5.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

_

Khuê là một thằng nhỏ dạn dĩ.

Có lẽ không quá vội để Thuân nhận xét như thế, anh thấy ở nó bản chất vô tư và đơn thuần. Thầm ví Khuê như một chú sẻ thông, nhỏ bé và sự xuất hiện của chúng thường khiến bạn dấy lên xúc cảm vui vẻ mà chính bản thân cũng khó mà nhận ra. Cả mái đầu chấm vai loe hoe hung đỏ dưới sắc nắng, đôi chân thon gầy thoắt cái đã ở bụi cây này, thoắt cái đã nhảy sang vẹn đường đầy hoa cỏ kia. Miệng nó tíu tít không ngừng với anh về mọi điều trên từng dấu chân mà cả hai đã đi qua.

Khuê tựa hệt một chú sẻ mà phải không.

࿐ ࿔

Tản bộ một hồi, Khuê đã dắt Thuân đến bãi tắm dành cho khách du lịch.

Men theo bờ cát, Khuê dừng chân ở cái chòi lợp mái bằng mấy tấm cọ khô, kích thước của nó đủ để làm bóng mát và che đi ánh nắng ngày càng gắt từ quả cầu lửa ngày một lên cao kia. Ở dọc khu bờ biển này còn vài ba cái chòi như vậy, người ta mở dịch vụ kinh doanh mấy vật dụng lặn biển hay đồ tắm, đồ ăn vặt, hoặc đại loại thế. Mỗi chòi đều có cái bảng hiệu in tên vật phẩm kèm theo giá cả.

Thuân đánh mắt nhìn bao quát, lại nhìn về cái chòi bé xinh nơi mình đang đứng, vẫn là sạp bán của Khuê đi đúng tinh thần thủ công mỹ nghệ nhất. Bảng hiệu làm từ gỗ ép ván, sơn vẽ tỉ mỉ dòng chữ Vọng's Memories được gắn thẳng thớm ở giữa thanh ngang của mái lợp.

"Sao cậu không để tên của mình làm thương hiệu? Người ta sẽ nhớ đến tên cậu, và cậu là người làm ra sản phẩm".

Khuê đứng bên trong chòi, đang lúi húi mở mấy tấm bạt che phủ gian sạp.

"Em muốn người từ nơi khác đến đây khi rời đi sẽ nhớ đến Vọng, em muốn họ nhớ về Vọng hơn. Chính là Vọng tạo ra những món đồ họ đeo bên mình".

Họ nhớ Vọng, họ sẽ về thăm Vọng.

Thuân là người quan sát tốt, thấy Khuê thao tác dọn hàng cũng liền bắt tay phụ Khuê tháo gỡ tấm bạt lớn che phủ gian trước của chòi.

Khuê nói tiếp.

"Nếu người ta thậm chí nhớ tới Khuê là người làm ra những món đồ đó, Khuê sẽ vì vậy mà vui hơn".

Thì ra, Khuê cũng là một người có tầm nhìn và luôn mong mỏi mọi người nhớ đến quê hương của nó. Thuân gỡ nốt góc bạt bên phần còn lại của cái chòi xuống, mở ra toàn bộ gian hàng bé xinh của Phạm Khuê. Những chiếc treo gió làm từ các loại vỏ ốc, vỏ sò treo trên thanh gỗ vì va chạm với tấm bạt mà quấn lấy nhau, vang lên tổ hợp lách cách leng keng rất vui tai.

Thuân so các góc của tấm bạt lại với nhau, gấp gọn thành một khối chữ nhật rồi đưa cho Khuê. Khuê đùa rằng anh học việc thật là nhanh.

Khuê sắp xếp lại các dây chuỗi trên sạp trưng bày, và Thuân thấy được nó yêu lấy công việc và những thành phẩm mà nó làm ra nhường nào. Những chuỗi hạt được đặt ngay hàng thẳng lối, dải màu sắc đan xen có chủ đích, những mặt dây mang đủ hình thù của ốc gốm, ốc gai,... hay mấy cái phụ kiện đeo tay mang đầy hơi thở biển khiến người ta không khỏi có mong muốn sở hữu lấy một chiếc.

Tuy Thuân không am hiểu, cũng chưa từng nhìn qua loại hình trang sức này, nhưng nó thu hút Thuân và thôi thúc anh chạm vào. Thuân nhặt một chiếc vòng có màu sắc khá đầm so với những chiếc còn lại. Chiếc vòng đeo tay này được thắt bằng dây sáp với đủ sắc độ xanh dương, theo quy luật đậm nhạt tựa như màu sóng biển, điểm vài hạt gỗ màu trầm, gần nút thắt có xỏ thêm một chiếc vỏ ốc sứ làm điểm nhấn.

"Thường người ta sẽ nhặt lấy chiếc hợp mắt nhất mà xem. Anh Thuân, để em đeo cho anh!".

Khuê vui vẻ nhìn Thuân cứ ngắm nghía chiếc vòng, tự tin rằng nó đã lọt vào gout thẩm mỹ của anh.

"Bao nhiêu thế? Tôi mở hàng cho cậu". Thuân đưa tay cho Khuê, đồng ý có cho mình một phụ kiện đầu tiên trên tay.

"Em đã nói sẽ tặng cho anh Thuân một chiếc rồi mà!". Khuê hơi dẩu môi.

Khuê rút đoạn dây tăng đưa của vòng, nhẹ nhàng đưa nó xuống cổ tay Thuân, kéo hai phía nút thắt lại với nhau. Nó chỉnh cái vòng cho ngay ngắn, vỗ nhẹ lên mu bàn tay anh.

"Của anh Thuân xong rồi đó! Cho em xin năm trăm!". Khuê nhe răng nham nhở và nhận lại từ Thuân một cái hừ nhạt.

"Được. Tặng cậu phiếu ăn sáng trị giá năm trăm". Thuân xoay cổ tay phải tới lui, nhìn chiếc vòng theo cử động mà lắc lư, miệng vẽ một nét cười ưng ý.

࿐ ࿔

Dọn sạp bán xong xuôi cũng đã gần chín giờ. Tầm này khách đến bãi tắm cũng dần đông hơn. Từ chòi Khuê trông ra, những tốp người chuyển động cứ như những quân cờ nhỏ trắng đen trên bàn cờ vây, và biển rộng cát vàng như thể một bàn cờ khổng lồ.

Khuê thích biến hoá mọi điều xoay quanh cuộc sống qua lăng kính vạn hoa muôn hình vạn trạng và đa sắc màu của riêng nó.

Cha Nghiêm cao nghều, cha Nghiêm luôn vận những chiếc áo sơ mi đơn sắc mà mẹ Nhã may cho, cha Nghiêm trông giống ngọn hải đăng mà cho dù có cách Khuê ngàn bước chân, cha vẫn soi sáng, dẫn bước con đường mà Khuê đi. Mẹ Nhã trong mắt Khuê lại như bát cơm trắng, mẹ Nhã cho Khuê no ấm mỗi ngày, mẹ đong đầy yêu thương và Khuê từng ngày lớn lên nhờ có bàn tay mẹ. Hay thi thoảng chị Ánh Khoa đối với Khuê cũng như những ly nước mà chị bán, chị mang đến sự mát lành và dễ chịu cho bất cứ ai.

Tay Khuê không ngừng chà tấm giấy nhám, mài lên những góc xước của chiếc vỏ sò. Tay làm nhưng tâm trí không khỏi bâng quơ, nghĩ xem người đang ngồi kế bên sẽ có dáng hình thế nào trong lăng kính của mình.

Khuê nó không hay biết rằng, bản thân trong lăng kính của người kia đã mang dáng ảnh của một loài sẻ nhỏ bay lượn giữa khung thương bạt ngàn miền biển Vọng.

Chợt, có một chiếc bóng cao đổ xuống chắn đi ánh sáng của Khuê khiến nó ngước nhìn theo quán tính, trước mắt là một người thanh niên trẻ đang chăm chú xem các vật phẩm được bày biện. Khuê quan sát một lúc để vị khách được tự nhiên, thấy anh chàng ngẩng lên, có vẻ đã giao mắt với mình sau lớp kính râm, Khuê mới mở lời.

"Chào anh, đã có món nào rơi vào tầm ngắm của anh chưa ạ?". Nó mời chào một cách thoải mái pha chút dí dỏm.

Chàng trai kia làm điệu bộ ngó lên những chiếc treo gió, lại nhìn xuống quầy hàng, cuối cùng hướng tầm nhìn đối diện với Khuê.

"Hhmp? Chọn được rồi, chọn em".

Anh ta nói với chất giọng đầy cợt nhả khiến cho Khuê dù có lanh lẹ và liến thoắng đến mấy cũng phải ngưng trệ, sắc mặt thoáng lên sự bối rối.

Thuân ngồi bên cạnh, thầm buồn cười khi thấy thằng nhỏ này lần đầu bị người ta điểm huyệt đến mức không còn biết đáp trả, liền định dùng chút kinh nghiệm đàm phán giao thương ra giải vây cho nó thì vị khách gàn dở kia đã tiếp lời.

"Sao nào, chọn em có được không, Khuê?". Anh ta hạ hờ gọng kính xuống đường gồ của chiếc mũi cao, lộ ra cặp mắt tinh quái trêu ghẹo.

Khuê ngây ngốc phải trong ba tiếng đếm, rồi mới ngớ người ra.

"Anh..anh Vĩ? Là anh Vĩ ạ?".

Khuê lắp bắp, nó biết chắc chắn mình không thể nào nhận sai, nhưng vẫn không khỏi cảm giác thiếu tự tin khi gọi tên người này. Vị này cài hẳn kính râm lên đầu, tay luồn vào trong cổ áo ra một sợi dây chuyền mảnh có treo một mảnh sò màu xám xà cừ.

"Nào. Anh cho em đoán lại đấy!".

Khuê nhìn theo chiếc dây chuyền mà anh ta đưa ra, càng tiếp thêm tự tin hơn cho nó vào cái tên mà nó đã nói ra.

"Là anh Vĩ". Là anh".

"Phải rồi, là anh đây Khuê!". Anh ta mang theo ý cười, hồ hởi với Khuê.

Thuân khi nhận ra màn chào người quen của bọn họ, yên tâm xem tiếp báo điện tử để cho Khuê tự nhiên đón khách. Vài tiếng nói cười cứ thế làm nền cho không gian của sạp hàng Vọng's Memories.

"Khuê xem này, anh vẫn đeo nó suốt đấy em". Tay Vĩ chạm lên mảnh sò, anh ta mân mê nó một lát rồi nhìn quanh gian hàng.

"Dạ! Mới đó đã một năm rồi ha anh, anh lại đến cùng gia đình ạ?".

Khuê lấy lại phong độ của mình, đón tiếp khách quen nồng nhiệt. Anh Vĩ là khách du lịch. Mùa hạ năm qua đã mang anh đến xứ Vọng này, mang đến cho Khuê một người bạn ngắn hạn. Và khi anh rời đi, anh đem theo về hơn một món lưu niệm từ sạp hàng của Khuê.

"Ừ Khuê, anh đến cùng gia đình".

Tay anh lướt trên một sợi dây chuyền gần giống chiếc mà mình đang đeo, nó có đính mảnh vỏ sò ánh tím nhạt.

"Vừa đến Vọng anh liền nhớ đến em, nên anh tìm về gian hàng này đây! Khuê giúp anh chọn một chiếc hợp với chiếc dây đang đeo của anh nhé, anh muốn tặng chị nhà".

Từ chị nhà mà Vĩ phát ra như được anh ta phủ lên đó một lớp mật ngọt.

Hè năm trước, Vĩ cùng gia đình lớn đến thăm nơi đây, vật đổi sao dời chỉ trong một năm, anh đã có cho mình một gia đình nhỏ.

﹏𓊝﹏

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro