Ngoại truyện. Bà Mây

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người ta thường nói, đời của một đứa hầu, may mắn nhất là gặp một chủ nhân độ lượng và biết thương người. Hơn chục năm nay, từ ngày đầu bước chân vào hầu đức ông Nguyên Trừng, tôi ngẫm cũng đúng. Lớn lên trong thời buổi biến động, bị giằng xé giữa những phe phái tranh quyền, đức ông không chọn sống bằng những mưu toan, không chọn cách bon chen, tranh cướp. Không táo bạo như cha ruột, không kiêu ngạo như em trai, dường như đức ông thừa hưởng trọn vẹn sự nhẫn nại và điềm tĩnh của mẹ mình.

Có một lần, đức ông hỏi thăm tôi và cái Hiên. Tuy cũng chỉ là đôi lời ngắn gọn, nhưng tôi lấy làm quý lắm. Tôi cúi đầu, nói rằng bà cháu tôi đội ơn cưu mang của đức ông đến nhường nào. Rồi tôi nhắc về chuyện cái Hiên ngày được nhận vào phủ. Nguyên Trừng chỉ thoáng nói:

- Thôi thì nghĩ cũng không đành.

Câu ấy khiến tôi càng cảm thấy đức ông quả là một con người nhân hậu. Nhưng dần dà, theo tháng năm, câu nói ấy dường như mang một sắc thái khác.

Có những lần tôi thấy đức ông chăm chú nhìn theo bóng dáng dọn dẹp tỉ mẩn của Hiên trong thư phòng, đêm đó, đôi đứng thắp đèn cầy cho đức ông đọc sách. Xong việc, Nguyên Trừng toan định bước ra, nhưng rồi nhìn lại những thứ bừa bộn trên bàn, liền tự tay dọn dẹp. Tôi cuống quýt bảo đây là việc của người hầu, nhưng đức ông xua tay. Tôi còn nghe một câu lẩm bẩm: "thôi thì nghĩ cũng không đành." Một thời gian sau, đức ông còn không cho người hầu nào bước chân vào dọn dẹp, lấy lí do là nhiều sách vở quan trọng, sợ bọn hầu đụng tay là hỏng việc. Tôi nghe vậy thì vâng dạ, nhưng trong lòng đã len lỏi những nghĩ suy. Có lẽ, đức ông không muốn nhìn thấy đứa con gái vụng về nào đó bị những thanh tre lắp mô hình thuyền chiến đâm vào tay chảy máu, không muốn nhìn thấy dáng vẻ nhỏ nhắn khệ nệ bưng từng chồng sách vào đặt lại vị trí cũ.

Bao nhiêu lần nghe được câu "không đành" của đức ông, tôi càng không khỏi băn khoăn. Tôi dần dần nhìn ra một tình cảm lạ lùng nảy sinh giữa Nguyên Trừng và chính đứa cháu gái của mình. Tôi hiểu rõ, đấy là tình cảm thực lòng, và vẻ vô tư lự của Hiên như ánh sáng nhỏ nhoi chiếu vào cuộc sống vốn đầy bi thương, tăm tối của Nguyên Trừng. Nhưng sự cách biệt về thân phận khiến tôi không dám ủng hộ, thế nên nhiều lần tìm cách ngăn trở và khuyên can bằng những lời ẩn ý. Tôi hoàn toàn có thể đẩy đứa cháu mình cho một nhà khác xứng với hoàn cảnh của nó. 

Nhưng cứ nhìn thấy những nụ cười hiếm hoi của đức ông giữa những ngày dài lo toan và căng thẳng, tôi lại không nỡ dập tắt niềm vui nhỏ bé cứ dần nảy nở trong hai con người ấy.

Âu cũng lại vì hai chữ "không đành" mà thôi.

Những niềm lo về thứ tình cảm ấy khiến tôi bồn chồn không được bao lâu thì một sự việc đau lòng ập đến. Ngày mà Hiên mất tích cũng là ngày mà tôi bắt đầu quãng thời gian không thể ăn ngon ngủ yên. Tôi nhớ cái Hiên đến mức nhìn đâu trong phủ cũng nghĩ đến dáng vẻ hoạt bát và thi thoảng vụng về của nó. Nhưng cảm giác đau đớn trong lòng tôi dường như cũng chẳng thấm vào đâu so với sự giày xéo hỗn độn của đức ông. Nguyên Trừng thậm chí còn xin tôi tha thứ vì đã làm liên lụy đến Hiên. Tôi cố gạt đi nổi đau và nghĩ rằng mình phải ở lại phủ để tiếp tục chăm sóc đức ông, nhất là trong thời gian Nguyên Trừng cảm thấy khốn khổ hơn bao giờ hết.

Nhưng tôi không thể ở lại. Tôi không thể ngày ngày chứng kiến vẻ bi thương và vẻ tự trách ngập tràn trong ánh mắt đức ông mỗi lần đối diện với tôi. Tôi cũng không thể chịu được sự đè nén tưởng chừng sắp vỡ ra mỗi lần Nguyên Trừng cất tiếng nói về Hiên.

Có lần Thượng hoàng Hồ Quý Ly đến hỏi chuyện, còn thúc giục sao không thấy con trai mình có một ý trung nhân nào. Tôi đứng cạnh hầu trà, trông thấy nét mặt đức ông như tái đi, môi gần như mím lại, đôi tay cũng hơi run rẩy. Nếu như lúc ấy tôi không cố tình làm đổ vỡ một thứ gì đó bên cạnh để cắt ngang thì sự im lặng bất thường nơi Nguyên Trừng sẽ khiến Thượng hoàng chú ý. Tôi lúi húi xin tha tội, khi thoáng ngước lên còn trông thấy đức ông nhanh chóng nắm chặt vạt áo và cố gắng lấy lại nhịp thở bình thường. Những lần như vậy, tôi cũng chẳng thể làm gì cho người chủ nhân mỗi lúc một phờ phạc đi vì mệt mỏi giữa những ngày chính sự rối ren, giữa những tháng ngày triền miên cô độc.

Tôi rời phủ, với ý nghĩ rằng, nếu đức ông không nhìn thấy tôi, thì cũng sẽ bớt đi phần nào cảm giác áy náy. Nhưng hằng đêm tôi vẫn canh cánh nôn nao. Nhiều lúc tôi trộm ngẫm, tôi cũng tầm tuổi mẹ của Nguyên Trừng. Tất nhiên là tôi đâu dám có những suy nghĩ quá phận, nhưng chẳng biết từ khi nào, tôi đã dành cho đức ông một sự lo lắng và chăm sóc như với con ruột của mình.

Ngày đức ông ra trận chưa lâu, nỗi lo toan của tôi đã biến thành sự thôi thúc khiến tôi bước chân về thăm chốn cũ. Phủ Tả tướng quốc vắng lặng tiêu điều, chỉ có một vài gia nhân đi lại dọn dẹp. Nhưng trên vẻ mặt của họ đều ánh lên những nét tuyệt vọng, bởi ít có ai thực sự tin vào một ngày thắng trận hân hoan, một sự trở về trong khải hoàn của người đứng đầu phủ. Tim tôi thắt lại, bước chân nặng nề lê lết vào thư phòng cũ kĩ. Vẫn là cảnh trí quen thuộc, nhưng sao trống vắng đến lạ thường.

Tôi đến bên cạnh cái án gỗ giữa phòng, lau qua lớp bụi mỏng, sắp xếp lại những nghiên mực cho ngay ngắn. Lúc mở ngăn tủ bên dưới, tôi thấy bên trong lẫn lộn những xấp giấy, lại có vài tờ bị nhàu nát, vo viên rồi nhét gọn vào. Tôi lôi ra, từ từ đọc lên những bức thư viết dở mà vết mực trên đó mờ nhòe đi vì nước mắt của người viết, hàng lối lệch lạc khi vì những nét bút run rẩy, những câu chữ cũng chẳng thể hoàn thiện được ý tứ. Tôi như lặng người. Những bức thư đều viết cho Hiên, nhưng chẳng cái nào trọn vẹn. Có lẽ viễn cảnh âm dương chia biệt quá đỗi đau lòng đến mức không thể tưởng đến, hay niềm mong ngày thắng lợi mong manh đến độ viết ra cũng sẽ thấy một sự ngượng ngập đến đau lòng.

Tôi gạt đi những hàng lệ héo hon, rồi bước đến gian phòng thờ. Tôi quỳ xuống, nhìn pho tượng người mẹ Nguyên Trừng vẫn sừng sững trên bàn thờ. Tôi cứ thế lẩm nhẩm cầu nguyện cho đức ông, cho cháu gái mình, cầu nguyện từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều tối. Rồi dần khuya, khi cái lạnh rùng mình cứa vào da thịt, khi gió bão ngoài kia chuẩn bị kéo về, khi trời mù mịt bên ngoài những khung cửa mở toang. Tôi nghe tiếng lá rơi, tiếng quạ kêu và những cành cây va đập nhau rền rĩ. Tôi cứ ngồi đó cầu nguyện, lời mong mỏi dường như cũng rền rĩ theo thanh âm bên ngoài.

Rền rĩ mãi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro