Chương 45: Lê Ngân thất thế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

45.

Vó ngựa xé gió lao đi, sương mù mờ trắng cảnh vật phía trước. Chỉ có tiếng chim lợn rùng rợn lanh lảnh kêu và âm thanh vùn vụt của roi da phả vào không gian tĩnh lặng.

Kinh thành Đông Kinh ngập trong mùi tử khí, bên kia bức tường thành cao chót vót, quân lính nghiêm chỉnh gác giáo dài, khuôn mặt xương xẩu thấp thoáng dưới ánh đuốc hừng hực cháy.

An Sinh níu cương ngựa, trong đồng tử nâu sẫm in hằn hình ảnh mười chiếc đầu người tóc tai bù xù, mắt trợn to, máu tươi còn nhỏ giọt, chảy dọc trên kẽ nền tường xám ngắt. Cô kinh hoàng đưa tay che miệng, dạ dày cuộn lại như có sâu bọ đục lỗ.

Run rẩy trèo khỏi ngựa, An Sinh khụy cả hai gối nôn thốc nôn tháo, nước mắt tự khi nào tắm đẫm dung mạo cô. Cô cắn môi, bàn tay vo chặt trong ống áo giao lĩnh.

Gió mạnh xé rách da thịt An Sinh. Cô nhíu sâu chân mày, quẹt dòng lệ nóng hổi trên gò má. Thủ cấp của Đỗ Uyên khẽ lay động, nụ cười trên môi nàng như con dao đâm vào trái tim An Sinh.

An Sinh đau khổ gào lớn: "Đỗ Uyên!"

***

Đất Yên Lập có bão, bão nổi lên giữa những ngày cuối cùng của mùa đông rét mướt.

Lê Ngân mặc triều phục đỏ chói, tóc vấn gọn gàng trên đỉnh đầu, dưới cằm lún phún chòm râu bạc. Ông bước từ xe ngựa xuống, mặt vẫn còn đọng nước mưa, thân thể mỏi nhừ như có tảng đá lớn đè nặng.

Giữa sân đình rộng, Tổng quản nội thị Tiêu An, Lý Tổng binh Lý Lăng cùng hàng chục binh lính đã trực sẵn. Cấm vệ giáp ngự phủ kín từ hậu viện đến chính môn. Phủ Đại Đô đốc chìm trong một màu thê lương, sầu thảm.

Tiêu An tiến lên một bước, khinh bỉ nhìn Lê Ngân cao ngạo vừa hồi phủ. Gia đình ông đã bị ép quỳ trên đất, run rẩy khóc lóc, sợ hãi nhìn nhau.

Cấm vệ quân khiêng hàng chục tượng phật, châu báu, vàng bạc đặt ra chính giữa sân đình, trên mỗi tượng phật còn đính kèm bảng chữ tên tự từng người con trong gia đình ông.

Nội quan mang khay thánh chỉ đến. Tiêu An như thường lệ tuốt vỏ bọc thánh chỉ, hùng hồn hô: "Nhập nội Đại Đô đốc Lê Ngân tiếp chỉ."

Lê Ngân cởi áo choàng khoác bên ngoài, tháo bảo kiếm bên hông đưa cho tên gia nô thân cận. Song, ông quỳ thẳng lưng, bàn tay nhăn nheo chắp bằng trước mặt, vừa vái lạy vừa dập đầu.

Toàn bộ người xung quanh Lê phủ đều quỳ rạp theo. Tiêu An nghiêm nghị đọc rành mạch từng chữ trong tờ chiếu vàng xoắn lượn rồng bay.

"Phụng Thiên Hưng Vận hoàng đế chiếu viết, Nhập nội Đại Đô đốc, Phiêu kỵ thượng tướng quân Lê Ngân cất giấu nhiều của cải, tượng phật quý hiếm, thờ cúng trái quốc pháp, lạm dụng hủ tục mê tín dị đoan, mưu cầu vinh hoa phú quý, quyền lực cung đình cho Huệ phi và con cái.

Hoàng thượng có chỉ triệu Đại Đô đốc Lê Ngân vào điện Kính Thiên tham biện. Khâm thử."

Lê Ngân dõng dạc đáp: "Thần Nhập nội Đại Đô đốc Lê Ngân xin lĩnh chỉ."

...

Dưới mái tửu lâu róc rách tiếng nước mưa, thân ảnh thiếu niên chưa ngoài hai mươi tĩnh lặng đứng chắp tay sau lưng, đôi mắt anh lạnh lùng thả ra khoảng không trắng xóa ngoài xa.

Một gã đàn ông trung niên âm thầm tiến vào, chân mày đen xếch cao. Ông cung kính cúi lạy thiếu niên đang xoay lưng kia, cất tiếng trầm khàn: "Bệ hạ, Huệ phi đã tự mình hồi cung. Lệnh bà ấy đánh ngã cấm vệ canh gác để trốn khỏi phủ."

"Trẫm chưa từng cho phép khanh lợi dụng phi tần của trẫm." Thiếu niên giấu tiếng thở dài, bàn tay càng ngày càng nắm chặt hơn.

Bùi Cẩm Hổ mặt không biến sắc, kiên định tiếp lời: "Bệ hạ nhân từ, chưa từng có ý làm hại Huệ phi nhưng người càng khoan dung với cha lệnh bà ấy, ông ta càng không biết điều tiết chế. Chuyện đã đến nước này, thần..."

"Khanh có cảm thấy áy náy với những người vô tội trong việc này?"

"Thần nguyện vì bệ hạ mà đắc tội với Huệ phi."

Lê Nguyên Long ôm đầu, tự trách không thể đến kịp lúc cứu lấy chút hy vọng cuối cùng. Lãnh đạm buông lời, anh không nhìn vị trung thần phía sau nói: "Hồi cung thôi."

Bùi Cẩm Hổ cúi nửa người, hô tuân mệnh.

***

Điện Kính Thiên lộng lẫy cờ lọng, tiếng trống thượng triều gióng từng hồi mạnh mẽ lên mặt da nhẵn căng tròn.

Lê Nguyên Long đi đầu đoàn tùy tùng dài tăm tắp, uy nghi một thân long bào vàng rực, đầu đội xung thiên ngự rồng uốn lượn như bay về trời. Anh quay người, khoát ống tay áo lớn, nhìn xuống toàn bộ quan viên đứng hai bờ tả hữu chờ thi lễ.

Tấm lưng thẳng vừa hạ trên ngai vàng, bên tai Lê Nguyên Long hừng hực dội lại tiếng vang khí thế: "Bệ hạ vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế."

Lê Nguyên Long hô miễn lễ. Tổng quản Tiêu An hầu bên cạnh phất phất trần gác trong tay, thay lời hoàng thượng, gọi to tên tội phần vừa bị kết án: "Cho vời Nhập nội Đại Đô đốc Lê Ngân vào bái yết."

Chính giữa cửa điện Kính Thiên xuất hiện bóng áo quan phục sắc tía, ô sa đen, tượng trưng cho quan phẩm cao quý trong triều đình Đại Việt. Lão thần Lê Ngân đĩnh đạc bước từng bước đến gần long nhan, quỳ gối hành lễ.

Lê Nguyên Long hừ lạnh, chống tay lên thành ngai vàng, vô cảm nhìn xuống lão: "Lê Ngân, ngươi đã biết tội của mình?"

Lão thần xương mặt khắc khổ, tuổi ngoài tứ tuần nhưng những tưởng đã năm mươi, cẩn trọng dùng hai tay tháo mũ ô sa trên đầu đặt xuống đất.

Lão khom mình vái lạy hoàng đế, không cam tâm mà cất chất giọng tâu: "Bẩm bệ hạ, trước kia thần theo Thái Tổ khởi nghĩa ở đất Lam Kinh, chỉ mong sớm ngày thấy cảnh quốc gia thanh bình. Tiên đế biết rõ lòng thần, vẫn thường đối đãi khoan dung yêu mến.

Nay thần tuổi già sức yếu, thân mang nhiều bệnh, khi đến xem quẻ ở một tự quán trên đỉnh núi Gia, quẻ bói trong phủ nhà thần có miếu thờ quan âm, vì cũ kỹ lạnh lẽo nên bị quở trách. Thế nên thần cho gia nô sửa sang lại để thờ cúng.

Lại chẳng may mấy tháng trước, thần nạp người thiếp thất của Lê Sát là Nguyễn Linh Lan vào phủ. Nguyễn thị thù oán thần, cho rằng thần đổ oan giết chết chồng thị nên nhân dịp thần bận sự vụ ở Đông Kinh, bí mật tích góp số lượng tượng phật, thêu dệt câu chuyện thần cầu vinh cho con cái, cốt để vu oan giá họa cho thần.

Bệ hạ anh minh, sức thần chẳng còn lại bao nhiêu, chỉ mong quãng đời còn lại được an hưởng tuổi già ở chốn quê nhà. Nếu vì nghe lời bịa đặt của kẻ gian mà tra khảo người nhà thần, khi chịu hình đau, nhà thần ắt sẽ khai khống đi. Như vậy thì oan khuất cho tấm thân trong sạch này. Thần khẩn xin bệ hạ hãy minh xét lại cho." (a)

Quần thần lớn bé gãy cánh liền cánh trước đây với Lê Ngân, mở miệng ủng hộ kháng nghị của Đại Đô đốc, khép miệng đòi quyền lợi cho Đại Đô đốc, đến cuối cùng chỉ có thể đứng lặng im, ái ngại che mặt, lén lút nhìn dáng vẻ đáng thương của lão thần mà bọn họ từng run sợ tuân kính .

Lê Nguyên Long chẳng để lời Lê Ngân lọt tai, ung dung chỉ đại một quan viên Hình Bộ nhận lệnh "điều tra đối chiếu". Nhưng ai chẳng biết, dù có đối chiếu đến vạn năm sau, Lê Ngân trong mắt hoàng thượng bắt buộc phải có tội.

Và đối với Đại Đô đốc Lê Ngân một thời oanh liệt, thâm tâm ông cũng đã tường tỏ rõ, trận này ông thật sự trúng kế kẻ gian, một kế phủ đầu mà ông có ngờ cũng không ngờ đến, mất đi tất cả cơ hội làm lại.

Triều bãi, mặt trời đã lên cao. Quan lại nối đuôi nhau rời sân rồng, chỉ còn lại mình Lê Ngân. Ông khoan dung đứng lặng, ngẩng mái đầu bạc trắng hướng về những tia nắng bỏng rát, tâm tĩnh như tờ.

Cao điểu tận, lương cung tàng (b). Thì ra những thứ sót lại sau cùng trên thế gian này, vốn dĩ không có chỗ cho hai chữ "trung thần" ông gánh bên người bấy lâu nay.

***

Bách Hợp các chìm trong không khí âm u tĩnh mặc, hàng lê già trước cổng đã không còn rụng lá.

An Sinh thất thần ngồi bó gối trên hiên, cơ thể run lên từng hồi. Cô chống chiếc cằm nhỏ lên cánh tay phủ trong y phục ẩm ướt, khóe mắt đỏ hoe trông về bầu trời xám xịt trên cao.

Phúc An lặng lẽ đi vào, quỳ mọp trước mặt chủ nhân mếu máo khóc: "Lệnh... Lệnh bà về rồi. Chị... Chị Đỗ Uyên đã... hức... hức..." Phúc An không kìm được nấc lên "Chị Đỗ Uyên nhờ con chuyển cho lệnh bà lá như này, dặn rằng dù... dù có chuyện gì xảy ra... xin lệnh bà cũng... cũng đừng trách hoàng thượng."

An Sinh hít một hơi sâu, chùi sống mũi cay xè, với lấy phong thư từ chỗ Phúc An. Phúc An mò mẫm một lúc lâu nữa, lại đẩy thêm cho An Sinh một hộp gỗ khảm xà cừ hình chữ nhật có khắc hoa văn.

"Còn đây là đồ của lệnh bà mà chị Đỗ Uyên tìm thấy trong lúc dọn dẹp các. Chị Đỗ Uyên nhờ con đem đi hủy nhưng con sợ lệnh bà trách tội nên chỉ dám giấu đi."

Chiếc hộp gỗ đó là hòm đựng thư tình của Lê Nhật Lệ và Quận vương. Trước đây, mục đích của An Sinh nhập cung chính là thay Lê Nhật Lệ mang những bức thư này chuyển cho Quận vương Lê Tư Tề nhưng vì có quá nhiều chuyện xảy ra, An Sinh lại bị đẩy vào vô số thứ rắc rối, sau đó cô không còn nhớ đến lời nhờ vả cũ ấy nữa.

Cẩn thận đẩy nắp hộp gỗ, An Sinh chạm nhẹ lên những lá thư cũ kỹ đã ố vàng theo thời gian. Cô mím chặt môi, bóc lá thư của Đỗ Uyên còn nằm nguyên bên tay còn lại.

"Lệnh bà kính mến, Đỗ Uyên xin dập đầu tạ lỗi vì không thể tiếp tục làm tròn bổn phận, hầu hạ lệnh bà nốt quãng đời còn lại.

Đỗ Uyên có tội, em đã lợi dụng lòng yêu thương của lệnh bà mà ra tay hãm hại không biết bao nhiêu người vô tội ở ngự thiện phòng, khiến lệnh bà đau lòng khôn xiết. Em biết dù em có làm sai bao nhiêu lần, lệnh bà cũng sẽ không trách tội em nhưng em không thể tha thứ cho bản thân mình thêm giờ khắc nào nữa.

Năm em lên mười, cả làng bị giặc phương Bắc cướp giết. Em may mắn sống sót, được phiến quân Thái Tổ cưu mang. Thái Tổ thương xót nhận em làm kẻ ở, đưa về hầu hạ các vị phu nhân trong phủ đệ, trong đó Phạm phu nhân là người đối xử tốt nhất với em.

Cuộc sống thế gia vốn tưởng an ổn nhưng kể từ ngày Phạm phu nhân mất đi đứa con đầu tiên trong bụng, người mang theo đau khổ như biến thành một người khác, không còn là phu nhân tốt bụng năm xưa của em.

Trịnh phu nhân sinh ra vương tử Lê Tư Tề, thân thể vương tử từ nhỏ đã mắc chứng bệnh về thần trí nhưng khi lớn tư chất thông minh bộc lộ, được Thái Tổ yêu mến mà giao phó việc quân. Phạm phu nhân từ lâu đã ghen tức Trịnh phu nhân, khi hay tin Thái Tổ lập con trai thị làm Quốc Vương, trong lòng muôn phần đố kỵ.

Bi kịch cuối cùng cũng lặng lẽ xảy đến, Phạm phu nhân em hằng tâm kính đã sai thị nữ thân cận bấy giờ là Nguyễn thị, âm thầm đầu độc vào bát thuốc Quốc Vương uống hằng đêm. Bệnh cũ của Quốc vương tái phát nghiêm trọng và quằn quại hơn, Quốc Vương vì thế mà ra tay lạm sát cung nhân vô tội. Thái tổ tức giận, giáng ngài àm Quận vương, sau đó tấn phong hoàng đệ ngài - thân là đương kim thánh thượng kế thừa huyết thống.

Em không hề biết năm ấy lệnh bà và Quận vương đã có hôn ước, nhẫn tâm chặt đứt mối lương duyên của lệnh bà và ngài. Dù em không trực tiếp ra tay hãm hại Quận vương nhưng vẫn là kẻ gián tiếp khiến Quận vương phát bệnh điên mà bị giáng.

Kiếp này em thân mang đầy tội, ngàn vạn lần không dám cầu xin lệnh bà tha thứ, chỉ mong kiếp sau có thể làm trâu làm ngựa báo đáp ân tình của lệnh bà."

Quệt nước mắt lã chã rơi, An Sinh dằn lòng ôm tất cả thư từ trong hộp gỗ đổ ra, nhìn Phúc An gặng hỏi: "Quận vương đang ở đâu?"

Phúc An lắp bắp, nửa muốn nói cho An Sinh biết, nửa áy náy với linh hồn Đỗ Uyên trên trời.

An Sinh không còn giữ nổi bình tĩnh, giận dữ quát lớn: "Ngay cả em cũng muốn giấu ta, không nói cho ta biết?"

Phúc An dập đầu lia lịa, thút thít đáp: "Bẩm... Bẩm... là viện Hưng Viên ở giáp Tây đạo hướng Đoan Môn."

Lời Phúc An vừa dứt, An Sinh một lần nữa bỏ chạy khỏi Bách Hợp các. Từ trong lòng cô rơi ra hai, ba lá thư nương chiều gió bay loạn xạ.

Phúc An hoảng hồn nhặt nhạnh, nhanh chân vừa gọi vừa đuổi theo chủ nhân nhưng sức cậu nào bì kịp Huệ phi, vừa ra đến ngã rẽ thứ hai cậu vô ý đụng trúng đoàn tùy tùng của hoàng thượng.

Tổng quản Tiêu An quắc mắt chỉ vào mặt nội quan nhỏ vừa quỳ mọp, ngay một khắc sau y liền nhận ra người của Huệ phi.

Lê Nguyên Long uy nghi sải bước về phía Phúc An, tay chắp sau lưng, lạnh nhạt cất tiếng: "Chủ nhân nhà ngươi đâu?"

Phúc An hoảng sợ không dám ngẩng đầu, chỉ ấp úng mãi không thành câu trong miệng.

Lê Nguyên Long lại chú ý xuống mấy phong thư lộn xộn trong tay cậu, vô cảm ra lệnh cho Tiêu An dành lấy. Phúc An hớt hãi đứng chồm dậy, mặt xanh như tàu lá chuối. Lê Nguyên Long lườm cậu, tay gỡ bỏ lớp bao thư bên ngoài.

Sau một khắc im lặng dần trôi, sắc thái lẫn biểu cảm của nhà vua như rơi vào một hố đen đầy bùn đất. Anh cau tít chân mày, gấp rút sai cung nhân dùng lửa đốt sạch thư, đổ tro xuống gốc lê gần đó. Xong xuôi, anh phất tay áo nhìn chằm chằm Phúc An co ro trên nền đất, tâm như có sóng đánh.

"Nếu ngươi không nói cho trẫm biết Huệ phi đang ở đâu, trẫm sẽ chém đầu cả nhà ngươi."

Nghe đến đây, toàn bộ cơ thể nội quan nhỏ lạnh toát, cậu liên tiếp vái lạy cầu xin: "Bẩm... Bẩm là cung Hưng Viên, là cung Hưng Viên ạ."

Bên tai hoàng đế bùng lên cơn thịnh nộ, anh cuộn nắm tay trong ống long bào, tức giận gằn từng từ từng chữ: "Quận vương."

(a) Phỏng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bản kỷ Thực Lục quyển 11 Kỷ nhà Lê;

(b) Cao điểu tận, lương cung tàng: Nghĩa là được chim bẻ ná, được cá quên nơm, ám chỉ người vô ơn, lúc khó thì nhờ cậy, lúc thành thì giết đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro