nước nôi giàn giụa trên mặt, kéo anh vào một nụ hôn khác.

Hôn nhau và phân hủy trong nhau. Tình yêu của nó sẽ kéo dài ba thế kỷ.

***

Chất này có tác dụng kích thích tiết ra chất dopamine ở trung tâm phấn khích của cơ thể, khiến cho bạn có cảm giác bị cuốn hút trong dư vị tình yêu và kích thích trái tim liên hồi. Khi tình yêu lụi tàn cũng là khi não bộ ngừng tiết ra PEA, bạn sẽ không còn cảm giác vui sướng, hay hồi hộp khi gần kề đối phương nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro