yeu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trái tim của biển.

Những con sóng bạc đầu vẫn căn tràn sức sống ầm ào đập vào bờ. Hùng mạnh là thế, oai phong là thế, nhưng khi va vào ghềnh đá, vỡ tung tóe muôn phương, nằm lại lòng biển mặn. Qua bao năm, bao chục năm, bao trăm năm, bao nghìn năm; sóng biển vẫn bạc đầu, vẫn hùng mạnh rồi lại yếu mềm; vẫn ầm ào vẫy vùng trong lòng mẹ bao la...

Tôi sinh ra là đứa con của biển, lọt lòng mẹ đã được gội sạch nhau thai bằng bọt biển? Có phải vậy không mà giờ đây tôi khỏe khoắn, vừa khỏe khoắn vừa yếu mềm như con sóng nghìn năm?

*********************

Xóm chài ven biển đếm được vài chục nóc nhà là liêu xiêu. Phên tre vách nứa dựng lên như thách thức với đất trời. Dân miệt khác đến bảo dân ở đây "chịu chơi", dám ngữa mặt ngữa lưng thách mưa thách nắng. Dân miệt biển than rằng: có giỏi gì cho cam, chẳng qua là nghèo, nên liều! Mà ăn thì nhiều chứ nằm bao nhiêu. Thậm chí có những người lang bạt kì hồ nay đây mai đó, chỉ cần tán cây hay mái hiên của thiên hạ, tạt vào đó cũng qua một đêm yên bình. "Nhà" của họ là vòm trời rộng lớn, gió giăng tứ bề. Giường chiếu của họ là vệ đường cón hắc mùi bụi đất, là vạt cỏ ngai ngái sương đêm. Một đêm yên bình hay bão tố rồi cũng sẽ qua đi. Trời sẽ lại sáng và họ sẽ lại tất bật với guồng quay mới của cuộc sống.

Nhưng nói thì nói vậy chứ lòng người miệt biển buồn nát ruột. Ông bà xưa dạy "an cư thì mới lạc nghiệp". Ở đây bao giờ sẽ mọc lên những ngôi nhà chắc chắn bằng gạch, bằng xi măng, vôi vữa? Bao năm rồi làng chỉ xam xám một màu mái lá rệu rạc. Bao giờ làng sẽ thắp lên ánh điện sáng choang như trên phố? Lâu lắm rồi làng vẫn leo lét vài chục ngọn đèn dầu, hay sang hơn một chút là đèn măng-xông.

Đêm thăm thẳm đen, thấp thoáng vài ánh đèn câu mờ mờ như đốm lửa trên biển. Đềm rằm. Ánh trăng chòang một lớp áo vàng lên biển, hắt lên màu sáng bạc, lấp lánh như tấm lưng con cá gắng vảy trắng lập lờ giữa biển vô cùng. Điện sáng là thế đấy! Điện của tạo hóa, điện của bầu trời, chứ không phải loại điện mà con người tại ra bằng nước, bằng gió...

Ở xóm chài tôi chơi thân với Hải nhất. Nhà tôi với nhà Hải chung vách. Hai gia đình rất thân nhau. Những đêm câu mực về sớm mà được dịp sáng trăng, ba tôi và ba hải lại khề khà trên khoang thuyền vài ly rượu trắng, vài con khô mực nướng vội và những mẫu chuyện về cuộc đời miên man không dứt. Tôi với Hải cùng tuổi, cả hai đều là con một, chơi chung từ dạo còn bò lung tung trong nhà nên lớn lên cũng mến tay mến chân. Chỉ có mỗi cái tội là luôn miện gọi nhau mày tao ngọt xớt! Hồi đó chẳng biết ngượng miệng là gì!!!

Buổi sáng tinh mơ còn nghe hơi sương pha lẫn vị mặn của muối lành lạnh, phảng phất trong không khí, mơn man qua làn da cũng mằn mặn nước biển, nổi gai. Ấy mà tôi thích. Hải cũng thích. Mà nghĩ cũng thật lạ, cái gì tôi thích Hải cũng bảo thích, cái gì tôi ghét Hải cũng nhăn mặt "không ưa được!". Người đời bảo lòng tham con người là vô đáy. Tôi là trẻ con nhưng túi tham cũng dài tận chân trời. Bằng cớ là cái gì cũng thích, chẳng biết tính trẻ con nó vậy hay là tại đầu óc chưa đủ lớn để còn biết lựa ra những cái gì mình không ưa được để liệt vào loại phế phẩm vứt khỏi túi tham?

Một ngày của trẻ con trôi qua có biết bao điều thú vị. Cái thú đầu tiên là tỉnh dậy lúc mờ sáng đậm tay ầm ầm vào vách, réo ầm lên: "Hải ơi, dậy đi bắt ghẹ..."và cố im lặng vài giây, nghe tiếng vặn mình răng rắc của thằng bạn trên chiếc giường ọp ẹp đặt sóng đôi với giường mình. Cái thú thứ hai buột phải kể đến là lúc hai đứa tung tăng là thủ lĩnh cả bọn con nít đi bắt ghẹ. Những con ghẹ khôn cãi trời chui rúc vào những kẻ đá lởm chởm răng cưa như san hô, Thò tay vào bắt, à không, phải nói là tóm lấy mai và kéo ra mới đúng, không khéo là trầy da tróc thịt như chơi. Hải là "dũng sĩ diệt ghẹ" mà cũng phải vài lần khóc mếu vì bị càng ghẹ lỉa chỉa gai đâm rách tây, rỉ máu. Còn tôi chẳng bao giờ ngu dại thò tay cho ghẹ chích. Kéo Hải ra đây, tôi leo tọt lên mỏm đá, ngồi chồm hổm như con cóc trên đó, "chỉ tay năm ngón" coi Hải bắt ghẹ. Phải bắt thế này này; ở kia kìa, đó, có con ghẹ bự ơi là bự đó, bộ cận hay sao không thấy?...

Thích nhất vẫn là những bận tắm biển, mà hầu như ngày nào cũng tắm. Vẫy vùng giữa biển bao la mặn nồng chẳng có gì sướng bằng. Ngâm mình dưới nước, dưới gió, dưới nắng, tất cả những thứ đó đã phủ lên thân thể tôi một lớp vỏ bọc đen huyền, bóng mịn và rắn chắc cái mà sinh học gọi là lớp da. Hải cũng đen, cũng khỏe khoắn, ngày càng nỗi rõ những cơ bắp khỏe cuồn cuộn như đợt sóng biển. Hải bảo đấy là đặc ân của biển. Mà đã là đặc ân của ai ban cho thì mình phải biết quý. Vậy mà khi bước vào tuổi trăng tròn, tôi lại phũ phàng chối bỏ nó, sợ nó như sợ một thứ cực hình phải mang vào!

Ngày tôi vào lớp mười, xúng xính trong bộ áo dài trắng như bọt biển mẹ mới mua cho, chưa kịp vui thì đã vội buồn. Tôi ngắm mình trước gương: một cái cột nhà cháy được quấn vải trắng! Tôi cởi phăng chiếc áo, liệng xuống giường... Òa khóc! Khóc nức nở như bị ai đó phạt đòn. Mẹ hốt hoảng. Hải cũng hốt hoảng không hiểu tại sao tôi tấm tức. "Con không thèm mặc áo dài. Con đen thui như vầy, bắt mặc áo dài trắng toát đó... giống ai!". Hải bật cười: "Đen đâu mà đen, chỉ... xam xám chút thôi! Mà lo gì, con gái ở đây đứa nào chẳng đen, có phải mình Giang đâu? Cha! Lớn rồi mới biết mắc cỡ, chứ hồi còn nhỏ đó, cứ đòi mặc áo hoa hòe hoa sói đỏ chót. Sao lúc đó không biết là mình đen thủi nhỉ?".

Tôi còn nhớ, sau cái "sự kiện" tôi khóc một trận ra trò vì cái nươc da đen bóng của mình, Hải cũng tự động đề nghị đổi cách xưng hô. Hải bảo: "Tụi mình lớn cả rồi, cứ mày tao hoài vậy không khá nổi..." Chẳng để một tia suy nghĩa đắn đo nào kịp ló ra, tôi... gật đầu cái rụp.

Năm tháng vùn vụt trôi. Càng lớn càng nhận ra thời gian qua nhanh đến không ngờ. Ngẫm lại thấy tiếc cho những ngày thơ dại, cứ mong ngóng thời gian qua mau để mình vụt lớn, để làm những gì mình thích. Xóm chài bây giờ cũng đã đổi thay đến không ngờ. Những tay thương gia trên thành phố "đánh hơi" thấy vùng biển này giàu tôm cá, họ kéo nhau đến xóm chài, ký hợp đồng mua một khoảng đất thành lập cảng cá, làm nơi giao nhận hải sản. Những chiếc thuyền câu đến tuổi giờ được lật úp trên bãi cát sau nhà, hưởng những ngày tháng an nhàn dưới hàng phi lao rậm gió. Nhưng tuổi già của những ngư dân ở đây không được thảnh thơi như thế. Thương gia trang bị thêm nhiều đoàn tàu rất to, sơn phết mặt mũi những chú kình ngư khổng lồ. Tất cả ngư dân chuyển lên làm việc trên khoang tàu rộng lớn đó. Những chuyến ra khơi dài ngày. Một tuần, hai tuần.. Ba tuần... Mỗi lần tàu cập cảng, cá biển, mực nang, tôm, cua... lúc nhúc đầy khoang. Tôi hiểu rằng xóm chài đang "phất", điều đó cũng đồng nghĩa với việc mồ hôi ngư dân rỏ xuống biển nhiều hơn, mặn hơn... và đôi khi nó còn có vị tanh nồng của máu, nước mắt!

Những năm cấp ba, Hải đã thuần thục công việc kéo lưới ba truyền dạy. Mùa hè, Hải hăm hở theo ba làm những cuộc hành trình dài, lênh đênh trên biển. Đánh vật với sóng, với gió, với sức nặng của những mẻ cá ăm ắp. Hải đen sạm hơn. Nhưng mỗi bận trở về, nụ cười trên môi Hải tươi hơn, mãn nguyện và kiêu hãnh.

Tranh thủ những đêm Hải về, hai đứa kéo nhau ra bãi cát, nằm bắt chéo tay lên đầu, chong mắt lên các vì sao nhấp nháy. Tôi ganh tị với Hải: "Phải chi Giang là con trai!" "Để làm gì?" "Đi biển" "Đi biển? Giang thích biển lắm sao?" "Đương nhiên, yêu biển rất nhiều nữa là đằng khác" Hải cười... "Đi biển không đơn giản như Giang nghỉ đâu, không phải thích đi là đi được. Biển sẽ thẳng thắn từ chối những ai không hợp với biển đấy!" "Nhưng nếu Giang là con trai, chắc chắn biển sẽ không từ chối!" "Vì sao?" "Vì Giang cũng sẽ khỏe mạnh như Hải, can đảm và yêu biển như Hải".

Hải đậu đại học hàng hải. Tôi lại vào nhân văn, khoa báo chí. Hải trêu: "Bảo là yêu biển lắm, thế mà Giang lại vướng vào nghiệp báo. Đi nhiều, đi mải rồi sẽ có lúc Giang quên biển mất thôi..." Tôi hồn nhiên phân trần: "Không đâu! Chẳng nơi nơi nào đẹp bằng quê hương. Hơn nữa, quê hương mình có biển, Giang sẽ chẳng thể nào quên được!". Hải lặng lẽ không nói gì, bỏ tôi ngồi lại một mình trên bãi vắng. Hải bơi ra những ghềnh đá to ngoài xa. Bóng Hải mờ dần, mờ nhạt dần... Nhỏ nhoi nhưng không yếu mềm, cứng rắng và dẻo dai đến lạ lùng. Tôi đứng bắt tay làm loa, gió biển ập vào thổi tung làn tóc rối, mát lạnh cả da thịt:

- Hải ơi... về đi!

Hải bơi về. Cát li ti trên mái tóc lòa xòa nước biển. Hải cười. Nụ cười thật ấm.

- Quà của biển đây!

Đêm không trăng. Những đêm cuối cùng của mùa hạ hình như ít đên nào có trăng. Tôi ngồi nhìn mồ hôi rịn trên trán Hải. Lửa bập bùng cháy, nồi ghẹ luộc phả hơi thơm đậm đà. Ghẹ chấm muối tiêu chanh ăn một lần nhớ biển, ăn hai lần yêu biển, ăn ba lần muốn sống với biển trọn đời. Tôi đã ăn không biết bao nhiêu lần, vậy mà Hải vẫn đãi tôi món ấy trước khi tôi vào thành phố nhập học... Tôi hỏi: "Bộ Hải sợ Giang đi xa "mất chất" hả???". Hải lém lỉnh: "Đâu có! Tại Hải sợ lên thành phố sẽ không có ai luộc ghẹ cho Giang ăn nữa".

Vào giảng đường, tôi lẫn thẩn như những con sống trôi vào bờ rồi lại trôi ra biển rộng. Bạn thành phố cười bảo: "Giang nó là cháu đích tôn của Lạc Long Quân đấy!". Tôi cười: "Biển mặn, nhưng những gì thuộc về biển cũa đều ngọt cả.". Hải bảo vậy. Tôi cũng thuộc về biển. Tôi không phải con ghẹ, con cua, con tôm, con cá... Nhưng có lẽ tấm lòng tôi cũng ngọt ngào không kém!

Những đêm nằm giường tầng ký túc xá mới biết thế nào là nhớ. Nỗi nhớ cứ chênh chão, ghì chặt lấy tâm hồn. Bất chợt, giọt nước mằn mặn rơi xuống môi, mới hay là mình nhớ biển da diết. Nhớ cháy lòng... Hải dặn, khi nào muốn nghe tiếng sóng, hãy úp hai bàn tay vào tai. Tôi làm thử. Ầm ầm... ù ù... Đúng là tiếng sóng của biển, của sóng, xô bờ. Tôi cứ úp mãi như thế... ầm ầm... ù ù...

***

- Giang có mơ ước gì không?

- Có chứ! Sống trên đời ai lại chẳng có ước mơ, nhất là khi người ta còn trẻ!

- Nói cho Hải biết đi, mơ ước của Giang là gì?

- Giang hả, ước gì mình được làm cánh hải âu. Có khi bay lượng giữa trời lộng gió, đem điềm lành đến cho ghe thuyền đánh cá.

- Hải thì lại muốn mình như ngọn hải đăng kia. Ngàn đời thắp sáng, rọi đường, định hướng cho ghe thuyền vào bến an toàn...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro