1. Mưa sờn áo cũ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

.
.
.
.

"Anh Doãn Kỳ ơi!"

Hiệu Tích còn đứng tít đằng xa mà vẫn văng vẳng tiếng vọng lại. Em vừa chạy vừa ngây ngốc cười, nom phấn khởi lắm. Tà áo em bay bay trong gió. Phải rồi, hôm nay Hiệu Tích tốt nghiệp nên áo em vận rộng lắm, còn dài sát đến đầu gối, chiếc nón ban nãy còn đội trên đầu mà giờ cũng bị gió thổi đi mất tiêu. Doãn Kỳ phía bên kia trông thấy bộ dạng đó không khỏi buồn cười. Anh vẫy tay đáp lại, lớn giọng hỏi.

"Bị ma đuổi hay sao mà chạy thục mạng thế?"

.

Hai người quen nhau bằng cách nào ấy? À, đó là vào một ngày thu trời lộng gió, nắng vàng rát bỏng thiêu đốt cả sông nước Cần Thơ, khi Hiệu Tích vừa bước xuống xe buýt chạy chuyến Sài Gòn về thì nhận ra bụng mình đã cồn cào, vừa hay đám bạn lại rủ Tích đi ăn cùng, nghe đâu là ở cái quán cừu xiên mới mở nào đó. Ừ thì, cả bọn dắt nhau cười nói rộn ràng, Hiệu Tích lúc đầu còn bảo quán sao có chút xíu, lại chỉ có cậu thanh niên chạy qua chạy lại, tự làm hết tất cả công việc, nghe rõ mồn một từng tiếng thở nặng nhọc, trông mà xót quá.

"Nè anh gì ơi, có cần giúp không?"

Hiệu Tích đã hỏi vậy, đám bạn đi cùng nom ngạc nhiên lắm, bọn nó đứa thì cười, đứa thì vỗ vai nhắc khéo. Cơ mà, mình cũng là khách, mình tới để ăn chứ đâu phải làm không công cho người ta đâu Tích? Thằng ngồi kế bên nói nhỏ, nhưng xem chừng anh chủ quán kia cũng nghe thấy. Trông anh ta lúng túng lắm, mãi một hồi mới trả lời được.

"Dạ thôi, thằng em tui sắp đi học về rồi, lát nó bưng lên cho."

Người kia hẳn biết rõ bản thân lớn tuổi hơn Hiệu Tích mà vẫn đáp vậy. Dân Sài thành về Cần Thơ mới thấy, người ở đây sao gần gũi với chân thành quá. Tích nghe thế cũng ngồi im, lúc sau lại thấy một thằng nhóc chừng mười lăm đỗ xe trước cửa quán. Trên người nó còn mang bộ đồng phục, tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Cũng phải, trời nắng gắt thế cơ mà. Nhưng hình như đây là đứa em mà anh chủ quán nhắc tới. Trông mặt mũi xán lạng, từng lời nói ra cũng tử tế vô cùng. Đoạn, Tích nghe được.

"Quốc ơi, em coi cái bếp ga giùm anh, anh đi có việc."

Vừa dứt lời, Hiệu Tích đã thấy cậu bé kia bưng một mâm thịt nướng còn bốc khói, mới đặt xuống bàn đã vội chạy đi, vừa làm vừa đáp.

"Anh nhớ về sớm ăn cơm nghe anh!"

Hiệu Tích ngồi gần đó, tự nhiên lại thấy ấm lòng quá. Đợi khi chủ quán vừa dắt chiếc xe đạp ra khỏi cổng đi mất hút, Tích gọi cậu em kia lại, dúi vào tay nó ít tiền. Nó thấy thế liền vội trả lại, khăng khăng từ chối, nó nói anh hai nó dạy không được nhận đồ từ người lạ. Tích phì cười.

"Em cứ cầm lấy, đừng có nói cho anh hai biết nghe em. Tại anh thấy thương em quá, anh là Hiệu Tích, em tên gì?"

"Dạ Chính Quốc, năm nay mới mười lăm thôi anh, còn anh hai em tên Doãn Kỳ, ảnh chừng hai mươi rồi. Mà, em cám ơn anh, lần sau ghé qua quán em nữa nha anh?"

"Ừ ừ."

Hiệu Tích mới trò chuyện vài ba câu thôi thì Doãn Kỳ cũng vừa về tới. Tích thầm nghĩ sao mà nhanh quá. Chính Quốc nghe tiếng két két từ bàn thắng của chiếc xe đạp cũ, vội chạy ra, nom hớn hở lắm.

"Đi đâu mà lẹ vậy anh? Em còn chưa kịp nấu cơm nữa."

"Anh giao hàng ở hẻm kế bên thôi. Mà, anh có mua mấy bịch phở, tối nay mình dọn sớm nghe em."

"Anh hai, quán mình có anh Tích tốt bụng lắm, mai mình làm sẵn mấy phần cho ảnh nha anh?"

Rồi, Doãn Kỳ và Hiệu Tích quen nhau cũng nhờ thằng em Chính Quốc cả. Chớp mắt một cái mà đã mấy năm trôi qua.

.

"Người ta cất công tới đây, không tiếp thì thôi chứ?". Hiệu Tích vừa đến nơi đã thở hổn hển, tay lau vội cái trán đẫm mồ hôi. Người đối diện trêu ghẹo vài câu rồi kéo ghế mời.

"Rồi rồi, em là khách quý, anh giảm cho một nửa."

"Ý anh là giảm thịt hay giảm tiền?"

"Thôi không chọc em nữa, coi như anh bao. Hôm nay em ra trường nên tụi nhỏ đang chuẩn bị tiệc chúc mừng cho em kìa."

Doãn Kỳ vừa dứt lời đã chạy đi. Khách đông quá chừng mà. Anh mở tiệm cừu xiên nướng này cũng được hai năm, tính lúc đầu làm nhỏ thôi, đủ sống được rồi. Mà thế nào thằng Chính Quốc, em trai anh đi khoe khắp trường là có anh hai mở tiệm ăn, thế là ngày nào cả hai cũng chạy đôn chạy đáo phục vụ, thở còn không kịp. Ấy thế mà vui, Chính Quốc nó thích thịt cừu lắm, năm mười mấy tuổi đã đòi Doãn Kỳ mai mốt phải làm cho nó ăn mỗi ngày, còn muốn vô quán chạy bàn tiếp nữa. Rồi tích góp từ từ cũng đủ mua thêm khu kế bên, Doãn Kỳ hay than quán sao mà rộng quá, mới chạy mấy quận đã rã hết cả chân. Hiệu Tích lúc đó chỉ cười bảo, thôi anh ơi, chừng nào em ra trường rồi em qua phụ anh, chứ thằng Quốc nó còn đi học, để nó làm quài cũng tội.

Hai năm trôi qua rồi, Hiệu Tích cũng tốt nghiệp. Trước cái hôm tổng kết, anh nói em không cần đến làm chỗ anh, khó khăn lắm mới học xong, thôi thì em cứ tìm việc nào tốt hơn, chứ bỏ mười mấy năm cắm đầu vào sách tập rồi lại đi làm phục vụ, uổng lắm em ơi.

Em cũng bảo, em muốn phụ anh, chứ thấy anh cực vậy em xót.

Thôi thì, em thương anh, sợ anh lao lực quá lại sinh bệnh nên anh cho em tiếp anh nghe anh?

Doãn Kỳ nghe vậy cũng mềm lòng.

Ừ, nhưng đừng quá sức, bữa nào đói thì qua quán anh, anh nấu cho ăn. Thấy em dạo này sao ốm yếu quá.

Hiệu Tích ngồi trên ghế nhựa, đôi mắt không ngừng chăm chú vào người đang chạy khắp nơi tiếp khách kia. Đúng là quán anh rộng thật, mà khách còn đông nữa, vài ba nhân viên sao kham cho nổi hả anh?

"Anh Tích, anh đợi lâu chưa?"

Chính Quốc bưng mâm thịt cừu để trên bàn, lễ phép chào hỏi.

"Mới tới thôi em, mà giờ này sao em còn chưa đi học?"

"Em học ca chiều, làm ca sáng anh ơi."

"Vậy có mệt lắm không Quốc?"

"Dạ không anh, em thích như vầy lắm."

Hiệu Tích xoa đầu Quốc. Quốc còn bé đã đi làm phụ anh hai, hỏi xem ai mà chẳng thương cho được. Mấy thằng nhỏ cùng tuổi với Quốc giờ còn bận chơi đuổi bắt, thả diều kia kìa. Doãn Kỳ sao mà có phúc quá, được thằng em trai vừa xinh xắn, học giỏi lại vừa hiểu chuyện. Thật không khỏi khiến người ta ghen tị.

"Em ngồi xuống ăn với anh lát nghe? Nghỉ chút đi rồi hẵn làm tiếp."

"Dạ thôi, em mới chạy mấy vòng có thấm vào đâu đâu anh? Nghe anh tốt nghiệp, em cũng mừng. Hôm nay anh cứ ăn bao nhiêu tùy thích, em làm cho anh."

Chính Quốc cười đáp rồi quay lưng đi mất. Người đâu mà lòng dạ tốt quá. Hiệu Tích thầm nghĩ.

Hiệu Tích ở lại rất lâu, nhưng chỉ dùng đúng một phần thịt. Em đòi giúp Doãn Kỳ cho bằng được, thế là ba người thay phiên tiếp khách hết buổi. Mệt thì có mệt, song chẳng ai tỏ phiền hà. Cuối giờ lại tự thưởng nhau mấy dĩa thức ăn, cười nói rộn ràng. Cảm giác ấm áp như một gia đình nhỏ. Đoạn, tự nhiên Hiệu Tích lại thấy nhớ nhà quá. Cũng gần 4 năm rời Sài thành mà xuống Cần Thơ học tập, ba mẹ em chắc trông dữ lắm. Cơ mà Tích nào đủ thì giờ, vừa tốt nghiệp đã chuẩn bị đi làm. Nhưng nếu ba Tích biết được em đi chạy bàn thì khổ ghê lắm.

"Trời sắp mưa kìa, dọn bàn ghế giùm anh đi Quốc, anh đi giao hàng cho người ta. Hiệu Tích, em tiếp thằng Quốc rồi khóa cửa lại cẩn thận nghe em."

Doãn Kỳ dắt chiếc xe đạp ra ngoài, miệng không ngừng dặn dò. Tích nghe thế cũng ngó sang cửa sổ. Mới độ giữa trưa mà trời đã tắt nắng hết cả, còn cảm giác rợn người lành lạnh. Mưa miền Nam. Một khi đã mưa thì sẽ rất to, dân cư bây giờ nhà cửa xập xệ, gió thoáng qua đã lung lay, sao nguy hiểm quá. Mà thời này cũng lấy đâu ra mấy con lộ trán nhựa cứng cáp? Toàn là nền đất cũ tạo lối mòn, nước dâng là té xe như chơi.

"Mưa thì thôi đi anh ơi, trời lạnh, đường trơn, kẻo gặp chuyện đấy anh."

Chính Quốc khiêng chồng ghế nhựa đặt xuống sàn, vẫy tay ý gọi Doãn Kỳ ở lại.

"Bán buôn ai làm vậy hả em? Khách tưởng mình không uy tín thì khổ. Em dọn xong thì về nhà đi, chiều còn đi học."

Quốc nghe thế cũng nào dám cãi, y bực dọc quay lưng tiếp tục công việc. Cũng là nó lo. Anh hai thì cực khổ kiếm từng đồng cho em trai đi học, thằng em thì lại muốn bỏ học để phụ anh nó.

Những người đất Nam luôn sống tình cảm như vậy à?

"Thôi mà Quốc, anh Kỳ đi lát về liền. Hay hôm nay anh đưa em đi học nghe em?"

Hiệu Tích hỏi, Doãn Kỳ cũng vừa đặt chân lên bàn đạp mà chạy mất hút.

"Phiền anh quá, em tự đi được mà."

Chính Quốc cười cười.

Khi trong đầu còn lản vản mấy suy nghĩ không đâu, tự nhiên lại thấy lành lạnh. Mưa rồi. Trời mưa như trút nước, ào xuống vang tiếng rõ to, đập mạnh vào cái mái tôn cũ kĩ. Lỗ tai lùng bùng, ngoài kia sao ồn ào mà khó chịu quá. Sét vang rầm trời, từng tia sáng lóe lên trong đám mây đen mịt, báo hiệu đây chẳng chỉ đơn giản là mưa thôi đâu. Là bão cũng không chừng. Cơ mà mới gần giữa trưa đã tối hù(*)Hiệu Tích luống cuống đưa mắt tìm hình bóng còn lại trong quán. Chính Quốc bấy giờ trông sợ lắm, nó chạy từ nhà bếp lên mà luôn miệng nói to gì đó, tiếng mưa át đi cả giọng Quốc.

"Anh Doãn Kỳ còn ở ngoải(**) đó!"

___

(*) tối hù: rất tối (từ địa phương)
(**) ở ngoải: ở ngoài (từ địa phương)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro