XÓA BỎ TIẾT KIỆM NGOẠI TỆ CHỐNG ĐÔLA HÓA, ỔN ĐỊNH TỶ GIÁ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

XÓA BỎ HUY ĐỘNG TIẾT KIỆM NGOẠI TỆ GÓP PHẦN

CHỐNG ĐÔ-LA HÓA VÀ ỔN ĐỊNH TỶ GIÁ Ở VIỆT NAM

TS. Đặng Ngọc Đức

Huy động tiết kiệm ngoại tệ là một nghiệp vụ trong hoạt động ngân hàng hải ngoại (eurobanking) – các nghiệp vụ kinh doanh bằng đồng tiền của nước khác mà không chịu sự quản lý của ngân hàng trung ương của nước phát hành ra đồng tiền đó. Nguồn tiết kiệm bằng ngoại tệ được coi là nguồn cung đáng kể, đáp ứng nhu cầu tín dụng ngoại tệ của nền kinh tế, song đã đến lúc cần phải quan tâm nhiều hơn đến những tác động tiêu cực của loại hình tiết kiệm này, nhất là đối với tình trạng đô-la hóa và sự biến động của tỷ giá ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Bài viết này mạnh dạn trình bày một số    giải pháp nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc huy động tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý ngoại hối và hạn chế tín dụng ngoại tệ ở nước ta hiện nay và trong thời gian tới.   

1.      Những tác động tiêu cực của tiết kiệm ngoại tệ

Các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam được phép huy động tiết kiệm bằng ngoại tệ từ những năm sau đổi mới, khi thực hiện xóa bỏ cơ chế độc quyền về ngoại hối và ngoại thương, nhằm thu hút ngoại tệ trong nền kinh tế, tăng cường quỹ cho vay và khả năng thanh toán nhập khẩu.Trên thực tế, huy động tiết kiệm ngoại tệ đã phát huy tác dụng nhất định hướng tới mục tiêu trên. Song từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trở lại đây, những tác động tiêu cực và nguy cơ rủi ro của huy động tiết kiệm ngoại tệ đã được bộc lộ rõ ràng và rất đánh lo ngạiđối với nền kinh tế.

1.1 Tiết kiệm ngoại tệ gia tăng tình trạng đô-la hóa và làm giảm hiệu quả vận hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Nhận tiền gửi bằng ngoại tệ của các NHTM sẽ tạo ra khả năng đô-la hoá(Dollarization) của nền kinh tế, nhất là khi đồng bản tệ không được tin tưởng do những khó khăn về tăng trưởng kinh tế và sự yếu kém trong quản lý vĩ mô.

Khi các NHTM huy động tiết kiệm bằng ngoại tệ, tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ (FCD) trong tổng khối lượng tiền mở rộng (M2) sẽ gia tăng và tạo ra động cơ nắm giữ ngoại tệ cũng như sự tồn tại một lưu lượng ngoại tệ trôi nổi trên thị trường tự do ngoài sự kiểm soát của nhà nước.

Chỉ số tiền gửi ngoại tệ (FCD/M2) của Việt Nam và Trung Quốc

Nguồn: Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF)

Ở Việt Nam, theo thống kê chính thức thì FCD/M2 chưa đến mức cao (Đồ thị 1) theo tiêu chuẩn đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng ngoài số tiền gửi bằng ngoại tệ (FCD), ước tính còn khoảng 30% tổng giá trị thanh toán được thực hiện trực tiếp bằng Đô-la[1] Mỹ. Tỷ trọng tiết kiệm bằng ngoại tệ trên tổng tiền gửi tiết kiệm ở một số NHTM Việt Nam đã vượt quá mức 40%[2]. Do vậy cần phải nhận thức rằng đô-la hóa không chính thức ở Việt Nam thực sự đã đến mức nguy hiểm và hình ảnh đồng Đô-la Mỹ được sùng bái và thay thế hoàn hảo cho Đồng Việt Nam (VND) không chỉ còn chỉ trong ý niệm.

Đô-la hóa ở Việt Nam đã gây khó khăn trong dự báo và xác định tổng phương tiện thanh toán, dẫn đến việc đưa ra các quyết định tăng hoặc giảm lượng tiền trong lưu thông thiếu chính xác và không kịp thời. Đô-la hóa cũng làm cho lượng cầu và giá trị của nội tệ trở nên nhạy cảm hơn với những sự thay đổi về kinh tế, tài chính trong và ngoài nước, tạo ra sự chuyển dịch sang ngoại tệ làm cho đồng nội tệ mất giá và sự bùng phát lạm phát qua tâm lý. Những cố gắng điều chỉnh cung cầu tiền tệ và lãi suất nhằm tác động đến tổng cầu và thay đổi nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế để hạn chế chu kỳ kinh doanh hầu như không còn hiệu quả.

1.2 Tiết kiệm ngoại tệ gia tăng áp lực và chi phí can thiệp của Ngân hàng Nhà nước      

Tiết kiệm ngoại tệ gia tăng đã tạo ta cầu USD và áp lực tăng tỷ giá buộc NHNN phải thực hiện những biện pháp can thiệp quyết liệt nhằm ổn định tỷ giá và phải chấp nhận những phí tổn rất lớn[3]. Đặc biệt là sự gia tăng đột biến của tỷ giá vào các thời điểm tháng 5-6/2008, tháng 7-9/2009, và giai đoạn từ tháng 10/2010 và đầu năm 2011 đã kéo theo những bất ổn kinh tế vĩ mô và sự căng thẳng của thị trường ngoại hối[4]. Để giảm bớt sự mất cân đối cung cầu USD, NHNN đã phải liên tục điều chỉnh và tỷ giá của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng đã tăng trên 20% trong giai đoạn 2008-2011 và lần điều chỉnh ngày 11/2/2011 tăng tới tới 9,3%.

Vì có thể gửi tiết kiệm tại các NHTM với lãi suất cao hơn so với mặt bằng lãi suất trên thế giới nên nhu cầu về USD ở Việt Nam luôn rất lớn và gây áp lực đối với sự can thiệp bán ngoại tệ, thậm chí ngay cả khi tổng thể nền kinh tế dư cung ngoại tệ.

Cụ thể, năm 2009, luồng vốn ròng từ nước ngoài vào Việt Nam lớn hơn thâm hụt cán cân vãng lai, phản ánh nền kinh tế có thặng dư ngoại tệ, nhưng tài sản ròng của NHNN đã giảm tới gần 8,2 tỷ USD và chỉ riêng từ tháng 5/2011 đến nay NHNN đã phải bán ra 1,65 tỷ USD[5]. Nguyên nhân cơ bản là tình trạng găm giữ ngoại tệ của cả dân cư và các doanh nghiệp.

Sự biến động tỷ giá VND/USD năm 2008 - 2011

(Nguồn:NHNN và tổng hợp của Vietstock)

1.3 Huy động tiết kiệm ngoại tệ tạo ra sự vận động ‘luẩn quẩn’ của dòng vốn, mang lại thu nhập cho các NHTM nhưng thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế

Sự vận động ‘luẩn quẩn’ của dòng vốn ban đầu có mục đích chính đáng là để chống lỗ tiết kiệm ngoại tệ của các NHTM do chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ một cách hạn chế, trong khi lại không có hạn chế về nhận tiền gửi. Tuy nhiên, trong nhiều giai đoạn, các NHTM Việt Nam đã có được những khoản thu nhập không nhỏ từ việc gửi ngoại tệ vào các NHTM khác ở nước ngoài[6], hình thành xu thế kinh doanh huy động tiết kiệm bằng USD trong nước và gửi ở các NHTM nước ngoài. Các NHTM lớn nhất của Việt Nam (SOCBs) đã có số dư tiền gửi ngoại tệ trung bình là 2 tỷ USD tại các NHTM nước ngoài và chỉ đến khi lo ngại các NHTM này bị phá sản do khủng hoảng tài chính, đến 7/2009 số lượng ngoại tệ này mới được rút về Việt Nam[7]. Trong bối cảnh Chính phủ phải trả lãi suất cao ‘ngất ngưởng’[8] mới vay được 750 triệu USD tại New York (2005) và 1 tỷ USD tại Singapore (2010) thì các NHTM Việt Nam lại huy động hàng chục tỷ USD phổ biến ở mức 4%/năm trong nước rồi gửi ra nước ngoài. Chưa kể đến sự mâu thuẫn với pháp lệnh về quản lý ngoại hối cũng như không cần phải bàn đến chủ thể phải chịu trách nhiệm của vấn đề này, nhưng sự rõ ràng đây là một sự chuyển dịch ‘luẩn quẩn’ của dòng vốn ngoại tệ. Huy động tiết kiệm ngoại tệ ở Việt Nam đã tạo ra mâu thuẫn đối lập giữa những lợi ích quốc gia và lợi ích của các chủ thể thực hiện huy động tiết kiệm và cho vay bằng ngoại tệ. Đáng chú ý hơn, sự quay vòng luẩn quẩn của dòng vốn đã tạo ra nhu cầu giả tạo về ngoại tệ, những cơn ‘sốt’ của tỷ giá và để phản ứng lại, NHNN lại phải thực hiện can thiệp: hoặc là tăng cung ngoại tệ - tăng doanh số bán ra là hao hụt dự trữ quốc tế, hoặc là tăng lãi suất nội tệ. Lạm phát nội tệ lại thúc đẩy cầu ngoại tệ lại tăng, lượng tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ tăng và thúc đẩy những vòng luẩn quẩn mới.

1.4 Tiết kiệm ngoại tệ tạo ra nguy cơ rủi ro rất lớn cho các NHTM

Huy động vốn bằng ngoại tệ  5 tháng đầu năm 2011

Chỉ tiêu

Tháng 1/2011 

+/- so với tháng trước (%)

Tháng 4/2011 

+/- so với tháng trước (%)

Tháng 5/2011 

+/- so với tháng trước (%)

Huy động bằng USD

 4,43%.

1,46%

-1,96%

Huy động bằng VND

-4,12%

-1,84%

1,32%

Tổng huy động vốn

-2,46%

-1,09%

0,56%

Nguồn: Thông cáo báo chí NHNN

Nhận tiền gửi bằng ngoại tệ tạo ra trạng thái ngoại hối mở của các NHTM và sẽ gặp rủi ro khi tỷ giá tăng (short position). Thậm chí ngay cả khi có trạng thái ngoại hối đóng, tức là doanh số cho vay và chuyển ra nước ngoài bằng với doanh số nhận tiền gửi, nhưng khi tỷ giá tăng các NHTM vẫn phải đối mặt với nguy cơ nợ quá hạn, mất vốn và mất khả năng thanh toán vì các doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ và các NHTM nước ngoài thua lỗ hoặc bị phá sản do biến động của tình hình tài chính trong các nước và quốc tế.

1.5 Tiết kiệm ngoại tệ có liên hệ và tạo điều kiện cho những hành vi tham nhũng và sự phát triển của thị trường chợ đen

Theo thống kê của NHNN, tiết kiệm bằng ngoại tệ trong giai đoạn 2008-2010 chiếm tới 22,6% tổng số dư tiền gửi tiết kiệm tại các NHTM. Điều muốn nhấn mạnh là nguồn gốc thực sự của số tiền tiết kiệm ngoại tệ và việc tìm kiếm câu trả lời cũng không quá khó khăn. Không thể phủ nhận rằng có một tỷ lệ không nhỏ tiết kiệm ngoại tệ liên quan đến tham nhũng, hối lộ và các hình thức tiêu cực khác. Đồng thời, sự trùng hợp rất khó giải thích là tuyệt đại đa số những người có tiền gửi tiết kiệm và mua tín phiếu kho bạc bằng ngoại tệ là những người có quyền chức, không có thu nhập chính thức bằng ngoại tệ nhưng có cơ hội tham nhũng, nhận hối lộ. Những người này cũng chính là những người sùng bái ngoại tệ nhất và tích cực nắm giữ ngoại tệ để bảo đảm giá trị và tạo ra sự sang trọng khác biệt với những người bình thường. Sự sùng bái và nắm giữ ngoại tệ của những người này đã tiếp tay cho đầu cơ và góp phần phát triển thị trường ngầm.  

2.      Một số giải pháp nhằm hạn chế và xóa bỏ tiết kiệm ngoại tệ ở Việt Nam

Nhận thức được những tác động tiêu cực của huy động tiết kiệm ngoại tệ, NHNN đã có chủ trương hạn chế vàtăng cường kiểm soát bằng cách buộc các NHTM cắt giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Tuy nhiên việc hạn chế và tiến tới xóa bỏ huy động tiết kiệm ngoại tệ cần phải được thực hiện một cách kiên quyết và dứt điểm theo hai bước: (1) đến hết năm 2012, chấm dứt huy động tiết kiệm ngoại tệ và hạn chế tiền gửi ngoại tệ; (2) xóa bỏ hoàn tín dụng ngoại tệ từ năm 2013. Các giải pháp cụ thể bao gồm như sau:

2.1 Chấm dứt việc huy động gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ song song với việc ‘giải phóng tỷ giá và lãi suất tín dụng nội tệ, tạo điều kiện cho các chủ thể nắm giữ ngoại tệ bán cho các NHTM

Dù chấm dứt huy động tiết kiệm bằng ngoại tệ các NHTM Việt Nam vẫn có thể ổn định nguồn cung ngoại tệ khi thỏa mãn được yêu cầu về tỷ giá và lãi suất tiết kiệm bằng VND của những người nắm giữ ngoại tệ. Cần tác động vào hai nguyên nhân chính phát sinh nhu cầu gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ: (1) sự mất lòng tin vào giá trị của VND do lạm phát cao; và (2) tâm lý sùng bái ngoại tệ.    

Để củng cố lòng tin vào nội tệ cần phải ổn định sức mua của VND và đây là mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan chức năng của nhà nước như NHNN, Bộ Tài chính, v.v…, do vậy, sớm hay muộn tác nhân thứ nhất của nhu cầu gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ sẽ được loại bỏ. Ngược lại, cần xem xét, đánh giá trách nhiệm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan cũng như cá nhân lãnh đạo các cơ quan đó.

Song song với phấn đấu ổn định nội tệ, NHNN cần thực hiện ‘giải phóng’ về lãi suất và tỷ giá, cho phép các NHTM được thỏa thuận một cách công khai và minh bạch đối với khách hàng giá bán ngoại tệ và lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND. Thêm nữa,cho phép các NHTM được mua bán hai chiều, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ chính đáng của người dân. Khi không còn ‘giá rẻ’, khi lãi suất VND là dương và thực sự hấp dẫn, sẽ không còn nhu cầu ngoại tệ ảo, động cơ nắm giữ ngoại tệ dự phòng và kỳ vọng tăng giá sẽ giảm đồng thời lòng tin vào VND cũng sẽ được khôi phục và củng cố từng bước.    

Về tính khả thi của giải pháp này, có thể một số người lo ngại việc chấm dứt nhận tiền gửi bằng ngoại tệ sẽ làm thất thoát nguồn ngoại tệ. Tuy nhiên, lo ngại đó có thể được giải tỏa khi phân tích kỹ hơn các khả năng di chuyển và điểm đến của lượng ngoại tệ đang tồn tại ở Việt Nam. Thứ nhất, khi tỷ giá và lãi suất ở Việt Nam được xác định và duy trì một cách thỏa đáng, đảm bảo những nguyên lý về ngang bằng về sức mua (PPP) và ngang bằng về lãi suất (IRP) và nếu như gửi tiết kiệm bằng VND tại ở Việt Nam có lợi hơn thì lượng ngoại tệ chắc chắn sẽ được bán cho NHTM hơn là chuyển ra nước ngoài. Thứ hai, có thể một lượng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài với ‘vỏ bọc’ đầu tư[9], thực chất là ‘rửa tiền’ hay ‘chạy của’. Trước hết, dù không có sự liên quan đến tham nhũng thì những hành vi đó đã vi phạm pháp lệnh về quản lý ngoại hối của Việt Nam. Trong trường hợp này, để chống tiêu cực, tham nhũng và vi phạm pháp luật, các cơ quan điều tra của Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ và hợp tác của Interpol và tất cả các NHTM của các nước trên thế giới buộc chủ sở hữu của các khoản tiền này phải tôn trọng pháp luật. Ngoài ra, việc chuyển tiền vào các nước khác một cách hợp pháp là không đơn giản khi phải tuân thủ luật pháp và các quy định riêng của từng nước. Trong khi sử dụng các ‘đường dây’ không chính thức sẽ rất rủi ro và bản thân những đường dây này cũng sẽ tự động ‘biến mất’ khi Việt Nam triệt xóa thanh toán trực tiếp bằng ngoại tệ.

2.2 Chống đầu cơ sùng bái và găm giữ ngoại tệ nhằm loại bỏ đô-la hóa

Sau khi tỷ giá và lãi suất đã được giải phóng, việc tiếp tục nắm giữ ngoại tệ là do sùng bái, cần kiên quyết loại bỏ bởi vì đó là sự mù quáng, thiếu hiểu biết của những người giàu về tiền bạc nhưng ‘nghèo’ về nhận thức và làm hại cho nền kinh tế và cộng đồng. Cần phải chỉ ra rằng sùng bái ngoại tệ không phải là do ‘dân trí thấp’ bởi vì đa số dân chúng Việt Nam không có thu nhập cao để lo ngại VND mất giá, thậm chí nhiều người còn chưa biết về ngoại tệ, làm sao có thể sùng bái, găm giữ ngoại tệ và gia tăng vấn nạn đô-la hóa. Vì vậy cần phải thống nhất nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước rằng sùng bái ngoại tệ và tiếp sức cho đô-la hóa là một loại tệ nạn cần phải được loại bỏ.

Mặc dù hiện tại luật pháp không cấm sở hữu và gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, song cơ quan chức năng có quyền điều tra làm rõ nguồn gốc của các khoản tiền gửi ngoại tệ và nếu làm như vậy cũng có thể hạn chế được đáng kể tình trạng tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Mặt khác, không tuyên truyền mang tính chất ‘ca ngợi’ hoặc tạo ra sự khác biệt, thỏa mãn thị dục huyễn ngã của những người nắm giữ ngoại tệ [10].  

2.3 Hạn chế tình trạng nắm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp thông qua việc tái áp dụng chế độ kết hối ngoại tệ và khuyến khích bán ngoại tệ cho các NHTM

Khác với công chúng, việc nắm giữa ngoại tệ của các doanh nghiệp nhằm dự phòng cho nhu cầu sử dụng để nhập khẩu phục vụ hoạt động kinh doanh. Số dư tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty vào cuối tháng 3/2011là 1,61 tỷ USD[11], trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn chỉ là 376 triệu USD. Sau khi được ‘động viên’, các tập đoàn lớn đã bán cho các NHTM vào tháng 9/2011.

Việt Nam nên tham khảo và học tập kinh nghiệm của Trung Quốc, nước được đánh giá là rất thành côngtrong việc giải quyết vấn đề tỷ giá và mất cân đối về cung cầu ngoại tệ.Để điều chỉnh tỷ giá và bảo đảm cân đối cung cầu ngoại tệ, trong các năm từ 1994 đến 1996, Trung quốc đã thực hiện chính sách kết hối ngoại tệ 100%, nghiêm cấm việc giữ và sử dụng ngoại tệ. Đến 2002, Trung Quốc mới cho phép các doanh nghiệp được giữ ngoại tệ trên tài khoản với mức không quá 20% nguồn thu từ các giao dịch vãng lai. Chỉ đến 2007, khi dự trữ ngoại hối Trung Quốc đạt 1.528,249 tỷ USD, cán cân vãng lai thặng dư 371,832 tỷ USD, cán cân vốn thặng dư 73,454 tỷ USD, Trung Quốc mới xóa bỏ chính sách kết hối ngoại tệ[12]. Nhờ thực hiện các chính sách quản lý ngoại hối đồng bộ và linh hoạt, Trung Quốc đã thành công trong việc điều hành tỷ giá, giải quyết được các khó khăn và đảm bảo cung ứng ngoại tệ kịp thời cho nền kinh tế.

2.4 Chuyển nhu cầu tín dụng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tín dụng ngoại tệ từ năm 2013

Nếu còn cho vay bằng ngoại tệ sẽ còn nhu cầu nguồn vốn bằng ngoại tệ, sẽ lại nảy sinh những ngoại lệ, đô-la hóa và sùng bái ngoại tệ sẽ vẫn còn ‘đất sống’ và vô hiệu hóa những ‘hy sinh’ từ bỏ huy động tiết kiệm ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô nói chung. Giống như huy động tiết kiệm ngoại tệ, sự tăng trưởng tín dụng ngoại tệở Việt Nam rõ ràng đã mang lại những tác hại nghiêm trọng, không phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của Việt Nam và cần phải xóa bỏ.Sau một thời gian hạn chế, cần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tín dụng ngoại tệ ở Việt Nam, thay vào đó, mọi nhu cầu về ngoại tệ sẽ được giải quyết thông qua quan hệ mua – bán trên thị trường ngoại hối. Để thực hiện được giải pháp này, việc củng cố và phát triển thị trường ngoại hối nhằm ổn định nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ là điều hết sức quan trọng.

Thực ra, những vấn đề về ‘giải phóng’ tỷ giá và lãi suất, cho phép các NHTM mua bán hai chiều để thỏa mãn cung cầu ngoại tệ như được đề cập trên đây chính là sự củng cố và phát triển thị trường ngoại hối ở Việt Nam. Chính phủ và NHNN cần bãi bỏ các quy định hạn chế bán ngoại tệ và xóa bỏ tình trạng hai tỷ giá, hai lãi suất. Đây là bài học được đúc rút ra từ chính công cuộc đổi mới và cải cách kinh tế Việt Nam năm 1988-1989, khi giá cả bao cấp và tình trạng độc quyền về ngoại hối được xóa bỏ, mọi năng lực sản xuất được giải phóng, tình trạng khan hiếm và mất cân đối về hàng hóa - tiền tệ và ngoại hối đồng thời được giải quyết, nền kinh tế đã ổn định và phát triển theo đúng quy luật kinh tế thị trường.

Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng cần phải được coi là trụ cột của thị trường ngoại hối ở Việt Nam, trong đó các NHTM cần chủ động tăng cường nguồn ngoại tệ và đẩy mạnh áp dụng các nghiệp vụ phái sinh ngoại tệ cho các đối tượng khách hàng. Để doanh nghiệp và cá nhân hình thành thói quen mua bán ngoại tệ, ngoài vấn đề cơ bản nhất là tỷ giá và lãi suất, các NHTM cần đảm bảo rằng khách hàng có thể bán ngoại tệ cho NHTM và có thể mua mỗi khi cần sử dụng. Song song với các giao dịch giao ngay, việc mở rộng và phát triển các nghiệp vụ giao sau (derivatives hay hedgs) không chỉ bảo vệ khách hàng, tránh nguy cơ rủi ro tỷ giá mà còn là những công cụ ‘phi hành chính’ tối ưu để cân bằng cung cầu về ngoại tệ.

Việc cố gắng xóa bỏ thị trường tự do là không cần thiết hoặc ít nhất không nên thực hiện một cách ‘duy ý chí’ hay ‘nửa vời’ như hiện nay vì tác dụng chỉ như ‘ném đá răm xuống ao bèo tấm’. Ngược lại, những biện pháp can thiệp hành chính đó có thể lại vô tình bộc lộ những hạn chế về khả năng quản lý, sự khan hiếm và kích động tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ. Cần lưu ý rằng yếu tố tâm lý là một tác nhân rất quan trọng tác động đến lượng ‘cầu ảo’ về ngoại tệ và tín dụng ngoại ở Việt Nam, đẩy tỷ giá lên cao và tạo ra động cơ cho hành vi đầu cơ găm giữ ngoại tệ. Do vậy, trước khi sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính, cần chọn lọc và cân nhắc kỹ lưỡng đến ‘chi phí và lợi ích’ và nên kèm theo chế tài về trách nhiệm đối với người đề xuất và thực hiện các biện pháp. Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy hoạt động của thị trường từ do sẽ bị xóa bỏ một cách hoàn toàn tự nhiên khi không thể cạnh tranh nổi với các dịch vụ và chất lượng dịch vụ được cung cấp bởi thị trường chính thức và bán chính thức.

3.      Kết luận

Hạn chế và tiến tới chấm dứt huy động tiết kiệm cũng như tín dụng ngoại tệ là một định hướng hoàn toàn đúng đắn để giải quyết những bất cập, mất ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức tạp, có thể ví như một sự cải cách, liên quan đến lợi ích chung và riêng của nhiều chủ thể khác nhau. Do đó hạn chế và chấm dứt huy động tiết kiệm ngoại tệ cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động, một lộ trình với các giải pháp cụ thể và đồng bộ, không chỉ NHNN mà cần phải có những can thiệp tích cực từ phía Chính phủ, sự ủng hộ và hợp tác của các NHTM, các doanh nghiệp và cá nhân trong nền kinh tế.Trên cơ sở bài học sự thành công của một số nước, một số giải pháp được trình bày và nếu được nghiên cứu áp dụng có thể sẽ kiềm chế và chấm dứt vay mượn bằng ngoại tệ cũng như loại bỏ vấn nạn đô-la hóa ở Việt Nam một cách triệt để và hiệu quả.

Tuy nhiên, các giải pháp về tài chính-tiền tệ dù sao cũng chỉ có thể giải quyết ‘bề nổi’ của vấn đề và phát huy tác dụng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, cần xây dựng các giải pháp:  (1) điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tránh lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nhất là nguyên liệu đầu vào để hạn chế cầu ngoại tệ, và (2) tạo lập khả năng chuyển đổi của VND. Muốn vậy, nền kinh tế Việt Nam phải được phát triển thành một nền kinh tế mạnh, không những không phụ thuộc mà còn có khả năng tác động vào nền kinh tế thế giới. Khi Đồng Việt Nam được coi là đồng tiền mạnh và có khả năng chuyển đổi, sẽ đẩy lùi đô-la hóa và đảm bảo khả năng phát triển kinh tế bền vững trong điều kiện hội nhập. Đây là những vấn đề rất vĩ mô và cần được giải quyết một cách bài bản, có hệ thống và dựa trên những cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ hơn trong các nghiên cứu khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#nhung