Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi. Thơ mới là tiếng nói của một thế hệ thi nhân trẻ tuổi và trẻ lòng. Điều đó cắt nghĩa vì sao các nhà thơ của phong trào này viết nhiều về mùa xuân.

Sự đồng điệu giữa những luồng rung động rạo rực, trẻ trung trong tâm hồn với cảnh sắc đất trời sang xuân vào Tết căng tràn nhựa sống đã thăng hoa thành tiếng thơ. Thế Lữ viết Hồ xuân và thiếu nữ; Huy Cận viết Hồn xuân, Xuân, Xuân ý; Hàn Mặc Tử viết Mùa xuân chín, Xuân đầu; Nguyễn Bính viết Xuân về, Mùa xuân xanh... Chính sức sống mùa xuân đã làm tươi lại hồn thơ đầy ảo giác và ấn tượng của Hàn Mặc Tử bằng những hình ảnh vừa thực vừa gợi cảm: Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lí bóng xuân sang...

Ngay giữa chốn khá "mịt mờ" của lối thơ "khó" Xuân Thu nhã tập vẫn bừng sáng những câu thơ xuân tuyệt hay của Nguyễn Xuân Sanh: Lẵng xuân – Bờ giữ. Trái xuân sa/ Đáy đĩa – Mùa đi. Nhịp hải hà hay của Bích Khê: Hỡi lời ca man dại/ Điệu nhạc thở hơi rừng/ Đêm nay xuân đã lại/ Thuần tuý và tượng trưng... Đặc biệt là Xuân Diệu, cứ như thể ngẫu nhiên, từ cái tên cho đến cấu trúc tâm hồn đều gợi về sự kì diệu của mùa xuân. Dễ nhận thấy xuân trong thơ Xuân Diệu là một hình tượng nghệ thuật vừa tả thực, vừa biểu trưng. Ở cấp độ thứ nhất, trong hai tập thơ, có nhiều bài mô tả trực tiếp phong cảnh mùa xuân như Nụ cười xuân, Xuân đầu, Xuân rụng... Ở những bài thơ này, Xuân Diệu đã tạo được những bức tranh xuân tươi tắn màu sắc, rộn rã âm thanh, hài hoà, tình tứ như một nụ cười duyên:

Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui

Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời

Sao buổi đầu xuân êm ái thế

Cánh hồng kết những nụ cười tươi

Ánh sáng ôm trùm những

ngọn cao

Cây vàng rung nắng, lá xôn xao;

Gió thơm phơ phất bay vô ý

Đem đụng cành mai sát

nhánh đào

(Nụ cười xuân)

Nhưng những bức tranh thơ kiểu này chiếm tỉ lệ rất ít ỏi trong thơ Xuân Diệu bởi nó không tiêu biểu cho lối viết của ông. Xuân Diệu, như ta đã biết, gần với bút pháp tượng trưng hơn lãng mạn nên cảnh vật trong thơ ông cốt gợi mà không cốt tả. Ngay cả khi ông vận dụng lối miêu tả thì phần biểu hiện vẫn lấn lướt và người đọc khó lòng định vị được ranh giới giữa thực và ảo, giữa không gian ngoại giới và không gian tâm tưởng:

Trời xanh thế! Hàng cây thơ

biết mấy!

Vườn non sao! Đường cỏ mộng

bao nhiêu...

Tà áo mới cũng say mùi gió nước;

Rặng mi dài xao động

ánh dương vui

(Xuân đầu)

Tơ liễu giong gần tơ liễu êm;

Bướm bay lại sánh

bướm bay kèm...

Son sẻ trời như mười sáu tuổi;

Má hồng phơn phớt mắt long lanh

(Rạo rực)

Có thể coi những câu thơ trên là sự kết nối giữa sắc xuân với tình xuân, giúp Xuân Diệu đi xa, đi sâu hơn vào thế giới của xuân lòng, của vạn vật nức xuân tâm. Nhiều hơn cả trong thơ Xuân Diệu là những bài thơ có sự khúc xạ về ý tưởng, và xuân dường như đồng nghĩa với những tình cảm tươi trẻ của lòng người:

Xuân của đất trời nay mới đến;

Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi;

Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi

(Nguyên Đán)

Mùa xuân thường song hành với sự bừng nở của cây lá, nhưng người thơ có lúc thay vì ngất ngây trước vẻ đẹp của mây gió cỏ hoa lại tự say mê vẻ xinh tươi kì diệu của chính tâm hồn mình. Sự di chuyển điểm nhìn này đã mờ hoá những tín hiệu báo mùa của thiên nhiên, khiến chúng trở nên không cần thiết:

Một ít nắng, vài ba sương

mỏng thắm

Mấy cành xanh, năm bảy sắc

yêu yêu

Thế là xuân. Tôi không hỏi

chi nhiều

Xuân đã sẵn trong lòng tôi

lai láng...

Bình minh quá, mỗi khi tình

lại hứa,

Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa

lòng ta...

Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,

Tình không tuổi, và xuân không

ngày tháng

(Xuân không mùa)

Rất nhiều bài thơ của Xuân Diệu không nằm trong phạm vi đề tài và không trực tiếp viết cảnh sắc ngày xuân nhưng vẫn thấp thoáng vẻ đẹp và sức sống mùa xuân. Trường liên tưởng xung quanh kí hiệu xuân được mở ra nhiều chiều nhưng ấn tượng hơn cả là sự đồng điệu giữa mùa xuân với những rung động mới mẻ của tình yêu đầu đời:

Hoa thứ nhất có một mùi

trinh bạch,

Xuân đầu mùa trong sạch vẻ

ban sơ.

Hương mới thắm bền ghi như

thiết thạch;

Sương nguyên tiêu trời đất cũng

chung mờ.

(Tình thứ nhất)

Thơ Xuân Diệu vốn đã nồng, viết về xuân, giọng điệu thơ ông càng trở nên tha thiết, đắm say với những kiểu cảm thán như "nhan sắc ơi", "bình minh quá", "xuân ơi xuân"... Khát vọng tình yêu và nguồn cảm xúc trẻ trung, sôi nổi đã chi phối đến cách thức tạo dựng hình ảnh thơ. Qua lăng kính lứa đôi, chủ thể trữ tình là nam – người phát ngôn – trong thơ Xuân Diệu luôn cảm nhận sắc hương mùa xuân từ góc độ của bản tính nữ. Chỉ có Xuân Diệu, bằng đôi mắt "xanh non", đa tình mới có thể nhìn thấy nét gợi tình lạ lùng từ một phạm trù vô hình vô ảnh là thời gian: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần (Vội vàng).

Cách viết đó của Xuân Diệu, dù ít dù nhiều đã chứa đựng sắc thái nhục cảm. Vì vậy, khác với một số nhà thơ thường lấy màu xanh như một "mã" ước lệ để ví mùa xuân (xa xưa có đại thi hào Nguyễn Du: Cỏ non xanh rợn chân trời; cùng thời là Nguyễn Bính: Mùa xuân là cả một màu xanh, Hàn Mặc Tử: Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời...), xuân trong thơ Xuân Diệu lại được kí hiệu bởi màu hồng – một tông màu ấm và có sức gợi cảm giác nhục thể hơn:

Trời reo nắng thì chim reo

tiếng sáng!

Xuân có hồng thì tôi có tình tôi

(Tặng thơ)

Xuân trong thơ Xuân Diệu là tình yêu tuổi trẻ, là phần "ngon" nhất của cuộc đời và đầy sức quyến rũ nhưng lại vô cùng ngắn ngủi. Cảm thức về sự hữu hạn của đời người, sự sớm tàn mau tạ của tuổi thanh xuân khiến tư thế trữ tình của nhà thơ chưa bao giờ bình thản. "Vội vàng", "giục giã", "mau đi thôi", "gấp đi em"... là những lựa chọn tiêu biểu cho hành động sống của nhà thơ. Xuất phát từ nguồn cảm xúc mãnh liệt, dâng trào này, Xuân Diệu đã viết nên nhiều câu thơ mang đậm tính triết lí. Xuân của đất trời vận động theo nhịp điệu tuần hoàn của vũ trụ, của thời gian tự nhiên, xuân của đời người là một đi không trở lại:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân

đương qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân

sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời

cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của

nhân gian;

Nói làm chi rằng xuân vẫn

tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần

thắm lại,

Còn trời đất, nhưng chẳng còn

tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả

đất trời

(Vội vàng)

Trong niềm say mê bồng bột và khát khao chiếm lĩnh hoa thơm mật ngọt của đời sống trần thế, nhà thơ như đã ôm trọn được cả thực thể xuân vào lòng. Sự độc đáo của thế giới thơ Xuân Diệu thường được mở ra bằng những khả năng liên tưởng dồi dào, mới mẻ. Chung quy là nhằm diễn tả đến tận cùng tình yêu cuộc sống và khát vọng ái ân:

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu

mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và

gió lượn.

Ta muốn say cánh bướm với

tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái

hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho

đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của

thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn

vào ngươi!

(Vội vàng)

Cả mặt đất và bầu trời bát ngát trong Thơ thơGửi hương cho gió dường như thuộc về tuổi trẻ và chỉ dành cho những người đang yêu. Một không gian trẻ trung với những cô gái mười tám đôi mươi má hồng phơn phớt mắt long lanh, những chàng trai đương sức lực tươi xanh, với những lời mời yêu tha thiết và tình tứ: Mở miệng vàng và hãy nói yêu tôi; Hãy làm dáng điệu xuân ôm ấp/ Ánh sáng ban từ một nét tay... Có thể nói, Xuân Diệu đã chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết, đã tự tay sắp đặt khu vườn trần thế để nó thực sự là "bình chứa muôn hương của tuổi trẻ", để khi bước chân vào đó, người người đều có cảm tưởng như được "du ngoạn trong xứ yêu mến" và thầm ao ước được mãi mãi "hoài xuân"...

Với Xuân Diệu, cảm thức mùa, cũng chính là sự kết tụ cảm hứng yêu đời và tư tưởng nhân sinh của nhà thơ. Cái được biểu đạt, rõ ràng, đã muôn lần phong phú hơn so với cái biểu đạt. Xuân, hạ, thu, đông không chỉ là những bức tranh thiên nhiên mà còn là chân dung tâm hồn, là tài năng và cá tính của một nhà thơ được đánh giá là tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Sau Thế Lữ, với Thơ thơGửi hương cho gió, Xuân Diệu đã là người kế thừa xuất sắc, tái tạo nguồn sinh lực và đưa trào lưu thơ ca lãng mạn Việt Nam 1932 – 1945 đến thời hoàng kim rực rỡ.

L.H.T

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro