yuiopsfog[9ugkjau9gfawufosajdpfiouw9-afupasdjfa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I. Mở bài

Nguyễn Trung Thành là nhà văn có sự gắn bó mật thiết với Tây Nguyên trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông hiểu biết và có một tình yêu sâu sắc với chiến trường Tây Nguyên, với thiên nhiên và con người TN; điều đó đã giúp NTT trở thành cây bút văn xuôi viết hay nhất về vùng rừng núi xa xôi này.

Những sáng tác của NTT thường thể hiện khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đậm nét. Với nguồn cảm hứng chủ đạo là tình yêu quê hương, đất nước, nhà văn luôn muốn đem đến cho tác phẩm của mình những giá trị khát quát lớn lao về lịch sử, nhân dân, đất nước và CM.

Truyện ngắn "Rừng xà nu" được sáng tác từ đầu 1965 ở khu căn cứ của chiến trường Trung Bộ, trong không khí sôi sục của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước - đó là thời điểm Mĩ tiến hành "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đổ quan vào miền Nam Việt Nam và đánh phá ác liệt ở miền Bắc. 

Bên cạnh những anh hùng và tập thể anh hùng, ở Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành còn sáng tạo nên một hình tượng nghệ thuật mang tính biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến vĩ đại. Đó chính là hình tượng cây xà nu.

II. Thân bài

1. Hình tượng cây xà nu

Hình tượng cây xà nu là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của NTT, hình tượng có có ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa trượng trưng sâu sắc. Rừng xà nu là bức tranh thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ đem đếm chất trữ tình lãng mạn cho tác phẩm. Rừng xà nu cũng là biểu tượng cho số phận đau thương và cuộc sống chiến đấu hào hùng oanh liệt của người dân Tây Nguyên trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ - ngụy.

Tòan bộ truyện ngắn là cuộc đời số phận của Tnú, của dân làng Xô Man, nhưng mở đầu và kết thúc truyện lại là hình ảnh của những "đồi xà nu nối tiếp tới chân trời", Nhà văn cũng lấy chính hình tượng thiên nhiên đầy chất thơ, lãng mạn và hào tráng ấy làm nhan đề cho truyện ngắn của mình. Chính NTT đã hình dung:"Tôi thấy rõ cái truyện ngắn này sẽ bắt đầu bằng một khu rừng xà nu mà tôi sẽ ra sức tả một cách hết sức tạo hình như chạm nổi lên và truyện cũng sẽ kết thúc bằng một cánh rừng xà nu như một vĩ thanh cứ xa mờ dần, bất tận". Như vậy, cây xà nu thực sự là một hình tượng nghệ thuật quan trọng giúp nhà văn thể hiện tư tưởng chủ đề cho tác phẩm.

1. Rừng xà nu trước hết là bức tranh thiên nhiên đẹp thơ mộng, hùng vĩ bao bọc xung quanh làng Xô Man.

Những "đồi xà nu nối tiếp đến tận chân trời" đã gợi tả hình ảnh về một thiên nhiên bao la phóng khoáng, gợi cảm giác về sức mạnh thiên nhiên nguyên sơ và thuần khiết, hoang dại và vĩnh hằng. NTT đã nói về cây xà nu bằng những lời đắm say và ngưỡng mộ:"Tôi yêu say mê cây xà nu, ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch. Mỗi cây cao vút, vạm vỡ ứa nhựa. Tán lá vừa thanh nhã, vừa rắn rỏi mênh mộng tưởng như đã sống hàng ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau".

Hình ảnh cây xà nu không chỉ được vẽ, được chạm khắc với những đường nét, hình khối đầy ấn tượng mà còn được phả vào đó "hương thơm ngào ngạt", được soi chiếu trong "long lanh nắng hè gay gắt", được dát lên "lóng lánh vô số hạt bụt vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng"... Vừa được chạm khắc trong những hình khối mênh mông, vừa được đặc tả trong những chi tiết tinh tế, được cảm nhận đồng thời bằng cả thị giác, khướu giác, xúc giác....xà nu hiện lên với hình sắc, hương thơm, ánh sáng với hơi nóng nồng nàn. Nhà văn miêu tả vừa đẹp đẽ, vừa mê đắm, thể hiện tình yêu, niềm tự hào ngây ngất khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. Những rừng xa nu, đồi xà nu, cây xà nu...thực sự là một thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ làm nền cho hình ảnh con người xuất hiện đem đến chất thơ và sắc thái lãng mạn đặc biệt cho tác phẩm.

b. Cây xà nu được miêu tả trong một bối cảnh cụ thể, đó là những cánh rừng trong chiến tranh, trong tầm đại bắc của đồn giặc. Những cánh rừng chịu số phận đau thương bởi sự tàn phá khốc liệt của bom đạn kẻ thù

Truyện ngắn bắt đầu bằng những câu văn gợi ra không khí khắc nghiệt và dữ dội của chiến tranh: "Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn". Như vậy, cả làng và rừng xà nu đều là đối tượng tiêu diệt trực tiếp và tàn bạo của bom đạn kẻ thù - sự sống an lành, bình dị đang bị đặt trong tư thế đối mặt với cái chết phi tự nhiên, những sự sinh tồn vĩ đại, đẹp đẽ của cả thiên nhiên và con người đang đứng trước mối đe dọa của sự diệt vong.

Sự tàn phá mang tính hủy diệt đã khiến "rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương". Cấu trúc câu phủ định tạo ra tính chất tuyệt đối, cách diễn đại mang sắc thái NH về cả một ki rừng "bị thương" khiến câu văn trần thuật không còn giữ được sắc thái khách quan mà thấm thía nỗi đau đớn và căm giận.

Nỗi đau đã hiện ra trong nhiều mức độ và sắc thái: khi là nỗi xót xa cho những cây non tựa những sinh linh thơ trẻ, "nhựa còn trong chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét ra mãi, năm mười hôm thì chết", khi lại là cái đau dữ dội của những cây xà nu trưởng thành như những con người đang tuổi thanh xuân bỗng bị"chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão"...và cũng có cả những "vết thương chóng lành" trên những thân cây xà nu cường tráng. Không chỉ được miêu tả ở bề rộng của tòan cảnh khu rừng xà nu, nhà văn còn đưa ống kính vào cận cảnh của những vết thương trên thân cây: "nhựa ứa ra tràn trề , thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc thành từng cục máu lớn".Cây xà nu đã trở thành những sinh thể sống vừa đẹp đẽ vừa quí giá, vằ bất hạnh, đau thương, cũng vì thế àm làm tăng thêm cảm giác đau xót và căm giận.

Hình tượng xà nu không chỉ đem đến nỗi xót xa cho thiên nhiên thơ mộng hùng vĩ bị tàn phá trong chiến tranh mà thông qua sắc thái NH, nhà văn còn gợi ra những liên tưởng đau thương của một thời dân tộc ta phải chịu đựng. Cũng như rừng xà nu, trog làng Xô Man, hầu như không có nhà nào không có người thân bị kẻ thù đàn áp dã man, "tiếng kêu khóc dậy cả lòng". Cũng như xà nu, nỗi đau thương của dân làng Xô Man không ngoại trừ ai, từ người già, thanh niên, phụ nữ cho đến những đứa trẻ, dân làng người bị treo cổ, người bị chặt đầu, người bị tra tấn cho đến chết...

Qua hình tượng đau thương của những cánh rừng xà nu bị tàn phá, NTT đã khắc họa sâu đậm nỗi xót xa cho thiên nhiên và cuộc sống con người trên mọi miền Tổ quốc, nỗi căm giận với kẻ thù tàn bạo khi sự sống tươi đẹp và an bình bị hủy hoại trong khói lửa chiến tranh.

c. Tuy nhiên, cảm hứng chủ đạo của những trang viết say mê vè rừng xà nu không phải là cảm hứng đau thương. Bao trùm lên tất cả vẫn là cảm hứng về một sự sống, vươn lên tiếp nhận ánh sáng của bầu trời phóng khoáng rộng lớn, với một sức mạnh không gì ngăn nổi: "Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi và nảy nở khỏe như vậy...cũng ít có lòai cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng". Những đặc điểm này của xà nu gợi cho người đọc những liên tưởng về tâm hồn và cách sống phóng khoáng của những người dân TN yêu tự do, không cam chịu cảnh sống chật hẹp, tù túng, nhẫn nhục, tối tăm.

Từ thực tế sự sống, sức sinh trưởng và phát triển kì diệu của cây xà nu khi "cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn...", nhà văn đã hướng người đọc tới những tầng nghĩa tượng trưng sâu sắc khi đặc xà nu trong cảm hứng tự hào của già làng: "Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên".

Sức sống kì diệu của xà nu gợi sự nối tiếp kiên cường của các thế hệ dân làng XM đi làm CM. Bao nhiên năm dân làng XM nuôi dấu cán bộ, lúc đầu thanh niên đi thì bị giặc bắt treo cổ anh Xút; sau người già thay thanh niên lại bị giặc bắt và treo đầu bà Nhan, đến lũ trẻ như Tnú, Mai lại thay thế người lớn tiếp tục đi nuôi giấu cán bộ bởi 1 niềm tin sâu sắc: "Cán bộ là Đảng, Đảng còn núi nước này còn". Sau này, Mai bị giặc giết, Tnú bị tra tấn và đi làm bộ đội, Dít lại tiếp bước anh chị trở thành bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội, chính Tnú cũng nhận thấy:"...rồi Dít sẽ lớn lên. Con bé ấy vững hơn cả chị nó.." . Sẽ tiếp bước Mai, Tnú và Dít sau này sẽ là bé Heng, ngày Tnú ở nhà nó mới đứng ngang lưng anh, bây giờ nó đã đeo được khẩu súng trường, lầm lì nhanh nhẹn như một chàng trai Tây Nguyên đích thực.

Hình ảnh "những câu con mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như nhữngmũi lê" đã gợi những suy ngẫm sâu sa không chỉ về sức sống mà còn là sức chiến đấu, sức mạnh chống trả bất khuất của xà nu, của con người với thế lực độc ác, bạo tàn.

Hình ảnh "những rừng xa nu nối tiếp chạy đến chân trời" còn gợi ra suy cảm sâu sa:"Cuộc vùng dậy của dân làng XM, của nhân dân TN sẽ còn lan rộng tới những mảnh đất khác trong phong trào Đồng Khởi oanh liệt của nhân dân chống Mĩ - ngụy"-

Miêu tả sức sống kì diệu của rừng xà nu trước sự tàn phá khắc liệt của bom đạn kẻ thù, nhà văn NTT đã cho thấy tác phẩm của ông thực chất là một khúc tráng ca tha thiêt,s hào hùng về sự ngợi ca sự sống đẹp nồng nàn, bất khuất. Ấn tượng về một màu xanh bất diệt của xà nu từ đầu đến cuối tác phẩm đã gieo vào lòng một một men say mê và ngưỡng mộ, sự kính phục và niềm tin vào sức sống trường tồn, mãnh liệt của thiên nhiên và con người trên Tổ quốc thân yêu.

d. Trong tòan bộ truyện ngắn, cây xà nu luôn là 1 hình tượng thiên nhiên gắn bó mật thiết với con người.

Cây xà nu từ đuốc, dầu, nhựa, khói, lửa, thân cho đến cả rừng cây mênh mộng luôn hiện diện trong cuộc sống sinh họat hằng ngày, trong cuộc nổi dậy oanh liệt của dân làng XM. 

Ngọn lửa xà nu luôn rực đỏ, ấm nóng trong bếp người XM, là ngọn lửa duy trì sự sống, ngọn lửa xà nu làm mặt mũi lũ trẻ "lem luốc" khói xà nu. Cũng ngọn lửa ấy đã cháy rừng rực trong ngôi nhà ưng của già làng, nơi dân làng lặng yên kính cẩn, quây quần bên ngọn lửa nghe cụ Mết kể về cuộc đời Tnú, về lịch sử làng XM.

Ngọn lửa xà nu soi sáng cho dân làng âm thầm mài giáo mác. Trong đêm vợ con Tnú bị giết, Tnú bị giặc bắt tra tấn dã man, dân làng đã đốt đuốc xà nu để vào rừng tìm giáo mác, để rồi trở về làng, ào ào xông vào kẻ thù, tiêu diệt tòan bộ tiểu đội ác ôn của thằng Dục. Họ đã đốt lửa xà nu ở giữa nhà, đống lửa soi rõ xác 10 tên giặc ngổn ngang trên mặt đất. Trong đêm ấy, cụ Mết đã nhắc lại tới hai lần lời hiệu triệu: "Đốt lửa lên"- ngọn lửa xà nu cháy khắp rừng, cả rừng XM ào ào vang động, xà nu được thực sự bước và cuộc nổi dậy oanh liệt, hào hùng với dân làng XM.

Cây xà nu còn là một hiện tượng nghệ thuật khi luôn gắn bó và hiện diên trong biến bố của cuộc đời Tnú. 

Từ nhỏ, khi muốn học cái chữ của Đảng đế lớn làm "cán bộ giỏi", Tnú đã cùng Mai và anh Quyết "đốt khói xà nu xông bảng nứa đen kịt" để làm bảng viết chữ.

Trong đêm kinh hoàng khi vợ con bị giết, chỉ một mình với hai bàn tay không lao vào kẻ thù, Tnú đã bị giặc quấn giẻ tẩm dầu xà nu lên 10 ngón tay để đốt khiến "10 ngón tay thành 10 ngọn đuốc" - ngọn đuốc xà nu bùng cháy nỗi căm hờn, ngọn đuốc khắc ghi sự đau đớn và ngọn đuốc xà nu cũng đồng thời soi sáng một chân lý thời đại: không thể thắng giặc với "hai bàn tay trắng, chúng có súng mình phải có giáo".

Sau đêm ấy, Tnú lên đường đi "lực lượng", anh cầm cây đuốc xà nu soi cho Dít gằn gạo ăn đường. Tới ngày anh về phép và trở lại đơn vị, hình ảnh đầu tiên anh gặp, hình ảnh cuối cùng khi chia tay vẫn là những "cánh rừng xà nu gần con nước lớn" - xà nu thực sự là hình ảnh thân yêu vô cùng của quê hương trong lòng Tnú.

Xà nu đã chia sẻ, chứng kiến những đau thương, những giác ngộ trưởng thành của Tnú, xà nu cũng là chứng nhân lịch sử trong cuộc chiến đấu oanh liệt hào hùng của dân làng XM.

e. Cây xà nu được miêu tả trong thế song hành rất độc đáo với con người, không dừng lại như một hình ảnh nhân hóa, cây xà nu luôn ẩn hiện trong những liên tưởng, những cảm nhận về cuộc đời, số phận, tâm hồn, tính cách và sức sống bất diệt của dân làng XM.

Khi miêu tả rừng xà nu hoặc những thân câu xà nu, NTT thường sử dụng ngôn ngữ dành nói về 1 sinh thể sống:"Xà nu bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn", "Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã...Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn cảu mình ra, che chở cho làng"..Cách miêu tả ấy đã đem đến cho rừng xa nu cả sự mạnh mẽ và cường tráng, cả linh hồn và tâm trạng, cả nỗi đau đớn và sự che chở cao thượng, bao dung... Đó cũng là những phẩm chất cơ bản của người dân Tây Nguyên.

Khi miêu tả con người, nhà văn lại đưa người đọc đến những liên tưởng đầy ấn tượng về xà nu, từ cụ Mết "ngực căng như 1 cây xà nu lớn" tới Tnú và tấm lưng bị giặc chém "ứa một giọt máu đậm từ sáng đến chiều thì tím thâm lại như nhựa xà nu".Xà nu và con người XM đã thực sự hòa nhập với nhau trong cả nỗi đau thương và sự mạnh mẽ, cường tráng.

III. Kết bài

Rừng xà nu trong truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành không thuần tuý là rừng cây đặc trưng của làng Xô Man trên dải Trường Sơn hùng vĩ. Đó còn là hình tượng ẩn dụ về chính con người ở nơi khác nghiệt của cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. Bao con người trong những năm tháng gian lao ấy vẫn còn sống, ngoan cường, bền bỉ và kiêu hãnh. Cho dù cuộc chiến tranh khốc liệt kia đã đi qua, nhưng hình tượng nghệ thuật đó vẫn rất giàu sức sống, vẫn như một lời nhắc nhở về những phẩm giá tốt đẹp của con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro