xứ tuyết 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Song tác phẩm mang lại tiếng tăm thực sự cho nhà văn là cuốn XỨ TUYẾT. Được giới văn học Nhật thừa nhận là hiện tượng văn xuôi trữ tình quan trọng nhất lúc bấy giờ, XỨ TUYẾT lôi cuốn người đọc bởi những nét vô cùng đặc sắc của thế giới con người và thiên nhiên, được miêu tả bằng những màu sắc đầy chất thơ rất điển hình cho các tác phẩm của Kawabata. Dựa trên những tư liệu tươi mới, nhà văn mở ra cho người đọc cả một thế giới những ham muốn, hi vọng và xung đột trước kia chưa ai mô tả bao giờ.

XỨ TUYẾT được Kawabata xây dựng trong nhiều năm. Bắt tay viết từ năm 1934, mãi đến năm 1947 nó mới được viết xong. Thiên truyện đúng ra là gồm nhiều phần, được viết vào nhiều thời kỳ khác nhau.

Nội dung chính của tác phẩm là câu chuyện về Shimamura, một người đàn ông đứng tuổi, lớn lên và sống ở Tokyo, đáp xe lửa lên miền Bắc nước Nhật để thưởng ngoạn phong cảnh của vùng tuyết.

Trước mắt độc giả hiện lên phong cảnh giàu chất trữ tình của miềnt Bắc nước Nhật với không gian bao la phủ đầy tuyết, tràn ngập ánh nắng mặt trời, một khung cảnh nên thơ và quyến rũ lòng người.

Trên đường đời Shimamura gặp một kỹ nữ tên là Komako yêu chàng sâu sắc, bị dày vò bởi hi vọng vào tình yêu mà không hề nghĩ đến chuyện Shimamura có thể chia sẻ tình yêu với mình hay không.

Nhiều trang truyện vang lên như tiếng kêu xé lòng về tình yêu và nỗi cô đơn. Shimamura được miêu tả như con người không có khả năng chia sẻ tình yêu lớn lao của Komako. Vốn nhẹ dạ và nông nổi, anh ta đam mê hết thứ này đến thứ khác. Đang say mê âm nhạc và chưa học đến nơi đến chốn đã chuyển sang nghiên cứu múa dân tộc, rồi sau lại sang múa balê phương Tây...

Qua hình tượng Shimamura, Kawabata đã dựng nên bức tranh phần nào có tính châm biếm về tầng lớp trí thức Nhật vào những năm 1930.

Mặt khác, qua nhân vật Komako, Kawabata vẽ nên hình ảnh diễm tuyệt của người con gái Nhật Bản, như kiểu người con gái được miêu tả trong các tranh khắc màu truyền thống nổi tiếng của Nhật thế kỷ XVII- XVIII. Đọc các đoạn mô tả chân dung người kỹ nữ Komako, có cảm giác như trước mắt ta hiện lên những bức tranh khắc mê hồn của Moronobu hay Utamaro, vẫn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật mô tả chân dung con gái Nhật.

Kawabata có biệt tài trong nghệ thuật tạo hình, biết truyền đạt mối quan hệ giữa con người chính xác đến mức người đọc không nghi ngờ gì về tính chân thực của nó.

Lửa và tuyết là hai yếu tố chính trong XỨ TUYẾT. Lửa cấu tạo nên tình yêu, thiêu đốt ba nhân vật: Shimamura, Komako và Yôko. Tuyết làm nền cho xứ mộng. XỨ TUYẾT lộ ra dưới "chân trời trắng" đẩy lùi bóng đêm trong đường hầm, ảnh ảo của một vùng đất có thật: đường hầm Shimizu (cách Tokyo 175 cây số về phía Bắc) nằm trên tuyến xe lửa Joetsu ngày trước nối liền Tokyo với Niigata. Người đi từ kinh thành Tokyo, chốn thị tứ ấm áp phía nam bên bờ Thái Bình Dương qua mười một cây số đường hầm, đến vùng tuyết trắng giá băng trên bờ biển Nhật Bản. Người đi, trốn Tokyo để đến xứ tuyết, trốn cuộc đời thực để tìm đến cuộc sống mộng ảo phù du.

XỨ TUYẾT thoạt tiên được Kawabata cho in từng đoạn, trên nhiều báo khác nhau, từ 1935 đến 1947. Trong vòng mười ba năm, từ 1935 đến 1948, các chương được ông viết đi viết lại nhiều lần. Giữa bản đầu, in năm 1937, và bản 1948, có một khác biệt sâu xa: ấn bản đầu chưa có đoạn đám cháy trên núi tuyết. Rất có thể, sau mười một năm kinh nghiệm sống và viết, nhà văn đã tìm thấy lửa như một kết cấu luân hồi: lửa sinh ra tình yêu và lửa cũng có khả năng hủy diệt, trở thành dứt điểm của tình yêu.

Kawabata dành mười ba năm để hoàn tất một cuốn truyện 250 trang.

Tác phẩm như một bức họa đen trắng đệm nhạc: nổi bật trên nền trắng của tuyết, của sáp mặt kỹ nữ geisha, là sắc đen trong màu tóc Komako, trong xiêm áo của nàng, là tiếng đàn shamisen réo rắt. Nếu trong truyện thật ngắn, Kawabata chỉ họa những nét phác chính, để trống những nét phụ cho người đọc vẽ vời thêm; thì trong tiểu thuyết, bút ông chạy những nét li ti, cực kỳ chi tiết vào vật chất, vào tâm hồn. Ông tạo hình như một nhà phân tâm học vừa tìm ra một mỹ cảm mới: rọi xuống đáy sâu trong lòng người bằng ngòi bút của một nghệ sĩ sành thơ và hoạ.

Người ta nói nhiều đến đôi mắt cực kỳ đặc biệt của Kawabata và những ai đã gặp ông, khó tránh bị thu hút bởi đôi mắt có khả năng xuyên suốt ấy, nhưng những người chưa gặp Kawabata, cũng có thể nhìn thấy đôi mắt lạ kỳ ấy trong tác phẩm của ông. Nhân vật bị ông thôi miên. Khả năng hút cạn nguồn sinh lực của nhân vật để nhả vào tác phẩm có một không hai của nhà văn độc đáo này làm bật tính khốc liệt trong những động tác bình thường gần như nhàm chán của cuộc sống hàng ngày.

Tình yêu tuyệt đối giữa Shimamura và Komako được soi trong con ngươi, con ngươi mà Apollinaire gọi là "chúa tể của mắt" (Christ de l’oeil) và Yoko hiện ra bên cạnh như chiếc bóng, trong gương của tình yêu.

Con ngươi phù thủy ấy thường trực hướng về phụ nữ. Mắt Shimamura trong XỨ TUYẾT (cũng như Kikuji trong Ngàn cánh hạc, Shingo trong Tiếng núi, Eguchi trong Người đẹp ngủ) đã bị đồng tử của Kawabata nhập vào. Rất có thể vì ông chưa tìm ra cách nhập được vào người phụ nữ, cho nên ông đành nhập vào những nhân vật nam trong truyện, mượn mắt của họ để chiếu vào người phụ nữ. Nhưng mỗi lần dở thủ pháp ra, Kawabata lại gặp trở ngại trước một thế giới huyền hoặc, mơ hồ, không sao soi tỏ được. Bởi mỗi người đàn bà là một hành tinh bí mật. Mỗi người đàn bà là một thái dương thần nữ, là một chủ thể của đam mê, dục vọng khác nhau…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dangducpy