Yves Congar & niềm đam mê hiệp nhất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Về những suy tư và hồi ức thuộc giai đoạn 1929-1973, chính cha Congar đã đặt cho các trang viết này một nhan đề rất tiêu biểu cho những điều cha đã sống : Une passion : l’unité[1] (Niềm đam mê hiệp nhất).

Chúng ta không biết phải mô tả đời sống làm Kitô hữu và thần học gia của cha Congar sao cho xác đáng. Cha Congar không theo đuổi việc giảng dạy ở đại học và không chu du đó đây vì một lý tưởng thuần tuý khoa học. Chính niềm đam mê của cha vì sự hiệp nhất các Kitô hữu đã cho ra đời một công trình rất ấn tượng, trước tiên bởi khối lượng đồ sộ và được phổ biến khắp nơi : công trình không dưới hai ngàn đề mục (titre), trong đó những đề mục quan trọng nhất đã được dịch ra các ngôn ngữ chính của Châu Âu[2]. Cũng thật là ấn tượng bởi vì trực cảm đã hướng dẫn cha lựa chọn những đề tài và những chuyên môn mà cha biết cách đổi mới vào thời điểm thích hợp. Tất cả những tác phẩm lớn của cha đều đáng ghi nhớ và có một tác động đặc biệt trên bình diện lịch sử (Wirkungsgeschichite), đến độ gây ảnh hưởng đáng kể tại Công đồng Vaticano II.

Monika Wolff nhận định thật xác đáng : “Cha Yves Congar là một trong những thần học gia mà tác phẩm được đưa vào thần học của Vaticano II nhiều đến nỗi hầu như người ta không thể lượng giá hết sức mạnh khởi phát và tính độc đáo, nếu không khôi phục lại bối cảnh lịch sử việc soạn thảo của cha. Có lẽ dễ dàng nhận ra thần học Congar trong lịch sử thần học Công giáo ; còn rõ hơn vì cha Congar là một trong những nhân cách đã góp phần làm nên lịch sử này”[3].

Bà viết thêm : “Dấn thân suốt hơn năm mươi năm vào công cuộc đối thoại thần học và đại kết, cha Congar đã góp phần quyết định làm nên phong trào đại kết của Công giáo”[4].

Lại một lần nữa bà có lý. Có lẽ bà còn muốn nhấn mạnh nhiều hơn đến chính suối nguồn của toàn thể công trình là niềm đam mê hiệp nhất các Kitô hữu. Về một con người thuộc thế hệ ấy – cha Congar sinh năm 1904 – việc khảo sát này có lẽ không xác thực. Thế nhưng hoàn toàn đúng như vậy : chính Congar tự nhận mình như vậy và các nhân chứng đương thời cũng khẳng định điều đó. Vì vậy, trước khi trình bày công trình của cha Congar, tốt hơn hãy xác định thiên hướng mà chính cha Congar cũng thừa nhận là chín sớm, qua việc miêu tả vắn tắt về gia đình và dòng tu của cha cũng như việc đào tạo đầu tiên của cha về đại kết.

I-         Những năm tháng đào luyện

1.   Môi trường gia đình và môi trường Đa Minh

 Yves Congar sinh ra trong một gia đình thị dân ở thành phố Sedan nhỏ bé, nằm sát biên giới phía Đông của nước Pháp, nơi người Công giáo, người Thệ Phản[5] và người Do Thái chung sống hoà bình bên nhau. Yves từng có những người bạn nhỏ tuổi thuộc các tôn giáo này và những gia đình vẫn thường hay lui tới. Ở đó, những liên hệ thân tình giữa người Công giáo và Thệ Phản đã nảy nở từ lâu đời. Cha Congar kể rằng, sau khi những kẻ xâm lược Đức đốt cháy nhà thờ giáo xứ vào năm 1914, ông mục sư đã tặng cho cha xứ một nhà nguyện nhỏ của người Thệ Phản. Đó chính là điểm khởi đầu cho những dấn thân đại kết của cha[6]. Cha còn kể chuyện rằng khi còn là một cậu bé, cha thường hay tranh luận với con trai ông mục sư về sự hiện diện thực sự[7].

Chính tuổi thơ của Yves đã mở đường cho những xu hướng hoạt động sau này, chứ ba năm chủng sinh học tại Học viện Công giáo Paris gặt hái không được bao nhiêu. Cha linh hướng của Yves, kinh sĩ D.-J. Lallement, đã từng là thành viên của Action Française, cũng là người đồng hương Sedan, trước khi bác bỏ triết thuyết của phong trào chính trị này vì phong trào này đã đặt tất cả niềm hy vọng của mình vào việc khôi phục lại chế độ quân chủ quý tộc và dân tộc chủ nghĩa ở Pháp. Thế nhưng khi dẫn Congar tham gia câu lạc bộ của Jacques Maritain, vị linh mục này đã truyền đạt và giúp cho Congar tiếp cận với một học thuyết Thomas vốn chẳng mặn mà gì với nền triết học hiện đại và đương đại. Khi vào dòng Đa Minh, Congar vẫn không lấp đầy được lỗ hổng này : khi duyệt xét chương trình học trước đây của Congar, người ta miễn cho anh khỏi phải học triết, bởi anh đã được xem như một “thomiste” rồi.

Vào thời đó, Học viện Saulchoir, đang tị nạn ở Bỉ vì chính phủ Cộng hoà trục xuất các tu sĩ, đã là một môi trường khích lệ anh rất nhiều. Lúc đó giám đốc là cha Lemonnyer, học trò của cha Lagrange ở Trường Thánh Kinh Jérusalem ; cha Madonnet dạy Lịch sử Giáo hội ; cha Chenu, tác giả cuốn “Saulchoir, một trường thần học”[8] viết sau đó ít lâu, là một trong những giáo sư sáng giá nhất. Chính vị giáo sư này đã giúp Congar khám phá J.A. Mưhler cũng như Foi et Constitution (phong trào được khởi xướng năm 1927) và Conférence de Lausanne (cũng ra đời năm 1927).

2.    Một “thiên hướng đại kết” chín muồi quá sớm

Với tư cách là một tu sĩ Đa Minh, mỗi buổi sáng khi hát kinh phụng vụ, Congar đều lặp đi lặp lại câu “Hài nhi hỡi, con sẽ nên tước hiệu, là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” trong bài ca chúc tụng Benedictus. Theo một kinh nghiệm tâm linh mà chính cha Congar kể lại, vần thơ này hình như không phải do chính cha thốt ra, nhưng “được nói với cha do một Đấng Khác ở bên trong” (Pa 9). Vào năm 1930, trong thời gian tĩnh tâm chuẩn bị làm linh mục, cha “thật sự nhận ra tiếng gọi hãy hành động ngõ hầu tất cả những người tin vào Đức Giêsu Kitô được hiệp nhất với nhau. […] Tôi đã nhận ra thiên hướng đại kết vốn cùng chung một chuyển động với thiên hướng Giáo hội học” (Pa 10).

Đó là chiếc chìa khoá đặc biệt để hiểu về thiên hướng của cha Congar : không phải trong tư cách là một nhà Giáo hội học mà cha đã khám phá ra đại kết ; nhưng chính trong tư cách là một con người của phong trào đại kết mà cha trở thành nhà Giáo hội học, “cùng một chuyển động”.

Theo lời trần tình của cha Congar, thiên hướng này không do các bề trên của cha thúc đẩy, nhưng các vị cũng không chống đối hay bác bỏ. Tuy nhiên, như cha Congar kể, trong số ấy có vị này vị nọ không thấy hết những hữu ích của một đường hướng như vậy (xc. Pa 14). Làm thế nào để hiểu thái độ có vẻ xa cách ấy của họ ?

Chính những dấn thân của anh em Đa Minh thuộc tỉnh dòng Pháp tại vùng Bắc Âu theo hệ phái Luther và tại Nga đã hé mở cho chúng ta thấy vấn đề. Ngay sát bên cạnh Saulchoir, gần kề biên giới (tại Lille), có một chủng viện dành cho người Nga (Chủng viện Saint-Basile) được Đức Piô XI uỷ thác cho các anh em Đa Minh. Istina ra đời tại nơi này. Cha Christophe Dumont, người rất gần gũi với cha Congar trong công cuộc đại kết[9], lúc bấy giờ đang làm giám đốc chủng viện này. Ngược lại, thái độ dè dặt của một số vị bề trên có thể được giải thích do thông điệp vẫn chưa ráo mực Mortalium animos của Đức Piô XI (ban hành năm 1928) kết án phong trào đại kết. Trong thông điệp này, đức thánh cha tố cáo những “người Kitô giáo ba phải” (panchrétiens) khi lý giải tại sao người Công giáo, đừng nói chi đến Toà thánh, không được tham gia vào hoạt động của nhóm người này “dưới bất kỳ lý do nào”. Theo Đức thánh cha, đưa “những người ly khai trở về với Giáo hội duy nhất và chân thật”[10] là giải pháp duy nhất[11].

Thế nhưng một thông điệp như vậy không làm nhụt chí thiên hướng của cha Congar. Những gương mặt lớn trong gia đình Đa Minh, “chuyện cha Lacordaire, gương của cha Lagrande và cha Sertillanges – những câu chuyện và gương của các bậc cha anh vốn luôn hiện rõ trong tâm trí tôi” – cha Congar viết như vậy, đã minh chứng rằng “tất cả những ai đã từng làm điều gì đó, chẳng hạn khai mở một đường hướng mới, đều phải gặp rắc rối” (Pa 24). Và Thiên Chúa biết chính cuộc đời của cha sẽ chứng minh cho những linh cảm của cha tới mức nào.

3.    Tự đào luyện trong gặp gỡ và học hỏi đã làm  nên “trường phái lớn” của cha Congar

Tầm mức chính xác về diện mạo tâm linh và trí thức của cha Congar sẽ được hé mở cho chúng ta khi chúng ta quay về thập niên 1930, thời kỳ cha đang tự đào luyện để phát triển thiêng hướng của mình. Konfessionskunde của người Đức không được áp dụng ở Pháp, nơi mà khoa minh giáo của Giáo hội vẫn còn ngự trị. Chuyên ngành mà ngày nay chúng ta gọi là đại kết vẫn chưa ra đời ; chính cha Congar, với Chrétiens désunis (1937), là người đầu tiên muốn đem lại cho phong trào này một hiến chương. Sau thông điệp Mortalium animos, những bậc thầy hiếm hoi của phong trào đại kết đều bị nghi ngờ : cha Congar không hề biết cha Potal, người tiên phong trong việc xích lại gần Anh giáo, đã qua đời từ năm 1926[12] ; còn Lambert Beauduin đang bị lưu đày ở Pháp[13], trong khi chính cha Congar lại sống ở Bỉ. Cha nhận thấy rất rõ tất cả những ai dấn thân vào phong trào đại kết vừa mới ra đời đều ít nhiều không được tán thành.

Yves Congar phải làm gì ? Cha tiếp tục một chương trình và trọn đời sẽ trung thành với nó : đến gặp gỡ những người khác một cách cởi mở và huynh đệ, đọc, nghiên cứu lịch sử của họ và lịch sử chung giữa chúng ta với họ.

Để gặp gỡ những người khác, cha bắt đầu từ nước Đức. Vào năm 1930, cha trải qua tháng tám và tháng chín ở Dsseldorf, điều này giúp cha làm quen với phong trào Friedrich Heiler thông qua Die Hochkirche, tạp chí mà cha đã đọc với sự hứng thú mãnh liệt nhất. Vào năm 1931, cha đến Berlin, nhất là quê hương của ông Luther, rồi đi Wartburg, Erfurt vừa làm việc với Luther-Hall của Wittenberg. Hai nơi ở này mang tính quyết định như cha từng nói bóng gió : “Tôi mắc nợ tinh thần Đức rất nhiều, mắc nợ nhiều bạn bè Đức và cả khoa học Đức nữa” (Pa 16-17).

Cuộc gặp gỡ những người khác qua tiếp xúc trực tiếp là con đường mà cha Congar đặc biệt ưu tiên. Vì thật lạ lùng, vào năm 1932, cha được các bề của mình chấp nhận chỉ sau sáu tháng chuẩn bị cho việc giảng dạy trong tương lai, trong khi bình thường phải mất tới hai năm mới đạt được. Sáu tháng đó cha sống ở Paris nhưng lại không giúp gì cho cha trong việc dấn thân vào chương trình nghiên cứu ở đại học. Nhưng tại đó cha đã có những cuộc tiếp xúc rất ý nghĩa. Rồi cha ghi danh vào École Pratique des Hautes Études (Trường Cao học Thực hành), theo những giảng khoá của giáo sư Étienne Gilson (triết gia theo trường phái thánh Thomas), của giáo sư Gabriel Le Bras (sử gia Giáo luật), và nhất là theo học phân khoa thần học Thệ Phản vốn là một việc lập dị vào thời đó. Đồng thời Congar còn tham gia vào Câu lạc bộ Pháp-Nga, ở đó cha gặp gỡ các ông Berdiaev, Emmanuel Mounier (người sáng lập tạp chí Esprit) ; ông Lev Gillet, tu sĩ dòng Biển Đức đã gia nhập Chính Thống giáo[14], linh mục Gratieux, chuyên viên về ngôn ngữ Slave ở Học viện Công giáo Paris mà chẳng bao lâu sau ông đã cho xuất bản công trình nghiên cứu của mình. Cha Congar còn gặp ông Lambert Beauduin, người sáng lập Amy-Chevetogne đang bị câu lưu gần Paris rồi sau đó người du hành đến Amay để làm quen Linh mục Couturier, dù chỉ là chuyến du hành nhưng cha đã thắt chặt tình thân với ông giám đốc tờ Irénikon, Dom Lialine, vị đan sĩ gốc Nga này có lẽ là nhà đại kết đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Năm 1934, cha tổ chức một cuộc hội thảo bàn về K. Barth tại NXB Le Cerf. Năm 1937, cha đồng tổ chức tại Paris cuộc gặp gỡ trù bị cho Hội nghị Life and Work, sẽ diễn ra ở Oxford, gây được tiếng vang trong giới Công giáo. Tại đó cha còn liên hệ với Visser’t Hooft, sau này là Tổng thư ký đầu tiên của Hội đồng Đại kết các Giáo hội, nhưng lại bị đức Hồng y Pacelli không cho phép đi Oxford như một quan sát viên. Suốt những mùa hè năm 1936 và 1937, Yves Congar lặn lội sang Anh Quốc để tìm hiểu về Anh giáo. Tại đó cha gắn bó thân tình với tiến sĩ Ramsey, sau này là Tổng giám mục Canterbury. Năm 1938, cha tổ chức cuộc gặp gỡ đầu tiên cho các nhà đại kết Công giáo tại Saulchoir, mở màn cho việc thành lập “Hội nghị Công giáo về những vấn đề đại kết”, mà những ý tưởng đầu tiên được nẩy sinh từ giai đoạn này (xc. Pa 53). Trong những năm tháng ấy, cha là nhà giảng thuyết không mệt mỏi cổ xuý cho việc hiệp nhất, đặc biệt là tuần lễ cầu nguyện thường niên[15] ; như nhiều người đã biết, tác phẩm Chrétiens désunis ra đời từ những bài giảng tuần cửu nhật của cha tại nhà thờ Sacré-Coeur Paris.

Cũng cần nhấn mạnh đến những năm tháng đào luyện này vì chính khoảng thời gian này hé mở cho chúng ta thấy điều chính yếu làm nên tư tưởng Congar : cha không bao giờ xa rời việc tiếp cận sống động, vừa giàu tình huynh đệ vừa cụ thể, với các Kitô hữu ngoài Công giáo và nghiên cứu giáo thuyết của họ. Trong lĩnh vực này, cha tự đào luyện để trở thành một độc giả không mệt mỏi nhưng không phải đọc bất cứ cuốn sách nào : về kỹ thuật, cha đã trình bày việc học hỏi của mình qua một niên san về Giáo hội học, từ năm 1932 đến 1962 chiếm tới 250 trang chữ nhỏ với nhan đề Hội Thánh[16], mặc dù những năm tháng bị phát lưu tại Phổ và Silésie cha chẳng viết lách gì cả.

Tiếp xúc, học hỏi, nhưng còn cả lịch sử. Phần đóng góp cho tạp chí Visser’t Hooft, thể hiện rõ khả năng này trong công việc của cha Congar, liên kết chặt chẽ với những gì đã đi trước.

“Hiểu biết về những người khác chỉ có thể đầy đủ nếu trực tiếp và cụ thể […] đặc biệt được nuôi dưỡng bằng những hiểu biết về lịch sử. Tôi đã làm, tôi đang tiếp tục làm, và nếu Chúa cho phép, tôi sẽ luôn làm lịch sử [… lịch sử] là một trong những công cụ tốt nhất để tiếp cận chân lý và phục vụ chính chân lý ấy […]. Mỗi lần xem lại lịch sử, tôi luôn tìm thấy một điều gì đó mới mẻ và khác hơn những điều mà người ta đã nói với tôi […]. Nhờ lịch sử, tôi được thấy cuộc “Ly giáo Đông phương” và tôi nhận ra rằng người ta không thể nói ngay cả khi sự hợp thức được nhìn nhận không thể chối cãi […] từng bị những người bên Đông phương bác bỏ, họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc đoạn giao này : đúng hơn tất cả chúng ta đều đã tham gia vào một mối “bất hoà” tiệm tiến giữa hai thế giới khác biệt nhau […]. Cũng trong vấn đề này, tôi thấy lại ông Luther, mà những bản văn của ông dường như không tháng nào tôi không quay lại […]. Chẳng có gì sẽ được thực hiện cách nghiêm túc từ phía chúng ta đối với các anh em Thệ Phản bao lâu chúng ta vẫn còn chưa chịu hiểu và trả lại công bằng cho ông Luther. Vì sự xác tín này của mình, tôi sẵn sàng vui vẻ hy sinh cả mạng sống mình”[17].

 Phải chăng cha Congar là một sử gia thực thụ ? Ngay cả những sử gia chuyên nghiệp khó tính nhất cũng kính nể cha, tuy có đôi khi họ không coi cha như một người của mình. Sự thận trọng này phát xuất từ lỗ hổng chuyên môn của cha Congar, như chúng tôi đã nhấn mạnh điều đó ; thế nhưng điều đó sẽ làm cho cha cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tra vấn lịch sử về những tư tưởng, thuật ngữ hay một định chế nào đó ngõ hầu khôi phục lại những điều ấy trong bối cảnh toàn thể của chúng. Hơn nữa, điều ấy phát xuất từ những cái đang thôi thúc cha : người không bao giờ nghi vấn lịch sử vì lịch sử, nhưng để đối chiếu hiện trạng của Giáo hội với truyền thống của mình vốn phong phú và sâu sắc hơn những gì mà chúng ta chính thức lưu giữ vào thời của Đức Piô XII[18].

Như vậy, cha Congar là nguồn suối kỳ diệu dưỡng nuôi một thái độ cởi mở với các Giáo hội Kitô giáo khác và, trên thực tế, cha đã là một nhà cải cách Giáo hội, và nếu không có những anh em Kitô hữu khác chắc hẳn Vaticano II vẫn còn tăm tối khó hiểu và chính những con người ấy đã làm cho Vaticano II trở thành một công đồng đại kết bằng chính những chủ đề của mình.

Tạm kết : chính niềm đam mê vì sự hiệp nhất các Kitô hữu đã dẫn dắt cuộc đời cha Congar. Vì vậy, khác với những nhà thần học lớn của thế kỷ như Rahner hay Balthasar, cha là một nhà thần học mà cả thế giới có thể noi gương : cha thường xuyên quan tâm đến anh em Kitô hữu ngoài Công giáo, đến những suy tư của họ, đến lịch sử của họ và những gì mà chúng ta cùng chia sẻ với họ. Cần phải nhấn mạnh những thái độ cơ bản này trước khi phân tích một cách có hệ thống tương quan của cha Congar với phong trào đại kết với tư cách đó. Nhưng một từ còn mạnh thế hơn nữa về những đóng góp của cha đối với lịch sử Giáo hội Công giáo.

4. Một thần học gia uyên bác mà lộ trình cá nhân đã dự báo lộ trình của Giáo hội

Cha Congar từng ý thức rõ mình là người mở đường cho Vaticano II. Chính người đã diễn tả điều đó bằng những lời sau : “Tôi đã được mãn nguyện. Những mục tiêu lớn mà tôi cố gắng phụng sự đã đạt được tại Công đồng : canh tân Giáo hội học, Truyền thống, phong trào cải cách, phong trào đại kết, giáo dân, truyền giáo, các thừa tác vụ… đó là chưa kể đến phụng vụ và chức năng ca tụng của việc tuyên xưng đức tin mà chúng ta cử hành : những giá trị mà tôi tin tưởng hơn bao giờ hết” (Pa 90).

Những hoạt động của cha Congar ở công đồng tiếp tục ảnh hưởng bên trong Giáo hội nhờ việc xuất bản tập Nhật ký Công đồng[19] : cha còn ghi chú cá nhân mình từng đóng góp vào tám tài liệu đã được công bố[20].

Đó là kết quả từ thiên hướng đại kết của cha Congar : “Từ rất sớm, cha viết, tôi đã thấy phong trào đại kết không phải là hoạt động chuyên môn cho bằng một phong trào hoán cải và loại bỏ những căng thẳng cùng tồn tại trong đời sống của các Giáo hội. Tôi cũng nhận thấy rằng, đối với mỗi Giáo hội, công cuộc đại kết trước hết ở tại nhà mình, ở các giáo hữu của mình” (Pa 90).

Nếu trực giác phương pháp luận này, phần lớn thuộc phong trào đại kết, nhìn chung ngày nay đã đạt được mặc dù gặp phải cản trở của những người chống đối, thì chúng ta mắc nợ cha Congar rất nhiều. Hành trình cá nhân của cha không thể tách rời khỏi sự trưởng thành của phong trào đại kết Công giáo, chúng tôi muốn gợi lại điều đó, đặc biệt là dưới phương diện phương pháp luận, vì hiện thời phong trào đại kết đang đứng trước một chặng đường mới mà chúng ta sẽ thấy chặng đường này mang ơn cha Congar, ngay cả khi người không hề cảm thấy điều đó.

II- Những bước đường của công cuộc đại kết

1.         Bước thứ nhất : Chrétiens désunis (1937).

Với việc khám phá những người khác, sự ra đời được suy tư của phong trào đại kết Công giáo

Chrétiens désunis còn có tiểu đề : Principes d’un oecuménisme catholique (Những nguyên tắc của phong trào đại kết Công giáo). Một tác phẩm nói về một chương trình như vậy chưa hề xuất hiện trước đó. Cho đến lúc bấy giờ, ở cả Đức lẫn Pháp chỉ mới có những bài báo bày tỏ cảm tình với các Giáo hội ly khai và người ta chỉ có thể nói đến hai tạp chí Công giáo, cả hai đều bằng tiếng Pháp, là Irénikon (của các tu sĩ Biển Đức ở Bỉ) và Russie et chrétienté (của anh em Đa Minh Pháp thuộc Istina) nói về phong trào đại kết. Vì vậy đây là một tác phẩm tiên phong.

Khi cố gắng hiểu những chia rẽ trong chính sự hình thành giáo thuyết của chúng, cha Congar không chỉ gán cho chúng những nguyên nhân thuộc bình diện tín lý mà thôi. Đề cập đến sự tồn tại dai dẳng của chúng, cha ghi nhận rằng những chia rẽ này đã cuốn theo những hành vi nhấn mạnh đơn phương về chính sự kiện chia rẽ nơi tất cả các Giáo hội. Hiện thời, nhân tố gây chia rẽ mạnh nhất đang ngự trị, theo cha, trong ý muốn cứu vớt những giá trị đích thực và nhân danh những giá trị ấy mà người ta tự chia rẽ. Cha đã kết luận chương thứ nhất bằng một ý tưởng chủ đạo sau này trở thành đầu đề của một sắc lệnh của Vaticano II về đại kết Unitas Redintegratio : “vấn đề hiệp nhất […] là tái sáp nhập tất cả những giá trị Kitô giáo rải rác đó đây […] vào Công giáo (Catholica) hữu hình”[21], mà cha đã diễn tả một cách văn vẻ là “tái sáp nhập trong hiệp nhất” (ChD 333).

Sau cái nhìn thần học đầu tiên về sự chia rẽ, cha đề nghị một nền thần học về duy nhất tính và công giáo tính, cha lần lượt đối chiếu nền thần học này với phong trào Stockholm (Life and Work, vốn được coi là cởi mở), Anh giáo-Công giáo (Giáo hội hỗn hợp Anh giáo và Công giáo), rồi Giáo hội học Chính Thống, qua bản dịch tiếng Slave của cha. Chương trình này giúp cha thân quen với thính giả, rồi với các độc giả của mình cùng với các Kitô hữu mà chính cha đã khám phá. Nhờ đó cha có thể trình bày những nguyên tắc về phong trào đại kết Công giáo. Tránh nguyên tắc hoán cải cá nhân vốn không thể là một giải pháp vì chúng tránh né chính vấn đề, cha Congar muốn làm sáng tỏ quy chế của các Giáo hội ly khai trong tư cách như các Giáo hội đó đang có và tương quan của họ, luôn luôn trong tư cách mà những Giáo hội đó đang là, với Giáo hội đích thực.

Chúng ta sẽ cứu xét sức mạnh chủ yếu của những nguyên tắc mà nhờ đó cha đề cao giá trị của người Kitô hữu khi đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy : “tự bản chất, tất cả mọi người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy thực sự đều được gia nhập vào Giáo hội đích thực” (ChD 285). Đó sẽ là nền tảng của chương trình đại kết được Vaticano II lấy lại sau này. Khi bàn về các Giáo hội Đông phương, cha thấy họ thực sự là những Giáo hội địa phương (xc. ChD 304) và khẳng định rằng “sẽ không giả dối, với điều kiện phải được giải thích rõ, khi nói [theo ngôn ngữ của họ] về sự hiệp nhất các Giáo hội” (ChD 307). Về quy chế của các Giáo hội Cái cách, cha vẫn còn đang trong những bước khởi đầu[22]. Ngay từ thời đó, cha đã nhìn nhận rằng, đây là điều cực kỳ quan trọng, các Kitô hữu được cứu độ “không phải là bất chấp Giáo hội của họ nhưng trong và nhờ việc tuyên xưng đức tin của họ” (ChD 306), nhưng vấn đề được nói đến ở đây luôn dành cho những nhóm Thệ Phản “gần như hiệp nhất với Giáo hội” (ChD 306).

Tác phẩm kết thúc bằng một chương trình đại kết Công giáo, và để thực hiện chương trình ấy, cha dâng hiến cả cuộc đời mình. Trên bình diện tương quan hỗ tương, cha phải đấu tranh chống những thành kiến qua một tạp chí nghiêm túc[23], trong khi vẫn vun đắp tình bằng hữu. Trên bình diện thần học, cha thật có lý khi tiếp tục trở về với những nguồn gần gũi chúng ta. Còn sự hiệp nhất đang theo đuổi, cha xác định như sự tái sáp nhập tất cả vào trong Công giáo tính, mà người ta không thể lẫn lộn với Công giáo chủ nghĩa (catholicisme) như vốn có[24], và điều này không thể thực hiện nếu không cải tổ ngay trong lòng Giáo hội Công giáo, như chính cha đã triển khai trong một trong những tác phẩm quan trọng của cha. “Điều đó, cha tự hỏi, chẳng kém gì một cuộc cải cách trong Giáo hội ? Đồng ý : và tại sao người ta lại sợ hãi cải cách ? Tự bản chất, Giáo hội phải không ngừng canh tân”[25].

Kết luận : Cùng với Chrétiens désunis, cha Congar đã đặt nền tảng vững chắc cho phong trào đại kết Công giáo. Trên bình diện hiểu biết về những người khác, vững tin vào con đường riêng của mình, cha xác tín vào quan niệm phải phá đổ bức tường cao ngất của sự vô minh và thành kiến đang tồn tại giữa các Kitô hữu. Trên bình diện thần học, quay lưng lại với reductio graecorum hay với hành động bỏ đạo của các anh em Thệ Phản (xc. ChD 299), cha đã đặt ra tính duy nhất của phép rửa để làm nền tảng cho cuộc đối thoại đại kết. Cha đã nêu rõ rằng nỗi sợ đánh mất những giá trị quý báu nhất của chúng ta giải thích rõ sự tồn tại dai dẳng của những chia rẽ. Vì vậy tất cả các Kitô hữu phải tăng triển trong Công giáo tính, hiệp nhất trước tiên phải là, như Vaticano II đề cập 25 năm sau, một Unitas Redintegratio (tái lập sự hiệp nhất). Đối với cha Congar, công cuộc đại kết không thể là một chuyên môn đứng trước bảo đảm cho hoạt động của những tương quan giữa chúng ta với các Kitô hữu khác : công cuộc đại kết phải là một chiều kích của toàn bộ đời sống Giáo hội, vì sự hiệp nhất đòi hỏi phải cải tổ toàn diện.

Thời gian huấn luyện và khám phá tiếp nối nhau đối với cha Congar cũng là thời kiên nhẫn. Suốt thời kỳ thứ hai trong cuộc đời mình, do thời thế hay do chính Giáo quyền, cha Congar không được tiếp xúc với những người khác, cha đã làm việc theo đường hướng mà người ta đã giúp cha dự cảm được : sắp đặt lại ngôi nhà riêng của cha cho ngăn nắp, đào sâu và đổi mới Giáo hội học Công giáo. Chính điều đó mà cha góp phần một cách đặc biệt phong phú vào phong trào đại kết.

2.         Bước thứ hai : Những năm tháng kiên nhẫn

và sáng tạo, chuẩn bị cho Giáo hội Công giáo

bước vào đại kết (1939-1960)

Trực giác nền tảng : phong trào đại kết không phải là một lĩnh vực chuyên môn nhưng là một chiều kích toàn diện của đời sống Giáo hội

Chrétiens désunis có ảnh hưởng lớn ngay bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội Công giáo. Điều này củng cố thêm quyết định của cha Congar về việc phát triển tuyển tập Nghiên cứu Giáo hội Unam sanctam mà Chrétiens désunis là tập đầu tiên. Vì vậy, cha muốn phụng sự phong trào đại kết bằng cách khôi phục “việc giao lưu tư tưởng về nhiều đề tài và những giá trị của Giáo hội, đào sâu truyền thống […] ít nhiều bị lãng quên [để] phục hồi, trong chừng mực có thể, tính toàn diện của di sản Công giáo bằng cách [tham khảo] những nguồn này nhằm dưỡng nuôi tư duy sống động” (Pa 41).

Ý định rất rõ ràng : “tôi cảm thấy rất rõ tính liên đới của sự đổi mới quan trọng thể theo yêu cầu của phong trào đại kết, cùng với toàn bộ các phong trào của Giáo hội như mục vụ, Thánh Kinh, phụng vụ. Ngay từ sớm, tôi đã cảm thấy phong trào đại kết […] giả thiết một phong trào […] cải tổ bao trùm sinh hoạt của toàn thể các Giáo hội” (Pa 41).

Một công việc tập trung vào Giáo hội Công giáo, thời kỳ của sự kiên nhẫn và những nghi kỵ

Vào năm 1939, mười tám tháng sau sự xuất hiện của bộ Chrétiens désunis, tổng quyền dòng Đa Minh mời cha Congar đến để báo cho cha biết cuốn sách của cha gặp phải những “khó khăn rất nghiêm trọng” từ phía Roma, bởi cuốn L’unité dans l’Église của J.A. Mưhler, được coi như tập thứ hai của bộ tuyển tập mới Unam Sanctam, gây nhiều khó chịu cho giáo triều. Đối với cha Congar, năm 1939 ấy cũng mở đầu cho sáu năm chiến tranh và giam cầm dài đằng đẵng.

Ngay khi vừa mới trở về vào năm 1946, cha Congar biết mình vẫn còn bị nghi kỵ. “Từ đầu năm 1947 – cha Congar viết – cho đến cuối năm 1956, tôi không ngớt phải hứng chịu những tố giác, cảnh cáo, những biện pháp giới hạn hay loại trừ và những can thiệp đầy nghi kỵ” (Pa 65).

Chẳng cần phải đi sâu vào từng chi tiết. Chúng tôi chỉ muốn lưu ý, vào năm 1954, Giáo quyền vô căn cớ chụp mũ cha với phong trào linh mục thợ : cha bị tước mất ghế giáo sư, lúc đầu bị phát lưu sang Jordanie (ở Trường Thánh Kinh nằm ở phía Đông thành Jérusalem), hồi ấy là một nơi vô cùng xa xôi ; sau đó sang Cambridge và cuối cùng về Strasbourg, nơi đức giám mục J.J. Weber, nhà chú giải Thánh Kinh thuộc tu hội Sulpice (Xuân Bích), đứng ra bảo vệ cha. Đây không chỉ là thời kỳ của kiên nhẫn nhưng còn là thời kỳ của thử thách. Không thể chủ động tham gia phong trào đại kết, cha quay sang chuẩn bị phụng sự Giáo hội, nhất là việc xuất bản sách vở với tất cả mọi khả năng của mình.

1950 : Vraie et fausse réforme dans l’Église

Năm Thánh 1950 chẳng đem lại điều gì vui mừng cho sự xích lại gần nhau giữa những Kitô hữu chia rẽ. Đầu năm xuất hiện Huấn thị Ecclesia Catholica giới hạn sự tham gia của những người Công giáo vào các hoạt động của phong trào đại kết[26], biện pháp tăng cường dành cho cha Congar sau thông điệp Humani Generis ban hành vào tháng tám. Huấn thị tố cáo nền “thần học mới” của Pháp, nhất là những gì được giảng dạy ở Saulchoir và Fourvière bằng cách lấy lại những thuật ngữ trong văn kiện Sylballus như thuyết duy tân, thuyết duy nội tại, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hiện sinh, thuyết duy lịch sử[27]. Trong số những thuật ngữ ấy còn có thuật ngữ chủ nghĩa xu thời (irénisme) muốn chỉa mũi dùi vào cha Congar vì bộ Chrétiens désunis. Tháng 11, lần đầu tiên, Đức Pi-ô XII quyết định sử dụng đặc ân vô ngộ được Vaticano I nhìn nhận để ban bố Tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Mặc dù sống trong bối cảnh ấy, cha Congar vẫn can đảm, có thể nói là táo bạo khi cho xuất bản cuốn Vraie et fausse réforme dans l’Église (Cải cách thật và giả trong Giáo hội)[28]. Trong Lời nói đầu, tư tưởng, giọng văn và lối viết rất tao nhã và đầy chất Tin Mừng thật đáng chiêm ngưỡng. Dưới đây là một câu tiêu biểu :

            « Việc tự phê bình này về Giáo hội Công giáo rất thành thực […] tuyệt đối không bắt nguồn từ sự thiếu vắng niềm tin tưởng và yêu thương dành cho Giáo hội ; nhưng ngược lại, việc tự phê bình này phát sinh từ sự gắn bó sâu xa và quyết tâm tin tưởng vượt lên trên một số những thất vọng được cảm nhận rất sống động bởi vì đây là những thất vọng của một kẻ yêu thương và chờ đợi rất nhiều từ Giáo hội »[29].

Trong chừng mực mà một sử gia có thể thực hiện, tác phẩm này chắc chắn đã góp phần vào Vaticano II. Có một giai thoại kể rằng, thời cha Angelo Roncalli làm sứ thần Toà thánh tại Paris, ngài lưu giữ tác phẩm này trong thư viện của mình và ghi chú rất cẩn thận[30]. Ngay cả đức cha Montini, khi lên kế nhiệm chức Quốc vụ khanh cũng đích thân xin cha Congar một bản vì lúc đó cuốn sách này đã hết và bị cấm tái bản[31]. Nhưng phải giả thiết rằng giữa cuốn sách và việc triệu hồi chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau, rồi việc kế tục của Vaticano II, cha không chỉ dừng lại ở việc lưu hành và phục hồi trong Giáo hội Công giáo thuật ngữ và hiện trạng cải cách vốn đã bị bỏ xó từ thế kỷ XVI. Rõ ràng đây là sự đóng góp không nhỏ cho Giáo hội Công giáo, cho Công đồng Vaticano II và cả phong trào đại kết.

1952 : Le Christ, Marie et l’Église hay sự trở về với lập trường Dĩ Đức Kitô vi trung

Cuốn sách xuất hiện 18 tháng sau khi xác định tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, và như chúng ta đã biết, tín điều này khiến những tương quan đại kết vừa mới hình thành rơi vào bế tắc. Kể từ khi đức thánh cha ban bố tín điều này, Giáo hội Chính Thống vốn cùng tuyên xưng một niềm tin dưới tên gọi Đức Trinh Nữ ngủ giấc ngàn thu, nhất là một số giáo sư thần học, bày tỏ sự hoài nghi của mình về đề tài này và hố ngăn cách giữa hai Giáo hội càng thêm sâu rộng[32]. Còn anh em Thệ Phản ở Pháp và Đức và anh em Anh giáo thì lại thấy tín điều như một chướng ngại vật cố ý dựng lên đã cản trở việc xích lại gần nhau của các Kitô hữu ; dưới mắt họ, tín điều mới hoàn toàn không có nền tảng Thánh Kinh, lịch sử và thần học[33].

Trong cuốn sách này, có lẽ là một trong những tác phẩm thể hiện rõ nhất một nền thần học hệ thống, cha Congar nhấn mạnh “những khẳng định của người Công giáo về những ân sủng của Đức Maria củng cố thêm đức tin tông truyền sáng suốt đã được tuyên bố ở Công đồng Chalcedonia”, và cha còn nêu lên những khuynh hướng theo nhất tính thuyết trong Thánh mẫu học Công giáo, như của K. Adam và H.M. Kưster, người theo Palloti[34]. Cha thấy một người Công giáo khác là nhà thần học Graham Greene cũng tiêm nhiễm khuynh hướng này nên ngay sau khi ban bố tín điều cha đã trích dẫn tư tưởng của ông : “Việc Đức Kitô phục sinh có thể được coi như sự phục sinh của Thiên Chúa, nhưng sự phục sinh của Đức Maria báo trước sự phục sinh của mỗi chúng ta” ; đó là một tiểu thuyết tồi tệ của Nhất tính thuyết, cha Congar bình luận như vậy[35] ! Rõ ràng cha tố cáo những nguy hiểm của luận điểm coi Đức Maria là Đấng Trung gian, vì điều đó dẫn đến một Đức Kitô đầy thần tính, như một vị thẩm phán quá nhiêm khắc, trong khi Đức Maria lại tràn đầy lòng thương xót.

Tác phẩm này sẽ mang tính quyết định vào thời điểm mà văn chương về Đức Maria yếu kém thần học tràn lan và khoa Thánh mẫu học tự xây dựng thành một chuyên ngành gần như tự trị. Kết luận của cha rất chắc chắn : “Không có thần học của một Kitô hữu nhiệt tâm nào mà lại phát xuất từ thần học suông, vì thần học phải tuân theo những dữ kiện khách quan của mạc khải một cách nghiêm ngặt”[36]. Quan điểm thần học của cha về Đức Maria sau này được Vaticano II đưa vào chương VIII và là chương cuối cùng của hiến chế Lumen Gentium. Đạt được kết quả này không phải chuyện dễ. Tại công đồng, người ta ghi nhận có rất nhiều phát biểu của các giám mục về đề tài Đức Maria, nhiều hơn cả những gì liên quan đến sứ mạng riêng của các vị ấy. Phương hướng cuối cùng chỉ đạt được một đa số nhỏ. Chắc chắn những định hướng cơ bản của cha Congar từ năm 1952 đóng vai trò lớn hơn cả sự hiện diện của cha ở tiểu ban về vai trò trung gian của Đức Maria tại Uỷ ban thần học trung ương của công đồng[37].

1953 : Jalons pour une théologie du lạcat (Những cột mốc cho một nền thần học giáo dân)

Không thể sánh với Vraie et fausse réforme dans l’Église, nhưng cuốn Jalons vẫn thể hiện sự đóng góp chủ yếu trong công trình của cha Congar hướng đến việc “tái sáp nhập Công giáo” giúp cho Giáo hội cởi mở với phong trào đại kết. Vào thời đó, quy chế thần học và việc sống đạo của người giáo dân trong Giáo hội Công giáo là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cản việc xích lại gần với Giáo hội phát sinh từ Cải Cách.

Vấn nạn đã được xác định, ngay từ thế kỷ XVI, xung quanh đề tài chức tư tế cộng đồng của người tín hữu. Chức tư tế phổ quát của người tín hữu là một trong những cái riêng của các Giáo hội Thệ Phản trong khi Giáo hội Công giáo lại dành riêng chức vụ này cho các linh mục. Nửa thế kỷ trước cuốn sách của cha Congar, tình trạng này đã được diễn tả một cách châm biếm đến nỗi trở nên rất nổi tiếng trong Kirchenlexikon oder Encyklopdie der katholischen Theologie. Về vấn đề này, người ta đọc thấy :

« Không ai có thể suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng có chức tư tế của người giáo dân. Đó là dấu chỉ thô thiển thiếu đầu óc nhận xét và chú giải lầm lạc rằng ước muốn xây dựng điều đó phát xuất từ I P 2,5.9. Rõ ràng ở đây người ta chỉ nói một cách không phù hợp về chức tư tế của các tín hữu, hoàn toàn thứ yếu, vốn giả định rằng có sự hiện hữu của chức tư tế công hiệu thực sự[38].

Vì vậy cha Congar có trực cảm minh bạch hơn việc xem xét lại vốn cần thiết về tất cả các chương sách này. Jalons đề xuất điều ấy bằng cách khôi phục lại, theo một lộ trình truyền thống, chức năng tư tế của người giáo dân trong Giáo hội, chức năng vương giả (quản trị) và ngôn sứ (giảng dạy). Vì vậy, nhằm đem lại lợi ích cho khoa Giáo hội học Công giáo, cha đã đón nhận học thuyết của Calvin về tria munera[39] mà Lumen Gentium đã áp dụng và sau đó đến lượt Bộ Giáo luật 1983.

Đôi khi cha Congar, là một nhà sử học hơn là một nhà thần học hệ thống, đề nghị một sự nối kết phức tạp và không mấy thoả mãn giữa hai chức vụ tư tế ; cha vẫn là người tiên phong trong một thời gian dài, như đầu đề của một trong những cuốn sách của cha Sacerdoce et lạcat devant leurs tâches d’évangélisation et civilisation[40] đã cho thấy điều đó. Sự giới hạn này có lẽ chẳng có gì xa lạ với những thất bại của Presbyterorum Ordinis mà cha từng tham gia soạn thảo[41]. Trong bản văn rất hay ra đời năm 1971, “Con đường của tôi trong thần học về người giáo dân và các thừa tác vụ”, cho thấy cuốn sách của cha đã giải quyết thoả đáng vấn đề : Những thừa tác vụ và hiệp thông Giáo hội[42], mãi sau này chính cha thú nhận đã khám phá một nền thần học rất quân bình về thừa tác vụ có thánh chức[43], do một phần lớn là vì khoa Thánh Linh học dần dần đã giữ một vị trí quan trọng hơn trong thần học của cha, và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập niên 1970[44].

Một điểm khác biệt đáng kể nữa giữa Công giáo và Thệ Phản thuộc về vai trò của người giáo dân. Theo một câu châm ngôn được Melanchthon trình bày rất rõ trong Apologie de la Confession d’Augsbourg ngay từ năm 1531 : “Không được gán cho Giáo hoàng những gì khi nói về Giáo hội” (non est transferendum ad pontifices quod dicitur de ecclesia)[45]. Nói khác đi, cơ cấu phẩm trật và đức giáo hoàng không thể độc quyền chiếm lấy tất cả những gì được nói về người Kitô hữu trong Tin Mừng : không một lĩnh vực nào mà họ không đòi cho được quyền tuyệt đối (anypeuthynon) trong Giáo hội. Cha Congar đã nhận thấy vấn đề bằng trực cảm, như công việc của cha về Quod omnes tangit[46] chứng tỏ điều đó, về nền tảng mang tính công đồng của Giáo hội[47], hay về sự tiếp nhận[48], nhưng không bao giờ cha bàn đến điều đó như chính nó trong những ấn bản này ; cha chẳng trích dẫn câu châm ngôn của Melanchthon, ngay cả trong Jalons pour une théologie du lạcat, vì những chú thích cuối trang luôn luôn rất đầy đủ.

Đọc Nhật ký Công đồng của cha Congar ta thấy cha dị ứng với quan niệm thông thường về kiểu chế độ quân chủ của giáo hoàng và quyền tối cao của đức giáo hoàng dường như đặt giáo hoàng lên trên Giáo hội[49].

Jalons là một tác phẩm lớn : cuốn sách này đã thay đổi hình ảnh mà thần học Công giáo từng trình bày về người giáo dân, điều đó giúp Vaticano II đạt được những bước tiến, nhất là qua việc áp dụng lược đồ tria munera, bằng việc khôi phục tính toàn vẹn của phép rửa, vị trí cơ bản tương ứng giữa dân Thiên Chúa và ơn gọi của mình, ba đề tài trực tiếp mang giá trị đại kết và làm nên học thuyết của Công đồng. Nếu cha đã gây được nhiều chú ý qua việc soạn thảo hiến chế Gaudium et Spes, thì khá nghịch lý, hầu như không mấy ai chú ý đến cha qua việc soạn thảo sắc lệnh về Tông đồ giáo dân[50].

1960-1963 : La tradition et les traditions[51]

(Truyền thống và những truyền thống)

Khác với những lần xuất bản trước, công trình nghiên cứu về Truyền thống gồm hai tập của cha Congar có lẽ không được giới thiệu như một tác phẩm tiên phong. Tác phẩm này ra đời giữa những công trình có giá trị khác[52], ít lâu trước khi vấn nạn được giải quyết thông qua việc bỏ phiếu sắc lệnh về Mạc khải (sắc lệnh này chối bỏ partim/partim) cũng như cuộc họp của Foi et Constitution ở Montréal vào năm 1963. Chúng tôi chỉ trưng dẫn một cách đơn giản như một thí dụ nữa về trực cảm đặc biệt của nguồn thần học đậm nét Congar.

Kết luận :

Xác tín mạnh mẽ vào ơn gọi của mình và vào một đặc sủng hiển nhiên, cha Congar đã bắt đầu phụng sự phong trào đại kết bằng việc gặp gỡ huynh đệ với những người khác, với lịch sử của họ, với giáo thuyết và những giá trị Kitô giáo của họ. Khi con đường này bị cấm, cha đã nhận thức hết sức sâu xa được rằng phong trào đại kết, đối với bản thân cha, sẽ là một chiều kích trong công tác thần học của cha ngay giữa lòng Giáo hội cha đang sống. Giáo hội phải tự cải tổ bằng cách về nguồn ; quy hướng về Chúa Kitô, nhất là bằng việc điều chỉnh lại khoa Thánh mẫu học đã đi quá đà ; trả lại cho những người đã rửa tội toàn thể trách nhiệm của họ, bằng cách đặt lại vị trí của hàng giáo sĩ trong Giáo hội.

Nhờ hồng ân kỳ diệu, tất cả những đường hướng này đều được giải quyết bằng một công đồng chung không chỉ trong ý định và quy điển nhưng bằng những định hướng giáo thuyết của cha gây bất ngờ cho cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội. Chúng tôi xin nhắc lại, rất hoạ hiếm có một nhà thần học nào biểu hiện trước và ảnh hưởng đến đời sống Giáo hội nhiều như cha Congar.

Chính cha Congar thú nhận mình đã được mãn nguyện (xc. Pa 90). Sau những đóng góp đó, cha có thể nghỉ ngơi với vòng nguyệt quế của mình. Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, cha lại cảm nhận và muốn mở rộng khoa giải thích học mới cho công cuộc đối thoại đại kết, chẳng hạn như cảm thức chung về tính khác biệt vốn đặc trưng của thế kỷ XXI.

3          Bước thứ ba : hướng tới một khoa giải thích học về sự khác biệt được giao hoà, Diversités et Communion (1982)

Sau Vaticano II, cha Congar không bằng lòng với tư cách là một nhà bình giải[53]. Làm việc cật lực, trong thời gian diễn ra công đồng, cha đã thành công trong việc xuất bản công trình rất bác học : Les Traités anti-donatistes[54]. Cha lại bắt tay vào việc với L’ecclésiologie de haut moyen âge (1968) và L’Église de saint Augustin à l’époque moderne (1970). Thế nhưng cha không ẩn mình trong những công trình uyên bác mà vẫn tiếp tục tham gia vào phong trào đại kết, thực ra cha không bao giờ rời bỏ phong trào này.

1973 : “Dix ans apres”[55], một khoảnh khắc băn khoăn

Vào năm 1969, cha luôn mong muốn được gần gũi với kinh nghiệm của những người Công giáo bình thường, nhưng người ta cảm thấy cha đang bị lạc hướng. Sự xuất hiện của phong trào đại kết bên ngoài hàng giáo sĩ mà ngày hôm nay người ta không còn nói đến nữa đã chỉ cho cha thấy một lỗ hổng của phong trào đại kết trên bình diện thần học và định chế.

Đối với những nhóm Kitô hữu tin tưởng họ có thể nhìn thấy trước được sự hiệp nhất của toàn thể các Giáo hội thông qua sự hiệp nhất giữa các Giáo hội của họ, cha báo hiệu cho thấy một mối hiểm hoạ về các cuộc chia rẽ mới, có thể tiên đoán được từ phía Giáo hội đặc sủng hay “Tin Lành”. Việc thúc đẩy tiến đến sự hiệp thông bí tích liên Giáo hội khiến cha e ngại một tình trạng “Thệ Phản hoá” của Giáo hội Công giáo. Do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng, nên cha mong muốn xích lại gần Giáo hội Chính thống và tin tưởng vào căn tính Công giáo của Giáo hội này. Vào thời điểm này, tương lai của phong trào đại kết dường như cha đã không thể dự đoán trước được, cũng không thể hình dung được, chẳng khác nào tương lai của chính Giáo hội vậy. Nhưng rồi cha đã tự trấn tĩnh.

1979-1980 : Je crois en l’Esprit Saint (Tôi tin vào Chúa Thánh Linh), đi sâu vào khoa Thánh Linh học

Sáu năm sau, cha đã soạn thảo một khoa Thánh Linh học trong một bộ ba cuốn : Je crois en l’Espris Saint[56]. Trong công trình này, cha Congar nhằm mục đích làm xích lại gần với Giáo hội Chính Thống và đồng thời củng cố lại phong trào đặc sủng. Phần cuối của công trình này đã cho thấy rõ cha luôn luôn trung thành với trực giác sâu xa hơn của tác phẩm Chrétiens désunis : “đóng góp cho công trình thánh thiện nhằm tái hoà nhập các Kitô hữu vào trong mối hiệp nhất : mối hiệp nhất này không phải là một sự đồng nhất hay một thứ chủ nghĩa đế quốc, nhưng là sự hiệp thông nhờ Đấng, khi phân phát các đặc sủng vô cùng khác nhau và phong phú của mình, đã muốn quy tụ tất cả mọi người về cùng Chúa Cha, qua Đức Kitô”.

Nếu trực giác thần học vẫn luôn luôn đồng nhất như vậy, thì hành trình phương pháp luận kể từ Chrétiens désunis trở đi lại vô cùng rộng lớn, như tác phẩm tầm cỡ cuối cùng của cha được xuất bản vào năm cha đã 78 tuổi sẽ chứng minh điều đó.

1982 : Diversités et communion, phác hoạ một khoa giải thích học về sự khác biệt được giải hoà

Như chúng ta đã biết, cha Congar không phải là một con người của hệ thống. Việc đào tạo triết học của cha đã không giúp cha mở ra với những phương pháp nghiên cứu đa ngành (cha trở thành một sử gia là do nỗ lực đào luyện cá nhân) ; việc đào tạo này cũng không đem đến cho cha sở thích đối với những suy tư mang tính tri thức luận. Thật đáng khâm phục hơn khi mà niềm đam mê của cha dành cho sự hiệp nhất đã dẫn đưa cha đến chỗ kết thúc hành trình của cả một đời người qua những suy tư mang tính giải thích học về công cuộc đại kết.

Khi tiến hành theo phương pháp tâm đắc của mình, tức là phương pháp phê bình lịch sử các học thuyết, được xây dựng trên một nền tảng văn hoá sâu rộng, cha đã thành công trong việc chứng minh rằng đặc tính duy nhất của Giáo hội Công giáo đã luôn luôn là một sự hiệp nhất trong sự khác biệt, dẫu rằng ý hướng này gần đây đã bị lu mờ nhiều. Tân Ước đã quả quyết điều đó. Giáo hội cổ xưa cũng vậy : chúng ta hãy nghĩ đến những khác biệt về ngày lễ Vượt qua hay nghĩ đến quan niệm lý tưởng nhất về một Giáo hội chưa bị phân chia. Tính duy nhất của đức tin đã luôn luôn chuẩn nhận sự đa dạng của các công thức tuyên tín, đến nỗi thuật ngữ “đa phức”, một thuật ngữ mà cha rất thích dùng nhằm giải thích các bản văn này, được cha nhìn nhận như một giá trị nội tại của tính duy nhất Kitô giáo.

Qua nhiều bước thăm dò liên tiếp, trước hết cha đã minh chứng cho thấy nhiều quan niệm, dù bên ngoài xem ra không thể tương hợp được với nhau, đã cùng tồn tại như thế nào trong sự hiệp thông giữa Kitô giáo Đông phương và Tây phương. Chẳng hạn, trong lãnh vực bí tích, nơi đâu mà những người Hy Lạp tiến hành khai triển với những phạm trù thích đáng và nhiệm cục, thì những người La Tinh lại dùng đến những phạm trù hợp pháp và hiệu lực. Đây chỉ là một trong nhiều thí dụ mà cha đã nghiên cứu. Cuộc điều tra trên bình diện lịch sử của cha đã củng cố niềm xác tín của bản thân vào sự thiên hình vạn trạng vốn gắn liền với Công giáo tính, đây là điều từ nay trở đi sẽ mở đường cho cha bước vào một khoa giải thích học về sự “khác biệt được giao hoà”.

                « Giữa Đông phương và Tây phương, tất cả những gì là chính yếu thì vừa đồng nhất vừa khác biệt. Chính cái đồng nhất cũng là cái khác biệt ; những cái khác biệt vốn phải được nhìn nhận và phải được tôn trọng, là những cái khác biệt trong một căn tính đồng nhất sâu xa. Có rất nhiều việc phải làm từ phía này cũng như phía kia, ngõ hầu những điều này được hiện thực hoá, được sống, và dẫn đưa đến chỗ phục hồi lại sự hiệp thông trọn vẹn » (Pa 108, tháng 12-1973).

Ngay cả một vấn nạn thuộc bình diện tín lý, thì vấn nạn ấy cũng liên hệ đến chính khoa giải thích học. Cha đã lấy trường hợp chữ Filioque (và Chúa Con) làm thí dụ

« Nghiên cứu về việc nhiệm xuất của Chúa Thánh Linh [...] dẫn đưa đến chỗ nhìn nhận rằng đã có hai cấu trúc về mầu nhiệm này, mỗi cấu trúc đều mạch lạc và hoàn chỉnh – và không thể xếp các cấu trúc này chồng lên nhau. Đây là trường hợp áp dụng kiểu nói của Bohr : “cái đối lập của một xác quyết đích thực là một xác quyết giả tạo, nhưng cái đối lập của một chân lý thâm sâu có thể lại là một chân lý sâu xa khác”[57]

Tiếp sau đó, khi quay sang những cuộc tranh luận khiến gây ra chia rẽ giữa các Kitô hữu Tây phương, cha đã hơn một lần nhắc lại lịch sử này, bởi lẽ đối với cha : “nhìn nhận trọn vẹn sử tính về những xác quyết trong đời sống Giáo hội không phải là đường hướng tư duy của một thứ chủ nghĩa tự do hạng bét, nhưng đây là điều kiện cho một chân lý lớn lao hơn, đây là sự vắng bóng của những điều vốn đã tạo nên “não trạng giáo điều”[58].

Trong chiều hướng tư duy này, cha đặc biệt nghiên cứu cuộc tranh luận xoay quanh những “tín điều căn bản”, và cha còn dựa nhiều hơn nữa vào sự phân biệt giữa Truyền thống và các truyền thống, vào “phẩm trật các chân lý” đã được Công đồng Vaticano II ca tụng, và nhất là cha đã dành một tầm quan trọng lớn lao hơn cho khái niệm về “sự khác biệt được giao hoà”, do Harding Meyer hình thành và đã được Hiệp hội Thệ Phản Thế giới chấp thuận[59]. Trong Les Entretiens d’automme (Những cuộc trò chuyện mùa thu) của mình, cha còn đề cao hơn nữa giá trị của sự khác biệt được giao hoà này : “đây là một sự diễn tả mà chúng ta cần phải dành một ý nghĩa chính xác cho sự diễn tả ấy, và xét về bản chất, tôi hầu như chấp nhận nội dung của nó”[60].

Mỗi một diễn ngữ mà cha Congar sử dụng trong các mệnh đề giải thích của mình – đa nguyên, các tín điều căn bản, tiên đề thần học, Truyền thống và các truyền thống, tiếp nhận lại các tín điều, phẩm trật các chân lý, sự khác biệt được giao hoà – đáng phải được bàn thảo thấu đáo, bởi vì mỗi khái niệm trong các khái niệm này đều có một ý nghĩa chuyên biệt. Trong từng trường hợp, những khái niệm này có nguồn gốc riêng, chức năng đặc biệt và giới hạn của chúng. Để cho những khái niệm này không bị hoà tan theo những cách tiếp nhận, thậm chí theo những phương pháp loại suy, và không suy tư phản tỉnh, thì cần phải xác định chính xác và làm cho các khái niệm này được trở nên rõ ràng. Cha Congar đã không thực hiện công việc này theo một cách thức thấu đáo. Tuy nhiên, đã hơn một lần, trực giác của cha đã giúp cha có thể dự đoán trước được những phạm trù đầy mới mẻ trong khoa giải thích học mang tính đại kết vào buổi đầu của thế kỷ XXI.

Khoa giải thích này phức tạp hơn nhiều so với phương pháp tiếp cận mệnh đề của các chân lý đức tin, một phương pháp đặc trưng của Giáo hội Thệ Phản và hơn nữa là của giáo huấn Roma vào nửa đầu thế kỷ XX, cha đã phải đụng chạm một cách vô cùng đau đớn với chính giáo huấn này, và cha đã tìm cách phân tích vô cùng sâu sắc giáo huấn này trong nghiên cứu của cha về Denzingertheologie[61].

Sự hiệp nhất các Kitô hữu đã cuốn hút tâm tư cha mạnh mẽ gấp bội so với một nền tri thức luận thần học[62], chắc hẳn cha sẽ phải vui mừng biết mấy về bản văn sự đồng thuận trong những điểm dị biệt về ơn công chính hoá đã được Giáo hội Công giáo và Fédération luthérienne mondiale (Hiệp hội các giáo hội Luther thế giới) ký kết tại Augsbourg 31-10-1999 ? Lẽ nào cha lại không vui sướng khi biết được những thoả thuận rất thân tình về bí tích Thánh thể giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Đông phương ở Syrie, thoả thuận này được thiết lập mặc dù quy điển Thánh Kinh của chúng ta có hơi khác biệt một chút, và mặc dù Giáo hội này không chấp nhận con số bảy bí tích, và trần thuật về việc Thiết lập Bí tích Thánh Thể không có trong kinh tiến hiến (anaphore) của họ là Addạ và Mari ?

III. Yves Congar và một khoa giải thích học

Cha Congar rất thích trưng dẫn câu ngạn ngữ thời Trung đại : “chúng ta chỉ là những chú lùn đứng trên vai những người khổng lồ”. Tinh thần của cha đã giúp chúng ta bước vào trong một vùng đất mới. Tuyệt nhiên không hề rơi vào khủng hoảng, phong trào đại kết kể từ ba mươi năm nay đã có những bước tiến triển mạnh mẽ hơn cả trong khoảng bốn thế kỷ trước đó ! Theo giải pháp trung gian, chúng tôi không thể nói về cuộc khủng hoảng chiếu theo những sự kiện, cả ở Tây phương cũng như ở Đông phương.

Sự đồng thuận trong những khác biệt được ký kết tại Augsbourg vào năm 1999 đã đặt dấu chấm hết cho sự bất đồng xoay quanh anh em Cải Cách. Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng bởi lẽ tín khoản về ơn công chính hoá, theo quan điểm của Luther, không chỉ là một tín khoản mà vì đó Giáo hội có thể đứng vững hay ngã quỵ (articulus stantis vel cadentis ecclesiae), nhưng còn là một tín khoản thẩm định tất cả các tín khoản khác. Đây là một bản văn tràn đầy hứa hẹn đối với sự hiệp nhất các Kitô hữu, bởi lẽ bản văn này đã chứng minh rằng sự thống nhất trên bình diện giáo thuyết không có nghĩa là sự đồng nhất. Tự bản văn đã nói lên rằng chúng ta có thể “dung hoà những khác biệt” (Tuyên bố chung về ơn Công chính hoá năm 1999, số 14) và “những khác biệt hiện vẫn còn tồn tại trong ngôn ngữ, trong các hình thức diễn tả của thần học và những điểm nhấn mạnh đặc biệt trong việc hiểu biết về ơn Công chính hoá đã được giải quyết trong sự đồng thuận này” (ibid. số 40). Trên bình diện tri thức luận, chúng ta có quyền đi ngay vào sự kiện là : các công thức đức tin không thể tách biệt khỏi những ngôn ngữ chuyển tải chúng, và như thế tương đối hoá cơn cám dỗ về sự chính thống của các mệnh đề [63].

Từ giờ trở đi, chúng ta sẵn sàng nhìn nhận rằng Giáo hội duy nhất (Église unitaire) là kẻ thù của Giáo hội là một (Église une)[64]. Cần phải mạnh mẽ ghi nhận rằng tại Đông phương, bản thoả thuận Augsbourg (sự đồng thuận trong những khác biệt) đã tìm được sự quân bình của mình trong việc duyệt xét lại trên bình diện tổng thể các công thức Kitô học cổ xưa, kể từ khi Đức Piô XII nhìn nhận thuyết nhất tính (monophysisme) là ngôn từ thuần tuý của những người không theo Công đồng Chalcédonia[65].

Tại Đông phương, bản Tuyên bố Balamand cũng luôn luôn là một tuyên bố mang tính lịch sử. Trên bình diện các nguyên tắc, Tuyên bố này đã đặt dấu chấm hết cho một cuộc tranh cãi lâu dài xung quanh tính duy nhất (uniatisme), và đặc biệt trong số 14, bản tuyên ngôn này đã tuyên bố rằng “Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống cùng nhìn nhận nhau như là những Giáo hội chị em, cùng nhau đảm nhận trách nhiệm gìn giữ Giáo hội của Thiên Chúa trong sự trung thành với chương trình của Người, đặc biệt là trong những gì liên quan đến tính duy nhất”[66].

Những phản kháng của một số giới Công giáo đối với Tuyên bố Balamand – chỉ cần trích dẫn Dominus Iesus và Văn thư mật của Thánh bộ Giáo lý Đức tin ngăn cấm việc nhìn nhận Giáo hội Chính Thống như là chị em của Giáo hội chúng ta, cũng như cuộc tranh luận về vấn đề này giữa hai hồng y Ratzinger và Kasper[67] là đủ – xác nhận qua các sự kiện rằng cha Congar đã có lý. Công cuộc đại kết sẽ vô cùng hời hợt nếu nó chỉ nhắm đến việc quản trị những mối tương quan ngoại tại của chúng ta, và dựa trên bằng chứng hiển nhiên mà xét thì công cuộc đại kết đã trở thành một vấn đề sống còn nội tại[68]. Bài học đầu tiên cần được rút ra từ cha Congar là : trong tương lai không cần phải tiếc nuối một kiểu tranh luận như thế, nhưng đúng hơn phải vui mừng vì điều ấy.

Từ cha Congar, chúng ta rút ra bài học thứ hai đó là : đừng lấy làm phiền lòng vì trong Giáo hội Công giáo, tất cả mọi khu vực không ở trong cùng một mức độ đại kết. Khi tuyên bố nhiều lần liên tiếp rằng Giáo hội Công giáo đã dấn thân một cách không thể đảo ngược vào trong tiến trình đại kết, Đức Gioan Phaolô II đã đảm bảo rằng hết thảy mọi người Công giáo đều phải bước lên toa tầu của Chrétiens désunis và Unitatis Redintegratio. Nhưng sẽ là chẳng khôn ngoan chút nào nếu đòi hỏi tất cả mọi người đều phải đi toa tàu cuối cùng của khoa giải thích học mới mẻ mà cha Congar đã sáng suốt dự cảm được. Những vấn nạn này không đồng nhất ở tất cả mọi nơi và cũng không chín muồi theo cùng một nhịp độ trong mọi khu vực dưới gầm trời này.

Trái lại, ước mong rằng công tác thần học tại các trung tâm đại học cần phải làm việc theo một cung cách quyết liệt hơn nữa ngõ hầu giúp cho khoa giải thích học này tiến triển không ngừng, và hiện tại cũng ước sao chúng ta sớm bước ra khỏi phương pháp luận lý về chân lý mang tính mệnh đề nhằm củng cố các khả năng có thể phát sinh từ việc chấp nhận một kiểu luận lý mang tính hệ thống[69]. Một nền thần học bắc nhịp cầu quan hệ sống động với môi trường văn hoá của mình có nhiệm vụ phải tranh luận về vấn đề “trở về ngôn ngữ học” và phải là một Wittgenstein thứ hai. Công tác suy tư nền tảng về bản chất và vai trò của các học thuyết thần học có thể được nuôi sống nhờ những điều ấy. Trái ngược với những gì người ta vẫn thường suy tư cách tự phát, điều đó không nhất thiết kéo chúng ta tách xa khỏi Giáo hội chính thống[70]. Việc nêu bật một đề tài mang tính thời sự như thế này chắc chắn nhằm tôn vinh những ước nguyện của một Congar sau cùng, Congar của Diversités et communion. Cuộc tranh luận này đã tìm được điểm xuất phát có khả năng cống hiến nhiều hoa trái trong một cuốn sách của George Lindbeck, được xuất bản từ hai muơi năm trước nhưng vẫn luôn mang tính thời sự, nhằm bàn về bản chất của các học thuyết, cuốn sách này chắc chắn được viết ra từ chính kinh nghiệm đại kết của Geogre Lindbeck[71]. Khi cho thấy những giới hạn cả trong sự chính thống của các mệnh đề truyền thống cũng như của chủ nghĩa tự do hiện thời, ông muốn giải thích như thế nào và tại sao những nhà đại kết ngày hôm nay lại đạt được sự đồng thuận căn bản về những vấn đề mà ngày xưa đã gây nên những cuộc tranh cãi kịch liệt, tất nhiên mỗi bên đều ý thức phải luôn luôn trung thành với chính mình. Vấn đề then chốt không hệ tại ở việc nối kết xa lạ giữa cái liên tục và cái thay đổi, cái duy nhất và cái khác biệt, nhưng hệ tại ở tính khả tri của chúng. Đây là vấn nạn không ngừng khiến Congar bận tâm. Khi đào sâu vấn nạn này đến cùng, chúng ta mới có thể trung thành với thiên tài của cha và chúng ta được trang bị cách tốt nhất ngõ hầu thúc đẩy sự hiệp nhất của các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi, sự hiệp nhất vốn đã lôi cuốn toàn bộ nỗi đam mê của con người mà chúng ta đang kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro