12;

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cửa tiệm bán lụa duy nhất trong huyện đã đóng cửa, nghe đâu vì chuyện cái chết của ông Tam, người làm của Thôi phủ mà bà chủ cùng nhân viên đã dọn đi ngay ngày hôm sau, dù biết rằng nếu ở lại thì họ vẫn có thể tiếp tục buôn bán nhờ có Thôi gia là khách quen, nhưng thực chất ai cũng ý thức được rằng sự việc chắc chắn không dừng lại ở đó.

Cái chết kinh khủng ấy rõ ràng chỉ là khởi đầu cho một chuỗi các vụ án mạng liên hoàn đằng sau.

Khuê đứng trầm ngâm nhìn vào căn nhà trống vắng, toàn bộ đồ đạc đều đã được chuyển đi hết, bà chủ còn không màng khóa cửa lại mà cứ để đấy rời đi, cánh cửa gỗ lắc lư theo từng đợt gió thổi phát ra âm thao kẽo kẹt rợn người.

Vốn dĩ em biết bà ta đã không còn ở đây nhưng Thôi phu nhân lại bảo em đi mua lụa, bà cần một khúc lụa đỏ thật đẹp, thật mềm mại để may quần áo mới chuẩn bị cho cái tết gần kề. Cho nên em vẫn nghe theo bà, vẫn đến đây.

Tháng cuối năm mang đến cái lạnh giá rét tràn qua những hàng cây xơ xác lá, tiếng quạ kêu từng hồi khuất sau lớp sương mù dày đặc càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt. Khuê đứng một lúc rồi cũng rời đi, em cũng không biết mình nhìn là nhìn cái gì, nhìn vào sự thật trần trụi trước mắt hay đang nhìn vào một thứ gì đó mơ hồ?

Vừa định quay về nhà, em chợt nghe thấy tiếng động phát ra từ con hẻm bên cạnh, một người đàn ông nhỏ thó vai đeo giỏ mây, tay cầm gậy lững thững bước ra.

Nhìn thấy Khuê, người đàn ông khó nhọc đi đến gần, bước thấp bước cao, không nhanh không chậm hướng về phía trước.

Bước thứ nhất,

Bước thứ hai,

...

Bước thứ bảy.

Đếm đúng bảy bước chân, gã khập khiễng mặt đối mặt với Khuê. Gã cẩn thận quan sát em, sau đó mở miệng, những thanh âm cũng ngọng nghịu khó nghe giống y như những bước đi chân thấp chân cao của gã.

"Lạy cậu, con ở xa lưu lạc đến nơi này, đã ba ngày chưa có gì bỏ bụng, lạy cậu thương xót bố thí ít đồng lẻ để sống sót qua ngày."

Khuôn mặt gã hốc hác, cả người gầy gò như một bộ xương khô, từ người gã bốc lên một thứ mùi ngai ngái tanh nồng, thứ mùi ấy khiến em nhíu mày, vì nó đặc sệt và nặng nề, nhưng ngửi kĩ, lại thấy có chút quen quen.

Lục tìm trong giỏ, khi nãy có đi ngang một hàng bánh bao, nhớ đến con bé người hầu nên mua vài cái mang về cho nó, lấy ra hai cái vẫn còn ấm, em đưa đến trước mặt gã, gã đưa hai tay đón lấy, những ngón tay gã nhăn nhúm như ngâm trong nước lâu ngày, móng tay đen sì lở loét. Em cụp mắt, lấy thêm ít tiền đưa cho gã, có muốn thì em cũng không còn gì nhiều để mà cho nữa, số tiền còn lại phải mang về trả cho Thôi phu nhân.

"Đội ơn cậu, con lạy cậu,..."

Vừa nói gã vừa quỳ sạp xuống, Khuê hốt hoảng đưa tay giữ gã lại, dù gì gã cũng già nua rồi, để một người có tuổi quỳ trước mặt mình khiến em không sao thoải mái được, dù cho vốn dĩ với địa vị hiện giờ thì những chuyện này là vô cùng bình thường.

"Cụ đừng như thế ạ, cũng đừng xưng con, như thế con khó xử lắm."

Nói rồi em đỡ gã ngồi xuống bên cạnh bờ tường, có lẽ không thể cưỡng lại được mùi hương và hơi ấm từ hai cái bánh, gã cúi đầu ngấu nghiến chúng, vụn bánh rơi đầy dưới mặt đất. Em yên lặng quan sát, trời cuối năm gió rét mà gã chỉ mặc độc một cái áo mỏng tang rách rưới, cái chân què quặt đầy lở loét sưng đỏ lên vì tiết trời hanh khô, em thở dài cởi áo khoác của mình đắp lên cho gã, cũng xem như đồng cảm với cái nghèo đói mà chính mình từng trải qua.

Duy chỉ có một điều làm em chú ý, trên cổ gã có đeo một cái vòng bạc trắng, kể cả khi bị lẫn trong lớp áo bẩn thỉu, nó vẫn tỏa ra thứ ánh sáng nhè nhẹ.

Có lẽ là thứ vô cùng quan trọng, cho nên dù có bần cùng đói khát, gã cũng quyết không đem bán lấy tiền.

"Cậu tốt quá, thật hiếm khi gặp được người tốt như thiếu gia đây." Gã đã ăn xong hai cái bánh, nhìn cái áo đắp trên người, giọng gã rối rít, ồn ồn. "Nhờ có cậu mà lão già này mới qua được cơn chết đói, ơn cứu mạng này sẽ không bao giờ quên."

Thấy gã chắp tay tính lạy lục, em lập tức ngăn lại.

"Con cũng đã từng giống như cụ, giờ đây khắp nơi loạn lạc, giúp đỡ nhau là chuyện nên làm mà."

Tiếng quạ lại vang lên trên mấy ngọn cây trụi lá, Khuê cúi đầu tạm biệt người đàn ông để trở về, nhưng vừa đứng dậy, em đã cảm thấy góc áo bị níu lấy.

"Tiền bạc thì tôi không có, nhưng lúc còn trẻ có học qua chút ít thuật bói toán. Nếu thiếu gia không chê, để lão già này xem một quẻ, được không?"

Khuê tần ngần một lát, thấy cũng không mất mát gì nên lập tức ngồi xuống đối diện gã, lúc này gã mới thú nhận, thật ra gã là thầy bói hành nghề bói toán nay đây mai đó. Nhưng thời buổi chiến tranh loạn lạc, người ta quan tâm chuyện sống chết trước mắt hơn là những điều sẽ xảy ra sau này, cho nên gã mới lang bạt tới đây.

Gã thầy bói lấy trong cái giỏ mây ra một cái đĩa đã sờn cũ và hai đồng tiền đài, mặt trong đĩa chạm khắc hình thập nhị địa chi, gã nhìn xung quanh, kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ hai đồng âm dương, sau đó nhắm mắt lầm bầm mấy câu khấn vái trong miệng. Bốn bề im lặng như tờ, tịch dương rải những tia nắng đỏ rực như lửa cháy từ phía chân trời đến mặt đất, không có tiếng gió, không có quạ kêu, không tiếng người chuyện trò, tất cả đều như tách biệt khỏi cõi phàm trần.

Khuê quỳ đối diện chăm chú quan sát từng hành động. Gã nhắm mắt rồi mở mắt, buông hai ngón tay, xèng một tiếng, hai đồng âm dương nhảy múa trên cái đĩa nhỏ trước mặt. Chậm dần, chậm dần rồi dừng hẳn.

Cả ba lần gieo đều là thủ Âm, tức, ba lần đều mặt sấp.

Gã thầy bói nhíu mày thở hắt ra một hơi xem chừng nặng nề lắm, rồi gã lắc đầu.

"Điềm gỡ, là điềm gỡ."

Điềm gỡ?

Khuê hơi hốt hoảng, thời điểm này mà gặp điềm gỡ thì chẳng phải đang gián tiếp nói, kẻ tiếp theo phải bỏ mạng là em hay sao?

"Xin, xin cụ nói rõ hơn, con sắp gặp phải chuyện gì ạ?"

Nhìn chằm chằm hai đồng âm dương đương nằm trong dĩa, gã nhịp tay lên chân, hắng giọng, "Đây là quẻ rất xấu, nhưng, tôi chưa từng nói là xem quẻ cho cậu."

Em ngạc nhiên nhìn gã, vậy, là xem cho ai?

"Quẻ này gieo, là để xem cho nơi mà cậu đang sống."

Thôi phủ, hai chữ ấy lập tức bật ra trong đầu em.

'Song quân đánh dấu ngoài đồng,
Máu đen, máu đỏ vô cùng đau thương.
Ba lần sấp cả âm đường,
Khó mà giữ được tai ương sau này.'

Giọng gã khàn đặc, gã giương đôi mắt ếch nhìn về phía xa, em biết, đó là hướng của Thôi phủ.

Vậy là Thôi gia sắp gặp đại nạn, sẽ còn người chết, cũng có thể, sẽ đi đến mức lụi tàn?

"Nếu đối chứng, quẻ này rất giống với quẻ Bác đứng thứ 23 trong Kinh Dịch, là quẻ Hung. Bác lạc, suy tàn, chiêm đoán điềm xấu sắp tới."

Ngừng một chút, gã vuốt chòm râu bạc trắng, chầm chậm nói.

'Bí giả sức dã.
Chí sức nhiên hậu
Hanh tắc tận hỹ.
Cố thụ chi dĩ Bác
Bác giả Bác dã.' (*)

Tất nhiên những thứ này Khuê nghe không hiểu, em nghiêng đầu, gã biết ý, không để em phải lên tiếng, gã đã tự mình trả lời.

"Âm khí tăng, dương khí giảm, tà thuyết thịnh, chính đạo suy. Là thời kỳ mà nơi kinh thành thì thiếu lãnh tụ anh minh, ngoài đồng nội vắng hiền nhân, quân tử."

Đến lúc này em nhận ra, lời của gã thầy bói nào chỉ hướng đến một mình Thôi gia, là hướng đến cả huyện Triêu Hà, cả xứ Đàng Trong. Hơn hết, là cả Đại Việt này.

"Trời đất, quốc gia, cũng như con người chúng ta luôn tuần hoàn, đầy rồi lại vơi, vơi rồi lại đầy, thịnh thế rồi suy vong, nhưng đến thời kỳ Bác là thời kỳ vong quốc."

Thời quẻ Bác là thời khốn khổ nhất, suy vi nhất. Trong tình cảnh này con người tha hương, đói khát, không nhà ở, không thân thích mà chết dần chết mòn, vì thế mà con người rất dễ bị sa ngã đến nỗi thân tàn, ma dại; Còn có, những ai đang cầm quyền tự xưng kẻ bề trên, không lo cho dân mà chỉ biết chạy theo những hoàng quyền loạn thế. Dân chúng lầm than như núi mất đất, không có điểm tựa, sớm muộn gì cũng rơi vào suy vong mà lụi tàn.

Những điều này Khuê hiểu, vì nó quá rõ ràng, đất nước chia năm xẻ bảy, có kẻ khao khát tranh giành vương vị trên lầu cao, có người lần mò giành giật từng miếng ăn dưới đống đổ nát. Sống trên cùng một mảnh đất nhưng lại hoàn toàn không giống nhau.

"Nơi mà cậu đang ở, thật ra không bình thường."

Em giật mình, em biết chuyện đó chứ, nhưng vẫn vờ hỏi lại, "Ý của cụ, không bình thường là sao?"

Gã thầy bói bật cười khanh khách, giọng cười nghe thật chói tai, gã nâng cây gậy chỉ về phía xa, về phía Thôi phủ mà nói, "Muốn biết có gì không bình thường, thiếu gia nên tự tìm hiểu. Nhất, là trong căn phòng thờ của nhà họ Thôi."

Khuê ngẩn người, làm sao gã biết đến căn phòng đó, gã đã từng đến phủ rồi hay sao, mà tại sao lại bảo em đến đó tìm hiểu?

"Nơi đây sắp tới chắc chắn sẽ gặp họa sát thân, có khi, là sát cả huyện này."

Đương lúc em đang chìm trong mớ suy nghĩ, gã thầy bói nói xong một câu, khi em quay sang, gã đã biến đi đâu mất.

Chớp mắt cái, cả người như tan biến, như thể gã chưa từng xuất hiện tại nơi đây.

Giống hệt như thứ kì lạ mà em đã đi theo vào đêm cuối tháng Mười, không rõ những gì vừa xảy ra là thực hay mơ.

Khuê đứng dậy quay trở về phủ, lời gã thầy bói vẫn văng vẳng bên tai, một cảm giác nhộn nhạo dâng lên trong lòng, nó mách cho em biết, sắp tới, thể nào cũng sẽ có chuyện xảy ra.




























.

(*): 'Khi mà văn vẻ đàng hoàng,

Quá hay, rồi cũng sẽ tàn, sẽ suy.

Cho nên Bác tiếp chu kỳ.

Bác là bác lạc, suy vi, điêu tàn.'

Quẻ Bác là một trong 12 quẻ dùng để chỉ sự vận chuyển tuần hoàn của guồng máy Âm Dương, của tiết khí, cũng như dùng để mô tả sự doanh hư, tiêu tức, sự thịnh suy, thăng trầm, tụ tán của vũ trụ và vạn vật.

Bác là lúc mà vật đạo thịnh, thiên đạo suy; bao nhiêu cái hay, cái đẹp đều chạy ra ngoài bì phu, đều dồn cả vào vật chất. Đó là thời kỳ mà nhân loại chạy theo dục vọng, tiền tài, bỏ cái gốc là đức hạnh, mà chạy theo cái ngọn là danh lợi. Xét về phương diện vật chất, thì đó là thời kỳ huy hoàng nhất, nhưng xét về phương diện tinh thần, thì đó là thời kỳ sa đọa nhất. Đó là thời kỳ tiểu nhân đánh trống, phất cờ, còn quân tử thì lao đao, lận đận, chạy được miếng ăn đã khó, giữ được thân là may.

'Bác là bác lạc, suy tàn', Âm khí tăng, Dương khí giảm, tà thuyết thịnh, chính đạo suy. Đó là thời kỳ mà nơi kinh thành, thì thiếu lãnh tụ anh minh, ngoài đồng nội vắng hiền nhân, quân tử. 

Tham khảo: https://nhantu.net/DichHoc/THUONGKINH/23Bac.htm

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro