...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi nó viết ra những dòng này, câu chuyện của bản thân cũng còn đang dang dở, chính nó còn chẳng biết rằng rồi đây sẽ phải kết thúc nó như thế nào...

     0h40' sáng, với một ánh đèn học còn đang bật trên bàn, tiếng cái máy quạt senko rào rào quay mệt nhọc sau gần 5 năm chẳng được chăm sóc chính là thứ để nó tin rằng không phải chỉ mỗi mình còn thức. Lạnh, cảm giác cô đơn ùa về sâu tự đáy lòng. Nó nhớ lại quãng đời sinh viên với cái kí túc xá cũ rích nhưng thật nhiều kỉ niệm, rồi bật cười vì ngày ấy mình cũng đã từng yêu và được yêu. Ngày đầu tiên nhập học trên đất Huế thơ mộng nó lại thấy buồn chán, một năm bay nhảy ở trường xây dựng làm nó cảm thấy ngột ngạt và bức bối khi Huế dịch chuyển quá chậm. Nó nhớ những ngày đi câu cá bên gềnh đá với anh Trưng chị Mây anh Vũ, những đêm đi xem bóng đá với lũ con trai, những lần ngồi ngoài bờ biển với đám bạn mà nó gọi là lũ súc vật. Trời vào đông, lạnh lắm, một đứa miền trong quanh năm nắng ấm lần đầu tiên được nếm trải cái lạnh 13 độ của đất Huế, đợt đó nó gầy rộc xuống hẳn, nó sút từ 68 cân xuống 55 cân chỉ trong hai tháng. Lúc đó nó chẳng biết làm gì ngoài việc đến lớp rồi về kí túc xá, ăn xong lại học bài, nó đánh mất thói quen vận động, đánh mất cả những cảm xúc của bản thân về những thứ xung quanh. Mất bốn tháng nó mới bước chân ra sân bóng chuyền, nơi nó là chính mình khi được thoải mái hò hét, ở đó nó gặp được các anh chị các bạn rồi chơi thân với cả đội bóng. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, đêm về nó lại cô đơn, ngồi ôm điện thoại đọc truyện hay lôi laptop ra nghịch lung tung đến khi buồn ngủ lúc nào chẳng hay. Nó thích rượu, nhưng không nghiện, đặc biệt thích cái vị đắng chát của cà phên đen hoà thêm chút rượu Rhum, hương thơm nhẹ áp vào đầu lưỡi, xộc lên mũi khi nếm ngụm đầu tiên rồi đắng-cay-chan chát lưu lại nơi cuống họng làm nó thấy quen thuộc, thấy giống cuộc đời của nó. Năm nhất cứ lặng lẽ vậy trôi qua, đến hè nó về với gia đình, về với làng quê bình yên của nó đã bao năm bao bọc nó với lũy tre đôi bờ lại đong đưa mỗi khi gió về, mùi hoa bưởi, mùi sầu riêng, cả măng cụt nữa kéo nó về với cảm giác của gia đình. Sáng sáng chở trái cây xuống chợ cho má, chiều về đi câu cá hay ngồi dọc bờ sông nhìn mây nhìn trời rồi tưởng tượng ra đủ thứ nào là gương mặt người, binh lính đánh trận...mỗi ngày ở nhà nó thăm nội một lần, có khi là vài lần, năm đó ông 92 tuổi. Nó kể cho ông nghe về ngày xưa, ông chăm nó như nào, ông bỏ nó lên cái xe đạp giàn ngang, hai ông cháu đi khắp xóm, ông trước cháu sau. Nó kể về những lần nó chọc giận bị ông đánh đòn, ngày xưa nó sợ ông lắm, nhưng lớn lên nó lại thương, thương vô cùng vì ông thương nó, ông biết nó thiệt thòi hơn đám anh chị trong nhà vì ba nó mù, ba nó chẳng thể nào dắt nó đi chơi, ba nó chỉ có thể bồng bế tắm rửa nên ông làm tất cả những việc còn lại: dạy nó học, dò bài, đèo nó đi chơi, rồi chỉ cho nó cách sống phải như thế nào. Ông dung túng nó, bảo bọc nó nhưng chưa giờ là nuông chiều hay bênh cháu, có đánh nhau về nó cũng ăn roi trước rồi tính tiếp, đến giờ mông nó cũng chỉ toàn vệt lằn để lại từ bé mà với nó là những hạnh phúc về ông. Mỗi lần chăm ông nó lại kể, nó kể mà chẳng biết ông có nhớ hay không, đôi mắt đầy nếp nhăn theo vì thời gian của ông luôn khép hờ, thời gian không chừa một ai, năm ấy ông đã 91 tuổi.

Nói về ông nó, một người sinh ra trong thời chống Pháp, được ăn học tử tế nên cách nhìn của ông với thời cuộc có khác so với những người đồng trang lứa. Với nó, ông vô cùng giỏi. Chỉ với hai bàn tay trắng, ông bà chí thú làm ăn, tích cóp từng đồng rồi mua đất, xây nhà, lập vườn cây ăn trái, mua cả máy cày về. Ngày đó ông được gọi là địa chủ. Cuộc đời ông là sự chắc chắn, bất cứ một việc làm gì của ông đều có giấy tờ đi kèm, ông bà tích cóp được một khối tài sản khá lớn. Nhưng đến ra đi mãi mãi thì việc hối tiếc nhất đời ông là đã quá hết lòng với thân phận, ông bà nuôi bộ đội rồi che giấu họ khi đi liên lạc, bà nội còn được Huân chương kháng chiến hạng nhất cơ mà, nhưng giải phóng về thành phần địa chủ như ông phải nộp lại đất, bị ép xung công máy móc cho hợp tác xã, bị điều tra, tất cả tài sản ông bà gửi vào ngân hàng chẳng một đồng trở lại...ông không hận việc đã làm nhưng ông hối tiếc.

Hết hè nó lại xách ba lô quay lại đất Kinh thành, quay lại với việc học. Năm thứ 2 cứ nghĩ cũng như năm 1 chứ gì, kệ đi. Vẫn vậy, nó chẳng nhìn ai, hay đúng hơn là chẳng để người lạ vào mắt, nó chơi lại một trò cũ mà từ lâu đã không chơi: dao. Đúng, là dao, các thể loại từ dao rọc giấy, dao bếp, dao bấm, balisong các kiểu...chất thép lạnh làm nó tỉnh táo, dù chẳng có ý định đánh nhau hay làm gì ai nhưng trong balo hay cạp quần luôn có một cái để phòng thân hay khi buồn lôi ra ngồi chơi. Hết tháng 11 nó vẫn lạnh lẽo như vậy, có thêm một chút khác là đi nhậu với đội bóng, một năm học ở xây dựng tôi cho nó khả năng nuốt vào nhiều hơn, dù có nôn ra vẫn nuốt vào được, bia rượu với nó giống như thứ gì đó có cũng vui, không có chẳng sao cả, nó chỉ thích trà với cà phê. Hồi đó phòng kí túc xá của nó vui lắm, mỗi chiều đánh bóng xong là cả đám tụ lại quanh thằng A Kông rồi cùng những tiếng guitar của cái thằng mê đàn hơn cả mạng sống ấy khắp kí túc xá lại vang lên những bài hát đậm chất Tây Nguyên. Lúc đó có một con bé hay đến phòng nó, đi chợ giúp mấy thằng cùng phòng, nó cũng chẳng thèm để ý, mà đúng hơn là theo kiểu: "liên quan đéo gì đến mình". Chiều về nó ra sân đánh bóng, hò hét với đội mỗi trái block hay service ăn điểm trực tiếp, có giai đoạn đó nó vào sân đánh bóng mà chỉ ghi điểm bằng những quả service, nhưng cái kiểu mặc kệ đời của nó vô tình lọt vào mắt con bé hay xuống phòng nó. Mà liên quan gì đến nó, cứ vậy ngày qua ngày.

Tết Dương lịch, lần này nó thuộc đội tự quản nên phải tổ chức chương trình hội xuân cho các bạn trong KTX, mỗi người góp một chút, giúp nhau một chút, rồi họp các phòng lấy ý kiến các bạn thích làm gì. Nó lại gặp con bé đó với tư cách trưởng phòng, nó lại ghét, đầu cứ nghĩ " thế quái nào đi họp chả nói gì thì ở phòng ngủ đi", cách làm của nó là đè áp mọi thứ, chỉ cần giao việc nó sẽ tìm người phù hợp, đè nát các thứ chống đối nó để làm. Nó ghét sự cản trở, ghét sự góp mặt cho có. Chương trình năm ấy khá thành công, lôi được gần hết mọi người xuống sân chơi, nhảy quanh đống lửa. Nó nhớ mãi, nhớ hai chị Nhoan-Yaly với bài nhảy cháy sân khấu, nhớ chị Uyên dẫn chương trình, nhớ mấy thằng Vân thằng A Kong thằng Niê Y' soát với chất giọng cao nguyên...lần đầu tiên sau bao năm nó thấy lửa trại vui đến như vậy. Mọi người chơi còn nó phải bao khu vực, đó là công việc của nó, nó làm cho xong trách nhiệm của nó đã đứt hơi sức đâu chơi nữa. 1h30p sáng tiệc tan, mọi người chia nhau dọn dẹp rồi tốp về phòng, tốp đi tiếp tăng 2 tăng 3, phòng nó cũng đi, cả đội bóng đi luôn, nó về ngủ. Biết đâu rằng trong đêm đó con bé kia lại thân hơn với mấy thằng trong phòng, với cả đội bóng rồi mỗi lần sau lại ghé phòng nó nhiều hơn, ôm bóng xuống chơi cùng. "Mà liên quan gì đến mình?" nó vẫn vậy, sáng nghỉ học thì ra cắm ở quán cà phê một mình với cái laptop trên bàn ai làm gì mặc ai, nó chẳng biết con bé theo dõi nó, vài lần cảm giác cho nó biết có người nhìn từ phía sau nó cũng mặc kệ, những năm đi tập làm nó quen dần với sự cảnh giác nhưng đây là đại học, người nhìn kệ người cùng lắm thì chạy.

Tết âm lịch, nó lên tàu về nhà, lần này cũng đi một mình, 13 tiếng mệt mỏi trên tàu nó cũng đặt chân về đến nhà, nơi có ba mẹ có nội của nó luôn chờ nó. Cái tết ấy nó chẳng đi đâu, nó ở nhà chăm ông, nó gây sự với mấy bác vì bỏ bê ông, để ông ngã xuống đất. Nó chưa bao giờ nhún khi có người làm gì ảnh hưởng đến nội, ba nó mù không chăm được thì nó chăm, các bác là con thì càng phải làm cho tròn, mỗi năm chăm ông có một hôm tết mà chẳng làm được nó khinh. Sáng mồng một nó đi thắp hương về ghé vào thăm nội thì thấy nội nằm dưới đất, nội lăn rồi ngã, giường thì toàn nước tiểu lại chẳng một ai dọn, lúc đó anh hai vừa về, hai đứa điên tiết lên nhưng gắng nhịn, dọn dẹp rồi bế nội lên giường nằm. Xong xuôi nó chỉ mặt từng ông một mà chửi, đúng, là nó chửi, đến giờ có lẽ người bị ghét nhất nhà chắc là nó rồi...Hết tết lại đi, nó đâu biết rằng đó là cái tết cuối cùng nó được chăm ông, nó được đút cơm cho ông, được kể chuyện hay càu nhàu ông nữa, nó hẹn ông hè sẽ về.

Cuộc sống sau tết của nó có thêm một đôi mắt từ hàng lang tầng 2 luôn nhìn theo, một ngày đầu tháng tư, nó ngồi quán cà phê thì có tin nhắn " đi cà phê mà không rủ" , ơ hay việc gì phải rủ khi tao chỉ thích ngồi một mình, rồi cũng rep "đi học bài" xong ném cái điện thoại sang một góc. Cuộc sống tiếp diễn, con bé đó chạm mặt nó nhiều hơn, hay mang trái cây nhà xuống phòng cho tụi ăn nhiều hơn, mỗi lần giao bóng nó có thói quen nhìn phía trên thì lần nào cũng thấy con bé ngồi vắt vẻo trẻn lan can nhìn xuống sân. Kệ, ai nhìn cứ nhìn, nó là nó, bước đi một mình. Thời đó nhiều người ghét nó, chả vì gì, chỉ vì sự ngạo mạn, lạnh lùng của nó làm nó khó gần, nhưng mà con người của nó là vậy.

Một ngày con bé tiếp cận nó thì nó cảm giác có gì đó sai sai, câu hỏi của nó dành cho con bé kia gói gọn trong bốn chữ "nhóc thích anh à?" con bé không trả lời mà lẳng lặng đi, cứ vậy trôi qua đời nó. Năm thứ 2 nó tập tành đi tiêm, đi truyền ở bệnh viện. Một đêm con bé đau, chả hiểu sao tụi phòng con bé lại nhắn cho nó, ừ thì lên xem thế nào, nhìn tụi kia cầm kim lấy vein mà bực, nó bảo để nó làm, nó cắm kim mà chẳng hiểu tay run vì cái gì nhưng cũng hên là cắm một lần được luôn chứ không là nhục thật chứ chẳng đùa, băng lại rồi xả 20 giọt/phút, hết việc nó về ngủ... Sáng thức dậy nó nhận một tin nhắn cám ơn từ số lạ, chẳng nhớ viết gì nhưng nội dung là cám ơn việc tối qua. Thì ra con bé đó nhắn, đọc xong lại vứt cái điện thoại đấy, công việc thôi giúp được ai thì giúp.

Giải bóng chuyền Ktx năm ấy nó cũng trong đội, lúc đó nó quen một bé khá xinh xỏ, gái sư phạm, tính cách điệu đà dữ lắm. Ai cũng nghĩ nó thích con bé kia, không hề, nó chỉ xem là bạn dù có lần được rủ đi uống nước, được cho kẹo này kia đúng kiểu quan tâm chăm sóc ấy. Có đồ ăn thì ăn thôi, ai muốn nghĩ gì kệ họ, nó không quan tâm, mấy lần sang ktx sư phạm đánh bóng với đội cũng có Nhung đi cùng ( hay gọi là Nhóc) hay lần đi sang ktx Lào cũng có, nó dính với đội bóng thì phải, mà cũng đúng vì cả hội chơi với nhau mà. Một tối Nhóc rủ nó đi dạo, nói rằng sắp đi xa một thời gian. Nó tò mò thì con bé kẻ về bản thân một chút, về bệnh của bản thân nên phải ra nhà thầy ngâm thuốc chừng nửa tháng, khi nào về nó ghé lại ktx. Ừ, giờ biết là nó có học một chút về Đông Y, Nhóc thử xem mạch cho nó rồi nấu cái tô gì gì đó toàn nấm mèo, nấm hương với thuốc bắc bảo nó ăn, haha có đồ ăn mà không độc thì ăn thôi, mà đúng là cái tô đó khó ăn thật nhưng ráng nuốt vì nhận ra mùi thuốc. Mấy hôm sau Nhóc đi, tiễn ra ga nó thấy hơi buồn chút. Nhóc lên tàu, cũng nhắn vài tin rồi ngủ. Thời gian đó hơi thấy thiếu thiếu gì đó, cũng có nhắn tin nói chuyện với con bé nhiều hơn chút, ngày nó về huế thì gặp nhau mới biết được con bé bệnh nặng như nào mỗi lần phát bệnh sẽ lạnh ra sao. Rồi ai về nhà nấy, nghỉ hè...

Hè năm đó nó buồn...nó chăm nội chỉ gần 10 ngày rồi nội đi mãi...nội không giữ lời hứa đợi ngày nó ra trường cầm tấm bằng về khoe với ông. Nó khóc, nó trơ trọi, lễ tang nó chạy ngoài đường như một đứa vô hồn, cố gắng lấy việc đi lại liên tục, mua sắm các thứ cho đám tang để quên đi cảm xúc của nó. Ông đi rồi nó không một lần được quỳ lạy trước quan tài, nó tối mặt ngoài đường với xó bếp nấu cúng, nó không rơi nước mắt vì ông từng dạy nó "người chết rồi đừng rơi nước mắt cho họ vì họ sẽ không dứt cõi trần được mà nặng lòng thì khó siêu thoát". Ngồi trên xe tang nó nhắm mắt, cố vuốt ve cái quan tài lần cuối, nó muốn ôm cái quan đó một lần nhưng không dám, cố gắng chặn nước mắt lại không cho rơi ra, nó bước đến nghĩa trang nơi mộ huyệt mà chân như đeo chì, sư thầy đi trước nó đi sau miệng lẩm nhẩm niệm kinh, sư thầy quay lại nhìn nó với ánh mắt thâm sâu mà chính nó chẳng hiểu vì sao.

Cúng thất cũng là ngày má nó lên bàn mổ, mổ cả hai bàn tay, mọi việc nấu cúng nó ôm hết, nhà lại chẳng ai biết nấu chay trừ nó với má vậy là nó lại phải làm một mình, ráng thôi...những ngày đó nó lên nghĩa trang ngồi tận tối, lúc buồn nó nhắn tin nói chuyện với Nhóc..nó khóc nhiều. Nó nhận ra có cảm tình với con Nhóc đen đen mặt lúc nào cũng cười ấy, nhưng nó tự kìm mình lại vì má nó chỉ thích con dâu từ là người miền nam, vì chỗ của nó người ta còn kì thị người dân tộc ít người.

    Nói một chút về ba má nó. Má nó là con nhà giàu, má không thiếu bất kì thứ gì, trời ban cho má mái tóc với đôi mày đẹp lắm cho dù không cần tỉa nặn hay tô vẽ cũng vô cùng đẹp. Má tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm Khánh Hòa những khóa đầu tiên, cũng có đi dạy một thời gian nhưng thời điểm đó nghề giáo bạc bẽo lương ba cọc ba đồng nên má không theo nghề nữa mà theo bà ngoại buôn vải ngoài chợ Thành, má nó tính ngang lắm lại còn nóng tính, không bao giờ chịu thiệt về mình, vậy mà lại kết thành đôi với ba. Ba ngày còn trẻ đủ thứ trò nghịch ngợm làm ông nội điên đầu, mấy bác trong xóm kể lại thời trẻ ba nó đẹp trai, học giỏi nhất làng (nhưng theo lời má với những người bạn thân của ba kể lại là học dốt nhưng thủ đoạn giở tài liệu vô biên) cũng phá nhất làng, được cái ai cũng thương. Ba má quen nhau thời trung học, nghe kể vậy, tốt nghiệp trung học ba thi đỗ rồi học Dược trung cấp ở Đà Nẵng, lại một thời ổng phá phách bẻ giường nấu chè đủ kiểu. Ba về công tác tại hiệu thuốc, thời đó chả có bảo hộ lao động gì, ba nhiễm hóa chất rồi bệnh tưởng chừng đã chết, đi khắp Sài Gòn – Hà Nội may sao tìm được bệnh nhưng hỡi ơi khi chỉ còn đúng một ống thuốc lại hết hạn sử dụng, làm liều vậy, ba sống nhưng đôi mắt ba không còn nhìn thấy ánh sáng nữa. Hai năm SG rồi HN sức khỏe ba khá lên, ba được trở về nhà có lúc ba từng muốn vào các trại người khiếm thị sống chung với họ nhưng ông bà với các bác không cho. Rồi điều chẳng ai ngờ là tình yêu của ba má quá lớn, lớn đến nỗi má bỏ tất cả để đến với ba với hai bàn tay trắng, từ cô gái sống trong nhung lụa má trở thành môt người nông dân đích thực. Đến giờ khi hỏi lại má đều đùa: "hồi đó sao tao ngu vậy không biết", hì tự nói mình ngu mà lúc nào nói cũng cười.

Nó vẫn vậy, nó không thay đổi, vẫn cái mặt lạnh nhạt với đôi mắt đó...Năm thứ 3 tụi nó gặp nhau nhiều hơn, làm việc nhiều hơn trong ktx, những lần hội họp nhậu nhẹt cùng hội bóng chuyền cũng dày hơn...à thì ra nó cũng có thể như vậy, cũng có thể đi chơi với bạn, một thói quen mà từ khi nội già yếu nó đã đánh mất, tụi nó nói chuyện nhiều hơn rồi cũng tiến thêm một bước trở thành bạn bè. Nhóc phát bệnh, người lạnh toát, co cứng...nó lo, chạy khắp mua thuốc rồi vác hẳn về phòng cho cả đám cùng chăm, để nó ở phòng canh truyền nước. Quan hệ tiến thêm một chút, nó hỏi có cách nào để chữa bệnh cho Nhóc không, con bé im lặng, không trả lời...nó thương vì con bé hay đau, không rõ là do tính nó thương người hay do có tình cảm với con bé. Một đêm, trời mưa huế nhẹ bay, con bé gọi nó, muốn đi tâm sự, ờ thì đi. Con bé khóc rất nhiều, như chết đi sống lại, vì người bạn thân nhất của nó ra đi mãi mãi...à, mình mới mất nội nên cảm giác mất đi người thân sao quên được. Nó ôm con bé thật chặt để con bé được khóc, khóc cho nhẹ lòng, từ đó nó nhận ra thêm một điều: khi con gái yếu lòng nhất là lúc họ cần một nơi để khóc.

Trời Huế se lạnh, một lần chúng nó đi dạo, mưa phùn, trú mưa rồi có lẽ là nó ngỏ lời đến với con bé, nó muốn che chở con bé. Tết Dương lịch năm đó với nó vui hơn năm trước. Qua tết vẫn là giải bóng chuyền, cứ như vậy tiếp diễn, đội của nó thua đau vì ban tổ chức, cả đám khóc, ức, cay vì thất bại khi đã cố gắng, ai xem tụi nó thi đấu đều phải công nhận tụi nó xứng đáng hơn, nhưng thất bại vẫn là thất bại...đêm đó chúng nó say, say vì thua, vì muốn xả hết ấm ức trong lòng, tất cả mọi người.

Nhóc lại phát bệnh, có linh tính chúng nó sẽ phải xa nhau, muốn nằm cạnh nhau một lần. Ừ nó đồng ý, tự sâu trong lòng, nó muốn chữa bệnh cho con bé...cả 2 đứa phải làm chuyện vợ chồng hay làm...tự giằng xé bản thân, cuối cùng tụi nó trở thành một cặp, nhưng giữa tụi nó chưa bao giờ có tình yêu trai gái, mà giữa tụi nó chỉ có tình thương...

Lần đó, cả hai đều xác định nếu lỡ có thì cũng không thể giữ được không chỉ vì hai đứa còn quá trẻ, còn đang ăn học, mà còn vì bao nhiêu bệnh của Nhóc dồn hết sang sẽ không thể sống được...lo lắng chuyện gì thì chuyện đó tới, hai tuần sau trễ kinh...khóc, ừ cả 2 cùng khóc, khóc thật nhiều vì lúc nhóc cần nó nhất thì lại đang nghỉ hè, hai đứa cách xa nhau không thể đến kịp...nó chỉ biết an ủi nhóc rồi chiều chiều lại tìm về nơi nội nằm ngồi tâm sự với ông. Nó nói đợi mấy hôm ra nó đưa đi khám, nhưng rồi không đợi được...nhóc bị ngã, sảy chân ngã bên bờ kè, xuất huyết...ngày đó chỉ sau sinh nhật nó ít hôm. Nó cố gắng ra sớm nhất có thể, chạy đến ôm nhóc vào lòng, cả 2 cùng khóc thật nhiều từ đó nhóc suy sụp tinh thần, tự trách mình vô vàn vì để mất con. Nó rối, nó không biết phải làm sao nó chỉ biết lúc đó phải giữ bình tĩnh để chăm sóc cô ấy khoẻ lại, đưa cô ấy đi nhiều nơi hơn đi chơi, đi trà sữa, đi ăn, đi Hội An... để cô ấy khuây khoả nỗi buồn. Nhiều lần cô ấy hỏi "anh muốn về thăm nhà em không?" Có chứ, muốn chứ, nhưng nó sợ, nó không biết phải đối diện với gia đình em như thế nào? nó trượt dài trong thời gian ấy. Đôi lúc N buồn, nó chỉ biết ôm cô bé vào lòng rồi vuốt tóc, dần dần sức khoẻ N cũng ổn định trở lại, nhưng nụ cười ngày nào đã vơi dần. Nó sợ N khóc vì khi đó là lúc cô yếu mềm nhất, khi đó có thể nó lại không ở bên cô được... Thời gian học quân sự đến, lần đó sức khoẻ đã ổn lại nhưng đâu phải là bình phục hoàn toàn, nó lo lắm, đợt đó trời bão, con bé lại bị giập ngón chân, mặc kệ mưa hay bão nó vội vã chạy xuống xem có ổn không, tấp cho một đống đồ, ngồi băng bó ngón chân rồi ra về...trời vẫn mưa. Kết thúc đợt quân sự N chuyển ra khỏi ktx, nó vẫn ở trong ktx, nhưng lẽo đẽo chạy theo bên trọ nấu ăn với chăm sóc N như một người chồng chăm vợ ấy. N muốn đi làm nó không cho, nó muốn N nghỉ ngơi nhiều hơn, ít hoạt động đoàn hội lại...mùa Rung chuông vàng với văn nghệ năm ấy nhạt hơn vì thiếu nhiều thứ, thiếu đi một N năng động...

Tụi nó chưa bao giờ cãi nhau, có lẽ là vì quá hiểu nhau, giận giận chút một đứa bỏ ra ngoài lát rồi lại về làm lành, thế đấy, chúng nó chưa bao giờ giận nhau lâu. Năm thứ 3 bên nhau, có sự xuất hiện của Quý, một cô bé bề ngoài tròn trịa, nhìn khả ái, có hơi hướng tiểu thư bánh bèo. Cô bé đó nhỏ tuổi hơn N, nhưng sâu bên trong cũng là một nỗi buồn... buồn về gia đình. Không ai ghét Q nhưng người ta lại khó đồng cảm vì biểu hiện của Q với người khác vì bị đánh giá là buông thả hay khêu gợi quá mức, nó lại thấy tội Q vì nó hiểu được một gia đình khi anh em chỉ chăm chăm vào tài sản của ba mẹ như thế nào, người đó cô đơn ra sao...nó dành thời gian ra an ủi và nói chuyện với Q nhiều hơn. Đến mức người khác hiểu làm là nó phản bội N để đi theo Q, ừ cho là họ nghĩ vậy đi nhưng nó không quan tâm. Nó cho Q mượn bờ vai để khóc, chỉ dừng lại ở đó, chưa một lần ôm, giống như một người anh trai có thể an ủi đứa em gái bé nhỏ, chỉ vậy. Có lần N khó chịu vì nó nói dối khi đi cf, đi ăn với Q khá khuya mà bảo đi với người khác, ừa nó sai rồi, đúng ra nó nên nói thật đi với ai. Mọi chuyện cũng trôi qua, chúng nó vẫn chưa cãi nhau lần nào. Sau 3 năm, lần đầu tiên N thật sự nổi giận là lúc đội văn nghệ lơ là tập luyện khi chỉ một tuần nữa là diễn, đó là tâm huyết của cả nhóm nhưng lại không nghiêm túc...N mắng, mắng từ anh Hoàng cho đến mấy đứa nhỏ, mắng đến mức rát họng cho tụi nó tập, cô quản lý ra can cũng bị N nạt, cô biết lỗi của cô một phần nên im lặng đứng một bên để N chỉ đạo. Hì, con bé người nhỏ nhỏ gầy gầy mà khi nổi đoá lên đáng sợ lắm. Nhưng cũng một phần vì đợt đó mà N quên mất buổi phỏng vấn, N bỏ lỡ cuộc gọi từ Hà Nội phỏng vấn về dự án "nước sạch vùng cao" cô muốn mang về quê hương mình, để bà con luôn có nước sạch sử dụng, để không còn cảnh mùa mưa hứng nước mùa hè khô. N buồn, khóc.

Năm đó Ktx được nhiều giải, cô quản lý cũng nhờ vậy đạt nhiều giấy khen của cấp trên...nhưng đời người mà, chỉ vài tháng sau lại quay ngoắt sang bảo cả nhóm hoạt động yếu kém...ai cũng thấy não lòng, thấy chua chát...Ban tổ chức Ktx tan rã. Năm đó lũ về, cả thành phố giao thông tắc nghẽn, một thành viên của ktx( gọi là K đi) đi làm về lúc trời mưa, vì lý do chẳng rõ mà không đợi bảo vệ mở cửa hành lang lại đi leo lên tầng 2 qua cái lang can phía trước. Dây chuông báo động rò rỉ điện, K rơi xuống, đúng ngay trước cửa phòng nó. Cả đám xúm lại đưa vào phòng, sơ cứu rồi ép tim các thứ ( toàn lũ y dược mà) nhưng điện giật lại kèm ngạt nước, không cách nào sơ cứu tỉnh lại, giao thông tắc nghẽn chúng nó gọi công an, công an đưa xe qua chạy được một nửa thì chết máy phải vác bộ lên bệnh viện. Lần đầu tiên chúng nó biết cảm giác một cây số đi mất gần 1 giờ là như thế nào, chúng nó thay nhau cõng rồi khiêng rồi làm ấm cơ thể K vừa cố gắng đi thật nhanh...nhưng...

Tang lễ, cả phòng chỉ gửi phúng viếng, cả đám đều buồn rười rượi khi để K mất trên tay, trên vai chúng nó mà chẳng thể làm gì hơn...KTX không còn nữa, người ta lấy lại để tu sửa. Ngôi nhà của nó hơn 4 năm gắn bó mất đi, nó chuyển ra trọ cũng tiện bề chăm sóc N. Cuối năm ấy N tốt nghiệp, mãn khoá cô về nhà. Tụi nó lại ít được gặp nhau hơn, yêu xa.

Tui nó xa nhau gần một năm, gặp nhau vài lần khi N ra Huế làm một số công việc, mua ít đồ rồi về. Chúng nó chẳng nói chuyện với nhau nhiều...nó biết tính N khi về nhà là quẳng cái điện thoại sang một bên, nhưng nó nhớ cô, ngày nào nó cũng nhắn tin cho cô hỏi xem cô đã ăn gì chưa? Hôm nay làm gì? Có đi đâu chơi không? Hay có mệt , có đau tay không? Im bặt, có lúc là vài ngày, có lúc vài tuần nó nhận được tin trả lời của N cho biết vẫn khoẻ, chỉ vậy...chúng nó ít liên lạc lắm, đợt dài nhất nó đợi cô trả lời là 2 tháng, ừa 2 tháng tròn, 60x3=180+n tin nhắn nó gửi chẳng thấy hồi âm...nó hi vọng rồi thất vọng, nó chẳng biết phải làm gì để có tin tức của N vì hỏi bạn bè chung của cả hai nhưng chẳng một ai biết cả. Hết 2 tháng đó N cũng trả lời tin nhắn cho nó, cô bảo vẫn khoẻ, mới đi về nên mệt. Ừ...

Ngày nó hay tin cô bị ngã xe, nó lo sợ, nó gấp đồ vào ba lô, gọi cho Ni ( đứa bạn chơi gần 5 năm ) đi tới chỗ N nhưng cô ngăn lại, không cho hai đứa đi. Nó đau lắm, nó thấy mình thật thất bại...nó nghĩ N chán nó rồi. Nó nghĩ đến việc chia tay, nó nói với cô bạn đi cùng nó việc đó, cô ấy chửi nó điên, nhưng nó vẫn im lặng, đợi.. N xuất viện rồi về nhà, nó vẫn sáng bệnh viện chiều ở trường. Ngày cô ra Huế đúng lúc nó đi thực tập, nó không được về thành phố. Nhưng may sao chỉ 2 ngày nữa là xong, thứ 4 nó được thả về...Nó có nói cho cô ngày đó sẽ về, nó gắng chạy thật nhanh về trọ nhưng phòng khoá ngoài. Nó nghĩ N với Ni đi ăn sáng hay cà phê gì đó, nó mong gặp cô lắm...nó gọi cho Ni mới biết N về quê từ chiều qua...nó hụt hẫng, mọi hi vọng của nó tan vỡ...nó quyết định với lòng mình sẽ chia tay.

Lúc đó, T gọi nó đi cf vaf thật sự khi đó ai gọi đi đâu nó cũng đi cả, đi uống càng tốt. Thế rồi nó lấy con cub 50 cũ kĩ phi qua quán quen hay ngồi với T ngay trước cổng ktx của nó, nơi nó cắm trại hơn 5 năm rồi, lần đầu tiên nó gặp M -được T giới thiệu là đứa em cùng quê- chẳng có ấn tượng gì ngoài việc M cùng thuộc đội bóng của Ni. Tối nó rủ mấy đứa nhậu, rủ cả M. Đêm đó nó uống rất nhiều, nó không say, nhưng giữa chừng nó nhận cuộc gọi từ nhà...công việc làm ăn hư hao. Nó buồn lắm, cả đám lại chuyển lên Ga tàu ngồi, Ni về trước, T ngủ gật, còn nó đốt thuốc. M ngăn nó lại...nó về đưa M về, đẩy vào phòng nó ngủ, nó sang chỗ khác.

Giống như anh em chơi cùng hội, riết rồi tụi nó thành 4 đứa hay đi hội họp cf với nhau, nó nói chuyện nhiều hơn, cũng không động đến thuốc nữa. Ngày Ni có chuyện, Ni muốn đi xa, cả đám giữ lại nhưng không thành, trước khi đi Ni lại nhờ M chăm sóc nó, khi đó nó chẳng biết gì cả...Vẫn đi cf cùng, ngồi học bài, rồi mua kẹo cho M ăn, cũng vô ý thức thành một thói quen. Hôm nó bị đụng xe, M lại lóc cóc hầm cháo cho nó ăn, nó hơi nghẹn lại. Đợt nó học thi, M lại mắng nó lo ăn mới có sức mà học, nó kệ, học đã, M đội mưa mua bữa tối cho nó...khi đó nó vẫn nhắn và đợi N trả lời.

Nó với M vô tình trở thành một cặp anh em mà nó hay gọi M là Đần, chẳng hiểu sao nó thích gọi như vậy. Thời gian đó tụi nó trùng hợp rất nhiều thứ, mà đỉnh điểm là việc nó từng mơ thấy Đần trước đây, nó nói đúng cả trang phục, nơi đứng có gì, cả hai bắt đầu hoang mang. Trong nó lại có một chút tình cảm gì đó lạ lắm, nó không biết, không lý giải được.

Đần về nhà nghỉ sau khi thi học kì, thời gian đó tụi nó vẫn hay nhắn tin, call zalo, nó vui lắm ngày Đần ra Huế nó muốn đi biển, nó rất ghét biển vì biển là nơi nó đến khi buồn, mười năm rồi nó chưa tắm biển. Nó khuyên Đần nên đăng kí dẫn đoàn, cứ đi mà va chạm, đau về nó chăm...Đần thành người yêu của nó. Không tán một ngày nào, không hề nói những lời sướt mướt, tụi nó gặp nhau tình cờ, đến với nhau vì cảm thông và rất nhiều sự trùng hợp. Hai tuần Đần dẫn đoàn nó chăm cô từng chút một từ bữa ăn đến sức khoẻ, nó lo lắng khi cô đau hay dị ứng, nón nhận ra nó đang yêu, lần đầu tiên nó biết được yêu là như thế nào. Nó thấy hạnh phúc khi đoàn mà Đần dẫn dắt ganh tị với cô vì được nó chăm sóc nhiều đến vậy. Ngày về tết chúng nó hẹn nhau thật nhiều, hẹn nhau nhiều dự định lắm, vui lắm, cũng hạnh phúc lắm, nó bảo Đần cứ đi ra ngoài khi nào khóc thì chỉ được khóc bên nó, nó muốn che chở Đần. Cả nó và Đần hay đám bạn của cô đều chẳng hiểu được sao chúng nó mới yêu mà lại sâu đậm như vậy. Nó về nhà đón tết, hay đúng hơn là về chịu tang bà nội, nội nó ra đi mãi mãi.

Mồng hai tết, bão ập đến, N thấy nó đăng ảnh trên fb nên N giận, rất nhiều thứ xảy ra sau đó dù nó đã nói chia tay và cô im lặng suốt hơn hai tuần nó nghĩ cô đã đồng ý. Nó với Đần lần đầu có vết nứt...khóc nhiều, nói chuyện thật nhiều, đau nhiều lắm khi tình yêu mới chớm đã gặp bão. Tụi nó vẫn gặp nhau đúng ngày ấy, thực hiện một số dự định mà tụi nó đã nói, ngày ra Huế thực sự mọi chuyện lại trở nên phức tạp quá tầm tay và hiểu biết của nó.

Tụi nó vừa làm lành thì N ra Huế, nó nghĩ cô ra để thu dọn đồ đạc, nhưng cô còn đăng kí học một số thứ. Cô ở lại, căn phòng suốt chín tháng chỉ có một mình nó sở hữu nay trở thành nơi N ở cùng vì chưa tìm được trọ sau tết. Chuyện càng phức tạp khi lại dính đến vấn đề tâm linh, nó stress, nó chẳng biết nó đang ở đâu và làm gì, nó không biết con đường nó đi ra sao. Không biết làm sao để bảo vệ Đần...cũng lục đục rồi lại nứt, hàn gắn lại rồi lại có chuyện, nhiều lần vậy, Đần khóc rất nhiều. Nó cũng đau lòng. Nó nói rõ, nó yêu cô, thật sự rất yêu, nhưng với N nó còn thương nó không yêu N như tình yêu trai gái vì tụi nó chưa từng có, nó thương, và nó muốn chăm sóc N đến khi nó tốt nghiệp. Đần vẫn tin tưởng nó chỉ chăm sóc N, nhưng nhiều lần thấy nó ở cùng phòng lúc đêm muộn cô nghĩ nhiều thứ. Nó giải thích, cô vẫn nghe nhưng vẫn khóc. N cũng giải thích cô không giữ nó nên Đần cũng nghĩ xuôi. Nó hứa không giấu Đần việc gì nên chăm sóc N như nào nó đều kể, đêm đó tụi nó đi dạo gặp ông chú bị tai nạn, nó vào khám thì N gọi nó không nghe máy...nó để im lặng. N nhắn tin cho Đần nhờ cô nói nó mua thuốc, nó sợ, nó chạy về vì hơn ai hết nó hiểu khi N lên cơn đau sẽ như nào. Đêm đó cả ba ở cùng, Đần với nó cùng chăm N, lại một lần nữa liên quan chuyện tâm linh. Nó cảm thấy sợ. Đần hiểu một phần, không trách nó nữa nhưng con gái thì ai chẳng khó chịu khi nó cứ bên cạnh người cũ suốt như vậy, nhưng thả ra lại có chuyện thì nó biết làm sao đây...áp lực hai bên, thêm chuyện gia đình, nó đuối sức. Nó hứa với Đần sẽ không giấu cô việc gì, nó chăm N nó cũng kể lại, cũng vì lời nói không rõ ràngvaf những cái đầu nóng mà tụi nó tan vỡ...

Có nhiều người nói nó bắt cá hai tay, có người nói nó xem Đần là vật thay thế, cũng có người nói nó yêu hình bóng của N nơi Đần. Nó kệ, nó không quan tâm vì họ chỉ biết một góc nhỏ của câu chuyện, có ai biết hết những khúc mắc hay những điều khó nói ra trong đó. Họ nói N cố tình làm ra vẻ để phá nó với Đần nhưng có ai biết N là người chỉ cho nó cách làm sao đễ dỗ dành khi Đần giận, N giải thích cho Đần nó khúc mắc chỗ nào. Lần gần nhất, N còn đặt mình vào vị trí của Đần, để nói cho nó biết khi đó phải làm gì để Đần chịu xuống gặp nó. Ừ, hai người đó thương nhau, họ không hề ghét nhau.

Đần khóc, giận, buông tay nhưng vẫn cho nó một lần ngồi nói chuyện trước mặt Đầm và cả phòng. Hôm đó, nó sốt, cái đầu nó nóng bừng bừng nhưng đôi chân lạnh ngắt, cũng phải vò 39 độ cơ mà, nó không muốn đi gặp Đần trong trạng thái đó, nhưng N bảo nó phải đi vì nếu không sẽ không còn cơ hội gặp. Nó gượng dậy ráng ép bản thân mình tỉnh táo, bước vào phòng Đần gặp bạn cùng phòng và một người được cả phòng gọi là sư thầy, nó buộc mình phải tỉnh, buộc bản thân phải mạnh mẽ lên không để cho họ thấy nó đang yếu đuối hay mệt mỏi. 50p trôi qua vắt cạn sức của nó, bước ra khỏi phòng nó muốn gục tại chỗ, nó chạy thật nhanh về đến trọ rồi nằm hẳn...nó đuối sức thật rồi. Những ngày sau đó nó giằng xé bản thân mình, có lúc vì đủ thứ lý do, có lúc vì sự ngu ngốc của nó. Đêm hôm đó nó vẫn lo Đần có chuyện, nó nhắn cho bạn cùng phòng nhưng họ bỏ qua, đêm đó Đần say rồi đủ thứ chuyện kéo theo, tụi gọi nó giúp nó cũng ráng bò dậy đi. Tụi lại được một lần thấy nó bình tĩnh mà hành động chứ không phải cuống cuồng lên, chắc lại nghĩ chả yêu thương gì nên vậy, họ nói nó với N hạnh phúc thế kia sao Đần phải đau lòng. Nó chỉ biết cười mỉm, miệng đời mà, người chết trên tay nó đâu phải chưa có, người bệnh qua tay cũng đâu có ít, lúc đó nó chỉ xem như người bệnh để chăm sóc và hành động, càng cuống lên càng hỏng việc. Ừ nhỉ, đáng ra nó phải cuống lên cho người ta tội nghiệp nó chứ nhỉ, nhưng nuốt 2000mg paracetamol vào đi rồi xem cái đầu nó trơ ra hay nó nhảy cẫng lễn khi người bệnh gọi. Đêm đó thật dài...N cũng vì tối đó mà suýt mất mạng, đâu ai hay biết trừ nó. Nó vẫn hi vọng, hi vọng vào việc Đần sẽ hiểu hành động của nó, cô ấy gặp nó một lúc vào hôm sau, bờ hồ nơi lần đầu nó an ủi lúc cô trượt kì thi quan trọng. Nó nói nhiều thứ mà bản thân nó ấp ủ muốn nói để cô sửa đổi nhưng đã không còn cơ hội, rất nhiều, lúc đó nó là người của 5 năm trước không chút tình cảm mà chỉ nhìn vào sự việc. Sau hôm đó cô nói cô thực sự sợ hãi nó khi ấy, N cũng nổi giận vì nó dần trở lại con người lạnh lùng trước kia. Một buổi chiều khi nó đưa N đi cầu gỗ vì dù ở Huế lâu rồi cô chưa từng bước lên cây cầu ấy và nay muốn đi, ừ, nó đưa cô ấy đi ăn chút rồi đi ra cầu gỗ lim, sau rồi đi khắp các chợ đêm ở thành phố để tìm mặt dây chuyền cho Đần. Vô tình Đần thấy nó đèo N phía sau...đêm đó sau khi về Đần đến tìm nó, cô tặng nó 3 cái tát có thể là mạnh nhất của đời mà cô vung ra, nó còn chẳng hiểu gì, nó cố gắng kìm chế bản thân không tránh đi, cũng không đáp lại, nó đợi cô nói. Cô trả lại nó tình cảm nó dành cho cô...nó lại biết thêm được tình cảm có thể trả lại sao? Nó cố gắng gồng bản thân mình đứng vững để nói những điều cuối nó muốn gửi cho cô. Đần quay đi, nó bước vào phòng rồi khuỵ xuống, choáng thật sự, nhưng lúc đó nó bình tĩnh hơn bao giờ hết nó nhìn lại mọi thứ rồi cười.

Khi cô biết mọi chuyện nó với N làm cô khóc, cô xin lỗi, ừ, nó chấp nhận lời xin lỗi của cô. Nhưng 3 cái tát, nó chưa thể quên được, vì ngay cả má nó cũng chỉ tát nó một cái và đúng một lần duy nhất cho đến giờ, cô hỏi nó hận cô không? Không đâu Đần à, khi người ta yêu ai đó thật lòng họ chẳng bao giờ hận cả, vì yêu mà hận chỉ là sự ngu ngốc mà thôi. Nó còn yêu cô, kể cả là ai hỏi nó vẫn sẽ trả lời như vậy...hận thù chỉ làm con người ta đánh mất chính mình, yêu thương thì cứ yêu thương đi.

Nó lại nhớ, nhớ về những kỉ niệm của nó. Nó với N lần đầu tiên thật gần vào khi trời mưa, hai đứa núo dưới chân cầu trú mưa, nhớ cái bờ hồ nơi kí túc xá mỗi chiều đi dạo, nhớ sân bóng chuyền, nhớ cả những lần chạy quanh thành phố tìm mua thuốc. Ngày đó N có đứa bạn vì giận dỗi người yêu mà lừa cả đám bị tai nạn nặng lắm, hai đứa lặn lội tìm khắp các bệnh viện các khoa cấp cứu mới vỡ lẽ nó nói cho con bé kia lo...ừ nhờ nó mà N bỏ thi, nó cũng được trận cảm lạnh. Nó nhớ lại những lúc N đau nó chăm hay nó đau N chăm nó. Nó nhớ cảnh 2 đứa lội lụt với bố già đi cà phê sạc pin điện thoại...

Nó cũng nhớ Đần, nó nhớ những lần đi xem đá bóng đầy cảm xúc, nhớ những lần đón Đần sau khi dẫn đoàn về mệt mỏi nó chăm, nhớ cả biển đêm. Nó nhớ lúc chạy đi đón cô ấy cho kịp giờ hay cả khi đi chung trời lại lắng cứ trả cô ấy về ktx nó về một mình lại mưa tầm tã, nó nhớ dự định đi hết các quán cf ở Huế cùng nhau rồi tìm cho mình một quán thật ưng ý. Nó nhớ lúc Đần bảo nó chụp hình với ba, nói chuyện với ba nhiều hơn...

Sao nó có thể quên được ai khi mỗi úc trở trời vai nó đau, chân nó cũng đau thì Đần cũng đau chân còn N đau ở tay, sao quên được đây mỗi khi gió về. Nó muốn quên, nó muốn xoá hết kí ức của nó đi nhưng vậy sẽ không còn là nó nữa, nó buồn...

Không rõ Đần biết những gì nó phải gánh chịu không, biết đến áp lực của nó khi lúc nào cũng căng thẳng, khi phải phân tâm cả việc gia đình. Nó với N xoa dịu đám bạn khi chúng nó sắp nổi bão, nó im lặng tìm người có thể cho nó lời khuyên nên làm gì. Nó tìm đến dượng để xin một lời khuyên. Tìm đến những đứa bạn khá thân để hỏi, cuối cùng thì cũng chỉ phụ thuộc vào tình cảm của chính nó mà thôi. Nó đã nghĩ sẽ đỡ đau hơn khi thời gian trôi đi, nhưng nó đã sai, nó sai khi càng ngày yêu thương càng nhiều hơn.

Nó vào Hội An lần nữa để tìm mặt dây mà Đần thích – cỏ bốn lá màu xanh lục -...nó tìm được rồi. Nó đưa N về thăm trường cũ, lần đầu tiên N kể cho nó về bạn thân của cô, về người đã đi xa thật xa. N đưa nó đến quán cà phê nơi mà khi xưa họ hay ngồi chỉ cho nó từng ngóc ngách của cái quán ấy, cô buồn vì nhớ bạn, nó cũng buồn vì nhớ nội. Cô kể cho nó nghe về dự án "nước sạch vùng cao" mà cô làm trong 2 năm qua, ánh mắt cô dù đang khóc nhưng vẫn ánh lên niềm vui vì những gì dự án đó mang lại cho người dân nơi cô sống, dự án mà nó đã nghĩ cô bỏ lỡ cơ hội. Ừ giờ nó biết rồi đấy, cô đánh đổi thời gian và tình yêu của nó vì tình yêu lớn hơn là quê hương cô, thêm vào vấn đề tâm linh, cô và nó để mất nhau.

Nó chỉ mong được ở bên người nó yêu thương rồi trải qua cuộc sống bình dị, một quán cà phê nhỏ, một pub rượu, một mảnh vườn mỗi khi cuối tuần thả mình đọc sách. Nó thích ngồi uống một tách trà nóng thật đặc mỗi sáng, đợi trà ngấm dần xuống cuống họng rồi cảm nhận vị ngọt. Hay một tách cà phê đen thêm chút rượu Rhum với vị đắng – cay - chan chát như màu cuộc sống, gói đường nó giữ lại Thương vẫn cứ thương, yêu vẫn yêu, yêu là thương và thương cũng là yêu...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro