(2023) Tóm tắt "khung chính sử" trong "Như sơ"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

THÔNG BÁO

"Như sơ" đã được mua bản quyền và dự kiến phát hành trong năm 2024. Các thông tin phát hành bạn đọc vui lòng theo dõi tại blog Việt Chi trên facebook. (https://www.facebook.com/nguyenhavietchi129)Bản xuất bản hứa hẹn sẽ có nhiều điểm thú vị, chỉn chu hơn và để quý bạn đọc có được trải nghiệm tốt nhất với "Như sơ", mình xin phép chỉ để lại một phần nhỏ của bản online bên wattpad này, ngoài ra các bên khác đều là bản cũ, bản lậu có nhiều sai sót dễ gây hiểu lầm, mong các bạn không truy cập vào ạ.Cảm ơn các bạn đã luôn yêu quý, ủng hộ và dành cho mình, cho "Như sơ" nhiều lời chúc tốt đẹp để mình có cơ hội ngồi gõ những dòng thông báo này. Một lần nữa, mình cảm ơn các bạn rất nhiều. Các bạn hãy cùng mình đón chờ ngày "Như sơ" thơm mùi giấy mới nhé!Trân trọng và yêu thương!Việt Chi. 

---

[2023] Chào các bạn, mình là Việt Chi, tác giả của truyện "Như sơ". "Như sơ" được mình sáng tác dựa trên cảm hứng từ cuộc hôn nhân giữa Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương thời nhà Trần. Đây là phần phụ lục nhỏ tóm tắt các sự kiện lịch sử, các thông tin tài liệu mà mình dựa vào để xây dựng nội dung truyện. Mong là các bạn sẽ dành thời gian để đọc phần phụ lục này để hiểu thêm về Đại vương và Công chúa, đồng thời sẽ phân biệt rõ hơn với các chi tiết hư cấu khác có trong truyện.

          Nguồn tài liệu mình tham khảo chủ yếu từ Đại Việt Sử ký toàn thư – thiên về các thông tin cá nhân của Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải và Bia thờ Công chúa Phụng Dương (Phụng Dương công chúa thần đạo bi minh tính tự) – sẽ có nhiều thông tin về công chúa Phụng Dương và cuộc hôn nhân của hai người hơn. Mình sẽ chia thông tin theo hai nguồn đó để trình bày luôn nha!

1-    Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải.

     "Khi Quang Khải mới sinh, phát chứng kinh sắp chết, Thái Tôn lấy áo của thượng hoàng và gươm báu truyền quốc để trước mặt, bảo rằng: Nếu sống lại thì cho những thứ này. Đến khi sống lại, Thái Tôn nói:"Gươm báu truyền quốc, không thể cho bậy được, chỉ cho áo của thượng hoàng thôi". (ĐVSKTT, tr323) [được nhắc tới ở chương 5 trong truyện]

          Mùa đông (11/11) năm 1258, Trần Quang Khải được phong làm Chiêu Minh Đại Vương, cùng năm đó được ban hôn với công chúa Phụng Dương, ban cho thái ấp ở Độc Lập, Thiên Trường. Theo ĐVSKTT (tr288): thời nhà Trần các vương hầu đều ở phủ đệ ở hương của mình, khi hầu chầu mới vào kinh sư, xong lại về phủ đệ riêng. [được nhắc tới ở chương 1 trong truyện]

          Tân Dậu năm thứ 4 (1261), "cho Chiêu Minh đại vương Quang Khải làm thái úy" (ĐVSKTT, tr288), tham gia triều chính khi mới 20 tuổi. Năm 1265, Trần Quang Khải được giao cai quản châu Nghệ An (ĐVSKTT tr 291). Tân Mùi (1271), tháng 3 phong Quang Khải làm Tướng quốc thái úy, tóm giữ việc nước. (ĐVSKTT, tr294) [được sử dụng làm lời dẫn bối cảnh ở nhiều chương]

          "Quang Khải có học thức, hiểu tiếng nói của các phiên." (ĐVSKTT, tr323) [là nguồn cảm hứng xây dựng các chi tiết Trần Quang Khải thuyết phục được người ở các phiên quy thuận triều đình, không nghe xúi giục gây rối, cùng nhau đánh cờ...chương 11, 13, 17]

          "[...] (Quang Khải và Quốc Tuấn) hai người vốn không ưa nhau. Có một hôm Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp đến Quang Khải xuống thuyền đánh cờ chơi suốt ngày mới về. Lại tính Quang Khải lười tắm gội, Quốc Tuấn thì thích xông tắm, từng nói đùa với Quang Khải rằng: Thân cáu bẩn, xin tắm giùm. Quốc Tuấn mới cởi áo của Quang Khải ra, lấy nước thơm để tắm và nói: Hôm nay được tắm cho thượng tướng. Quang Khải cũng nói: Hôm nay được quốc công tắm cho. Từ đấy hai người vui chơi với nhau, tình thân càng mặn. Mình là tướng văn, tướng võ phù giúp nhà vua, hai ông là đứng hàng đầu." (ĐVSKTT, tr324) [là cảm hứng để xây dựng các đoại thoại liên quan đến "tắm" giữa Đại vương và Công chúa trong nhiều chương; đoạn hội thoại giữa hai vị Đại vương ở chương 12] Về mối quan hệ "vốn không ưa nhau" giữa hai vị Đại vương mà sử ký đề cập là do có liên quan đến mâu thuẫn từ đời trước giữa hai chi (Trần Liễu và Trần Cảnh), tác giả khuyến khích bạn đọc tự tìm hiểu thêm các tài liệu khác để có thêm thông tin chi tiết và cụ thể hơn.

          Năm 1281, nhà Nguyên cử Sài Thung đi sứ sang nước ta, thái độ rất ngạo mạn, Trần Quang Khải được giao đến tiếp sứ, nhưng Sài Thung (Sài Xuân) không chịu gặp, mãi đến khi Hưng Đạo Đại vương cạo tóc, mặc áo vải như nhà sư phương Bắc đến hắn mới chịu gặp. Năm 1282, Trần Quang Khải được phong làm Thượng tướng Thái sư, năm 1285, Thượng tướng phụ trách dẫn binh chiến đấu với giặc ở châu Nghệ An, sức giặc mạnh lại có được sự giúp sức của phản tướng nhà Trần nên quân của Thượng tướng ở thế yếu. Đến khi quân Trần phản công dành chiến thắng, Thượng tướng cũng góp công trong trận đánh ở Chương Dương, ngày 6 tháng 6 năm 1285, Thượng tướng làm bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" [được nhắc tới trong chương 11, 12 của truyện].

          Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải từng được vua Trần Thánh Tông ca ngợi: "Nhất đại công danh thiên hạ hữu. Lưỡng triều trung hiếu, thế gian vô." (Công danh một thủa còn bao kẻ. Trung hiều hai triều chỉ một ông.)

          "Quang Khải thích học hay thơ, có tập Lạc đạo lưu hành ở đời." (ĐVSKTT, tr324) [Các bạn có thể tìm đọc thêm các tác phẩm thơ còn lưu giữ của Đại vương nha. Mình rất tiếc là do khả năng có hạn nên trong truyện mình chỉ đề cập được chi tiết Đại vương thích làm thơ nhưng lại chưa thực sự trích dùng được tác phẩm thật nào của ngài.]

          "Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 3, thượng tướng thái sư Chiêu Minh Đại vương là Quang Khải chết, thọ 54 tuổi." (ĐVSKTT tr 323)

          Một vài thông tin tham khảo từ các trang mạng khác: ngài có một vị thiếp tự Chiêu Hàn, tên là Oanh Nhi, quê ở Hà Nam. Ngài là tác giả của điệu múa "Bài bông". Sau khi cáo lão hồi hương ngài lui về ở trang viên riêng tại Thiên Trường. Sau khi mất, Đại vương được an táng tại ấp Độc Lập, phủ Thiên Trường.

2-    Công chúa Phụng Dương.

          Hình tượng Công chúa Phụng Dương mình xây dựng trong truyện được dựa hết theo các thông tin khắc trên văn bia thờ của công chúa. Mình xin phép trích lại các đoạn tiêu biểu.

          Theo Bia thờ Công chúa Phụng Dương (Phụng Dương công chúa thần đạo bi minh tính tự) khắc:

          "Công chúa họ Trần, tên là [] [], tên được ban là Phụng Dương. Cha là tướng quốc Thái sư, mẹ là phu nhân Tuệ Chân. Khi còn bé, công chúa được khen là hiền hậu và thông minh, vua Thái Tông yêu quý, nuôi làm con. Đến khi gả cho Thượng tướng Thái sư, vua xuống chiếu ban cho xe và quần áo theo như con gái vua. Đó là nghi thức khi công chúa đi lấy chồng.

          Bấy giờ Thái sư có một người thiếp yêu nên đối với công chúa không đằm thắm. Tướng quốc và phu nhân Tuệ Chân ngăn cản, định không cho Thái sư làm theo ý mình, công chúa cho là không nên, thưa với cha mẹ:

          - Con đã về làm vợ Thái sư, được hòa hợp hay không là do mệnh mà thôi. Ý của cha mẹ, con cái cố nhiên không được cưỡng lại, nhưng còn cái nghĩa "lớn phải theo chồng" thì làm thế nào?

          Tướng quốc và phu nhân Tuệ Chân nghe vậy, bèn thôi." [được nhắc đến từ chương 1 đến chương 4, chủ yếu là chương 4 của truyện]

          "Công chúa thờ chồng một lòng kính thuận, đối với thứ thiếp của chồng một lòng khoan thứ. nếu có người nào làm cho Thái sư giận la mắng, thì công chúa lấy lời lẽ nhẹ nhàng giảng giải, khiến cho họ không phàn nàn oán hận. [...] Đối với nô tỳ, công chúa không to tiếng, chỉ sai bảo bằng nét mặt. Nếu kẻ nào lỡ lấy trộm vật gì, công chúa chỉ tùy tiện truy hỏi mà không nỡ để lộ điều xấu xa của chúng. Đó là lòng nhân từ của công chúa.

Ngày thường, những khi rỗi rãi, đối với đám tù nô, công chú thường thăm hỏi, an ủi, chưa từng dùng roi vọt, cho nên những kẻ xấu cũng cảm phục. Đó là lòng khoan thứ của công chúa." [là nguồn cảm hứng để tác giả xây dựng mối quan hệ giữa Công chúa và phu nhân Chiêu Hàn, giữa Công chúa và gia nô trong phủ, chủ yếu ở các chương 4, chương 6, cuối các chương 17, 18]

          Văn bia còn nhắc tới lòng hiếu thảo của công chúa với cha mẹ, sự lương thiện của công chúa với những người có hoàn cảnh khó khăn. Phần nội dung gốc khá dài nên mình không trích lại, bạn đọc vui lòng tìm đọc chi tiết tại bản dịch hoàn chỉnh của văn bia nha! [được thể hiện gián tiếp qua chi tiết những lần Công chúa xin về thăm nhà và những lần Công chúa lo nghĩ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.]

          "Thái sư ở cương vị tướng quốc, hằng ngày rất bận, chẳng có thì giờ đoái hoài đến việc nhà, ông ủy thác cho công chú khu xử với kẻ già, người trẻ, trông nom sắp xếp tài sản. Mọi việc công chúa làm không điều gì không vừa ý Thái sư. Đó là cách thức công chúa trông nom cai quản việc nhà." [được thể hiện gián tiếp trong nhiều chương, qua các chi tiết Đại vương để Công chúa quyết định hết việc nhà, thay Đại vương lo liệu việc lễ nghi qua lại với các nhà quan khác ]

          "Việc kim chỉ vá may, muối mơ nấu nướng, tài nội trợ của công chúa càng giỏi, người đàn bà tầm thường không thể nào sánh được." [được thể hiện gián tiếp qua chi tiết công chúa may túi thơm, sửa áo choàng, nấu cơm ngày sinh nhật cho Đại vương]

          "Công chúa về làm dâu nhà tướng từ tuổi còn nhỏ, công việc bận rộn, chưa từng có lúc rảnh rang để học hỏi. Đến khi về già, công chúa đặt biệt thích đọc sách nhà Phật. Tuy chưa hiểu cặn kẽ từng câu từng chữ, nhưng nét đại quát về cái tâm "đại giác" cũng đã hiểu được, ngoài ra những giới luật lặt vặt thì không câu nệ. Đó là công chúa đã thông về tâm và tính vậy." [được nhắc tới ở chương 17 của truyện]

          "Mùa đông năm Giáp thân (1284), giặc Nguyên sang cướp nước Nam, Thái sư xuống thuyền lánh giặc. Nửa đêm có chiếc thuyền bốc cháy, lúc đó Thái sư đang ngủ, công chúa tưởng giặc đến, khẽ đánh thức Thái sư dậy, đưa cho ngài chiếc mộc rồi lấy thân mình che cho chồng." [được nhắc tới ở chương 11] Chiếc mộc ở đây là chiếc khiên chắn.

          "Công chúa vốn có lòng nhân từ bát ái, không phân biệt con vợ lẽ vợ cả, hễ ai làm được điều gì tốt, dù nhỏ cũng khen trước mặt Thái sư, ai làm điều gì xấu, dù nhỏ cũng rỉ tai răn dạy. Giấu che việc xấu, nêu khen việc hay, công chúa đã có phong cách của bậc quân tử thời xưa. Đó là công chúa lòng không ghen ghét.

          Công chúa thân yêu họ hàng nội ngoại, nhưng ai không có tài thì thà cho tiền của chứ không dám trao cho trọng trách. Đó là công chúa lòng không riêng tư." [là cảm hứng để tác giả xây dựng chi tiết họ hàng của phu nhân Chiêu Hàn được Công chúa giúp đỡ ở chương 12.]

          "Khi ốm nặng, công chúa không hỏi gì đến con cháu, chỉ một lòng yêu thương, lo nghĩ đến chồng. Thái sư viết thư đặt vào tay công chúa nói: "Kiếp sau xin được làm chồng vợ như xưa". Đó là công chúa một lòng trong tình yêu đối với Thái sư vậy." Phiên âm của câu nói trên là: Lai sinh chi nhật, nguyện vi phu phụ như sơ. [đây là nguồn cảm hứng chính của tác giả khi quyết định viết "Như sơ", câu nói của Thái sư dành cho Công chúa được nhắc cụ thể ở chương 18]

          "Công chúa được bảy người con. Con trưởng mất sớm, công chúa thương xót khôn nguôi, bèn nuôi quan nội hầu quốc công thay con. Đó là con nuôi công chúa." [là căn cứ để tác giả xây dựng các chi tiết liên quan đến thế hệ con của Đại vương và công chúa, chủ yếu ở chương 9, một phần nhỏ ở chương 10, 11.]

          "Công chúa thọ được 282 ngày Giáp tý. Ngày 22 tháng Ba năm Tân mão (22-IV-1291), niên hiệu Trùng Hưng, công chúa mất, táng tại thôn Độc-lập, Phủ Thiên-trường. Ngày táng là 11 tháng Tư niên hiệu Hưng-long năm đầu (18-V-1293. Người chủ tang công chúa đến xin bài minh để táng là Văn túc vương. Người bàn luận với thái sư về những điều hay điều tốt của công chúa để viết bài minh là Thiếu bảo Lê Củng Viên. Bài minh rằng :

Làm thiện tất được phúc chư, là điều thường tình,

Nói nhân tất được thọ chừ, trời đâu chẳng linh.

Sống có nết na chừ chết được lưu danh,

Làm vợ cửa tướng chứ đời đời khen mình.

Nơi thôn Độc-lập chừ xứ cao mồ xanh,

Không phải hàn quân chừ, lạm viết bài minh. [...] chồng là nguyên lão bốn triều [...] lập bia." Có thể hiểu, sau khi bàn luận với Thiếu bảo, chính Đại vương đã đứng ra cho lập bia để thờ công chúa, tức vợ của ngài. [được nhắc đến ở chương 18 trong truyện]

          Ngoài ra, theo thông tin từ các nguồn khác, cụ thể là trang điện tử của Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam,  Đại vương đã nhận xét về phu nhân của mình như sau: Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử. [được nhắc đến ở chương 18 trong truyện] Trước đó mình cũng đọc thêm được các thông tin về công chúa ở quyển "18 vị công chúa Việt Nam" mua tại sạp sách gần đền Trần, tiếc là mình đã làm thất lạc mất, các bạn có thể tìm đọc thêm quyển đó nha!

3-    Thông tin bổ sung về thế hệ đời con của Đại vương và Công chúa.

          Cũng trong văn bia thờ công chúa đã khắc lại rằng Công chúa và Đại vương có với nhau bảy người con, "Người thứ hai là Văn túc vương Đạo Tái. Vương là người tài văn có thể giúp cho chính sự đương thời, tài võ có thể dẹp yên loạn nước, lấy con gái Tĩnh quốc đại vương, là công chúa Bảo Tư."

          Còn trong Đại Việt Sử ký toàn thư (tr324) có chép:

          "Quang Khải thích học hay thơ, có tập Lạc Đạo lưu hành ở đời. Con là Văn Túc Vương Đạo tái cũng nổi tiếng về văn học thời bấy giờ. Thượng hoàng rất yêu quý, khác với các em thúc bá khác. Bấy giờ Thượng hoàng đi ngự ở Vũ Lâm vào chơi hang đá, cửa hang đá hẹp, thượng hoàng đi chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương lên đằng mũi thuyền, chỉ để một người chèo thuyền mà thôi. Đến khi thượng hoàng xuất gia, trước khi sắp ra đi, mời Đạo Tái vào điện Dưỡng Đức ở cung Thánh Từ, cho ngồi cùng ăn đồ hải vị, làm bài thơ [..] Thân tín yêu quý Đạo Tái đến như thế. Muốn dùng làm chức to nhưng vì trời không cho sống lâu." Thượng hoàng trong đoạn sử này là vua Trần Nhân Tông (1258-1308), năm nhà vua đi xuất gia là 1293.

          Tiếp nữa: "Tháng 3 [...] con Văn Túc Vương là Bích Văn làm thượng vị Uy Túc hầu." (ĐVSKTT, tr 323) Sự kiện này được chép ở phần sử dưới thời vua Trần Anh Tông, năm 1294.

          Đối chiếu thời gian từ sự kiện thuyền cháy, công chúa đánh thức, đưa khiên, che chắn cho Đại vương năm 1284, tới năm 1291 công chúa mất được nhắc đến trong bia thờ, là 7 năm. Mà như mình đã trích ở trên, đến năm 1294 thì cháu của hai người đã được phong là Uy Túc hầu rồi, trước hoặc trong năm 1293 con trai thứ hai của hai người còn được Thượng hoàng Trần Nhân Tông yêu quý và cho gọi đi chơi, ăn cơm cùng. Tóm lại, đây là những thông tin mình tìm được từ các tài liệu lịch sử chính thống có ghi chép về đời con cháu của Đại vương và công chúa. Do không tìm được tài liệu cụ thể nào hơn, ví dụ như năm sinh, năm mất và cộng thêm xét đến hướng xây dựng truyện nên mình không khai thác nhiều về khía cạnh đời con cháu này. Nhưng cá nhân mình cảm thấy các bài viết có chi tiết "trước đó Đại vương lạnh nhạt với Công chúa nhưng sau sự kiện cháy thuyền 1284 Đại vương đã nảy sinh tình cảm với Công chúa..." hay " trong mười năm sinh bảy người con..." không chính xác. Tuy nhiên đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của mình, nếu bạn đọc có nguồn thông tin tham khảo nào thêm hãy chia sẻ cho mình với nha, cảm ơn các bạn nhiều!

          4 – Nguồn tài liệu tham khảo

-       Đại Việt Sử ký toàn thư, nhà xuất bản Thời Đại.

-       Bản dịch "Văn bia thờ Công chúa Phụng Dương" của dịch giả Lê Tư Lanh trên trang điện tử  (Bài đăng thuộc danh mục về các phẩm của tác giả Lê Củng Viên, có đầy đủ bản chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa sang Tiếng Việt)

-       Và rất nhiều thông tin mình tham khảo từ các nguồn khác, mình đã chú thích trực tiếp sau cuối mỗi chương thông tin tương ứng xuất hiện.   

          Trên đây là toàn bộ "khung chính sử" mà mình đã dùng để xây dựng nên "Như sơ", hy vọng rằng qua phần phụ lục này không chỉ giúp bạn đọc có thêm thông tin mà còn có thể phần nào giúp bạn đọc thêm yêu mến Đại vương và Công chúa, thêm hứng thú với lịch sử nước nhà. Sau cùng, dù mình đã nghiêm túc tìm đọc tài liệu nhưng chắc hẳn không tránh khỏi các thiếu sót, nhầm lẫn, mình rất mong nhận được sự thông cảm và góp ý của các bạn để mình và "Như sơ" hoàn thiện hơn. Cảm ơn các bạn đã luôn kiên nhẫn đồng hành cùng mình. Hẹn gặp lại các bạn trong các chương truyện của "Như sơ" và cả các truyện khác của mình nha!

Trân trọng và mến thương.

Việt Chi, Nguyễn Hà Việt Chi

(Bút danh cũ: Thập Nhị Mèo Ma Kết)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro