chương 2: Biến cố

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tháng Tám đã qua, tháng Chín vừa chạm cửa, nhưng trời vẫn chưa ngớt những cơn mưa nặng hạt. Mây dày đặc kéo đến liên hồi nên mặt trời cũng lười thức giấc. Mà có hề chi. Dẫu bên ngoài có bão tố mịt trời, thì cũng chưa sánh được được dông lốc không chút gió bên trong.

Mọi người tất bật ra vào, ai cũng nôn nóng nhưng không sao thắp được tia sáng trong căn nhà đang phủ trùm ảm đạm. Bà Chung ngồi trên bộ đi văng, tay chống cằm thiểu não. Ông Nghị đã đi ra ngoài từ rất sớm, Liên với Cúc tựa vai nhau trên chiếc bàn dài giữa nhà. Cả hai cũng lo âu, trên tay Liên còn cầm bức thư vừa ráo mực.

Đó là bức thư mà Huệ để lại khi quyết định ra đi. Thư chỉ vỏn vẹn vài dòng xin lỗi. Huệ không nói rõ lí do cũng như không nhắc tới nơi mà cô sẽ đến. Ai cũng như có lửa trong lòng. Chỉ còn bảy ngày nữa sẽ tới ngày cưới, áo cô dâu đã may, thiệp hồng đã gửi, kế hoạch nấu nướng đãi đằng đã tính xong, chỉ còn chờ tới ngày dựng rạp rồi tiến hành hôn lễ.

Trời đã khuya nhưng cả nhà Liên không ai ngủ được. Bà Chung bỏ ăn, chỉ biết thở dài, hố mắt thâm sâu chứa đựng biết bao phiền muộn, đôi mắt bà hoe đỏ in hằn lên nỗi niềm rối rắm như tơ.

Ông Nghị thì ngày lúc càng giận dữ. Suốt mấy ngày ông tất tả tìm kiếm khắp nơi nhưng Huệ vẫn bặt vô âm tính.

Một không khí nặng nề trùm phủ, không ai dám nói một lời nào. Đây thực sự là một cú sốc quá lớn đối với gia đình.

Liên biết Huệ và Thành không có tình yêu, và dù Huệ có bản tính mạnh mẽ quật cường, dù hằng ngày không phải lúc nào Huệ cũng vâng vâng dạ dạ, cúi mặt phục tùng giống như cô nhưng cái việc bỏ nhà ra đi như thế này quả là một việc động trời. Đến nghĩ, Liên còn chưa dám, nói chi tới viêc sẽ làm. Hén chi, mấy ngày trước, Huệ cứ ưu tư, trầm mặc. Hai chị em đã mấy lần trò chuyện, nhưng Huệ không hề hé môi nên bây giờ, Liên không thể giúp gì được cho cha má.

Sau mấy ngày tìm kiếm không kết quả, sắc mặt ông Nghị càng ngày càng đanh lại, ông lặng im không nói như đang níu giữ sự bình tình trong cơn tuyệt vọng. Dù muốn dù không thì sự thực vẫn là sự thực, không chấp nhận cũng không được.

Đắn đo suốt cả đêm, cuối cùng ông cũng quyết định dứt khoát.

- Chuyện đã tới nước này thì phải qua nhà sui gia nói với người ta một tiếng để còn chung tay lo liệu.

Bà Chung rầu rầu nét mặt.

- Vậy là phải dẹp đám cưới hả ông?

- Dẹp hay không... phải tùy bên đó. Nhưng tui ráng ráng... coi sao? Mình còn tới hai đứa con gái.

Dù là ai trong hai cô con gái, thì việc gả đi trong hoàn cảnh này điều đau xót vô cùng. Nhưng bà không dám cản ông. Hơn nữa, bà biết, không chỉ vì nhà Thành là một mối tốt, điều hệ trọng hơn, nếu chuyện đổ bể, gia đình sẽ mang tai tiếng, ông bà không chỉ bị coi khinh, mà chuyện tương lai của hai đứa con còn lại, cũng khó bề êm đẹp.

------------------------------------------------------

Trên đường qua nhà Thành, ông Nghị mang một tâm trạng nặng nề chưa từng có. Khối rối rắm trong lòng ông, dẫu có trăm bàn tay cũng không thể nào gỡ nổi. Một việc thật khó để mở lời, đúng là một trò cười cho thiên hạ!

Cho đến khi xe dừng trong sân nhà Thành, ông vẫn không muốn bước xuống như cố níu kéo thời gian càng lâu càng tốt, nhưng bản thân ông tự hiểu được rằng, việc này càng để lâu thì hiển nhiên càng khó giải quyết.

Trước thái độ niềm nở của ông bà Duy, ông Nghị càng thấy thẹn thùng, càng không dám ngẩng nhìn thẳng hai vị thông gia trước mặt. Sau một tá lời xin lỗi mở đầu, rốt cục ông Nghị cũng nói ra được vấn đề mà mình muốn.

Còn ông bà Duy khi nghe xong, ban đầu thì giật mình thảng thốt. Sau đó thì mặt đỏ bừng vì giận dữ. Ông Duy nói như hét, tiếng ông hát vang khắp cả ngôi nhà đồ sộ. Trong cơn tức giận, những câu nói của ông đều mang âm thanh chát chúa.

- Anh nói nhà tui phải làm sao đây? Con gái của anh nếu không ưng thì cứ nói một tiếng, gia đình tui không bao giờ ép buộc. Cứ đi khắp xứ lục tỉnh này, thử hỏi có cô gái nào, có nhà nào không muốn ngồi sui với nhà này. Sớm không đi, trễ không đi, đợi tới đám cưới gần kề lại bỏ đi, bộ nhà này có thù oán gì với nó sâu nặng lắm hay sao, mà nó phải kéo nhà này vô đống ô nhục theo nó chớ?

Bà Ngự tiếp lời chồng.

- Nếu tui biết trước con gái anh là loại hư đốn như vậy thì, hứ, có cho vàng tui cũng không dám rước về nữa là. Bây giờ anh có qua đây xin lỗi thì ích gì. Tiền vàng sính lễ, anh mau hoàn trả lại. Nhưng anh nên nhớ, gái lộn chồng, của một đền hai.

Ông Duy nhìn thẳng ông Nghị mà hỏi gằn.

- Bây giờ anh định tính sao đây hả anh Nghị?

Ông Nghị chắp tay ngang bụng, khúm núm nói.

- Dạ thưa anh, tui bây giờ như cá mắc cạn, cũng không biết tính sao ráo trọi. Tất thảy lỗi là ở con gái tui. Ông bà ta nói, mũi dại lái chịu đòn, bây giờ anh chị liệu sao thì tui xin nghe vậy, chớ nào dám ý kiến chi. Thực lòng, được ngồi sui với gia đình anh là một niềm vui lớn với gia đình tui, bản thân tui không bao giờ muốn dẹp đám cưới...

- Anh khéo nói quá đa! Con anh gây chuyện rồi bây giờ biểu nhà tui tính. Tính như ra sao? Để tui chống mắt coi, mai mốt có ai còn dám bước tới mần sui với nhà bên đó hay không?

Giọng bà Ngự cất lên lanh lảnh, khiến ông Nghị cúi gằm mặt.

Ông Duy ngắt lời bà.

- Thôi, bà yên lặng một chút để cho tui tính. – Rồi ông nhanh chóng quyết định - Được, nếu anh đã nói vậy thì để tui tính. Nhà anh có tới ba cô con gái, cô chị đã đi rồi thì cứ để cô em thế vô là được.

Được lời như mở tấm lòng, ông Nghị run run mừng rỡ.

- Dạ, không giấu chi anh, hồi ở bên nhà, tui cũng là có ý đó. Chỉ e, không biết anh có chấp nhận hay không nên chưa dám nói ra. Giờ anh cũng có ý vậy, thực sự tui mừng lung lắm đa!

Ngay lúc đó, Thành lù lù xuất hiện. Anh hét lớn.

- Không! Con không chịu! Con không cưới nữa!

Trong hoàn cảnh này, điều ông Nghị có thể làm, là cúi đầu im lặng. Và ngồi yên chờ đợi cả nhà Thành bàn bạc với nhau.

Sau khi vào phòng, Thành khăng khăng giữ nguyên ý kiến.

- Cha má, con nói rồi, con chịu đâu! Đã như vầy thì không cần cưới hỏi gì nữa!

Bà Ngự tán đồng.

- Đúng đó. Con nhà đó đã tai tiếng như vậy, bây giờ, mình né còn không kịp, làm sao còn dám cưới về? Không có cô dâu thì khỏi cưới, dù gì con mình cũng là con trai có gì mà phải sợ.

Ông Duy vỗ tay xuống bàn liên tiếp.

- Cả hai bên đều chuẩn bị xong. Cái quan trọng là thiệp mời đã gửi từ lâu, một số người ở xa đã chuẩn bị tới dự hết rồi. Bây giờ, hồi lại sao kịp?

Vốn dĩ muốn có một đám cưới rình rang, nên số khách mời không phải là ít, khách khứa của nhà Thành đâu chỉ có họ hàng mà còn có những người có tên tuổi và địa vị. Mấy tờ nhật trình lớn cũng đăng tin báo hỉ. Gần như cả Lục tỉnh đều xôn xao. Tuy nói đàn trai không sợ thiệt thòi, nhưng với gia thế của nhà Thành thì mất mặt là điều không thể tránh.

Nhưng Thành không bận tâm.

- Mắc cỡ thì mắc cỡ! Con không cưới nữa. Con đâu phải là bù nhìn mà muốn thế nào thì thế nấy. Ban đầu cưới vợ cũng là nghe lời cha má, vậy mà bây giờ con bị người ta bỏ, cha má còn kêu con làm cái chuyện kì cục như vậy nữa sao?

Ông Duy nạt.

- Kì cục chỗ nào? Không phải con với con Huệ bên nhà đó cũng không có gì với nhau sao? Ban đầu muốn cưới nó chỉ vì theo thứ tự nó là con lớn, với lại tuổi tác hợp nhau, bây giờ không có nó thì có đứa khác. – Rồi ông dịu giọng - Cha cũng muốn kiếm nhà khác. Khổ một nỗi, hiện thời, ngày cưới gần kề thì kiếm đâu ra, ai mà chịu gả con cho mình trong tình cảnh như vầy? Chi bằng cứ cưới con gái thứ bên đó. Điều quan trọng hơn hết, đám cưới phải diễn ra để nhà ta không bẽ mặt trước họ hàng. Cùng lắm, cha cho phép con bỏ nó nếu con muốn, hay cưới thêm vợ hai, vợ ba cũng được. Nghe lời cha lần này, xong rồi thì muốn làm gì làm, cha không bắt con phải ăn đời ở kiếp với nó đâu mà sợ.

Đắn đo mọi lẽ thì bà Ngự cho là chí lý, dù có cưới ai thì đối với bà chỉ là một đứa con dâu, nhà có thêm một người, thêm một chỗ ở, thêm một miệng ăn, chẳng có gì to tát. Còn như bị mất mặt thì làm sao bà dám ra đường. Bà đổi giọng khuyên Thành.

- Cha con nói đúng đó. Lần này chỉ cưới cho có thôi cũng được, xong rồi mình tính tiếp, con là con trai mà sợ gì. Dù nói là con không thiệt gì, nhưng người ta sẽ nghĩ, con phải như thế nào thì mới bị bỏ, cũng không hay cho lắm đâu con.

Nhưng Thành trước sau không đổi.

- Không! Con nói không là không! Cha má mà không chịu, thì lần này tới lượt con bỏ nhà đi luôn! Có cô dâu mà không có chú rể thì coi thử đám cưới có khác hơn không?

Lại bị chọc giận, ông Duy chỉ thẳng tay vào mặt Thành.

- Cái gì? Mày nói cái gì? Người ta đang tính cho êm, mày muốn phá cho hư luôn hả?

Bà Ngự vội níu vai ông.

- Thôi mà ông – đợi ông bình tĩnh, bà tiến tới chỗ Thành để khuyên lơn – Chịu đi con. Cứ coi như lần trước con nói đó, chỉ là cưới vợ thôi mà, cưới ai mà hổng được.

Thành tiến lên một bước.

- Lần trước khác lần này khác, đâu có giống nhau đâu má.

Mọi người tiếp tục đôi co, tình hình thêm căng thẳng, bởi ông Duy với Thành, chưa ai chịu nhường ai.

Đối với Đạt, chuyện Huệ bỏ đi, hay cưới xin đổ bể, tất thảy đều vô thưởng vô phạt, anh chẳng mấy bận tâm. Thế nên anh vào phòng rất trễ, chẳng qua để biết tình hình chớ không phải để góp ý. Không biết là may hay rủi, anh lại vào đúng ngay cái lúc nảy lửa nhất. Đó là khi ông Duy dứt khoát quyết định, Thành phải cưới Liên.

Trong Đạt xuất hiện một cảm giác rất lạ, giống như mình đang bị tuyên án phải ngồi tù. Chuyện Liên phải gả cho một ai đó, Đạt đã từng nghe ở nhà Hai Chỉ. Dĩ nhiên, anh không vui. Nhưng so với việc cô trở thành chị dâu của mình, thì việc cô làm vợ của Bửu bỗng nhẹ như bông.

Cứ nghĩ tới chuyện phải gọi cô bằng chị hai thay vì Huệ, rồi nhìn cô với Thành gần gũi, tương thân tương ái... Hoặc giả, cô bị Thành hắt hủi, phải đau khổ, khóc ròng... Ngày ngày đối mặt trong một nhà, liệu Đạt có kiềm được lòng mình?

Thêm nữa, cha má anh đã hứa, chỉ cần cưới, nếu sống không được thì có quyền bỏ. Đằng nào cũng không bị thiệt!

Đạt quyết định sau vài phút đắn đo.

- Cha má, anh hai không muốn thì để con cưới đi.

- Hả?

Không ai biểu ai, cả nhà đều quay đầu hướng mắt về phía Đạt để khẳng định điều họ mới vừa nghe. Mới bữa trước thôi, nhắc tới chuyện đi coi mắt, Đạt viện bao nhiêu cớ để từ chối. Thúc ép dữ quá, Đạt đùng đùng đòi về lại Pháp để hăm dọa. Làm bà Ngự phải xuống nước hồi lâu. Cách có một đêm, tự dưng lại "muốn vợ"? Khiến ai cũng hết hồn vì khó tin.

Đạt hiểu ý nên lặp lại một lần nữa thiệt rõ ràng.

- Con nói, con sẽ cưới Liên. Đám này, coi như cưới vợ cho con vậy.

Mọi người chỉ cần một đám cưới vào đúng ngày đã định nên không ai lên tiếng. Ngoại trừ Thành. Anh không muốn Đạt chỉ vì cứu vớt một chút sĩ diện mà phải hi sinh hạnh phúc của bản thân mình.

Hẳn nhiên, Đạt không bao giờ là loại người như thế. Nhưng anh không tiện nói ra hết suy nghĩ của mình. Đạt vỗ lưng anh trai.

- Em không vì ai hay vì bất cứ gì khác. Em vì chính em thôi. Đằng nào thì em cũng phải cưới vợ, tiện thể bây giờ cưới luôn, sau này đỡ tốn kém.

Lúc này, bà Ngự mới tỏ thái độ không bằng lòng.

- Nhưng má đâu có muốn cưới con nhà đó cho con. Hồi trước thì không sao, bây giờ đã có chuyện như vầy..., nhìn mặt nhau còn không muốn, nói gì đến chuyện thông gia. Ép lòng lắm mới chấp nhận cho con nhà đó bước về đây, vì đằng nào thằng Thành cũng mang tiếng. Chớ bằng không đó hả, đừng mong gì má đem trầu cau qua nhà đó một lần nào nữa!

Chuyện hơi bất ngờ, nhưng trúng ý Ông Duy, tuy vậy ông vẫn hỏi Đạt cho chắc.

- Con suy nghĩ kĩ chưa? Ngày cưới cận lắm rồi, cha không muốn có xáo trộn gì nữa đâu.

Đạt cười thư thái.

- Dạ, cha má cứ để cho con cưới đi. Anh hai còn đang khó chịu trong lòng, ép ảnh chỉ càng làm cho ảnh quạu, lỡ ảnh quậy trong ngày cưới thì càng mệt thêm, cứ để con cưới là êm xuôi. Cha má đã hứa thì nhớ giữ lời. Có điều, không biết... Liên có ưng thuận không?

Ông Duy lạnh giọng.

- Hừ, cớ sự là do chị hai nó gây, nhà nó phải gánh. Chịu hay không chịu cha không cần biết.

- Nếu con Liên không chịu thì bắt con Cúc thế vô. Đằng nào cũng phải có một đứa qua đây làm cho xong đám cưới.

Không biết bà Ngự nói thực hay chỉ bù vô câu nói còn chưa trọn của chồng, dù thế nào, bà cũng làm Đạt bị thất kinh. Anh hấp tấp tiến lên một bước.

- Cha má, con không cưới Cúc đâu nghen! Con chỉ cưới Liên thôi..., - Đạt dừng lại một chút, cố tìm lí do rồi nói tiếp với giọng cương quyết - em Cúc còn nhỏ lắm! Con không chịu đâu. Với lại... tóm lại, con chỉ cưới Liên thôi! Cưới Liên thôi đó! Không phải Liên thì con không cưới.

Câu nói lủng củng trở thành điều kiện tiên quyết. Trong đó ẩn chứa điều gì, không ai bận lòng để ý, vì mỗi người đều có một tâm trạng riêng. Điều hệ trọng nhất lúc này đó là, đám cưới sẽ được cử hành như dự định.

--------------------------------------------------

Cả ngày, người ta nườm nượp đem những thứ đã đặt tới giao. Vì tiền đã trả nên bà Chung phải nhận. Có vài thứ, giá thì mắc mà xài chỉ được có một lần, lúc mua đã bấm bụng nghe đau. Đụng chuyện như vầy, chỉ e, chúng tròn dẹt ra sao còn chưa chắc thấy, nói chi tới xài được hay không. Thành thử, hễ có người đem tới thì y như rằng mặt mày bà Chung thêm một phần cau có, dù bình thường tánh bà luôn nhã nhặn.

Liên với Cúc buồn thiu. Nhớ cái ngày mấy chị em theo má ra chợ tỉnh lựa đồ, giống như đi trẩy hội, vui biết mấy. Lần đầu gả con nên cha má Liên cố gắng tươm tất nhất có thể, để gia đình không quá thua sút đàn trai. Bây giờ, tre dựng rạp thì lăn lốc dưới bậc thềm, mấy trái châu với tùng giấy xanh đỏ lóng lánh cũng bị quăng vô góc ván, chữ song hỷ bị vương vãi trên bàn... chẳng ai buồn ngắm.

Dù biết, sớm lắm cũng phải tối mịt, ông Nghị mới về tới, nhưng bà Chung vẫn vô ra trông ngóng. Kết quả dù xấu tới đâu mà biết rõ thì vẫn hơn, cứ cái kiểu nửa nạc nửa mỡ, mong điều kì tích như vầy, hỏi ai không sốt ruột. Liên với Cúc biết phận, chỉ ngồi yên một chỗ, rồi lẳng lặng ăn cơm.

Sau chuyện của Huệ, bà Chung đâm ám ảnh. Hễ thấy nhà vắng thì bà kêu ầm trời. Xuất hiện trễ một chút, bà bươn bả đi kiếm để rầy la. Hai chị em Liên phải lẽo đẽo theo má cả ngày, dù không ai nói tới ai, nhưng không thấy mặt cũng phải để bà nghe tiếng nói. Cho tới khi ông Nghị về tới, ai mới về buồng nấy.

Không lâu sao, bà Chung vô phòng. Liên hơi bất ngờ, vì đây là chuyện của người lớn, tán thành hay phản đối, đều không tới lượt cô. Có lẽ, má cô muốn tâm sự. Liên ngồi dậy chờ đợi. Nhưng bà không lên tiếng, mà lấy khăn chậm nước mắt khi ngồi xuống kế bên cô. Sau đó, bà nắm tay, vuốt tóc. Ánh mắt bà có cái gì không nỡ, đầy trìu mến nhưng ngập tràn buồn bã.

Bà càng im lặng, Liên càng sốt ruột.

- Sao rồi má? Bên đó tính sao? Nhà anh Thành có làm khó mình không?

Chuyện ê chề như vầy, ai lại bỏ qua, cái chính là Liên muốn biết, họ muốn nhà cô bồi thường như thế nào? Có quá sức lo liệu hay không?

- Liên. Bên kia đã quyết định rồi. Hai nhà không cần dẹp bỏ đám cưới nữa. Nên mình không phải bồi thường. Họ nói... nếu không thể kiếm được con Huệ thì... cô dâu... sẽ là con.

Liên không tin nổi ở tai mình. Cô ngơ ngác.

- Má nói, con sẽ...

Bà Chung khẳng định thêm lần nữa, bà cố gắng kiềm nén cảm xúc để nói thật tròn câu.

- Con sẽ được gả đi thay cho con Huệ.

Đây là thay chị lấy chồng, hay tình chị duyên em? Chuyện tưởng chỉ có trong ngày xửa ngày xưa đã ứng hiện ngoài đời, lên chính cuộc đời cô?

- Sao có thể... con luôn coi anh Thành là anh rể... Giờ cưới nhau... Kì cục lắm má!

Chính bà Chung cũng thấy không hay lắm. Vai vế đã định trước giờ, bỗng thay đổi thế này, ai cũng ngượng nghịu. May thay...

- Không. Con đừng lo. Không phải với Thành... mà với Đạt.

Nước mắt Liên trào ra. Chỉ có cô mới hiểu, chuyện gả cho ai, Thành hay Đạt, không phải mối bận tâm thực sự. Nỗi niềm sâu thẳm nhất, từ đây, một mối tình vừa chớm nở phải chịu cảnh lụi tàn. Dù biết chuyện khó bề thay đổi, nhưng Liên cố van nài để hy vọng một điều mong manh.

- Còn cách nào khác không hả má? Con chưa muốn lấy chồng. Đừng gả con đi trong lúc này được không má? Con với anh Đạt có biết gì về nhau đâu? Hay... má nói với cha, hỏi người ta còn cách nào khác nữa không?

Cánh cửa đột ngột bị đẩy mạnh. Ông Nghị bước xộc vào. Đàn bà vốn nhỏ nhẹ trong nói năng nên ông để bà vô trước, nhằm tránh cho cô một áp lực không cần thiết. Nhưng nếu cô không đồng ý thì ông buộc phải dùng uy quyền của mình.

- Cần chi quen biết! Xưa nay, việc cưới gả đều do cha mẹ định liệu, con chỉ cần nghe lịnh và vâng lời. Huống chi, không phải con không hiểu nhà mình đang ở trong tình cảnh như thế nào!

Liên cắn môi. Nông nỗi này, xét cho cùng là tại nơi đâu? Cô bạo gan nói lí nhí.

- Nếu ngày trước cha chịu hỏi ý kiến chị hai để biết chỉ có chấp nhận cuộc hôn nhân hay không rồi hãy nhận lời thì hôm nay... có lẽ đã không có chuyện vỡ lỡ.

- Câm miệng. Mày dám đổ lỗi cho cha mày sao? Sanh ra là con gái chớ có phải là trai đâu mà có quyền chọn hay lựa! Người ta nói con gái như hũ mắm treo đầu nhà, chỉ mong có người đến dạm hỏi. Cha má lựa cho tụi bây tấm chồng tốt, có gia cảnh giàu có, bề thế như vậy, cốt để cho tụi bây được nở mày nở mặt, nương nhờ tấm thân, bây giờ quay lại trách cứ nữa sao? Chiều ý tụi bây để tụi bây được đằng chân lên đằng đầu phải không?

Ông Nghị quát tháo làm Liên rụt lại, ngồi khép nép ở mép giường. Cô biết mình không thể trách cha, nhưng đó là sự thực. Bà Chung thương con, nên lên tiếng xoa dịu chồng.

- Ông à, chuyện này với nó xảy ra quá đột ngột. Nó nhứt thời, chưa nghĩ thông. Có gì, mình từ từ nói cho con nó hiểu.

Ông hất tay bà.

- Chuyện tới nước này làm sao mà từ từ. Nó bây giờ, ưng cũng cưới mà không ưng cũng phải cưới. - Rồi ông ngừng lại trong khoảnh khắc. Bước tới chỗ Liên, giọng ông cũng chùn xuống – Liên, trong chuyện này không ai có quyền lựa chọn nữa rồi, không chỉ con mà cả cha má cũng vậy. Người ta chịu cưới, mình đội ơn không hết. Nếu không, chắc cha phải quỳ gối để cầu xin người ta cũng nên.

Với một người trọng lễ nghĩ và khí tết như ông, những gì vừa nói, hiển nhiên đều có thể.

Mặc cảm lớn nhất trong đời, bởi ông không có con trai nối dõi. Bù lại, ông có ba cô con gái xinh đẹp, nức tiếng ngoan hiền làm điều an ủi. Nhiều nhà cậy mối mai tới nói, ai cũng ngon ngọt khéo lời, cốt chỉ muốn nhận lời gả con gái. Để khước từ mấy mối không ưng, ông cứ ngẩng mặt thách cưới cho cao, dù họ biết ông cố tình đòi hỏi, bụng không ưa nhưng không ai dám thẳng thắng phàn nàn, vì suy cho cùng, con gái ông xứng đáng. Mặt mũi của ông cũng được phần hãnh diện. Mà bây giờ, ông phải cúi mặt chờ người ta sắp xếp. Ngoài "dạ", với "thưa" thì không dám nói lời thừa. Ê chề tới mức muốn đào lỗ để chui vô.

Thấy cô khóc nấc, bà Chung sợ sinh chuyện không hay. Bà đẩy ông ra ngoài rồi lựa lời khuyên giải.

Đã trải sự đời, bà và cả ông đều hiểu, khi một mối quan hệ dù có tốt đẹp tới đâu tan vỡ, thì mọi chắp vá cũng không thể trả nó về nguyên vẹn như xưa. Vướng mắc trong lòng tất nhiên phải có, không làm sao khác được. Hai chị em ruột thịt chung nhà, muốn người ta nhìn một cách rạch ròi, không giận chó chửi mèo, e cũng khó. Hai nhà đã bằng mặt không bằng lòng thì thiệt thòi chờ sẵn, là điều có thể tiên đoán.

Nhưng nhà người ta quyền thế. Lúc nhận lời, đâu ai nghĩ tới chuyện "rủi như". Bây giờ làm họ phật ý, chỉ sợ sau này khó có ngày yên ổn.

Bà nhắn nhủ với Liên, chồng cô không phải là Thành mà là Đạt. Xa lạ cũng có cái may. Cả hai sẽ dễ tiến tới điểm bắt đầu. Vết nhơ của Huệ, Đạt là người ít liên quan nhất. Ác cảm của anh, có lẽ sẽ không quá nặng nề. Chỉ cần cô sống tốt, mọi chuyện hãy phó thác cho thời gian.

Ông Nghị đã đứng sẵn bên ngoài, chỉ đợi bà Chung bước ra, ngay lập tức, ông kéo ngang sợi xích. Dù tính cách của Liên không quyết liệt như Huệ, nhưng ông phải đề phòng để không xảy ra bất trắc.

Bỗng nhiên bị cầm tù, Liên khóc ướt gối. Phải chăng Huệ đã dự đoán điều này, nên chị đã dùng lời gởi gắm với Liên trong buổi chiều hôm đó? Huệ đã dũng cảm ra đi, vậy còn cô? Có nên đấu tranh cho hạnh phúc của riêng mình? Dù chưa tốt nghiệp Thành Chung nhưng mấy năm ở trường, trong Liên cũng bắt đầu nhen nhóm cái gọi là tự do hạnh phúc.

Cô bỏ ăn để chống đối. Bà Chung theo năn nỉ hết lời. Còn ông Nghị thì quát tháo ầm ầm. Khi rầy bà Chung chiều con, khi tự trách mình không biết dạy. Lúc nghe tiếng cửa bị đập, ông điên tiết hơn. Ông tháo xích, đạp cửa, đứng bên ngoài chỉ thẳng vô trong.

- Con Huệ là đứa con bất hiếu. Chỉ biết làm khổ mẹ khổ cha. Nếu con muốn hai thân già này mang nhục mà chết thì hãy học theo nó!

Cửa phòng mở toang thông thoáng, nhưng Liên không còn can đảm bước ra ngoài. Chỗ vùng sáng rộng phía nên kia, vùng sáng tự do mấy đêm cô khao khát, vùng sáng ước mơ của những ngày cắp sách, vùng sáng về tình yêu đầu đẹp đẽ... Một mái tóc muối tiêu cùng vầng trán đầy rẫy nếp nhăn vừa hiện diện. Chỉ mới mấy ngày mà cha má cô đã già thêm thấy rõ.

Mọi chuyện coi như đã định. Một mối tình, rồi chỉ là kỉ niệm tuổi hoa niên!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro