Yamamoto va nhung tran danh tai TBD 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

5

Vào ngày 27 và 28 tháng 2 năm 1942, tôi tham dự trận đánh ở biển Java. Đây là một trong vài trận hải chiến quan trọng hồi đệ nhị thế chiến, được xem là vang danh, nhưng không hề có một chiến đấu cơ nào tham chiến. Vì vậy, trận hải chiến nầy đáng được mô tả và phân tích đầy đủ. Đã có nhiều quyển sách của các tác giả Đồng Minh cũng Nhật Bản viết về câu chuyện nầy. Hầu hết các quyển sách của Đồng Minh được viết gấp rút ngay sau khi chiến tranh kết thúc, nên các tác giả hình như đã vượt quá giới hạn của chứng liệu lịch sử và sự khách quan. Còn về phía Nhật Bản cũng chẳng hơn gì, các quyển sách được viết ra đều gây cảm giác không trung thực và chính xác. Nhưng một phần khác là do các chỉ huy trưởng bại trận và thối chí, họ không đủ can đảm cung cấp những chi tiết khách quan của các trận đánh mà họ đã tham gia. Hầu hết các sĩ quan chỉ huy chiến hạm Đồng Minh tham dự cuộc hải chiến ở biển Java đều đã chết trận, vì vậy khó thể thâu thập được tất cả chi tiêu bên phía Đồng Minh.Đề đốc Takeo Takagi, Tư Lịnh Nhựt trong cuộc hải chiến nầy, đã thiệt mạng ở Saipan vào năm 1944. Hai sĩ quan trong bộ tham mưu ông còn sống sót, đó là Tham Mưu Trưởng của ông, Đại Tá Nagasawa, hiện là Thủy Sư Đô Đốc, Tổng Tư Lịnh Tân Hải Quân Nhật Bản, và phụ tá của Nagasawa là Thiếu Tá Kotaro Ishikawa từng là sĩ quan tình báo của Takagi. Trước khi viết chương nầy tôi đã đến gặp và thảo luận khá lâu với hai nhân vật nầy cũng như một số người còn sống sót có liên quan đến trận đánh ở biển Java.Trong trận đánh nầy, thoạt đầu lực lượng Đồng Minh bao gồm ba tuần dương hạm hạng nặng, hai tuần dương hạm hạng nhẹ và 11 khu trục hạm cố gắng bao vây và tiêu diệt 41 chuyển vận hạm chạy chậm chạp vì chở cả một sư đoàn bộ binh, và các tàu hộ tống của Nhựt, gồm 10 khu trục hạm và 2 tuần dương hạm hạng nhẹ. Ngoài ra Nhựt còn có hai tuần dương hạm hạng nặng được cắt đặt trong cuộc chuyển vận nầy, nhưng cả hai chỉ lẻo đẻo cách phía sau 150 dậm.

Với tất cả lợi thế và lực lượng vượt trội, nhưng Đồng Minh không đánh chìm được một chiếc tàu nào của Nhựt. Theo ý kiến của tôi thì tinh thần là yếu tố thực sự quyết định cuộc đụng độ nầy, và có thể lấy yếu tố nầy để so sánh với cuộc đụng độ ở Vịnh Leyte vào tháng 10 năm 1944 sau nầy, Tư Lịnh Phó Đô Đốc Takeo Kurita, đã đóng một vai trò giống hệt như vai trò mà Hạm Đội của Đề Đốc Hòa Lan K.W.F.M Dorman đã đóng trong trận đánh ở biển Java.Ở vịnh Leyte, Phó Đô Đốc Kurita đã dồn hẳn bốn hàng không mẫu hạm của Đồng Minh vào rọ và ông chỉ còn giơ tay đấm xuống nữa là xong. Nhưng chỉ vì một chút ngần ngừ, ông đã mất dịp may bằng vàng. Đó là những gì mà hạm đội Đồng Minh đã vấp phải ở Java. Kurita đến Leyte với sự quyết tâm, nhưng đồng thời ông cũng ý thức là ông không hề có một cơ may nào chiến thắng trước lực lượng ưu việt của địch quân. Đó là nguyên nhân gây ra sự ngần ngừ khi ông giơ cú đấm để giáng xuống.Vào tháng 2 năm 1942, một không khí tuyệt vọng bao trùm các sĩ quan Đồng Minh ở Surabaya. Họ thấy có ít hoặc không có dịp may tồn tại. Mười lăm tàu chiến thuộc Hạm Đội Đồng Minh vô đây vá víu lại các vết thương, và tất cả đều biết số phận thực sự được định đoạt trong vòng một tuần lễ, khi quả đấm cuối cùng của Nhựt giáng xuống.Các vị chỉ huy Đồng Minh nhớ lại cuộc tấn công Trân Châu Cảng và hai chiếc Prince of Wales và Repulse bị đánh chìm hai tháng trước đó. Thoạt đầu họ không tin những gì mà họ nghe được. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tân Gia Ba rơi vào tay Nhật và cuộc xâm chiếm toàn thể lãnh thổ Phi Luật Tân chỉ còn ngày một ngày hai. Lực lượng Nhật Bản cuồn cuộn lướt về phía Nam. Đồng Minh bỏ hết tiền đồn nầy đến tiền đồn khác.Họ biết Lực Lượng Đặc Nhiệm hùng hậu của Hải Quân Hoàng Gia, dưới quyền của Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo, đã di chuyển đến các hải phận Nam Thái Bình Dương. Trước mặt họ lực lượng nầy chẳng khác nào một siêu hạm đội khổng lồ. Họ không có cách nào để biết sứ mạng thực sự của Nagumo, và có tất cả đến bao nhiêu hàng không mẫu hạm dưới quyền của ông ta, cũng mù tịt. Phần lớn sự bối rối lan tràn trong hàng ngủ sĩ quan địch quan có lẻ do việc không thể đoán được phi cơ Nhật Bản đã xuất phát từ các hàng không mẫu hạm hay là các sân bay trên đất liền. Những cuộc không tập ồ ạt ở Phi Luật Tân, xảy ra vài giờ sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, được địch quân tin tưởng đã xuất phát từ hàng không mẫu hạm. Sự thật, phi cơ Nhật cất cánh từ Formosa. Một loạt oanh tạc trên đảo Java là do phi cơ ở các sân bay Jolo, Balikpapan và Kendari, nhưng các sĩ quan Đồng Minh ở Surabaya lại cho rằng những phi cơ nầy xuất phát từ các hàng không mẫu hạm ở Java. Vào ngày 1 tháng 12, một lực lượng đặc nhiệm nhỏ của Hoa Kỳ đã tấn công đảo Marshall. Từ Truk, lực lượng đặc nhiệm của Nagumo cấp tốc vượt 1.500 dậm hướng về Marshall. Đồng Minh nghe tin nầy đã cho rằng con đường tấn công vào lãnh thổ Nhật đã quang đãng, vì vậy bốn tuần dương hạm và bảy khu trục hạm của họ tiến đến Balikpapan, hy vọng gây "sửng sốt" cho Nhật Bản.Thời gian nầy Nhật Bản không ngủ quên. Vào ngày 4 tháng 2, từ Formosa, 69 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ Nhựt cất cánh chận đường và nhào xuống xâu xé các chiếm hạm Đồng Minh ở Kendary. Các chiến hạm nầy lê lết trở về Surabaya. Đồng Minh choáng váng và tin rằng những phi cơ tấn công xuất phát từ các hàng không mẫu hạm Nhựt. Biến cố nầy là một thảm kịch đối với họ.Một biến cố khác, khó thể xảy ra đối với xét đoán của Tổng Hành Dinh Surabaya, nhưng vẫn xảy ra trên đầu họ. Vào ngày 19 tháng 2, tin tức tình báo của Đồng Minh cho biết Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo đang tiến về Marshall, bổng nhiên xoay hướng về Úc Đại Lợi. Nhưng sáng hôm đó, Nagumo đã tung 188 oanh tạc cơ và chiến đấu cơ tấn công hải cảng Darwin ồ ạt.Vào buổi trưa cùng ngày, 23 chiến đấu cơ Nhựt gầm thét trên không phận Surabaya và bắn rơi 40 chiến đấu cơ của Đồng Minh, hầu hết là loại P36, trong một trận không chiến ngắn ngủi. Cho dù nhân viên tình báo nằm vùng của Đồng Minh ở Balikpapan đã báo cáo chính xác rằng các phi cơ hải quân Nhựt đã vượt 450 dậm từ các sân bay ở Formosa đến Surabaya, sĩ quan Đồng Minh ở đây vẫn không tin. Họ luôn luôn cho rằng các phi cơ đã cất cánh từ các hàng không mẫu hạm.Buổi chiều cùng ngày, một số oanh tạc cơ Nhật lại cất cánh từ Kendary bay đến dội bom một phi trường bí mật của địch quân ở Djombang, gần Surabaya, hủy diệt hàng chục oanh tạc cơ và chiến đấu cơ P40, những con trâu cổ của Hoa Kỳ, và chiến đấu cơ Hurricane của Anh. Các phi cơ chiến đấu của Nhựt đã nhanh chóng gặt hái được sự "ngưỡng mộ và kính nể" của địch quân. Khi phi cơ Nhựt đã ra tay thì không nạn nhân nào thoát khỏi, và ngay cả các chiến hạm "kiêu hãnh nhứt" của người Anh. Và, như các chiến hạm Anh, số phận của các tàu ở Surabaya không biết được định đoạt lúc nào.Rút kinh nghiệm nầy, các sĩ quan chỉ huy ở Surabaya đã đắn đo trên các tin tức tình báo mới nhứt của họ vào ngày 20 tháng 2, cho biết hai đoàn tàu chuyển vận khổng lồ của Nhựt đang hướng về Java. Sự thật, vào ngày 19 tháng 2, 41 chuyển vận hạm với 20 hộ tống hạm Nhựt rời Jolo tiến đến Surabaya. Hai ngày trước đó, một đoàn tàu khác gồm 56 chuyển vận hạm với 15 hộ tống hạm rời vịnh Cam Ranh, Việt Nam, trực chỉ Tây Java. Như vậy, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Đồng Minh ở Surabaya đang trong cơn hấp hối. Nếu các chiến hạm Đồng Minh xuất phát tấn công một trong hai đoàn tàu nầy thì họ có thể đạt kết quả. Nhưng họ không thể nào còn đủ khả năng để ngăn chặn đoàn tàu còn lại. Tuy nhiên, yếu tố rắc rối nhứt đối với họ là làm cách nào để đoán đúng sức mạnh của Lực Lượng Đặc Nhiệm Nagumo. Với hạm đội Đồng Minh không có sự bao che của không quân, Nagumo có thể vung búa đập xuống bất cứ lúc nào. Đồng thời, phi cơ Nhựt cũng có thể đến và đi như chổ không người.Nhưng vào ngày 17 tháng 2, tại Bộ Tư Lịnh Tối Cao, Đô Đốc Isoruku Yamamoto, Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hổn Hợp Hoàng Gia, đã mở một phiên họp với Bộ Tham Mưu của ông trên soái hạm Nagato, đậu ở Hashirajima, gần Kure, miền Trung nước Nhựt. Kết quả phiên họp nầy, Yamamoto đã ra lịnh cho Nagumo xoay hướng và tiến về hải cảng Darwin, không truy đuổi lực lượng nhỏ bé của Hoa Kỳ nữa. Ông nói: "chúng ta phải giữ các mỏ dầu và các nguồn tài nguyên khác ở quần đảo East Indie (các hòn đảo thuộc Hòa Lan đã bị Nhựt chiếm giữ). Việc nầy ưu tiên hơn việc theo đuổi các lực lượng nhỏ bé của Hoa Kỳ.Chắc chắn kế hoạch hành quân Midway đã nằm sẵn trong trí của Yamamoto vào lúc ấy. Bộ Tham Mưu của ông đã nghiên cứu tất cả các dữ kiện tình báo và phúc trình lên ông, Yamamoto kết luận rằng hạm đội của Đồng Minh ở Surabaya "không đe dọa trầm trọng" các hoạt động của Nhựt. Và ông ra lệnh cho hai đoàn tàu mỗi đoàn chuyển vận một sư đoàn bộ binh ngừng lại. Yamamoto chủ trương: "Hành quân đổ bộ không đòi hỏi phải có sự trợ của một lực lượng đặc nhiệm quan trọng.". Do đó, vào ngày 19 tháng , Nagumo đã vượt thủy trình 220 dậm tiến về phía Bắc hải cảng Darwin.Vào ngày 20 tháng 2, Yamamoto lại mở một phiên họp tham mưu khác, và đưa đến quyết định: Hạm Đội Đồng Minh "hoàn toàn mất tinh thần" và "không hy vọng tạo được một hành động quan trọng nào". Yamamoto bải bỏ hẳn kế hoạch sử dụng phi cơ ở sân bay trên đất liền để làm cây dù bao che cho những cuộc chuyển vận của Nhựt mà ông đã từng đưa ra trước đây. Nagumo lại được lịnh đến Ấn Độ Dương để "nhận chìm chiến hạm của Đồng Minh từ Surabaya thoát ra."Sự khinh thường đối thủ nầy ít nhứt cũng đã khiến cho đoàn tàu chuyển vận, với khu trục hạm của tôi nằm trong thành phần hộ tống, lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Đoàn tàu 41 chiếc chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm cách nhau 2.000 thước, và mỗi chiếc cách nhau 600 thước di chuyển với tốc độ 10 hải lý theo hình chữ chi. Cách 3.000 thước phía trước hai đoàn tàu là bốn khu trục hạm giăng hàng ngang. Cách nhau 3.000 thước phía sau, cũng giăng hàng ngang là ba khu trục hạm. Kế đến là tuần dương hạm Naka, cũng là soái hạm, được hộ vệ bởi hai tuần tiểu đỉnh. Hai khu trục hạm chạy ở tả mạn và hữu mạn, canh chừng khoảng giữa hai đoàn tàu vận chuyển dài dằng dặt nầy.Một nhóm tàu hộ tống khác, thuộc phân đội 2 khu trục hạm, bao gồm bốn chiếc, trong đó có chiếc Amatsukaze của tôi, cầm đầu là soái hạm Jintsu của đề đốc Raizo Tanaka. Tất cả di chuyển ở phía tả, tách biệt hẳn đoàn tàu chuyển vận. Nhóm khu trục hạm nầy trước đó đã tham dự vào cuộc hành quân đổ bộ ở đảo Timor, kế cuộc hành quân Ambon, và sau đó ngày 25 tháng Giêng, đã kết hợp với đoàn chuyển vận nầy ở Macassar. Ngoài số tàu hộ tống vừa nói, còn hai tuần dương hạm hạng nặng Nachi và Haguro, nhưng cả hai chạy lẻo đẻo cách 290 dậm phía sau chúng tôi. Đoàn tàu dai 20 dậm là một hình ảnh đẹp mắt, nhưng có một việc thấy rõ là đội hình của đoàn tàu không mấy chính xác. Điều nầy dễ hiểu, vì thủy thủ của các tàu chuyển vận không được huấn luyện đầy đủ. Nhiều chiếc tàu còn nhả từng bụm khói, một việc cấm kị trong lúc di chuyển. Nhiều chiếc khác còn sử dụng cả vô tuyến để chuyển những tin tức, thay vì dùng cờ hoặc đèn, và thỉnh thoảng lại còn vi phạm lệnh cấm bật đèn đêm.Tuy nhiên đều lo lắng hơn hết là việc các tuần dương hạm hạng nặng lẻo đẻo xa ở phía sau, khó thể can thiệp kịp thời trong trường hợp địch quân tấn công mạnh mẻ, vì chỉ có chiến hạm nầy mới đủ sức để đương đầu.Thời tiết tốt đẹp, ban ngày nắng chói chang, và ban đêm trăng sáng vằng vặc trên mặt biển đến nỗi có thể dùng mắt thường theo dõi đoàn tàu chuyển đang di chuyển. Các phi cơ thám thính của Nhật, phát hiện 5 tiềm thủy đỉnh của Đồng Minh, nhưng các chiếc tàu nầy không tìm cách tấn công chúng tôi.Sáng ngày 16, mặt biển phía Nam Borneo yên tỉnh. Tôi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn hồi đêm, và chăm chú đọc báo cáo mới nhứt. Các phi cơ thám thính và các cơ quan tình báo của chúng tôi cho biết một bãi thủy lôi được địch quân thiết lập dọc theo bờ biển Surabaya, rất nguy hiểm cho các tàu chở khẳm. Tin tức cũng cho biết: "Một số oanh tạc cơ B17 và chiến đấu cơ của Đồng Minh vẫn tiếp tục được đưa đến Malang và nhiều nơi khác."Tình hình cho thấy sự lạc quan của chúng tôi không có gì làm vững chắc. Lúc 8 giờ cùng ngày, một thủy phi cơ loại PBY Catalina thình lình rời khỏi các đám mây từ hướng Đông và đâm bổ về phía tàu của tôi.

"Phi cơ địch lao đến! Khai hỏa!" Tôi la lên.Một khẩu đại liên phòng không nhả đạn ngay khi chiếc PBY thả một trái bom, nhưng quá sớm, và trái bom chỉ tạo một cột nước cao khoảng 500 thước phía trước tàu của chúng tôi. Chiếc phi cơ đảo cánh, gia tăng tốc lực và biến mất trong mây. Diễn biến nhanh đến nỗi chúng tôi không đủ thời giờ để hồi hợp. Cuộc tấn công ít thấy xảy ra, và có vẽ vội vã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu chiếc phi cơ nầy chỉ có nhiệm vụ thám thính, như nó thường được sử dụng, thì nó không ngu dại gì xuất đầu lộ diện, và nhứt là lại nhắm thả bom vào một chiếc khu trục hạm thay vì chọn một tàu chuyển vận dễ đạt được kết quả hơn. Như dù thế nào, cuộc tấn công chớp nhoáng nầy cho thấy địch quân đã biết sự có mặt của chúng tôi.

Không lâu sau, chúng tôi phát hiện một chiếc tàu lớn sơn màu trắng ở cánh trái của đoàn tàu. Dùng ống viễn kính lớn, tôi nhận thấy đó là một tàu bịnh viên khoảng 4.000 tấn. Chúng tôi trương cờ ra lịnh cho chiếc tàu dừng lại để khám xét. Qua ống viễn kính, tôi nhìn thấy một người đàn ông lớn tuổi đứng trên sân tàu, có lẽ là thuyền trưởng của tàu bịnh viện, đang vội vã mặc đồng phục. Đôi tay ông ta run rẩy và dáng điệu bồn chồn. Khi tàu của tôi đến gần, tôi mới biết đó là một tàu bịnh viện của Hòa Lan mang tên Optennote.Đại úy Goro Iwabuchi cùng sáu sĩ quan khác nhảy xuống một chiếc xuồng và bơi đến leo lên chiếc Optennote. Một giờ sau họ quay lại báo cáo trên tàu có 15 bác sỹ và y tá cùng với thủy thủ đoàn. Tôi xin chỉ thị, và Đề đốc Tanaka đáp: "Ngay cả một tàu bịnh viện cũng đáng nghi ngờ trong khu vực nầy. Mang chiếc tàu lại phía sau nhập chung với những tàu tiếp liệu của chúng ta."Tôi phải bỏ cả buổi sáng để đi kèm chiếc tàu nầy. Sau khi cẩn thận trao nó cho vị chỉ huy Hải Đội tiếp liệu, tôi gia tăng tốc độ 26 hải lý, quày lại với nhiệm vụ hộ tống vào lúc 2 giờ 15. Một vài chiến đấu cơ Nhựt cất cánh từ Balikpapan bay che trên tàu chuyển vận cho đến 7 giờ chiều. Mặt biển bổng nhiên trở lạnh. Tôi rít một hơi thuốc và hỏi viên hoa tiêu của tôi khi nào mặt trời lặn. Trung úy Toshio Koyama cho biết mặt trời sẽ lặn lúc 7 giờ 48.Tôi quăng điếu thuốc vì nghe có tiếng súng cao xạ nổ vang. Tuần dương hạm Jintsu đang khai hỏa. Tôi ra lịnh: "Vào vị thế chiến đấu! Không kích!" Nhìn lên, tôi thấy hai oanh tạc cơ B17 bay trong mây, cao độ khoảng 4.000 thước. "Khai hỏa" Tôi hét lớn.Các khẩu cao xạ 12,7 ly xoay nồng lên 75 độ, và khai hỏa, nhưng đạn không thể chạm tới các oanh tạc cơ địch. Những loại súng nhỏ hoàn toàn vô hiệu, nhưng tiếng nổ rền vang của chúng cũng làm cho phi cơ địch khiếp đảm. Các oanh tạc cơ nầy chắc đến từ Java, đã thả 6 trái bom 500 cân Anh, bốn trái rới cách hữu mạn chiếc Amatsukaze của tôi khoảng 1.500 thước, và hai trái chỉ cách tả mạn khu trục hạm Hatsukaze 500 thước. Thả tệ như thế là cùng.Các oanh tạc cơ chỉ nhắm tấn công vào chiến hạm thay vì tàu chuyển vận, điều nầy chứng tỏ chúng chỉ quyết ăn thua đủ với các khu trục hạm của chúng tôi. Có lẽ các phi cơ nầy đã dành phần các tàu chuyển vận cho hạm đội của chúng. Đó là một việc đáng lưu tâm.Buổi sáng ngày hôm sau, 27 tháng 2, hoàn toàn yên tỉnh. Đoàn tàu vẫn tiến bước. Nhưng vào lúc 11 giờ 50, ngay khi mọi người sửa soan dùng bửa trưa, bốn trái bom bất ngờ rơi xuống. Những cột nước khổng lồ mọc lên phía trước mũi khu trục hạm Yukikaze khoảng 200 thước và cách chiếc tàu của tôi khoảng 300 thước.Ngày hôm qua. Chúng tôi đã thấy các oanh tạc cơ trước khi chúng tấn công, nhưng hôm nay thì chúng tôi hoàn toàn không hay biết gì cả. Tôi khám phá quá trễ hai chiếc B.17 đang bay đúng trên đầu tôi ở cao độ 4.000 thước. Các pháo đài bay đã thành công trong yếu tố gây kinh ngạc cho chúng tôi, nhưng vì quá vụng về nên chúng đã làm hỏng cả cơ hội.Một lần nữa oanh tạc cơ chỉ nhắm vào các tàu chiến, và điều nầy khiến tôi suy nghĩ. Tại sao chúng không dội bom tàu chuyển vận. Chỉ cần một quả bom 500 cân Anh là có thể đánh đắm một chuyển vận hạm dễ dàng và gây rối loạn cho cả đoàn tàu. Hiện tại, những năm sau chiến tranh, tôi vẫn tin đó là một lỗi lầm to tát của Đồng Minh.Nhật Bản cũng vấp phải những lỗi lầm to tát trong việc tung ra cuộc hành quân nầy mà không có sự bao che hữu hiệu của không quân cho các lực lượng trên biển. Nhưng lỗi lầm nầy không gây ra thiệt hại đáng kể bởi chiến thuật của phi cơ Đồng Minh không hiệu quả và thiếu khôn ngoan. Mười hai phút sau cuộc oanh tạc của B17, đoàn tàu xoay 90 độ tiến đến Surabaya và ct chỉ còn cách hòn đảo nầy 60 dậm. Từ đầu chúng tôi đã tiến thẳng về hướng Tây, có tánh cách nghi binh. Không lâu sau, một phi cơ thám thính Nhựt xuất phát từ Balikpapan đã báo cáo: "Năm tuần dương hạm và sáu khu trục hạm của địch quân đã rời Surabaya 63 dậm, hướng 310 độ, vào lúc 12 giờ trưa. Hiện thời lực lượng nầy xoay hướng 80 độ, với tốc độ 12 hải lý."Chiếc Nachi 12.374 tấn, một trong hai tuần dương hạm hạng nặng theo phía sau chúng tôi, lập tức cho thủy phi cơ thám thính bay đến để theo dõi nhóm tàu của địch quân. Một việc đáng kinh ngạc theo báo cáo của phi cơ, nhóm tàu nầy đã tiến gần và hiển nhiên nhắm vào đoàn chuyển vận hạm của chúng tôi. Có phải địch quân mưu định tấn công? Chúng tôi chờ đợi báo cáo của phi cơ thám thính.Hai giờ dài dằng dặc trôi qua. Lúc 2 giờ 5, phi cơ của Nachi báo cáo một hạm đội gồm 5 tuần dương hạm và 10 khu trục hạm (thay vì 6 như báo cáo đầu tiên) đang tiếp tục hướng đến. Kể cả hai tuần dương hạm của chúng tôi ở phía sau, lực lượng của địch quân vẫn còn trên chân chúng tôi. Đề đốc Takagi ra lịnh cho đoàn tàu xoay về hướng Bắc. Cơn nóng miền nhiệt đới vẫn không gây cho tôi cảm giác nào. Mồ hôi lạnh chảy ướt đẩm lưng tôi. Nếu địch quân gia tăng đà tiến, họ có thể dễ dàng xé đoàn tàu của chúng tôi ra từng mảnh và nhận chìm các chuyển vận hạm, chẳng khác nào những con bồ câu bằng đất. Tôi cảm thấy nao núng. Nhưng tôi tự hỏi tại sao hạm đội địch lại không tiến đến nhanh hơn. Lúc 3 giờ 10, phi cơ thám thính gởi về một báo cáo đáng ngạc nhiên: "Hạm đội địch xoay hướng trở về Surabaya."Đề đốc Takagi đứng trên đài chỉ huy của soái hạm Nachi đã cười to: "Chẳng là tàu chiến địch rời khỏi Surabaya để tránh bị các cuộc không tập của chúng ta dọn sạch. Địch quân không còn lòng dạ nào mưu đánh chúng ta. Kế hoạch và thời biểu của chúng ta vẫn tiếp tục. Đoàn tàu xoay đầu về hướng Nam."Lúc 4 giờ 30 chiều, một báo cáo gây kinh ngạc khác của phi cơ thám thính: "Tàu địch lại xoay về hướng cũ, đội hình phân tán trước đó bây giờ nhập chung làm một, gia tăng tốc độ và chay về hướng 20 độ." Mười phút sau lại một báo cáo khác: "Tốc độ của tàu địch là 22 hải lý, hướng thẳng về đoàn tàu chúng ta." Ý định của địch quân không còn ngờ vực gì nữa. Tôi xem hải đồ và nhận thấy tàu địch còn cách chúng tôi 60 dậm. Nếu cả hai bên chạy với tốc độ 20 hải lý thì trong một giờ rưỡi chúng ta sẽ gặp nhau.Takagi, thình lình gắt gỏng và giận dữ, đã ra lịnh cho đoàn tàu chuyển hướng một lần nữa. Ông cũng ra lịnh hai tuần dương hạm phía sau tung các phi cơ thám thính lên, và các chiến hạm hộ tống dàn thành đội hình chiến đấu. Đồng thời hai tuần dương hạm Nachi và Haguro gia tăng tốc độ để bắt kịp đoàn tàu đi trước.Hải đội 4 khu trục hạm chúng tôi lập tức kết hợp thành một nhóm và chạy theo đội hình hàng dọc, dẩn đầu là tuần dương hạm Jintsu. Các chuyển vận hạm cũng đổi hướng, chạy theo đội hình cánh quạt, nhưng vẫn với tốc độ chậm chạp. Hầu hết các chuyển vận hạm nầy là tàu buôn bị trưng dụng và thủy thủ đoàn không được huấn luyện nên nhìn cách lối di chuyển lộn xộn của họ mà bực mình. Nhiều chiếc tỏ ra ngơ ngác trước các lịnh lạc thay đi đổi lại, và không thể thi hành một cách nhanh chóng được.Nhưng đáng giận hơn cả là việc hai tuần dương hạm Nachi và Haguro đến chậm, vì chạy cách hàng trăm dậm phía sau. Mỗi chiếc tàu nầy võ trang mạnh mẽ gấp mười chiếc khu trục hạm. Nếu không có chúng, tôi thấy không có cách nào chống chọi lại lực lượng hùng hậu của địch quân. Nếu tàu địch gia tăng vận tốc 30 hải lý, chúng sẽ đến trong nháy mắt. Nếu việc nầy xảy ra chúng tôi sẽ làm gì?Vào 5 giờ chiều, tình trạng lộn xộn giảm bớt khi các tàu chuyển vận đã kết hợp thành đội hình và được các tuần tiểu đỉnh và ngư lôi đỉnh hộ tống. Phía sau hải đội của tôi, 4 khu trục hạm khác cũng lập thành đội hình chiến đấu. Một hải đội khác, gồm tuần dương hạm Naka và 7 khu trục hạm, được dàn ở phía sau. Các tàu chiến Nhựt hiện tại chạy với tốc độ 24 hải lý và sẵn sàng chiến đấu. Tôi nhìn về phía chân trời, không thấy bóng dáng hai tuần dương hạm hạng năng của chúng tôi ló dạng. Tôi bực tức rủa thầm."Tàu địch" tiếng la của chuẩn úy Shigaru Iwata, trưởng canh trên đài chỉ huy. Nhìn theo hướng anh ta chỉ, tôi thấy nhiều cột buồm nhô lên ở phía Nam, và trong nháy mắt mọi người đều nhìn thấy rõ rệt. Qua hình dáng cột buồm nầy, tôi biết đó là loại tuần dương hạm De Ruyter của Hòa Lan. "De Ruyter cách xa 28.000 thước. Nó đang tiến nhanh đến chúng ta." Iwata nói một câu có vần có điệu theo nghề nghiệp. Tôi xoay nhìn lại phía sau. Nachi và Haguro vẫn biệt tăm, chỉ có các tàu chuyển vận chạy như rùa bò. Tôi ra lịnh: "Xạ thủ và nhân viên thủy lôi sẵn sàng. Mục tiêu của chúng ta là chiếc tuần dương hạm dẫn đầu đoàn tàu địch."Mọi tiến động trên khu trục hạm của tôi thình lình im bặt. Chúng tôi đang đâu mặt với trận hải chiến qua trọng đầu tiên của chúng tôi. Tiếng của Iwata phá vở sự im lặng: "Hạm Trưởng, nhìn kìa! Nachi và Haguro!". Tôi xoay lại và nhìn thấy bóng dáng được trông đợi mỏi mòn hiện lên ở chân trời phía Đông. Cả hai tuần dương hạm đều ở cách đây thật xa, nhưng có thể chưa muộn. Tốt. Tôi gật đầu. Lúc ấy là 5 giờ 30 chiều.Các chiến hạm địch thình lình xoay về hướng Tây và bắt đầu chạy song song với chúng tôi. Đây là một biến cố khó giải đoán khác. Địch quân chắc chắn đã nhìn thấy đoàn tàu của chúng tôi, nhưng tại sao không dám thẳng vào? Qua hướng tiến trước đó, các chiến hạm địch có thể chọn lựa các mục tiêu một cách rộng rãi hơn trong khi chỉ nhận hỏa lực một cách giới hạn của chúng tôi. ( Lực lượng của Đồng Minh bao gồm hổn hợp các tàu của Hoa Kỳ, Anh, Hòa Lan và Úc: hai tuần dương hạm hạng nặng Exeter của Anh và Houston của Hoa Kỳ, 3 tuần dương hạm hạng nhẹ De Ruyter và Java của Hòa Lan, Perth của Úc và 9 khu trục hạm, 3 của Anh Electra, Encounter và Jupiter, 2 của Hòa Lan Kortenaer, Witte de With và 4 của Hoa Kỳ cac chiếc Alden, John D Edwards, John D Ford và Paul Jones.oàn chuyển vận hạm của Nhật Bản được hộ tống bởi một lực lượng gồm: 2 tuần dương hạm hạng nặng Nachi và Haguro, 2 tuần dương hạm hạng nhẹ Naka và Jintsu, 14 khu trục hạm Yudachi, Samidara, Murasame, Harusame, Minegumo, Asagumo, Yukikaze, Tokitsukaze, Amatsukaze, Hatsukaze, Yamakaze, Sazanami và Ushio) Hai tuần dương hạm Nachi và Haguro, lẻo đẻo phía sau hai phân đội khu trục hạm, nhìn thấy hạm đội địch nên đã xoay lại. Khoảng 8 giờ tối, hai tuần dương hạm Nhựt đã phóng 16 thủy lôi vào mục tiêu cách 16.000 thước. Khoảng cách nầy quá xa. Hạm đội Đồng Minh lại xoay 360 độ khiến các quả thủy lôi nầy đều vô hiệu và xã hết tốc lực chạy về hướng Nam, tức hướng Surabaya.Hai tuần dương hạm Nhựt không truy đuổi. Lúc ấy có một loạt 12 tiếng nổ phát ra ở hướng Nam. Các sĩ quan tham mưu trên hai tuần dương hạm không thể đoán được lý do, và họ độ chừng tiềm thủy đỉnh địch đang tấn công các khu trục hạm Nhựt. Sau đó có sự xác nhận những tiếng nổ nầy là do các thủy lôi của hai tuần dương hạm phóng ra đã lướt 40 cây số về hướng Nam và chạm vào bờ biển. Trong bóng đêm, chúng tôi có thể thấy những ánh đèn ở Surabaya, cách xa 30 dậm. Lúc 8 giờ 30 tối, Takagi ra lịnh cho tất cả chiến hạm Nhựt ngừng cuộc truy đuổi và qui tụ về gần đoàn tàu chuyển vận. Trận chiến vừa qua thật sự cả hai phía đều vấp phải nhiều lỗi lầm. Hầu hết những người ở Phân đội 2 đều tỏ vẻ bực tức lịnh ngừng truy đuổi của Takagi. Còn tàu của tôi không được ra tay nhiều bằng các tàu khác nên tôi cũng cảm thấy tiếc rẽ đã mất dịp may tham dự vào một cuộc truy đuổi sôi động và quần thảo với địch quân một lần nữa.Khi Takagi thấy tất cả các khu trục hạm Nhựt quay mủi về hướng Bắc, ông ra lịnh cho hai chiếc Nachi và Haguro ngừng lại để mang hai chiếc thủy phi cơ quan sát đã cất cánh từ đầu trận đánh lên tàu. Takagi đã suýt chết vì quyết định nầy, may mà địch quân vụng về nên mạng ông còn tồn tại. Việc mang 2 thủy phi cơ lên tàu là cả một công việc đầy gian nan. Sau nầy trong cuộc chiến, nhiều chiến hạm Nhựt chỉ sử dụng phi cơ thám thính một lần rồi bỏ hẳn, không trục chúng lên tàu nữa. Tuy nhiên, đó là thời gian Nhật Bản đang chiến thắng, các vị Tư Lịnh không nhẩn nại trong việc thâu hồi loại phi cơ nầy. Hiện tại, sơ khởi của cuộc chiến, Takagi hoàn toàn đúng khi đưa ra lịnh vừa rồi. Tuy nhiên ông hoàn toàn sai khi nghĩ rằng hạm đội Đồng Minh đã chạy thẳng về Surabaya rồi.Lúc 20 giờ 50, khi chiếc Nachi đang trục chiếc phi cơ cuối cùng, trong số năm chiếc do tàu nầy thả lên, có tin báo: "Hải đội 3 thiết giáp hạm đến!" Trung tá Ishikawa nhìn qua ống viễn kính đã nói to: "Các chiến hạm có ba cột buồm. Phải, hình như chiếc Haruna và Kirishima.""Làm sao hai chiếc tàu nầy ở đây được? Hai ngày trước chúng ở Ấn Độ Dương..." sĩ quan tin tức đứng trên đài chỉ huy của tuần dương hạm Nachi tỏ vẻ ngờ vực.Ba mươi phút sau, Trung Tá Ishikawa hét to: "Trời hại rồi! Nhiều tàu chiến địch! Bốn chiếc trong số đang hướng thẳng đến chúng ta. Chỉ còn 12.000 thước nữa thôi."Náo động khắp nơi trên tàu. Hai tuần dương hạm lúc nầy đang nằm như hai cái xác chết, thủy thủ đoàn lại chưa sẵn sàng trong vị trí chiến đấu, làm sao xoay sở đây?Tàu địch đang tiến đến và bắn hàng loạt trái chiếu sáng lên trời. Đề đốc Takagi bậm môi đến rướm máu. Ông ta đang hấp hối."Thâu hồi phi cơ nhanh lên!" ông ra lịnh. "Tất cả sẵn sàng chiến đấu". Một phút, hai phút, ba phút. Thật ớn xương sống."Phi cơ bị kẹt rồi!" Một nhân viên cần trục la to. Takagi hét: "Nổ máy, lùi hẳn về phía sau."Động cơ Nachi đã chạy lại, và bắt đầu chậm chậm lùi về phía sau với chiếc phi cơ còn đang treo lủng lẳng trên dây cáp ở bên cạnh. Các tuần dương hạm địch khai hỏa và đạn rơi xuống chung quanh chiếc tàu của chúng tôi. Takagi ra lịnh phản pháo khi hai chiếc Nachi và Haguro đã đạt được tốc độ 18 hải lý, tốc độ chiến đấu tối thiểu. Cả hai chiếc tàu cùng khai hỏa, cấp bách đến nổi không kịp sử dụng đèn rọi tìm địch. Cuộc đấu súng tiếp tục ở khoảng cách chừng 12.000 thước và cả hai bên đều phí đạn vô ích. Sau 10 phút. Nachi và Haguro không còn nhín thấy dạng các địch thủ đâu nữa. Náo loạn đã vượt qua.Nhưng một nổi lo âu khác lại đến. Takagi nói: "Chiến hạm địch có thể hướng về đoàn tàu chuyển vận của chúng ta." Hai tuần dương hạm Nhựt lại được phái đi tìm kiếm các chiếc tầu đã gây kinh hoàng cho chúng tôi 20 phút trước đây. Takagi ra lịnh cho tuần dương hạm Jintsu của Đề Đốc Tanaka chạy cách đó khoảng 5.000 thước, cho thủy phi cơ bay lên, để tiếp tay với Nachi và Haguro. Đề đốc Tanaka nhanh chóng đáp ứng lịnh của Takagi.Lúc 21 giờ 45, phi cơ của Jintsu báo cáo: "Một nhóm tàu địch gồm 4 tuần dương hạm và 2 khu trục hạm đang trực chỉ về phía Nam." Tin nầy đã khiến cho các sĩ quan trên hai chiếc Nachi và Haguro thở phào nhẹ nhõm.Trong cuộc đối đầu vừa qua, hai tuần dương hạm của chúng tôi đã phản pháo khi vừa xoay xong 90 độ nữa. Đồng Minh không còn hy vọng gặp lại chúng tôi trong tình trạng bối rối nầy lần thứ hai, nên họ đã đi thẳng về phía Nam. Họ đã để mất một dịp may bằng vàng. Nếu họ quyết tâm chắc chắn hai chiếc Nachi và Haguro đã bị xóa tên, và họ có thể làm cỏ đoàn chuyển vận hạm như cua mất càng của chúng tôi.Tóm lại, trận đánh vừa qua lực lượng hải quân Đồng Minh đã chịu đựng thiệt hại nặng nề: tuần dương hạm Exeter của Anh bốc cháy và lê thân về Surabaya. Ba khu trục hạm bị đánh chìm hẳn. Sáu chiếc tàu nầy lại có quyết định dũng cảm tiến về phía Bắc, mưu đánh đoàn tàu chuyển vận của Nhựt một lần nữa, như đã thấy, không may là chúng đã để mất cơ hội thuận lợi nhất. Trên đường rút chạy về hướng Nam, khu trục hạm Jupiter của Anh trong nhóm đã đụng phải một quả thủy lôi của Đồng Minh và chìm cấp kỳ. Nhưng năm chiếc tàu còn lại vẫn chưa chịu rút lui hẳn. Chúng đã quay trở lại, chạy thẳng về hướng Bắc, lẻo đẻo dòm ngó đoàn tàu của chúng tôi, thoạt ẩn thoạt hiện dưới ánh hỏa châu do phi cơ thám thính của tuần dương hạm Jintsu thả xuống.Trăng sáng nhưng thỉnh thoảng vẫn bị các đám mây che khuất. Năm chiến hạm Đồng Minh đưa ra cố gắng cuối cùng, chạy xuyên qua bóng tối và từng khoảng sáng của ánh hỏa châu soi trên mặt biển, hướng về phía chúng tôi.

Các chiến hạm Nhựt cũng chỉnh đốn hàng ngủ và sẵn sàng dạ chiến. Tất cả đều hăng hái chuẩn bị đánh trận quyết định. Hai tuần dương hạm hạng nặng Nachi và Haguro luôn luôn canh chừng ở hướng Bắc và theo sự hướng dẫn của phi cơ thám thính. Quá nửa đêm ngày 8 tháng 2 Nachi phát hiện năm tàu địch đang hướng thẳng về phía Bắc. Cả hai chiếc Nachi và Haguro lập tức đuổi theo, song song với năm chiếc tàu của Đồng Minh và sau đó chạy chậm lại để tìm cơ hội tấn công. Tiết kiệm nhiên liệu và đạn dược là vấn đề quan tâm hàng đầu của các chiến hạm Nhựt, do đó hỏa lực của chúng tôi giới hạn và chỉ bắn khi nào cần thiết. Lúc 0 giờ 53, Nachi đã phóng 8 thủy lôi và Haguro 1 quả vào các tàu địch chạy ở 60 độ tả mạn, khoảng cách 40.000 thước. Lúc đó mưa mù bổng che phủ mặt đại dương, chiến hạm Nhựt hy vọng tàu địch không thấy thủy lôi để né tránh. Lúc 1 giờ 6 phút, ánh sáng bùng lên trong đêm tối và một cột lửa bốc cao ở hướng Đông Nam. Một thủy lôi đã trúng tuần dương hạm Java. Bốn phút sau, một tiếng nổ khác phát ra cùng hướng, và chiếc soái hạm De Ruyter của địch quân bùng cháy như một cây đuốc. Thủy thủ trên hai chiếc Nachi và Haguro reo hò vang dậy. Họ ôm nhau nhảy múa.Đề đốc Takagi lạnh lùng nói: "Cuộc chiến đã chấm dứt." Hai tuần dương hạm Nachi và Haguro xả hết tốc lực chạy về hướng Đông Bắc xuyên qua các vùng mưa luồng trên đại dương. Không gặp chiến hạm nào của địch quân, cả hai chiếc tiến sát đến hai chiến hạm đang bốc cháy. Takagi nói: "Đừng phí đạn với hai chiếc tàu nầy. Để chúng tự hủy lấy!" Cuộc truy lùng chấm dứt lúc 5 giờ 30.Nghi vấn xảy ra trong ngày là sự di chuyển của tuần dương hạm Houston của Hoa Kỳ và Perth của Úc đại Lợi. Cuộc tìm kiếm vô hiệu quả của Tanaka xa về phía Bắc có thể là lầm lẫn cuối cùng của Nhật Bản trên mặt trận Thái Bình Dương. Khi hai chiếc Java và De Ruyter bốc cháy, cả hai chiếc tàu nầy đã bỏ đi lập tức về hướng Đông Nam, dọc theo bờ biển, nghĩa là không trở về hướng xuất phát cuộc tấn công. Đó là điều kỳ lạ.Sau 90 phút giữa đêm ngày 01 tháng 3, khu trục hạm Fubuki đã phát hiện hai chiếc tàu mà họ không rõ xuất xứ chạy cách 10.000 thước phía Đông đảo Babi, gần vịnh Banten, và xa trận đánh biển Java vừa xảy ra 500 hải lý. Trung Tá Yasuo Yamashita, hạm trưởng của Fubuki không hiểu hai chiếc tàu bí mật nầy định làm gì nên ông đã cho quay tàu lại và lẻo đẻo theo cách phía sau 8.000 thước. Đó là hai chiếc Houston và Perth. Nhưng có điều khó hiểu là tại sao hai tàu nầy di chuyển trên một hải trình kéo dài 24 giờ mà không bị phi cơ thám thính bay suốt ngày của Nhựt nhìn thấy?Sau trận đánh biển Java, Houston và Perth còn rất ít đạn dược, và sau khi vượt 500 dậm nữa, với tốc độ 26 hải lý, nhiên liệu cũng gần cạn. Trên đường đến một căn cứ tiếp tế, hai chiếc tàu địch đã kinh ngạc khi nhận thấy đoàn tàu chuyển vận thứ hai gồm 56 chiếc của Nhựt tụ hợp ở vịnh Banten và đang chuẩn bị đổ bộ. Không sợ sệt, cả hai đã khai hỏa vào đám tàu chuyển vận nầy, lúc ấy vào khoảng hơn nữa đêm.Khu trục hạm Harukaze của Nhựt đã vội vàng tung một màn khói bao che. Cùng lúc ấy, khu trục hạm Fubuki vừa chạy đến, đã phóng 9 quả thủy lôi. Mười hai chiến hạm của đề đốc Akisaburi Hara rối loạn, cho dù trước đó Fubuki đã gọi vô tuyến báo cho các chiến hạm nầy biết có "hai chiếc tàu bí mật đang tiến vào Vịnh", nhưng ở đây vẫn không chuẩn bị tiếp chiến, rõ ràng họ khinh thường hai tàu chiến đơn độc của Đồng Minh. Sau nầy, một số hạm trưởng cho biết họ dành cả thời giờ để tránh né đạn và thủy lôi của tàu bạn.Tuy nhiên trong vòng một giờ, cả hai chiếc tàu Đồng Minh đều bị đánh chìm. Ba chuyển vận hạm của Nhựt thiệt hại trầm trọng và chiếc tàu chỉ huy của đoàn chuyển vận bị đánh chìm, khiến đại tướng Lục Quân Hitoshi Imamura bị văng ra ngoài, nhưng sau đó ông đã bơi được vào bờ biển. Thương vong của Nhật tương đối nhẹ.Một ủy ban điều tra đã nghiên cứu cuộc loạn đấu nầy, nhưng không đưa ra kết luận tại sao các chuyển vận hạm Nhựt bị thiệt hại. Có nhiều ý kiến cho rằng chúng bị thủy lôi do chiếc Fubuki phóng ra ở khoảng cách 7.000 thước.Trong khi đoàn tàu chuyển vận hoàn tất cuộc đổ bộ thành công ở Surabaya, hai tuần dương hạm Nachi và Haguro đụng địch. Vào buổi trưa cùng ngày, cả hai đã phát hiện ba tàu chiến khác của địch quân gần đảo Bawean và đang hướng mũi về Bắc. Nachi và Haguro, được hai tuần dương hạm Ashigara và Myoko trợ lực, đã đánh chìm cả ba chiếc tàu trong vòng hai giờ, từ 13 giờ 30 đến 15 giờ 30, gồm một tuần dương hạm và một khu trục hạm của Anh, và một khu trục hạm của Hoa Kỳ. Đồng thời, phi cơ thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm của Phó Đô Đốc Nagumo cũng đã đánh chìm 4 khu trục hạm Hoa Kỳ trong tổng số 8 chiếc thoát ra từ eo biển Bali để chạy về hướng Nam.Sau khi hoàn tất cuộc đổ bộ, kiểm điểm lại đoàn tàu chuyển vận của Takagi không thiệt mất một chiếc nào. Ông đã hoàn thành sứ mạng của ông. Tóm lại, trận hải chiến Java phần thắng lợi ngã về Nhật Bản.Tuy nhiên, "một loạt sai lầm" của Takagi trong trận đánh nầy đã bị chỉ trích dữ dội. Việc hoang phí đạn dược và khai hỏa ở khoảng cách 28.000 thước của ông lúc trận đánh vừa phát khởi, là bị đả kích nhiều nhất. Khi trận đánh kết thúc, chiếc Nachi chẳng hạn, 10 khẩu 200 ly của nó chỉ còn mỗi khẩu 7 quả đạn. Soái hạm Jintsu của Tanaka lúc đó đã cạn nhiên liệu và hầu như thả trôi trên mặt biển. Sĩ quan pháo binh có vẽ khinh thị Takagi khi nói: "Ông ta là một sĩ quan tiềm thủy đỉnh, làm sao ông ta biết sử dụng trọng pháo".Takagi và phụ tá của ông là Nagasawa đã bác bỏ các lời tố cáo. Nhưng không lâu sau đó, ông được chuyển đến chỉ huy một hạm đội tiềm thủy đỉnh, còn Nagasawa trở về Đông Kinh và được bổ nhiệm vào một chức vụ bàn giấy.Trận hải chiến Java đã dạy cho tôi nhiều bài học. Sau trận nầy, cũng là trận đánh lớn đầu tiên của chiếc Amatsukaze, chúng tôi đứng bên ngoài các trận đụng độ chánh yếu trên Thái Bình Dương. Trận đánh nầy còn có ý nghĩa hơn hàng ngàn buổi diễn tập mà tôi từng tham dự trước đây.

6

Trưa ngày 28 tháng 2, Đề đốc Raizo Tanaka ra lịnh cho khu trục hạm của tôi đến Bandjermasin để tái nhận nhiên liệu, khi ông tin chắc rằng tất cả chiến hạm đối nghịch trên hải phận gần Surabaya đã được dọn sạch. Tôi được chỉ định hộ tống chiếc tàu bịnh viện Hòa Lan mà chúng tôi đã chận bắt trước khi trận đánh Java mở màn, đến một căn cứ Nhật Bản gần nhứt ở Borneo.

"Khi trở về, tàu của anh phải chở dầu đến mức tối đa," Tanaka dặn "bởi vì các chiếc khác sẽ lấy dầu từ tàu của anh" Phân đội của tôi đã xuất phát từ Timor để tham dự vào cuộc hành quân nên tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu và hiện thời thiếu hụt trầm trọng.

Chiếc Amatsukaze của tôi chỉ còn đủ nhiên liệu đến Bandjermasin với tốc độ tiện tặn 18 hải lý. Tanaka biết các tàu khác không có khả năng để hoàn tất nhiệm vụ nầy.

Ngang qua đảo Bawean, chúng tôi nhìn thấy cả trăm người đang vùng vẫy trên mặt nước. Tiến gần hơn, chúng tôi biết đó là thủy thủ đoàn của những chiến hạm Đồng Minh bị Nhựt đánh chìm giữa đêm hôm qua. Một rừng tay cầu cứu giơ lên và tiếng kêu vang dậy: "Nước! Nước!".

Tình cảnh đáng thương tâm. Tôi không thù hằn những đối thủ đã ngã ngựa, nhưng tôi có thể làm gì, khi mà chiếc tàu của tôi chỉ có thể chở bốn năm chục người là cùng. Tôi không thể chỉ cứu phân nửa số người sống sót nầy. Vả lại tàu của tôi cần phải chạy nhanh để lấy nhiên liệu, hơn nữa nếu tôi ngường lại có thể tạo cơ hội cho tiềm thủy đỉnh tấn công.

Tôi chỉ đành biết vẩy tay, và nhắm mắt trước những kẻ sắp chết đuối. Tôi ra lịnh gởi một công điện về Đề Đốc Tanaka: "Hơn 100 địch quân sống sót đang trôi dạt cách đảo Bawean 60 dậm, hướng 270 độ, khẩn nổ lực tiếp cứu."

Hoa tiêu cẩn thận lái chiếc tàu vượt qua những nhóm người ở dưới nước. Một trong những đại úy của tôi rành tiếng Anh đã la thật to: "Cố gắng! Cố gắng! Một tàu cứu hộ sẽ đến ngay."

Sau khi nhận nhiên liệu ở Bandjermasin, chúng tôi trở về Surabaya vào ngày 1 tháng 3. Ngang qua Bawean, tôi nhìn quanh, nhưng không còn thấy bóng dáng một thủy thủ sống sót nào của Đồng Minh trên mặt nước. Ngày hôm qua chúng tôi không nghe một hoạt động tiếp cứu nào trong khu vực nầy. Trái tim tôi bổng nhiên chùn xuống.

Trên hải trình tiếp tục trở về Surabaya, chúng tôi phát hiện một tiềm thủy đỉnh địch quá trể, lúc tàu chúng tôi đã vượt qua khoảng cách quá xa. Tôi bỏ quyết định quày lại để tấn công. Chúng tôi kết hợp với Phân đội của Tanaka vào ngày hôm đó, và đến 20 giờ 30, tất cả các chiến hạm hoàn tất việc tái tiếp nhận nhiên liệu. Tuần dương hạm Jintsu và bốn khu trục hạm phối hợp, mở ngay một cuộc săn tiềm thủy đỉnh địch quân mà chiếc Amatsukaze đã phát hiện. Đêm hôm đó, trời u ám, tầm quan sát bị giới hạn, nhưng mặt biển lặng sóng nên chúng tôi hy vọng có thể khám phá ra các mục tiêu dễ dàng. Một cuộc săn đuổi tiềm thủy đỉnh không có ra đa là một trò chơi đầy kiên nhẫn đối với các chiến hạm Nhật. Mọi khám phá đều tùy thuộc cả vào đôi mắt thường của quan sát viên và dụng cụ sonar không mấy hiệu quả của chúng tôi. Năm chiếc tàu chạy với tốc độ 18 hải lý theo hình chữ chi, nhưng suốt 6 giờ vẫn không tìm thấy một dấu vết nào. Mọi người tỏ vẽ chán nản và mệt mõi.

Sáng sớm ngày 2 tháng 3, bổng quan sát viên Migita la to: "Một điểm đen, 40 độ tả mạn. Hình như một tiềm thủy đỉnh!" mọi người trên đài chỉ huy đều dõi mắt nhìn. Tôi dùng ống nhòm, nhưng vẫn không thấy gì trên mặt biển đầy sương mù lúc ấy. Migita lại nói: "Điểm đen bây giờ giống như một mảnh rác." Mọi người thất vọng. Riêng tôi, hiện tại qua ống nhòm đã nhìn thấy điểm đen giống như mảnh vở của một chiếc xuồng. Chán nản mệt mỏi lại ùa đến qua các phát hiện ấy.

Lúc 8 giờ 40, quan sát viên hữu mạn Bumichi Ikeda kêu lên: "không biết vật gì, hướng 30 độ... có thể là một tiềm thủy đỉnh." Tất cả các cặp mắt đều mở bét ra để nhìn. Ikeda lại la: "Đúng là tiềm thủy đỉnh."Đôi mắt sắc bén của Iwata, quan sát viên có thể nhìn xa 20.000 thước trên mặt biển, gấp đôi các quan sát viên khác, nhìn chăm chú về phía trước, xoay lại nói một cách khoan khoái: "Tiềm Thủy Đỉnh không còn nghi ngờ gì nữa."Tôi bước đến ông nhắm của khẩu đại bác 127 ly và quan sát. Một chiếc tiềm thủy đỉnh không sai, ở xa khoảng 6.000 thước. Tôi ra lịnh: "Tốc lực chiến đấu số 2 (26 hải lý), 50 độ phải. Mọi người vào vị trí chiến đấu. Xạ thủ sẵn sàng hành động. Bật đèn dò tìm tàu địch! Chuẩn bị thủy lôi nổ ngầm!."Hoạt động nhộn nhịp và chiếc tàu gia tăng tốc độ. Khu trục hạm Hatsukaze cho biết là đang theo sau chúng tôi. Tôi ra lịnh bật "đèn xanh" (tức tốc độ 26 hải lý) Iwata bây giờ la lên: "Tiềm thủy đỉnh trồi lên mặt nước xa 3.500 thước."Đại úy Akino trên đài kiểm soát hỏa lực nói lớn: "Các pháo khẩu sẵn sàng khai hỏa, thưa hạm trưởng."Tôi đáp: " Chúng ta sẽ khai hỏa khi mục tiêu còn cách 2.500 thước, 60 độ hữu mạn." Tiềm thủy đỉnh địch nổi hẳn trên mặt biển. Sáu khẩu 127 ly và đèn rọi tìm tàu địch của chúng tôi xoay một góc 60 độ.Amatsukaze vẫn tiếp tục chạy thẳng đến mục tiêu và khi còn cách 2.700 thước chiếc tàu quanh trái, xoay tất cả họng súng vào tiềm thủy đỉnh địch quân. Một phút sau, hai trọng pháo khai hỏa, và các trọng pháo kế tiếp. Chiếc tiềm thủy đỉnh trúng hai quả đạn trực tiếp, bừng cháy, chìm thật nhanh và biến mất giữa các lượn sóng nước trước khi chúng tôi chạy đến. Chúng tôi thả thêm 2 khối chất nổ ngầm cho chắc ăn trước khi rời mục tiêu. Các sonar của chúng tôi không phát hiện được dấu vết nào khác ngoài vết dầu nổi lên mặt nước.(Đây là tiềm thủy đỉnh Perch (SS.176) chưa bị hủy diệt trong cuộc tấn công nầy. Perch xuất hiện lại vào sang ngày 3 tháng 8 (tức ngày hôm sau cuộc tấn công của Amatsukaze), lần nầy nó đụng đầu với hai khu trục hạm Nhựt và mới bị loại khỏi vòng chiến thực sụ)Hai giờ sau chúng tôi quay lại khu vực, vì chỉ một vài sĩ quan và thủy thủ đứng phía trên nhìn thấy chiếc tiềm thủy đỉnh bốc cháy, nên còn nhiều người khác tỏ vẻ nghi ngờ. Dầu vẫn tiếp tục trồi lên ở khoảng nước mà tiềm thủy đỉnh đã chìm. Bây giờ toàn thể thủy thủ đoàn mới thực sự tin tưởng.Đêm kế đó chúng tôi tiếp tục cuộc săn đuổi, mặc dù thời tiết quá xấu và mưa lớn liên miên khiến mọi dụng cụ quan sát đều vô dụng.Khoảng 20 giờ 30 đêm đó, tôi nhìn thấy một đốm sáng mong manh cách nhiều ngàn thước trước mũi chiếc Amatsukaze. Đóm sáng chỉ lóe lên một lần rồi tắt ngấm, giống như một diêm quẹt. Phải, có lẽ một người đã quẹt diêm để hút thuốc trên sân tàu. Tôi ước lượng ánh sáng lóe lên ở khoảng cách 4.000 thước chánh Bắc, tức hướng tiến của Amatsukaze.Tôi cho tàu gia tăng tốc lực chạy thẳng đến mục tiêu. Đó là một chiếc tiềm thủy đỉnh địch nổi lên mặt nước và đang di chuyển khá mau về phía Đông. Amatsukaze gia tăng tốc lực lên 26 hải lý và đảo về phía trái để chạy song song với chiếc tiềm thủy đỉnh ở khoảng cách 2.300 thước. Qua ánh đèn rọi, chúng tôi thấy tàu địch có kích thước trung bình. Khẩu đội thứ nhứt khai hỏa, nhưng không trúng mục tiêu. Ngay lập tức tôi nhìn thấy hai làn trắng xóa vạch trên mặt nước vượt cách mũi chiếc Amatsukaze một vài thước. "thủy lôi !" Một thủy thủ la lên. Xương sống tôi ớn lạnh. Nổi sợ hải của tôi biến mất một vài giây sau đó khi hai quả đạn của khẩu đội thứ hai trúng mục tiêu. Và hai quả đạn của khẩu đội thứ ba biến chiếc tiềm thủy đỉnh thành ngọn lửa, và ngọn lửa nầy từ từ biến mất trong làn sóng.Chúng tôi rời khỏi khu vực vào lúc 23 giờ 45 sau khi các máy sô na của chúng tôi không khám phá được dấu vết nào chứng tỏ mục tiêu còn tồn tại.Ngày hôm sau thời tiết trong sáng, và đêm đến chúng tôi trở lại khu vực cũ. Nơi đây, chúng tôi chú ý đến một vệt dầu nổi trên mặt nước, giống như khói tuôn ra từ một miệng núi lửa ngầm dưới biển. Thủy thủ đoàn được gọi ra để nhìn thấy kết quả của việc làm đồng đội của họ. Không lộ hẳn sự thích thú như đêm trước, nhưng mọi người đều tỏ vẻ hài lòng. Thừa dịp thủy thủ đoàn tụ hợp trên sân tàu, tôi nói với họ: "Các bạn đã nhìn thấy sức mạnh của việc phối hợp đã đưa đến kết quả tốt đẹp như thế nào. Các bạn làm tròn bổn phận, tôi rất hài lòng. Từ khi khởi đầu cuộc chiến, chúng ta đã trãi qua nhiều tháng quây quần bên nhau mà không mất mát một người nào. Chúng ta hãy hy vọng sẽ luôn luôn được sự may mắn nầy. Các bạn đã làm tròn nhiệm vụ trong những ngày đã qua, nhưng tôi chắc chắn các bạn sẽ làm tốt hơn trong những ngày sắp tới."Hãy nhìn dòng dầu nổi lên mặt nước kia! Nó phát ra từ một chiếc tiềm thủy đỉnh địch và cũng là chiếc mồ khổng lồ chon hơn 100 người. Những người nầy chết chỉ vì sự dại dột của một đồng đội, hắn ta đã hút thuốc trong đên tối lúc chiếc tàu nổi lên mặt nước. Tôi đã nhìn thấy que diêm lóe sáng và hậu quả xảy ra.""Thủy thủ địch được huấn luyện kỷ, nhân viên thủy lôi của họ tài ba, nên mặc dù chúng ta chiến thắng nhưng chiến thắng đó rất chật vật. Nếu không vì một thủy thủ của chiếc tiềm thủy đỉnh dại dột, chiếc Amatsukaze nầy sẽ là mồ chôn 250 người chúng ta. Chiến tranh là như vậy. Từ đó, tôi tin rằng mỗi người trong các bạn đã rút tỉa được một bài học.""Các bạn cũng nên biết tôi là một tay nghiện thuốc là nặng từ hai mươi năm nay. Nhưng đêm vừa rồi, khi chúng ta đánh chìm chiếc tiềm thủy đỉnh nầy, tôi đã bỏ hút. Tôi làm như vậy không phải để các bạn bắt chước theo tôi nhưng để mỗi lần nhớ đến tôi, các bạn sẽ nhớ đến câu chuyên mà tôi vừa nói. Trong tư cách hạm trưởng của các bạn, tôi có trách nhiệm đối với mạng sống của các bạn, và vì vậy tôi phải nêu gương trước.""Bây giờ chúng ta hãy dành một phút mặc niệm cho những người đã chết. Mặc dù họ là kẻ thù, họ đã chết cho xứ sở của họ, và vì vậy đáng cho chúng ta dành cho họ phút giây ngắn ngủi nầy."Sau khi mặc niệm, tôi gọi Ikeda, quan sát viên đã phát hiện chiếc tiềm thủy đỉnh vào ngày 2 tháng 3, móc túi thưởng cho anh ta 10 yên (khoảng 2.500 VN theo thời giá), kèm theo một gói tặng phẩm và 10 ngày phép đặt biệt. Buổi họp chấm dứt với lời hoan hô của mọi người dành cho Ikeda. Vào ngày 6 tháng 3, Amatsukaze và Hatsukaze trở về Bandjermasin để tái nhận nhiên liệu, đạn dược và đồ tiếp tế. Trong lúc ở đây, tôi đến viếng chiếc tàu bịnh viện Hòa Lan để dò hỏi tin tức số thủy thủ địch mà chúng tôi gặp trôi nổi gần đảo Bawean một tuần trước đây. Tôi hêt sức vui mừng khi biết được hầu hết số người nầy đã được giải cứu, và hiện có mặt trên chiếc tàu bịnh viện, cùng với 1.000 tù binh khác. Nhìn đám đông dồn chung trêm một chiếc tàu nhỏ bé, tôi nhớ lại những ngày còn là sinh viên sĩ quan và chuyến huấn luyện ở Mỹ Châu và Âu Châu. Trong nhóm tù binh nầy chắc có một số tôi đã từng gặp. Hoàn cảnh hiện tại của họ thật đáng buồn, và tôi thầm nhủ là không bao giờ nên để rơi vào tay địch quân. Những ngày còn lại của tháng 3, không có gì đáng nói. Vào ngày cuối cùng của tháng nầy, khu trục hạm Amatsukaze tham dự vào cuộc chiếm đảo Christmas, cách Java khoảng 200 dậm. Hòn đảo lẻ loi nầy không chỉ là một địa điểm chiến lược mà còn có nhiều quặng sắt. Cuộc hành quân nầy suông sẽ nhứt so với các cuộc hành quân khác mà tôi từng tham dự trước đây. Cuộc đổ bộ được hơn một chục oanh tạc cơ, hai tuần dương hạm, bốn khu trục hạm Nhựt oanh tạc và pháo kích dọn đường. Bảy giờ sáng hôm đó, hơn 100 quân phòng thủ người Anh đã đầu hàng ngay trước khi cuộc đổ bộ hoàn tất, tất cả bị bắt làm tù binh và trở thành phu khuân vác các tài nguyên của hòn đảo xuống bến tàu.Có một việc cần nói vào ngày thứ hai của cuộc hành quân êm đẹp nầy. Lúc 8 giờ 05 phút tôi nhìn thấy một làn nước sủi bọt giống như mũi tên lao đến tuần dương hạm Naka, soái hạm của chúng tôi. Đó là một trái thủy lôi được phóng ở khoảng cách không hơn 700 thước và một góc 50 độ phía hữu mạn của chiếc Naka. Soái hạm vội xoay hướng nhưng không kịp. Thủy lôi trúng giữa thân tàu và phá vở một lổ hỏng 5 thước, nhưng không có thủy thủ nào thiệt mạng. Đó là một phép lạ.Bốn khu trục hạm Nhựt và tuần tiểu đỉnh xông ra và thả xuống nước nhiều khối chất nổ ngầm để hủy diệt chiếc tiềm thủy đỉnh địch vừa phóng thủy lôi, nhưng nó đã cao bay xa chạy (Sau nầy chúng tôi biết đó là chiếc Seawolf của Hoa Kỳ đã liều lĩnh len lỏi vượt qua mũi súng của bốn khu trục hạm Nhựt để mưu đánh chìm cho được soái hạm Naka).Mặc dù 800 tấn nước tràn vào, nhưng chiếc Naka vẫn không chìm vì đóng chặt các ô riêng rẻ trong tàu kịp thời. Được 7 khu trục hạm hộ tống, soái hạm lê lết trở về Nhựt để sửa chửa lại mất nhiều tuần lễ. Đó là cái giả phải trả cho tánh tự mãn. Tất cả chúng tôi đều chia sẽ lỗi lầm nầy, và riêng tôi lại học được một bài học nữa. (Tuần Dương Hạm Naka là chiếc cuối cùng của class tuần dương hạm nhẹ Sendai, lớp nầy gồm 3 chiếc: Sendai, Jintsu và Naka, trọng tải 5195 tấn, đóng năm 1922 hoàn tất trang bị và sử dụng vào tháng 10 năm 1925. Lớp tuần dương hạm Sendai thường được dùng làm soái hạm cho các phân đội khu trục hạm. Trang bị 7 pháo khẩu 140 mm, 4 ống phóng thủy lôi, tốc độ chạy tối đa gần 36 hải lý, và mang theo được một thủy phi cơ thám thính. Chiếc tuần dương hạm nầy tuy già nua nhưng tham dự hầu như các cuộc hành quân lớn từ khi bắt đầu cuộc chiến Thái Bình Dương cho đến năm 1944, Naka bị đánh chìm gần quân cảng Truk do các oanh tạc cơ SB2C Helldiver và máy bay phóng thủy lôi Avenger từ hai hàng không mẫu hạm Bunker Hill và Cowpens không tập Truck vào ngày 2 tháng 2 năm 1944, 210 người sống sót trong đó có hạm trưởng cuối cùng của Naka, Đại Tá Yoshimasa Sutezawa)

PHẦN BA

CHUYẾN XE LỬA TỐC HÀNH ĐÔNG KINH

Cuộc đổ bộ đảo Christmas đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu tiên các cuộc hành của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Mặt trận Thái Bình Dương cũng lắng dịu hơn một tháng sau ngày đổ bộ, Vào ngày 3 tháng 4, chúng tôi được lịnh rời bỏ nhiệm vụ hộ tống soái hạm Naka gần Surabaya và kết hợp với hạm đội ở biển Java. Ngày kế, chúng tôi đến Batavia và trưa đó lên đường đến Macassar. Nơi đây chúng tôi lưu lại năm ngày để kiểm soát lại máy móc và vũ khí. Thành phố nầy nhộn nhịp, cửa hàng buôn bán tấp nập với mọi loại nhu yếu phẩm khó tìm thấy ở Nhựt trước đây.Đa số dân chúng Nhựt đều tin tưởng Nhật Bản se tự tìm kiếm một nền hòa bình vào mùa xuân năm 1942, thay vì cho đợi các điều kiện hòa binh do Đồng Minh đưa ra sau khi chúng tôi vẫy những lá cờ trắng. Nhưng những tháng đầu năm 1942 trôi qua, và Chánh Phủ Nhật không hề mưu tìm một nền hòa bình nào hết. Thật vậy, các chính trị gia và các nhà lãnh đạo quân sự Nhựt đều khăng khăng tin tưởng việc chiếm đóng Đông Nam Á trở thành vĩnh viễn, với nguồn tài nguyên vô tận của khu vực vĩ đại nầy, Nhật Bản sẽ không thể nào bị đánh bại.Từ Macassar chúng tôi chạy đến Surabaya, và cuối cùng vào ngày 17 tháng 4, chúng tôi được lịnh quay về Nhật Bản. Mọi người đều hớn hở, những thủy thủ bị động viên mơ mộng được giải ngủ. Họ cũng hy vọng chiến tranh chấm dứt. Nhiều sĩ quan có thể không nhìn thấy các viễn cảnh màu hồng nầy, nhưng được dịp trở về quê hương đã khiến họ vui mừng không kém gì binh sỹ.Chúng tôi rời khỏi Surabaya để trở về Macassar, và ngày hôm sau chúng tôi kết hợp với một nhóm khu trục hạm hộ tống một đoàn tàu chuyển vận đồng, dầu hỏa và thực phẩm về Nhựt. Chuyến đi bình thường nhưng đầy hân hoan. Khi tiến vào hải phận của xứ sở, và nhìn thấy bóng dáng các hòn đảo Nhật Bản thấp thoáng ở chân trời, mọi người đều nhảy nhót vui mừng. Ngày 2 tháng 5, Amatsukaze và các khu trục hạm khác lặng lẽ chạy vào hải cảng Kure. Biển Nhật Bản với nhiều trăm hòn đảo lấm tấm là một quang cảnh chào đón đầy êm ả. Lũ hải âu dậy tiếng như chào mừng ngày chúng tôi trở về.Nhật Bản không giống những xứ nóng khác. Vùng biển ở phía Nam như một rừng hoa rực rỡ dưới ánh nắng nung nấu và vạn vật đều óng ả. Trở về quê hương, tất cả màu sắc có vẻ dịu dàng, ve vuốt. Chúng tôi mất dịp ngắm mùa hoa anh đào nở vào đầu tháng 4, nhưng những lá non xanh mướt trên cành đối với chúng tôi chẳng khác nào những nụ hoa. Ngày hôm sau, tôi ra lịnh mở rộng quầy hàng trên tàu, và mọi người muốn mua sắm bao nhiêu tùy ý. Đại úy Noro Iwabuchi, phụ tá của tôi, lên bờ để sắp xếp một bữa tiệc cho thủy thủ đoàn. Sau khi đặt 240 phần ăn ở nhà hàng Morisawa. Iwabuchi báo cáo với tôi rằng: "Nhà hàng cho biết là không chắc cung cấp đầy đủ phần ăn cho tất cả chúng tôi, bởi nhiều chiếc tàu bạn cũng mở tiệc tại các nhà hàng trong thành phố khiến thực phẩm trở nên khan hiếm, nhưng bù lại nhà hàng có rất nhiều rượu ngon."Khi bữa tiệc nầy được thông báo, thủy thủ đoàn Amatsukaze đều nhảy nhót vui mừng. Chỉ mười thủy thủ đoàn kém may mằn vì phải ở lại tàu đảm trách việc canh gác, tât cả số còn lại lên bờ vào lúc 17 giờ. Thành phố Kure phồn thịnh đầy dẫy thủy thủ, các nẽo đường hầu như bị họ dẫm nát. Để hổ trợ nhà hàng, chúng tôi mang theo nhiều đồ ăn hộp. Chỉ có năm geisha phục dịch cho cả bữa tiệc hơn 200 người của chúng tôi, nên họ phải chật vật lắm mới cung phụng thức ăn và uống đầy đủ. Một vài cô geisha trong số nầy cũng đem vui vẻ thêm cho bữa tiệc qua các màn ca múa của họ. Rượu uống tự do làm bừng chí thực khách, nhiều thủy thủ của tôi nhảy ra tiếp tay bưng dọn với năm cô geisha, và họ còn ca múa nữa.Tôi được mỗi thuộc cấp mời một ly rượu. Tôi không từ chối một ai. Tôi không biết mình đã uống bao nhiêu ly sake từ đầu cho đến khi bữa tiệc chấm dứt vào lúc nữa đêm, nhưng tôi cảm thấy còn đứng vững.Ngày hôm sau, mỗi thủy thủ được cấp từ ba đến sáu ngày phép. Đi phép đợt ba, tôi đáp chuyến xe lửa đêm để về nhà. Tim tôi đập rộn ràng khi xe lửa tiến vào thành phố Kamakura vào sáng ngày 4 tháng 5. Những rặng thông bao phủ thành phố cổ 800 năm nầy đang thì thầm trong gió biển.Vợ tôi và ba con ra chờ đón tôi ở sân ga. Tất cả đều hân hoan thấy tôi trở về. Nhà tôi chỉ cách ga xe lửa 20 phút đi bộ, nhưng tôi cảm thấy lần trở về nầy là lần trở về vinh quang, và tôi gọi ngay một chiếc taxi.Vào nhà, tôi mở ngay gói quà mà tôi đã mua từ miền Nam. Nhưng sô cô la làm cho các con tôi hớn hở vì ở đây hiếm khi có loại nầy. Buổi chiều hôm đó, ông bạn láng giềng lâu năm của chúng tôi là Tanzan Ishibashi sang thăm. Chúng tôi nhận lời mời dùng cơm tối với ông. Ishibashi là chủ nhiệm kiêm Chủ Bút Tạp Chí Toyo Keizai. Theo tôi, ông là một người thông thái và khôn khéo hiếm có, nhưng tôi không bao giờ tưởng tượng có một ngày ông cầm đầu Nội Các Nhật Bản.Bữa cơm hoàn toàn vui vẽ. Sau đó, tôi với ông ngồi nhấm nháp sake. Là một kinh tế gia, ông muốn nghe tình hình ở Đông Nam Á. Ông hỏi: " hải quân của chúng ta có đủ khả năng kiểm soát khu vực rộng lớn nầy và bảo vệ nguồn tài nguyên phong phú ở đó, để cung ứng cho các cơ xưởng kỹ nghệ Nhật Bản hay không?"Với một người nhìn xa hiểu rộng như ông, tôi không thể che đậy sự thật được. Tôi đáp: "chúng ta đã đạt được một số chiến thắng, việc nầy đơn giản là địch quân đã không biết yếu điểm của chúng ta. Cũng như tôi, chức ông biết khả năng sản xuất vô tận của Đồng Minh. Không có một chổ nào dành cho sự lạc quan của Nhật Bản trong cuộc chiến nầy.". Ông chú ý những gì tôi thành thật trình bày. Chế độ kiểm duyệt hiện thời khiến ông không hiểu biết những sự thật của cuộc chiến nầy.Vào năm 1956, ngay trước khi trở thành Thủ Tướng, cuốn sách viết về kinh nghiệm trong cuộc chiến của tôi ấn hành ở Nhựt đã được ông đề tựa với những lời khen tặng mà tôi nghĩ không xứng đáng nhận lãnh. Trong đó ông viết rằng cuộc đàm đạo buổi chiều vào năm 1942 đã khiến ông xem tôi như là một sĩ quan hải quân phi thường.Sáu ngày phép trôi qua nhanh chóng. Có lịnh gọi tôi trở về tàu lập tức, để chờ đợi nhận sự bổ nhiệm mới không biết vào lúc nào. Để kéo dài thời gian gần gũi với gia đình, tôi mang tất cả đi theo tôi đến Kure vào ngày 10 tháng 5. Các con tôi tỏ ra thích thú vì được đi xa lần đầu tiên, nhứt là khi chúng tôi vào ngụ trong một khách sạn. Sắp xếp công việc xong xuôi, chúng tôi đi dạo phố hoặc leo núi.Các bửa ăn ở câu lạc bộ sĩ quan thuộc căn cứ hải quân Kure đã làm cho cả gia đình tôi hài lòng, vì ở đây có những món ăn không thể tìm thấy trong thành phố, và nhiều năm sau nầy các con tôi vẫn còn nhắc nhở, đặt biệt vào những ngày thiếu thốn khi Nhật Bản đầu hàng.Tôi về Kure được 4 ngày thì có lịnh thuyên chuyển hầu hết các thủy thủ đoàn của tôi. Tất cả các sĩ quan cùng phân nữa hạ sĩ quan và binh sỹ rời khỏi chiếc Amatsukaze. Mỗi ngày, các sĩ quan và binh sỹ đầy kinh nghiệm của tôi lần lượt lên đường sang các tàu mới, nhường tàu cũ cho các sĩ quan vừa ra trường và binh sỹ tân tuyển. Những cuộc hoán chuyển nầy thường xảy ra trong hải quân. Tôi không hiểu Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã nghĩ như thế nào khi cho thi hành việc nầy. Thủy thủ đoàn đã được huấn luyện thuần thục của tôi bị chia manh xẻ mún, thật là một điều đáng tiếc. Các hạm trưởng khác cũng cảm thấy như tôi. Phải mất ít nhất hai tháng mới mong khép những tay lính mới nầy vào qui cũ, những kẻ chưa hề biết làm việc tập thể là gì. Và những gì sẽ xảy ra nếu ngay bây giờ họ được giao phó nhiệm vụ chiến đấu?

Khi kế hoạch hành quân Midway được tiết lộ vào ngày 20 tháng 5, tôi nghĩ Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã mất hẳn khôn ngoan. Tin tức gây ngạc nhiên nầy, tôi đã được đề đốc Raizo Tanaka cho biết riêng ở căn cứ hải quân Kure. Tôi lấp bấp hỏi: "Thưa Đề Đốc, như vậy nghĩa là sao? Chúng tôi sẽ tham dự hành quân với thủy thủ đoàn nầy à?"

Tanaka có vẻ chán nản: "Hừ...! Tôi mong chuyện nầy không có thật."Phân đội của Tanaka, gồm một tuần dương hạm và sáu khu trục hạm, lặng lẽ rời Kure vào ngày 21 tháng 5. Với tốc độ 20 hải lý, chúng tôi hướng về Saipan, nơi đây những "lịnh đặt biệt" đang chờ đợi chúng tôi. Ngày kế đó, tôi nghe tiếng la hét giận dữ và tiếng vật gì đó va chạm nên tôi bước lên sân tàu để xem. Tôi thấy Đại úy Kazue Shimizu, tân sĩ quan pháo thuật, đang to tiếng với một thủy thủ có lẽ đã phạm phải lầm lỗi, và sau đó Shimizu cung tay thoi anh nầy. Tôi tức giận hỏi: " Gì đó?."

Shimizu xoay lại tôi, đôi mắt vẫn còn hằn học: "Thưa Trung Tá, tên nầy thấy tôi không chào. Tôi trị nó."Tôi hỏi tên thủy thủ: "Đúng như vậy không?"

"Đúng, thưa Trung Tá." Hắn ấp úng đáp. Mặt hắn sưng phù vì nhận lãnh cái thoi vừa rồi.Tôi hơi xúc động khi thấy thủy thủ nầy là Ikeda, quan sát viên được ban thưởng vì đã khám phá ra chiếc tiềm thủy đỉnh địch gần Surabaya. Tôi mạnh mẻ cảnh cáo anh ta và yêu cầu Shimizu theo vào phòng riêng của tôi. Hắn thoáng ngơ ngác nhưng vẫn im lặng đi theo tôi. Sau đó, tôi đóng cửa phòng và mời Shimizu ngồi trên chiếc ghế đẫu.Tôi rất bực cảnh vừa rồi, nhưng tôi đã cố dằn xuống. Tôi nói: "Shimizu, anh có thể hút thuốc, đây là câu chuyện giữa một người và một người, không phải giữa hạm trưởng và sĩ quan pháo thuật. Tôi không muốn chỉ trích anh hoặc bảo vệ người lầm lỗi. Nhưng tôi phải trình bày rõ với anh là tôi không chủ trương duy trì kỷ luật bằng hình phạt thể xác. Tôi không hiểu phương pháp chỉ huy của hạm trưởng trước đây của anh như thế nào, nhưng tôi tin rằng một thủy thủ khu trục hạm phải hoàn toàn duy trì việc làm có tánh cách đồng đội. Đó là lối chiến đấu hữu hiệu nhứt. Tất cả 250 người trên chiếc tàu nầy phải làm việc như một người. Tất cả phải chung lưng đấu cật trong tình chiến hữu và sự hòa thuận"Shimizu chăm chú lắng nghe, hình như hắn không hài lòng nhưng không nói ra."Duy trì việc làm đồng đội tốt và một trật tự thích đáng không phải dễ dàng. Nhưng tôi đã từng làm được mà không cần phải áp dụng hình phạt thân xác. Việc khó, nhưng phải làm cho được. Nếu thấy khó khăn, lần sau gặp trường hợp vừa rồi hãy báo cáo cho tôi biết để tôi quyết định."Shimizu im lặng nhìn xuống. Tôi nhấn chuông và yêu cầu ba sĩ quan cầm đầu ba ngành khác đến gặp tôi. Tất cả đều là người mới. Đại úy Shigeo Fujisawa, cơ khí trưởng, Trung úy Masatoshi Miyoshi, sĩ quan thủy lôi trưởng, và Đại úy Kinjuro Matsumoto, hoa tiêu trưởng, đến phòng tôi nhanh chóng. Mặt cả ba có vẻ khẩn trương, dĩ nhiên là do lịnh gọi bất thình lình của tôi. Tôi nói ngay: "Tôi vừa thấy Shimizu đánh một thủy thủ một cách ngang nhiên. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối, tôi không muốn cảnh nầy tái diễn trên chiếc Amatsukaze. Tôi không cho phép đánh đập thủy thủ đoàn của tôi. Đó là lịnh cho quí vị."Tất cả rút lui, và lưỡi tôi như có vị chua chát. Tôi cảm thấy bực bội vô tả. Với một thủy thủ đoàn vá víu thế nầy, tôi làm sao đủ thời giờ khép họ vào qui cũ để tham dự một cuộc hành quân quan trọng sắp xảy ra? Tôi nhớ lại những kinh nghiệm đã trải qua ở Eta Jima những năm trước đây, và tôi vẫn không thể quên được những tên bịnh hoạn được trao quyền tự do đánh đập tôi. Đánh đập người như đánh đập súc vật trên một chiếc khu trục hạm không khác nào tước đoạt sáng kiến của thuộc hạ. Trên một khu trục hạm, mỗi người đều phải đâu lưng làm việc, vì chỉ như vậy mới có thể đòi hỏi một thủy thủ khu trục hạm tận dụng năng lực của mình, thường thường gấp đôi, trong các cuộc hành quân.Tôi quyết định dành nhiều thời giờ đích thân theo dõi công việc trên tàu. Tôi luôn luôn nghe la hét giận dữ, nhưng không thấy sĩ quan nào đánh đập thuộc cấp nữa.Chuyến đi dài 1.400 dậm hoàn toàn yên tỉnh, và sáng ngày 25 tháng 5 chúng tôi đến Saipan. Mười sáu tàu chuyển vận khởi hành từ Truk chất đầy 3.000 binh sỹ bộ binh và 2.800 thủy thủ cũng đã đến. Trong hải cảng nầy còn có hơn chục chiếc tàu săn tiềm thủy đỉnh, tuần tiểu đỉnh, trục lôi hạm và tàu chở dầu. Ngày hôm sau, trong một cuộc hợp chiến thuật gồm các vị hạm trưởng, cuộc hành quân Midway được chánh thức công bố. Lịnh hành quân chi tiết được trao cho mỗi sĩ quan. Theo đó, chiếc Amatsukaze lãnh nhiệm vụ hộ tống lực lượng đổ bộ Midway.

Kế hoạch hành quân Midway có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 5 năm 1942. Ngày kế đó, Lực Lượng Đặc Nhiệm của Phó Đô Đốc Nagumo rời khỏi biển Nhật Bản trực chỉ đến Midway. Từ Saipan, lực lượng đổ bộ được các khu trục hạm hộ tống lên đường vào ngày 28 tháng 5. Độ chừng tiềm thủy đỉnh địch thế nào cũng theo dõi, chúng tôi giả vờ chạy về hướng Tây, sau đó quay sang hướng Nam. Đồng thời với cuộc khởi hành của chúng tôi, phân đội của Đề Đốc Takeo Kurita, gồm ba tuần dương hạm và hai khu trục hạm cũng rời khỏi đảo Guam. Thành phần chánh của Hạm Đội Hổn Hợp do chiếc siêu thiết giáp hạm tối tân Yamato, soái hạm của Đô Đốc Yamamoto, dẫn đầu rời khỏi biển Nhật Bản vào ngày 29 tháng 5. Ngày trước đó là ngày kỉ niệm thứ 37 cuộc chiến thắng hạm đọi Nga Sô ở eo biển Tsushima vào năm 1905 của Nhật Bản. Một điềm lành báo trước, nhưng qua linh tính, tôi cảm thấy có một cái gì sai lầm trong cuộc hành quân nầy và tim tôi như chùng xuống. Sáu ngày nồi tiếp trôi qua đều đặn. Khoảng 6 giờ sáng ngày 3 tháng 6, một thủy phi cơ địch xuất hiện vài dậm phía trước đoàn tàu chốc lát rồi biến mất. Nhưng chắc chắn chiếc phi cơ nầy đã ghi nhận đoàn tàu của chúng tôi đang hướng về Midway, lúc đó chỉ còn cách phía Đông Nam hòn đảo nầy 600 dậm.Vào xế trưa, nhiều phi cơ địch bay đến từ phía Nam. Soái hạm Jintsu của Tanaka khai hỏa. Phi cơ địch tránh ra xa, chờ khi tiếng súng dứt chúng quay lại. Jintsu vẫn khai hỏa, nhưng không trúng, và cuối cùng những phi cơ nầy bay mất dạng. Vì không được sự bao che của không quân, nên đoàn tàu của chúng tôi có vẻ nao núng. Nhá nhem tối phi cơ địch quày lại, và lần nầy bay xà thấp nên chúng tôi có thể nhận ra đó là 9 chiếc pháo đài bay B.17.Tất cả các khu trục hạm đều khai hỏa. Không một phi cơ địch nào trúng đạn, và trước khi bay đi, các oanh tạc cơ 4 máy thả nhiều trái bom, rớt nổ cách chúng tôi 1.000 thước. Quá nữa đêm, bốn oanh tạc cơ địch lại xuất hiện và thả nhiều trái thủy lôi. Một trong những trái thủy lôi trúng ngay chiếc tàu chở dầu Akebono Maru, gây cho 11 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Nhưng chiếc tàu không chìm vì khu vô nước được ngăn lại kịp thời, và có thể di chuyển theo đoàn tàu chuyển vận chạy chậm chạp. Chúng tôi hiểu rõ đang phải đối đầu với một địch quân đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng các cố gắng ngăn chặn trước đoàn tàu của chúng tôi như vậy được xem là yếu kém và vụng về. Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo có thể nghiền nát địch quân với các quả đấm ngàn cân của nó.Bình minh ngày 5 tháng 6, thời tiết u ám, mây giăng kín bầu trời, nhưng đứng gió. Đứng trên đài chỉ huy của chiếc Amatsukaze, mí mắt tôi nặng trĩu sau một đêm không ngủ. Với thời tiết nầy, nếu phi cơ địch thình lình từ trong các đám mây bay thấp xuất đầu lộ diện tấn công, thật khó cho chúng tôi chống đỡ. Tôi thức tỉnh qua tiếng nói từ phòng truyền tin phát ra: "Trung Tá, Lực Lượng Đặc Nhiệm chánh của chúng tôi gởi đi nhiều công điện khẩn cấp.""Mang tất cả lên đây cho tôi." Tôi ra lịnh.Vài giây sau, tôi nhìn chăm chú vào một mãnh giấy, tim tôi như ngừng đập. Công điện gởi đi của hàng không mẫu hạm Kaga: "chúng tôi bị bốc cháy."Những công điện kế tiếp báo cáo các cuộc tấn công có hiệu quả của địch quân vào hai hàng không mẫu hạm Soryu và Akagi, soái hạm của Phó Đô Đốc Nagumo. Sân tàu của ba hàng không mẫu hạm bốc cháy cùng một lúc! Tôi đang đọc những gì đây? Có phải tôi nằm mơ không? Tôi lắc đầu. Không, tôi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi kêu trời và trao công điện cho các sĩ quan của tôi. Tay Đại úy Shimizu run rẩy khi lướt mắt trên các giòng chữ. Mặt Đại Úy Matsumoto xanh như tàu lá, trung úy Miyoshi có vẻ nghi ngờ.Tôi nhìn quanh, đoàn tàu của chúng tôi đang lướt theo hình chữ chi. Tôi chắc các hạm trưởng và sĩ quan trên mấy chiếc tàu khác đã đọc những tin tức gây xúc động nầy. Dù choáng váng, chúng tôi vẫn phải tiếp tục kế hoạch đã sắp xếp, vì chúng tôi không hề nhận được lịnh thối lui. Tin tức tiếp tục đến, và trong chúng tôi không còn ai nghi ngờ về sự thật đã xảy ra. Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo đã bị cắt nát ra từng mảnh. Nhưng chúng tôi đang muốn gì đây? Cơn buồn rầu của tôi vì sự mất mát ba hàng không mẫu hạm biến thành cơn thịnh nộ. Chúng tôi sẽ rơi vào bẩy nhu lực lượng chánh của chúng tôi?Cuối cùng lịnh hành quân mang số 154 đến lúc 9 giờ 20 sáng, chỉ thị đoàn tàu chuyển vận của chúng tôi "tạm thời quay mũi về hướng Tây Bắc" và "tất cả các chiến hạm tấn công địch quân từ hướng Tây Bắc Midway.". Các hộ tống hạm nhỏ và 16 chuyển vận hạm xoay chầm chậm theo đội hình, và chạy thẳng về hướng Bắc. Sáu khu trục hạm và một tuần dương hạm thuộc phân đội của chúng tôi gia tăng tốc độ lên 30 hải lý, trực chỉ Midway. Cho dù hôm nay trời đứng gió, với tốc độ hiện thời, chiếc Amatsukaze lướt sóng ào ạt, tạo một màn mưa và bọt nước che mờ đài chỉ huy. Bây giờ tôi không còn cảm thấy lưỡng lự nữa. Lúc 10 giờ 10, lịnh hành quân 156 công bố "hoãn lại" kế hoạch chiếm đóng đảo Midway, và chỉ thị cho chúng tôi tiến sát vào bờ biển để pháo kích san bằng hòn đảo nầy.Chúng tôi vẫn còn cách Midway 300 dậm, còn 10 tiếng đồng hồ nữa chúng tôi mới đến mục tiêu. Hình như đó là một thời gian khá dài, đủ để địch quân kịp thời chuẩn bị. Chúng tôi tiếp tục tiến tới, và vẫn tiếp tục nhận được các tin tức không mấy lạc quan. Lúc 14 giờ 30 ngày 4 tháng 6, báo cáo của chiếc Hiryu, hàng không mẫu hạm cuối cùng còn hoạt động của Nagumo, cho biết: "chúng tôi bị oanh tạc và bốc cháy." Và lúc 16 giờ 15, Đô Đốc Isoruku Yamamoto ban ra lịnh thứ ba trong ngày, chỉ thị thành phần còn lại thuộc lực lượng của Nagumo tấn công địch quân vào ngay đêm đó. Lịnh nầy không những không đề cập đến sự mất mát tất cả các hàng không mẫu hạm của Nagumo, nhưng còn nhấn mạnh rằng " hiện thời hạm đội địch đã bị tiêu diệt và tàn quân đang rút về phía Đông."Cho dù với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi về các biến cố trong trận đánh nầy, tôi cũng thấy lịnh của Yamamoto vừa ban ra có vẻ khó hiểu. Tôi nghĩ là ông đã mất sự sáng suốt. Nhưng ngay sau đó tôi hiểu ra, sở dĩ Yamamoto đã ban lịnh nầy đó chỉ là vì ông đang cố gắng ngăn chận sự sụp đổ tinh thần của các lực lượng dưới quyền của ông.Lúc 21 giờ 30, Nagumo gọi vô tuyến báo cáo một tin tức khiến cho các lịnh đánh lừa của Yamamoto trở thành mỉa mai: "lực lượng của địch quân bao gồm 5 hàng không mẫu hạm, 6 tuần dương hạm và 15 khu trục hạm đang di chuyển về hướng Tây. Chúng tôi đang hộ tống chiếc Hiryu rút lui về hướng Tây Bắc." Hai giờ sau đó, Yamamoto đưa ra một lịnh nữa, và ông vẫn chủ tâm tấn công địch quân. Lịnh nầy đến tay tôi khi toi đang nhìn thấy một chiếc tàu đang bốc cháy dữ dội, cách chiếc Amatsukaze khoảng 5.000 thước về phía Tây. Tôi xem lại hải đồ và xác định chiếc tàu đang bốc cháy là hàng không mẫu hạm Akagi. Tôi nhớ lại quang cảnh một chiến hạm địch bốc cháy ở Java. Bây giờ đây là soái hạm của chúng tôi. Trái ngược biết bao. Trong trận hải chiến ở biển Java, cả hai, Nhật Bản và Đồng Minh đều vấp phải lổi lầm, nhưng ở Midway chỉ có một mình Nhật Bản lổi lầm mà thôi.Trước nửa đêm không lâu, chúng tôi nhận được lịnh chấm dứt cuộc hành quân Midway, và chỉ thị chúng tôi sáp nhập vào lực lượng chánh của Yamamoto.(Trận hải chiến Midway Nhật Bản bị đánh chìm 4 trong tổng số 6 hàng không mẫu hạm lớn nhất và hiện đại nhất của Hạm Đội Hổn Hợp các chiếc Akagi, Kaga, Soryu và Hiryu và một tuần dương hạm hạng nặng Chikuma. Chiếc Kaga tiền thân là một thiết giáp hạm cùng nhưng vì các hiệp ước với Đồng Minh trong thập niên 20 nên được biến cải thành một hàng không mẫu hạm trọng tải 38.000 tấn, thủy thủ đoàn 2016 người. Về trang bị nó vẫn giữ được một phần võ trang của thiết giáp hạm gồm 10 khẩu đại bác 200 ly, 8 khẩu 127 ly và 22 khẩu phòng không 25 ly, nó có thể đạt tốc độ tối đa 29 hải lý, mang được tối đa 90 máy bay gồm 18 Zero, 37 Val và 37 Kate số lượng máy bay có thể thay đổi tùy theo các cuộc hành quân. Hàng Không Mẫu Hạm Akagi, soái hạm của Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo trong suốt các cuộc hành quân của Lực Lượng Đặc Nhiệm từ Trân Châu Cảng đến Midway, tiền thân là một kiểu thiết giáp tuần dương hạm lớp Amagi nhưng cũng vì hiệp ước với Đồng Minh nên cả hai được biến cải thành hàng không mẫu hạm nhưng chiếc Amagi bị động đất chôn vùi năm 1923. Chiếc Akagi hoàn tất vào năm 1935 như là một hàng không mẫu hạm hiện đại của Nhật Bản lúc đó, trọng tải 37.000 tấn, thủy thủ đoàn 2.000 người, võ trang giống như chiếc Kaga và cũng mang được tối đa 90 máy bay. Hàng không mẫu hạm Soryu, đây là kiểu tàu trọng tải lớn được thiết kế đúng với tính năng của một hàng không mẫu hạm hiện đại, nó chỉ nặng 20.000 tấn quá bé nhỏ so với 2 chiếc Kaga và Akagi nhưng đây là hàng không mẫu hạm chạy nhanh, năm 1935 nó được trình làng và được xem là hàng không mẫu hạm chạy nhanh nhất thế giới lúc đó, nó đạt tốc độ đến 35 hải lý, thủy thủ đoàn 1100 người, võ trang gồm 12 khẩu 127 ly dùng để phòng không lẫn tự vệ chống tàu bé như khu trục hạm chẳng hạn, 26 khẩu phòng không 25 ly và 15 khẩu đại liên 13 ly phòng không, mang theo 57 máy bay nhưng có thể mang tối đa đến 80 chiếc. Hàng không mẫu hạm Hiryu, chiếc tàu đàn em của Soryu, được cải tiến trên kiểu Soryu, trọng tải 20.000 tấn, nó cũng có những tính năng như Soryu nhưng trang bị đến 31 khẩu phòng không 25 ly và vẫn như Soryu nó cũng mang theo 57 đến 80 máy bay gồm Zero, Val hoặc Kate. Nhật Bản cũng lên kế hoạch đóng tiếp 6 chiếc hàng không mẫu hạm thuộc lớp Soryu nhưng không hoàn tất được chiếc nào, ngoại trừ chiếc Unryu bị tàu ngầm Redfish đánh chìm trên chuyến hải trình đầu tiên của nó từ Manila về Kure vào ngày 12 tháng 9 năm 1944, vì lúc đó Hoa Kỳ đã tấn công vào Luzon mà công việc hoàn tất Unryu vẫn chưa xong. Unryu chìm mang theo hạm trưởngĐại Tá Kaname Konishi và 1318 sĩ quan và thủy thủ đoàn. Chỉ có 146 người được khu trục hạm hộ tống Shigure cứu sống, lúc nầy Hara đã hết làm hạm trưởng của chiếc Shigure. Các chiếc khác không hoàn tất được là Amagi (khác với Amagi đã bị động đất chôn năm 1923), Katsuragi, Kasagi, Aso, Ikoma vẫn còn nằm trên xưởng và bị phá bỏ vào năm 1946, trừ chiếc Katsuragi hoàn tất tháng 8 năm 1944 và nhận nhiệm vụ tháng 10 năm 1944 nó chở một số oanh tạc cơ B7A và B6N thực hiện nhiệm vụ Kamikaze và sau đó được dùng như là một tàu vận tải lớn để chở binh sỹ vì Nhật Bản đã mất hẳn ưu thế trên biển, sống sót sau chiến tranh và bị phá bỏ ngày 22 tháng 12 năm 1946, chiếc Karuma thì bị hủy bỏ từ năm 1943. Trong suốt cuộc Nhật Bản chỉ hạ thủy được thêm một mẫu hạm hạng nặng và tối tân nhất thế giới lúc đó, chiếc Taiho nhưng cũng bị đánh chỉ chỉ bởi 1 phát thủy lôi ở trận Leyte do thủy thủ đoàn quá thiếu kinh nghiệm điều khiển. Và một con quái vật trên biển nữa nhưng cũng chưa hoàn tất, siêu mẫu hạm Shinano, biến cải từ lớp thiết giáp hạm Yamato, Shinano được đóng ở Đài Loan nhưng tình hình bất lợi cho Nhật Bản nên nó được di dời về Nhật Bản để hoàn tất tiếp trên đường về thì bị tàu ngầm Archer-Fish của Hoa Kỳ đánh chìm ngày 28 tháng 11 năm 1944. Chiếc Shinano, trọng tải 70.000 tấn mang được tối đa 140 máy bay, trang bị cả rừng phòng không 16 khẩu 127 ly, 145 khẩu 25 ly và 12 ống rocket 127 ly. Tiếc là nó chưa có cơ hội chứng tỏ.Tuần dương hạm Chikuma, 14.000 tấn, đây là một trong hai chiếc thuộc lớp Mogami, tuần dương hạm hạng nặng hiện đại nhất của hải quân Nhật Bản, nó đạt tốc độ 37 hải lý, trang bị 10 trọng pháo 203 ly trong 5 tháp súng, 8 khẩu 127 ly, 8 dàn 25 ly và 4 dàn 13 ly phòng không và 12 ống phóng thủy lôi 610 ly. Bị các oanh tạc cơ SBD của Hoa Kỳ đánh chìm trong trận Midway, Chikuma trúng trực tiếp 6 bom 750 cân Anh, chỉ có 240 người được các khu trục hạm cứu sống gồm có cả hạm trưởng Đại Tá Shakao Sakiyama bị thương nặng và thiệt mạng 3 ngày sau đó trong tổng số 850 thủy thủ đoàn. Bốn hàng không mẫu hạm Nhật chìm trong trận Midway mang theo 250 máy bay và 400 phi công đầy kinh nghiệm của Nhật Bản qua các trận đánh không hải chiến lớn ở Thái Bình Dương, và hơn 2.000 thủy thủ được tôi luyện trong các chiến dịch lớn trước đó. Thiệt hại nầy không thể bù đắp đượcVề phía Mỹ, chỉ mất một hàng không mẫu hạm và một khu trục hạm cùng 175 phi cơ. Hàng không mẫu hạm Yorktown đóng năm 1934 và hoàn tất năm 1937, 25.000 tấn, chở được 90 máy bay các loại, tốc độ 33 hải lý, thủy thủ đoàn 2217 người. Hàng không mẫu hạm Yorktown đã bị thương trong trận hải chiến ở biển San Hô và đưa về Trân Châu Cảng sửa chửa cấp tốc trong ba ngày và quay lại tham chiến ở Midway, đây là một điều bất ngờ dành cho người Nhựt.Khu trục hạm Hammann, hạ thủy năm 1938, đây là lớp khu trục hạm mới của Mỹ, trọng tải 2.200 tấn, trang bị 4 khẩu 127 ly, tốc độ 35 hải lý, thủy thủ đoàn 192 người. Khu trục hạm Hammann tham dự hầu hết các trận đánh lớn ở Thái Bình Dương và bị đánh chìm ở Midway bởi các thủy lôi do tàu ngầm I.168 phóng đi, một trong những trái thủy lôi đó đã kết thúc luôn chiếc Yorktown đang hấp hối sau cuộc oanh tạc của Nhật Bản và đã di chuyển hết thủy thủ đoàn sang các tàu khác. Trận Midway Mỹ chỉ thiệt mất 307 người trên các chiến hạm, bao gồm cả phi công.) Trận đánh Midway là điểm xoay chiều giòng thủy triều của cuộc chiến Thái Bình Dương chảy xuôi về phía Đồng Minh. Nagumo bị đánh tơi tả ở Midway, điều nầy ai cũng công nhận, nhưng không có nghĩa là toàn hải quân Nhật Bản sụp đổ. Hạm Đội Hổn Hợp của Yamamoto chưa hề hấn gì, và Nhựt vẫn còn ít nhất bốn hàng không mẫu hạm, đủ sức đương đầu trên phương diện nầy với hải quân Hoa Kỳ.Những gì sụp đổ thật sự cho Hải Quân Hoàng Gia theo xét đoán của tôi, chính là một loạt sai lầm về chiến thuật và chiến lược do Yamamoto đưa ra sau trận Midway, và qua những cuộc hành quân được Nhựt phát động khi Hoa Kỳ đổ bộ lên Guadalcanal vào đầu tháng 8 năm 1942.Sau khi bắt buộc kết thúc cuộc hành quân Midway, Yamamoto đưa Hạm Đội Hổn Hợp của ông đến Truk và sau đó trở về xứ. Khi Hoa Kỳ tiến đánh Guadalcanal, lực lượng chánh của hạm đội Yamamoto đang buông neo gần Kure ở bờ biển Nhật Bản, cách mặt trận 2.700 dậm. Trong suốt các cuộc hành quân có tánh cách quyết định quanh Guadalcanal, Yamamoto đã tung hết đơn vị nhỏ nầy đền đơn vị nhỏ khác. Chiến lược của ông có vẻ không mấy sáng suốt. Chiến lược nầy đã phát triển như thế nào?Tôi lại kết hợp với đoàn tàu chuyển vận vào ngày 10 tháng 6 tại hải vực phía Bắc đảo Midway 600 dậm, trong nhiệm vụ hộ tống đoàn tàu nầy đến Truk. Ngày 15, chúng tôi hoàn tất nhiệm vụ. Hai ngày sau đó, tất cả chiến hạm trở về Nhật Bản. Chúng tôi đến Yokosuka vào ngày 21 và ba ngày sau di chuyển đến Kure. Mọi người không được phép nói về trận Midway. Các chi tiết thật sự của trận đánh nầy được giữ "Tối mật" ngay đối với các sĩ quan chỉ huy. Một thông cáo chung của Tổng Hành Dinh Quân Lực Hoàng Gia Nhựt được đưa ra, đã thêu dệt quá mức con số thiệt hại của Hoa Kỳ, nhưng không đá động gì đến những mất mát của Nhựt, và thông cáo còn nhấn mạnh rằng trận đánh kết thúc trong sự thắng lợi của Nhật Bản.Hạm đội hổn hợp đã trở về biển Nhật Bản nhưng không phải để tu bổ. Bởi vì, phải công nhận Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo đã mang những vết thương trầm trọng, nhưng các đơn vị quan trọng khác vẫn còn nguyên vẹn. Yamamoto muốn rèn luyện lại tinh thần binh sỹ của ông, sau khi họ đã nhận một cú đấm choáng váng mặt mày vào tháng trước đó. Yamamoto và Bộ Tư Lịnh Tối Cao hải quân ở Đông Kinh không hề có chút hồ nghi nào về việc người Mỹ sẽ tung ra một cuộc tấn công quan trọng, nhắm vào Guadalcanal trong vòng hai tháng sau trận đánh Midway. Họ tin rằng Hoa Kỳ nếu có muốn tấn công thì sớm nhứt cũng phải giữa năm 1943 họ mới đủ sức.Từ ngày 28 tháng 6 cho đến ngày 5 tháng 8, tôi lãnh nhiệm vụ giữ an ninh cho các tàu buôn Nhựt trong khu vực vịnh Đông Kinh. Công việc nầy dễ dàng, và nhờ đó tôi có dịp huấn luyện thủy thủ đoàn mới của tôi.Việc rút Hạm Đội Hổn Hợp của Yamamoto về hải phận Nhật Bản ở thời gian nầy, quả thật là một sai lầm quá mức.Hầu hết các lực lượng của Hạm Đội nầy bị cầm chân ở Truk. Tuy nhiên chiến lược của Yamamoto không phải hoàn toàn dở. Hầu hết 104 khu trục hạm của ông có thời giờ nghỉ ngơi và tái huấn luyện. Đây là vấn đề tối cần thiết, bởi vì tất cả những khu trục hạm nầy sẽ tham dự vào hàng loạt các trận đánh dữ dội và đẩm máu kéo dài thêm hai năm nữa. Trong các trận đánh nầy, khu trục hạm đã nắm vai trò tiên phong lần đầu tiên, và có thể cũng là lần cuối cùng trong lịch sử.Một sai lầm to tát khác là việc xé lực lượng khu trục hạm ra từng mảnh nhỏ để sử dụng ở quần đảo Salomon, và thường thường không có sự hổ trợ của các phi cơ hoặc các chiến hạm lớn hơn. Dù vậy, các khu trục hạm nầy vẫn chiến đấu dũng mãnh trước các địch thủ vượt trội. Thêm vào nhiệm vụ chiến đấu, khu trục hạm còn lãnh nhiệm vụ chuyển vận binh sĩ. Những khu trục hạm được xưng tặng là "Chuyến xe lửa tốc hành Đông Kinh" thực sự là những con ngựa hùng hục kéo xe trên Nam Thái Bình Dương, và cũng vì vậy mà sự hao mòn không sao tránh khỏi. Từ khi cuộc hành quân Guadalcanal của Hoa Kỳ phát khởi vào ngày 7 tháng 8 năm 1942, cho đến trận "Dunkirk" của Nhật Bản (tức trận đánh quyết định trên hòn đảo nầy) vào ngày 7 tháng 12 năm 1943, 12 khu trục hạm Nhựt đã bị địch quân đánh chìm.Riêng các cuộc hành quân liên tục ở hải phận quần đảo Solomon từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1943, tôi có tham dự trong tư cách hạm trưởng khu trục hạm Shigure, con số mất mát của loại tàu này cao hơn 6 tháng trước đó, vì địch quân càng lúc càng nắm ưu thế trên không và ra da của họ cũng được cải tiến. Chiếc Shigure của tôi là "Chuyến Xe Lửa Tốc Hành Đông Kinh" duy nhứt còn tồn tại mà không mất một thủy thủ nào qua các trận đánh ở hải phận nầy. Ba mươi khu trục hạm khác đều bị loại khỏi vòng chiến. Các chiến hữu hải quân của tôi đã gọi chiếc Shigure (Xuân Vũ) là "Khu Trục Hạm Ma Quái" hoặc "Khu Trục Hạm Kiến Cố" và tôi có biệt danh "Hạm Trưởng Huyền Diệu". Đây có lẽ là giai đoạn thực sự vẻ vang nhất trong đời binh nghiệp của tôi. Trung Hoa có câu tục ngữ: "Một con sư tử dồn hết sức mạnh để tấn công một con thỏ." Hải quân Hoa Kỳ không khác nào con sư tử trong câu tục ngữ nầy, khi nó cố xé Guadalcanal và Tulagi vào bình minh ngày 7 tháng 8 năm 1942. Điều mỉa mai là phi trường Nhựt ở Tulagi vừa thiết lập xong ngày trước đó. Lực lượng phòng thủ của Nhựt trên đảo Tulagi ngoài 800 binh sĩ hải quân, được trang bị một vài pháo khẩu và một số đại liên, ở đây chỉ có 9 thủy phi cơ chiến đấu và 12 thủy phi cơ quan sát không võ trang.Lực lượng Hoa Kỳ đã làm cỏ quân phòng thủ Nhựt ở Tulagi trong vòng hai tiếng đồng hồ, và chỉ với một tiểu đoàn quân của họ, quân Nhựt ở Guadalcanal cũng nhanh chóng chịu chung số phận. Lúc đó "Con Sư Tử" Nhật Bản tức Hạm Đội Hổn Hợp đang ngủ kỷ trên biển Nhật Bản cách hòn đảo nầy 2.700 dậm. Nhưng Yamamoto có một "con chó giữ nhà" nằm ở Rabaul. Đó là Đệ Bát Hạm Đội của Phó Đô Đốc Gunichi Mikawa. Lực lượng của Mikawa, bao gồm 5 tuần dương hạm hạng nặng, 3 tuần dương hạm hạng nhẹ và một khu trục hạm, rời khỏi Rabaul lúc 15 giờ ngày 7 tháng 8, và tấn công lực lượng của Hoa Kỳ vào giữa đêm 8 tháng 8. Các chiến hạm của Mikawa đã đánh chìm 4 tuần dương hạm hạng nặng và gây thiệt hại nặng nề cho một tuần dương hạm và hai khu trục hạm của Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi trong một trận đánh kéo dài 30 phút. Mikawa chỉ thiệt mất tuần dương hạm Kabo (bị tiềm thủy đỉnh S44 của Hoa Kỳ đánh chìm hai ngày sau đó, khi các chiến hạm của ông đang di chuyển gần Kavieng). Mikawa đã đạt được một trong những chiến thắng trên mặt biển vang lừng nhất của cuộc chiến. Tuy nhiên, ông đã sai lầm khi bỏ qua không tìm cách tấn công các đoàn tàu tiếp tế cho Guadalcanal của Hoa Kỳ. Sau chiến tranh, sự sai lầm nầy của Mikawa vẫn còn bị cả hai phía Đồng Minh và Nhật Bản bàn tán chê bai. Tuy nhiên theo tôi, Mikawa đã làm tròn nhiệm vụ "giữ nhà" của ông, và Yamamoto chính là người phải chịu trách nhiệm phần lớn lỗi lầm nầy, vì ông đã trói chân Hạm Đội Hổn Hợp của ông trong hải phận Nhật Bản.Khi cuộc xâm chiếm của Hoa Kỳ được báo cáo về Nhựt, hai tai của "Con Sư Tử" bị quào, nhưng nó chưa chịu thức dậy. Thiên Hoàng Hirohito, đang nghỉ hè tại dinh thự mùa hè của Ngài ở Nikko, nghe được tin nầy đã lập tức chuẩn bị trở về Đông Kinh, nhưng Đô Đốc Osami Nagano, Tổng Tham Mưu Trưởng Hải Quân, địch thân đến Nikko để bệ kiến.Nagano giải thích với Thiên Hoàng: "Tâu bệ hạ, chuyện nầy không đáng để bệ hạ lưu tâm." Và ông cho biết, theo tin tức "tình báo" của Tùy Viên quân sự Nhựt ở Mạc Tư Khoa gởi về, chỉ có 2.000 địch quân Guadalcanal. Nhiệm vụ của nhóm quân nầy là phá hủy các sân bay và sau đó đã rút lui khỏi đảo.Tôi không biết có bao nhiêu loại báo cáo ngu xuẩn như thể đã được cung cấp. Nhưng dù cho có nhận được các báo cáo ngu xuẩn, các sĩ quan cao cấp cũng phải đánh giá bằng cách đối chiếu các nguồn tin tình báo khác mới phải. Cuối cùng, vào ngày 10 tháng 8, ba ngày sau khi cuộc hành quân được phát động, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia Nhựt mới ra lịnh cho 5.800 quân từng tham dự trận đánh Midway, đang nằm chờ ở Truk, tiến về Guadalcanal. "Con sư tử" Yamamoto lại khép đôi mắt ngủ tiếp sau khi nghe tin cuộc "chiến thắng phi thường" của Mikawa, và nó chỉ từ từ mở mắt ra sau khi biết được lịnh của Bộ Tư Lịnh Tối Cao. Ngày kế đó, 11 tháng 8, Đệ Nhị Hạm Đội của phó Đô Đốc Nobutake Kondo tách rời Hạm Đội Hổn Hợp, di chuyển 2.700 dậm đến Guadalcanal. Lực lượng của Phó Đô Đốc Chuichi Nagumo nằm lại, với lí do những phi công trên hàng không mẫu hạm mới của ông chưa sẵn sàng tham chiến, nhưng với sự thúc giục ông đã gấp rút chuẩn bị để ra đi với lực lượng chánh của Yamamoto vào ngày 16 tháng 8. Vào thời gian nầy các lực lượng của Hoa Kỳ đã đổ bộ lên Guadalcanal.Qua các thay đổi vào phút chót, chiếc Amatsukaze của tôi được đặt dưới quyền sử dụng của Nagumo, người bạn cũ của tôi. Amatsukaze và 14 khu trục hạm gia nhập phân đội 10, quanh tuần dương hạm Nagara (trở thành soái hạm của Nagumo từ khi chiếc Akagi bị đánh chìm ở Midway). Phân đội do một chuyên viên khu trục hạm chỉ huy, Đề Đốc Susumu Kimura. Với vận tốc 18 đến 20 hải lý, chúng tôi tiến về phía Nam. Tất cả các khu trục hạm nầy đều có vận tốc tối đa 33 hải lý, nhưng nếu vận tốc càng cao mức độ tiêu thụ nhiên liệu của chúng càng nhiều. Theo chương trình, chúng tôi sẽ đến Truk vào ngày 20 tháng 8, nghĩa là trên hải trình dài 2.000 dậm trong vòng 5 ngày. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục tiến đến Guadalcanal. Nửa đường đến Truk, chúng tôi nghe tin Nhật Bản đã mắc một lỗi lầm khác ở Guadalcanal. Vào đêm 18 tháng 8, sáu khu trục hạm Nhựt đã đổ 800 khinh binh lên bờ biển phía Đông Guadalcanal. Những lúc đó không có một ai trong Bộ Tư Lịnh Tối Cao biết được việc người Mỹ đã đổ 20.000 Thủy Quân Lục Chiến với trang bị tối tân của họ lên hòn đảo nầy rồi. Lực lượng Nhựt sau khi đổ bộ đã tiến như vũ bảo xuyên qua rừng rậm, và chỉ sụp bẩy của địch quân hai ngày sau đó. Kết quả, hơn phân nữa lực lượng nầy bị tiêu diệt, thành phần còn lại bỏ chạy tán loạn. Tin tức nầy đưa đến làm nao núng Yamamoto. Ông lập tức đình chỉ kế hoạch tiến đến Truk và ra lịnh cho hạm đội chỉa mủi thẳng về Guadalcanal. Nhưng hành động nầy đã quá trể. Và Bộ Tư Lịnh Lục Quân Nhựt lúc đó còn nói chuyện hoang đường khi cho rằng hàng ngủ địch đang lung lay vì tinh thần xâm lăng của họ. Sau khi trung đoàn thứ nhứt dưới quyền của Đại Tá bộ binh Kiyanao Ichiki bị đánh tan, Lục quân quyết định tung thêm một trung đoàn nữa. Lực lượng nầy, dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Seiken Kawaguchi, cũng bị đánh tan. Như vậy mà Lục Quân vẫn còn chần chừ rất lâu trước khi tung hẳn một sư đoàn lên hòn đảo nầy. Tánh tự phụ của Yamamoto hoàn toàn biến mất vào ngày 20 tháng 8. Sáng ngày nầy, một phi cơ quan sát bay cách phía Tây Bougainville 500 dậm đã phát hiện một lực lượng đặc nhiệm của địch quân, gồm có ít nhất một hàng không mẫu hạm và hai khu trục hạm, chạy hướng về phía Bắc với vận tốc 14 hải lý. Việc các lực lượng Nhựt ghé lại Truk đã được Yamamoto bải bỏ, nhưng lúc ấy tất cả các chiến hạm của ông đều gần cạn nhiên liệu, và phải tái tiếp nhận từ các tàu chở dầu ngay trên mặt biển trước khi di chuyển tiếp. Lấy nhiên liệu trên mặt biển là một việc làm khó khăn và dễ gây sự đụng chạm, và đặt biệt rất nguy hiểm trong thời chiến. Cả hai tàu chở dầu và tàu chiến phải chạy thật chậm, khoảng 6 hải lý và phải tung nhiều khu trục hạm để bảo vệ, đề phòng tiềm thủy đỉnh hoặc phi cơ địch tấn công vào mục tiêu gần như chết đứng. Chúng tôi thực hiện việc tiếp nhiên liệu nầy kéo dài đến 4 giờ sáng ngày 23, ngày lúc chúng tôi tiến vào hải vực cách phía Bắc Guadalcanal 400 dậm. Hai tàu chuyển vận mang 1.500 binh sỹ khác dưới quyền Đại Tá Ichiki, chạy phía trước chúng tôi 50 dậm với sự hộ tống của 1 tuần dương hạm và 6 khu trục hạm thuộc phân đội 2 khu trục hạm. Theo kế hoạch, phân nữa lực lượng của Ichiki sẽ tấn công Guadalcanal và phân nữa còn lại sẽ tiếp liền theo sau đó, sau khi lực lượng trước đã đổ bộ xong. Thêm vào đó, các đơn vị tăng viện thuộc Lữ Đoàn của Tướng Kawaguchi được chuyển vận từ Truk đến. Vào ngày 23 tháng 8, Phân đội 2 khu trục hạm báo cáo rằng các chiến hạm thuộc Phân đội bị phi cơ thám thính của địch phát hiện. Do đó, Yamamoto phải tìm cách đối phó. Một giải quyết hợp lý nhứt là tạm đình chỉ cuộc đổ bộ theo thời gian sắp xếp, để nhường hành động quyết định cho hải quân. Tuy nhiên, Yamamoto vẫn ra lịnh cho Phân đội 2 khu trục hạm tiếp tục chuyển trung đoàn của Ichiki đến mục tiêu đúng theo kế hoạch, nhưng ông không đưa ra một lịnh nào cho đoàn tàu chuyển vận Lữ Đoàn của Kawaguchi. Yamamoto quyết định hạ gục lực lượng đặc nhiệm nhỏ của Hoa Kỳ, sau đó sẽ tiếp tục cuộc hành quân đổ bộ theo ngày giờ đã định. Có những điểm trong quyết định của Yamamoto cần phải giải thích, và nếu giải thích theo sự việc xảy ra vào lúc đó thì không bao giờ lượng định được gánh nặng của người đưa ra quyết định nầy. Từ cuộc chiến tranh Hoa - Nhựt, vấn đề Lục Quân khởi xướng kế hoạch và Hải Quân tiếp tay thi hành đã trở thành truyền thống. Thoạt đầu, theo ý kiến của Lục Quân trong cuộc hành quân Guadalcanal là đổ bộ một tiểu đoàn, sau đó là một trung đoàn và kế nữa là một lữ đoàn. Vì vậy, dù biết là sai lầm, nhưng nếu hải quân yêu cầu sửa đổi lại ý kiến nầy tức là phá bỏ truyền thống.Tuy nhiên, Yamamoto biết được sức mạnh của địch quân trên đảo Guadalcanal, ông sẽ không ngần ngại phá bỏ truyền thống, nhưng không hiểu sao tình hình thực sự đã không đến được tay ông. Quan tâm ưu tiên của ông lúc ấy là làm cách nào lực lượng bộ binh thiếp lập một đầu cầu ở bờ biển phía Đông Guadalcanal, việc nầy hình như chỉ là vấn đề thời gian, và tìm hết cách giữ cho được đầu cầu đó. Yamamoto đã vội vã thành lập một lực lượng để đánh lừa địch quân, bao gồm hàng không mẫu hạm nhỏ nhất của Hạm Đội Hổn Hợp chiếc Ryujo 10.150 tấn, tuần dương hạm hạng nặng Tone và hai khu trục hạm Amatsukaze và Tokitsukaze. Bốn chiếc tàu nầy do Đề Đốc Chuichi Hara chỉ huy, giả vờ tấn công Guadalcanal và ngăn lực lượng đặc nhiệm của Hoa Kỳ tiến Bougainville. Lực lượng đặc nhiệm của Nagumo với thành phần chủ chốt là hai hàng không mẫu hạm 40.000 tấn (Shokaku và Zuikaku) được chỉ thị xoay về hướng Đông - Nam, và tấn công vào cạnh sườn các chiến hạm địch truy đuổi lực lượng chim mồi của Đề Đốc Hara. Chúng tôi xuất quân vào 2 giờ sáng ngày 24 dẫn đầu với tuần dương hạm hạng nặng Tone, một chiếc tàu thoạt nhìn giống một con quái vật với 8 khẩu 203 ly chỉa mũi tua tủa. Theo sau là hàng không mẫu hạm Ryujo, được Amatsukaze hộ vệ bên phải và Tokitsukaze hộ vệ bên trái. Chúng tôi hướng về Guadalcanal với tốc độ 26 hải lý.Nhiệm vụ không phải dễ dàng và nhiệm vụ quan trọng thực sự đầu tiên của tôi trong cuộc chiến. Tôi đứng trên đài chỉ huy với đầu óc căng thẳng. Đề Đốc Hara, ở soái hạm Tone, là một trong những Tư Lịnh tài ba nhứt của hải quân. Tôi biết ông từ những ngày còn học ở Hàn Lâm Viện hải quân. Lúc đó ông là một huấn luyện viên và tôi đã nể phục sự hiểu biết của ông. Trong trận Trân Châu Cảng, Hara chỉ huy một hải đội hàng không mẫu hạm thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo.Điều đáng quan tâm hơn hết là chiếc Ryujo. Nhìn chiếc hàng không mẫu hạm 10 tuổi nầy tôi thấy bất an. Các phi công tài ba không bao giờ được bổ nhiệm phục vụ trên một chiếc tàu già nua, và sau khi được nhìn khả năng của các hàng không mẫu hạm trận Midway, chiếc Ryujo đối với tôi thật đáng bi quan. Tôi xem "con chim mồi" nầy chắc không sống sót nổi qua phát đạn đầu tiên. Lúc 7 giờ 13, khi bình minh tỏa rộng trên Nam Thái Bình Dương, kẻ thù đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một chiếc thủy phi cơ, nó đã bay theo sau chúng tôi nhiều dậm nhưng cuối cùng bỏ đi, chứng tỏ nó đã đếm xong lực lượng của chúng tôi. Theo kế hoạch, chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước và trong vòng 4 tiếng đồng hồ không thấy phi cơ nào khác của địch quân xuất hiện. Biển lặng như tờ. Thời tiết rất thích hợp cho phi cơ tấn công, nhắc tôi nhớ lại trận đánh ở Midway. Một ngày bất lợi biết bao, tôi thầm nghĩ.

Lúc 11 giờ, chúng tôi cách phía Bắc Guadalcanal 200 dậm. Ryujo tung lên 6 oanh tạc cơ và 15 chiến đấu cơ hướng đến hòn đảo theo kế hoạch. Khi chiếc Ryujo xoay về hướng Tây, tiến đến điểm hẹn với các phi cơ nầy, tàu của tôi chạy song song theo phía tả mạn của nó, cách 1.000 thước. Tôi biết 21 phi cơ vùa cất cánh chưa đủ con số mà hàng không mẫu hạm Ryujo chuyên chở, và tôi tự hỏi tại sao lại không cho chín chiến đấu cơ còn lại bay lên để bao che chúng tôi. Nhìn các đám mây dày đặc, tôi độ chừng thế nào phi cơ địch cũng phóng ra những cú đấm chết người giống như ở Midway. Càng nghĩ tôi càng bồn chồn.

Một giờ trôi qua, vẫn không một phi cơ nào của chúng tôi trở về. Tôi không hiểu tại sao, và điều nầy khiến tôi càng thêm bồn chồn. Lúc 12 giờ 30, từ phòng truyền tin gọi tên tôi: " Thưa Trung tá, một phi cơ của Ryujo gởi báo cáo về cho biết cuộc oanh tạc Guadalcanal thành công." Tôi nhẹ nhõm, nhưng tự hỏi với chừng ấy phi cơ thì làm sao thành công được. Tôi ăn trưa ngay trên đài chỉ huy. Vừa ăn xong, tôi nghe một trong số thủy thủ quan sát la lên: "Một phi cơ, hình nhừ của địch, hướng 30 độ tả mạn." Xuyên qua ống dòm, tôi nhìn thấy một phi cơ ẩn hiện trong các đám mây.

Cờ báo động được kéo lên, còi tàu rít vang, và các khẩu cao xạ chuẩn bị sẵn sàng. Khi chiếc phi cơ đến gần, chúng tôi nhận ra đó là một pháo đài bay B17, giống mấy "người bạn cũ" của chúng tôi ở Davao. Tôi nhìn về phía hàng không mẫu hạm Ryujo, không thấy động tỉnh gì hết, tôi nghĩ viên hạm trưởng chắc đang nằm ngủ.

Để báo động Ryujo, tôi ra lịnh khai hỏa, mặc dầu phi cơ địch còn nằm ngoài tầm súng cao xạ. Tone và Tokitsukaze lập tức đáp ứng. Cuối cùng, hai chiến đấu cơ cất cánh từ Ryujo. Phi cơ địch trở hướng và biến mất trong đám mây khi hai chiến đấu cơ bay đến. Hai phi cơ Nhựt bay lộn về và quần trên hàng không mẫu hạm.

Tôi hết tin tưởng. Nếu phi cơ địch ồ ạt bay đến, thì Ryujo, với tình trạng vừa qua, sẽ không làm sao chống đỡ nổi. Tôi thảo một công điện và gọi sĩ quan truyền tin của tôi: "Gởi lập tức công điện nầy cho Ryujo bằng hiệu kỳ."

Một nhân viên truyền tin chạy lên sân tàu và vẩy các lá cờ: "Trung tá Tameichi Hara, hạm trưởng Amatsukaze, gởi Trung tá Kishi, hạm phó Ryujo: biết là quá đáng, nhưng tôi bắt buộc phải gởi sự lưu ý nầy đến Trung Tá. Phi của Trung Tá đã thiếu hẳn sự chuận bị. Tại sao lại có vấn đề nầy?"

Công điện có vẻ thô lổ và chắc chắn không làm hài long người nhận. Tôi không biết có một sĩ quan nào khác đã làm như tôi hay không. Tôi gởi công điện nầy chi Kishi dựa vào việc chúng tôi cùng xuất thân ở Eta Jima. Kishi không chịu trách nhiệm các cuộc hành quân trên không, nhưng ý định của tôi là muốn thức tỉnh viên hạm trưởng của Ryujo và phi công có trách nhiệm.

Vừa tự hỏi Kishi sẽ có phản ứng như thế nào, tôi vừa nhìn đăm đăm chiếc Ryujo, và thấy cờ hiệu trả lời: "Kishi gởi Trung Tá Hara: rất tán thành vấn đề đã lưu ý. Chúng tôi sẽ cải thiện và ghi nhận sự hợp tác của ông." Ryujo lập tức hành động. 7 chiến đấu cơ được đưa lên sàn tàu và mọi chong chóng đều xoay để sẵn sàng cất cánh. Nhưng đã quá trể. Lúc đó các quan sát viên của tôi la lên: "nhiều phi cơ địch bay đến."Khi chiếc Ryujo xoay theo hướng gió để các phi cơ cất cánh thì các oanh tạc cơ Hoa Kỳ chúi xuống tấn công. Tôi nhìn Ryujo lo lắng. Các hàng không mẫu hạm khác của Nhựt có thể dọn dẹp phi cơ trên sàn tàu chỉ trong một vài phút, nhưng chiếc Ryujo không đủ khả năng làm như vậy. Tôi phải lo nhiệm vụ của tôi. Tàu của tôi, cũng như tuần dương hạm Tone và khu trục hạm Tokitsukaze chạy xa khỏi Ryujo 5.000 thước để chống với các phi cơ địch đang bay đến. Ryujo gọi vô tuyến cho 21 phi cơ tấn công Guadalcanal ra lịnh cho chúng bay đến phi trường Buka nằm giữa Guadalcanal và Rabaul, thay vì trở về hàng không mẫu hạm. Tại sao không gọi về một số để đương đầu với phi cơ địch? Tôi không đủ thời giờ để suy nghĩ. Các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ địch đang xà xuống Ryujo, các phi cơ nầy xuất phát từ hàng không mẫu hạm Saratoga (CV3) của Hoa Kỳ. Có trên hai mươi chiếc oanh tạc cơ xoay tròn quanh hàng không mẫu hạm và nhiều chiến đấu cơ xà thấp xuống nước trước rừng hỏa lực phòng không của chúng tôi. Mười hai súng cao xạ của Ryujo đồng loạt khai hỏa nhưng không trúng một chiếc phi cơ nào. Hai hoặc ba trái bom đã trúng phía sau và sân bay của hàng không mẫu hạm. Những cột lửa rực đỏ bốc lên đồng thời với những tiếng nổ vang dội. Nhiều trái bom khác lại trúng thẳng, chiếc tàu bị che phủ bởi những cột nước và màn khói đen dày đặc. Bồn chứa xăng của Ryujo bốc cháy. Nó đang chìm hoặc đã chìm?Các phi cơ địch bây giờ bỏ Ryujo xoay sang tấn công các chiến hạm khác của chúng tôi. Tất cả súng đều khai hỏa khi phi cơ xà thấp. Khu trục hạm của tôi gia tăng tốc độ 33 hải lý và chạy theo hình chữ chi rất nhặt, khiến nước biển tung như xối lên đầu tôi trên đài chỉ huy. Chiếc Amatsukaze chịu đựng 30 phút tấn công, nhưng rất may các trái bom đều tránh né nó.

Tôi thở phào khi phi cơ địch bay đi. Tôi xoay sang nhìn chiếc Ryujo. Khói đen bắt đầu tan loảng và chiếc tàu hiện ra lờ mờ. Xuyên qua ống dòm, tôi thấy Ryujo đã chết, hoàn toàn bất động, và đang từ từ sụm xuống. Nó nghiêng hẳn về hữu mạn, không còn là một hàng không mẫu hạm nữa, đó là một chiếc lò khổng lồ có nhiều miệng, và tất cả đều phựt lửa đỏ rực. Soái hạm Tone báo hiệu: "Các khu trục hạm tiến đến Ryujo để tiếp cứu."Tàu của tôi lập tức chạy về phía hàng không mẫu hạm đang chìm, nhưng ngưng lại ngay khi thấy ba chiếc phi cơ thình lình nhô ra khỏi các đám mây. Khi chúng bay đến gần, mới biết đó là 3 chiến đấu cơ Nhựt trở về. Chúng bay quân trên chiếc tàu chìm, như để chào vĩnh biệt. Một phi cơ đáp xuống biển gần tàu của tôi, và hai chiếc kia gần Tokitsukaze. Cả ba phi công đều được cứu thoát, nhưng các phi cơ thì đành bó tay. Công việc tiếp cứu đã mất nhiều thời giờ, tôi tưởng chiếc Ryujo đã biến mất trên mặt đại dương rồi. Nhưng thật kì lạ, mặc dù có nhiều lổ hỏng, chiếc tàu vẫn nổi và ngay cả các miệng lửa cũng hạ xuống.Chúng tôi lại tiến đền chiếc Ryujo, nhưng rồi phải ngưng nửa chừng. Lần nầy 2 chiếc B.17 xuất hiện. Hai khu trục hạm và tuần dương hạm Tone gia tăng tốc độ chạy theo hình chữ chi và tất cả cao xạ đều khai hỏa vào hai oanh tạc cơ địch. Nhưng hai phi cơ nầy chỉ tấn công qua loa, hoặc chúng không quen tấn công các mục tiêu di động nhanh trên biển. Tất cả các trái bom thả xuống đều không trúng đích. Khi các oanh tạc cơ bay đi, sương mù bổng trùm lấp mặt biển. Chúng tôi bắt tay vào công việc tiếp cứu. Nhờ trời chiếc Ryujo vẫn chưa chìm, nhưng hoàn toàn bất động. Có lẽ chúng tôi phải kéo nó về Truk để sửa chữa. Lửa cháy xém khắp nơi, tất cả vũ khí và vật dụng khác đều bị thiêu hủy. Xác chết rãi rác khắp nơi trên tàu. Chiếc tàu nghiêng về hữu mạn khoảng 40 độ, và có thể chìm bất cứ lúc nào. Một nhân viên giải cứu gởi tín hiệu bằng cờ: "chúng tôi bỏ chiếc tàu sắp chìm. Các tàu khác hãy đến tiếp tay giải cứu thủy thủ đoàn." Lúc ấy tàu của tôi chay đến bên tả mạn còn nổi của chiếc Ryujo. Nếu chiếc tàu chìm, việc nầy không biết xảy ra lúc nào, chiếc Amatsukaze có thể bị lôi cuốn và chôn vùi theo với nó. Không thể chần chờ được nữa, tôi quyết định bắt tay vào việc lập tức. Đại dương lúc đó đang yên tỉnh, nhưng thỉnh thoảng các luồng sóng dài bổ đến, khiến cột cờ của chiếc Ryujo chao đi chao lại, có khi chạm cả vào đài chỉ huy của khu trục hạm nhỏ bé của tôi. Mồ hôi lạnh ướt đẩm lưng tôi. Hàng chục thủy thủ khỏe mạnh dung sào dài để chống đở cột cờ của chiếc Ryujo. Khi chiếc cầu được bắt nối người bị thương được di tản trước, kể đó là những xác chết và tài liệu quan trọng còn sót lại. Cuộc tiếp cứu nhanh chóng và gọn ghẻ. Hơn 300 người sống sót được đưa sang chiếc Amatsukaze.Độ nghiêng của Ryujo thình lình gia tăng. Bây giờ nó đang chìm "Chấm dứt di tản" tôi la lên. Một sĩ quan đứng phía bên kia cầu gật đầu và đáp: "Đúng, thưa Trung tá! Phải chấm dứt ngay. Nguy hiểm lắm rồi."Máy của Amatsukaze vẫn chạy đều, nó lập tức dang ra xa chiếc Ryujo, và không đầy 350 thước, chúng tôi nhìn lại thấy hàng không mẫu hạm đã biến mất trong làn sóng. Sức chìm của chiếc tàu đã tạo ra một vực nước xoáy khổng lồ, ghì chặt lấy chiếc Amatsukaze và cuốn chạy như một mảnh rác. Nhưng rất may là vực nước đó không đủ sức nhận chìm tàu của tôi. Tôi còn đang thở muốn đứt hơi thì một giọng nói thật nhỏ phía sau lưng tôi : "Trung tá Hara. Tôi ... tôi không biết nói gì để cảm ơn ông..."Tôi bổng thấy buồn cho vị sĩ quan nầy, ông ta không phải là một chuyên viên hàng không mẫu hạm, và tôi thấy tức giận Đô Đốc Yamamoto đã chọn một người như thế nầy để thi hành kế hoạch "chim mồi" của ông. "Ông không cần phải cảm ơn tôi, Đại tá Kato," tôi nói. "Xem ông không được khỏe! ông có bị thương không?""Không, Hara, tôi không bị một vết trầy nào cả. nhưng ... nhiều thuộc cấp của tôi đã chết, và cả chiếc tàu!." Ông ta đưa tay ôm lấy mặt, khóc nức nở như một đứa trẻ. Tôi sợ ông ta có hành động nông nổi nên lên tiếng gọi: "Y ta, mau lên dìu Đại tá Kato vào ca bin của tôi."Kato phản đối: "Ồ! Không, Hara! Hãy để tôi ở chung với thủy thủ của tôi, nếu việc nầy không làm ngăn trở nhiệm vụ của ông."Tôi để ông ta làm theo ý thích. Trên tàu của tôi lúc ấy không có chổ nào là không có thủy thủ của chiếc Ryujo. Tôi xúc động khi nhìn vị Đại tá già lê bước về phía cầu thang để rời khỏi đài chỉ huy. Tôi gọi: "Đại tá Kato, xin chờ một chút. Tôi muốn hỏi người bạn thân của tôi là Kashi, phụ tá Đại tá, hắn ta có được bình yên không?"

Kato xoay lại, không thốt nên lời nào, khuôn mặt của ông ta đau khổ tột cùng. Tôi hiểu và gật đầu. Kato cúi đầu và bước xuống cầu thang. Tôi đứng lặng. Anh bạn tôi của tôi đã chết. Kashi, một chuyên viên hàng không đã gặt hái được nhiều thành tích sáng chói. Anh ta từng đỡ tay cho viên hạm trưởng ngù ngờ nầy biết bao. Tôi lắc đầu. Tôi còn nhiều việc phải làm, đau buồn hãy chờ sau khi nhiệm vụ hoàn tất. Tàu của tôi kết hợp với khu trục hạm Tokitsukaze và soái hạm Tone, và tôi vui mừng khi thấy hai chiếc tàu nầy, như chiếc Amatsukaze của tôi, không bị tổn hại gì cả. Cả hai cũng đang bận rộn cứu vớt một số thủy thủ của Ryujo đã nhảy xuống biển để thoát thân. Trong lúc đó, 14 phi cơ của hàng không mẫu hạm trở về sau nhiệm vụ ở Guadalcanal và đang bay quần trên trời. Bảy chiếc, trong số có một chiếc duy nhứt trang bị hệ thống liên lạc bị địch quân bắn rơi, thành thử các chiếc còn lại không nhận được lịnh đáp xuống Buka. Số còn lại nầy bây giờ bắt buộc phải đáp xuông biển, các chiến hạm cứu vớt hết phi hành đoàn nhưng tất cả các phi cơ đều vùi sâu dưới đáy biển. Ba chiến hạm còn lại của chúng tôi được lịnh Phó Đô Đốc Nagumo chạy về hướng Tây để kết hợp với lực lượng chánh của ông. Ngày nầy, 24 tháng 8 năm 1942, mặt trận trên các đảo phía Đông Salomn vẫn còn tiếp diễn. Sau khi vượt 50 dậm về điểm hẹn, chúng tôi nhìn thấy một số chiến hạm Nhựt tất cả đều mở đèn chạy chầm chậm về phía Nam. Các chiến hạm nầy đang tìm kiếm một số phi công bắt buộc phải hạ cánh trên mặt biển. (Hàng Không Mẫu Hạm Ryujo, theo thiết kế ban đầu là một tàu chở thủy phi cơ nhưng sau đó sửa đổi thành một hàng không mẫu hạm nhẹ trọng tải dưới 10.000 tấn tuân theo các điều khoản của Hiệp Ước năm 1922 của Nhật và Đồng Minh. Nó được đóng năm 1922 và hoàn tất trang bị vào năm 1931, trọng tải tối đa có thể lên đến 13.000 tấn nhưng thông thường nó chỉ mang đến 10.600 tấn. Nó được mang ra sử dụng trong cuộc chiến Hoa Nhật năm vào năm 1937 với nhiệm vụ yểm trợ cho Lục Quân, lúc nầy nó trang bị 12 chiến đấu cơ Nakajima A4N và 17 oanh tạc cơ Aichi D1A cả hai loại đều là phi cơ hai lớp cảnh cổ lổ. Năm 1940 nó được tái trang bị các phi cơ và sửa chửa nâng cấp để mang được tối đa 37 phi cơ hiện đại. Khi đệ nhị thế chiến bắt đầu Ryujo hoạt động ở Philippine cung cấp cây dù không quân cho các đoàn chuyện vận đổ bộ lên Davao. Và sau đó nó hoạt động suốt từ Philippine cho đến tận vịnh Bengal. Tháng sáu năm 1942, Ryujo tham gia cuộc hành quân Midway nhưng trong thành phần lực lượng tấn công quần đảo Aleutian, trong suốt cuộc hành quân này một chiến đấu cơ A6M Zero do hạ sỹ Tadahito Koga lái đã rơi xuống quần đảo nầy, Koga thiệt mạng nhưng chiếc Zero còn nguyên vẹn, đây là chiếc Zero đầu tiên lọt vào tay của Đồng Minh, nhờ vào đó mà Đồng Minh cho ra đời một loạt chiến đấu cơ mới để chọi lại chiếc chiến đấu cơ đáng sợ nầy. Ngày 24 tháng 8 năm 1942, Ryujo tham dự trận đánh ở Guadalcanal trong thành phần dụ địch và bị các oanh tạc cơ SBD và Avenger của hàng không mẫu hạm Saratoga đánh chìm, trong số 924 thủy thủ đoàn chỉ có 127 người thiệt mạng số còn lại được cứu sống.Hàng không mẫu hạm Sarotoga của Hoa Kỳ, cùng loại với chiếc Lexington đã bị chìm ở trận San Hô, trọng tải 38.500 tấn chở được 90 phi cơ các loại, thủy thủ đoàn 2.200 sĩ quan và binh sỹ, chiếc nầy cũng là một thiết giáp tuần dương hạm biến cải thành hàng không mẫu hạm nên vẫn còn mang theo những khẩu đại bác lớn 8 khẩu 200 ly, và trang bị các loại phòng không từ 76 ly đến 12,7 ly. Nó đã tham chiến suốt từ đầu đệ nhị thế chiến cho đến hết chiến tranh, có thể nói đây là hàng không mẫu hạm lì đòn nhất của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Nó bị đánh chìm ngày 25 tháng 7 năm 1946 bởi cuộc thử bom A của Mĩ, chung số phận với nhiều tàu chiến khác như Prinz Eugen của Đức và Nagato của Nhựt).

Đêm tối như bưng. Nhiều giờ trôi qua, tiếng bom và tiếng súng không còn nghe vọng đến. Tôi bắt đầu cảm thấy rã rời trong suốt một ngày một đêm chiến đấu không ngừng nghỉ. Tôi định đi nằm thì sĩ quan truyền tin của tôi cho biết hàng không mẫu hạm Shokaku (tức soái hạm của Nagumo) gởi một công điện đến Amatsukaze: "Phó Đô Đốc Nagumo chỉ thị cho Trung tá Hara giải cứu hai phi công của hàng không mẫu hạm Zuikaku bắt buộc phải đáp xuống biển. Thi hành lập tức tại vị trí KIN.21."

Tôi vội vã trả lời: "Trung tá Hara gởi Đô Đốc Nagumo. Amatsukaze sẽ tiến ngay đến KIN.21 và giải cứu các phi công của Zuikaku."

Quay sang hải đồ, tôi ghi tọa độ được cho là KIN.21 cách 98 dậm chánh Bắc vị trị hiện thời của tôi, và tọa độ nầy nằm sâu trong khu vực của lực lượng đặc nhiệm địch 60 dậm. Sở dĩ tôi biết được khu vực của địch quân là do tin tức đưa đén vào lúc chiếc Ryujo đang chìm. Nhưng lịnh là lịnh, và nhiệm vụ quá cấp bách không thể chần chờ. Cơn buồn ngủ tiêu tan, tôi triệu tập ngay bộ tham mưu để bàn thảo.

Chúng tôi không thể nào dám để cho một sai lầm nhỏ nào xảy ra trong nhiệm vụ nầy. Tôi không dám chắc tọa độ được cho có chánh xác hay không, nhưng nếu co một sai chạy nào thì công việc giải cứu của chúng tôi vô hy vọng.

Phó Đô Đốc Nagumo đã đặt biệt chọn tôi thi hành nhiệm vụ nầy, tôi biết ông đã đặt nhiều hi vọng vào tôi. Tôi quyết định không để ông thất vọng. Chúng tôi đang hút đầu vào miệng cọp, nhưng thuộc cấp của tôi lại tỏ ra thích thú và hăng hái khiến tôi cũng phấn khởi.

Chạy với tốc độ 24 hải lý, bốn tiếng đồng hồ sau chúng tôi có mặt trên khu vực phỏng định. Tôi ra lịnh chiếc tàu giảm tốc độ xuống chỉ còn 6 hải lý. Khi thiếu úy Hideo Shoji báo cáo chúng tôi đang ở ngay trên vị trí đã được cho, tôi gọi tất cả thủy thủ nào không bận việc lên boong tàu để quan sát, và tôi tuyên bố là ai phát hiện hai viên phi công trước tiên, người đó sẽ được thưởng. Mọi người hưởng ứng nồng nhiệt.

Tôi nghĩ nếu hai phi công Nhựt rơi xuống khu vực nầy thì phi công địch cũng có thể rơi xuống, và họ cũng đang được đồng bọn tìm kiếm. Do đó, dù trời tối đen như mực, tôi cũng không cho sử dụng đèn rọi, vì khu trục hạm lúc đó chỉ chạy có 6 hải lý một giờ, tiềm thủy đỉnh địch có thể phát hiện ánh đèn và tấn công chúng tôi.

Sau hơn một giờ tìm kiếm vô vọng, tôi lo ngại thiếu nhiên liệu. Hơn nữa, Amatsukaze của tôi đã tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu trong nhiệm vụ chim mồi vừa qua và cần phải dự trữ để quay về Rabaul cách xa đây 500 dậm. Để cho công tác mau lẹ, tôi ra lịnh bật đèn rọi nhỏ. Vài phút sau, một thủy thủ bổng la lên: "Một vật nổi ở hữu mạn, giống như một cái chai." Tôi nghiêng mình ra ngoài đài chỉ huy và nhìn thấy cái chai loáng thoáng qua ánh đèn, tôi nói: "Đúng rồi, họ ở gần đây chứ không xa!" tôi cho bật đèn hiệu tên chiếc tàu của hai viên phi công: "Zuikaku! Zuikaku!"

Nửa giờ trôi qua, bình minh sắp đến, và lúc hy vọng sắp tan, tôi bổng thấy một đóm sáng thật nhỏ chợt lóe lên ở phía trái chiếc tàu cách khoảng 2.000 thước. Đóm sáng lại lóe lên một lần nữa rồi tắt hẳn, nhưng tôi đã xác định được vị trí. Chiếc tàu tiến thẳng đến, và tôi cho thả một chiếc xuồng xuống khi nhìn thấy hai người đang bám vào một cái phao. Thiếu úy Hideo Shoji cầm đầu xuồng giải cứu. Khi chiếc xuồng còn cách cái phao 50 thước, anh ta báo cáo rằng hai người đeo cái phao nầy giống người Mỹ.

Tôi quan sát bằng ống dòm và thấy đúng như lời Shoji, nhưng tôi ra lịnh: "người gì cũng mặc, hãy cứu cái đã."

Tôi nao núng, nếu đây là hai người Mỹ thì công cuộc tìm kiếm của phe họ cũng quanh quẩn đâu đây. Nhưng tôi đã quyết tâm thi hành nhiệm vụ, cho dù kéo dài đến bình minh đi nữa. Khi xuồng cấp cứu vớt hai người dưới nước lên và báo cáo cho biết đây là hai phi công mà chúng tôi tìm kiếm, bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhỏm.

Sau khi tất cả lên tàu, chúng tôi hướng về phía Bắc với tốc độ 24 hải lý, và tôi thoải mái lần đầu tiên sau nhiều giờ căng thẳng. Công cuộc giải cứu hoàn toàn thành công.

Mặt khác, cuộc hành quân chim mồi của chúng tôi dù gặp vận xấu ở phút cuối cùng, nhưng chưa hẳn là một thất bại. Sự hi sinh của Ryujo đã đánh lạc hướng địch quân, không chú tâm vào lực lượng chánh của Nhật Bản, và cho phép Phó Đô Đốc Nagumo tập trung đầy đủ sức mạnh không quân của ông để chống lại hàng không mẫu hạm Enterprise của Hoa Kỳ. Nhưng chiếc Enterprise chỉ bị hư hại, nó được sửa chửa và hoạt động lại trong vòng hai tháng, trong khi đó hàng không mẫu hạm Ryujo bị đánh chìm hẳn. Nếu có thất bại là thất bại ở điểm nầy.

Mặt khác, các phi thuộc hải quân Hoa Kỳ đã oanh tạc các tàu chuyển vận trung đoàn của Đại tá Ichiki và gây hư hại cho tuần dương hạm Jintsu, soái hạm của phân đội khu trục hạm hộ tống. Sáu khu trục hạm Nhựt tiến sát vào Guadalcanal và pháo kích dữ dội lên đảo nầy suốt đêm, nhưng sáng hôm sau các oanh tạc cơ B.17 của Hoa Kỳ bay đến và gây xáo trộn cho các chiến hạm Nhựt nhiều tiếng đồng hồ. Đoàn tàu chuyển vận thoát được đến Bougainville, nhưng khu trục hạm Mutsuki và tàu chuyển vận Kinryu Maru bị đánh chìm. Trong lúc đó, đoàn tàu chuyển quân của tướng Kawaguchi nhận thấy kho đi suông sẽ nên đã quay về Truk.

Vì vậy, toàn thể cuộc phản công lần thứ nhì của Nhựt ở quần đảo Solomon kết thúc với sự thất bại trên cả hai phương diện chiến thuật và chiến lược. Và việc nầy đã chứng minh quyết định của Yamamoto là sai lầm.

Hai ngày sau cuộc hành quân, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia đưa ra một thông cáo chung. Theo đó, trận đánh kéo dài từ 23 đến 25 tháng 8, Nhật Bản đã gây thiệt hại nặng nề cho địch quân, với một hàng không mẫu hạm lớn và một hàng không mẫu hạm trung, cùng với một thiết giáp hạm của Hoa Kỳ. Phía Nhựt chỉ bị đánh chìm một khu trục hạm và một hàng không mẫu hạm nhỏ hư hại nặng.

Về phía Hoa Kỳ, một công bố cho biết các phi cơ của họ đánh chìm một hàng không mẫu hạm, gây thiệt hại cho một tuần dương hạm và một khu trục hạm Nhựt. Công bố cũng nói đến việc hàng không mẫu hạm Enterprise bị hư hại, nhưng bù lại phi cơ của hải quân Hoa Kỳ cũng đã đánh chìm một thiết giáp hạm và hai khu trục hạm nhỏ của Nhựt.

Chiếc Ryujo đã chìm ngay trước mắt tôi, nhưng không còn chiếc tàu nào khác thuộc lực lượng chim mồi của chúng tôi bị đánh chìm, ngay cả một vết đạn cũng không. Có lẽ phi công Hoa Kỳ đã báo cáo lầm chiếc tàu chuyển vận Kinryu Maru thành ra một thiết giáp hạm và khu trục hạm Mutsuki thành ra một tuần dương hạm.

Từ đó trở về sau tôi không còn tin vào các công bố liên quân đến cuộc chiến, kể cả hai phía Nhật Bản và Đồng Minh.

Khi khu trục hạm Amatsukaze kết hợp với lực lượng đặc nhiệm của Nagumo, ngày 25 tháng 8, tôi nhận được một mạng lịnh mới đầy thích thú, gởi đến từ hàng không mẫu hạm Shokaku.

"Đô Đốc Nagumo thành thật ngọi khen Trung Tá Hara đã hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo, và chỉ thị cho ông di chuyển lập tức đến Truk để đưa những người được giải cứu lên bờ."

Một lần nữa, Amatsukaze lại tách rời khỏi lực lượng đặc nhiệm và đơn thân độc mã đến Truk. Ngày hôm sau, chúng tôi tiến vào hòn đảo san hô nầy.

--------------------------------

3

Lưu Bang đánh Đông dẹp Bắc và khai sáng triều đại nhà Hán vào năm 102 (trước Thiên Chúa Giáng Sinh). Sau khi lên ngôi, một hôm Lưu Bang hỏi nguyên soái của ông là Hàn Tín: "Nhà ngươi nghĩ sức trẫm có thể cầm được bao nhiêu quân?" Hàn Tín đáp: "Theo hạ thần nghĩ, bệ hạ chỉ có thể điều động một đạo quân vài ba chục ngàn người mà thôi." Lưu Bang hỏi: "Còn sức của nhà ngươi thì sao?" Hàn Tín đáp: "Nhiều quân chừng nào hạ thần càng điều động hữu hiệu nhiều chừng nầy." Lưu Bang cười: "Vậy tạo sao trẫm làm Hoàng Đế còn nhà ngươi chỉ là một vị tướng dưới trướng?" Hàn Tín đáp: "Đó là do mạng trời, bệ hạ sanh ra là để chỉ huy những người chỉ huy."

Lưu Bang là một trong những vị vua vĩ đại nhứt, còn Hàn Tín là một trong những vị tướng tài ba và nổi tiếng nhứt lịch sử Trung Hoa. Trong thời đệ nhị thế chiến nhiều vị Đô Đốc cũng tài ba và gây được tiếng tăm như thế. Đô Đốc Isoroky Yamamoto của Nhựt là một. Ông là nhân vật tài ba, nhưng tôi nhận thấy tiếng tăm của ông có vẽ phóng đại hơn là những gì mà ông đáng được hưởng thực sự. Tôi không có ý so sánh ông với Lưu Bang, nhưng với sự kính trọng khả năng có thật của họ, tôi bắt buộc phải so sánh.

Mặc dù cuộc chiến Thái Bình Dương, Nhựt bại trận một cách đau thương, quốc gia vẫn xem Yamamoto như là một vị anh hùng. Sau chiến tranh, biết bao nhiêu chỉ trích nhắm vào các nhà lãnh đạo Hải Quân và Lục Quân Nhựt, nhưng riêng Yamamoto không hè được đá động tới. Nếu những nhận xét của tôi về Yamamoto có vẻ nghiêm khắc, thì chẳng qua tôi chỉ nhận xét theo công tâm. Đây có lẽ là lần đầu tiên một quân nhân Nhựt viết ra sự thật tất cả những gì mà người khác đã tránh né.

Đối với tôi, Đô Đốc Yamamoto là một người sanh ra để chỉ huy những người chỉ huy, và trên phương diện nầy sự kính trọng phải được dành cho ông. Nhưng ông, như Lưu Bang, không có khả năng điều động hàng mấy ngàn chiếc tàu và hàng mấy trăm ngàn thủy thủ dưới tay một cách hữu hiệu. Chọn ông để cầm đầu Hạm Đội Hổn Hợp, nghĩa là cầm đầu toàn thể lực lượng tham chiến của Nhựt trên mặt trận Thái Bình Dương, đó là một sự lựa chọn bi thảm.

Nhiều đồng nghiệp của tôi đều tin rằng Yamamoto là một vị Bộ Trưởng Hải Quân lý tưởng nhứt, và có nhiều cuộc vận động trong hàng ngũ sĩ quan Hải Quân Nhựt để đưa ông lên chức vụ nầy. Và theo ý kiến họ, Đô Đốc Mitsumasa Yonai mới xứng hợp với chức vụ Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hổn Hợp. Nhưng cuộc vận động nầy thất bại, vì Mitsumasa Yonai, một nhân vật chống đối chiến tranh mạnh mẽ, đã từ chối. Ông đã nói: "Tôi không phải là một Đô Đốc chiến đấu, do đó tôi sẽ gây "nguy hại" cho những gì mà Lục Quân đang theo đuổi. Hơn nữa, nếu một người cứng đầu như Yamamoto mà trở thành Bộ Trưởng Hải Quân, không sớm thì muộn ông ta sẽ bị Bộ binh cuồng tín sát hại."

Lục Quân Nhựt là binh chủng gây rắc rối nhiều nhứt. Khi chiến tranh bắt đầu, Nội Các Nhựt dưới quyền lãnh đạo của Đại Tướng Hedeki Tojo, Bộ Trưởng Hải Quân là Đô Đốc Shigetaro Shimada chỉ là một anh hề của Tojo. Tổng Tham Mưu Trưởng Hải Quân, Đô Đốc Osami Nagano, lại không đủ mạnh để chống đối các kế hoạch của Lục Quân. Nếu muốn chỉ trích những gì mà Yamamoto đã làm hoặc không làm, các yếu tố vừa nêu cần phải được xét đến, vì các yếu tố nầy đã bó tay ông phần nào.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, Yamamoto nổi tiếng là một tay "đỏ đen" vào hàng siêu đẳng. Bất cứ trò chơi nào, ông cũng đều vượt trội, nhứt là đánh xì phé. Quyết định tấn công Trân Châu Cảng là một ván bài vĩ đại nhứt của ông, gây tối tăm mặt mủi cho một đối thủ tiền rừng bạc biển. Tuy nhiên có một điều lạ, là khác với một tay đỏ đen thật sự, Yamamoto không bao giờ lập lại "canh bạc xã láng Trân Châu Cảng" một lần nào nữa. Các bài học ở biển San Hô cũng không được ông mang ra áp dụng lại ở trận Midway, trận đánh mà Yamamoto đã hành động một cách sai lầm, là chia lực lượng của ông ra nhiều mục tiêu nhỏ mà không dồn hết nổ lực vào mục tiêu quyết định. Sau nầy, Yamamoto lại cứ mãi bận tâm với vấn đề bảo toàn lực lượng.

*

Khu trục hạm Amatsukaze, chở đầy những người còn sống sót, lặng lẽ tiến vào hải cảng Truk vào ngày 25 tháng 8 năm 1942. Tôi chắc chắn sẽ nhận được lịnh trở lại nhiệm vụ ngay khi đổ xong người. Nhưng, không một ai trong chúng tôi ngờ rằng Amatsukaze phải đậu ở Truk một tháng trời, trong lúc trận chiến nằm trong giai đoạn ác liệt nhứt. Ở đây, tôi đã thâu thập được nhiều chi tiết về trận hải chiến ở biển San Hô ngày 7 và 8 tháng 5 trước đây, tức là trong thời gian tôi đi phép.

Trận hải chiến nầy bùng nổ là do hậu quả kế hoạch đổ bộ của Nhựt nhằm chiếm giữ hải cảng Moresby, một cứ điểm then chốt của Đồng Minh nằm trên bờ biển phía Nam New Guinea. Trận đánh đã làm Nhựt chìm một hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Shoho, và hai hàng không mẫu hạm hạng nặng là Shokaku và Zuikaku bị hư hại đến nỗi không thể tham dự và trận đánh ở Midway xảy ra một tháng sau đó. Qua công bố, Hải Quân Hoàng Gia không đề cập đến sự thiệt hại của Nhựt, chỉ cho biết là Nhựt đã đạt được chiến thắng qua việc đánh chìm được ba hàng không mẫu hạm địch trong trận đánh nầy. Nhưng mất mát thật sự của địch quân gồm có: hàng không mẫu hạm Lexington CV2 36.000 tấn, hàng không mẫu hạm Yorktown bị thiệt hại nhẹ, tàu dầu Neosho và khu trục hạm Soins bị đánh chìm. Mặc dầu các công bố đều nói đến hai tiếng chiến thắng, nhưng rõ ràng Nhựt đang bắt đầu thoái bộ.

Một tháng sau, Nhựt bị đánh tơi bời ở Midway, thiệt mất các hàng không mẫu hạm Akagi, Kaga, Hiryu và Soryu cùng với tuần dương hạm hạng nặng Mikuma, và với sự tham chiến của hàng không mẫu hạm Yorktown của Hoa Kỳ (hư hại trong trận đánh biển San Hô được sữa chữa lại) đã khiến cho Nhật Bản ngẩn ngơ, nhưng cuối cùng nó cùng với khu trục hạm Hammann bị Nhựt đánh chìm trong trận nầy.

Vào thàng 7, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhật Bản lại vấp thêm một lỗi lầm nữa qua cuộc đổ bộ một sư đoàn bộ binh vào Buna, nằm ở bờ biển Đông Papua. Sư đoàn nầy sau khi đổ bộ đã vượt qua dãy nũi Owen Stanley, mưu tấn công hải cảng Moresby. Nhưng con số binh sĩ thiệt mạng do núi non, rừng rậm hiểm trở và khí hậu độc địa gây ra dọc lộ trình di chuyển nhiều hơn là do địch quân gây ra.

Một việc có ý nghĩa là Đồng Minh đã đổ bộ lên đảo Guadalcanal vào ngày 7 tháng 8, đúng ngày lực lượng Nhựt sa lầy ở Papua. Yamamoto đã đánh giá một cách sai lầm các cuộc hành quân ở Papua và Guadalcanal. Hồi ở Midway ông đã phân chia lực lượng của ông để tấn công cùng một lượt vào các hòn đảo vô giá trị Aleutian, ở Guadalcanal ông cũng chia jai lực lượng, một tấn công hòn đảo nầy và một vào bán đảo Papua. Các cuộc tấn công phân tán đã không kết quả mà còn đưa đến hậu quả tàn khốc.

Vào đêm 24 tháng 8. trong lúc chiếc Amatsukaze đang giải cứu hai phi công, 7 khu trục hạm Nhựt đã đột kích Guadalcanal một cách gần như phí công. Vào hai ngày kế, các phi cơ Nhựt lại tấn công hòn đảo nầy, nhưng cũng không đạt được kết quả là bao. Trong khi đó thành phần chánh của Hạm Đội Hổn Hợp dàn quanh các đảo Solomon, nhưng lại không nhắm vào một mục đích nào hết. Sự do dự của Yamamoto hiển nhiên ai cũng thấy.

Bốn ngày sau đó, đoàn tàu vận chuyển quân của Đại tá Ichiki một lần nữa cố gắng tiến về Guadalcanal. Hai mươi khu trục hạm hộ tống đoàn tầu nầy bị phi cơ Đồng Minh tấn công, đánh chìm chiếc Asagiri và gây thiệt hại nặng cho ba khu trục hạm khác là Shirakumo, Yugiri, Amagiri. Yamamoto chần chờ khá lâu mới tung 30 chiến đấu cơ và 30 oanh tạc cơ của hai hàng không mẫu hạm Shokaku và Zuikaku để yểm trợ đoàn tàu bị tấn công. Nhưng khi các phi cơ nầy đến nơi thì đoàn tàu đã xuôi hướng trở về quần đảo Shortland. Trong khi đó, tiền quân thuộc trung đoàn của Ichiki, nằm kẹt cứng ở một góc đảo Guadalcanal đã lên tiếng kêu cứu. Do đó, sáng ngày 29 tháng 8, binh sĩ lại được đưa xuống 6 khu trục hạm để lên đường tăng viện. Lực lượng 1.000 người nầy đã đổ bộ thành công lên mũi Taivu, nằm giữa bờ biển phía Bắc Guadalcanal, ngay trong đêm.

Lữ đoàn của Trung tướng Seiken Kawaguchi, thoạt đầu dự định đổ bộ lên Papua, đã khởi hành từ Truk để tăng cường thêm cho cánh quân của Ichiki. Trên đường, Lữ đoàn ghé Bougainville, và ngày 30, tiểu đoàn đầu tiên thuộc Lữ đoàn nầy được 3 khu trục hạm vận chuyển đến đảo Guadalcanal. Tiếp theo đó, vào ngày 31. tám khu trục hạm khác đã vận chuyển thêm 1.200 quân nữa. Và vào ngày 1 tháng 9, đơn vị thứ ba của Lữ đoàn xuống 4 khu trục hạm và sau đó đổ bộ lên phía Nam hòn đảo. Ngày kế, 20 chiến đấu cơ và 18 oanh tạc cơ Nhựt tấn công Guadalcanal. Cuộc đổ bộ của toàn thể Lữ đoàn Kawaguchi hoàn tất và ngày 4 và 7 tháng 9.

Trong suốt giai đoạn xảy ra các hoạt động tăng viện nầy, chiếc Amatsukaze của tôi nằm bất động ở Truk, nhưng tôi cũng hình dung được mọi diễn tiến. Tôi biết lực lượng được các khu trục hạm đổ lên bờ chỉ có thể mang các vũ khí nhẹ, và điều nầy khiến cho tôi lo ngại. Bởi vì, cho dù lực lượng Nhựt đông đảo đi nữa, ho cũng không thể nào chịu đựng nổi trước sức đề kháng của lực lượng Hoa Kỳ, được trang bị vũ khí nặng, đã nằm sẵn trên đảo. Truk hoàn toàn yên tỉnh, sau khi đoàn tàu chở lữ đoàn của Kawaguchi ra đi. Mặt nước hải cảng lặng như tờ. Khung cảnh bình an làm tiêu tan cơn mệt mõi của thủy thủ đoàn Amatsukaze. Quanh hòn đảo san hô nầy đầy dẫy mọi loại hải sản. Mỗi ngày thuyền chài đều mang cá tươi về. Đó là một cơ hội tốt để đổi món ăn cho những kẻ quanh năm chỉ biết đồ hộp như chúng tôi. Trong lúc đó, thành phần chánh của Hạm Đội Hổn Hợp chấm dứt mười ngày "lang thang" vô ích và tiến vào hải cảng Truk ngày 5 tháng 9. Hải cảng rộng lớn nầy bổng nhiên hẹp lại khi 50 chiến hạm, với thiết giáp hạm Yamato, 69.100 tấn dẫn đầu lần lượt ùa vào.Suốt ba ngày liền thay phiên trên các soái hạm đơn vị, toàn thể hạm trưởng và sĩ quan chỉ huy hội họp để bàn thảo các chi tiết chiến thuật. Cuộc họp cuối cùng mở ra trên soái hạm Yamato, dưới sự chủ tọa của Yamamoto. Các cuộc bàn thảo sơ khởi trước đó đều xoay quanh các phương cách đối phó với những vấn đề không quan trọng. Không thấy ai đề cập đến những khiếm khuyết đã gặp phải trong các cuộc hành quân trước đây. Sự thật, nếu ai mang các vấn đề nầy ra bàn thảo thì không tránh khỏi đụng chạm đến thượng cấp. Do đó, các cuộc bàn thảo sơ khởi không đi đến đâu.Chủ tọa buổi họp cuối cùng nầy, Đô Đốc Yamamoto ngồi im lặng nghe, và sau cùng để kết thúc buổi họp, ông lên tiếng cảnh cáo sự khinh thường khả năng chiến đấu của Hoa Kỳ và đưa ra chỉ thị đơn giản:

- Phải che đậy hành tung của các hàng không mẫu hạm Nhựt

- Ưu tiên tận dụng sức mạnh không lực để chống lại địch quân

Tôi trở về tàu với tâm hồn trống rỗng, cảm thấy các buổi họp hoàn toàn vô bổ. Gặp Đại úy Shimizu, thấy mặt ông bí xị tôi hỏi: "Gặp rắc rối gì rồi, phải không?"

"Chúng tôi vừa để xẩy một con cá. Ba ngày nay, hạm đội siêu đẳng của chúng ta đã làm lũ cá quanh hòn đảo san hô nầy khiếp đảm."

Vào ngày 9 tháng 9, Hạm Đội Hổn Hợp rời khỏi Truk, và khu trục hạm Amatsukaze gia nhập trở lại lực lượng đặc nhiệm Nagumo. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tiến công xả láng Guadalcanal vào ngày 12 tháng 9, đồng lúc với cuộc tấn công của tướng Kawaguchi trên bộ. Tuy nhiên, chúng tôi phải nằm chờ qua đêm 12 để đợi tin tức dứt khoát xem có phải các phi trường ở Guadalcanal hiện nằm trong tay quân Nhựt hay không. Ngày kế đó, chúng tôi lại tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi, cho đến quá nửa đêm, Tổng Hành Dinh Hải Quân ở Rabaul gọi vô tuyến báo tin: "Theo các phi cơ thám thính, các phi trường ở Guadalcanal dường như nằm trong tay các lực lượng của chúng ta."Sáng sớm ngày hôm sau, bảy phi cơ thám thính của chúng tôi trở về với đầy đủ các báo cáo trái ngược hẳn với tin tức của Rabaul. Cuối cùng, vào ngày 15, công điện mong đợi cũng đã đến tay chúng tôi, do Kawaguchi gởi. Theo đó lực lượng của ông đã gặp sức chống cự dũng mãnh của địch quân, chịu đựng thiệt hại nặng nề, và bắt buộc phải bỏ rơi các phi trường.Buổi chiều cùng ngày, phi cơ tuần thám và các tiềm thủy đỉnh của chúng tôi báo cáo một lực lượng đặc nhiệm hùng hậu của địch quân, gồm nhiều hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm, ở cách Đông Nam Guadalcanal 260 dậm. Thiếu tá Takaichi Kinashi, hạm trưởng của tiềm thủy đỉnh I.19, qua một "công điện vui vẻ đầu tiên" trong tuần lễ đầy đen tối nầy, cho biết tàu của ông đã phóng thủy lôi đánh chìm hàng không mẫu hạm Wasp của Hoa Kỳ. (Wasp bị trúng 3 trái thủy lôi của I.19 vào ngày 16 tháng 9, hư hại trầm trọng, nên sau khi di tản thủy thủ đoàn, chiếc tàu được khu trục hạm Lansdowne của Hoa Kỳ ban thêm nhiều phát thủy lôi "ân huệ" để nhận chìm hẳn).Lực lượng của chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng và nôn nóng chờ đợi thử sức với hạm đội của địch quân. Nhưng sau một tuần chạy lang thang, tất cả chiến hạm Nhựt đều gần cạn nhiên liệu. Chúng tôi phải lấy thêm nhiên liệu từ các tàu chở dầu ở một hải vực cách phía Bắc Guadalcanal 200 dậm. Công việc nầy đã mất hết ba ngày, vì vậy hi vọng đụng độ với địch quân của chúng tôi tiêu tan.Trong lúc đó, Đô Đốc Yamamoto cuối cùng cũng quyết định cần phải có một sư đoàn đầy đủ quân số để tăng viện cho các lực lượng Nhựt bị kẹt ở Guadalcanal. Do đó, sau khi tiêu thụ một số nhiên liệu khổng lồ mà không thâu hoạch được một lợi lộc gì cả, Hạm Đội Hổn Hợp quay trở lại Truk để chờ đợi quân. Cũng trong thời gian nầy, Yamamoto ra lịnh cho Đề Đốc Kakuji Kakuta, hiện đang đảm trách về việc huấn luyện 3 hàng không mẫu hạm mới trong hải phận Nhựt, đem các tàu của ông đến Truk càng sớm càng tốt. Yamamoto cũng quyết định ngưng các cuộc hành quân để chờ đợi Đệ Nhị Hạm Đội của Kakuta. Cho mãi đến ngày 9 tháng 10, hạm đội nầy mới đến được Truk. Do đó, sau khi địch quân đổ bộ lên Guadalcanal, Nhật Bản mất hai tháng tròn mới chuẩn bị được một lực lượng phản công đầy đủ.

4

Một nhà quân sự tài ba của Trung Hoa đã viết: "Một chiến thuật gia khôn khéo có thể ví như một con rắn: đầu bị đánh thì đuôi sẽ dậy, còn đuôi bị đánh thì đầu sẽ dậy. Còn nếu bị đánh ở giữa thì đầu và đuôi của nó đều dậy."

Tháng 10 năm 1942, Hạm Đội Hổn Hợp của Đô Đốc Yamamoto lần đầu tiên áp dụng "xà trận" nầy. Đầu của con rắn là Lực Lượng Đặc Nhiệm của Nagumo, thân con rắn là phân đội riêng của Yamamoto, và đuôi của con rắn là các chiến hạm mới đến, dưới quyền chỉ huy của Đề Đốc Kakuta. Hàm răng sắt của Nagumo là hai hàng không mẫu hạm Zuikaku và Shokaku (29.800 tấn mỗi chiếc và tổng số trang bị và chuyên chở lên đến 40.000 tấn). Đây là hai hàng không mẫu hạm tối tân nhất của Nhựt Bản thời ấy, gồm toàn thủy thủ đoàn và phi công chọn lọc. Thêm vào đó còn các hàng không mẫu hạm biến bải Hiyo, Junyo (mỗi chiếc 27.500 tấn) và Zuiho (13.100 tấn) của Đề Đốc Kakuta. Các chiếc tàu sau gồm thủy thủ đoàn và phi công mới huấn luyện, nhưng dưới bàn tay trui rèn của Kakuta, sự thiếu kinh nghiệm của họ cũng được bù đắp phần nào. Kakuta là một vị Đề Đốc trẻ tuổi nhứt dưới quyền của Yamamoto, và là một tay chiến đấu chưa hề biết lùi bước. Ông đến Truk với ý định phục thù cho hàng không mẫu hạm Ryujo, chiếc tàu mà ông từng chỉ huy trước đây. Theo Kakuta, Ryujo sở dĩ bị đánh chìm trong trận hải chiến ở Đông Solomon là do sự cẩu thả của giới chỉ huy cao cấp của Hải Quân Nhựt. Ông cũng tỏ ra tức tối cuộc đại bại ở Midway. Lúc đó ông đang bận chỉ huy lực lượng 2 xung kích tấn công các đảo Aleutian, nên không rảnh tay để nhảy vào tham chiến. Trong trường hợp nầy ông không khác nào cái đuôi con rắn bị kéo đi quá xa, nên không thể nào quật được khi cái đầu của nó bị đánh.Vào tháng 9 năm 1942, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia ở Đông Kinh ý thức được tình thế nghiêm trọng nên đã cho phép Yamamoto tập trung nổ lực vào cuộc hành quân Guadalcanal và "bỏ rơi" cuộc hành quân ở Palau. Do đó, ông có cơ hội trở thành "một chiến thuật khôn khéo" như lời của nhà quân sự tài ba Trung Hoa, nhưng ông không thực sự tự do để khai thác đầy đủ cơ hội nầy. Lục Quân vẫn giữ các quyết định tối hậu. Lục Quân đã chuyrn sư đoàn 2 Bộ Binh của họ đóng ở Java đến Rabaul và đòi hỏi "một cuộc hành quân phối hợp Hải Lục ở Guadalcanal". "Hành quân phối hợp Hải Lục" có nghĩa là lục quân cung cấp binh sĩ và vũ khí, còn hải quân chỉ có nhiệm vụ chuyển vận và yểm trợ mà thôi. Lục quân có trong tay phân nửa tổng số phi cơ chiến đấu của Nhật Bản, nhưng họ không cung cấp một chiếc nào cho cuộc hành quân nầy. Như vậy, ý niệm về một cuộc "hành quân phối hợp" của Nhựt khác xa của Hoa Kỳ. Khi cuộc hành quân đổ bộ Guadalcanal được chuẩn bị, các chiến hạm được mang danh là "Chuyến xe lửa tốc hành Đông Kinh"(tức các khu trục hạm) lãnh nhiệm vụ chuyên chở sư đoàn 2 Bộ Binh. Đây là các khu trục hạm thuộc Đệ Bát Hạm Đội của Đề Đốc Gunichi Mikawa ở Rabaul.Lực Lượng Đặc Nhiệm của Đề Đốc Kakuji Kakuta rời khỏi Truk vào ngày trước đó để bắn phá đảo Ndeni, thuộc nhóm phía Bắc Satan Cruz, vì chúng tôi cho rằng các thủy phi cơ của Hoa Kỳ hiện đóng tại đây. Nhưng trước khi chúng tôi đến địch quân đã rút đi hết. Chúng tôi quay lại phía Bắc quần đảo Solomon vào ngày 15 tháng 10, để kết hợp với lực lượng đặc nhiệm Nagumo đã rời Truk ngày 11. Các "chuyến xe lửa tốc hành Đông Kinh" của Đề Đốc Mikawa, qua tám chuyến chuyên chở vào những ngày từ 2 đến 11 tháng 10, đã đổ 10.000 binh sĩ của Sư Đoàn 2 lên Guadalcanal một cách suông sẽ và thành công đến nỗi gây kinh ngạc cho Đồng Minh. Trong thời gian nầy chỉ có một cuộc đụng độ nhỏ vào ngày 11 giữa hải đội 6 tuần dương hạm của Đề Đốc Aritomo Goto và Lực Lượng Đặc Nhiệm 64 của Đề Đốc Hoa Kỳ Norman Scott. Nhóm chiến hạm hộ tống bị lực lượng của Scott phục kích ở eo biển nằm giữa Savo và nhóm đảo Guadalcanal, và trận đánh nầy thường gọi là trận đánh Cape Esperance. Lực lượng Hoa Kỳ gồm 4 tuần dương hạm và 5 khu trục hạm trong khi Nhựt chỉ có 3 tuần dương hạm và 2 khu trục hạm. Cuộc quần thảo dữ dội kết thúc với hai chiến hạm Nhạt là Furutaka bị đánh chìm và tuần dương hạm Aoba bị hư hại nặng, phía Hoa Kỳ có khu trục hạm Duncan chìm, khu trục hạm Farenholt và hai tuần dương hạm Salt Lake City và Boise hư hại nặng. Sự thiệt hại to tát của Nhật Bản trong trận đánh nầy là cái chết của Đề Đốc Goto, nhưng cũng có cái lợi là đuổi sạch tàu chiến của Hoa Kỳ trong hải vực nầy. Do đó, phó Đô Đốc Takeo Kurita có thể đưa hai thiết giáp hạm Kongo và Haruna của ông tiến sát vào bờ biển Guadalcanal vào đêm 13 thán 10 để mở các cuộc pháo kích và cánh sườn của địch quân. là bước đầu phế bỏ chánh sách "cất giữ" thiết giáp hạm do Yamamoto chủ trương trước đây. Trong các cuộc hành quân đã qua, ông luôn luôn từ chối đưa các thiết giáp hạm đến gần các khu vực chiến đấu. Và trong cuộc hành quân nầy, Yamamoto cũng tận dụng không yểm, phát xuất từ một phi trường ở Bougainville, cho thấy là bài quyết định đã được ông đánh xuống. Lúc 23 giờ ngày 13 tháng 10, hai thiết giáp hạm, mỗi chiếc 27.500 tấn, tiến vào cách bờ biển trong vòng một dậm, với vận tốc trung bình 18 hải lý, và cả 16 khẩu trọng pháo đồng loạt nả 918 trái đạn và phi trường của địch quân. Phi trường bốc cháy suốt 24 tiếng đồng hồ. Trước màn ngoạn mục nầy, tất cả binh sĩ đã đổ bộ lên Guadalcanal đều phấn khởi và thúc giục Yamamoto "trình diễn" một lần nữa. Yamamoto đồng ý, và đêm sau hai tuần dương hạm Chokai và Kinugasa của Đề Đốc Mikawa chạy dọc theo bờ biển, dập phi trường địch thêm 753 trái đại pháo nữa. (Thiết Giáp Hạm Kongo và Haruna cùng lớp, trọng tải 27.500 tấn, hạ thủy năm 1915, lớp thiết giáp hạm nầy gồm 4 chiếc Kongo, Hiei, Haruna và Kirishima, nguyên thủy được xem là thiết giáp tuần dương hạm, trang bị 8 đại pháo 350 ly, 16 đại pháo 150 ly và nhiều loại vũ khí khác, nó đạt tốc độ 30 hải lý (sau khi cải tiến lại trong thập niên 30), thủy thủ đoàn 1437 người, cả 4 chiếc đều bị đánh chìm trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Hiei và Kirishima bị đánh chìm ở Guadalcanal, Kongo mất trong trận Leyte còn Haruna sau khi đào thoát được về quân cảng Kure và buông neo trốn trong quân cảng cũng không thoát các phi cơ của Lực Lượng Đặc Nhiệm 58 của Hoa Kỳ, nó bị đánh chìm vào ngày 28 tháng 7 năm 1945, chưa đầy một tháng sau Nhật đầu hàng)Trong các ngày nầy hải quân đảm trách những công việc nhẹ nhàng, và chỉ có một nhiệm vụ được xem là quan trọng, đó là nhiệm vụ tải võ khí nặng để trang bị cho quân đổ bộ. Trong khi đó, lực lượng của Hoa Kỳ đã bắt đầu phản công. Vào ngày 15 tháng 10, phi cơ Hoa Kỳ đã đánh chìm hoặc gây hư hại cho 6 tàu chuyển vận của Nhật Bản. Và sáng sớm ngày 17, hai khu trục hạm Hoa Kỳ đã pháo kích cháy nhiều tàu tiếp tế của Nhựt, và buổi trưa cùng ngày, 7 oanh tạc cơ trở lại "dọn dẹp" thêm một lần nữa. Vì thiếu phương tiện cơ động để nhanh chóng chuyển đồ tiếp tế từ tàu lên bờ cất dấu tại những nơi an toàn, Nhật Bản đã phải chịu đựng sự thiệt hại nặng nề. Chúng tôi chỉ biết nhìn ngọn lửa bốc cao mà lắc đầu.Các chiến hạm Hoa Kỳ sau khi hoàn tất nhiệm vụ đã rút lui và bị phát hiện cách phía Nam Guadalcanal 110 dậm, nhưng lực lượng Kakuta lại nằm cách phía Bắc hòn đảo 200 dậm, thành thử không thể nào truy đuổi được.

Khi Yamamoto tăng cường trong khu vực, địch quân đã hành động đúng theo Tôn Tử binh pháp: "Khi đương đầu với một lực lượng địch quân mạnh mẽ, phải chờ lúc tinh thần của lực lượng đó suy vi mà đánh... một lực lượng vừa phất cờ giống trống ra quân bao giờ cũng hăng hái, chúng ta nên tránh né. Lực lượng nầy sẽ mệt mõi và biếng nhác hẳn khi trên đường trở về điểm xuất phát, đây là lúc nên đánh."

Hai lực lượng đặc nhiệm hải quân Nhựt đã ở trên hải vực phía Nam quần đảo Solomon hơn một tuần lễ mà không hề đụng một trận nào có thể gọi là dữ dội với địch quân, thành thử đã bắt đầu uể oải, tinh thần hăng hái trước đó tan biến dần.

Đồng thời, đến ngày 20 tháng 10, chúng tôi cũng đã hết kiên nhẫn trong việc chờ đợi các lực lượng đổ bộ ở Guadalcanal mở một cuộc tấn công toàn diện. Sư đoàn 2 Bộ binh, hiện có mặt trên đảo Guadalcanal, chính là sư đoàn chiếm đóng Nam Kinh trong cuộc chiến tranh Hoa Nhựt trước đây, và gây nhiều tai tiếng không tốt cho Nhật Bản qua các hành động dã man và hãm hiếp của họ trong thành phố nầy. Mới đây, sư đoàn nầy cũng đã đánh chiếm Java một cách dễ dàng. Nhưng ở Guadalcanal sư đoàn đành phải bó tay một cách không ngờ trước khí hậu độc địa và địa thế hốc búa trên hòn đảo. Hiện tại, với hơn phân nửa trang bị vừa mới đưa đến đã bị chiến hạm và phi cơ của Hoa Kỳ thêu rụi, sư đoàn đang chiến đấu trong tình cảnh nguy ngập thực sự.Nhưng mặc dù tình thế của bộ binh nguy ngập như vậy cuộc phản công dự định vào ngày 20 tháng 10 lại đình hoãn trong lúc hải quân đã thấy chán nãn vì bị chôn chân một chổ. Và không may hơn nữa, hàng không mẫu hạm Hiyo, soái hạm của Đề Đốc Kakuta, bị trục trặc máy móc vào ngày 22 tháng 10, sửa chửa cách nào cũng không được. Hàng không mẫu hạm nầy nguyên thủy sử dụng kiểu máy móc của một chiếc tàu vận tải, vì vậy trước đó nó cũng không đầy đủ khả năng của một hàng không mẫu hạm. Kakuta đã dời bộ chỉ huy sang hàng không mẫu hạm Junyo và ra lịnh cho chiếc Hiyo trở về Truk. Trên hải trình trở về chiếc Hiyo không thể nào chay nổi quá 6 hải lý một giờ.Một cuộc tấn công dữ dội đang được Hoa Kỳ sắp xếp nhằm vào hải quân Nhựt hơn là nhắm vào các lực lượng Nhựt đã đổ bộ lên đảo Guadalcanal. Hiện thời Lực Lượng Đặc Nhiệm của Kakuta chỉ còn một hàng không mẫu hạm. Chiếc Zuiho được chuyển đến cho lực lượng đặc nhiệm của Nagumo trước đó. Như vậy khúc đuôi của "con rắn" đã mất hết hai phần ba sức mạnh. Các lực lượng hăng hái và khỏe mạnh của Hoa Kỳ đang trong tư thế sẵn sàng khai chiến. (Hàng Không Mẫu Hạm Hiyo và Junyo, cả hai chiếc đều biến cải từ tàu vận tải lớn vào năm 1940, sau khi hoàn tất trang bị và thử nghiệm nó được đưa sang tham gia chiến dịch ở Guadalcanal, chiếc Hiyo hư máy phải về Nhật sửa chữa và hoạt động động lại vào đầu năm 1943, chiếc nầy bị đánh chìm trong trận Leyte, nó thuộc hạm đội "chim mồi" của Đô Đốc Ozawa. Junyo thì may mắn hơn, tham gia trận đánh Santa Cruz sau Guadalcanal và các chiến dịch lớn khác, và ngoạn mục nhất là sống sót qua trận Leyte trong khi các mẫu hạm hiện đại nhất Taiho và hai mẫu hạm vinh quang Zuikaku và Shokaku cùng các tiểu mẫu hạm khác đều bị đánh chìm. Cả hai chiếc Hiyo và Junyo đều được trang bị pháo khẩu 130 ly để tự về và hơn 80 khẩu phòng không 25 ly, sang năm 1944 nó còn được trang bị các dàn rocket 130 ly và có khả năng mang theo 53 máy bay các loại, thông thường là 12 Zero, 18 Val và 18 Kate. Hàng không mẫu hạm Zuiho, đây là mẫu hạm nhẹ cùng loại với chiếc Shoho bị đánh chìm ở trận hải chiến biển San Hô, 14.200 tấn, nguyên thủy là một tàu dầu hạ thủy năm 1934 đến năm 1940 được sửa đổi thành một tàu chở tiềm thủy đỉnh tốc độ cao, nhưng sau đó vì mục đích xây dựng lực lượng hàng không mẫu hạm quan trọng hơn nên nó được chuyển đổi một lần nữa thành mẫu hạm hộ tống hạng nhẹ mang được 30 máy bay, trang bị súng 130 ly và 56 khẩu phòng không 25 ly. Zuiho tham chiến ở các chiến dịch tấn công Phi Luật Tân và cuộc hành quân Midway nhưng không đụng độ với Mỹ nhiệm vụ của Zuiho là hộ tống. Tháng 10 năm 1942, Zuiho tham gia trận đánh Santa Cruz và bị trúng bom từ các oanh tạc cơ SBD, sức nổ phá tan gần như đường băng sân bay và nó bị loại khỏi vòng chiến, tuy nhiên sau khi sửa chưa tháng 1 năm 1943 Zuiho quay lại Guadalcanal một lần nữa kết hợp với Zuikaku và Junyo tấn công Guadalcanal. Sau chiến dịch ở Guadalcanal, Zuiho bị đánh chìm trong trận đánh ở vịnh Leyte.)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro