Chương 44: Lựa chọn của Đỗ Uyên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

44.

Tháng mười hai, sương phủ dày trắng xóa trên những mái ngói lưu ly xếp chồng chéo, tiếng mõ vang vang giữa không gian tĩnh mịch yên ắng.

Chiếc lư hương nhè nhẹ tỏa ra hơi ấm, An Sinh trở mình tỉnh giấc lúc canh năm, bên tai văng vẳng giọng ai đó đọc kinh niệm phật.

Cô dụi mắt, sờ soạng chỗ trống cạnh bên, một khắc sau đó lại quên mất mình đang ở cách xa Lê Nguyên Long hằng hà cây số. Cô bật cười khờ khạo, không biết từ bao giờ bản thân lại quen với việc có anh nằm bên.

Phương Ngọc nằm trên tấm nệm lót đối diện giường cô, ngon lành vừa ngủ vừa quờ quạng. An Sinh lắc đầu thầm cười, Nếu Đỗ Uyên không bị thương, cô sẽ không ép cô bé kia vất vả chạy theo mình tới tận nơi xa xôi Quy Hoá.

An Sinh xỏ tất vải, khẽ khàng với áo choàng và đối thâm treo trên y giá khoác lên người, lén lút kéo chốt cửa gỗ, ngó đầu nhìn xung quanh khuôn viên tối mù trong đêm.

Trời còn chưa ửng sáng, gà gáy the thé đâu đó ở đầu đình làng. An Sinh xoa hai bả vai lạnh cóng, rón rén bước đi trên trường lang bập bùng ánh nến nhạt. Cô nghe tiếng mõ lốc cốc đều đặn, cứ một hồi mõ lại mồi hồi chuông.

Mùi hương nhang phả ngào ngạt trong không khí, An Sinh phẩy phẩy tay, tự dò đường tự lẩm bẩm. Cũng đâu phải chùa chiền gì mà lắm khói nhang thế. Rẽ tới ngã thứ ba, cuối cùng cô cũng tìm ra nơi phát ra tiếng động.

Sương nhỏ khéo lên mu bàn tay An Sinh, buốt vào tận tâm thất. Cô gãi đầu gãi tai, run run đẩy cửa. Âm kẽo kẹt chói tai kéo theo tiếng mõ dừng lại.

Nguyễn phu nhân ngoảnh đầu nhìn cô, đáy mắt thoáng qua vẻ kinh ngạc. An Sinh chau mày, dạo một vòng quanh gian phòng ngập nhang khói.

Căn phòng có kê một tượng quan âm cỡ đại, ngồi trên tòa liên đài lộng lẫy đối diện với cửa ra vào, hai bên dọc theo sát mép tường trải kín các bức trướng lớn nhỏ họa ảnh của vô số vị đức phật.

Lại đảo mắt qua bàn thờ to nhất, bốn mâm ngũ quả khổng lồ, chân nhang, nến, hương trầm, hương sen, chuông đồng cùng đủ vật dụng cúng bái mà An Sinh thường thấy trên chùa đều có mặt đủ cả, như thể căn phòng này là nơi chuyên dụng để tĩnh tâm, thờ cúng của nhà họ Lê.

Nguyễn phu nhân giấu đi bối rối, cung kính hành lễ với An Sinh.

An Sinh tò mò hỏi: "Tại sao trong phủ lại có nhiều tượng phật như vậy? Ta nhớ trước đây ở Đông Kinh đâu có từ đường này."

Nguyễn phu nhân trầm tĩnh trả lời: "Bẩm lệnh bà, mấy tháng gần đây sức khỏe quan lớn không tốt. Ta và các phu nhân lo lắng nên đã đến Tây Viên Tự trên đỉnh núi Gia khấn phật, vừa hay bốc được một quẻ tốt. Quẻ viết, "nhà có tâm phật, vạn sự bình an". Vì lẽ đó mà ta cùng các phu nhân đã xin quan lớn cho sửa sang lại từ đường cũ trong phủ, rước phật bà về nhà thờ cúng."

An Sinh nghe xong thầm nghĩ, thời đại này vốn dĩ chưa có Thiên Chúa giáo du nhập, lịch sử phong kiến Việt Nam lại nổi tiếng về truyền thống phật giáo từ ngàn năm Thăng Long, một thế gia giàu có như Lê Ngân, thờ tự quy mô hoành tráng thế này cũng chẳng lấy gì làm lạ. Nhưng mới canh năm đã thức dậy gõ mõ đọc kinh, không phải quá sớm sao?

"Ngoài trời gió lạnh, lệnh bà ra đây làm gì? Hay tiếng của ta làm ồn giấc ngủ của lệnh bà?"

Thấy An Sinh ngơ ngác nhìn chằm chặp các bức tượng vừa được bà sắp lên, Nguyễn phu nhân lo sợ, vội vàng nhỏ giọng đánh lạc hướng.

An Sinh khịt mũi, ôm lấy hai cánh tay lạnh buốt nhìn bà cười hiền: "À, không có. Ta mơ thấy ác mộng nên không ngủ lại được. Nửa canh giờ nữa là mặt trời mọc, ta muốn ngắm mặt trời mọc ở Yên Lập."

Nguyễn phu nhân bất giác sững người, trong lòng truyền đến ngọn lửa ấm áp. Bà khoác lấy tay An Sinh vỗ nhè nhẹ, kéo cô ra khỏi phòng.

"Lệnh bà giống ta hồi trẻ thật đấy. Chúng ta lên sảnh chính uống trà nhai trầu cho ấm bụng, đợi nửa canh giờ nữa, ta sẽ cùng lệnh bà ngắm bình minh."

An Sinh mỉm cười, hít hà mùi thơm nhè nhẹ tỏa ra từ Nguyễn phu nhân. Bà ngồi lâu trong từ đường như thế mà chẳng ám chút mùi nhang trầm nào. Giống như mẹ cô mỗi lần dùng nước hoa, dù nước hoa có mùi thơm nồng đậm đi chăng nữa, cô vẫn luôn ngửi thấy mùi của mẹ.

Bàn tay An Sinh bấu chặt lấy cánh tay Nguyễn phu nhân, khóe mắt cay xè như trúng phải khói, cô mím môi hít một hơi sâu, không hiểu sao bản thân lại nhớ nhà da diết.

***

"Thị nữ tham kiến Thần phi lệnh bà."

Trong cung Thanh Khâm lặng như tờ, lạnh như băng, Thần phi vô cảm lau chùi số trang sức ngọc bội đặt trên bàn, thần thái lãnh đạm không để tâm đến cung nữ đang quỳ dưới đất.

Một thị nữ mang đến bát sâm nóng, cẩn thận đợi Thần phi đón lấy.

Nguyễn Thị Anh thổi qua loa bát sâm, nhấp môi, chán khẽ nhăn lại, sau đó chậm rãi buông lời: "Ngươi có biết vì sao hôm nay ta lại triệu ngươi đến đây không?"

Cung nữ quỳ gối ngẩng cao đầu, ánh mắt kiên cường xoáy thẳng vào vị lệnh bà ngồi trên cao.

"Thị nữ ngu dốt không hiểu chuyện, xin lệnh bà chỉ dạy."

Thần phi trả bát sâm về cho cung nữ hầu hạ, năm đầu ngón tay thon thả nhấc khăn lụa che miệng, liếc nhìn xuống cô gái dẫu vào hang cọp nhưng vẫn ngoan lì háo thắng.

Thật giống y hệt chủ nhân nàng. Tất cả đều đáng ghét như nhau.

"Ta vốn không thích dài dòng. Ngươi thân là trưởng cung nữ Bách Hợp các, cung nhân thân cận nhất của Huệ phi nhưng lại đem tâm cơ tiếp cận lệnh bà ấy. Một thần không thể thờ hai chủ.

Ta nhân từ cho ngươi chọn, hoặc là đích thân đến điện Quang Minh nói ra hết sự thật, hoặc là để ta đến cung Thọ Xuân, mang chuyện Huệ phi có liên quan đến thuốc độc bỏ trong bánh quế lan tố giác lên Trịnh Thái phi ở Đông viện, để Trịnh Thái phi trị tội hết đám người Bách Hợp các, cả chủ, cả tớ."

Cung nữ quật cường một phút trước vừa nghe hết lời Thần phi, mặt liền cắt không còn giọt máu. Nàng ta chết lặng, cánh tay run lẩy bẩy, chắp ra trước cúi lạy.

"Xin Thần phi lệnh bà nương tình với Huệ phi. Tội lỗi đều do một mình thị nữ gây ra, Huệ phi không hề hay biết gì cả."

Thần phi vẫn giữ yên sắc mặt kiêu kỳ, đôi mắt phượng không mảy may xao động. Đúng là chủ tớ tình thâm.

Nàng tiến đến nâng cung nữ kia lên, khóe môi nhếch khẽ nụ cười khinh thường: "Đỗ Uyên, ta thấy ngươi là một cung nữ trọng tình trọng nghĩa. Ta hy vọng ngươi sẽ xem xét cho kỹ, ở hậu cung này ai là người tốt nhất với ngươi. Ta cho ngươi nửa ngày suy nghĩ. Nếu giờ Tỵ ngày mai ngươi không xuất hiện ở điện Quang Minh, ta sẽ lập tức di giá đến Đông viện của Trịnh Thái phi." Dứt lời, Thần phi khoát đuôi y phục lộng lẫy đi khỏi chính phòng, để lại cung nữ Đỗ Uyên bần thần rơi nước mắt.

Nàng nhìn ra bầu trời trong vắt trên cao, lại nhìn xuống đôi tay quấn vải trắng còn đau nhức, chỉ hối hận lần cuối gặp mặt nhau, nàng chưa kịp thay cho Huệ phi bộ địch phục cung phi đẹp nhất.

***

Xế chiều vương vãi trên những khoảng hiên rộng đang dần tắt nắng, tiếng gió lao xao gõ nhẹ lên ống trúc rỗng phơi khô treo một hàng dài cạnh khu thiện phòng.

Một gia nô áo vải cúi chào An Sinh, dẫn theo sau hắn là một vị nữ khách đội nón ba tầm (a) có mạng che mặt. Nữ khách điềm tĩnh tháo nón che, để lộ dung nhan mộc mạc nhưng không kém phần xinh đẹp.

An Sinh kinh ngạc nhìn nàng một lúc lâu, đến khi nàng cung kính chắp tay thi lễ với mình, cô mới giật mình choàng tỉnh: "Nguyễn học sĩ, sao chị lại đến đây?"

Nguyễn Thị Lộ mỉm cười, dùng hai tay dâng về phía An Sinh một bức thư gói trong bao giấy ngả vàng không rõ người gửi. Nàng cất tiếng nói mềm mại: "Một vị bằng hữu của chồng ta nhờ ta trao vật này đến tay lệnh bà."

An Sinh không khỏi thắc mắc, đôi mắt thoảng vẻ hồ nghi nhận lấy phong thư. Cô lẩm bẩm, chồng của Nguyễn Thị Lộ không phải Nguyễn Trãi sao? Mà vị bằng hữu của ngài Nguyễn Trãi này...

"Là thầy Ngô Quang Hiền." An Sinh buột miệng thốt thành câu.

Nguyễn Thị Lộ gật đầu, chân mày không để lộ cảm xúc.

Lần cuối An Sinh gặp Ngô Quang Hiền, anh đã nói cho cô biết ngọn nguồn của việc du hành xuyên không gian. Mặc dù An Sinh không thể hiểu hết những lý luận về "không gian bị lặp lại" nhưng có một điều cô biết rõ, dòng thời gian cô đang tồn tại vốn không phải là lịch sử thật sự, nơi đây giống như một bản thể sao chép lịch sử.

Nguyễn Thị Lộ rời đi ngay khi xong việc, nàng sẽ đi thuyền xuôi về Kinh Bắc, nơi nàng sống với các con và vị lão quan Nguyễn Trãi thần bí.

An Sinh ngồi trên trường kỷ bọc gấm lông, bóc lá thư của Ngô Quang Hiền chậm rãi đọc. Thư viết:

"Gửi An Sinh.

Đã lâu không gặp, không biết cô có khỏe không? Ta nghe Nguyễn học sĩ nói cô sống trong cung rất tốt. Ta viết lá thư này chỉ muốn khuyên nhủ cũng như nhắc nhở cô nên chuẩn bị tâm lý cho vài chuyện không hay sắp xảy đến mà bản thân ta không thể nói ra được.

Có lẽ là một số chính biến cung đình. Nhân sinh như mộng, thế sự tang thương đều là ý trời đã định. Quá khứ qua rồi vốn không thể lặp lại.

Ngày dài tháng rộng phía trước, ta hy vọng cô có thể đừng để cảm xúc của Lê Huệ phi chi phối trái tim An Sinh, cũng mong cô có thể bình an mà
sống nơi Đông Kinh ồn ã. Nếu có khó khăn gì, xin đừng ngại đến tìm ta. Ta luôn sẵn sàng giúp đỡ cô bất cứ lúc nào.

Kính thư, Ngô Sĩ Liên."

Bần thần nhìn những dòng chữ quốc ngữ thân thương thẳng tắp, đều đặn xếp trên mặt giấy cũ, lòng An Sinh bồn chồn khôn tả xiết. Ngô Quang Hiền muốn báo hiệu cho cô rằng trong cung sắp có biến, nhưng biến này tại sao còn liên quan đến Lê Nhật Lệ?

Phương Ngọc hấp tấp bê mâm cơm đến trước cửa phòng An Sinh, chân nọ đá kia thế nào lại vấp ngay bậc chắn cửa. Nàng ngã sõng soài úp sấp mặt, tô bát vỡ thành trăm mảnh lẫn lộn với đồ ăn còn nóng.

An Sinh hốt hoảng chạy đến đỡ nàng dậy, phủi qua loa đất cát bám trên người nàng. Nàng thút thít vừa sợ vừa khóc nhìn cô, cùi chỏ đỏ rướm mấy vệt máu.

"Lệnh bà, em... em..."

An Sinh khẽ cười, xoa mái tóc nàng dịu giọng: "Không sao. Đổ rồi thì thôi, ta chưa đói." Nói rồi cô kéo Phương Ngọc ngồi lên trường kỷ. Nàng ta lắc đầu nguầy nguậy, bảo gì mà không hợp quy tắc.

An Sinh cốc đầu nàng ta trách cứ: "Em học gì không học lại học cái tính càm ràm của Đỗ Uyên."

Phương Ngọc rấm rứt, cánh tay bị An Sinh kéo ra dùng khăn ướt lau nhẹ. Nàng quẹt nước mắt: "Đáng lẽ em nên ở Bách Hợp các để chị Đỗ Uyên đi theo lệnh bà đến đây. Em hậu đậu vụng về, không chăm sóc lệnh bà chu đáo như chị ấy."

An Sinh vừa thổi vết thương trên chỏ tay Phương Ngọc, vừa giận dỗi quay sang nàng mắng: "Ai nói em không chăm sóc ta chu đáo bằng Đỗ Uyên? Mỗi tối không phải đều là em nằm ấm giường cho ta trước, chuẩn bị nước tắm mùi ta thích nhất, dặn dò nhà bếp làm món ta thích ăn sao? Từ nay đừng tự đánh giá thấp bản thân như thế nghe không?"

Phương Ngọc mếu máo gật gù: "Nhưng để chị Đỗ Uyên ở Bách Hợp các, em cũng chẳng yên tâm. Dạo này chị ấy cứ mãi ngồi thất thần một mình trong tư phòng thôi ạ."

An Sinh ngạc nhiên ngẩng đầu, không hề biết cung nữ thân cận bên cạnh lại có tâm sự giấu cô. Cô gặng hỏi Phương Ngọc: "Thế Đỗ Uyên có nói gì với em không?"

Phương Ngọc lắc đầu: "Chị ấy không nói nhưng em biết chị ấy buồn chuyện gì. Còn không phải là vì Nguyễn Thượng quan bị hoàng thượng xử tội chém đầu."

"Nguyễn Thượng quan cung Phạm Thái phi? Đỗ Uyên với Nguyễn Thượng quan có quan hệ gì mà nàng ta phải buồn?" Thái độ trên mặt An Sinh dần dần tái sạm, cô nghe tim mình đang run lên từng hồi.

Phương Ngọc vô tư đáp: "Lệnh bà không biết à? Chị Đỗ Uyên và Nguyễn Thượng quan vốn cùng được Phạm Thái phi nuôi lớn từ bé ở Lam Kinh. Sau khi Phạm Thái phi trở thành phi tử của Thái Tổ, dời đến đất Đông Kinh, Nguyễn Thượng quan được ban quan tước, trở thành nữ quan đứng đầu các cung nữ cung thái phi. Còn chị Đỗ Uyên không hiểu sao lại bị đưa đến Trung Trinh môn làm một cung nhân bình thường, đợi ngày được chia đi hầu hạ các lệnh bà của các phủ viện khác."

Chiếc khăn tay đột ngột rơi xuống đất, An Sinh bàng hoàng nghĩ đến những hành động tưởng chừng vô thưởng vô phạt của Đỗ Uyên mọi khi nhưng thật ra lại vô cùng kín đáo và cẩn trọng.

Từ việc Đỗ Uyên xin theo phụ cô làm bánh quế lan ở thiện phòng đến việc chính tay Đỗ Uyên chuyển khay bánh cho thị nữ mang về Bách Hợp các. Cả bao gấm ngày hôm đó An Sinh nhờ Đỗ Uyên đem cất, chẳng lẽ độc tố lan đó cũng là một tay Đỗ Uyên bỏ thêm?

Nhưng vì lý gì nàng ta lại không hạ độc vào bánh của Lê Nguyên Long? Lý gì bao gấm bình an kia lại ở sâu trong ngăn kéo tủ bàn trang sức mà không phải dưới gối nệm cô thường nằm? Đỗ Uyên chưa từng có chủ ý hại An Sinh. An Sinh biết nàng bị Phạm Thái phi ép buộc.

Bỏ mặc Phương Ngọc thẫn thờ ngồi trông theo bóng chủ nhân chạy ùa ra ngoài cổng lớn, An Sinh vội vã nhìn quanh trước cổng phủ đệ Đại Đô đốc. Một cấm vệ canh gác khom lưng chào cô.

An Sinh phẩy tay, run run hỏi: "Chuồng ngựa ở đâu?"

Cấm vệ không hiểu cô muốn gì, theo quán tính chỉ tay sang lối đi hậu giáp cạnh cổng chính. An Sinh định nhấc váy rời đi, cấm vệ lập tức chắn ngang cô, cất giọng kiên quyết.

"Lệnh bà xin dừng bước. Bùi Trung thừa có lệnh, ở ngoài nhiều nguy hiểm, nếu không có việc gì xin lệnh bà hãy ở yên trong phủ."

An Sinh nóng nảy gạt phăng tay hắn ra, đôi mắt hằn lên những vệt đỏ: "Ta là Huệ phi của hoàng đế Đại Việt, ai dám ngăn ta rời phủ?"

Cấm vệ kia sợ hãi dang rộng tay, nhất nhất không để An Sinh vượt qua mình: "Lệnh bà thứ tội cho thần, hôm nay thần không thể để lệnh bà ra ngoài."

Lời cấm vệ vừa dứt, An Sinh liền lao tới giao ra một quyền. Cấm vệ hoảng loạn, định rút bảo kiếm bên hông nhưng sợ làm Huệ phi bị thương nên dừng lại. Hắn đỡ những đòn tấn công tới tấp từ An Sinh, không ngờ thân thủ của một cung phi lại tốt như thế. Đỡ đến đòn thứ ba, cấm vệ đã lăn tròn ôm ngực nằm trên đất, bàn tay với theo bóng cô ngày một xa dần.

Hắn rút chuông đồng trong ngực lắc mạnh. Nửa khắc sau đoàn cấm vệ từ các quán trọ xung quanh ồ ạt tập trung đến. Bùi Cẩm Hổ chòng chọc nhìn cấm vệ bị thương đang dập đầu tạ lỗi, thở dài xoa chán. Lê Huệ phi này đúng không phải kẻ tầm thường.

(a) Nón ba tầm: Là loại nón được lợp bằng lá cọ hoặc gồi, có hình dạng như cái lọng hoặc tai nấm, đỉnh phẳng, đường kính nón khoảng 70–80 cm, vành cao 10–12cm hoặc hơn. Lòng nón đính một cái vành hình phễu gọi là khùa hoặc khua (摳) để gia cố nón trên đầu người sử dụng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro