Xin lỗi có khó không?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xin thưa là khó lắm ạ. Đơn giản vì bản chất của xin lỗi là thừa nhận khiếm khuyết, thừa nhận cái chưa tốt của chủ thể gây lỗi. Xin lỗi đồng nghĩa với việc người ta thừa nhận rằng mình cũng có cái xấu, cái chưa đáng khen, hay nói cách khác là phô cái chưa hoàn hảo của mình trước mắt người khác. Ai cũng cũng mạnh miệng nói rằng: “chả ai hoàn hảo cả, tớ cũng vậy” nhưng khi cần nhận lỗi thì người ta lại thường làm ngược lại với thực tế đó. Nói cách khác, con người luôn có xu hướng khoe những cái đẹp và che đậy những cái chưa đẹp của mình. Thế mới có câu: “tốt khoe, xấu che” hay “đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Khi cần nói đến cái xấu, người ta sẽ cố nói giảm nói tránh để nó được nhìn với vẻ đáng yêu hơn là đáng trách. Mình nghiệm ra rằng càng lớn người ta càng ít xin lỗi.

Lúc bé, khi một đứa trẻ làm điều sai nó chưa đủ nhận thức để biết rằng thế nào là đúng là sai nên nhìn thấy mặt mẹ nghiệm lại, không cưng nựng nữa nó sẽ khóc òa một cách dấm dứt, bám lấy áo mẹ mà níu, càng lúc càng khóc to cho cái sự ấm ức, tủi thân của mình (Nói chung là nhìn yêu lắm :D). Lúc đấy bà mẹ mới quay ôm nó vào lòng, dỗ dành và nhẹ nhàng bảo rằng: “con làm như thế là sai và khi con sai thì con phải nói xin lỗi.” Kể từ lúc đó trong đứa trẻ mới hình thành những khái niệm đúng-sai và xin lỗi cũng nghiễm nhiên trở thành một thứ chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử.

Nhưng nếu xem xin lỗi là một thứ chuẩn mực thì có thể nói rằng, con người “càng lớn càng hư”. Đơn giản vì càng lớn cái tôi cá nhân càng phình to ra, ý thức bản ngã lớn dần. Con người cho mình là nhất, là trung tâm của vụ trụ và cho mình cái quyền bắt người khác phải chấp nhận cái sai của mình, thậm chí có kẻ cực đoan hơn: “chỉ tao được quyền mắc lỗi còn mày không được phép”, có nghĩa là không biết xin lỗi người khác nhưng lại đòi người khác phải xin lỗi mình!!! Như vậy là, một khi sự kiêu hãnh, sĩ diện hay cái tôi quá cao người ta sẵn sàng quên đi lời mẹ dặn năm xưa và lờ tịt đi lời xin lỗi khi biết mình có lỗi. Họ cho rằng xin lỗi nghĩa là mất đi sĩ diện, là lòng kiêu hãnh bị sứt mẻ. Tóm lại, nói lời nhận lỗi với rất nhiều người là một sự-hạ-mình. Trong số này, có những người khôn khéo, "nhân đạo" hơn thì chuộc lại sự thanh thản của lương tâm bằng cách làm gì đó để đền-bù cho lời xin lỗi. Cậu mình là một ví dụ. Mỗi khi làm gì sai với mợ là cậu lại mua một món quà về tặng mợ. Tất nhiên là mợ mình rất vui và có nhẹ lòng đi chút ít, nhưng mình có thể dám chắc rằng nếu nhận được lời xin lỗi thì mợ cảm thấy than thản hơn rất nhiều và những ám ảnh về những lỗi lầm của quá khứ sẽ qua đi rất nhanh.

Mình có một cô bạn thân từ cấp hai. Có một lần mình hiểu lầm cô ấy đã làm một điều mà mình kị nhất trong tình bạn. Tính mình khi giận thì chỉ nói một câu, cắt là cắt rồi chấm dứt :D. Thế là trong một tháng giận nhau mình không thèm nói với cô ấy, không chấp nhận bất cứ lời giải thích nào của cô ấy với triết lý tự đặt ra là: cậu làm cậu tự biết và tự chịu trách nhiệm. Khi biết đó chỉ là hiểu lầm, mình rất ân hận và xin lỗi cô ấy. Lúc mình vừa nói xong thì cô ấy òa lên khóc tấm tức như thể những giọt nước mắt là những ấm ức dồn nén lâu ngày túa ra xối xả, như thể là niềm vui sướng tìm lại tình bạn cũ chợt vỡ òa. Mình nhìn mà vừa ân hận vừa thương cô ấy vô cùng. Cô ấy viết rõ dài trong sổ lưu bút của mình rằng đó là ngày vui nhất của cô ấy “kể từ một tháng nay”- Niềm vui được minh oan, niềm vui của sự thanh thản, niềm vui vì mình không mất đi một tình bạn đẹp.

Xin lỗi cũng có nhiều cách. Một người bạn ở cùng nhà với mình một lần gây lỗi với mình, mặc dù không thấy mình nói gì, vẫn cố tỏ ra thoải mái nhưng dường như cô ấy cũng cảm nhận được sự căng thẳng, stress trong đầu mình. Cô ấy xin lỗi, nhưng thay vì nói trực tiếp thì cô ấy viết một bức thư dài rồi gửi email cho mình. Đọc xong mình đã thực sự xúc động và lòng như trút được gánh nặng, cảm thấy mình đã không hiểu sai về bạn. Mình viết lại cho cô ấy và bảo rằng, cảm ơn cậu đã không nói trực tiếp mà đã viết thư cho mình, coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Từ hôm đó không khí trong nhà lại trở lại như xưa mà tránh đi được những giây phút khách sáo không cần thiết giữa hai người bạn.

Đấy, bạn thấy chưa! Vậy là xin lỗi đâu phải là một sự hạ mình nhỉ? Xin lỗi không chỉ giúp rũ bỏ những nghi ngờ, ấm ức của người bị gây lỗi mà còn giúp người gây lỗi thanh thản lương tâm. Nói cách khác, xin lỗi cũng là một cách bạn tôn trọng người bạn yêu quý và tôn trọng chính sự trung thực của lòng mình.

Đừng ngại ngần xin lỗi khi bạn có lỗi. Cuộc sống này sẽ nhẹ nhàng hơn nhờ những lời xin lỗi và những người biết xin lỗi!

5.07

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro